Announcement

Collapse
No announcement yet.

Cỏ Nội

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cỏ Nội

    Cỏ Nội

    Hồng Thúy (78KNC)


    Chị Trâm vào giúp việc cho gia đình này là do bà nội tôi nhờ bà con xa thân tín dưới quê chọn tìm hộ. Bà nội không thích mướn người nữ trẻ thành phố vì bà cho rằng những người quen sống thành thị hay ham chơi, khó sai bảo, và sau một thời gian quen việc hay đòi hỏi làm bộ ỏng eo này nọ, nếu không thỏa mãn yêu sách của họ thì họ nghỉ ngay, mất công tìm người khác thay thế, chỉ bảo lại việc rất phiền phức. Vì thế ngày đầu tiên khi chị Trâm được người nhà dẫn lên nhà tôi, bà tôi đã bằng lòng ngay khi nhìn thấy vẻ nhà quê thật thà, hiền lành của chị. Chị không đẹp lắm với nước da bánh mật, nhưng trông khỏe mạnh vốn thường có của những cô gái quê trẻ quen việc đồng áng quanh năm. Đôi má đỏ au rám nắng duyên dáng ngầm với cái đồng tiền nhỏ mà khi chị cười nhìn thật kỹ mới thấy rõ. Búi tóc lỏng làm lòa xòa những lọn tóc đen nhánh trên bờ vai tròn. Dáng người tầm thước nhưng bên ngoài chiếc áo bà ba nâu với mấy mảnh vá to đụp làm chị trông nhỏ thó so với cái tuổi 17 con gái bẻ gãy sừng trâu. Chị cúi đầu lễ phép cám ơn luôn miệng khi bà nội tôi tốt bụng ngỏ ý đưa một ít tiền nhờ người nhà chị ra mua ngay 2 bộ quần áo may sẵn ở chợ mặc cho tươm tất trước khi chính thức vào làm. Bà nội tôi sau đó sắp đặt chỗ ở, dặn dò mọi công việc, bổn phận chị phải chu toàn trong ngày, bà cũng giao thêm chị nhiệm vụ đưa rước tôi đi học nếu khi bất thần chú tài xế bận công việc đột xuất hay nghỉ bệnh thình lình.

    Bà nội âu yếm gọi tên tôi như để giới thiệu trong khi tôi còn e dè nép ở buồng trong nhìn ra ngoài qua chiếc mành đan bông thưa. Bà nói với chị rằng tôi - cô bé gần 12 tuổi hay có tính mắc cở, nhút nhát với người lạ - nhưng chỉ một chốc thì lại dễ thân ngay. Bà cũng nói cho chị biết trong gia đình tôi gồm chỉ vỏn vẹn bốn người: bà nội, ba tôi đi làm thường thật tối mới về (mẹ tôi mất sớm nên ba tôi luôn lấy công việc làm nguồn vui), chú Út và tôi, còn có một số người giúp việc khác là bà bếp, chú tài và bác làm vườn. Chẳng có gì khó hiểu tại sao với gia đình ít người như gia đình tôi mà có lắm người làm thế, chả là bà nội tôi muốn có nhiều gia nhân cho nhà có không khí nhộn nhịp đông vui, nhất là có người hầu hạ chơi với tôi đỡ buồn, vì bà nội tôi cưng và giữ cháu kỹ lắm, chẳng muốn tôi giao du bạn bè bên ngoài nhiều sợ tôi học thói hư hỏng. Như đã kể trên tôi cũng chẳng có anh chị em họ thân thuộc gì vì bà chỉ có 2 người con là ba và chú Út. Ba đi suốt ngày chẳng thấy mặt đã đành, mà chú Út lại càng rất ít về nhà hơn, vì nghề chú là đi khảo sát nghiên cứu đất đai ở các tỉnh thật xa. Nói tóm lại, cuối cùng chỉ trong gia đình lẩn quẩn 2 bà cháu ra vào hủ hỉ với nhau suốt ngày trừ lúc tôi đi học.

    Chị Trâm đã tỏ ra tháo vát, siêng năng và tỉ mỉ công việc không phụ lòng bà tôi mướn và tin cậy. Xong mọi công việc nhà, chị nắn bóp chân tay cho nội, vừa kể những mẩu chuyện về cuộc sống dưới quê của chị, tôi ngồi cạnh bà nghe chị nói chuyện một cách thích thú và học biết được thêm nhiều những kinh nghiệm sống những dân quê nghèo mà trước tới giờ tôi chưa bao giờ thấy hay qua ai kể lại. Chị lâu lâu so sánh tôi với đứa bé cùng tuổi dưới quê, chị nói:

    - Cô Tơ (tên gọi do bà tôi đặt ở nhà) sung sướng lắm, được ăn học, muốn gì có nấy chứ chẳng nếm trải nỗi cơ cực, khổ sở, lại thất học như dân nghèo chúng tôi.

