Announcement

Collapse
No announcement yet.

Ông Tiên Khồng

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ông Tiên Khồng

    Ông Tiên Khồng

    Nguyễn Thị Ngọc Lan

    Trong đời tôi lần đầu tiên tôi thấy Ba tôi khóc đó là ngày mà cả gia đình tôi gồm Bác tôi( Chị cuả Ba tôi) Mợ tôi, cô tôi, tôi và em tôi vào thăm Ba trong trại Học Tập Cải Tạo ở Cà –Tum.

    Nhìn thấy Ba ốm yếu như bơi trong bộ đồ lính còn dính đầy máu me vừa khô lại, và chống hai cái nạng đi ra, cả nhà không ai cầm đựơc nước mắt, làm Ba tôi cũng khóc theo như chưa bao giờ Ba khóc như vậy. Ba nói “Ba tưởng là Ba chết rồi, vì tai nạn lao động, cả hội trường mới cất xong bị đổ sụp xuống, hơn mười người chết chỉ mình Ba sống sót, nhờ phước đức ông bà để lại”. Thấy Ba mà đứt ruột. Nhớ ngày nào Ba còn hiên ngang trong bộ đồ lính, đi vào văn phòng, hai bên hai hàng lính đứng nghiêm thẳng tắp giơ tay chào Ba, thấy Ba thật oai phong.

    Mới hôm nào Ba chở tôi đi học, đi dọc đường cứ thấy mấy người lính giơ tay chào Ba, hỏi Ba “Ai vậy Ba?” Ba bảo “Nào có biết là ai, lính trong tiểu đoàn, họ chào thì mình phải chào lại”. Ngày nào thấy Ba oai phong như thế mà bây giờ, nhìn thấy Ba thương quá mà không biết làm sao hơn. Cả một miền Nam đều chịu chung số phận, chứ đâu phải riêng mình.

    “Trong cái rủi có cái may, nhưng trong cái may cũng có cái rủi” Vì Ba tôi bị tai nạn lao động nên được về sớm, chưa đầy ba năm ba được về nhà, ngày ba tôi về cả nhà mừng lắm như Ba vừa đươc sống trở laị, tôi chạy lăng xăng quanh Ba, rót nước và quạt cho Ba, cả xóm đều đến hỏi thăm và mừng cho Ba được về đoàn tụ với gia đình. Ở nhà chưa được bao lâu thì Ba phải đi lên Lâm Đồng lao động sản xuất vì theo chính sách của nhà nước sĩ quan chế độ cũ không được ở trong thành phố, nếu không có công ăn việc làm.

    Thế là một mình Ba phải lên ở trên Lâm Đồng coi rẫy cà-phê cho bác tôi, Ba vừa chăm sóc cà-phê, vừa trồng các thứ đậu: đậu xanh, đậu đen, bắp… Ba tôi lại nuôi heo và một đàn gà, đặc biệt là gà trống thiến, Ba đi đâu là cả đàn gà chạy theo Ba trông rất vui, vì Ba bới trùn và thảy bắp cho chúng ăn. Ba lại mở một quán nhỏ bán đủ thứ cho dân ở bản làng Thượng gần đó. Một thân một mình Ba sống ở rẫy nhưng Ba tôi vẫn làm ra tiền để phụ lo gia đình. Tết Ba đem về nào là cafê, đậu xanh để gói bánh chưng và cặp gà trống thiến thật to, lại còn cho Mợ tôi tiền để lo cho chị em tôi ăn học. Nghỉ hè là tôi đem gạo lên cho Ba tôi, ban ngày ra rẫy với Ba, tối về nhà Bác tôi ngủ, nhưng ba tôi chả để cho tôi làm cái gì cả, thấy Ba làm việc cực khổ nhưng Ba không buồn và chỉ mong cho tôi học giỏi ra trường có việc làm là Ba vui rồi. Buồn nhớ nhà thì Ba tôi làm thơ sáng tác nhạc và hát nghêu ngao. Tôi nhớ Ba tôi có một bài “Ông Tiên Khồng là Ông Không Tiền”. Nghe thấy cũng vui. Nghe Bác tôi kể, lúc ba tôi còn bé cũng có nhiều nick name, Bác tôi thì gọi Ba tôi là “Ông ồng”vì Ba tôi hiền, ai nói phải nói trái gì Ba tôi cũng cười mà không cãi lại. Chú tôi thì gọi Ba tôi là “Ông Bình Bung”. Mợ tôi thì gọi Ba tôi là “Ông Xã Gàn “vì tuy Ba tôi hiền nhưng tính Ba tôi lại ngang, nhiều khi Mợ tôi nói Ba tôi chẳng chịu nghe bà phải nói với tôi “Mày nói Ba mày đi” vì mợ tôi biết Ba tôi thương tôi nhất nhà nên tôi nói cái gì Ba tôi cũng nghe tôi cả. Bởi nếu Ba không nghe thì tôi giận bỏ ăn, biết Ba tôi thương nên tôi làm nũng một chút vậy thôi, chứ không ăn đói bụng chịu gì nổi.

