Những Cuộc Hội Ngộ Kỳ Thú
Nguyễn thị Ngọc Lan
Nguyễn thị Ngọc Lan
Trịnh Xuân Đức
Một buổi tối đi học Anh văn ở Đại học Văn khoa ra, tôi tà tà đạp xe về. Đang lẩm nhẩm ôn lại những câu đàm thoại trong lớp học khi vừa qua khỏi cầu Thị Nghè, tự dưng có một anh chàng đi xe Honda 67, vòng xe lại ngay trước đầu xe đạp của tôi. Tôi vừa kịp nhảy xuống và chống hai chân xuống đất, không là húc vào xe anh ta rồi. Định la cho anh ta một câu cho đỡ bực mình “Đi cái gì mà kỳ cục vậy”. Khi nhìn lên thì trời ơi gặp ngay anh bạn cùng lớp “ A, Trịnh Xuân Đức, đi đâu đây ?” Đức cũng vừa la lên “Trời ơi Ngọc Lan hả”. Thế là tôi và Xuân Đức đứng nói chuyện với nhau giữa đường mà quên mất là mình đang đứng đâu. Cuối cùng tôi cho Đức điạ chỉ nhà nói hôm nào có dịp rãnh ghé thăm, lúc đó tôi ở với bà chị tôi ở gần Cầu Sơn.
Bẵng đi một thời gian, không nhớ là bao lâu, một hôm tôi cũng đi học Anh văn về , nghe bà chị nói lại là có người bạn tên Đức và một bạn nữa từ Đà Lạt đến kiếm tôi. Hai người ngồi chờ cả buổi mà không thấy tôi nên đã ra về và chỉ để lại lời nhắn.Tôi đoán chừng hai bạn đó là Trịnh Xuân Đức và Đào Huy Tuấn vì chỉ có Tuấn mới ở Đà Lạt xuống thôi. Hai bạn này cũng chả để lại điạ chỉ hay viết cho một chữ nào nên tôi cũng không biết đâu mà liên lạc.
Tôi vẫn nhớ Huy Tuấn là con trai nhưng có nước da trắng, hai má lại đỏ hồng như “con gái Đà Lạt". Tuấn thì đúng là con trai Đà Lạt rồi. Nghe các bạn kể lại, trên đường về Đà Lạt nhận nhiệm sở, Tuấn ngồi cạnh và đã làm quen được với một cô be bé xinh xinh. Hai người đã cùng nhau xây được “một mái nhà tôn với hai trái tim vàng”, cộng thêm mấy trái tim đỏ đỏ nhỏ nhỏ chạy lon ton theo sau , rất là hạnh phúc . Chúc mừng cho Huy Tuấn.
Hồi đó làm gì có điện thoại hay internet nên đâu có biết mà nhắn tin trước, rãnh ghé thăm có nhà thì gặp còn không thì thôi. Lúc đó tôi còn độc thân mà, chân tôi là chân đi, dễ gì mà tôi có nhà vào buổi chiều. Đi làm về là tôi đi học Anh văn, không thì học đủ thứ trên đời như nấu ăn, làm bánh ,….đến tối mịt mới về. Bởi vậy nếu không hẹn trước, rất khó mà gặp được tôi ở nhà. Nhiều người quen đến tìm tôi phải nói đùa “Tìm gặp cô khó hơn tìm gặp Tổng thống”.
Trong lớp, Xuân Đức cũng có lối nói chuyện rất tự nhiên, thoải mái và thân mật. Một hôm vào dịp nghỉ hè, Đức và anh Khanh ghé nhà tôi chơi, ngồi nói chuyện cả buổi rất vui và rôm rả làm tôi cười quá chừng. Hôm đó Mợ tôi đi bán hàng về sớm, thấy Mợ tôi vừa bước vào cửa, Xuân Đức đứng dậy chào “Cháu chào bác ạ”. Mợ tôi trả lời “Không dám chào cậu ạ” rồi bà đi te một nước vào nhà. Nhìn Xuân Đức lắc đầu le lưởi nói “Má Ngoc Lan dữ quá” mà tôi mắc cười hết sức. Khi Xuân Đức về rồi tôi nói với Mợ tôi “Bạn con nói Mợ dữ quá làm họ sợ”. Mợ tôi cười bảo “ Tao có ăn thịt ăn cá gì tụi nó đâu mà tụi nó sợ bảo tao dữ”.
