Chuyện Tình Anh Mì Gõ - Phạm Tường Hạnh
Đầu ngõ hẻm nhà tôi, có một xe mì gõ. Cũng chỉ mới hơn nửa năm nay thôi, khi phía ngã tư người ta giải tỏa để làm một cái vòng xoay. Trước đây phía hẻm này rất vắng. Một số gánh hàng bị giải tỏa, chợ thụt lùi dần dần vô tới đầu hẻm, tạo nên một cảnh khá nhốn nháo vì các hàng quán chiếm chỗ bán hàng. Chỉ một thời gian rất ngắn, cái chợ chồm hổm này ổn định được vị trí của mỗi người. Phía phải đầu ngõ là nơi của anh mì gõ, phía trái là mấy mẹt hàng của chị bán trái cây. Cạnh đó là tủ thuốc lá, xích lên phía trên của vợ chồng anh bán cà-phê.
Khi họ ổn định được vị trí, cảnh nhốn nháo cũng không còn. Mấy người bảo nhau giữ gìn trật tự vệ sinh. Họ sợ những chủ nhà bị chiếm vỉa hè than phiền, thưa gởi với phường. Rác rưởi của người đi đường, hay của chính họ thải ra cũng được bảo ban nhau tém dẹp cho kỹ, quét tước sạch sẽ.
Cái xã hội bốn phương tụ lại này tự nhiên rồi cũng có mối thân tình. Khoảng ba giờ chiều, chị tủ thuốc lá đẩy cái tủ bốn bề lắp kiếng ra dọn hàng, còn đang loay hoay thì đã có người bước tới giúp nâng cái tủ thuốc lá lên lề đường. Anh mì gõ cũng vậy. Cái xe của anh kềnh càng, nào bếp lửa, nào nồi nước lèo, tô, chén, mấy chiếc ghế nhựa cho khách hàng ngồi ăn, một mình anh đưa được những thứ đó lên lề đường, quả có vất vả. Chị trái cây vội đứng lên giúp một tay, vừa đẩy vừa nâng chiếc xe lên cùng anh đặt vào chỗ, kê hòn gạch cho chắc chắn. Họ nhìn nhau nói lời cám ơn. Hoặc như có ai đó mới tới ngồi lẫn chỗ của người cũ, liền được bà con nhắc nhở và tìm cách cho có một chỗ ngồi bán hàng, không xảy ra tranh giành, cãi vã gì...
Thỉnh thoảng, những buổi chiều mỏi bụng, tôi thường ra đầu ngõ này kiếm một tô mì. Tô mì ở đây ba ngàn, có dăm lát thịt luộc, một vắt mì nhỏ, một chút hẹ, hành, tiêu. Tô mì rẻ tiền này nuốt đi được dễ dàng, chính là nhờ cái nước lèo của nó. Nước lèo không béo nhưng rõ ràng có mùi mực nướng, tôm khô, chắc chắn có bột ngọt và có thể có chút đường. Người ăn mì không cảm thấy có đường và bột ngọt mà dậy lên mùi mực, tôm khô... Tất nhiên nước lèo phải nấu bằng một ít xương heo nên nó ngọt thanh, hấp dẫn, người đói phải ăn hai tô một lúc.
Tôi ăn mì ở cái xe này nhiều lần thành quen. Nhìn nét mặt anh mì gõ chỉ khoảng hơn hai chục, hiền lành và thỉnh thoảng chỉ tủm tỉm cười, tôi hỏi:
- Ở nhà, ai nấu nồi nước lèo cho anh mà có vẻ tay nghề lắm vậy?... Gia đình anh làm nghề này đã lâu chưa?... Bà mẹ hay người chị chắc phải nền nếp và nấu ăn giỏi?...
Mới đầu anh mì gõ chỉ mỉm cười, lúng túng, nói loanh quanh. Sau tôi hiểu ra rằng cái xe mì gõ này là do anh đi mướn của người ta. Mỗi ngày nhận xe mì gõ, tìm nơi bán, tới tối bán hết đẩy xe về, trả tiền, ngày mai họ lại chuẩn bị sẵn, đúng giờ tới nhận xe mì gõ và lên đường cho một ngày lao động mới..
