Announcement

Collapse
No announcement yet.

Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn - Trần-Văn-Giang

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn - Trần-Văn-Giang




    Năm Tỵ Nói Chuyện Rắn



    Trần-Văn-Giang


    Đối với các động vật sống và hiện diện chung quanh con người, có lẽ một con vật mà chúng ta vẫn còn chưa hoàn toàn hiểu thấu đáo là con Rắn (xin phép được viết hoa chữ “Rắn” trong bài này).


    Không có gì lạ. Đại đa số chúng ta đều ghét Rắn – nếu chưa muốn nói là sợ Rắn. Nói chung, mọi người cho Rắn là một con vật xấu xí: đầu có cạnh, miệng rộng ngoác, nanh dài, lưỡi nhọn dài mà lại chẻ đôi ở đầu chót (fork tongue), không có tai, mình máu lạnh trơn tuột luốt không chân không tay… và nguy hiểm: miệng chứa nọc độc có thể làm chết người. Thật ra, Rắn cũng như mọi người thân hay sơ sống chung quanh ta thôi. Có con Rắn (hay con người) xấu, con tốt, con nguy hiểm, con hiền lành, con hay phá hoại, làm được việc ích lợi. Người viết sẽ tuần tự kể ra thêm một số chi tiết khá mới và lạ về Rắn có thể làm quý vị ngạc nhiên, không ngờ được trong các dòng kế tiếp.

    Nhìn qua lịch sử, Rắn có cả nét tốt và nét xấu. Đây là vài thí dụ:

    - Trong Kinh thánh Cựu Ước (Old Testaments), nền tảng của Do Thái và Thiên chúa giáo, Ông Adam và bà Eve đã bị một con Rắn (hình ảnh tượng trưng cho quỷ sa tăng) cám dỗ ăn trái táo mà Thượng đế cấm. Con Rắn rất mánh khóe gian xảo giải thích cho hai ông bà này là Thượng đế cấm họ không được ăn tái táo này vì Thượng đế sợ họ sẽ thông minh và có quyền năng cao hơn cả Thương đế… Kết quả Adam và Eve nghe lời cám dỗ, ăn táo cấm, phạm tội và bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng tràn đầy hạnh phúc. Họ sau đó phải sống dưới trần thế với cuộc sống đầy đau khổ vất vả.

    - Cũng trong Kinh thánh Cựu ước, Moses đã đến Ai cập để thuyết phục Pharaoh (vua Ai cập) trả tự do cho các nô lệ người Do thái. Trong dịp này Moses nói: “Thiên chúa của đân Do thái chúng tôi đã muốn tôi nói với Bệ hạ là hãy cho phép, thả cho dân Do thái chúng tôi được đi tự do.” Pharaoh trả lời: “Nhà ngươi nói cái gì? Ai là Thiên chúa của nhà ngươi? Ta không hề biết người mà nhà ngươi gọi là Thiên chúa đó là ai!” Để trả lời, Moses liệng cây gậy đang cầm ở trên tay xuống đất, và cây gậy đã biến của mình thành một con Rắn để chứng tỏ quyền năng của Thiên chúa (God’s power).

    - Cũng trong Kinh thánh Cựu ước có truyện con Rắn bằng đồng của Moses. Trong cuộc hành trình trở về Đất Hứa của dân tộc Do Thái; từ núi Hebron, người Do thái theo Moses đi vòng về hướng Biển Đỏ (Red Sea) để tránh đất Edom. Vì đường đi quá dài cho nên họ mất lòng kiên nhẫn. Họ xúc phạm đến Đức Chúa Trời, nói nghịch Moses, rằng: “Sao ông đem chúng tôi ra khỏi Ai-cập để chết trong sa mạc này? Ở đây chẳng có bánh, chẳng có nước. Và chúng tôi đã chán ngấy loại bánh đạm bạc này!” Chúa sai rắn lửa đến, cắn nhiều người chết. Nhiều người đến nói với Moses “Chúng tôi có tội vì đã nói xúc phạm đến Chúa và ông. Xin ông cầu Chúa để Ngài đuổi rắn đi.” Moses cầu thay cho nhân dân. Chúa phán bảo Moses: “Làm một con rắn lửa, đem treo trên một cây trụ. Người bị rắn cắn khi nhìn đến nó thì được sống.” Vậy Moses làm một con rắn bằng đồng, đem treo trên một cây trụ. Ai bị rắn cắn, nhìn lên con rắn đồng đều được thoát chết. Cây trụ với con Rắn bằng đồng này còn tồn tại mãi đến đời vua Hezekiah của Do thái (c. 715 – 686 BC) mới bị bỏ đi.

