Announcement

Collapse
No announcement yet.

Sư Phụ Của Tôi

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Sư Phụ Của Tôi

    Sư Phụ Của Tôi

    Ngọc Lan (74KNN)

    Thiết nghĩ nói về ‘bác sĩ gà’ mà không nói về sư phụ của tôi thì thật là một sự thiếu sót lớn. Người Việt mình có câu “Không thầy đố mày làm nên”, chứ không phải “Mày làm nên, mày quên mất thầy”.

    Đi chuyên môn về ngành gà, tôi may mắn có hai sư phụ trong ngành Thú Y đỡ đầu. Sư phụ chính là Bác sĩ Vũ Đình Chính, trưởng khoa Nông Nghiệp ĐHSPKT. Sư phụ kế là bác sĩ Nguyễn Châu, trưởng ban Kiểm Định, phân viện Thú y Nam bộ. Mặc dù hai vị thầy đã khuất núi, nhưng trong lòng tôi vẫn luôn có sự kính nể, quí mến và biết ơn về việc đã hướng dẫn tôi trong suốt thời gian học, làm luận văn tốt nghiệp, cũng như khi đi làm tại Trung Tâm Giống Gia Cầm sau khi ra trường.

    Trong bài “Nghề Gì?” tôi có nói qua về ông thầy tôi và cái duyên dẫn dắt tôi đi vào ngành Gia Cầm. Hôm nay tôi xin kể vài câu chuyện lý thú về sư phụ của tôi mà tôi tin rằng nhiều bạn chưa được biết.

    Thầy Chính đã hướng dẫn tôi làm luận văn tốt nghiệp với đề tài “Kiểm tra tình hình miễn nhiễm của gà đối với bịnh Newcastle tại TP Hồ Chí Minh”.



    Bác sĩ Vũ Đình Chính

    Mỗi năm, trong số sinh viên làm đề tài của thầy, sẽ có một người trở thành ‘đệ tử ruột’, khóa 74KNN của tụi tôi năm đó có chị Võ Thị Huệ làm đề tài nuôi heo bằng ‘sữa nhân tạo’, còn tôi chỉ là “đệ tử ruột …thừa”. Cũng nhờ chị Huệ nói dùm, cũng như thấy sự hiền lành, thật thà, chậm chạp và những khó khăn của tôi trong lúc làm luận văn tốt nghiệp, nên thầy chấp thuận góp ý và giúp đỡ. Khi ra trường, nhờ lá thư giới thiệu của thầy mà một trong những nơi tôi đến thực tập làm đề tài tốt nghiệp đã nhận tôi làm việc. Nhiệm sở của tôi lúc đó là Trung Tâm Giống Gia Cầm trực thuộc Trung Ương và có trụ sở ngay tại thành phố.

    Bác sĩ Chính đi du học Pháp và tốt nghiệp hạng tối ưu đại học Lyon, sau đó được giữ lại làm giảng nghiệm viên của trường . Ắt hẵn là thầy rất giỏi và thông minh, vì việc một người VN được dạy tại đại học nổi tiếng ở Paris đâu phải chuyện bình thường. Sau đó thầy về nước, dạy tại trường Quốc Học và Đồng Khánh ở Huế. Năm đó (tôi không nhớ năm nào, chắc lúc đó tôi mới chào đời), thầy chấm thi ‘oral’ cho các học sinh thi tú tài hai. Trong số thí sinh có cô hiệu trưởng trường Nữ Trung học Qui nhơn và là giáo sư hướng dẫn lớp tôi năm cuối trung học. Nghe cô kể lại năm đó thầy đánh rớt rất nhiều thí sinh mà một trong số đó là học trò xuất sắc của trường Quốc Học. Chính ông hiệu trưởng trường Quốc Học phải đích thân đến xin thầy Chính cho anh này thêm 1 điểm duy nhất để có thể đậu được kỳ thi đó. Riêng cô giáo tôi đã chứng tỏ là người rất thông minh khi dự kỳ thi này. Khi hỏi thi thầy nói rất nhỏ, nếu thí sinh hỏi lại thường sẽ bị đánh rớt, nên cô giáo tôi cứ trả lời hàng hai, nếu thầy hỏi thêm thì cô sẽ biết cách trả lời. May mắn thay, cô đã qua được kỳ thi hiểm hóc đó. Thầy cũng nổi tiếng là ‘quay học trò’ hay ‘sát học trò’, thí sinh mà vào gặp thầy là ‘không lạnh mà run’.

