Announcement

Collapse
No announcement yet.

Các Bạn Của Tôi 2

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Các Bạn Của Tôi 2

    Chuyện Tình Lá XanhĐỏ

    Nguyễn Thị Ngọc Lan


    Thời sinh viên tụi tôi có những mối tình rất thơ mộng, lãng mạn, nhưng cũng không kém phần ướt át như tình Lon guigoz (Roméo), tình 8 tháng 3, tình một chiều rưỡi, tình cho không không lấy, tình xe đạp, tình hai chịu, vv.. và vv…Có những mối tình có kết thúc tốt đẹp để góp gạo nấu cơm chung , cùng về chung nhiệm sở, cộng chỉ số lương với nhau. Nhưng cũng có những mối tình cũng chỉ là.

    “Thư viết đừng xong mà thuyền suôi chớ đỗ,

    Cho ngàn sau lơ lững với ngàn xưa”.

    Các bạn có muốn nghe tại sao tôi cho những mối tình đó có cái tên đặc biệt riêng của từng mối tình không? Vì nó cũng có những nét đặc thù riêng của nó, bạn ạ.

    Chẳng hạn như Tình lon Guigoz - Sau ngày 30 tháng 4, ngoại trú tụi tôi mỗi người ai cũng phải đem cơm trưa đi ăn, làm gì có tiền mà ra hàng quán. Trưa đến dọc hành lang hay trong giảng đường mỗi người đem ra một lon guigoz trong đó đựng cơm trộn hoặc mì nui gì đó, ngồi ăn trưa chung với nhau rất vui. Chia xẻ với nhau từng miếng hột vịt muối hoặc dừa xào xả … từ đó cũng có những cảm tình nảy sinh .

    Tình 8 tháng 3 - Ở VN mình có ngày 8 tháng 3, ngày phụ nữ vùng lên, mà các ông hay đùa.

    “Hôm nay ngày tám tháng ba,

    Tôi giặt giùm bà cái áo của tôi”

    Trong trường có hai anh chị cũng đã “nhá đèn” với nhau lâu rồi mà chưa có điều kiện làm quen, nghĩa là”Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”, thì nhân dịp “Ngày tám tháng ba, anh ra ngoài vườn, chọn một bông hoa xinh tươi tặng cô bé” (Các em bé hay hát “Ngày tám tháng 3, em ra ngoài vườn chọn một bông hoa xinh tươi tặng cô giáo). Ý quên, không phải bông hoa mà là một cái kẹo, thế là hai người làm quen nhau và chị cứ nhớ mãi ngày đầu tiên đó. Sau năm năm cố gắng học, cuối cùng thì anh cũng đã khăn gói “theo nàng về dinh”. Không nói ra nhưng trong trường ai cũng biết anh chị rất là đẹp đôi cứ như “Tằng Hắng” (Tần Hán) và “Trương khả Meo”, hai tài tử nổi tiếng cuả điện ảnh Hồng Kông.

    Tình cho không không lấy, chứ không phải tình cho không biếu không đâu - Có một anh Công nghiệp để ý một chị Nữ Công. Chị rất là xinh, nhưng hơi mát da mát thịt một chút, anh thì lại “ngây thơ vô số tội”. Muốn “cua” chị, nhân một ngày đẹp trời anh mua tặng chị một bịch kẹo, không biết có ai làm “quân sư quạt mo” cho anh không? Người ta đã nặng ký muốn giảm cân, ai đời anh lại đi tặng chị một bịch kẹo, ai mà thèm nhận . Thế là anh buồn tình đem về phòng ăn hết một mình cho “bõ ghét”. Người ta đã có lòng dành dụm tiền để mua cho mà không thèm nhận, bây giờ chia cho “mấy ông cốt đột” ở cùng phòng trong ký túc xá. Cho tụi nó ăn, nó lại hỏi tại sao tự nhiên hôm nay anh lại “hào hoa phong đòn gánh” như vậy, nên một mình anh “ôm gói kẹo” chứ không phải “ôm mối hận lòng”, từ sáng đến chiều anh ăn cho bằng hết. Báo hại cuối tuần đó anh chả đi đâu được, mà suốt ngày ôm quần chạy đua với tào tháo. Các bạn cùng phòng thấy lo quá, hỏi ra thì anh mới thú thật đế các bạn còn biết đi mua thuốc cho mà uống chứ. Đấy cả một kinh nghiệm sống chết vì tình chứ giỡn sao?