    - Người cổ Aztecs sống ở Nam Mỹ thờ thần Rắn “Quetzalcoatl.” Họ cho Thần Rắn là chúa tể của muôn loài (Master of Life?)

    - Nhiều bộ lạc bán khai ở Phi châu thờ Trăn (loại Rắn lớn). Giết Trăn là một trọng tội.

    - Thổ dân Úc châu cho rằng một loại Rắn Vằn lớn (Giant Rainbow Serpent) là Đấng sáng lập ra muôn loài (Creator of Life?).

    - Nhiều nền văn hóa sơ khai (primitive cultures) khác tin rằng Rắn có khả năng chữa khỏi bệnh tật…

    Trước hết, cũng nên biết là chỉ có một số rất nhỏ các giống Rắn có nọc độc; Rồi trong số Rắn có nọc độc này, nọc độc chỉ có tác dụng trên sinh vật nhỏ, không độc, không ảnh hưởng gì cho con người. Nói chung, đại đa số còn lại đều là Rắn vô hại. Để giúp nhận diện và phân biệt hai loại Rắn độc và không độc: Rắn độc thường có một cái rãnh nhỏ (small pit) trên đầu nằm vào khoảng giữa 2 con mắt hoặc giữa 2 lỗ mũi; Rắn độc cũng thường có mắt hí hoặc hẹp (eliptical) thay vì mắt tròn.

    Dù thế nào đi nữa, khi một con Rắn dù là độc, hay không độc, nếu chẳng may bị con người phát hiện, nó sẽ tìm mọi cách chuồn ngay tức thì. Rắn chỉ tấn công người khi nó thật hoảng hốt, khi bị ngăn chặn hết các lối thoát. Con người, ngược lại chẳng kể Rắn độc, không đôc, xấu tốt, cứ tìm mọi cách phạng Rắn túi bụi trước cái đã. Đập cho bằng chết rồi mới báo cáo sau (?) Kết quả là có nhiều giống Rắn gần hoặc đã tuyệt chủng trong khi chúng ta không biết rằng Rắn rất hiệu quả trong việc diệt trừ chuột (controlling the rodent population) vừa phá hoại mùa màng, nhà cửa; vừa gây đủ các thứ bệnh hiểm nghèo cho con người.

    Tại sao con người lại sợ Rắn?

    Sự “sợ Rắn” được gọi theo tiếng khoa học là “Ophidiophobia.”

    Sợ Rắn gần như là chuyện tự nhiên hỉ (?) Ngay cả những người chưa thực sự gặp hay thấy Rắn sống bao giờ mà cũng sợ Rắn mới kỳ lạ!

    Các nghiên cứu về nhân chủng cho thấy con người có khuynh hướng hay để ý đến Rắn (và cả nhện) rồi cảm thấy sợ (?) vơ vẩn…

    Các nhà Tâm lý học đã chứng minh được rằng người lớn cũng như trẻ con có thể nhìn thấy một con Rắn nhỏ ngay tức thì khi nó nằm lẫn lộn trong một đám đông gồm các vật nhỏ như hoa, lá, cành khô… và các con vật nhỏ như con nhái, sâu,… Các nhà khảo cứu nghĩ rằng sự “sợ Rắn” ở đây xuất phát là một khả năng sinh tồn rất đặc biệt của con người qua tiến trình của lịch sử, và tiến hóa của vạn vật… Sự “sợ Rắn” đã di truyền qua “gene” từ thế hệ này qua thế hệ khác hàng chục thế kỷ.

    Gần đây, các nhà khảo cứu nhân chủng còn thấy là sự “sợ Rắn” của khỉ, vượn, đười ươi (các giống vật khá gần gũi với con người) đã đưa đến sự bén nhậy hơn của thị giác (better vision) và tăng trưởng đáng kể của não bộ (larger brains)…

    Một số chi tiết mà chúng ta chưa biết rõ về Rắn

    1- Các sự kiện có thật đã được chứng minh (scientifically proven):

    Bộ răng nanh (fangs) của Rắn là một vũ khí sinh học rất phức tạp và hiệu quả nhất trong tất cả các loại động vật. Răng nanh trực tiếp dẫn và nối với các túi nọc độc (venom) nằm dưới hàm. Cho một miệng con Rắn độc cắn thử vào cạnh của một cái ly thủy tinh, chúng ta sẽ thấy nọc độc cứ phun ào ào ra từ bộ răng nanh độc đáo này, nhìn mà phát ớn luôn!

