TÂY KEY KÝ
Ngọc Lan (74KNN)
Ngọc Lan (74KNN)
Kỳ họp mặt năm nay 2013 ở Florida, thầy trò Đường Tăng ủa quên Tường An chúng tôi có chương trình đi Miami thăm vườn trái cây, rồi đi Key West (mũi Cà Mau của Mỹ) và khi về sẽ ghé Tampa rồi Orlando. Tôi biết thầy tôi lo ghê lắm, vì thầy cô thì già đã trên 70, mẹ con trò thì đàn bà con nít, không biết có lái xe nổi đoạn đưòng dài từ Key West về Tampa khoảng bảy, tám tiếng đồng hồ hay không? Tôi trấn an thầy: “Mẹ con em lái đưọc mà thầy, mệt thì mình dừng nghỉ rồi lái tiếp”. Tôi rất chủ quan, vì năm 2009, gia đình tôi cũng lái từ Maryland đi Florida khoảng 10, 12 tiếng, nhưng sự thật thì tôi chỉ ‘phụ lái’ (co-driver có tiếng đồng hồ) còn thì ông xã tôi lái , tôi ngủ và tôi ngủ thì ông xã tôi lái. Kỳ này đi tôi có đem thằng con trai mới lấy bằng lái mà nó đã lái phụ tôi hai năm nay, nên tôi thì cứ ‘vô tư’ chẳng lo lắng gì cả. Cũng may cho thầy trò chúng tôi là trong buổi camping thầy đã gặp được Hoàng tử Bạch Mã Kiều Công Hải có con ngựạ ‘Xích Thố’ vừa đủ bảy chỗ. Gia đình anh Hải cũng dự định đi Miami và Key West. Đúng là ‘buồn ngủ gặp chiếu manh’. Gia đình anh Hải có ba người: Vợ chồng anh Hải, chị Minh cùng với chị Dung (chị của chị Minh từ Belgium sang) sẵn đi Florida họp mặt sau đó sẽ đi Miami và Key West.
Theo chương trình thì anh Hải thuê xe nhỏ bốn chỗ, thầy trò tôi cũng sẽ thuê một xe nhỏ, vì xe Van bảy chỗ đắt gấp đôi, nhưng vì anh Hải đến phi trường trễ, nên chỉ còn mỗi một chiếc xe Van họ cho thuê bằng giá tiền xe nhỏ. Thế là may mắn làm sao thầy trò tôi được tháp tùng xe anh Hải mà không phải thuê xe, nhưng chủ yếu là chúng tôi có duyên may gặp được ‘tài xế đường trường’ mà thầy chỉ làm ‘phụ GPS’ coi bản đồ và đường đi với anh Hải. Ông bà xưa ta thường nói: “Trong cái may có cái rủi, trong cái rủi có cái may”, chẳng sai bao giờ.
Cũng xin nói thêm rằng năm kỳ họp mặt năm nay của chúng tôi có ba thầy tham dự là thầy cô An, thầy cô Tuấn, thầy cô Đễ. Phải nói ba thầy từ ngày gặp lại các học trò xưa các thầy trông vui và trẻ hơn so với trò, các bạn cứ xem hình thì thấy.
‘Mình có ba thầy, vừa đúng seventy, mỗi thầy đi một đường, trò cũng muốn theo luôn’.
Nhóm thầy Tuấn chủ trương ‘đi sớm về sớm’, sau buổi họp mặt có một số anh chị em vì công ăn việc làm không thể ở lại lâu hơn nên phải khăn gói về sớm mà trong lòng còn nuối tiếc như anh Hùng. Còn anh Nhường, anh Nguyên, chị Liên, anh Uyển, Thanh Hà , vợ chồng Hoàng, Trúc và một số các anh chị có dự Camping xong cũng phải về mà không tham dự tiếp chặng hậu họp mặt.
