Tự Truyện không phải là ...Tự Truyện
Nguyễn Xuân Hoàng
Cuối tuần qua tôi ngồi quán cà phê với một người bạn từ Úc qua chơi. Lâu lắm, phải nói là có đến 30 năm chúng tôi mới gặp lại nhau. Lần cuối gặp T. ở quán cà phê đường Nguyễn Thiện Thuật Sài gòn vào khoảng tháng 12, 1982 khi tôi vừa ra tù ở U Minh và chúng tôi bàn chuyện vượt biên. Tôi nói đó là lần cuối vì sau đó chúng tôi không còn dịp gặp nhau nữa! Tuy vậy, phải đến mười năm sau chúng tôi mới liên lạc được nhau. Trong email gần nhất, bất ngờ T. cho biết anh vừa đến Cali và đang ở Quận Cam. Anh hẹn tôi tuần sau mình sẽ gặp nhau ở San Jose! Hãy cho biết địa chỉ một quán cà phê nào mà tôi thường ngồi sẽ có người chở T. đến.
Té ra, người chở T. đến cũng là bạn quen của chúng tôi từ thời ở Sài gòn. Thật là một bất ngờ, khi cả hai chúng tôi ở cùng một thành phố nhiều năm nay mà chưa bao giờ gặp nhau.
Chúng tôi nói ba điều bảy chuyện, chuyện gia đình, chuyện đời sống, chuyện ba chìm bảy nổi… T. nói sau lần gặp nhau ở quán cà phê anh đi trót lọt. Và anh đã ở Sydney từ đó đến nay. Chưa bao giờ đến Mỹ. Đây là chuyến đi đầu tiên ra khỏi Úc của anh.
T. hỏi tôi có đi Úc lần nào chưa? Tôi nói chưa, mặc dù muốn đi lắm. Bên đó bạn bè nhiều mà tôi thì cứ loanh quanh ở Cali. Thỉnh thoảng có đi ra khỏi xứ Cali như Houston hay Virginia, và xa lắm là Paris…. Chứ còn Úc, thì chưa bao giờ! Chán thật! T. nói hình như ông có bà chị dâu bên Úc mà, sao ông không qua đó một chuyến thăm bà chị? Tôi ngạc nhiên: “Tôi làm gì có bà chị dâu nào bên Úc! Sao ông hỏi lạ vậy?” T. cười. Vậy là ông xạo rồi. Tôi biết là ông có bà chị dâu đang sống bên Úc mà. Chị ấy ở có còn ở Cabramatta không? Tôi cười: “Sao ông phịa chuyện hay vậy? Làm gì có chuyện đó?” “Trời ơi!” T. trợn mắt nhìn tôi: “Chính ông là người kể lại chuyện này trong tự truyện của ông mà! Thế tự truyện không phải là….tự truyện à? Ngay trên đài VOA, blog của ông cũng ghi phần tiểu sử như thế mà!
À, tôi nhớ ra rồi, trong Tự Truyện Một Người Vô Tích Sự, tôi có viết một chi tiết như thế.
“Hôm qua tôi vừa được thư bà chi dâu từ Cabramatta Úc Đại Lợi gửi sang cho hay chị đã lập gia đình. Người chồng chị hiện nay cũng là một người Việt Nam. Hai vợ chồng mở một tiệm ăn. Cả hai mời tôi có dịp sang chơi, sẽ đài thọ vé máy bay và nơi ăn chốn ở…”
Người bạn ngày xưa của tôi cho biết đã đọc truyện ngắn mang tựa là “Tự truyện…” này và anh nghĩ tôi viết về tôi. Không phải T. là người duy nhất nghĩ như thế. Bạn bè tôi, có người cũng đã nghĩ như thế. Và trên VOA, khi người phụ trách trang blog đã trích ra những dòng chữ trong Tự truyện
"…Tôi là đứa con thứ mười hai trong môt gia đình có mười ba anh chị em. Tôi rất sợ cha tôi. Má tôi thường nói cha tôi là một con sâu rượu. Tôi không thích rượu…Tháng Tư Bảy Lăm, Sài Gòn thất thủ. Mãi đến mười năm sau, nhờ sự bảo lãnh của cô em út, tôi được Mỹ nhận cho định cư…"
chắc có lẽ cũng đã coi đó là tiểu sử thật của tôi như thế!