    Rắn nhỏ có thể nuốt trọn một con Rắn lớn hơn chính thân thể nó (hay các con thú lớn hơn). Giáo sư Kate Jackson của Đại học Toronto, Canada, đã quan sát và ghi lại qua “video” trọn vẹn cảnh một con Rắn nhỏ nuốt trọn nguyên con một con Rắn khác lớn xác hơn nó. Con Rắn nhỏ dùng cái hàm của nó mở rộng toác ra chụp vào đầu con Rắn lớn như cái vợt bắt cá. Sau đó nó dồn cả hệ thống xương sống của nó xếp lại như dạng một cái đàn “accordion” để từ từ kéo rút trọn vẹn con Rắn lớn vào bụng nó một cách thật chuyên nghiệp! Thiệt hết ý kiến về cái vụ ăn điểm tâm “sushi Rắn” này của Rắn.

    Rắn mẹ thường ăn thịt con của mình. Rắn mẹ “xơi tái” bớt đi một số con của nó sau ngay khi con nở ra. Theo một tài liệu khảo cứu mới đây của 2 giáo sư Estrella Morcino và Kirk Setser của Đại học Granada, Spain, Rắn mẹ sau khi sinh nở, vì còn yếu không đủ sức và thời giờ đi tìm mồi, sẽ ăn những Rắn con không sống sót (chết yểu) để lấy lại sinh lực (!) Kết quả khảo cứu cho thấy, trung bình, Rắn mẹ ăn độ 11% số trứng và Rắn con bị chết sau khi sinh nở. Sự khảo cứu cũng cho thấy chỉ có Rắn mẹ (con cái) là ăn thịt Rắn con thôi! Sao mấy mụ Rắn cái ác dữ dzậy nè chời!

    Rắn có thể bay như người Dơi. Mặc dù không có cánh (dĩ nhiên rồi – đến chân tay mà còn chưa có nữa kia kìa!) vậy mà Rắn có khả năng bay (aerial locomotions) rất cao. Nhưng mà Rắn bay bằng cách nào? Giáo sư Jake Socha của Đại học Chicago (University of Chicago), Hoa kỳ, cho biết: Đầu tiên, Rắn căng bẹt dẹp các xương sườn (ribs) của cơ thể từ đầu đến đuôi giống như hình dạng một cái “Frisbee.” Rồi Rắn cho rơi tự do từ trên cành cao. Khi đang rơi, thân mình Rắn uốn theo hình chũ “S” bằng cách di chuyển cái đầu từ bên này qua bên kia (“side to side”) đồng thời giữ cơ thể song song với mặt đất. Rắn cứ giữ cái dạng chữ “S” uốn từ bên này qua bên kia (“side to side”) như vậy để giữ thế bay… và rồi sẽ tìm một điểm đáp, có thể là một cành cây rồi lại tiếp tục rơi từ cành này xuống cành thấp hơn…

    Rắn (và Trăn) chỉ thích ăn động vật có xương cứng. Hai giáo sư Jean và Herv Lignot của Đại học Louis Paster, Pháp, cho biết rằng cơ thể của Rắn được cấu tạo đặc biệt để tiêu hóa “Calcium” từ xác (xương) các con mồi động vật; và biến calcium này thành một nguồn dinh dưỡng (!) dự trữ, để đối phó với sự nhịn đói dài hạn (prolonged fasting!) những ngày sau đó…

    Một lô 'chiệng' nhảm nhí nghe qua cho vui rồi bỏ…

    Có lẽ quý vị đã có dịp thấy phim hay ảnh một anh phù thủy ốm đói Chà và Ấn độ đầu mang tã dầy cộm, thổi sáo (flute) Ấn độ tò tí te; rồi có một hoặc hai con Rắn độc (loại Cobra) từ từ chui ra khỏi miệng một cái giỏ rất bẩn, uốn éo lắc lư đi lên cao có vẻ thích thú say mê theo tiếng sáo! Ái chà! Rắn mà biết nghe sáo và nhẩy “đít cô đít cậu” nữa hở trời? Sự thật không phải như vậy đâu quý vị. Rắn không có tai; làm sao mà nghe được âm thanh (sound). Rắn chỉ phản ứng theo sự chuyển động (vibrations, movements…) Tóm lại, con Rắn không nghe được tiếng sáo nhưng Rắn di dộng theo sự chuyển động của cây sáo – Xin quý vị ráng để ý một chút thì thấy là anh Chà và vừa thổi sáo vừa lắc lư cây sáo qua lại trên đầu Rắn. Có vậy thôi.