    Với lời tâm sự, chuyện kể chị Trâm đã làm tôi mở mắt, hiểu ra là tôi là đứa bé sanh ra tuy thiếu đi tình mẹ nhưng vẫn đầy đủ sống trong vòng tay bao la của Nội, tình yêu thương của gia đình, thật nhiều hạnh phúc, may mắn hơn ai hết. Dần dần, chị Trâm đối với tôi ngoài cái tình chủ tớ, còn thêm tình thân như chị em đậm đà, gắn bó, vì tôi nhỏ hơn chị đến hơn 5 tuổi lại hiếm bạn bè thân thuộc không có ai để tâm sự, tỉ tê, nên dưới sự phục tòng lẫn chiều chuộng của chị, tôi như có cái phao nắm lấy kể lể bao nhiêu nỗi niềm vụn vặt, buồn cười của cái tuổi chập chững mơ học làm người lớn. Bà nội tôi tuy thương chị vì cái tính chịu thương chịu khó, cẩn thận thứ tự đâu đấy chứ không làm dối, vội vàng cho xong việc, nhưng bà tôi cũng luôn rõ rệt phân biệt cái ranh giới người trên kẻ dưới, bà không thích để chị suy nghĩ vẩn vơ rằng bà xem chị như hàng con cháu, để sau này chị quen thói sẽ làm nư, ỷ y vì thế có thân chị đến đâu tôi vẫn bị bà nội nhắc cầm chừng là dù sao chị Trâm vẫn là kẻ ăn người ở mà thôi. Nhưng bà nội nói gì thì nói, chị Trâm trong tâm tôi cũng là một người chị, người bạn, chia xẻ những ý nghĩ mà tuổi trẻ mới lớn của chúng tôi mới thấu hiểu được nhau. Thế nên đi chơi đâu tôi luôn ráng xin phép bà nội cho chị đi với tôi, bà nội vốn thương chiều cháu, cũng muốn có người đi chung để bảo vệ tôi, nên khi tôi muốn ra ngoài, chỉ cần lên tiếng, chị Trâm được phép hộ tống tôi ngay. Thấy tôi mến thân chị quá, ba tôi nhiều khi đặc cách cho chị chung vui với gia đình tôi khi có cuộc đi chơi cuối tuần như đi sở thú, xi-nê. Ra ngoài, ai cũng tưởng chị là con ruột ba tôi, mấy cậu trẻ tuổi mon men tán tỉnh chị vì nghĩ chị thuộc gia đình giàu có, hơn nữa sau một thời gian dài sống thành thị chị trông xinh xắn, trắng trẻo thêm, vẻ quê mùa dần biến mất, ăn nói dạn dĩ hơn trước nhiều. Bà nội tôi có vẻ không mấy hài lòng với những cảnh xúm xít, săn đón, làm quen của mấy cậu tỉnh thành do lầm tưởng chị là thành viên trong gia đình, nhưng bà nể ba tôi can ngăn xuề xòa rằng cứ cho tụi trẻ vui chơi một bữa, bà phải làm lơ, mặc kệ cho qua, tôi biết thế thầm cám ơn ba lắm và thấy tội nghiệp chị hơn vì những ngạc nhiên mới lạ lần đầu chị được hưởng khi ra ngoài khác hẳn thế giới khó khăn, nghèo nàn mà chị từng chịu đựng nơi thôn quê. Chúng tôi chơi đùa thỏa thích một cách vô tư và chưa bao giờ tôi thấy chị Trâm nở trọn vẹn nụ cười tươi tỉnh đến thỏa nguyện đến vậy.

    Rồi bỗng một chuyện xảy đến gia đình chúng tôi, làm thay đổi hẳn cuộc sống vốn tưởng êm đềm mãi mãi. Chú Út tôi trở về sau hơn năm dài xa nhà...

    Bà nội tôi vui lắm khi nhận thư chú Út báo sẽ về nội tuần này. Bà lăng xăng giục chị bếp lo đi chợ chuẩn bị thức ăn cả tuấn trước, chú tài xế lau cái xe cho thật bóng lưỡng để đưa bà và tôi đi đón chú. Bác làm vườn thì thay mấy chậu hoa cũ, mua mới môt số hoa và cắt tỉa, tưới nước bãi cỏ cho thật xanh rì, bà luôn làm vậy mỗi khi chú Út về cứ như muốn làm sống dậy căn nhà đã từng bị bỏ hoang từ khi chú Út đi xa vậy. Chiều ý bà, tất cả sửa soạn tươm tất làm bà cười nói luôn miệng, kể cả lúc sai chị Trâm phải dọn dẹp phòng chú cho thật sạch sẽ gọn gàng, bà không thích cái gì bề bộn làm chướng mắt chú Út mệt mỏi từ xa mới về.

    Khi chiếc xe đưa bà nội, chú Út và tôi vừa xịch lại trước cửa nhà, tất cả người giúp việc đã chờ tại cổng chào. Ngoài những người cũ, chú Út đặc biệt chú ý đến chị Trâm đang bẽn lẽn đứng hàng sau chót cúi đầu chào. Tôi đã nhanh nhẩu giới thiệu ngay chị với chú, và chị Trâm thấy vẻ mọi người kính trọng chú quá nên cũng sợ sệt lắp bắp mãi câu chào. Chú Út mỉm cười hơi có vẻ kẻ cả đưa cái va-ly nhờ chị đẩy vào phòng trong và vui vẻ ôm vai bà nội đang âu yếm ngắm nhìn chú như chờ đợi những câu chuyện kể từ xa như mọi lần.

    Chú Út sau khi phân phát ít quà mà chú mua mỗi khi về đến nhà sau thời gian dài. Chị Trâm là người mới chú không biết, nên chú cho chị Trâm một bao lì xì nhỏ. Chị Trâm cảm động lắm cứ lí nhí câu cám ơn mãi. Chú Út gọi chị Trâm là cô xưng tôi và nói chị đừng e ngại vì chú kỳ này ở lại nhà lâu và nhiều việc phiền nhờ đến chị. Bà nội tôi ngạc nhiên khi chú Út nói sẽ dành thời gian tại nhà dài hơn, chứ như trước, chưa quá 2 tuần chú đã lên đường rồi. Bà nội cười nhắc khéo chú nên lo cưới vợ đi là vừa, đi biền biệt hoài thì đến bao giờ mới lập gia đình như người ta, và bà nội làm sao có thêm cháu cho vui cửa vui nhà.