Buổi sáng thứ hai, khi nhóm ‘đi ghe’ của thầy Đễ đã khởi hành và nhóm ‘trên bờ’ của thầy trò chúng tôi đang ăn điểm tâm thì cũng còn vài anh chị chưa về. Các anh chị này muốn tháp tùng nhóm thầy trò chúng tôi đi vườn trái cây ở Miami, cách Orlando chừng ba tiếng.Thế là có thêm hai xe theo là xe Thanh Phó với Hạnh, anh Khang, Thanh Hiền và Be (con trai Hiền), môt xe khác của gia đình anh Bình, có Ngọc Diệp và hai cháu bé Anthony và Meggie. Còn xe chúng tôi có thầy cô Đường Tăng (Tường An), hoàng tử Bạch Mã Kiều công Hải cùng ‘ba con nhền nhện’ là chị Minh, chị Dung, tôi và một ‘hồng hài … niên’ Jimmy (con trai tôi).
Chúng tôi ghé thăm vườn trái cây của ông Quách Diệp, bà con quen biết với thầy cô An, mặc dù trên đường đi cũng có bị kẹt xe, có liên lạc và báo cho xe anh Bình biết để đổi đường đi cho nhanh hơn, nên xe anh Bình cũng đến sau xe chúng tôi một tiếng vì phải ghé ăn trưa. Còn chúng tôi trong lúc kẹt đường đã tranh thủ vào Mac Donald ăn trưa nhanh gọn để còn đi sớm. Riêng xe của Thanh Phó không biết sao mà đến quá trễ nên chúng tôi không đợi được mà phải đi trước, mặc dù anh Bình đã gọi và báo cho biết nên đổi đường đi vì đường đó bị kẹt , ‘thời hiện đại’ có GPS tiện lợi như vậy đó, nhưng cũng tuỳ, nếu mình biết đường thì GPS theo mình còn không thì nó sẽ chỉ mình đi vòng vòng xa hơn. Nhưng rốt cuộc’ đường nào cũng đến La Mã’, có điều GPS có ‘công xi’ với mấy cây xăng rồi nên mình chịu khó tốn tiền đổ xăng hơn.
Lần đầu tiên được đến thăm vườn nhãn của ông Quách Diệp, nhà cửa vườn tược được ông chăm chút sạch và đẹp quá, thấy những cây nhãn trĩu cành sai trái thấy mà mê, như lạc vào vườn ‘đào tiên’.
Bây giờ mới thấy anh nhạc sĩ Đỗ Bình nhà ta hiện nguyên hình là Tôn Ngộ…Quân.
Anh lanh lẹn trèo lên cây xoài hái trái thảy xuống cho chúng tôi . Nhờ đó đến tối chúng tôi được học thêm một món ‘Xoài bóp thấu’ do cô An hướng dẫn. Món này hôm cắm trại anh Hòa (bạn anh Mẫn) có làm đem ra tặng một bịch bự chẳng mấy chốc hết cái vèo mà thiên hạ ai cũng còn thòm thèm muốn ăn nữa và học bí quyết.
Nhân tiện đây tôi cũng muốn nói thêm về anh bạn Tôn ngộ ….Quân của nhóm cựu Sinh Viên ĐHSPKT chúng tôi . Ngày xưa anh ta có 72 phép thần thông nhưng từ ngày được Ngọc Hoàng thượng đế gả công chúa Ngọc Diệp anh chỉ còn một phép thần thông duy nhất là âm nhạc. Anh sáng tác rất nhiều bài hát, phổ nhạc từ thơ, làm CD nhạc và rất nhiều tài….. Anh là người ‘quản trò’ rất nhiệt tình trong buổi cắm trại vừa qua. Đặc biệt là dù bạn ở Canada, Mỹ hay VN, bạn muốn hát đơn ca, song ca, hợp ca với ai, bạn cứ thu âm và anh sẽ đệm cho bạn hát. Nếu muốn anh cũng sẽ làm CD với giọng ca của bạn luôn. Ban đầu không biết nên tôi rất ngạc nhiên khi thấy cô bạn Hồng Nhung ở Canada mà vẫn có thể hợp ca với cô bạn Xuân Lan ở Mỹ (Idaho), với sự phụ hoạ và đệm đàn của anh nhạc sĩ Đỗ Quân (Texas ), hay không các bạn? Muốn biết thêm chi tiết thì hỏi anh nhạc sĩ sẽ biết.