Tất bật ra trường, tất bật kiếm việc làm và quay cuồng với cuộc sống, tôi cũng chả nhớ bạn mình ra trường, làm gì và ở đâu? Qua Yến Thu tôi được biết Xuân Đức ở Bình Dương và có địa chỉ email. Tôi nói để gởi thư thăm mà cũng chưa có dịp, cứ hẹn lần hoài mà chưa làm xong. Xuân Đức có vào trang web nhà để xem và nghe NL kể chuyện ngày xưa không vậy? Cho Ngọc Lan gởi lời thăm Đào Huy Tuấn, tác giả của hai câu thơ.
“Tình yêu như ánh mặt trời,
Một mai thức dậy rạng ngời mắt em”
Một mai thức dậy rạng ngời mắt em”
Chúc hai bạn luôn hạnh phúc và gặp mọi sự như ý trên đường đời.
Phan Văn Đon
Một buổi sáng thứ hai, tôi chở cô tôi qua Trung Tâm Eden ở Virginia ăn hàng. Trung tâm Eden là trung tâm thương mãi của cộng đồng người Việt ở vùng Washington DC , Virginia và Maryland . Có rất nhiều tiệm ăn ngon và các hàng quán bán đồ ăn VN như Little Saigon ở California vậy đó. Nên ai từ các nơi khác đến thăm miền Đông Bắc Hoa kỳ cũng không quên ghé Eden, trước là để thưởng thức các món ăn Việt Nam rất ngon và cũng để xem sinh hoạt của người Việt ở vùng Hoa thịnh đốn. Ở đây có chợ bán đủ các thức ăn quê hương, các tiệm bán băng nhạc , các cửa hàng chưng bày và bán tất cả những mặt hàng VN, trung tâm Eden không thiếu gì cả.
Tôi và cô tôi đang lang thang trong chợ, chợt có một anh mặc áo sơmi trắng, quần xanh, đi chung trong một nhóm người mà tôi nghĩ họ cán bộ từ VN sang đây tham quan. Anh ta đến hỏi tôi “Có phải chị học lớp 74 Kỹ thuật Nông nghiệp trường ĐHSPKT Thủ đức không?” Tôi giật mình nhưng cũng nhận ra ngay anh bạn học cùng lớp là Phan văn Đon. Nghe anh nói anh đi cùng phái đoàn sang tham quan nước Mỹ, ngày hôm qua ghé thăm viện Nông Nghiệp gần trường Đại học Maryland, hôm nay họ dẫn đi xem cho biết Trung tâm thương mãi của cộng đồng người Việt. Đứng nói chuyện với anh một lúc rồi tạm biệt, phần vì cũng ngại cho anh vì anh là cán bộ nhà nước VN gởi đi tham quan, còn tôi là người ở nước Mỹ, sợ người ta nghi ngờ hay có ý nghĩ không tốt cho anh. Tuy trong bóp tôi có business card có số phone và điạ chỉ của mình nhưng tôi không dám cho anh là vậy. Năm 2008 tôi về VN gặp các bạn cùng lớp, nghe Bạch Cúc cho biết, anh Đon có nói trong một buổi họp lớp là anh ấy có buổi gặp mặt kỳ thú với Ngọc Lan ở bên Mỹ. Đúng là một cuộc hội ngộ kỳ thú, nước Mỹ rộng bao la, đi tham quan nhiều nơi, gặp nhiều người. Tự nhiên không hẹn mà gặp lại người bạn học cùng lớp sau gần 30 năm từ ngày ra trường, thật là một điều hiếm có phải không anh Đon?
Nguyễn Công Bằng và Hoàng Thúy Nga
Năm 2007 tôi bảo lãnh Ba tôi ở VN sang Mỹ. Hè năm đó gia đình tôi và gia đình cô cháu bên chồng rủ nhau đi California chơi . Trước là dẫn Ba tôi đi cho biết Cali, miền nắng ấm và có cộng đồng người Việt rất đông nổi tiếng với Little Saigon , đồng thời cho con trai tôi chơi ở Disney Land cho biết. Nhân dịp này cô cháu bên chồng cũng có thể ghé thăm gia đình chồng của nó vì họ cũng ở Los Angeles.