Ở Sài Gòn Chợ Lớn có tới vài chục lò mì gõ. Mỗi lò chiếm hẳn một vùng, thường thường trong những con hẻm lâu đời. Mới đầu những lò mì gõ này do người Huê Kiều đứng ra làm chủ, dần dần có một số người Bắc, người Trung ăn cắp nghề và lập lò mì gõ. Mỗi lò mì gõ có từ mười, mười lăm tới hai mươi xe. Họ chuẩn bị đầy đủ hết, từ mì vắt tới hành hẹ, ngò, thịt heo gọi là xá xíu, sau này thì không phải xá xíu mà là thịt luộc thái mỏng, tô, chén, đũa... Nồi nước lèo nấu sẵn, nêm vừa ăn, dung lượng nước lèo được tính kỹ từ hai chục, ba chục, bốn chục, năm chục tô, năm trăm đồng. Như vậy hai mươi tô là năm chục ngàn đồng. Người mướn, đã thỏa thuận từ trước, nhận phần thuê của mình. Người chủ cung cấp cho một số củi vừa đủ hâm cho nồi nước lèo lúc nào cũng nóng liu riu... Muốn thuê phải có người giới thiệu, bảo đảm và đóng tiền cọc.
Khi đi bán, phải khéo tay, tính toán sao cho dủ tô mì quy định và bán sao cho có lời ít nhứt từ năm trăm tới một ngàn một tô. Bán ba chục tô lời ba chục ngàn. Thường thường mỗi xe mì gõ bán được từ năm chục tới sáu chục tô, từ giác chiều tới nửa đêm. Những đêm mưa lạnh, sương xuống khi về khuya, những người lao động kiếm được một tô mì nóng, ăn tới đâu, thấm thía tới đó, ngon và hứng khởi. Anh mì gõ đầu hẻm nhà tôi bán một tô ba ngàn là để chiêu hàng, làm quen. Độ hơn tháng sau thì anh bán một tô ba ngàn rưỡi. Hôm nay thì đã là bốn ngàn một tô rồi.
Một hôm, tôi mượn xem hai thanh tre gõ của anh. Chúng láng bóng như có đánh vec-ni có mầu nâu sô-cô-la có lẽ do ám khói, nhưng rất đẹp. Tôi gõ thử, chúng phát ra một âm thanh khô, ròn và sắc. Tôi hỏi: "Hai thanh tre gõ này, anh làm hay mua?". Anh trả lời: "Cháu mướn cái xe mì này, nó đã có sẵn rồi. Vì vậy mới gọi là mì gõ".
Nhìn ngắm hai thanh tre gõ, tôi hình dung như chúng đã qua tay hàng trăm người. Nhiều thế hệ mì gõ đã qua chiếc xe này.
Đêm khuya thanh vắng nghe tiếng cốc cốc tinh cốc những người lao động đi làm, kiếm ăn giác tối, hẳn thấy ấm lòng và như đã ngửi thấy mùi thơm của thùng nước lèo bốc khói. Cốc cốc tinh cốc, lốc cốc linh tinh cốc, có lẽ đây là một nốt nhạc vui. Suốt đêm thâu nó phát ra âm thanh mời gọi đó. Cốc cốc tinh cốc lốc cốc linh tinh cốc, cứ đều đặn như vậy, đường này qua phố khác, không hề tạo ra nốt nhạc buồn chán mà hình như còn chút hài vui, mời gọi cái bao tử mòn mỏi của con người đi làm khuya...
Quen biết lâu ngày, tôi và anh mì gõ dần dần trở nên thân mật. Con người hồn nhiên, chất phác này không giấu tôi điều gì. Anh cho biết quê ở Quảng Ngãi nên cha mẹ đặt ngay tên anh là Quảng. Vì là con đầu lòng nên cha mẹ rất quý. Anh được đi học ở trường làng tới hết cấp một. Lên cấp hai, anh phải ra học ở trường huyện. Cuốc bộ vừa đi vừa về gần hai mươi cây số chỉ có mo cơm nắm, vài con khô
nướng. Đi bộ tới trường đã đói meo, phải ăn ngay mới có sức vào lớp học. Nghe ời mẹ dặn, anh bẻ một phần ba nắm cơm để dành buổi học xong thì ăn mới có thể lại lội bộ trở về. Sẩm tối tới nhà, mẹ dọn cơm, có cha đi biển, chia cá, bán lấy tiền đi chợ làm cơm. Còn lại ít nhiều cha đưa cho mẹ mua gạo và dành dụm cho các con. Nhung ác nghiệt, buổi đó cha đi biển, gặp bão và không bao giờ trở về nữa,
để lại người vợ bơ vơ và ba con nhỏ. Hai người em sau đều là gái, một đứa học tới lớp hai và một đứa còn chạy tha thẩn chơi với đám trẻ nhỏ trong xóm.
