Tôi gặp bà ta ở rạp hát. Nếu không có người nhắc thì có lẽ tôi cũng không nhận ra bà ta nữa vì hình như lâu lắm rồi tôi đã gặp bà ta một lần.
Bà ta vui vẻ nói với tôi :
- Lâu lắm rồi chúng ta mới lại gặp nhau. Thời gian qua như bay ! Chúng ta chẳng còn ai trẻ cả. Ông có nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau không ? Cái lần mà ông mời tôi dùng bữa trưa đấy!
Tôi có nhớ không nhỉ ?
Hồi đó, cách đây hai mươi năm, tôi đang ở Paris. Tôi trọ trong một căn nhà nhỏ ở khu Latin, nhìn ra một nghĩa địa , và kiếm ăn chỉ đủ qua ngày. Bà ta đọc được một tác phẩm của tôi và viết thư cho tôi nói về tác phẩm ấy. Tôi viết thư trả lời ngay, cám ơn bà nhiều. Và sau đó tôi nhận được một thư nữa của bà, nói rằng bà có chuyện phải ghé đến Paris, muốn được tiếp xúc thảo luận với tôi, nhưng vì thời giờ của bà ta hạn hẹp nên chỉ có thể gặp tôi vào trưa thứ Năm tuần tới, thế tôi có thể dùng bữa trưa với bà ta tại nhà hàng Foyot ở Paris chăng ?
Foyot là nhà hàng mà các nghị sĩ Pháp thường đến dùng bữa, nó ngoài tầm tay của tôi rất xa, tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện vào ăn ở đấy. Nhưng tôi thấy đi ăn với một phụ nữ say mê tác phẩm của mình thì cũng thích lắm, vả tôi còn trẻ, chưa biết nói lời từ chối với phụ nữ bao giờ.
Tôi còn được tám mươi francs để sống cho đến cuối tháng đó. Mà một bữa ăn trưa ở Foyot tồi nhất cũng phải mười lăm francs. Nếu tôi nhịn cà phê suốt hai tuần thì cũng có thể đãi bà ta một bữa ăn trưa vậy.
Tôi bèn trả lời là sẽ gặp bà ở nhà hàng Foyot lúc mười hai giờ rưỡi thứ Năm tuần tới.
Bà ta lúc ấy bốn mươi tuổi, hấp dẫn nhưng không trẻ lắm để có thể làm tôi bị cú sét gì quá đáng. Hàm răng bà ta rất đều và đẹp, làm tôi rất chú ý. Bà nói, khá nhiều, nhưng vì toàn là nói về tôi và tác phẩm của tôi nên tôi rất chú ý nghe.
Nhưng lúc nhà hàng đưa bảng giá các món ăn ra, thì tôi hơi ngỡ ngàng, đắt hơn tôi tưởng rất nhiều. Song bà ta làm tôi hơi vững tâm khi bà bảo :
- Bữa trưa tôi không bao giờ ăn gì đâu.
Tôi vội đáp :
- Ô, bà đừng nói thế chứ !
- Nếu ăn, tôi cũng chỉ ăn một món thôi. Tôi thấy thiên hạ ngày nay sao mà ăn nhiều quá. Vâng, nếu có thể, tôi chỉ ăn món cá nhỏ thôi. Chẳng biết ở đây họ có món cá hồi chăng ?
Vì là đầu mùa cá hồi, nên trên bảng thực đơn chưa thấy có ghi món này. Tôi hỏi người hầu bàn xem có thể có chăng ? Anh ta đáp là có, sáng nay vừa có món ấy đầu tiên trong mùa. Tôi bèn gọi cho bà khách của tôi. Người hầu bàn hỏi bà ta xem trong khi chờ làm món cá ấy, bà ta có dùng tạm món gì không. Bà ta đáp :
- Không. Tôi không bao giờ ăn quá một món. Trừ phi là nếu ở đây có món trứng cá cavia. Món đó thì không sao.
Tim tôi hơi thắt lại. Tôi biết là không thừa tiền đâu mà kêu món đó. Nhưng tôi nghĩ là không thể nói ra như vậy, bèn cứ bảo người hầu bàn làm thêm món trứng cá cavia cho bà ta. Còn phần tôi, tôi chọn món rẻ nhất là món thịt trừu. Bà ta nói :
- Tôi thấy ăn thịt là không được tốt. Nặng bụng rồi ông làm sao làm việc. Không nên làm ách bao tử của mình.
Sau đó là đến phần kêu món uống. Bà ta bảo ngay :
- Ăn trưa tôi không bao giờ uống gì.
Tôi đáp ngay :
- Vâng, tôi cũng vậy.
Có vẻ như bà ta không nghe tôi nói gì, bà tiếp :
- Trừ phi là rượu vang trắng. Rượu vang trắng của Pháp thật tuyệt, uống rất có lợi cho sự tiêu hóa.
Tôi giữ phép lịch sự lơ đễnh hỏi :
- Thế bà cũng uống chút gì chứ ?
- Bác sĩ không cho tôi uống gì, ngoại trừ sâm-banh.
Tôi hơi tái mặt. Nhưng ráng gọi cho bà ta nửa chai, và bảo rằng phần tôi thì bác sĩ cấm uống rượu sâm-banh.
- Vậy ông uống gì chứ ?
- Nước lã ạ!
Bà ta ăn món trứng cá cavia, món cá hồi. Bà ta vui vẻ bàn về nghệ thuật, văn học và âm nhạc. Còn tôi thì cứ suy nghĩ không biết hóa đơn tính tiền sẽ đến đâu.
Lúc tôi ăn món thịt trừu, bà ấy nói :
- Tôi thấy như vậy là ông có thói quen ăn bữa trưa nặng bụng. Như vậy không nên. Sao ông không bắt chước tôi, chỉ ăn một món thôi. Ông sẽ thấy khỏe hơn.