Buổi tối đầu tiên tôi nghe Thủy, cháu ông xã tôi, nói có anh chị của Tâm, chồng nó, đến thăm. Vì trời đã hơi khuya, nên nó không dám kêu vợ chồng tôi dậy để chào. Biết vậy tôi cũng chỉ nói “Ừ thôi để hôm khác gặp nhau”. Sáng thứ Bảy, gần ngày về lại Maryland. Tâm và Thủy, vợ chồng cô cháu, nói “Chú dì con mời chú thím đến chơi nhà cho biết”. Sáng đó gia đình tôi cũng đến thăm nhà bên gia đình chồng của cô cháu, trong nhà cũng chả chưng hình ảnh gì của hai vợ chồng người anh của Tâm. Gia đình tôi chỉ gặp và nói chuyện với chú, dì, cậu, mợ của người cháu rể, riêng tôi vẫn chưa biết mặt anh chị của Tâm. Chiều đến, bên gia đình của Tâm gồm chú, dì, cậu, mợ muốn mời gia đình tôi ăn tối ở tiệm bò bảy món Ánh Hồng. Vì là vai thím nên tôi và ông xã phải ngồi bàn chung với những người lớn tuổi bên gia đình của cháu rể nên ai cũng nói ‘Thím trẻ quá”. Mà thật vậy, chắc tôi cũng chỉ trạc tuổi con cháu của họ nên chả biết nói chuyện gì với họ cả. Chỉ muốn qua bàn ngồi nói chuyện với mấy đứa cháu, thì hai vợ chồng người anh của Tâm đến, ngồi cùng bàn với Tâm và Thuỷ. Tôi chỉ nhìn chào mà không có ý niệm gì về hai người đó cả. Lúc cô vợ đi về trước, tôi chỉ hỏi “ Uả sao về sớm vậy?” Cô ta trả lời “ Về lấy nem đặt dùm cho Thủy”.
Sáng hôm sau gia đình tôi ra phi trường trở về Maryland . Chợt nghe Thủy nói anh chị của Tâm tên Nga và Bằng. Nghe hai cái tên tự nhiên trong đầu tôi click đến tên của hai người bạn học cùng lớp 74 KNN. Tôi gọi phone đến số nhà hôm qua tôi đến và nói chuyện với chú của Tâm “ Dạ thưa anh cho em hỏi cô cháu dâu của anh tên Nga, mà họ gì ạ?" Ông ta trả lời “Hoàng , Nga Hoàng”. Tôi hỏi lại “Có phải Hoàng Thúy Nga không ạ”. Ông nói “Đúng rồi”. Tôi hỏi tiếp “Thế người cháu anh, anh của Tâm có phải là Nguyễn công Bằng không?” Ông trả lời “Dạ dạ đúng rồi”, lúc đó tôi mới chợt nhớ ra, thôi đúng y bong rồi. Bằng giống bà dì y chang, cũng thấp người và khuôn mặt giống như Bằng hồi còn đi học. Tôi mới nói vớí ông chú của Tâm và Bằng “Thôi đúng rồi, bạn học cùng lớp vớí em ở ĐHSPKT TĐ rồi anh ạ”. Nghĩ cũng thật tức cười, vào ngay bàn tiệc gặp bạn cũ mà nhận không ra. Sau 30 năm, Nga thì phát tướng ra, không còn thon thả nhỏ nhắn như xưa, Bằng thì tóc muối nhiều hơn tiêu, nên tôi đã không nhận ra được bạn mình, thật là một điều thiếu xót phải không ? Riêng hai bạn tôi chắc họ nghĩ người giống người và không nhận ra tôi vì tôi đang ngồi chung với mấy người lớn tuổi, vai vế chú thím, chứ thực ra tôi đâu có già như vai vế của tôi đâu . Ông xã tôi là con út, lại lập gia đình trễ, nên cháu chắt ổng còn có đứa lớn tuổi hơn cả tôi, nhưng vẫn gọi tôi là thím, là mợ, theo vai vế trong gia đình.
Về đến Maryland, tôi vội gọi phone nói chuyện với Nga cả tiếng đồng hồ. Đúng là một cuộc hội ngộ kỳ lạ, mình vào ngay nhà bạn mà không biết . Giá mà Nga và Bằng treo hình hồi hai người đám cưới chắc tôi đã nhận ra. Đến nhà ai tôi hay thấy treo hình những người trong nhà, nên tôi nghĩ vậy. Vào ngay cùng bàn tiệc, gặp nhau mà cũng chả nhận ra nhau, thời gian đã làm con người thay đổi nhiều quá. Nghĩ cũng thật tức cười,Thủy cháu chồng tôi nói “Giá mà tối hôm đầu tiên anh chị của Tâm đến thăm, con mời chú thím qua chơi, ngồi nói chuyện thế nào cũng nhận ra người quen rồi”. Đúng là quả đất tròn bạn ạ. Tôi cũng vô tình nữa cơ, không để ý cái tên. Nghe cô cháu nói “Gia đình anh Tâm đặt tên hay lắm thím ạ, Nguyễn Công Bằng, Nguyễn Bác Áí, Nguyễn Thành Tâm”. Đâu biết rằng cháu rể mình lại là em của bạn học mình, lại hai thằng cháu rể một lúc chứ. Riêng tôi cứ nghĩ, mình có nhiều thay đổi lắm không nhỉ? Sao thầy Tuấn gặp tôi ở Trung Tâm Eden, thầy vẫn nhận ra tôi ngay cơ mà.