Người mẹ góa không có khả năng cho anh đi học tiếp. Bà con, chú bác trong họ giúp cho được mấy sào đất cho anh trồng tỉa hoa màu, rau đậu cho mẹ đem ra chợ bán. Làm nông vất vả lắm, nhưng trong họ, ngoài làng không đồng ý cho anh đi biển theo nghề cha, vì anh là con trai một, phải sống mà giữ lấy dòng dõi cha ông.
Anh đã hết sức cố gắng lao động được năm năm, trồng rau, bầu bí, mướp, dưa leo... cho mẹ chạy chợ hằng ngày nuôi sống được mấy mẹ con. Hai đứa em gái cũng đã được đi học.
Nhưng năm ngoái đây, trong trận lũ lụt khủng khiếp lại cướp mất người mẹ của anh trong lúc từ chợ về nhà. Về gần tới nhà, người mẹ bước xuống mé thung lũng bìa làng thì cơn lũ ào tới cuốn ngay bà đi không kịp một lời kêu cứu. Trận lũ tới nhanh quá, tràn ngập hết thảy. Chỉ trong một loáng không còn trông thấy ruộng vườn, bờ bãi ở đâu. Quảng sợ quá, tức tốc lớp chạy, lớp lội, lớp bơi... về tới nhà thì nước đã lém đém mái tranh. Hai đứa em gái đang ngồi thu lu trên mái gào khóc khản cả tiếng. Anh vội dìu từng em thoát khỏi mái nhà lên bờ cao. Không kịp nghỉ ngơi, Quảng quay lại căn nhà mong còn vớt vát được món gì. Nào ngờ khi anh còn đang ôm gốc khế thì căn nhà đã bị cuốn phăng đi, nó trôi phập phều như một chiếc nhà ọp ẹp chỉ vài cái chớp mắt, căn nhà không còn nhìn thấy đâu nữa. Rất may cây khế mọc trên một gò cao nên chưa ngập hẳn. Quảng leo lên ngọn khế ôm chặt một cành lớn nhìn nước ào ào chảy phía dưới mà khiếp hãi. Anh chỉ mong có người trong xóm trông thấy hai đứa em gái, cứu giúp cho hai em thoát khỏi cảnh nước lũ và cho hai em ăn một chút gì cho đỡ lòng.
Trời dần tối, Quảng tháo dây lưng cột chặt mình vào cành khế, sợ tới khuya mệt quá ngủ mất sẽ bị rơi xuống nước và bị cuốn theo dòng xoáy phía dưới. Cây khế nhờ sống chung một bụi với những cây ổi, cây xoan nên chặn đỡ được dòng nước.
Trời tối hẳn, mưa gió vẫn ào ào... nhìn ra bốn chung quanh, làngxóm là một bóng đêm dày đặc, không một ngọn đèn, gió ào ào thổi, lạnh tới sống lưng, bụng đói, Quảng run lên từng đợt cố giữ bình tĩnh cho qua đêm, nhưng rồi anh cũng ngủ thiếp đi... Trời sáng dần, mở mắt
ra Quảng thấy mấy chiếc xuồng ghe ở phía xa xa đi tìm kiếm người bị nạn. Anh không còn hơi sức gào để kêu cứu, vội xé tà áo giơ lên khỏi ngọn khế quơ quơ mong cho có người nhìn thấy. Người ta nhìn thấy thật, chèo tới, mở sợi dây lưng đỡ anh nằm xuống một con thuyền. Người kiếm chăn chiếu đắp cho anh khỏi lạnh rồi cho anh uống một ly sữa.