    Ngày xưa thầy oai nghiêm và có uy ra ‘phết’ đấy, vậy mà nghe kể lại sau này có một lớp nào đó đến giờ của thầy rủ nhau nghỉ hết trơn, cho thầy ngồi chơi xơi nưóc. Chán cảnh ‘thế thái nhân tình’ nên sau khi gia đình đi Mỹ thầy đã xin nghỉ hưu với lý do sức khoẻ. Mà thật ‘lục phủ ngũ tạng’ của thầy cũng có cả trăm vấn đề của tuổi già, nào là cao máu, bệnh tim, gan nhiễm mỡ, phèo, phổi đều có vấn đề cả (thầy thường hút thuốc Sì-Gà). Người ta thường nói “có tật, có tài” hay “có tài thường hay có tật”, ông thầy tôi nổi tiếng là ‘đào hoa’ mà cô Chính lại rất hay ghen. “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”. Khổ nỗi, cô lại ghen trên mức bình thường, mặc dù ngày xưa cô cũng là ‘Hoa Khôi trường Đồng Khánh’. Tôi nghe nhân viên ở Viện Kiểm Định kể lại những chuyện lúc thầy còn làm giám đốc Phân viện Thú Y ở đường Nguyễn đình Chiểu (ngày xưa gọi là Nha Vi Trùng, đường Phan đinh Phùng), nơi này chuyên sản xuất thuốc chủng ngừa cho heo, gà ,vịt, chó , mèo, bò,... và nhà của thầy cũng ở trong khuôn viên đó. Hàng ngày chỉ ở nhà, nhưng cô Chính lại có một tấm gương rọi chiếu vào phòng làm việc của thầy, chủ yếu kiểm soát xem cô nào vào ra phòng làm việc của thầy. Thật là khổ khi hàng ngày phải theo dõi một ông chồng đào hoa như thế phải không?

    Trước 1975, thầy dọn ra ngoài và mua một căn biệt thự ở đường Công Lý. Ngày đầu tiên tôi và chị bạn đến nhà thầy để lấy tài liệu làm đề tài. Thấy căn biệt thự của thầy như nhà của Thủ Tướng, thấy mà ớn lạnh. Nhà có người làm ra mở cửa, cô đang ở trên lầu. Thầy từ từ đi xuống cầu thang trải thảm đỏ uy nghi như một ông thần. Vậy mà sau 1975, thấy thầy xếp hàng kẹp cái bao ở nách đợi mua gạo và thực phẩm phân phối cho nhân viên, trông thầy tội nghiệp làm sao đâu . Thầy mắc cỡ lắm, nhưng nếu không mua gạo do nhà nước quản lý thì lấy gì mà ăn. Chị bạn tôi lúc đó phải tình nguyện đứng xếp hàng mua nhu yếu phẩm hộ cho thầy.

    Trước 1975, thì tất cả ai dạy trung học đều được gọi là Giáo Sư, đệ nhất cấp hoặc đệ nhị cấp. Sau 1975 thì tất cả được gọi là Giáo Viên Nhân Dân và rất ít người được gọi là Giáo Sư nhưng thầy tôi là người độc nhất trong trường được mời ra Bắc để nhận danh hiệu ‘Giáo Sư’. Thầy quyết định thầy không đi và còn nói danh hiệu đó để làm cái gì? Thầy cũng vẫn là thầy. Sau đó các em thầy bảo lãnh gia đình thầy đi Mỹ, thầy phải làm giấy cam đoan ở lại phục vụ tổ quốc để cô và các con thầy được xuất ngoại chính thức. Chỉ còn lại mình thầy ở trong căn biệt thự to lớn, nên cuối cùng thầy bán đi rồi mua một căn nhà nhỏ hơn, gần đường xe lửa, ở chung với cô em và các cháu của thầy. Trong nhà vẫn còn có người làm và giữ cung cách xưa của những nhà quyền quý ngoài Bắc trước 1954. Được biết gia đình thầy ngày xưa ở Hà Nội cũng rất nổi tiếng. Giòng họ ‘Vũ đình’ và các anh chị và em của thầy đều là những người thông minh lỗi lạc.