Thầy Nguyễn Tuấn
Gặp thầy Tuấn cũng là một duyên kỳ ngộ của thầy trò tôi. Hôm đó tôi lái xe qua Virginia làm thủ tục để bảo lãnh ba tôi, xong tôi ghé Trung tâm Eden mua thức ăn sẵn và bánh mì. Đang lang thang thì thấy thầy Tuấn và cô cùng gia đình đang định vào nhà hàng gần đó ăn trưa. Tôi nhận ra thầy ngay, mà thầy cũng nhận ra học trò của thầy. Thầy chưa nhớ tên tôi, nhưng thầy biết tôi học khóa 74 KNN.
Thầy nói thầy ở Pennsylvinia, hôm nay dẫn người em thầy ở Đức hay Pháp gì qua Mỹ chơi và ghé thăm Eden cho biết. Tôi cũng nói “ Em ở Maryland , hôm nay em ghé vào Eden mua đồ ăn đem về khỏi phải nấu thầy ạ, thức ăn bên này ngon hơn bên đó nhiều nên thỉnh thoảng em mới qua đây”. Thầy mời tôi đi ăn trưa với gia đình thầy nhưng tôi từ chối vì phải chạy về đón con đi học về. Thầy nói để thầy tặng tôi một món quà. Tôi ngạc nhiên “Em chưa có gì tặng thầy cô mà thầy lại tặng em cái gì vậy”. Thầy bảo tôi theo thầy ra xe và ngẫu nhiên xe tôi lại đậu gần xe thầy. Tôi được thầy tặng cho CD “Chiều bên sông”, nhạc của thầy sáng tác. Trước khi chia tay tôi không quên xin số phone của thầy và đưa cho thầy business card của tôi, tôi nói “Học trò thầy đổi nghề rồi thầy ơi”. Cũng nhờ gặp thầy mà Yến Thu mới liên lạc được với tôi và tụi tôi mới có chuyến đi họp mặt ĐHSPKT TĐ ở Texas trong đám cưới con anh Nguyên và chị Liên, tôi là một trong những người không mời mà đến. Qua đó tôi cũng gặp lại được cô Diệu Hồng và thầy Minh, để có được chuyến Spring break ở Florida với thầy cô rất vui và nhiều kỷ niệm.
Gia đình tôi cũng có hẹn gặp thầy cô Tuấn và đi xem văn nghệ của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, rồi có buổi ăn trưa vui vẻ với thầy cô để trình diện ông xã tôi và con trai với thầy cô. Gia đình tôi và gia đình thầy Tuấn cũng thật có duyên với nhau, không hẹn mà hai thầy trò lại gặp nhau ở tu viện Tường Vân hôm rước Phật Ngọc Hoà Bình về vùng Maryland, DC và Virginia. Thầy từ Pennsylvinia , tôi từ Maryland đến, trời nắng nóng trên 100 độ F, lại đông người. Tôi đi vào kiếm thầy cô nhưng không gặp, hôm đó tôi lại không đem số phone của thầy nên không chào thầy cô trước khi ra về. Mong thầy cô thứ lỗi cho em, có dịp gia đình em sẽ ghé thăm thầy cô.
Ngoc Lan 74KNN - ĐHSPKT TĐ, học trò cũ của thầy.
**Comment (1)
Chỉ trong 1 thời gian ngắn lại được đọc thêm 1 bài vui của Ngọc Lan nữa thì không thể không nghĩ đến cái nhiệt tình mà chữ ngày xưa thường hay dùng là "nghiệp dư" của những người cộng tác và Webmaster.
Với tôi gần đây cuộc sống cũng có một ít thay đổi : thứ nhất, các phim thuộc loại mát mẽ được chiếu trên đài TV sắc tộc sau 10 giờ tối và rất cần cho các em trai sống trên 55 tuổi đã kém phần hấp dẩn . Thứ nhì ôm computer rất khuya để có lần bà xã âu yếm hỏi:
- Anh làm cái gì lục đục cả đêm quên cả đi ngủ vậy?
Ngạc nhiên khi biết tôi viết bài cho web nhà và đang vất vã với cái khả năng hạn hẹp của mình trong lảnh vực nầy , vợ tôi phải nín cười để động viên :
- Nếu sau nầy lỡ trang web ĐHSPKT-TĐ của chị YThu có làm cho anh trở thành văn sĩ nổi tiếng thì nhớ đừng quên em !
... Không biết Ngọc Lan, YThu anh Hùng 72-CKO và các ái hữu khác có ai được "người nhà" vừa động viên vừa nín cười lại vừa an ủi như vậy không ?
Thân ái
NTT