Quảng dần dần tỉnh lại mở mắt ra hỏi hai đứa em gái anh đâu. Người ta không thể trả lời được. Họ đi cứu một số người nữa rồi đem về bệnh viện huyện. Ở đây, Quảng đã tỉnh lại, gặp một số bà con và người làng. Lúc này Quảng mới biết mẹ anh đã bị nước cuốn trôi, không kiếm được xác. Hai đứa em gái đã được bà con trong dòng họ cưu mang đem về nuôi.
Thương mẹ, anh rất buồn nhưng tai nạn không phải chỉ xảy ra với gia đình anh. Nhiều làng xóm, nhiều gia đình đã có nhiều người bị lũ cuốn trôi cùng với căn nhà và toàn bộ tài sản. Tang tóc đang tràn ngập khắp làng xã xác xơ hiu quạnh và đói khát.
Quảng xung vào tổ chức đi cứu vớt đồng bào. Vốn con nhà đi biển, anh bơi rất giỏi, mình anh sục sạo vào những lùm bụi còn đang ngập nước cứu vớt được nhiều người. Có người như đã gần chết lả, có người hai hàm răng đánh lập cập không dừng lại được, có người ngơ ngác, đôi mắt trắng xác... không hiểu mình đang ở cõi nào trên dương thế này. Sự hốt hoảng vì người trong gia đình bị lũ cuốn trôi, người thân chết không chỗ chôn, tài sản tan tành vì lũ cuốn sạch... Có người đã sinh lãng trí...
Giữa lúc đó, nhiều đoàn từ thiện từ Hà Nội vào, từ đồng bằng sông Cửu Long, từ Sài Gòn ra. Hàng đoàn xe tải chở mùng, mền, chăn chiếu, sữa, mì gói, gạo, thuốc men... cùng với phái đoàn Chính phủ đi thăm hỏi cứu trợ đồng bào... Ai nấy thoát khỏi tai nạn cũng rưng rưng xúc động...
Trong số các đoàn từ thiện này, có nhiều người của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế... trước nay đi công tác, đi làm ăn ở hai đầu đất nước, nghe tin lũ lụt miền trung liền tức tốc kêu gọi đồng hương góp phần cứu trợ quê hương. Một số người trong làng của Quảng về tận xóm phân chia hàng cứu trợ... Họ đã cùng bàn với họ tộc đưa Quảng vô Sài Gòn để giúp đỡ làm ăn. Những người làng sẽ giúp đỡ hai người em gái Quảng, trông nom mảnh vườn, mấy sào đất, giúp cho hai em gái Quảng ăn học nên người...
Từ giã xóm làng, bà con, Quảng vô Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Bà con đã giúp đỡ cơm ăn áo mặc và truyền nghề mì gõ cho anh. Mới đầu Quảng cầm hai thanh tre đi gõ khắp đường phố chung quanh xe mì. Được đôi ba tháng, quen nghề, bà con giới thiệu, bảo đảm cho anh được mướn một xe mì để... làm ăn riêng...
Cuộc đời của anh mì gõ trước ngõ nhà tôi là như vậy, đầy sóng gió và cũng rất dũng cảm. Anh có nguyện vọng làm ăn chân chính, cố gắng để dành lấy một số vốn, dần dần sẽ đưa hai em vô cùng sống, đùm bọc lấy nhau.
*
Về bán mì gõ trước ngõ nhà tôi được ít lâu, Quảng thân quen với Trà, bán trái cây. Chính ra Quảng rất nhút nhát, làm quen với đàn bà con gái là sợ lắm. Trông vậy chớ trong lòng anh mỗi khi trò chuyện, tiếp xúc với Trà cứ ấp a ấp úng chỉ còn thiếu nước sợ run lên mà thôi. Chính ra, cô tấn công trước. Mỗi khi thấy anh làm ăn lóng ngóng, cô sẵn sàng giúp đỡ, khi thổi cho cái bếp lò cháy lên để không có khói. Những cây củi còn ướt, cô để riêng ra bên bếp, chờ khi khô mới đặt vô lò. Những khi có nhiều khách cô sang rửa dùm mấy chiếc tô, lau khô sạch sẽ, úp vô cái tủ con con lắp mặt kiếng cùng với các thứ đồ nghề khác. Để cô làm như vậy, Quảng áy náy lắm nhưng không biết làm cách nào khỏi mất lòng cô mà vẫn giữ được thân tình.