    Nhờ đang làm việc ở trại gà nên cuối năm tôi cũng hay đến tết thầy con gà, vĩ trứng, đặc biệt là trứng loại hai tròng đỏ, to và đẹp, không có bán ngoài chợ. Tôi vốn thích giữ gìn phong tục Việt Nam “Mồng một tết cha, mồng hai tết chú, mồng ba tết thầy”. Thỉnh thoảng có vấn đề gì về chuyên môn tôi cũng hay chạy đến hỏi thầy và lấy thuốc Premix do thầy làm để giao cho các trại và những nơi nuôi gà. Lúc tôi ở chung với bà chị ở gần xa lộ Hàng Xanh, thỉnh thoảng thầy cũng ghé vào thăm khi đi chơi với mấy cô bồ. Tôi được biết mặt vài người và thầm nghĩ “Sao ông thầy mình đào hoa thế?” Tôi được quen biết với một người bạn tâm đầu ý hợp với thầy. Lúc thầy đau ốm nằm trong bệnh viện Vì Dân, cô này hay đến săn sóc trong lúc gia đình thầy không có bên cạnh. Ngày đưa cô đó đi Mỹ tôi có đến tham dự buổi tiệc chia tay.



    Ngọc Lan tiễn bạn của thầy

    Sau này thầy cũng được gia đình bảo lãnh đi Mỹ. Ngày đưa tiễn thầy ở phi trường có tôi, chị Huệ và chị Tuyết Mai (em thầy Thông dạy Toán). Thầy đi rồi , tôi không còn đến nhà thầy để hỏi thăm tin tức hay liên lạc gì cả, nghĩ mình cũng tệ thật. Sau một khoảng thời gian khá dài, chị Huệ cho biết tin thầy mất, ra đi rất nhẹ nhàng . Thầy ngủ mở cửa sổ phòng, quên không đóng, đến sáng các con thầy lên đánh thức thầy dậy ăn sáng thì mới biết thầy đã đi lúc 3-4 giờ. Thầy cũng được yên ấm bên gia đình con cái. Một thời huy hoàng và bay bướm của thầy cũng qua đi như “Lá rụng về cội”.

    ***

    Thật may mắn cho tôi khi được thầy Nguyễn Châu nhận làm con nuôi, làm đệ tử qua chuyến đi thực tập ở Viện Kiểm Định nhờ thầy chỉ có ba cậu con trai mà lại không có cô con gái nào cả. Một buổi trưa, lúc tôi đang ngồi ăn trong phòng thí nghiệm với các bạn thì thầy mở cửa bước vào, tự dưng thấy tôi thầy giật mình. Sau nghe kể lại thấy tôi giống người yêu cũ cũa thầy, thầy lại tưởng tôi là con của cô ấy, nhưng hỏi ra thì không phải. Phần tôi cũng có khả năng đặc biệt trong lúc lấy máu gà con để thí nghiệm nên thầy giao cho tôi thực hiện đề tài “Kiểm tra thuốc chủng dịch tả trên các lứa tuổi của gà để quyết định lúc nào chích ngừa là tốt nhất”. Sau đó về trường thì thầy Chính trưởng Khoa Nông Nghiệp lại giao cho tôi đề tài khác.



    NgocLan đứng trước Viện Kiểm Định

    Thầy cũng là sinh viên xuất sắc khóa thầy du học ở Thái Lan. Tôi đã được thấy hình thầy chụp chung với toàn khóa và hình thầy được nữ hoàng trao bằng khen. Hai tấm hình này đã được phóng lớn và để trong phòng làm việc của thầy. Tuy tôi không làm đề tài của viện, nhưng đề tài của trường cũng phải qua viện để làm thí nghiệm và nhờ chuồng trại để nuôi gà theo dõi. Nhờ thầy là trưởng ban Kiểm Định nên các chú, các bác ở viện Kiểm Định giúp đỡ tôi rất nhiều trong thời gian làm đề tài. Sau khi ra trường, may mắn tôi lại được về làm việc tại trại gà Hồng Sanh, Dĩ An, gần ban Kiểm Định.

    Một hôm chú trưởng trại cho mời thầy Châu đến xem tình hình gà của trại. Thấy tôi đang làm về kỹ thuật ở trại đó, thầy rất ngạc nhiên vì không biết làm sao tôi lại lọt vào làm ở Trung Tâm Gà Giống được. Thầy giới thiệu với chú trưởng trại tôi là học trò của thầy và cho tôi biết nếu có vấn đề gì cứ chạy qua hỏi, thầy sẵn sàng giúp đỡ. Tết năm đầu tiên tôi ra đi làm, thầy đến nhà ăn Tết với Ba tôi. Thầy vẩn nhắc “Ba Ngọc Lan thật khéo, một con gà mà làm năm bảy món thật ngon”. Lúc đó năm 1979, kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ tôi làm việc ở trại gà nên nhà tôi ăn Tết cũng khá, có thịt gà, thịt heo, đậu xanh, gạo nếp, … không như thời sinh viên cực khổ, thiếu thốn. Đó là cái Tết duy nhất thầy ghé nhà tôi, sau đó thầy đưa hai con trai đi ‘vượt biên’.