    Tình hai chịu cũng rất là dễ thương - Nghe chị kể “Em có hai chịu”. Mới nghe tưởng em có hai triệu (chiệu), mà té ra hổng phải . “Em chịu ảnh mà ảnh cũng chịu em” nên hai người mới “tới luôn bác tài” và có được cô công chúa rất là dễ thương.

    Hôm nay xin mạn phép kể cho quí vị nghe chuyện của một mối tình có thể gọi là “Tình tính tang” hay “Tình lá xanh lá đỏ”, có kết thúc đẹp đẽ, nói chung là kết thúc có hậu, của hai người bạn cùng khóa vớí tôi.

    Trong khoá tôi có hai anh thuộc loại “Nhỏ người, non mặt” chứ không phải “Trẻ người non dạ” đâu. Một anh Bắc kỳ là Nguyễn Công Bằng ở Sài Gòn và một anh Nam kỳ, hai anh cũng hay nói chuyện với nhau. Anh Nam kỳ không ai xa lạ là Trần Minh Đạt, quê dưới Sóc Trăng, chắc lần đầu tiên xa nhà lên Sài Gòn học.



    Nguyễn Công Bằng,Trần Minh Đạt

    Năm đầu tụi tôi học ở Giảng đường trường đại học Bách Khoa Phú Thọ. Hôm đó không biết “vô phúc” hay “có duyên” cho anh Đạt, anh lại ngồi gần hàng ghế cuả nhóm tụi tôi. Trong đó Thu Hà lại là đứa khôn ngoan lanh lẹ, mau mồm mau miệng nhất vì Hà sống ở Sài Gòn từ bé nên rất tự nhiên, chứ không nhút nhát như tôi và mấy đứa bạn. Lúc nghỉ giải lao giữa giờ học, thấy anh Đạt ngồi buồn, rơm rớm hai hàng nước mắt, da mặt thì trắng tinh như búng ra sữa. Tôi và Thu Hà thấy anh Đạt buồn, không biết có chuyện gì không vui xảy ra với anh ta nên tụi tôi mới hỏi “Uả có chuyện gì không mà sao anh Đạt buồn quá vậy?” Nghe anh ta trả lời với giọng người Nam rất là dễ thương mà hai mắt như có nước “Nhớ nhà quá chừng”. Thu Hà chơi ngay một câu “Nhớ má thì nói đại cho rồi, bày đặt nói nhớ nhà”, làm anh Đạt hơi quê . Tôi vội vàng phải kéo nó đi chứ để nó ở đó nó lại chọc không chừng con người ta khóc nó mới thôi.



    Thu Hà-Ngọc Lan

    Tôi cũng đã hiểu tâm trạng của những người lần đầu tiên xa nhà vào Sài Gòn học. Tháng đầu tiên xa nhà, tôi khóc sưng cả mắt, không làm sao đi học được. Nhớ Ba Mợ tôi, nhớ em tôi lủi thủi ở nhà một mình. Đã vậy tôi còn nhận được thư Mợ tôi viết cho tôi “Con đi rồi ở nhà buồn lắm, Mợ nhớ con rất nhiều. Anh con, em con Mợ cũng thương nhưng Mợ nhớ và thương con nhiều nhất. Ba Mợ lo cho con đủ điều, không biết con ăn, ở, đi, đứng ra sao? Từ bé đến lớn con có xa Ba Mợ ngày nào đâu, nay Mợ phải bấm bụng cho con đi học xa vì tương lai của con, Ba Mợ ở nhà cũng lo lắm”, đọc thư của Mợ tôi mà tôi khóc sướt mướt. Tôi viết thư xin Ba cho tôi về học Sư phạm Qui Nhơn cũng được, tôi không muốn học Đại hoc nữa, nhưng Ba tôi rất cương quyết, bảo tôi cứ ở Sài Gòn học Tết hãy về thăm nhà. Cũng may năm đó trường ĐHGD được Liên Hiệp Quốc mượn để họp hội nghị gì đó nên tôi được nghỉ tết trước một tháng, mừng hết lớn. Thế là hôm sau ra mua vé xe đò về Qui Nhơn liền, không đợi chậm trễ ngày nào cả.