Trà, người Trà Vinh, xứ sở của trái cây. Mấy năm trước đây cũng vì nhà nghèo, sau khi người chị lấy chồng, cô về giúp việc cho một người bà con xa, bán quán gần bến xe thị xã. Trước đây ở nhà lam lũ, cô gầy ốm tong teo. Hai năm sau này, bán quán cho người bà con, được ăn no đủ, Trà lớn nhanh, phổng phao có da có thịt, trông xinh đẹp. Nhưng nghề bán quán luôn luôn bị đám tài xế, lơ xe chọc ghẹo. Đám anh chị, giựt dọc cũng la cà bờm xơm. Trà sợ quá, luôn luôn ở trong bếp, chỉ khi nhà chủ gọi mới bước ra cửa hàng, nghĩa là lúc đó có bà chủ bên cạnh.
Một bữa, bà chủ đi chợ, người chồng mà Trà vẫn gọi bằng dượng răn đe cô ràng: "Mày không được để cho bọn lơ xe, đám giựt dọc đó nó chọc ghẹo. Toàn đám tim la, lậu dề dề, cù đinh thiên pháo nó đổ bịnh cho mà chết... Vậy chớ mày đã cho đứa nào ngủ với mày chưa...". Cô sợ quá cứng cả người toan lẩn đi thì người đàn ông cũng khá vạm vỡ kia nắm chặt lấy tay cô lôi thếch vào buồng: "Mày vô đây, mày vô
đây... Phải để cho tao khám tao mới tin...". Thừa cơ quán bỗng có khách, Trà vội tuột bàn tay ra và chạy mất. Cô trốn nhà chủ, không trở về nữa, tìm cách lên Sài Gòn tìm việc làm. Làm việc gì bây giờ, nghĩ tới cái đận bán quán mà hết cả hồn. Có mấy người bạn cùng trọ trên lầu bốn gần ga Hòa Hưng, rủ cô đi chợ mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn, đủ ăn. Trà cũng đã có dành dụm được ít tiền nhưng
không dám nói cho bạn bè biết, chỉ âm thầm một mình. Nhờ có thời gian bán quán nên cô tính toán rất giỏi. Cô cũng buôn đầu chợ, nhưng tìm một chỗ ngồi ngoài phố cho đỡ phải tranh giành khách với người khác.
Bán trái cây, cô tìm loại ít vốn và lâu hỏng có thể để được vài ngày. Đó là chuối. Có nhiều loại chuối. Chuối già không thể giữ được quá ba ngày, chuối xiêm thì để dành được. Chuối xiêm rẻ tiền, người ta hay mua vào những ngày rằm, mồng một cúng trên các bàn thờ trong gia đình và cúng ở chùa.
Gần ngõ nhà tôi có một cái chùa, cô bằng lòng lắm, tìm đồ nghề tới bày bán. Buổi tối thu dọn xong, đem gởi cho gia đình người quét chùa, mỗi tháng chỉ vài ngàn bạc. Cô ăn nói đằm thắm, nên nhiều người muốn mua hàng của cô. ở Trà Vinh là xứ trái cây mùa nào thức ấy. Nào sầu riêng măng cụt, chôm chôm, sabôchê, nhãn, xoài... của mấy người cùng xứ đem trái cây lên Sài Gòn bán. Nhờ tình đồng hương, họ cho cô hưởng giá rẻ. Tuy vậy, cô không dám buôn nhiều, mỗi thứ một ít chỉ đủ bán trong ngày.
Thường thường cô bán tới ba bốn giờ chiều thì hết hàng. Càng xế chiều, trái cây của cô càng rẻ, không dám trữ tới mai nên đủ vốn là cô bán. Người ta quen nết bán hàng của cô, những gia đình trong ngõ ra mua trái cây cho bữa cơm chiều. Cô bán cho họ lại còn thêm, để lấy lòng bà con trong xóm... Sau khi dọn quang gánh
đem gởi, cô bảo anh mì gõ:
- Anh đi gõ đi , để tôi đứng bán dùm cho.