    Tôi biết không chuyện này cho đến một hôm đang làm việc thì nhận được thư không đề tên người gởi, phong bì viết - Kính gởi: “Cô Kỹ Sư Ngọc Lan, Kỹ Thuật trại gà Hồng Sanh, Huyện Thên An, tỉnh Sông Bé”. Tôi ngạc nhiên vô cùng, ai mà biết rõ ràng địa chỉ nơi tôi đang làm, khi mở ra mới biết là thư của thầy kể về chuyến đi vượt biên hãi hùng. Sau bao ngày đêm lênh đênh trên biển, thiếu nước uống và lương thực, con trai thầy kiệt sức, gần hấp hối. Cũng may được tàu Đức cứu và cho máy bay trực thăng chở thẳng vào bệnh viện cấp cứu kịp thời. Thầy viết “Nếu có chuyện gì xảy ra cho tụi nó, thầy sẽ thầy ân hận suốt đời vì chỉ bảo con là đi chơi biển Vũng Tàu rồi dẫn xuống tàu đi luôn, tụi nó đều là học sinh xuất sắc cả”. Sau đó, hàng tháng tôi đều nhận được thư thầy gởi thẳng về nhà kể về cuộc sống của thầy và hai em. Thời đó thư gởi từ nước ngoài hay bị để ý, nhất là ở cơ quan. Thầy kể về mùa đông bên Đức, nước để ngoài đông thành đá. Lúc đó ở VN, tôi tưởng tượng khi mình đổ nước ra nó đông cứng từ ly xuống đất, trông ngộ quá. Còn Tivi thì dùng remote control để điều khiển từ xa. Trời, lúc đó ở VN tôi nghe những chuyện đó như chuyện khoa học giả tưởng, thật là ngạc nhiên và không thể nào ngờ được. Lúc đó mới biết là xứ người ta văn minh đến đâu, mà mình thì vẫn lọc cà lọc cọc với chiếc xe đạp để đi làm mỗi ngày.

    Tôi cũng rất phục ý chí cuả thầy, tiếng Đức học rất khó mà thầy vừa lo cho hai con, lại đi học và tốt nghiệp. Cô Hà (vợ thầy, mà thầy hay gọi yêu là ‘bé Bự’) sau đó cũng đem con trai út vượt biên và đoàn tụ với thầy ở Đức. Thầy cũng có ý cho tôi đi cùng với cô, nhưng khi đến chỗ ở mới của cô thì cô cũng vừa mới ra đi, may sao chuyến đi của cô với cậu con trai út cũng “thuận buồm xuôi gió”.

    Sau khi ra trường có việc làm và phải đổi đi chỗ mới, thầy nói sẽ viết thư cho tôi biết sau. Năm đó tôi cũng ra đi, rồi nhà bị tịch thu, thế là mất liên lạc với thầy. Khá lâu sau đó, nhờ thầy Tuấn tôi biết tin tức và điện thoại để nói chuyện với thầy cô. Lần này lại là một ngạc nhiên cho thầy khi biết tôi đang ở Mỹ. Thỉnh thoảng tôi vẫn hỏi thăm, lúc thầy còn khoẻ cũng như lúc đau yếu, kể cả trước khi thầy chuẩn bị một chuyến viễn du không bao giờ trở lại với chứng ung thư phổi. Thầy nói “Thầy sẳn sàng ra đi không có gì vướng bận nữa cả”. Ngày xưa thầy hút thuốc rất nhiều, mỗi khi có việc ghé qua Viện Kiểm Định đưa mẫu máu gà nhờ thử bệnh Dịch Tả, tôi thường ngồi cuốn cho thầy cả hộp thuốc lá để thầy hút dần. Được biết cả ba cậu con trai của thầy đều thành công trên đường học vấn và đường đời, mừng cho ‘tam anh hùng’ của thầy.

    Đời người ngắn ngủi, có đó mất đó, cầu cho hai sư phụ của tôi được mãi mãi yên vui nơi cõi vĩnh hằng.

    --------------------------------------------------------------------------------

    Comments (4)

    Sat. Nov 12, 2011 at 06:33:55 From: Đinh Tiến Ân (74D-DT)

    Ngọc Lan ơi,

    Đọc bài của NL như nói hết ý bài Thầy Khai của Ân rồi, thấy thương các Thày cô sau 75 hơn, thấy NL có hiếu với sư phụ hơn mọi người. Trong cái Thế Thái Nhân Tình thì cô đệ tử như NL quý vô cùng,thày nào trò nấy ...Tài hoa lắm lắm.

    Chúc khỏe.