    Nhớ năm con trai tôi được một tuổỉ, tôi đưa con tôi về thăm ông bà ngoại vì Ba Mợ tôi rất mong được gặp đứa cháu ngoại đầu tiên và tôi đã tổ chức Lể mừng Thọ cho Ba Mợ tôi nhằm dịp tết, Ba tôi đọc lời cám ơn quan khách đến tham dự và đọc bài thơ Ba tôi làm:

    “Bính Tý năm nay cũng đẹp trời,

    Xuân về hoa nở khắp nơi nơi,

    Mừng xuân con cháu về đông đủ,

    Chúc thọ ông bà được thảnh thơi,

    Sống lâu trăm tuổi nhìn con cháu,

    Làm ăn phát đạt khắp nơi nơi,

    Hàng năm con cháu về ăn tết,

    Gia đình đoàn tụ lại thêm tươi”

    Lần thứ hai trong đời tôi thấy Ba tôi khóc đó là ngày đưa tiễn Mợ tôi ra nghĩa trang. Đôi khi hạnh phúc có trong tay mình không biết đựơc, đến khi biết ra thì mới biết là mình đã mất đi một cái gì quý giá nhất đời mà mình sẽ không bao gìơ tìm thấy lại trên cõi đời này, đó là tâm trạng của Ba tôi ngày mợ tôi mất, nhà trống vắng hẳn đi và Ba tôi ra vào lủi thủi một mình. Lúc Mợ tôi còn sống Ba tôi chả chịu đi đâu lâu quá năm ngày, đi ra Bắc chơi thăm chú tôi hay đi thăm Bác tôi ba tôi cũng lật đật lo về nói là để trông nhà, nhưng thật ra nhà chả có gì để mà trông cả, tuy không nói ra nhưng ai cũng biết là Ba tôi nhớ Mợ tôi nên không có lòng dạ nào mà đi chơi một mình cả, nên giả bộ nói như vậy thôi.

    Bởi vậy tôi cố gắng làm giấy tờ bảo lãnh Ba tôi sang Mỹ cho biết xứ Mỹ, chứ thực ra Ba tôi không muốn sống ở Mỹ vì lớn tuổi rồi khó hoà nhập được với cuộc sống ở xứ người. Có chân như cùi vì không lái xe được, có miệng như câm vì không nói rành tiếng Mỹ, có tai như điếc vì họ nói mình không hiểu. Ba nói “Ba không muốn cuộc sống lưu vong”. Ba tôi qua ở được một năm, Ba cuốc hết cỏ ở khúc sân trước cửa nhà để tôi trồng bông. Bây giờ tôi có một vườn bông thật đẹp trước cửa cũng nhờ Ba tôi...Vợ chồng tôi cũng đưa Ba tôi đi California thăm Khu Phước Lộc Thọ, đi Disneyland coi diễn hành và đi Seaworld coi cá voi biểu diễn , đi NewYork xem tượng Nữ Thần Tự Do và Phố Tàu, đi Hang động Luray Carvern …Ba thật khoẻ, tụi tôi đi đến đâu Ba cũng đi đến đó chả than đau chân đau cẳng gì ráo. Thật phục Ba. Cô chú tôi cũng đưa Ba tôi đi Houston, Texas và đi ra biển Calverton Ba thật vui.

    Những ngày muà đông Ba lủi thủi trong nhà, hết nằm nghe radio đài VN, lại ra đứng cửa sổ nhìn xe chạy và mong thằng cháu ngoại đi học về. Những buổi sáng Ba bắc ghế ngồi ở sân sau nhà, mà mắt nhìn về đâu như đang hướng về VN yêu dấu, thấy Ba chã thiết ăn uống, tôi cũng đau lòng lắm, biết là Ba nhớ VN và muốn về nhưng không nói ra sợ tôi buồn, sau tôi mới dám nói “Nếu Ba muốn về VN ăn tết thì tụi con mua vé cho Ba về, chứ con biết ở đây tết VN buồn lắm “. Đựơc lời như cởi tấm lòng, Ba tôi nói ngay. “Tụi con bảo lãnh Ba qua đây đi chơi cho biết xứ Mỹ như vậy là Ba mãn nguyện lắm rồi, Ba chỉ muốn sống quãng đời còn lại của Ba ở VN, có chết Ba cũng về VN”. Mấy tháng muà đông Ba ở trong nhà như tù giam lỏng, Ba ốm và xanh. Bây giờ Ba được về VN, như chim sổ lồng. Ở VN Ba vui vì có ông bạn thân thỉnh thoảng đến nhậu với Ba, có bà con hàng xóm láng giềng, có con cháu đông đủ quay quần bên Ba, Ba muốn ăn gì là có người chạy đi mua về cho Ba ăn, vừa nóng vừa tươi, vừa ngon, không phải như bên Mỹ cái gì cũng đông lạnh, mà lại buồn nhớ quê hương. Về VN vài tháng Ba khoẻ và hồng hào trở lại. Tuy nhớ và thương Ba nhưng nghe Ba ở VN vui và khoẻ tôi cũng yên lòng, mỗi lần đám giổ hay tết nghe nói Ba buồn nói nhớ thằng con tôi, nên tôi nghe lời cô em và mua vé để Ba qua Mỹ lần thứ hai , Ba qua chưa đầy 1 tháng thì Ba tôi bị stroke, phải vào nằm Bịnh viện cả tháng trời, tôi chỉ biết khóc, “Con thương Ba lắm nhưng con không biết làm sao lo cho Ba được”. Cả hai mẹ con ráng đỡ Ba ngồi dậy mà đỡ không nổi , chỉ sợ Ba té xuống thì khổ, mà Ba thi tủi thân khóc ròng, nói “ sinh, lão, bịnh, tử” một tay, một chân Ba không cử đông được nữa, thằng cháu ngoại đút cho ông ăn mà ông cứ khóc, tôi và con tôi cũng khóc theo.

