Anh Hùng Lao Động
Nguyễn Ngọc Lan-74KNN
Nguyễn Ngọc Lan-74KNN
Năm ngoái (1/1/2010) Yến Thu về Việt Nam dự lễ kỷ niệm 30 năm ngày tốt nghiệp của khoá 74 chúng tôi. Nghe Yến Thu kể, ngày hôm sau tổ chức họp mặt bạn bè và đi Bến Tre chơi, có một anh bạn trong lớp đến sớm nhất . Tôi thật phục tinh thần kỷ luật cao, tôn trọng giờ giấc của anh, anh luôn là người “đi trước về sau” như cái tên của anh. Anh còn có một tinh thần cố gắng vươn lên trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, để tôi kể bạn nghe, tinh thần vượt khó của anh ta trong thời gian đi học tại trường mà không biết có ai còn nhớ hay không ?
Trong lớp tôi có một anh ở Tây Ninh lên Thủ Đức trọ học, thuê nhà trọ ở gần trường thì đắt nên anh chịu khó mướn xa một chút nhưng lại phải chịu khó đi bộ. Chân ướt chân ráo mới ở quê lên nên kiếm một chỗ dạy kèm để có thêm tiền chi dụng không phải là dễ vì đa phần tụi tôi chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp của gia đình mà thôi. Chắc gia đình anh cũng rất hy sinh và cố gắng cho anh lên Thủ Đức học Đại Học nên anh cũng phải tiết giảm tối đa những chi phí hàng ngày. “Cái khó ló ra cái khôn”, một hôm sau bữa ăn chiều anh đi vòng ra sau bếp ăn của sinh viên thấy người ta đổ cơm thừa canh cặn phí quá, anh mới đề nghị nhà bếp cho anh được thầu chổ thức ăn dư đó. Nhân viên nhà bếp cũng mừng vì khỏi phải mất công đi đổ, anh cũng mừng vì từ đây có thể làm ra tiền. Anh về đề nghị với bà chủ nhà trọ cùng hùn nuôi hai con heo. Phần con giống và thức ăn hàng ngày anh cung cấp, còn chuồng trại và chăm sóc thì bà chủ nhà lo . Hàng ngày sau bữa ăn trưa và chiều ở phạn xá, anh lững thững xách thùng cơm thừa về cho heo ăn. Sau mấy tháng, heo lớn trọng, bà chủ kêu bán, chia đôi, anh có dư được một số tiền để về quê.
Sau năm 1975, anh xin vào ở Ký túc xá. Ở trường cuối tuần vắng lắm vì các bạn có nhà không xa lắm đã trở về thăm gia đình. Đi loanh quanh thấy những đám đất dọc theo hàng rào của trường cỏ moc đầy, có chổ cao hơn cả đầu người, mà toàn những gai và cỏ hoa mắc cỡ rậm rạp, anh xin ban giám hiệu để được làm cỏ và canh tác những nơi đó. Thế là những ngày cuối tuần và cả những ngày sau giờ học đã có việc làm thêm, anh mua dụng cụ và bắt đầu phát cỏ, cuốc đất với hai bàn tay không. Nhiều lúc tôi thấy hai bàn tay anh rướm máu và chai vì công việc vất vả đó . Chẳng bao lâu những đám đất dọc theo hàng rào quanh trường đã được anh làm sạch. Anh phơi khô cỏ, để vào một góc rồi đốt lấy tro làm phân bón rồi mua đậu xanh, đậu đen về trồng. Sau mấy tháng vất vả chăm sóc và tưới nước, anh thu hoạch được một vụ mùa rất khấm khá. Anh đem đậu ra chợ bán và không quên mua ít đường về nấu chè đãi cả lớp. Tụi tôi có dịp ăn uống, giỡn cười thoải mái mà không mấy người để ý đến công sức lao động của anh.
Việc anh tăng gia canh tác trên đất của trường làm tôi chợt nhớ lại câu chuyện cổ xưa giữa quan Trạng và bà Chúa Liễu. Thấy bà Chúa có nhiều đất, quan Trạng đề nghị đuợc cấy ăn chia. Lúc đầu bà Chúa muốn lấy phần gốc, quan Trạng chọn trồng lúa. Sau khi thu hoạch, bà Chúa chỉ được chia phần là những gốc rạ trơ trụi. Lần sau bà Chúa đòi lấy phần ngọn, quan Trạng lại trồng khoai mì, khoai lang. Thế là bà Chúa lại bị bịp thêm một lần nữa, giận quá bà không cho quan Trạng canh tác trên đất của nình nữa.
Còn anh bạn lớp tôi, không hiểu tại sao anh chỉ được phép canh tác có một mùa, sau đó nhà trường để cỏ mọc chơi. Anh nhìn thấy đất bỏ trống mà người thì không có việc làm, tiếc lắm nhưng không biết làm sao hơn. Từ đó anh chú tâm hơn vào việc học, chỉ mong sớm ra trường để giúp đỡ gia đình. Bây giờ không biết anh đang ở đâu và đã lập gia đình chưa. Tôi nghĩ ai lấy được anh thật có phước vì anh đúng là người nông dân chân chất, hiền lành. Nghe nói ra trường anh được phân công làm việc ở ngay vùng quê của mình. Tôi cầu chúc anh luôn gặp mọi sự may mắn trên đường đời. Bởi vậy trong lớp nếu ai hỏi tôi bầu ai làm Anh Hùng Lao Động, tôi sẽ không ngần ngại đề nghị anh “Nguyễn Văn Trước, khóa 74KNN”.
Ngọc Lan