73, 40 năm
Trần Công Phú
(73KCN)
Trần Công Phú
(73KCN)
Hưng hỏi tôi : Trên đó có cửa hàng nào bán vòng hoa? Rồi, lại thêm một đám tang nữa.
Ngồi với Hưng trong một quán ăn nhỏ. Buổi chiều tháng sáu, mây vần vũ trên bầu trời xám xịt. Tôi hỏi : Ai chết? Trần Phước An ,khóa 74. Đã bị bệnh chừng 3,4 năm rồi. Ăn vội vàng giữa tiếng chuông điện thoại dồn dập. Hưng bảo:Tao đi viếng đây, tụi 74 đang chờ.
Tháng trước, Hưng cũng email báo … đã chết. Tháng trước nữa, điện thoại dồn dập , Thập Tân cũng đã nằm ngủ vĩnh viễn ở vùng Phan Rang mù khơi, nắng cháy. Mấy năm trước, lớp trưởng Điên Phan quý Võ nằm xuống, đã làm cho Kim Hai khóc cạn nước mắt, trong khi ngày cưới của con đã gần kề. Chết, bệnh cứ tiếp nối mãi qua tin nhắn, email và trên những câu chuyện bên lề vỉa hè. Tôi nhìn tôi trong gương soi; một lão già tóc bạc lạ hoắc, trầm tư đối diện với mình.
Lớp trưởng KCN Đặng Trường nhắc : 40 năm rồi đó! Tôi nhìn đại tá Phạm Ngãi, gương mặt khắc khổ,mới nhận ra sự tàn phá của thời gian. Ừ, lũ chúng mình là đàn ông nên không để ý đến “nhan sắc” của mình. Một mái tóc ngắn ,gần như kiểu tài tử Yul Bryner của Trần Ngọc Ánh hay chiếc trán sói sọi của Phan minh Thanh là đề tài những câu chuyện cười trên bàn nhậu. Già thì đã sao nào. Hãy nhìn mặt lũ chúng mình đi! Đứa nào cũng già! Ảnh trong email, Phan văn Lễ cười rúm ró bên cạnh chiếc ghế nang 4 chân. Hết oanh tới liệt!
Không biết những cây sứ trong những ô vuông song sắt bao quanh,trước thư viện có còn không? Lâu rồi, chẳng có dịp để vào trường để nhìn lại những cây sứ đó. Đi ngang trường nhiều bận, nhìn vào, thấy những khối nhà mới mọc lên và những bước chân tất bật của sinh viên trong trường mà bồi hồi nhớ. Tôi muốn giữ cho mình những hình ảnh của 40 năm trước. Là cây đa cô đơn giữa một khuôn viên xanh rông lón. Là chiếc Am nhỏ, chẳng biết thớ cúng ai, phía sau dãy ký túc xá. Là Đại giảng đường, rộng mênh mông theo con mắt nhìn của một tân sinh viên khóa 73, ngày nhập môn.Là sân bóng chuyền.Là Phạn xá…Là còn nhiều nữa.
Một lần đi về trường,cách đây chừng 10 năm,gặp những cô sinh viên đón tiếp. Một cô hỏi: Bác ơi, xin lỗi cho cháu hỏi, bác khóa mấy? Khóa 73. Cô sinh viên hồn nhiên, cười lớn: Ngày ấy cháu chưa ra đời. Ừ, lúc đó cô còn nằm trên những ngón chân của mẹ cô. Làm sao cô biết được, ngày ấy sĩ số sinh viên của toàn trường không quá 300. Làm sao cô biết được, có những lớp học chỉ có một thầy một trò. Thầy bận, trò nghỉ là chuyện hiển nhiên. Trò bận đi chơi với đào cũng cho phép thầy nghỉ dạy. Đó là chuyện của 40 năm trước. Như một chuyện cổ tích mà thời gian và không gian vẫn còn in dấu trong lòng đám cựu SV.
Ngô văn Tiến điên cho tôi: Có gì lạ không? Có ! Chuyện lạ, là có một thằng bỏ Sài Gòn về Bồng Sơn ,lo chuyện trời ơi, đất hỡi! Trời Bồng Sơn giống trời Sài Gòn, bởi ở đâu cũng có mây trắng bay. Nhưng đất Bồng Sơn khác đất Sài Gòn bởi Sài gòn có nhiều quán nhậu,có nhiều con đường. Lạ như chuyện đàn anh N.V.A hun khói tìm tổ chim, làm cho toàn trường tán loạn. Lạ như dáng vẻ bệ vệ của đàn anh Y Tlung Arul bên cạnh lớp đặc biệt KTGĐ, dành cho người dân tộc thiểu số miền cao.Nhiều chuyện lạ mà lâu dần đã trở nên quen. Như có những bạn cùng khóa, cùng ở một thành phố , mà lâu, thật lâu, chưa có dịp gặp gỡ.