    Chú Út quả thật ở lại nhà lâu hơn; cuối tuần chú tham gia đi chơi chung với gia đình, một điều hiếm thấy ở chú. Bà nội nói chú đã thay đổi tính tình, chín chắn và chắc không muốn bay nhảy nữa. Chị Trâm thêm việc làm là mỗi sáng dọn dẹp phòng cho chú Út, giặt đồ nhiều hơn mọi lần do chú Út đưa ra. Chị làm chăm chỉ vui vẻ không than phiền, đôi khi thấy chị đơm lại vài cái nút sắp tuột, hay may tay lại đường chỉ lỏng của chiếc áo mà chú Út bỏ giặt vô tình không biết. Chú Út thích đi chơi với bạn khuya lắc khuya lơ mới về, trước đây bà nội còn chờ cửa vì chú chỉ ở nhà không đầy tháng, bà muốn kéo dài thời gian bên cạnh để trông nhìn lo lắng, chăm sóc cho con, nhưng bây giờ bà nội mỗi lúc một già, mệt mỏi, bà chỉ chờ cửa đến hơn 10 giờ là vào phòng đi nằm, bà nội muốn chú Út phải mang theo chìa khóa để về không làm phiền ai. Không biết vì sao chú Út lại không muốn đem theo chìa khóa, chú Út nói chị Trâm có thể chờ mở cửa cho chú vì chị Trâm luôn thức khuya ủi đồ cho cả nhà. Thế là chị Trâm bị giao công việc ráng thức khuya hơn chờ chú về. Tôi sợ chị Trâm buồn vì thái độ trịch thượng của chú Út, mọi việc đổ dồn bắt chị làm, tuy không khó khăn bắt bẻ, nhưng tôi cảm thấy việc gì chú cũng muốn tự tay chị làm cho chú, chứ không thích giao việc ấy cho ai. Tôi đùa với chị Trâm rằng chị bị chú Út đì, chị Trâm lúc nào cũng cười nhỏ nhẹ nói không sao đâu mà. Hơn 2 tháng sau chú Út mới khởi hành đi, chú hứa với bà nội từ đây sẽ về thường xuyên hơn không công tác lâu nữa, bà nội sung sướng ra mặt, bà nội nói sẽ tìm một chỗ xứng đáng cho chú Út lập gia đình trong kỳ tới ngay sau khi chú Út trở về. Chú Út cứ đi đi, về về như thế đều đặn trong năm đến 3 lần, về là đi chơi, chuyện coi mắt vợ cứ khất lần khiến bà nội hơi buồn và giận. Bà tự an ủi và nói với ba tôi rằng thôi thì cứ cho chú thêm thời gian tự do, rồi chú cũng phải lấy vợ.

    Một năm trôi qua, chú Út về nhà rất thường, giảm việc đi chơi tối hơn, chị Trâm không phải khổ cực thức khuya đợi chú về, bà nội yên tâm nghĩ thầm chú Út đang thay đổi. Một đêm tôi chợt thức giấc vì cảm giác ngứa cổ muốn ho, tôi định xuống chỗ chị Trâm nhờ cạo gió chắc do thời tiết mấy bữa thay đổi đột ngột. Phòng của chị cách nhà trên khá xa, nên tôi phải chân đất rón rén nếu không muốn cả nhà thức giấc nhất là bà nội, nếu bà biết tôi cạo gió sẽ không thích vì bà bảo cạo làm đỏ cả mình mẩy, nên uống thuốc tây tốt hơn. Gần tới chỗ nơi chị Trâm, tôi bỗng nghe ai như giọng chị Trâm nức nở, tôi xăm xăm tiến đến sát hơn và ngạc nhiên khi thấy chú Út trong đó với gương mặt giận dữ gằn khẽ nhưng cũng đủ cho tôi nghe rõ câu:

    - Tôi không bằng lòng như thế...

    Tôi sợ hãi thụt lùi lại núp sau bức tường và tự hỏi chú Út làm gì vào giờ này trong phòng chị Trâm mắng mỏ chị thái quá. Tôi vẫn nghe tiếng thút thít của chị và tiếng chân bực bội chú trở ra. Tôi hoảng hốt chạy bay về phòng vì sợ bị bắt gặp, vừa lúc nghe tiếng bà nội trở mình trong phòng, tôi leo lên giuờng nằm trằn trọc, thắc mắc ngủ không được, định mai sáng hỏi chị Trâm cho ra lẽ.

    Trời mới tờ mờ sáng tôi đã vội đến phòng chị Trâm với đôi mắt lờ đờ thiếu ngủ, chị Trâm đang búi lại tóc chuẩn bị làm công việc sáng. Tôi chưa để chị kịp ngạc nhiên đã hỏi ngay:

    - Chú Út lại có vấn đề gì với chị nữa phải không?

    Chị ấp úng nhìn tôi sợ sệt:

    - Cô Tơ biết gì hả?

    - Chị đừng dấu em, có gì chị nói với em, em mách bà nội la rầy chú, chú ăn hiếp người ta quá.

    Chị Trâm nắm chặt tay tôi van nài:

    - Đừng mà cô Tơ, bà biết sẽ đuổi tôi liền đó, tôi không sao, chút chuyện hiểu lầm thôi.