    Trước khi về quê nghỉ tết, khóa tôi cũng có tổ chức một buổi liên hoan nho nhỏ, trao đổi quà tết với nhau bằng cách bốc thăm, hên sui may rủi. Không biết tình cờ hay cố ý mà anh Đạt nhận được gói quà, ai cũng phải mở quà ra để các bạn cùng vui chung. Riêng gói quà của anh Đạt nhận được gói rất là kỹ, mở hết lớp giấy này lại tới lớp giấy khác, cả lớp ai cũng hồi hộp và ngạc nhiên, không biết gói quà này của ai mà gói kỹ quá vậy. Sau khi bóc bỏ tất cả mười lớp giấy gói, mọi người ai cũng hồi hộp xem bên trong là quà gì. Thấy anh Đạt mặt đỏ kè , cả bọn nhao nhao lên ”Cái gì vậy ? Cái gì vậy ? ”. À, thì ra ai chơi nghịch tặng anh cái núm vú da con nít hay ngậm làm cả bọn cười quá chừng. Không nói ra tôi nghĩ bụng chắc cái này Thu Hà chơi anh Đạt đây.

    Năm đầu tụi tôi học Toán về Hàm số Tích phân, có học hàm số Dark Bou, từ đó các anh trong lớp đặt cho anh Đạt cái biệt danh là Đạt Bu. Các anh trong trường tôi có một số người có biệt danh riêng, nghe cũng ngồ ngộ và đặc biệt, nên hễ nói đến tên là biết ngay người đó là ai như Tùng Xèng, Thành Cộ, Tuấn Râu, Đạt Bu, Hùng Nhí,…Riêng cô bạn tôi thì có cái tên rất là hay Đặng Vũ Thu Hà, bởi vậy nên có mấy anh cứ thấy Thu Hà là ca liền mấy câu vọng cổ trong tuồng “Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà”.

    “Biên cương lá rơi Thu Hà em ơi,

    Đường trường mịt mù anh không đến nơi,

    Mây khói buồn cơn lửa binh,

    Hết kể chuyện chung tình,

    Khóc than riêng anh một mình”

    Thu Hà thì rất hoạt động, ngoại giao rộng nên quen biết và chuyện trò nhiều với các anh công nghiệp. Hà nói chuyện rất tự nhiên, một phần vì Hà ở ngoại trú và hay đi học bằng xe buýt của trường nên có điều kiện quen và chuyện trò với các anh bên công nghiệp. Tụi tôi không biết ai thích nó, mà cũng không biết nó thích ai. Với ai Hà cũng niềm nở, nói chuyện hoạt bát và thoải mái. Một hôm ngồi chờ vào lớp, tôi thấy có Tuyết Mun (trong lớp tôi có hai Tuyết, chị Tuyết này hơi đen nên các bạn trong lớp hay gọi là Tuyết Mun đế phân biệt với Bùi thị Tuyết trắng hơn) đang ngồi với Đạt Bu ở băng ghế đá nơi hành lang trường. Tôi nghe Tuyết Mun hát chọc Đạt Bu theo điệu bài “Cô hàng nước”.

    “Tình tính tang là tang tính tình,

    Cô Hà rằng là cô Hà ơi,

    Hà có biết là biết hay không?

    Biết gì ? Biết là, biết là

    Bu yêu Hà không ?

    Quyết chí hỏi Hà cho Bu.”

    Làm anh Đạt mặt mày cứ như mặt trời mọc. À thì ra anh Đạt đã để ý Thu Hà nhà ta, không biết Hà có biết hay chưa?

    Một hôm cả khoá 74 Nông nghiệp tụi tôi học chung ở giảng đường, giờ nghỉ giải lao Thu Hà xung phong lên hát giúp vui bài “Lá Xanh”, “ Lá còn xanh như anh đang còn trẻ , lá trên cành như anh trong toàn dân. Gió lung lay cành lá tưng bừng đùa vui, anh trai làng phải đi chiến dịch muà xuân. Anh là lá trên cành ngại đâu gió mưa …”. Các anh bên lớp C nhao nhao lên, đẩy anh Đạt lên hát để đáp lễ trở lại, chứ không sợ mất mặt bầu cua với bọn con gái lớp tôi. Thế là với sự cổ vũ của bạn bè anh Đạt cũng mạnh dạn lên hát bài “Lá Đỏ”, “Gặp em trên cao lộng gió, đường trường sơn ào ào lá đỏ. Em đứng, đứng ở bên đường, như quê hương. Vai áo bạc quàng súng trường. Chào em hỡi em gái tiền phương. Hỡi em gái tiền phương. Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”. Anh hát được vài câu rồi thôi, như vậy cũng đủ một đều với phe nữ tụi tôi rồi. Cả lớp vỗ tay cười quá chừng. Hôm đó tôi thấy Thu Hà có vẻ hơi mắc cỡ, mắt Hà như có khói vương, chắc là tim cô nàng đang đập sai nhịp. Mà đúng thật, ngày ra trường hai anh chị đã hẹn gặp nhau giữa Saigon .