Mới đầu Quảng cũng ngại nhưng cô rất chủ động; cô nói:
- Tôi bảo đảm với anh, tôi nấu mì dùm anh không sợ lỗ dâu. Còn lời là đằng khác.
Là người đã từng bán quán cho chủ nên cô nấu ăn khá giỏi. Cô đã để ý công việc anh làm, cũng đơn giản, không có gì khó khăn. Nhưng vì trước đây Quảng chỉ có một mình nên Quảng ít có thì giờ đi gõ để rao hàng, chỉ đứng một chỗ, có ai ghé ăn thời nấu nên bán rất chậm. Có khi tới 9, 10 giờ khuya mới bán hết ba chục tô mì. Những đêm mưa gió, Quảng bán tới 2 giờ khuya vẫn chưa hết. Đành rằng nếu bán
không hết đem về nhà chủ lò vẫn không tính tiền nhũng tô mì chưa bán. Ngày hôm sau, họ hâm lại nước dùng, thêm vào cho đủ số, cùng với những vắt mì và thịt.
Từ ngày có Trà giúp thêm vào việc đứng nấu, Quảng chỉ việc cầm hai thanh tre đi gõ. Cốc cốc tinh cốc, lốc cốc linh tinh cốc qua các đường phố, ngõ hẻm. Dù trời mưa gió, tô mì nóng được đưa tới tận nơi người ăn nên chỉ độ gần 9 giờ thì bán hết. Trà tính tiền trao lại cho Quảng đầy đủ, không thiếu đồng nào. Cô lại còn dọn dẹp, đàng hoàng sạch sẽ. Cô đưa cho Quảng khi thì trái mãng cầu, khi trái
cam bảo đem về mà ăn cho lại sức.
Cứ như thế, họ thân thiết, gắn bó với nhau. Tuy không ai nói ra điều gì nhưng cả hai đều như có ước nguyện trong lòng. Cho tới một hôm, Trà bảo với Quảng:
- Ngày mai ta mua mười vắt mì, vài lạng thịt, nấu thêm với số mì nhà chủ cho thuê, chan nước nhin nhín cho khách, có thể được mười tô. Mười tô ta thu thêm được bốn chục ngàn, trừ tiền mua mì và thịt heo cũng còn lại ba chục ngàn bằng số tiền lời chủ lò cho ta hưởng.
Quảng bảo:
- Tôi chẳng biết mua bán ra làm sao cả.
- Anh cứ để tôi tính toán cho.
Bà bán vé số ngồi gần đó nói vô:
- Đúng rồi, cái cậu Quảng này tồ lắm, để cô Trà lo cho... Mà hai cháu cũng nên kết nghĩa anh em mà nương dựa vào nhau... Tội nghiệp cùng cảnh côi cút, hoạn nạn như nhau...
Nghe bà vé số nói vậy, cả xóm chợ chồm hổm không ai nói gì nhưng đều nhìn Quảng và Trà với mối thiện cảm, đồng tình: Hai anh chị cúi đầu khẽ liếc nhìn nhau, hơi có vẻ e thẹn...
Quả nhiên Trà tính toán đúng, bán thêm mười tô nữa, số nước lèo vẫn đủ. Tiền bạc
Trà vẫn trả lại cho Quảng như mọi khi. Nhưng được mười buổi, Quảng chi số tiền bán thêm ấy làm hai và đưa cho Trà một nửa. Trà bảo:
- Tôi không nhận đâu. Tiền vốn của anh bỏ ra mà tôi chỉ góp có chút công thôi mà...
Quảng nói lí nhí: .
- Không, chị phải nhận mới là công bằng hợp lý...
Quảng mới nói tới đó, Trà cướp lời:
- Đừng gọi tôi bằng chị. Tôi còn nhỏ tuổi hơn anh...
Tới đó, bà bán vé số lại can thiệp vô:
- Đúng rồi, anh em kết nghĩa phải có tôn ti trật tự hẳn hoi. Ai lớn tuổi làm anh, ai nhỏ tuổi làm em... Trà cười tủm tỉm:
- Thấy chưa, em không cầm số tiền này đâu. Anh cứ giữ lấy.