Trước 1974, chúng tôi biết anh Đỗ Thanh Bình 73 ĐT trong ban Đại Diện sinh viên của trường. Bây giờ gặp lại thấy anh hơi khác, khác cả tên lẫn người, nhưng nhìn hai ‘hậu duệ’ của anh, thì nhận ra ngay, Anthony made by Đỗ Thanh Bình và Meggie made by Đỗ Quân.
Còn cái tên từ Đỗ Thanh Bình ra Đỗ Quân thì không biết lý do ra sao, có lẽ phải hỏi anh mới rõ. Nhưng riêng tôi nghĩ, ở VN anh là Đỗ Thanh Bình, nhưng sau 1975 anh thấy không còn ‘thanh bình’, anh chạy qua Mỹ và trở thành ‘Bình Đỗ’, mà ‘bình đổ’ thì đâu còn gì nữa, nên anh mới đổi thành Đỗ Quân. ‘Đổ quân…. xúc xắc’ nhất nhị tam tứ ngũ lục, coi bộ vui hơn ‘nhất chín nhì bù’ của bài cào phải không ạ? Đùa với anh nhạc sĩ cho vui chút thôi.
Tiếp tục chặng đường của chúng tôi, sau khi viếng vườn nhãn chúng tôi mua một thùng đem theo ăn và hứa trên đường về sẽ ghé mua thêm đem về. Gia đình anh Bình thì ngược về Orlando, để đưa hai cháu đi tắm biển và Disney World . Còn nhóm của Thanh Hạnh thì đến sau và ghé vườn ông Miên mua đủ loại trái cây và cũng về Orlando tối hôm đó lúc 11 giờ đêm.
Riêng xe chúng tôi tìm đường ra phố để kiếm tiệm ăn Việt Nam ăn tối. Cái GPS kỳ này chỉ đi đường tắt đi vào trúng con đường đất đầy những ‘hố trâu hố bò’, toàn hố nước lớn nhỏ như đường quê của mình. Nhìn trước nhìn sau không có xe nào đi cả chỉ có một mình xe chúng tôi, tưởng đoạn đường ngắn, ai ngờ đi cả gần 30 phút cũng chưa ra đến đường tráng nhựa, ai nấy đều lo lắm nhưng không ai dám nói ra. Miệng lâm râm đọc kinh, vì nghe nói ở Florida có ‘Sink hole’ nuốt cả căn nhà, mà mình đi qua đâu biết hố nào sâu hố nào cạn. Tôi lo sợ nghĩ dại, lỡ xe mà mắc kẹt dọc đưòng làm sao ai vô mà cứu mình đây. Cũng may với tài lái xe ‘vô địch’ của hoàng tử Bạch mã Kiều Công Hải, mọi người đã ra tới xa lộ an toàn. Hú hồn. Đúng là cái GPS chỉ đường, mình không biết đâu mà lần khi ở xứ lạ mới đến đây lần đầu. Kiếm ra được tiệm phở Thắng ở Miami, được một buổi tối ấm lòng trước khi về khách sạn để sáng mai chuẩn bị thẳng đường đi Key West.
Ở Miami có rất nhiều cây phượng nở đỏ rực giống như cây phượng ở bên mình. Định xuống chụp hình thì trời đã xụp tối, ai cũng hẹn ngày mai ra chụp hình với những cây phượng đỏ. Ai ngờ sáng hôm sau trời lại âm u muốn mưa, nên xe chúng tôi tiếp tục đi Key West để chiều còn đủ thời gian quay trở lại khách sạn của mình, vì khách sạn ở đây rất đắt . Cũng may trời chỉ mưa lất phất buổi sáng sớm, đến trưa thì trời trong, mưa tạnh, gió hây hây, ánh nắng mặt trời ló dạng, thật lý tưởng cho một buổi lái xe đi chơi xa. Để tiết kiệm thì giờ chúng tôi ghé mua gà chiên, rau sà lách, đem ra bờ biển ngồi ăn, thưởng thức không khí trong lành, của bờ biển Key West . Xa xa thấy con tàu có ống khói đỏ, đang từ từ đi không biết có phải tàu của nhóm ‘đi ghe’ có thầy và các bạn mình không? Bấm điện thoại kêu nhưng không ai trả lời, có lẽ đã ra ngoài hải phận Mỹ.