    Tôi nghe Hà kể có một anh bên công nghiệp để ý Hà nhưng không dám đến nhà Hà một mình, bèn nhờ một anh bạn nữa đi cùng cho đỡ run. Anh bạn của anh ta cũng có một lối tỏ tình dùm cho bạn rất ư là dễ thương. Anh ta nói “Hà biết không ai đẻ ra cũng khóc cả, mà chỉ riêng thằng này hồi nó mới đẻ ra nó cười Ha, Ha, Ha. Bây gìờ nó thêm dấu huyền”. Có một hôm anh ta mời Hà đi ăn chè, thế là Hà rủ cả bọn tôi cùng đi, nhìn anh ta giốc cả hầu bao để trả tiền cho bọn tôi mà tụi tôi thấy áy náy và tôi nghiệp quá. Thời sinh viên nghèo làm gì có tiền nhiều để mà “hào hoa phong nhã”, nhưng muốn làm vừa lòng người đẹp thì phải vậy chứ. Bởi vậy lần sau anh ta mời Hà đi ăn chè, tụi tôi từ chối khéo không đi. Nhìn anh ta cong lưng chở Hà đi trên chiếc xe đạp mà thấy tội nghiệp làm sao. Nhưng tôi nghĩ chắc là anh ta vui lắm vì được chở người đẹp đằng sau.

    Trong thời gian đi học tụi tôi cũng không thấy Hà bồ bịch hẹn hò với ai cả. Đùng một cái gần ngày ra trường, cả lớp tụi tôi được mời đi dự đám cưới của Hà và Đạt. Những ai đã từng yêu và để ý nhau trong trường , bây gìờ gần ra trường rồi thì phải lo mà đăng ký kết hôn và làm đám cưới cho lẹ thì ra trường mới xin được ở gần nhau. Chứ không ra trường rồi mỗi người đổi đi mỗi nơi, khó có điều kiện gặp gỡ và xin về cùng chỗ với nhau lắm. Thu Hà thì khôn ngoan lanh lẹ và ở Sài Gòn, vì thế anh Đạt phải khăn gói “theo Hà về dinh”. Đám cưới cuả Hà và anh Đạt được tổ chức ở nhà Hà, khoảng ba mươi người, vừa bạn của cô dâu và bạn của chú rể. Tụi tôi vì chơi thân với Hà nên đến từ sớm để xem có phụ được cái gì không. Phải công nhận là Hà giỏi thật, một tay Hà đứng ra chỉ đạo nào là làm gỏi, nấu ra-gu, ba bốn món gì đó. Mẹ và chị cuả Hà cùng tụi tôi đều là thợ phụ, thợ vịn, Hà sai đâu đánh đó.

    Thu Hà không những giỏi chuyện trong trường mà còn ở ngoài lớp nữa. Hà là biên đạo múa, tập cho lớp tôi hai bài “Khúc Ca Ngày Mùa” và “Mùa Xuân Trên Thành Phố Hồ Chí Minh” để đi thi văn nghệ toàn trường. Thu Hà còn có chân trong ban văn nghệ và ban vũ của trường trong dịp thi đua văn nghệ giữa các trường đại học trong thành phố nhân dịp chào mừng Cách Mạng Tháng Mười của Nga năm 1977. Trong khoá tôi cũng có mấy người tham gia ban vũ của trường như Thu Hà, Kiều Hạnh, Hoàng Thúy Nga, Tạ Thanh Hiền. Bên nam thì có Nguyễn văn Căn, Nguyễn Nam Hùng, Huỳnh Triết Dũng, Tuấn Râu, Võ Hoành Kha.