Tôi đáp :
- Thì tôi chỉ ăn độc một món đây ạ !
Vừa lúc đó, người hầu bàn đến hỏi có dùng thêm món gì không. Bà ta xua tay bảo:
- Không, không. Tôi không bao giờ ăn bữa trưa nhiều. Ăn chút xíu vậy thôi. Vả chăng đây cũng vì có câu chuyện đàm đạo vui nên mới ăn chút ít vậy. Tôi không thể ăn gì thêm đâu. Trừ phi ở đây có món măng tây. Đến Paris mà không ăn món măng tây thì cũng tiếc thật đấy !
Tim tôi thắt lại. Tôi biết món này đắt kinh khủng. Tôi thường thèm nhỏ dãi khi thấy món này.
Tôi gượng hỏi người hầu bàn :
- Bà đây hỏi nhà hàng có món măng tây không ?
Tôi chỉ mong sao anh ta trả lời không có. Nhưng một nụ cười nở trên khuôn mặt đần độn của anh ta và anh ta nói rằng nhà hàng có món măng tây tuyệt hảo lắm, to và mềm. Bà khách của tôi thở dài và nói :
- Tôi không thấy đói gì lắm, nhưng nếu ông cố nài thì tôi cũng đành phải dùng ít măng tây vậy.
Tôi liền gọi món đó cho bà ta. Bà ta hỏi :
- Ông không dùng à ?
- Không ạ, tôi không bao giờ dùng măng tây.
- Vâng, tôi biết có nhiều người không thích. Thực sự là chỉ vì ông dùng thịt nhiều nên khẩu vị bị hỏng đấy thôi.
Chúng tôi chờ nhà hàng làm món măng tây. Tôi đã kinh hoảng trong lòng. Bây giờ thì không còn là vấn đề thừa được bao nhiêu tiền để ăn từ đây đến cuối tháng, mà vấn đề là không biết có đủ để trả cho bữa trưa nay không. Chỉ cần thiếu đi mười francs là cũng gay cấn lắm rồi. Tôi đã tính ngay là trong trường hợp đó, đành phải la lên rằng bị kẻ cắp móc túi mất rồi. Và sẽ để chiếc đồng hồ đeo tay lại và đến chuộc sau.
Món măng tây được bưng ra. Mùi thơm bay lên làm cho lỗ mũi tôi phập phầng. Tôi nhìn cái mụ đàn bà âm binh này ngốn từng miếng to bự, mà ngao ngán trong lòng. Tôi lịch sự bàn luận về tình trạng bi kịch trên sân khấu Balkan ... Lúc thấy bà ta ăn xong, tôi hỏi :
- Cà phê ?
- Vâng, chỉ xin một cà phê kem lạnh thôi !
Bây giờ thì tôi cóc cần bận tâm nữa, tôi bèn kêu luôn cho tôi một cà phê, và cho bà ta một cà phê kem lạnh. Lúc bà ta ăn món này, bà nói :
- Ông biết không, có một điều tôi thấy rất khôn ngoan, ấy là mình ăn thế nào mà khi đứng dậy vẫn có cảm tưởng là bụng mình vẫn còn ăn được một món gì đó nữa, thì mới là biết ăn.
- Bà còn chưa no à ?
- Ô, không. Ông thấy đấy. Tôi không ăn trưa gì nhiều được. Buổi sáng tôi chỉ dùng một tách cà phê, rồi đến tối mới dùng bữa. Nếu có phải ăn trưa thì cũng chỉ ăn một món thôi. Còn tôi nói đó, là nói để ông có cái kinh nghiệm như thế.
- A, tôi hiểu rồi ạ.
Bỗng một chuyện kinh hãi xảy ra. Trong khi chờ cà phê bưng lên cho tôi, thì tên hầu bàn trưởng, với vẻ mặt láo lếu, bưng một mâm quả đào đầu mùa chín mọng đi ngang qua. Những quả đào Ý, hồng như nước da thiếu nữ trong trắng. Đào đầu mùa thì có Chúa mới biết giá nó bao nhiêu ! Bà khách của tôi vừa nói chuyện vừa lơ đãng đưa tay nhón một quả. Bà vừa ngốn quả đào vừa nói :
- Ông biết đó, ông đã ăn vào bụng nhiều thịt quá (ý nói món thịt trừu của tôi đấy!) nên không thể ăn gì thêm được. Còn tôi thì chỉ ăn qua loa thôi, nên có thể ăn thêm quả đào nữa.
Lúc hóa đơn đưa ra, tôi trả tiền xong, chỉ còn có ba francs, không đủ để thưởng cho người hầu bàn, nên để nguyên ba francs trên khay, không nói gì. Bà ta nhìn số tiền thưởng ít ỏi đó một lát. Tôi biết chắc là bà ta nghĩ rằng tôi hà tiện, bủn xỉn. Nhưng đâu biết cả gần một tháng trường trước mặt tôi, mà trong túi tôi không còn một cắc.
Lúc chia tay, bà ta bảo :
- Ông hãy theo gương tôi, đừng bao giờ ăn bữa trưa quá một món.
Tôi phản ứng :
- Tôi sẽ còn hay hơn nữa đấy, tối nay tôi sẽ chẳng ăn món gì cả đâu!
Bà ta cười vui vẻ :
- Ông quả là một người hài hước ! - Và bà ta lên xe taxi.
Nhưng cuối cùng, các vị thần bất tử đã ra tay trả thù đích đáng giùm tôi một cách rất đáng ca tụng. Ấy là đến nay bà ta mập phệ tới một trăm ba mươi ba kí lẻ ba mươi.
Nguyễn thị Chân Quỳnh chuyển ngữ.
Comment