    --------------------------------------------------------------------------------

    Sun. Nov 13, 2011 From: YThu

    Nhắc đến thầy bs. Vũ Đình Chính, học trò KNN ai mà không nhớ đến vị thầy có kiến thức uyên bác, tài hoa và đào hoa nữa…

    Trước 75, bs Chính là khoa trưởng KNN, rồi sau 75 các thầy trưởng khoa của trường được thay thế bởi các thầy ở Bắc vào, các thầy trong Nam giữ vị trí phó khoa!

    Mãi đến hai năm cuối của thời gian học, sv KNN đã vào học chuyên môn mới có giờ của thầy Chính. Thu vẫn nhớ như in hình bóng cao lớn của thầy trong những chiếc áo rộng, dài, trôn bầu, bông hoa màu sắc, bỏ ngoài quần…(trước kia chúng ta gọi áo Liên Xô!)

    Thầy đứng trên bục giảng, giảng những bài học về “Hệ Thống Nội Tiết” khi thầy giảng về “Sự Tái Hấp Thụ của Thận” trước khi bài tiết ra khỏi cơ thể. Với giọng Bắc trầm trầm, những điều thầy giảng rất hay, rất hấp dẫn. Và là những điều tâm đắc thầy muốn ca ngợi sự làm việc của cơ thể rất là đồng bộ một cách huyền diệu, nhưng thầy không thể dùng chữ đó, nên thầy lại chấm câu với hai chữ “Tinh Vi!”

    Lan có nhớ, những lúc giảng bài thầy hay có vị thế là ngồi gát mông lên cạnh bàn, một tay thầy khoanh lai, một tay cầm một gọng của chiếc kính lão và gọng kia gắn hờ trên môi! Lúc đó các nàng ai nấy bảo nhau “Trời ơi! Nhìn thầy Chính giảng bài tình quá đi thôi, chết được!” …

    Năm 78, Thầy Tuấn dẫn chúng ta đi thực tập ở Viện Kiểm Định khi học về môn Vi trùng Học, lúc đó chúng ta biết đến thầy Châu, (hay thầy Trung ?, người nào đã nhận Ngọc Em làm em nuôi.)

    Sau khi ra trường được mấy tháng, Thu có trở lại Viện Kiểm Định gặp thầy Châu, nhờ thầy giúp cho mấy mẫu vi trùng chết, để cho học trò xem khi T dạy về môn Vi Sinh Học, là môn khó cho học trò Trung Cấp...Thầy rất tận tình giúp đở mình lúc đó!

    --------------------------------------------------------------------------------

    Nov 13, 2011 at 11:27:03 From: Nguyen Ngoc Diep (77KNN)

    Hi chi Ngoc Lan,

    Doc bai nay cua chi lam em cung nho den Thay. Ngay xua nhu chi noi, em cung la hoc tro cung cua Thay, nhung moi duoc co nua nam la em da di mat tieu roi, lam Thay mat cong day do, huan luyen.

    Em cung co den nha Thay 2 lan, gap Me cua thay, Thay bao em keu ba la ba noi, the la em lai co them mot "ba noi" khong cung ho. Ba rat la de thuong, hieu khach, moi khi em den nha, ba dem trai cay ra ngoi noi chuyen that vui.

    Bay gio 2 nguoi deu da khuat, "vang bong mot thoi" cua Thay cung da chim vao quen lang. That la buon.

    Chi NL la mot co hoc tro luc nao cung nghi den thay co, that dang kham phuc.

    Con em la mot hoc tro mat net, neu khong nho chi viet lai bai nay, em chac cung quen han luon ca thay.

    Ngoc Diep

    --------------------------------------------------------------------------------

    Nov 13, 2011 at 18:30:41 From: NgocLan (74KNN)

    Cám ơn anh Ân , Yến Thu và Ngọc Điệp ,

    Đã đọc bài và quá khen mình . Thật ra đó chĩ là một chút tỏ lòng " uống nước nhớ nguồn" , vì nhờ thầy mà mình có được kiến thức chuyên môn , có được việc làm và bon chen với đời.Xem ra cũng đâu có đáng gì dâu so với nhiều người có lòng " tôn sư trọng đạo" Mong được đọc bài của anh đó anh Ân . Viết kể chuyện tiếp cho tụi chị nghe chứ Điệp.

    Yến Thu ơi , mình chã nhớ và biết Ngọc Em là em nuôi của thầy nào cả ? Chắc chỉ có Ngọc Em mơí nhớ được . Thầy Trung cũng văn nghệ và hay hát lắm .

    Thânn mến,

    NL.

Working...
X