    Kiều Hạnh, Nguyệt Hạnh, Thúy Nga, Lánh, Trung, Thu Hà, Thanh Hiền, Hường, Linh Thơ, Lúa

    Buổi chiều hôm đó các bạn mới kéo đến, thời đó đám cưới tổ chức ở nhà, trong không khí thân mật, như vậy là quí lắm rồi chứ đâu có tổ chức rình rang đãi nhà hàng như bây giờ đâu.Trong bữa tiệc cưới ở nhà Hà , có một anh học cùng lớp, anh này rất hiền lại ít nói. Nhìn anh đẹp trai cũng tưạ tưạ như tài tử Alain Delon nên trong lớp hay đùa gọi anh ta là tài tử “Xô xích Le” Alain Delon. Không biết hôm đó có gì buồn phiền hay có tâm sự gì mà không nói ra được nên anh ta uống say đến nỗi không biết đường về, các bạn phải đưa anh ta về dùm. Hình như anh ta có cùng tâm sự với anh nhạc sĩ bài “Ngày cưới em” thì phải? “Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen. Mắt biếc ngời ánh đêm, làn tóc nụ cười ngát hương, từng bước dập dìu bước êm, chỉ mình lòng tôi hoang vắng”.

    Không rõ Hà có biết là khi lên xe hoa đã có bao nhiêu trái tim rơi rụng vì Hà không nhỉ? Nhìn Hà đơn sơ trong chiếc áo dài cưới màu hồng, trông vui tươi và nhí nhảnh như cô nữ sinh trung học rất là dễ thương. Anh Đạt thì lúc nào cũng cười nụ cười hiền lành, rạng rỡ, mãn nguyện.



    Đặng Vũ Thu Hà - Trần Minh Đạt (hình của 30 năm sau)

    Tụi tôi cũng vui chung với niềm hạnh phúc cuả bạn mình. Tụi tôi lúc đó còn là sinh viên chưa ra trường, đâu đứa nào có tiền nhiều mà quà cáp cho ngày cưới của bạn. Hùn tiền nhau lại mua cái gì đó tặng Hà và anh Đạt cho có kỷ niệm và ý nghiã vậy thôi. Cười đùa, chọc phá mãi đến tối mịt mới về. Hôm sau thì gia đình anh Đạt dưới Sóc Trăng lên làm lễ rước dâu, một mình Hà và anh Đạt lo tất cả không biết bạn bè có ai làm phù dâu phù rể cho Hà và Đạt không? Chứ lúc đó tụi tôi đứa nào cũng lo ngày ra trường và lo nhiệm sở nên cũng không có thì gìờ nhớ tới bạn bè, nghĩ cũng tội nghiệp cho Hà lúc đó. Ra trường Thu Hà được về dạy trường trung học Nguyễn Thượng Hiền cho đến nay, nghe các bạn nói Hà hoạt động đoàn thể rất là sôi nổi nhiệt tình và là cánh tay mặt của Ban Giám Hiệu trường. Anh Đạt thì về làm cho công ty Xuất nhập khẩu Cầu Tre.

    Vì cùng ở Sài Gòn nên thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm Hà. Lúc đó tôi còn độc thân nên sau giờ đi làm về tôi đi học đủ thứ để giết thì giờ như cắm bông cắm hoa, làm bánh làm trái, thể dục nhịp điệu, may quần áo, làm rau câu, trang điểm, làm tóc,…nói chung Hội phụ Nữ có khoá gì là tôi học cái đó. Học để giết bớt thì giờ rãnh rỗi nhưng vẫn không biết làm gì để kiếm tiền thêm. Trong khi đó Hà rất là lanh lẹ, sau giờ đi dạy còn đi giữ xe ở công viên Tao Đàn. Một hôm tôi đến ngồi chơi với Hà đến tối mịt mới về, thấy Hà thật là bận rộn vì đã có hai cô con gái nên phải biết làm thêm để phụ vào đồng lương giới hạn của nghề “giáo chức”(tôi không muốn nói là “dức cháo”). Tôi thật phục Hà và nghĩ anh Đạt thật có phúc mới lấy được Hà. Có phải vậy không anh Đạt nhỉ? Chỉ có anh Đạt mới trả lời được câu này thôi phải không ?