    - Nhưng hứa phải kể cho em nghe, nếu lần sau chú Út làm khó chị nữa.

    Tôi thấy chị gật đầu với đôi mắt đỏ hoe.

    Hai ngày sau, chú Út lại ra đi công tác. Chị Trâm lầm lì ít nói chuyện với tôi, tôi định bụng sẽ dọ hỏi chị nguyên nhân sau này. Nhưng một hôm sau buổi tan học về, tôi thấy bà nội ngồi trên ghế salon sắc mặt giận dữ, tôi không thấy chị Trâm cạnh bà đấm bóp như mọi khi. Tôi vừa há miệng hỏi chị Trâm thì bà nội gằn giọng:

    - Cấm con không nhắc tên nó nữa!

    Tôi hết hồn không hiểu tại sao thì bà nói ngay:

    - Bà cho nó nghỉ rồi, từ đây nó không còn bén mảng lên đây, nói xong bà quây quả bỏ vào phòng nằm, vừa đi vừa lắc đầu ra chiều chán nản lắm. Tôi như trên trời rơi xuống, tại sao kỳ vậy chứ, tôi thắc mắc quá liền chạy ngay đi hỏi bà bếp, bà bếp lấm la lấm lét không dám hé môi, hỏi bác làm vườn thì bác nhìn tôi rồi nói:

    - Trẻ con đừng xen vào chuyện người lớn!

    Chú tài xế thì lắc đầu quầy quậy, nói không biết rõ. Tôi vùng vằng nhất quyết phải tìm cho ra lý do, tôi ráng nhẫn nhịn chờ đợi đến tối, vì tôi biết ba tôi về bà nội sẽ kể rõ đấu đuôi câu chuyện.

    Hơn 11 giờ tối ba tôi được bà nội kéo vào phòng trong, tôi lần đầu cãi lời bà nội thức khuya để lén rình nghe chuyện, tôi áp chặt tai vào khe cửa, tôi nghe tiếng bà nội chì chiết:

    - Thật là nuôi ong tay áo, ai cho phép nó dám trèo cao, không biết thân phận tôi tớ!

    Ba tôi trầm tĩnh:

    - Chú Út biết việc này chưa?

    - Khi nào nó về mẹ sẽ xử tội nó, quyến luyến hạ nhân là điều không thể tưởng được, nhất là gia đình ta danh giá bao đời nay, đâu có cái nạn mèo mả gà đồng vô phép vô tắc chứ!

    Ba tôi năn nỉ:

    - Mẹ cũng đừng làm lớn chuyện thêm, để rồi chú Út về con khuyên, chắc chú Út chỉ nông nỗi nhất thời, chú cũng kén chọn lắm mẹ ạ!

    Tôi nghe bà nội thở dài thườn thượt, lải nhải mãi một câu:

    - Thật khổ quá, quen đâu không quen, lại dính vào hạng tôi đòi!

    Bây giờ tôi mới vỡ lẽ, không biết thương hay trách chị Trâm đây. Sao mà chị giữ kỹ câu chuyện đến thế, cái gì chị cũng kể tôi nghe, mà cái chuyện động trời này đến giờ này tôi mới biết, không hiểu mối tình nghiệt ngã này bắt đầu từ lúc nào, mà không ai phát giác sớm. Chú Út cũng dấu hay thiệt, cứ tỉnh như không, chẳng thấy hó hé một sơ hở nào, làm thế nào bà nội tôi biết được vậy nhỉ??? Tôi cảm thấy sợ hãi quá, nếu mai này chú Út về chuyện sẽ ầm ĩ là cái chắc, không biết bà nội đối phó với chú thế nào đây, sóng gió gia đình đang bắt đầu nổi lên, tôi không dám nghĩ tiếp nữa câu chuyện người lớn đang làm đầu óc tôi rối beng, tôi chẳng biết nên đứng vào phe nào, vì phe nào đối với tôi cũng đều đầy tình nghĩa, thương yêu đậm đà...

    Chú Út lặng người khi biết quyết định của bà nội đuổi chị Trâm đến một nơi nào mà chú Út không bao giờ tìm thấy được, chú không cãi lại gì với những lời giận dữ đầy cay đắng, khắt khe mà bà nội tuôn ra trong nước mắt già nua. Chú phản đối bằng vẻ mặt lạnh như tiền nhưng tôi biết chắc rằng con tim chú hẳn đau khổ tan nát lắm, chú đôi lúc cúi gầm đầu xuống, cắn chặt môi khi bà nội gầm gừ trách chú để tất cả lời bà nội ngoài tai, chọn nơi tương xứng không chọn, lao đầu vào thứ nghèo khổ không một chút môn đăng hộ đối. Chú Út cuối cùng nhìn bà nội thật lâu và giọng chú khàn đặc, tràn đầy ai oán, bi thương:

    - Từ nay xin mẹ để con yên, con sẽ không lấy ai nữa ngoài Trâm ra!

    Rồi chú thất thểu xách va-ly chưa kịp giỡ đồ vừa mới trở về, gọi xích-lô đi thẳng mà cả nhả chẳng biết chú đi đâu... Tôi đứng khóc theo, nước mắt ràn rụa, bà nội run rẩy vừa giận vừa thương đứa con trai út, tôi không đủ tuổi khôn ngoan nhận xét để hiểu bà nội tôi làm đúng hay sai, thái độ chú Út có phải hỗn hào, bất hiếu hay không? Tôi chỉ rõ ràng một điều là từ nay mối rạn nứt giữa bà và chú Út sẽ chẳng thể hàn gắn, trừ phi là chú Út lấy được chị Trâm, mà đám cưới ấy vĩnh viễn không thể xảy ra trong gia đình rất bảo thủ, khó khăn như thế này.

