Announcement

Collapse
No announcement yet.

Lòng Tin

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Lòng Tin

    LÒNG TIN

    Nguyễn thị Ngọc Lan

    “ Xe Ngừng

    -Mận ngọt đây!

    -Bao nhiêu tiền một bịch đó?

    -Dạ 2000

    -Hổng có tiền lẻ

    -Để con thối cho.

    Cái bóng nhỏ lao đi, 5’…10’….

    -Trời đồ ranh con! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi.

    _Ai mà tin cái lũ đó chứ!

    -Bà tin người qúa!!!

    Xe sắp lăn bánh.Cái bóng nhỏ hớt hải.

    -Dì ơi,con thối lại 3 ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.”

    Nhân đọc chuyện trên, tôi nhớ đến 2 câu chuyện, tôi xin kể bạn nghe cũng không ngoài chủ đề “Lòng Tin”.

    Năm 2004, gia đình tôi về Việt Nam rồi thuê xe từ Saigon ra Hà Nội. Ghé Huế thăm nơi tôi đã được sinh ra, ghé Qui Nhơn, nơi tôi đã sống cả quãng đời niên thiếu. Đến Hà Nội, thăm quê hương của Ba Mợ tôi và thăm làng Hoa Ngọc Hà, quê ông xã tôi, để cho con tôi biết quê hương Việt Nam và thăm bà con họ hàng hai bên nội ngoại.

    Trên đường đi, gia đình tôi ngủ đêm ở Nha Trang. Sáng hôm sau dậy sớm đi ăn sáng ở một tiệm phở ở Nha Trang. Đang đợi người ta đem phở ra, thì có một cậu bé khoảng mười tuổi, trạc bằng tuổi con trai tôi lúc đó, bưng một khay kẹo chewing gum và thuốc lá đến mời mua. Ông xã tôi mua một gói thuốc lá, vì không có tiền lẻ nên tôi đưa cho cậu bé tờ 100 ngàn đồng VN, giá gói thuốc lúc đó khoảng 10 đến12 ngàn đồng VN. Cậu ta nói “Con không có tiền thối, để con đi đổi”, cậu ta liền để khay hàng ở đó cho tụi tôi giữ, nhanh chân chạy đi đổi tiền để thối lại, cậu bé chạy đi lâu lắm .

    Gia đình tôi đã ăn sáng xong rồi mà vẫn chưa thấy cậu ta trở lại, chúng tôi muốn đi ngay vì sợ không kịp giờ. Định gởi khay hàng của cậu bé lại cho tiệm phở, nhưng tôi cũng áy náy nên bảo chú tài xế ráng đợi để giao khay hàng lại cho cậu bé. Một lúc lâu sau cậu ta mới trở lại nói “ Sáng sớm không ai có tiền đổi cho con cả, con phải chạy đi nhiều nơi họ mới đổi cho con được” . Cậu bé nhìn con tôi và con tôi cũng nhìn lại. Nhưng tôi đã đọc được hai ý nghĩ từ hai cái nhìn cuả hai đứa trẻ bằng tuổi nhau ở hai hoàn cảnh trái ngược nhau.Thấy vậy tôi mới nói “Cô cho con số tiền thối lại này, lần sau con đừng để khay hàng lại như vậy, lỡ người khác họ đem đi thì mất hết cả vốn lẫn lời , con bíêt người ta ở đâu mà tìm, về ba mẹ con la thì sao?” Bước ra khỏi tiệm nhìn cậu ta đứng ở cửa nhìn theo với đôi mắt rướm lệ, tôi bỗng thấy xúc động trong suốt quãng đường đi. Tôi nghĩ chắc cậu bé cũng buồn vì qua cặp mắt cậu bé nhìn con tôi, tôi cũng có thể hiểu được rằng câu bé đã nghĩ gì? “Sao nó cũng bằng tuổi mình mà nó được ba mẹ nó dẫn nó đi ăn phở, được Ba mẹ dẫn đi chơi, mà sao mình phải đi bán cực khổ như vậy”.

    Riêng con tôi lên xe rồi mà nó vẫn thắc mắc và hỏi tôi "Sao bạn đó không đi học , mà phải đi bán vậy mẹ?" Tôi mới giải thích cho con tôi biết “Bạn đó cũng muốn được đi học, cũng muốn được đi chơí như con, nhưng nhà bạn đó nghèo , bạn phải đi bán như vậy để phụ tiền cho ba má của bạn mua gạo, mua đồ ăn, con có thấy không? Con được sung sướng và may mắn hơn rất nhiều trẻ em ở VN vì vậy con phải cố gắng học để sau này ra giúp đời và đừng để ba mẹ buồn”.

    Trên đường đi con tôi cũng đã gặp rất nhiều trẻ em đi lượm bịch nylon, đi bắt cá ngoài ruộng, đi ăn xin, đi bán nhang, bán vé số …. Con tôi rất ngạc nhiên hỏi “Uả sao các bạn đó không mặc đồ vậy mẹ?" Khi thấy những đứa trẻ nghèo quá không có đủ quần áo để mặc, chạy chơi dọc theo bờ sông, ở trên những ghe thuyền tạm bợ, nó lại hỏi "Sao các bạn đó không đi học vậy mẹ”. Tất cả những gì con tôi nhìn thấy ở đây đều là những ngạc nhiên đối với một đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên xứ Mỹ. Đi học thì có xe nhà trường đưa rước, học sinh thuộc gia đình có thu nhập thấp được ăn miễn phí ở trường, con nít thì đồ chơi đầy nhà. Nước Mỹ đúng là thiên đường của trẻ con và con tôi cũng đã cảm nhận được điều này.