    Trước ngày xuất cảnh, tôi có ghé thăm Hà và Hà tặng cho tôi tấm hình chụp chung với hai cô công chúa của Hà là Mimi và Misa. Chiều hôm đó tôi, Kiều Hạnh và Thu Hà đi ăn bánh xèo với nhau thật vui, rồi chia tay. Ba mươi năm sau ngày ra trường, hai bạn tôi bây giờ đã lên chức ông bà ngoại rồi, nhưng Hà vẫn bon chen, sôi nổi và nhiệt tình, hoạt động không ngừng nghỉ cho các khoá học sinh ngữ của trường.

    Trong đám cưới Hà và Đạt hôm đó, cặp Công Bằng và Hoàng Thúy Nga cũng trình làng, chứ trong suốt thời gian học năm năm trời đâu thấy ai có tiến triển gì khác lạ đâu.



    Hoàng Thị Thúy Nga - Nguyễn Công Bằng

    Bây giờ gần ra trường rồi mới thấy là sắp mất nhau, không chụp cơ hội lúc này thì sau này khó mà có cơ hội tốt lần thứ hai trong đời.Trước ngày đám cưới Hà và Đạt, tụi tôi cũng được dự đám cưới cuả chị Mai Hương với anh Nhu khoá 72. Trong khóa 74KNN của tụi tôi có hai cặp nhỏ nhỏ người và thấp thấp như nhau, trông rất xứng lứa vừa đôi và rất là dễ thương. Tụi tôi hay đùa nói là hai cặp Xì Trum là Lê Thanh Phán và Trần thị Thúy Nga, Lê văn Quân và Nguyễn thị Ngọc Em. Hai cặp này cũng kết thúc đẹp đẽ về chung nhiệm sở.



    Gia đình Thu Hà- Minh Đạt

    Hôm nay ngồi kể lại “chuyện xưa tích cũ” để ôn lại một thời vàng son của thuở học trò, nếu có điều gì không vui, mong các bạn bỏ qua. Thật ra tôi cũng chẳng có ý gì khác, đùa chút cho vui để nhớ lại ngày xưa còn trẻ vậy thôi. Cũng để tặng Hà, Đạt và hai cô công chúa, để biết ngày xưa làm sao Bố Mẹ gặp nhau. Bọn trẻ thường hay thắc mắc như vậy đó. Chúc hai bạn Trăm Năm Hạnh Phúc, yêu nhau mãi cho đến răng long đầu bạc và cùng nhau đi đến cuối cuộc đời.

    Nguyễn Thị Ngọc Lan-74KNN

    **Comment (4)

    Các bạn có nhận thấy Ngọc Lan có giọng văn y hệt như của Hồ Biểu Chánh trong “Cay đắng mùi đời”, “Lời thề trước miễu”, “Nhơn tình ấm lạnh” không?...

    Bravo! Bài viết rất hay.

    Hùng Nguyễn-72CKO

    --------------------------------------------------------------------------------

    Em rất thích những bài chị Ngọc Lan viết. Chị nhớ dai quá, nhớ từng chi tiết. Viết tiếp nữa chị Lan nha.

    Thu Lê-77KNC

    --------------------------------------------------------------------------------

    XLan rất thích đọc bài Ngọc Lan viết, hay quá!

    Xuân Lan-74KNC

    --------------------------------------------------------------------------------

    Ngọc Lan ơi, mình rất thích đọc bài Ngọc Lan viết, hay quá! Viết tiếp nha, cho mọi ngưới có dịp ôn chuyện xưa tích cũ.

    Thân,

    Phương Mai-74KNN

    --------------------------------------------------------------------------------

    Thời gian bao giờ cũng lững thững trôi một cách đáng ghét và mọi sự vật quanh ta vẫn không ngừng biến đổi. Vì thế nếu ai từng có những cố gắng “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng” để có thể giong thuyền trở về quá khứ, thì đó chỉ là những điều không tưởng. Vậy mà khi đọc qua những bài viết của NL, chất văn “Nam bộ” giản đơn đó lại có khả năng chuyên chở đầy ắp những tình tự ngọt ngào và hơn thế nữa đã từ lúc nào, đưa người đọc ngược dòng thời gian để dừng lại ở bến bờ của những kỷ niệm “không thể nào quên”.

    Hùng Nguyễn-72CKO

    TRỞ VỀ
Working...
X