    Chú Út không còn thấy trở về một năm đôi ba bận như lúc có chị Trâm, như lời hứa với bà tôi nữa. Thơ từ cũng biệt tăm, bà nội tôi khắc khoải đau đớn khôn nguôi đăng báo tìm chú khắp nơi với lời nhắn bà nội đau nặng chú cũng chẳng buồn về. Ba tôi phải tạm thời bớt công việc, dành thời giờ an ủi săn sóc bà cho nguôi ngoai. Một hôm chú Út về với tình trạng say khướt đến nỗi người bạn dìu vào nhà, bạn chú cho ba tôi biết mà không dám nói với bà nội rằng chú Út bỏ việc, tối ngày nhậu nhẹt say sưa, vay nợ tùm lum, bây giờ nợ ngập ngụa đành đưa chú về nhờ ba tôi thanh toán dùm. Dầu sao thì dấu cũng khó lòng qua mắt bà tôi, bà nội chậm mãi giọt nước mắt đau khổ vì đứa con lầm lỡ, và trách mãi mình sao oan nghiệt đưa sói vào nhà hại gia cang. Tôi hiểu bà ám chỉ chị Trâm, nhưng xét cho cùng, cũng là lỗi một phần chú Út, chú Út theo đuổi chị Trâm mà, thì ra chú đã yêu chị ngay cái nhìn đầu tiên khi bước vào nhà, cánh hoa đồng cỏ nội thật thà, dịu dàng, trinh nguyên hương sắc làm rung động lòng kẻ lãng tử, xốc nổi, hào hoa. Đấy là nguyên nhân chú thay đổi tánh tình sở thích khác thường mà cả nhà phải ngạc nhiên, rồi chú theo đuổi ve vãn chị thế nào không ai biết, nhưng chắc chắn một điều rõ rệt rằng chú phải yêu tha thiết chị Trâm lắm nên thân chú bây giờ mới tàn, nghiệp mới tan như vậy...

    Ba rồi bốn năm trôi qua, bà nội dẫu nước mắt ngắn dài chẳng thay đổi động lòng được chú. Chú Út cà rịch cà tang làm ăn không ra làm ăn, cứ lâu lâu về xin tiền ba tôi rồi lại đi mất biệt, vợ con coi như không có. Chị Trâm thì biệt dạng không nghe tin tức gì, tôi có lén bà nội tìm tòi, dọ hỏi thì người nhà chị nói chị đã không về kể từ khi lên làm cho gia đình nội tôi.

    Sinh nhật thứ 17 của tôi, đánh dấu cái tuổi đẹp lãng mạn nhất, xuân tình phơi phới, tình yêu như bông hoa nở rộ, như trái chín cây mượt mà, mê đắm như ngày xưa chị Trâm đã từng, tôi hiểu được sức mạnh của tình yêu đó như thế nào vì tôi đính hôn với một thanh niên gia thế vọng tộc, môn đăng hộ đối với gia đình tôi. Số tôi may mắn và diễm phúc hơn chị Trâm là tôi sẽ lấy đuợc người tôi yêu chứ không trải qua những đắng cay, chua chát mà chị Trâm và chú Út tôi trải qua chật vật bẽ bàng, ngang trái. Bà nội tôi giờ đây lọm khọm lắm, cái buồn đau làm bà cằn đi rất nhiều, bà phải chống gậy, mắt mũi kèm nhèm, nhưng bà vẫn sáng suốt. Bà nghe lời mấy bà bạn già đi chùa thường xuyên hơn, niệm Phật, ăn chay đều đặn. Rồi có lẽ nhờ câu kinh tiếng kệ nỗi sầu cũng ngoai, tâm bà nhẹ nhõm, chấp nhất giảm nhiều, bà không nhìn chú Út với ánh mắt bất mãn, bực tức nữa, mà thay vào đó lòng thương xót, nỗi ăn năn canh cánh tràn ngập trong tim, bà suy nghĩ thật nhiều, bà thầm trách mình đã phá đi cái hạnh phúc của con, để rốt cuộc bà không có phút giây nào thanh thản và chú Út sống như chết, vật vờ, không chút hạnh phúc, cô đơn trong chuỗi ngày bấp bênh, vô hồn.

    Một ngày bà nội gọi tôi vào phòng, bà rưng rưng nhìn tôi trong ánh mắt ngập tràn thương yêu, bà thổ lộ:

    - Mai này cháu sẽ lập gia đình, bà cũng mong cháu luôn vui vẻ và thật nhiều hạnh phúc. Bà già rồi, sống chết trời cho không biết trước, với chú Út bà cảm thấy chưa làm tròn trách nhiệm nên bà ray rứt lắm, bà muốn cháu làm cho bà một việc là cầm địa chỉ của chị Trâm tìm chị hộ bà, nếu chị đã lập gia đình thì bà sẽ tặng một số tiền xem như chuộc phần lỗi của bà, còn nếu Trời thương cho mối tơ duyên của họ, chị vẫn ở vậy thì bà nhờ cháu ráng thuyết phục dẫn chị về để chú Út cháu vui vẻ trở lại, bà không biết bà làm vậy có thất cách không, chị Trâm có mặc cảm là bà xem chị như món hàng trao đổi, thích thì gọi về, không muốn thì đuổi đi, không cần đếm xỉa gì cảm giác của chị, nhưng đây là thật tâm của bà, cháu hiểu không?