    Cũng nhờ chuyến đi đó nên khi trở về con tôi biết tiết kiệm, không còn vất đổ đồ ăn đi. Ăn không hết nó cất vào tủ lạnh để lần sau ăn.Bữa trưa nó đem đồ ăn đi, ăn không hết thì đem về chứ không còn mua thức ăn trưa ở trường nữa. Có những bữa trưa nó mới chỉ ăn được một miếng đã vội vất vào thùng rác nào là sữa hộp, nào là nước trái cây và đồ ăn tráng miệng, …Bữa trưa của con nít ở Mỹ đầy đủ dưỡng chất nhưng lại không đủ thì giờ để ăn. Chỉ có 30 phút để xếp hàng lấy thức ăn, nhiều khi lại lo nói chuyện với bạn nên đâu có ăn hết, mà lại không đem về nhà được.

    Ở lớp cô giáo cũng bảo nó viết kể lại cho các bạn nghe chuyến đi Việt Nam và so sánh giữa Việt nam và Mỹ về mọi phương diện như thời tiết, khí hậu, quần áo, thức ăn, tiền tệ, giao thông, phong tục tập quán và đặc biệt là trường học. Nó làm một cuốn tập viết và trình bày đầy đủ hình ảnh mà nó chụp được trên đường đi, khi vào thăm các trường học với những nhận xét rất sâu sắc. Cuối cùng con tôi đã quyết định viết một lá thư cho tổng thống Hoa Kỳ để xin giúp đỡ học sinh nghèo ở Việt Nam.

    Trong bài kể chuyện về Việt Nam của con tôi, có những nhận xét rất hồn nhiên và ngây thơ khiến tôi phải bật cười - Ở Việt Nam, mẹ em đi chợ phải đi với dì em hay bác em và phải đem tiền thật nhiều mới đủ mua sắm, còn ở Mỹ mẹ em không phải trả tiền, chỉ cần dùng cái thẻ plastic là xong. Em muốn mua gì thì bảo mẹ ra nhà bank, vì thấy ba hay ra nhà bank lấy tiền để mua sắm cho em.

    Con tôi cũng mong một ngày kia có điều kiện sẽ đem tất cả những sách vở , đồ dùng và đồ chơi về để giúp và cho các trẻ em nghèo ở Việt Nam. Tôi nói "Trước hết con cứ cố gắng học giỏi, khi con đến18 tuổi mẹ sẽ cho con đi theo phái đoàn Project Việt Nam về VN làm công tác thiện nguyện, lúc đó con tha hồ giúp các bạn nhỏ cần được giúp đỡ”.

    CŨNG CHUYỆN LÒNG TIN

    Năm 1990, ông anh họ tôi sau mấy năm trời ký ca ký củm dành dụm với đồng lương cán bộ nhà nước thờì đó mới mua được cái xe đạp mới. Chiều tối thứ bảy, đạp xe một vòng dọc theo bến Bạch Đằng hóng gió cho mát. Tinh cờ gặp cô em gái ngồi bán thuốc lá ở ven đường, ổng mới hỏi "Mày làm gì ở đây?” Cô em trả lời ”Em bán thuốc lá, anh cho em mượn xe đạp chạy đi lấy hàng chừng 15 phút em về liền” tin lời cô em thế là ông anh ngồi trông hàng dùm cho cô em.

    Đợi 15 phút, rồi 30 phút, rồi một tiếng, hai tiếng, ba tiếng cũng chả thấy đâu. Đã 11 giờ khuya rồi, người ta đã lục đục dọn hàng về hết rồi, ổng tự hỏi "Mình ngồi đây biết đến bao giờ? Không biết có chuyện gì xảy ra cho nó? Còn hàng họ của nó làm sao đây?”. Đến khi coi lại hàng họ của cô em thì toàn những hộp thuốc lá không dán lên mặt bàn, nên thôi đành bỏ đó, thất thểu đi bộ từ bến Bạch Đằng về nhà ở chân cầu Sài Gòn mất cả tiếng đồng hồ. Khuya rồi thấy ông chồng đi bộ về chị vợ mới hỏi “Uả, Xe đạp đâu rồi mới mua mà?” Ổng trả lời "Gặp con em nó nói cho nó mượn xe đạp chạy đi đâu một chút mà đợi hoài cả mấy tiếng đồng hồ không thấy nó về, nên phải đi bộ về vậy. Không biết có chuyện gì xảy ra cho nó?”. Chị vợ nói “Ông bị nó lừa rồi”.

    Đợi cô em , một tuần , hai tuần, ….một tháng, hai tháng,… một năm, hai năm… cũng chả thấy tăm hơi tin tức gì cả.

    Ba năm sau cô em đến thăm và nói “Em xin lỗi vì kẹt tiền quá nên phải mượn tạm xe đạp của anh đem cầm. Bây giờ em làm ăn được có tiền trả anh đây, anh đi mua xe Honda mà chạy “. Cả hai vợ chồng chưng hửng!!!

    Ngọc Lan-74KNN

Working...
X