    Những ngày tháng Ba tôi nằm trong Bệnh viện, tôi cứ khóc ròng, cầu nguyện cho Ba mau khoẻ để Ba được trở về nhà bình yên chứ Ba có chuyện gì con ân hận suốt đời.

    Buồn quá ngồi viết mấy câu thơ tặng Ba:

    “Quanh quẩn nhìn đâu cũng thấy Ba,

    Đây là chiếc tách Ba uống trà,

    Ăn uống đơn sơ và đạm bạc,

    Không cầu kỳ lắm chẳng xa hoa”

    “ Ba hỡi ba ơi Ba của con,

    Tụi con bất hiếu, chẳng lo tròn,

    Cúi đầu con trẻ xin Ba hiểu

    Niệm tình tha thứ cho chúng con”

    Sau đành phải nhờ ông xã tôi xin nghỉ phép và đưa Ba tôi về VN đi châm cứu mỗi ngày và nhờ ông anh tôi chăm sóc Ba tôi dùm, chứ không còn cách gì hơn nữa cả.

    Về VN ông như cá gặp nước, nhờ đi châm cứu hàng ngày và ăn uống được, nên Ba tôi vui và khỏe trở lại, đi lui đi tới được tuy là chống gậy và cái tay cũng chưa cử động được, nhưng cũng tạ ơn trời Ba tôi vui và khoẻ mạnh hồng hào trở lại, chứ như cử ở bên Mỹ này, vừa buồn nhớ VN, lại không có bạn bè bà con đông nói chuyện và cứ như vậy thì không biết Ba tôi có vui và sống được bao lâu.

    Nên nhiều khi tôi nghĩ, người già như cái cây cổ thụ, làm sao mình bứng được cái cây cổ thụ trồng qua được chỗ khác, vì rễ đã đâm quá sâu rồi, khó có thể thích nghi với môi trường sống mới. Mình có thương Ba mẹ, bắt ép ông bà qua đây ở nhiều khi từ chổ có hiếu mà trở thành bất hiếu vì mình không thể lo cho ông bà đầy đủ, từ tinh thần cho đến sự săn sóc như ở VN được. Ở đây mình còn phải vừa đi làm để trả các khoản chi phí vì cuộc sống ở đây quá cao, vừa phải lo con cái học hành, lại thêm mình không có đủ khả năng thuê mướn người về nhà chăm sóc như ở VN, mà đưa vào nursing home các cụ lại buồn mà chết sớm, chi bằng cứ để các cụ ở VN, cho các cụ vui sống khỏe với con cháu được ngày nào là mừng ngày đó, mình không phải ân hận là con bất hiếu vì đã không săn sóc và lo cho ông bà được như ở VN.

    Hàng tuần tôi vẫn gọi điện thoại về hỏi thăm Ba có khỏe không ? Ba có ăn được không? Chỉ cần nghe tiếng Ba nói, ba khỏe và ăn được là tôi vui rồi. Cầu mong Ba sống khoẻ và sống lâu trăm tuối để tụi con còn đựơc nghe tiếng Ba nói, còn đựợc nhìn thấy Ba, còn được lo và chăm sóc cho Ba là tụi con mãn nguyện.

    Tạ Ơn trời đã cho con có được một người cha luôn hết lòng thương yêu và lo cho gia đình, để tụi con có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Ơn đó tụi con mang suốt đời mà không bao giờ trả hết được.

    Nguyễn Thị Ngọc Lan (74KNN)

    --------------------------------------------------------------------------------

    Comment (1)

    Aug 16, 2011 at 23:50:37 From: Đinh Tiến Ân (74 Điện)

    Ngọc Lan thân mến,

    Rất thích bài này, Ông và cháu đơn sơ mà cảm động có tính giáo dục cao ở xứ Mỷ này, còn Broken English thì quá hay,nghĩ lại trình độ Ân bây giờ còn thua xa cô thợ nữa học hoài mà không vô. Buồn chắc phải đi làm Nail mới nói giỏi được.

    Ý kiến của Bạn

    Name:

    Email:

    Subject - xin ghi tựa bài:

    Comments:

    TRỞ VỀ

Working...
X