    Tôi thổn thức vì thương bà quá, bà vì chú Út mà bỗng chốc thay đồi hẳn cả suy nghĩ, lối cư xử đã ăn sâu tận cỗi rễ từ bao đời, bà chắc phải tự mình tranh đấu với tư tưởng, vượt hẳn bản thân rất nhiều mới có thể mở rộng cõi lòng chấp nhận chị Trâm và đi đến quyết định quan trọng. Tôi cũng biết tính chị Trâm, nếu chị biết bà như thế, chị sẽ quay về ngay để quỳ dưới chân bà tạ tội, cám ơn sự rộng luợng khoan hồng, chứ chẳng dám có nửa lời trách hờn bà đâu.

    Ngay hôm sau chú tài xế khởi hành sáng sớm theo địa chỉ bà đưa cùng tôi tìm về vùng quê hẻo lánh, nhưng tôi thắc mắc lo lắng mãi trong lòng là tôi đã từng dò hỏi tin chị mà chưa được, nay chẳng biết có thành công không? Nhưng tôi vẫn hy vọng mong manh may ra tìm thấy dấu tích của chị. Chú tài xế đậu xe ngoài tận đường cái đầu làng, con xóm ngoằn ngoèo, lối cỏ hẹp, xe vào không được, tôi lội bộ vào sâu phía trong, lòng thầm mong tìm gặp lại chị sau bao biến cố dồn dập. Địa chỉ bà nội tôi đưa đúng là đây, nhưng một người đàn bà lạ hoắc đang sống ở đó, chỉ tôi đến một chỗ khác, xa hơn nữa. Vẻ đìu hiu của một vùng đồng không mông quạnh nghèo nàn, dân cư thưa thớt, tôi chẳng biết đâu mà mò, tôi kiên nhẫn trở ra nói chú tài xế chạy xe thật chậm với tốc độ đi bộ bọc đường ngoài tìm cách lần đi theo hướng lối chỉ của người đàn bà, nhưng được một đỗi, đường trở nên xấu, gập ghềnh khó chạy xe, khiến chú tài đành phải lần nữa tắp một chỗ để mình tôi ráng cuốc bộ đi sâu vào khúc rẽ đầy bụi đất đỏ tìm hỏi. Trong lúc ngơ ngác chăm chú nhìn từng căn nhà như ổ chuột vách lá vẹo xiêu, thì có ngưòi đàn ông chở đứa bé gái bằng chiếc xe đạp cũ lọc cọc, trờ tới, tôi chặn xe ông ta lại đưa địa chỉ nhà và luôn bức ảnh của chị Trâm mà tôi đã cùng chụp chung với chị lúc đi sở thú dạo nào, mong ông ta nhận diện cầu may giúp tôi tìm chị cho nhanh.

    - Đúng rồi hình của Trâm, nó là em bà con của tui.

    Tôi giới thiệu vắn tắt, sơ lược ý định đi tìm chị Trâm, người đàn ông tự xưng là chú Năm dẫn tôi về đến nhà ông ta cách đó không xa lắm. Một đám con nít ở đâu ùa ra la ó khi thấy chú về, nhưng chợt bặt ngay tiếng và chạy vội lại vào nhà khi thấy người thành phố lạ lẫm như tôi. Bà vợ mời tôi vào nhà đúng ra là căn chòi rách te tua bé xíu, sau khi xua mấy đám con nít chạy ra ngoài để ông chồng nói chuyện với tôi. Chú Năm khẽ thở dài khi tôi hỏi về tình trạng hiện giờ của chị Trâm:

    - Muộn quá rồi cô ạ! Trâm không còn trên thế gian này nữa, nó chết cách đây 4 năm rồi!

    Tôi muốn bật ngửa chết sững, sao có việc như thế, chị đang khỏe mạnh mà?? Chú Năm lắc đầu:

    - Nó chết vì cái thai sinh khó, mà cô biết tụi tui nghèo quá, đâu có phương tiện gì cứu hai mẹ con nó!

    - Chồng chị ấy đâu mà để chị ra nông nỗi??

    Chú Năm nhìn vào mắt tôi đang lệ rơi nhòa nhạt:

    - Bộ cô không biết cha đứa bé là ông nhà giàu trong gia đình cô sao?

    Rồi ông đau đớn gật đầu:

    - Ừ, nó dấu hết thảy kể cả ông nhà giàu đó.