Nguyễn Hữu Tài từ Canada về. Về rồi lại đi. Mười mấy đứa ngồi trong quán 300 trên đường ĐBP uống ly bia tiễn biệt Tài. Phạm thiện Nhường, Trần gia Cường, Lê Tùy, năm trước và năm nay cũng có về. Chẳng có tin tức của Trần tiến Thụy, Khưu Lài, Khưu Trương, Tăng đức Quang, Hồng thị Hóa…Khóa 73, hơn 130 đứa ngày nhâp trường nay điểm lại, thấy kẻ còn người mất. Nghe chuyện của Tài -Lạc mà ngậm ngùi. Cô bạn da ngăm đen,mang chiếc bụng bầu thời đi học, nay chẳng biết sao? Vui hay buồn? Mỗi đứa mỗi số phận. Có sướng, có khổ.. Hưng đã làm một việc nhỏ, là can thiệp cho con của Thập Tấn được bảo vệ luận án tốt nghiệp, thay vì phải chờ them một năm nữa. Ở trên bầu trời xa đó, có lẽ Thập Tấn cũng mỉm cười. Những đứa đồng môn năm nọ không quên hoàn cảnh khốn khó của một người Kỹ sư giáo dục, quay tấm bằng tốt nghiệp vào tường nhà, bỏ đi bán thuốc dạo từ Huế-Đà Nẵng vào Sài Gòn-Hố Nai-Lục tỉnh. Những đám tang, những tiệc mừng luôn có mặt đám đồng môn này, khi có Hiếu-Hỷ.73.40 năm rồi.
Chủ nhật này, Trần đình Lài hẹn gặp ăn sáng tại quán Sa tế, vùng ngả tư bốn xã, khu kinh tế mới của tôi. Chắc rằng phải hẹn thêm Nguyễn ngọc Oanh, Nguyễn văn Mười Hai... Dương anh Kiệt đã 3 năm rồi, quy cố hương mò cua bắt ốc. Nửa tháng trước, nhân chuyện Tài về, hai đứa lại có dịp ngủ chung, cười rúc ra rúc rích như 2 thằng trẻ của 40 năm trước. Hai đứa hỏi nhau: Sao dạo này ông già quá. Sư ông! 60 tuổi mà sao không già. Nhìn kỹ Tạ Quang Bình, khi nâng ly bia,lè nhè : Tụi mày hỗn. Tao năm nay đã 63 tuổi rồi đó. Tụi mày chỉ 60 tuổi thôi. Ôi trời! 60 với 63 có khác gì nhau? Sao mày không nhắc đến Tăng phước Thanh ,Trần văn Út..
Người ta, nửa đời nhìn lại. Chúng mình đã quá nửa đời. Có lẽ phải nói thêm: gần đến cuối đời. Nhìn lại thấy những gì? Không còn thấy đố kỵ, ghen ghét, Không còn chuyện hơn thua. Mà hơn thua gì nữa trong cái tuổi này, hở trời? Số phận đã đóng đinh mỗi đưa trên bức tường cuộc đời, từ lâu lắm. Sang, hèn, giàu, nghèo có việc gì phải bận tâm. chỉ một điều mong mỏi, là thời gian, xin hãy đi châm lại. Để còn thấy nhau. Để còn ngồi với nhau.
Nhưng mặt trời vẫn mọc khi buổi sớm mai bắt đầu một ngày.Mây vẫn bay trên khoảng trời xanh quen thuộc. Không thể làm cho trái đất quay chậm hoặc mặt trời quay nhanh. Quy luật của muôn đời : Hữu sanh, hữu diệt. Thì hãy làm cho khóa 73 cùng chìa. Cùng khóa khác chìa thì buồn lắm!
Trần Công Phú
(73KCN)
Để giúp các anh nhớ lại bạn cũ, Thu xin post lại hình ảnh xưa của khóa 73 được anh Trần Công Phú nhắc nhớ trong bài viết.
Trần Công Phú (73KCN/73KNHa) là người mang kính đứng phía sau anh Trần Gia Cường và Thập Tấn.
Ngày xưa, anh Phú thường đi cùng với anh Dương Anh Kiệt, đúng không hè !???
Comment