Quảng cũng cười:
- Tôi ngủ say lắm, đêm chúng nó móc mất.
Bà bán vé số lại nói:
- Đúng rồi, để em Trà nó giữ cho.
Trà nhìn Quảng:
- Anh có tin tôi không?
- Tin chớ.
Nói rồi Quảng đưa hết số tiền cho Trà giữ. Trà đếm lại cẩn thận giao hẹn rồi gói lại bỏ vào túi trong lưng quần. Mấy ngày sau, Trà may một cái túi nhỏ đưa cho Quảng bảo:
- Anh bỏ tiền bạc vào đây, giắt trong lưng quần trước bụng không đứa nào lấy được.
Một thời gian sau, nhân có dịp ra cái chợ chồm hổm trước ngõ ngồi chơi, bà bán vé số ghé tai tôi nói:
- Chuẩn bị mà ăn cưới.
- Ai vậy?
Bà bán vé số liếc mắt về phía Quảng và Trà. Tôi hỏi:
- Sắp chưa?
- Cũng sắp.
Cả chợ chồm hổm này chỉ có hơn mười người thôi, bà con sống với nhau thân tình, hiếm có. Hai bà bán tàu hủ không bao giờ bán lộn khách của nhau. Khi có khách quen tới mua, họ ân cần tiếp và mời chờ cho chút xíu. Anh bán cà-phê sẵn sàng cho mượn ghế khi có khách ăn mì thiếu chỗ ngồi. Chị tủ thuốc luôn luôn giúp bà bán khoai lang luộc. Bà này luộc khoai tại chỗ trên cái cà ràng nên khoai của bà
lúc nào cũng nóng. Chị tủ thuốc bao giờ cũng chẻ dùm bà khoai lang luộc những thanh củi cho dễ cháy. Bà con sống với nhau thân tình, nhác nhở nhau giữ vệ sinh, nhường chỗ cho xe qua lại, góp dùm tiền thuế hoa chi, nói dùm nhau khi có mấy anh tự vệ tới gây chuyện rườm rà...
Bà con góp ý cho đám cưới của Quảng và Trà khá chu đáo. Cả hai đều không họ hàng thân thích gì ở đất Sài Gòn nên không bày vẽ mâm chén làm gì, chỉ cốt hai anh chị thương yêu, đùm bọc nhau, cố gắng làm ăn, để dành lấy chút vốn, mướn một cái quán nho nhỏ cũng vẫn cứ bán mì gõ và trái cây... Dần đần rước mấy đứa em vô ở
cùng, cho chúng được học hành, gia đình sum họp...
Đó là những lời bà con trong cái chợ chồm hổm này đã nói với Quảng và Trà. Cả hai rất cảm động, ứa nước mắt mang ơn cô bác đã tác thành cho mối tình của họ, dạy bảo cho biết đường đi nước bước trong đời...
Bữa tiệc cưới, quả thật chưa từng có, diễn ra ngay trên lề đường trước ngõ hẻm nhà tôi. Anh cà-phê cho mượn hai cái bàn, mấy chiếc ghế nhựa cho đủ chỗ ngồi.
Tiệc cưới là mỗi người một chiếc bánh bao đặt trong đĩa mượn của bà khoai lang luộc, còn thiếu mấy chiếc thì chị tủ thuốc lấy của gia đình cho mượn.Anh cà-phê bán cho mỗi suất khách một chai nước ngọt, uống bằng cái ống hút với giá vốn.
Tôi được bà con cử làm đại diện đằng trai cùng với bà bán vé số đại diện đằng gái làm chủ hôn. Chúng tôi góp mỗi người mười ngàn đặt trong một chiếc phong bì.
Sau khi tuyên bố lý do, mỗi người nói vài vâu chúc mừng cho đôi vợ chồng mới, bà vé số thay mặt tập thể đưa chiếc phong bì được một trăm hai chục ngàn đồng chúc mừng Quảng và Trà. Cả hai rưng rưng nước mắt đứng lên vái tất cả bà con có mặt
làm cho ai nấy cũng mủi lòng...