    Qua lời kể của chú Năm tôi mới rõ nguyên do, chị Trâm sau khi biết mối tình vô vọng của mình sẽ chẳng bao giờ có kết quả tốt đẹp, chị nhiều lần van chú Út hãy tìm cho mình nơi môn đăng hộ đối như ý bà nội tôi muốn, nhưng chú Út không chịu, chú Út nói sẽ thuyết phục bà nội chấp nhận mối tình so le giai cấp, nếu không chú sẽ lấy chết để bà nội nhượng bộ, chị Trâm đâu dám như thế, chị biết rõ tính bà nội, thân phận chị thấp hèn không thể với tới, đỉa mà làm sao dám đeo chân hạc chứ! Chị năn nỉ chú quên chị đi, nhưng trong lòng cũng tan tành héo úa vì mối tình đầu thắm thiết vừa chớm đã sớm tàn lụi này. Bà nội tôi biết mối tình oan nghiệt bởi do chiếc khăn tay của chú Út tặng, chị cất lại như một món quà định tình, như một bảo bối, ấp ủ cho đỡ nhớ khi chú đi công tác xa, bà để ý, theo dõi, rồi tra hỏi. Chị Trâm làm sao cả gan dám dấu diếm trước mấy câu nạt nộ dằn mặt, giận dữ lôi đình của bà nội, chị khai tuốt hết và khóc nức nở xin bà tha thứ, chị hứa sẽ rời xa chú, và bà bắt chị đi thật xa đến một chỗ chú Út chẳng có cách chi biết được, bà cho chị một số tiền để chị tự mưu sinh, nhưng chị bằng lòng ra đi mà không đòi hỏi một thứ gì với một mầm sống trong bụng, kết quả những tháng ngày lén lút mặn nồng ái ân hạnh phúc. Bà nội lẫn chú Út đều không hay biết việc này, chị ôm kín nỗi khổ một mình đến kỳ cùng, chị không quay về xóm cũ sợ làm xấu mặt người nhà, chị đành đến làm phiền vợ chồng người anh họ xa tốt tánh cưu mang, rồi đến cuối chết đi trong thiếu thốn tột cùng, không kịp nhìn thấy mặt đứa con vừa mới chào đời bất hạnh vô tội. Chú Năm vẫy đứa bé gái mà chú đèo lúc nãy ra chào tôi, thảo nào tôi thấy nó quen quen, khác hẳn với hình ảnh quê mùa của bọn trẻ quê khác là đôi mắt mềm mại dịu dàng của chị Trâm, cái miệng cười duyên lanh lẹ y hệt chú Út. Chú Năm ngậm ngùi nắm tay đứa bé mà chú gọi là Tâm đặt vào tận bàn tay tôi, ước nguyện của chị Trâm trong lúc còn sống là một ngày cho con gặp mặt những người thân ruột thịt của nó. Chú nói thì thầm với nó vài điều gì đó như thể chú đã từng kể lể, dặn dò và chờ đợi giây phút này lâu lắm rồi. Một thoáng rất nhanh, linh cảm ruột rà trấn áp nỗi sợ hãi của đứa bé, nó ngước nhìn tôi mắt rướm lệ. Tôi ôm chầm lấy em, máu huyết thâm tình gắn chặt lấy chúng tôi, hai chị em cùng khóc, nước mắt đoàn tụ, nước mắt rộn ràng và cả đau xót trong nỗi nhớ vô bờ chị Trâm của tôi và là người mẹ vắn số bất hạnh của Tâm.

    Tôi dẫn bé Tâm ra xe, cũng không quên để lại số tiền lớn mà bà nội đưa tôi mong trao cho chị Trâm nếu như chị còn sống. Bây giờ tiền ấy gửi tặng như môt món nợ ân nghĩa gọi là một phần đền trả chú Năm nặng công lao đã giúp trông coi chị Trâm đến phút cuối cuộc đời và nuôi dưỡng bé Tâm cho đến hôm nay. Chú Năm khẳng khái từ chối, nhưng tôi phải nói mãi chú mới nhận cho, tôi phục chú quá tại sao có những người nghèo mà nhân cách họ không nghèo chút nào hết!

    ° °

    Bà nội ôm chặt lấy bé Tâm, nước mắt bà ràn rụa ướt cả vạt áo, bà sờ soạng mắt mũi bé với tất cả trìu mến, bà ngắm nhìn đứa cháu tội nghiệp để nhớ một hình ảnh xa xưa một cô gái ôn nhu, dịu hiền mà bây giờ chỉ còn là mây khói tan vào khoảng hư không mờ mịt. Bà sụt xịt lẩm bẩm mãi một câu:

    - Bà xin lỗi làm khổ cháu, bà yêu cháu nhiều lắm, có biết không?

    Chú Út sau đó trở về, lần đầu tôi thấy chú rơi nước mắt vì thật lâu rồi sau khi chị Trâm bị đuổi đi và ngay cả bà nội mắng mỏ, chú không hề nhỏ ra một giọt nước mắt nào, chú gọi bé Tâm bằng tiếng từ con tim thống thiết:

    - Ôi! Con tôi đây sao!

    May mắn hay hồn thiêng chị Trâm phù hộ, bé Tâm vô tư, nhanh chóng quên đi những ngày đau khổ đã qua, dưới sự ấp ủ mến yêu vô bờ của gia đình, dường như hòa mình hoàn toàn sống hạnh phúc ngập tràn trong sợi dây gia đình thiêng liêng ấy, bé quấn quýt quanh bà tôi, thỉnh thoảng hát véo von những bài hát đồng ấu truyền khẩu từ những trẻ quê ngày nào làm sinh khí gia đình rộn rã, không còn ủ dột, buồn bã như ngày qua. Dưới mắt tôi, bé Tâm gợi lại hình ảnh của tôi mười mấy năm trước bên bà nội, tôi và bé Tâm cùng giống nhau hoàn cảnh mất mẹ, cũng là bà nuôi dưỡng chúng tôi. Mai này tôi đi lấy chồng bé Tâm sẽ thay thế tôi trong tim bà, đứa bé mồ côi mẹ nhưng vẫn ấm nồng tình bà cháu, sẽ tạm quên đi những khắc khoải đêm về thiếu hơi ấm người mẹ, cùng tiếng ru ngọt ngào thương yêu mà thoáng chốc mơ hồ tôi vẫn tưởng tượng trong chiêm bao hoài như thế. Tôi cảm thấy tội và thương bé Tâm nhiều hơn, dầu gì tôi cũng hơn bé vì tôi vốn hưởng những no ấm, nhung lụa từ thuở lọt lòng.