    Ngoài ra còn có một số huyền thoại khác cũng khá nhảm nhí cần phải nói toạc móng lợn ra cho rõ: Rắn là Rắn. Rắn chẳng có thần thông, phép thuật quái quỷ gì:

    - Rắn không thể châm nọc độc bằng đuôi.

    - Rắn không biết thôi miên con mồi. Đừng tưởng bở.

    - Nếu quý vị tình cờ phát hiện môt cặp Rắn, và chỉ kịp phang, dứt điểm một con thôi, thì con may mắn còn sống sót có bố bảo đi nữa cũng không dám, không biết tìm cách trở lại để trả thù quý vị đâu mà phải sợ bóng sợ gió. Vả lại, Rắn chết là hết chuyện chứ không hề có chuyện Rắn dỏm nào có chết rồi lại còn hiện hồn về báo thù mà phải sợ (Xin xem thêm chuyện Nguyễn Thị Lộ ở phần “Phụ chú” phía dưới bài viết cho biết rõ hơn). Vụ án giết vua Lê Thái Tông (năm 1442) bởi con Rắn hiện hồn thành mợ Nguyễn Thị Lộ là chuyện vớ vỉn đọc để giải trí cho vui thôi. Đừng có vội tin; coi chừng mắc mắc phải bịnh tâm thần sảng.



    Coi Tử vi (loại huề vốn) cho người tuổi con Rắn (Tuổi Tỵ).

    - Bản chất



    Một con Rắn có thể xuất hiện thật lạnh lẽo và trơn trượt, nhưng bạn đừng để mình bị đánh lừa, vì người tuổi Tỵ gây ấn tượng, bí ẩn, khôn ngoan, hấp dẫn và khá lãng mạn. Người sinh năm Tỵ có khả năng đưa mọi thứ trở về trạng thái tĩnh, nhờ đó, gieo rắc sự tĩnh lặng qua chuyển động đầy gợi cảm, khiến người khác thấy lúng túng và bị quyến rũ.

    Vì thế, điểm quan trọng là phải lưu ý đến người tuổi Tỵ, và không bao giờ đặt niềm tin tuyệt đối vào họ bởi vì họ có thể nhanh chóng phản lại bạn.

    Nếu bạn sinh vào những năm dưới đây thì năm tuổi của bạn là năm Tỵ.

    Năm Tỵ: 1917, 1929, 1941, 1953, 1965, 1977, 1989, 2001

    - Sức Khỏe

    “Stress” là một khó khăn lớn đối với vài con vật trong mười hai con giáp, bao gồm cả con Rắn. Người tuổi Tỵ dễ bị rơi vào tình trạng căng thẳng khi cuộc sống của họ không theo đúng thứ tự. Họ thích một cuộc sống bình yên, họ chọn sự yên tĩnh chứ không chọn sự náo nhiệt và thích loại công việc nhanh chóng, dễ giải quyết hơn là loại công việc bận rộn.



    - Sự nghiệp


    Người tuổi Tỵ có thái độ thụ động khiến họ dễ bị lầm tưởng là kẻ lười nhác, nhưng sự thật không phải vậy. Những người sinh năm Tỵ rất giàu tính sáng tạo và làm việc chăm chỉ vô cùng. Họ đặc biệt giỏi về giải quyết vấn đề và tự hạn định thời gian cho mình rất chặt chẽ. Họ cũng có thể trở nên quyến rũ và mê hoặc để thu hút mọi người quanh họ.

    - Tình duyên

    Những người tuổi Tỵ là người chịu trách nhiệm trong các mối quan hệ và họ sẽ là người quyết định xem có nên tiếp tục mối quan hệ đó hay không. Một khi đã lựa chọn được người bạn đời, họ sẽ không ngại công khai điều đó.

    Người bạn đời của họ sẽ giống như một phần thưởng mà họ giành được sau bao lâu mong ước, họ trở nên ghen tuông và thậm chí là bị ám ảnh khi họ bảo vệ người ấy. Quan trọng là không bao giờ được phản bội người tuổi Tỵ, vì một con Rắn bị phản bội sẽ trả thù rất ghê gớm.

    - Hạp tuổi

    Tuổi Tỵ hạp với tuổi Dậu tuổi Sửu và tuổi Thân.