Tôi nói, ông ơi, đó là truyện mà. Tôi nói như vậy nhưng nhìn mắt T. tôi thấy hình như anh không tin! T. nói, “thôi bỏ chuyện đó đi, năm tới ông có đi Úc không thì cho tôi biết nhe! Tôi sẽ dẫn ông đi thăm bà chị dâu của ông! Mấy ông nhà văn rắc rối bỏ mẹ!”
***
Tôi nhớ trên một trang Sổ Tay tạp chí Văn năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ernest Hemingway (1899-1999) tôi có viết một đoạn về tác giả này. Năm đó, Cuba, nơi Hemingway đã sống hơn một phần tư thế kỷ (từ 1932 đến 1960) đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về tác giả Chuông Nguyện Hồn Ai (For Whom the Bell Tolls - 1940),... và những buổi trình diễn vũ ballet cùng những dạ tiệc có hòa nhạc giao hưởng.
Theo tôi, Hemingway là một trong số ít tác giả có lối viết đối thoại thông minh. Đọc ông, người ta có cảm tưởng như đang đối diện với chính nhân vật, trò chuyện với họ bằng thứ ngôn ngữ đời thường. Hemingway từ những năm hai mươi đã nhúng ngòi bút của mình vào lọ mực cuộc sống sôi động hiện thực. Hơi thở trong văn chương ông luôn luôn nóng bỏng như một lò lửa không bao giờ tắt. Nồng nàn và ấm áp, giữa hai bờ vực tử sinh. Truyện của ông bắt người đọc bấu theo từng trang, men chân theo từng bước đi của nhân vật. Như một võ sĩ trên đài, cuốn sách của ông không được xếp lại nếu không có một đối thủ nằm xuống.
Tôi nhớ trong một cuốn phim có tựa đề In Love And War (Trong Tình Yêu Và Chiến Tranh) với Sandra Bullock và Chris O'Donnell, - hình như năm 1997 thì phải - người ta được biết câu chuyện tình đam mê của tiểu thuyết gia lừng danh thế kỷ 20 với người phụ nữ xinh đẹp trong thời chiến. Cuốn phim, được dàn dựng dựa theo cuốn sách cùng tên của Henry Villard và James Nagel, miêu tả tình yêu của chàng trai 19 tuổi Ernest Hemingway, tài xế xe cứu thương, yêu cô nữ y tá Agnès von Kurowsky tại bệnh viện Milan, Ý thời đệ nhất thế chiến. Chính câu chuyện tình đầy đam mê này đã được Hemingway đưa vào một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông: A Farewell to Arms (Giã Từ Vũ Khí). Trong tiểu thuyết, Hemingway đã để cho cô y tá Catherine Barkley yêu anh tài xế xe cứu thương Frederic Henry, mặc dù trong thực tế cô Agnès phủ nhận tình yêu dành cho chàng thương binh Ernest Hemingway.