    Chú Út thay đổi hẳn nếp sống, chú xin công việc mới làm công chức trong văn phòng, sáng cắp ô đi, chiều xách dù về. Bây giờ chú dành hẳn nhiều thời giờ săn sóc bà nội và lo lắng hết mực đối với bé Tâm bù vào sự thiếu xót trong quá khứ. Chú yêu vợ qua hình ảnh của con, lâu lâu tôi lén thấy chú nhìn con rồi bồi hồi xúc động thầm thì:

    - Ba nhớ mẹ con quá Tâm à.

    ° °

    Cơn giông đã qua, gia đình tôi bây giờ mới thật là sóng yên bể lặng. Sang năm, sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng tôi sẽ cử hành lễ cưới sau 4 năm đính hôn. Bé Tâm đã học lên lớp 3, càng lớn càng xinh xắn giống mẹ như đúc, tính tình ngoan ngoãn hiền lành. Bà nội yêu chiều bé còn hơn tôi ngày xưa và không còn có thể lệ khe khắt đối với chuyện bạn bè của con cháu nữa, bé Tâm do đó có đông bạn đến chơi nhà, hồn nhiên vui đùa ồn ào cả một khu vườn, tôi cứ thầm tự ước phải chi bà nội tôi từ bỏ hẳn thật sớm tư tưởng bảo thủ cũ, định kiến hôn nhân đối với con cháu, thì chị Trâm đâu phải chịu số phận hẩm hiu, vô duyên, bạc bẽo và cái gia đình nhỏ bé của bé Tâm đâu sớm chia ly vợ chồng, mẹ con đôi ngã âm dương cách biệt đoạn trường, bé Tâm sẽ còn hưởng được toàn vẹn muôn vàn hạnh phúc đến đâu. Tôi miên man trong suy nghĩ và thương xót tại sao có những bất công lại xảy đến trên người chị, hay có phải mỗi con người sinh ra đều có số mệnh sướng, khổ định sẵn hay không?

    Tôi yên tâm để thấy ba tôi, từng bôn ba vất vả đã lâu, trí tâm chắc mệt mỏi vì đã có tuổi nên ngày nay rút hẳn công việc, chuẩn bị về hưu non. Chú Út vẫn chăm chỉ đi làm sáng chiều, nguồn vui sống duy nhất của chú là đặt trọn vẹn vào cả bé Tâm, không còn mơ ước, nghĩ ngợi xa xôi gì nữa.

    Nhìn sự an vui, đầm ấm, thương yêu ngập tràn trong không khí gia đình, tôi nghĩ chắc bây giờ chị Trâm gọi đúng ra đã là cô Trâm hồng nhan bạc mệnh của tôi thật sự muôn phần mãn nguyện, không còn chút gì tiếc nuối lưu luyến miền trần tục để có thể mỉm cười nhẹ nhõm an giấc ngàn thu nơi cõi vĩnh hằng...




    Hồng Thúy

    Comments :

    Sun, November 20, 2011 2:56:00 PM From: Nguyễn Thiện Toản (74KCN)

    Chúc mừng webnhà đã được bạn Hồng Thúy 78KNC gởi bài đến . Qua những bài viết gần đây trên webnhà, tôi nghĩ đây là kết quả của năm xưa phái đoàn Bộ di trú Canada lựa người quá kỷ. Bây giờ toàn người tài giỏi tập trung ở Canada. Hơn nữa cũng có thể vì ở đó lạnh như trong tủ lanh nên tài năng giữ được lâu hơn các nơi khác .

    Bài Cỏ Nội viết dài và hay, hấp dẩn từ đầu tới cuối qua nhân vật Bà Nội với những suy nghĩ cổ xưa và có thật của XHVN . Đồng thời cái khí khái của nhân vật Chú Út đã làm cho đa số đàn ông VN đảm đang công việc nhà ở hải ngoại cảm động đến chảy nước mắt: Chú ấy nhất định lấy Người Ở về làm vợ chứ không lấy vợ về đê chú ấy biến thành người ở !

    Cám ơn bạn Hồng Thúy 78KNC đã đưa webnhà lên một nấc thang mới. Tài năng như bạn mà bây giờ mọi người mới được thưởng thức !

    Thân ái

    NTT


    Nov 23, 2011 at 15:05:38 From: KIMVAN (74KCN)

    Hallo Hồng Thúy.

    Hông Thúy viết chuyện hay quá, KV nghĩ rằng HT là nhà văn chứ không phải học KNC.

    Anh Tỏan, KV thì không có ông chồng đảm đang công việc nhà, nhưng thương vợ là đủ rồi. Trong chuyện của HT chú út yêu cô Trâm. chắc tại gì cô ấy dễ thương, chứ đâu phải chú quyết lấy cô Trâm vì cô làm viêc giỏi, phải không HT?

    Bài nay KV cảm động,là vì sự phân chia giai cấp trong xã hội ,mà chú và con chú mất Trâm. Tội nghiệp quá. Và bà nội, nhà giàu cũng khóc.

    Thời buổi bây giờ và ở đây, mà phân chia giai cấp,nhiều công chúa, hoàng tử sẽ ê sắc. Bằng chứng là nhiều con nhà vua chúa vẫn lấy con nhà dân giả.

    Đọc hai bài hay quá , viết thêm vài bai nữa Thúy nhé!

    Mến,

    KV

Working...
X