    (Nguồn: Tu Vi 2013 – Tu Vi)

    Trần Văn Giang

    Xuân Quý Tỵ 2013

    _______

    Phụ chú:

    Nói chuyện Rắn mà không đề cập giai thọai Lê Quý Đôn với bài “Rắn đầu Rắn cổ” và Hồn Rắn Nguyễn Thị Lộ giết vua Lê Thái Tông năm 1442 là một thiếu sót lớn.

    1- “Rắn đầu Rắn cổ.”

    Bố của Lê Quý Đôn là Ông Lê Trọng Thứ đòi đánh đòn Lê Quý Đôn vì cho là con trai mình đã có vẻ hỗn láo dám đố đáp và chê một người bạn đồng liêu của minh, một ông quan Thượng thư, là không biết (dốt) chữ. Quan Thượng thư thấy Lê Qúy Đôn thông minh, nên đã xin bố Lê Trọng Thứ tha cho với điều kiện Lê Quý Đôn phải ứng khẩu một bài thơ tạ tội.

    Cậu con Lê Quý Đôn xin quan Thượng ra đầu đề.

    Quan Thượng nói:

    - Phụ thân cậu đã bảo cậu “Rắn đầu Rắn cổ.” Cậu cứ lấy đó làm đề bài.

    Lê Quý Đôn ngẫm nghĩ một chốc rồi đọc:

    Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà!

    Rắn đầu biếng học quyết không tha

    Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ,

    Nay thét, mai gầm rát cổ cha.

    Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo,

    Lằn lưng chẳng khỏi vết roi da.

    Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học,

    Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia!

    Đề bài là do quan Thượng thư đặt ra, ý nói cậu bé cứng đầu, lười học. Vậy mà Lê Quý Đôn đã tài tình sử dụng chữ “Rắn” để ghép vào trong nội dung các câu thơ của mình: Rắn liu điu, Rắn đầu, Rắn hổ lửa, Rắn mai gầm, Rắn ráo, Rắn thằn lằn, Rắn hổ trâu, Rắn hổ mang và ví mình như Khổng Tử – Mạnh Tử (từ nay Trâu Lỗ xin siêng học).

    Quan Thượng thư hết sức thán phục.

    (Nguồn: www.vinhanonline.com)

    2- Truyện bà Nguyễn Thị Lộ và huyền thoại Rắn báo thù.

    (xin vắn tắt như sau

    - Rắn mẹ bị cụ đồ Nhị Khê giết mất con, nhỏ ba giọt máu trên sách cụ đồ, biến thành Nguyễn Thị Lộ để trả thù (!)

    - Cô gái bán chiếu gon Nguyễn Thị Lộ gặp Nguyễn Trãi (cháu của cụ đồ Nhị Khê), họa thơ với ông. Nguyễn Trãi thấy Nguyễn Thị Lộ là người tài hoa, lấy làm thiếp, sau đó đưa nàng vào phủ để hầu vua.

    - Vua bị bệnh đau lưỡi (Ậy. Vua làm cái khỉ gì mà đến đau lưỡi?), Thị Lộ đề nghị vua thè lưỡi ra để Thị Lộ chữa. Lộ cắn vào lưỡi vua (được hiểu là tiêm nọc độc Rắn). Vua chết ngay không kịp kêu một tiếng. (Vua loại này chết cũng phải!)

    - Thị Lộ bị tội trảm quyết, biến thành Rắn, lội xuống nước đi mất.

    Thực tế của lịch sử dòng chính:

    Bà Nguyễn Thị Lộ là một người tài hoa, giỏi văn chương, có đạo đức, là tiểu thiếp của Nguyễn Trãi, được vua Lê Thái Tông mến:

    “Vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ. Người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh.”

    Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1442), vua Thái Tông đi duyệt binh ở huyện Chí Linh, vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Lúc nhà vua rời Côn Sơn, bà Lộ được lệnh theo vua về Thăng Long.

    Ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (tức ngày 7-9-1442), về đến Lệ Chi Viên (tục gọi là Trại Vải), ở làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, vua bị đột tử. Triều đình buộc tội bà đầu độc vua và kết án tru di tam tộc cùng với Nguyễn Trãi.

    Năm 1464, Lê Thánh Tông minh oan cho Nguyễn Trãi, phục hồi danh vị chức tước, sưu tập tác phẩm, ưu đãi cho con cháu còn sót lại.

    Trần-Văn-Giang

    Xuân Quý Tỵ 2013.

    @ Quân-sử Việt-Nam



    (Theo Tredeponline)
Working...
X