Ăn trưa xong, định đi một vòng thành phố và ra thăm cây cột mốc của Key West thì hỡi ơi, một bánh xe đã bị xì vì cán phải đinh. Chị Minh có Triple A (AAA) insurance, nên kêu nhờ họ giúp. Tưởng rằng họ sẽ đến vá xe dùm cho mình. Ai ngờ họ cũng chỉ đến thay dùm bánh xe sơ-cua (Spare tire) rồi họ chỉ mình đem ra Sear để vá. Vì xe model mới nên họ cũng không biết bánh xe sơ-cua để ở đâu, phải gọi lên công ty để hỏi, mất cả tiếng đồng hồ mới thay được bánh xe, thế rồi kiếm chỗ để đi vá. Lại phải đợi, quay lui quay tới đã 5 gìờ chiều mới ra khỏi chỗ vá xe. Ở đây họ cũng cảnh giác là bốn bánh xe rất mòn cần phải thay, đi đường trường không an toàn. Đã chiều rồi ai cũng đói bụng, phải đi tìm nơi để ăn tối thôi. Lạ nơi lạ chỗ, chẳng biết hỏi ai thì cứ search trên internet , xem có tiệm ăn nào gần đây không? Tìm thấy tiệm Thái restaurant được vote 4 sao, nên kiếm điạ chỉ đến đó. Trời, thì ra tiệm là một con tàu nhỏ, vắng hoe, sợ lại lạc vào ‘ổ nhền nhện’ nên ai nấy đều nghi ngại không muốn vào. Cuối cùng đành đi đến tiệm Thái Food gần đó coi bộ sáng sủa và có khách ra vào đông hơn, thức ăn cũng tạm được. Ăn xong cũng đã 8 giờ tối, trời mây đen vần vũ , buổi chiều trời mưa ở xứ biển nước mênh mông, nước biển đã xẫm màu đen, trông buồn làm sao đâu. Thôi lo lái xe trở về khách sạn càng sớm càng tốt vì khách sạn cách Key West cũng 3 tiếng đồng hồ, trời lại mưa và tối .
Đúng là ‘Đường trường xa mưa gió ôi sao bão bùng’. Xe đang chạy ngon trớn bỗng nhiên nghe cái ‘bụp’, tay lái hơi mất thăng bằng, phải tắp xe vô lề đường kiểm tra thì hởi ơi bánh xe trước bên phải đã xẹp. Đã 10 giờ đêm, trời lại lâm râm mưa, đường thì chỉ có một lằn xe (lane). Chờ mọi người xuống xe, thầy dặn phải đứng luì về phía trước và cách xa xe vì sợ nguy hiểm, xe sau không thấy rõ có thể lủi vào xe mình thì nguy, ở Mỹ thường xảy ra tai nạn như vậy. Thầy cầm đèn pin, anh Hải thay bánh xe sơ- cua, Jimmy cũng đứng sớ rớ ở đó giúp. Cũng may nhờ hồi trưa anh Hải đứng xem nên mới biết bánh xe sơ-cua để chỗ nào. Đang thay bánh xe thì trời mưa to, tất cả phải vô xe ngồi chờ mưa tạnh. Ngồi trong xe mà ai cũng lo, đợi hoài cũng không thấy xe cảnh sát đến giúp. Được một lúc bớt mưa, anh Hải xuống thay bánh xe vào, cũng may là bánh xe bên phải ở phía trong, nên cũng đỡ lo. Thay được bánh xe, lái về đến khách sạn đúng 11 giờ khuya.
Thầy và anh Hải phải gọi cho chỗ thuê xe để báo cho họ biết, với tình trạng bánh xe như vậy làm sao dám lái xe về Orlando. Phải giải quyết cách nào đây? Một là họ phải đưa xe khác cho mình, có thể họ sẽ đưa xe nhỏ, mà mình thì có tới bảy người, như vậy mình phải thuê xe khác. Thật là nhiêu khê, đoạn đường qua mấy cái cầu dài mà đường vẫn chỉ có một lằn xe. Trời nước mênh mông, không thấy đâu là bến bờ, thầy trò mình làm sao lái nổi đây thầy ơi, trong bụng tôi bây giờ mới đánh ‘lô tô’, mà hổng dám nói. Thuê xe khác mình phải tốn tiền nữa, phải chịu thôi, tôi lo là làm sao thầy trò tôi có thể lái xe theo xe anh Hải để về, đọc đến đây chắc thầy cười tôi chết mất.