Tác giả Villard là một trong những thương binh nằm cùng bệnh viện với Hemingway vào năm 1918. Ông gọi Agnès là người phụ nữ có những “nét lấp lánh mà các cô y tá khác không có được…Chúng tôi càng ngày càng thấy rõ là Ernest bị cô ta mê hoặc... Tôi đã bắt gặp anh ta nắm lấy tay cô vào một buổi chiều, theo cách mà người ta không thể cho là cô ta đang thăm mạch anh.” Khi chiến tranh chấm dứt, Agnès theo Hội Hồng Thập Tự sang Romania, rồi sau đó sang Haiti. Tại đây, năm 1928 cô thành hôn với Howard Preston Garner. Tuy nhiên cuộc hôn nhân đỗ vỡ và sáu năm sau, 1934, cô kết hôn với một nhà quản lý khách sạn tên William Stanfield - một người đàn ông góa vợ, có ba con đã lớn. Cuộc hôn nhân này kéo dài cho đến lúc Agnès qua đời năm 1984 là năm bà được 92 tuổi. Năm 1976, tác giả cuốn In Love and War gặp lại bà Agnès, lúc đó bà đã 84 tuổi, vẻ đẹp rực rỡ ngày nào không còn nữa bây giờ chỉ là một cụ già lưng đã còng. Nhắc đến tiểu thuyết Giã Từ Vũ Khí bà Agnès cho là Hemingway đã hư cấu quá đáng. Bất chấp những lời phủ nhận của cô y tá Agnès, nhà làm phim Richard Attenborough vẫn tin rằng Agnes và Hemingway đã trải qua một mối tình thơ mộng.
Tôi không tin như nhà làm phim Richard Attenborough, nhưng tôi tin vào Ernest Hemingway rằng sự thật trong tiểu thuyết không nhất thiết phải là bản sao của sự thật ngoài đời. Ai cấm Hemingway không có quyền cho nhân vật Catherine yêu anh tài xế xe cứu thương Henry trong Giã Từ Vũ Khí? Tiểu thuyết là hư cấu, và không có chuyện hư cấu quá đáng hay vừa phải, chỉ có hư cấu hợp lý hay không hợp lý thôi.
Nhắc đến nhân vật trong tiểu thuyết của Hemingway mà không nhắc đến người đã gây cảm hứng cho tiểu thuyết Ngư Ông và Biển Cả (The Old Man and The Sea) là một thiếu sót.
Nếu nhân vật trong tác phẩm Giã Từ Vũ Khí của ông đã qua đời và đã phủ nhận tình yêu của bà dành cho tác giả Hemingway, thì nhân vật trong Ngư Ông và Biển Cả vào năm 1999 vẫn không hết lời ngợi ca người đã viết nên tác phẩm lớn của thế kỷ 20 qua hình ảnh của chính mình. Cụ Gregorio Fuentes ở Cojíma, người đã gợi hứng cho Hemingway viết Ngư Ông Và Biển Cả (xuất bản năm 1952) vào năm 1999, cụ vừa 102 tuổi. Lão Ngư ông Fuentes là người Tây Ban Nha di cư sang Cuba từ nhỏ. Ông gặp Hemingway vào năm 1928 tại Dry Tortugas ngoài khơi Florida khi cả hai mắc kẹt trong một trận bão. Năm 1934, Hemingway nói với Fuentes là ông đang đóng một chiếc tầu (Pilar) và ông muốn Fuentes làm thuyền trưởng. Sau đó Fuentes trở thành người đồng hành thường xuyên của Hemingway. Năm 1999, cụ Fuentes đang là một nguyên mẫu sống cho hành trình những du khách đến viếng thăm Cuba. Chỉ có điều buồn cười là cái giá, do người cháu của cụ đặt ra, cho mỗi du khách viếng thăm lão ngư ông là 50 mỹ kim trong 15 phút, mà một bản tin của Mireya Navarro trên tờ New York Times cho biết thêm nếu chịu khó mặc cả giá có thể giảm xuống còn một nửa.
Nhân vật trong tiểu thuyết có thật hay chỉ là hư cấu?
Và nếu một truyện ngắn mang tên là “Tự truyện” thì tự truyện đó phải chăng là chuyện thật của tác giả mang tên Nguyễn-Xuân Hoàng? Có những chi tiết cá tính của vài nhân vật trong truyện là đúng, nhưng toàn bộ câu chuyện chỉ là hư cấu. Tôi không phải là tôi. Cái Tôi trong truyện - nhiều truyện của tôi - không phải là Cái Tôi ngoài đời. Tôi là một người khác. [NXH]
Comment