Giải pháp thứ hai là thay bốn bánh xe mới thì mới dám lái xe về, rồi lấy hoá đơn đó đưa cho họ để lấy tiền lại. Chỗ thuê xe họ lại bảo chúng tôi đem bốn bánh xe cũ về đưa lại cho họ. Thât là oái oăm, xe mình chất đầy hành lý, chỗ đâu mà để bốn cái bánh xe cũ, mà đem về làm chi, cũng vất đi thôi. Rốt cuộc thầy tôi đã có giải pháp rất hay, đúng là thầy ‘trông xa biết trước’, vừa vẹn toàn đôi đường và vừa tiết kiệm. Thầy và anh Hải đem xe vào Walmart thay tạm bánh xe trước hơi cũ thì mới cân bằng được ba bánh xe kia cũng đã mòn rồi, lái về an toàn đến Orlando, mà chỉ tốn vài chục đồng bạc mua bánh xe cũ ở đó thôi. Lợi cả đôi đàng, chạy được cho đến khi anh Hải trả xe.
Sáng hôm đó sau khi thay bánh xe xong, có thời gian ghé vườn ông Miên, chúng tôi ‘thỉnh’ được mấy thùng nhãn, cùng với ổi, xoài, thanh long ruột đỏ, ruột trắng …. Không may ở vườn ông Miên trời mưa tầm tã nên chúng tôi không được đi thăm vườn mà chỉ đủ thời gian mua trái cây đem về. Chỉ có tôi và cô An mua, chị Minh và chị Dung không đem trái cây về được vì xe còn không có chỗ để chân.
Thật là một chuyến đi nhớ đời, dù sao đoàn chúng tôi cũng đến được Key West cũng ‘thỉnh’ được vài thùng trái cây và đã được tận mắt thấy những cây nhãn sai trái. Vườn nhà ông Quách Diệp khang trang đẹp đẽ thật lý tưởng cho một cuộc sống về hưu.
Về đến Orlando, ghé nhà anh Mẫn để tặng quà và chở đồ về lại khách sạn, sau đó chúng tôi có duyên đi thăm Tu Viện Cát Trắng và gặp thầy Trụ trì.
Trên đường về ghé bờ biển hưởng không khí trong lành mà không dám tắm vì buổi chiều gió lồng lộng thổi thấy hơi lạnh. Rồi mỗi ngày là một buổi tiệc chia tay ở tiệm phở Hoà, tiệm này cũng rộng rãi đủ chỗ cho những buổi họp mặt và có sân khấu nhỏ với ban nhạc để có thể hát Karaoke, thức ăn cũng ngon.
Chúng tôi có hai buổi tiệc chia tay ở đó, một với chị Dung, rồi đến hai mẹ con tôi. Thầy cô An và anh Hải về sau vì thầy cô phải đợi anh Cường và Thu Lê thuộc nhóm ‘đi ghe’ về rồi cùng trở lại Texas, còn anh Hải, chị Minh thì đợi chuyến bay về lại Canada.
Ngày về tôi cũng phải nhờ anh CEO ‘chủ xị’ chở ra phi trường, thật cám ơn anh Mẫn rất nhiều lo cho đàn em tới nơi tới chốn, lại còn được anh tặng hai trái xoài đặc biệt thật bự đem về, quý hoá và cảm động biết bao. Về nhà làm ngay món xoài bóp thấu của cô An ‘Vừa ăn vừa ngậm mà nghe’, nhớ đến còn thèm chảy nước miếng.
Đây là cách làm nếu ai muốn thử. Xoài gọt vỏ mỏng thôi, cắt miếng dài dài, ngâm muối một đêm, hôm sau đun nước đường cho thật kẹo (trộn đường thẳng vô cũng được, nhưng nếu đun thì sẽ không bị đóng váng), đổ vào ngâm một ngày, muốn ăn cay thì xắt ớt bỏ dzô. Vừa ăn vừa hít hà, chua chua, ngọt ngọt, cay cay. Hết xảy !!!
NL
Comment