Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bộ cảm biến oxy (oxygen sensor) trên động cơ xe hơi

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bộ cảm biến oxy (oxygen sensor) trên động cơ xe hơi



    Check engine light


    Trước đây, người thợ cần có nhiều kinh nghiệm để tìm nhanh và chính xác nguyên nhân gây ra những hư hỏng của xe. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật điện tử, vai trò của kinh nghiệm không còn có tính cách quyết định như trước đây nữa. Các bộ cảm biến dùng cho xe hơi đã được nhà chế tạo bố trí ở mọi vị trí cần thiết trên động cơ và hộp số nhằm thông tin cho computer (PCM hay Powertrain Control Module) của động cơ hay computer của hộp số về những bất thường xảy ra. Ngay lúc đó đèn ‘Check Engine’ sẽ nổi sáng và với một dụng cụ dò tìm (scanner) đơn giản để ghi nhận mã số báo hỏng (error code), người thợ có thể xác định ngay bộ phận hay vị trí cần được sửa chữa hoặc thay thế. Kinh nghiệm của người thợ trong lúc này sẽ hữu ích để giải thích các thông tin ngắn gọn nhận được từ Scanner nhằm đưa ra phương án giải quyết hợp lý.

    Click image for larger version  Name:	automotive-diagnostic-scanner-6.jpg Views:	0 Size:	57.1 KB ID:	24288
    Scanner


    Những bộ cảm biến này thường là: Cảm biến Oxy (oxygen sensor), cảm biến vị trí bướm ga (throttle position sensor), cảm biến va đập (knock sensor), cảm biến trục máy (crankshaft sensor), cảm biến trục cam (camshaft sensor), cảm biến lượng khí nạp (MAF hay Mass Air Flow sensor) và một số khác cảm biến nữa tùy theo từng loại xe.

    Tỷ lệ hòa khí (không khí và xăng) lý tưởng tính theo trọng lượng cho động cơ là 14.7:1. Với tỷ lệ này hỗn hợp không khí và xăng sẽ được đốt cháy gần như hoàn toàn khi bugi nẹt lửa để tạo ra công suất tối đa và và khí cháy sẽ không chứa quá nhiều hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Nếu vì một lý do nào đó lưu lượng không khí trở nên ít hơn qui định hay hòa khí dư xăng (rich mixture), lượng xăng dư thừa (CxHy) sẽ bị thải ra môi trường tạo nên ô nhiễm. Trường hợp ngược lại hay hòa khí thiếu xăng (lean mixture), hỗn hợp cháy sẽ tạo nên một hàm lượng nitrogen-oxide (NOx) trong khí cháy nhiều hơn mức độ cho phép, hóa chất này cũng gây ô nhiễm cho môi trường. Không những thế động cơ còn bị giảm công suất, mức tiêu thụ nhiên liệu tăng và gặp trở ngại mỗi khi tăng hay giảm tốc.

    Bộ cảm biến oxy bố trí trên đường ống thoát khí cháy của động cơ trong trường hợp này sẽ cung cấp thông tin về lương oxy tồn tại (dư hoặc thiếu) trong khí cháy cho ECU để computer của xe có thể kịp thời điều chỉnh thời lượng (duration) cung cấp xăng của hệ thống cung cấp nhiên liệu cho thích hợp.


    Nói cách khác nếu bộ cảm biến Oxy bị hỏng:


    1. Đèn Check Engine nổi sáng (Check Engine light)

    2. Tăng tốc không tốt (Poor performance)

    3. Tốc độ cầm chừng không ổn định (Rough idle)

    4. Mức tiêu hao nhiên liệu tăng (Poor MPG - Miles Per Gallon)

    5. Mức độ ô nhiễm môi trường tăng (Failed emissions)






    Khi xe không vượt qua được đợt kiểm tra kỹ thuật định kỳ hàng năm (inspection) do hàm lượng của một số hóa chất trong khí thải (HxCy, NOx, CO, SOx, ... ) vượt quá trị số cho phép và gây ô nhiễm môi trường, thường phải thay mới bộ cảm biến này để cải thiện tình trạng làm việc của động cơ. Có thể kiểm tra nhanh tình trạng làm việc của cảm biếm oxy bằng cách tháo rời dây nối (unplug) của nó rồi chạy thử xe (open loop test). Nếu động cơ hoạt động tốt hơn trước là cảm biến này đã bị hỏng.

    Cảm biến oxy đóng muội than có thể tạm thời sử dụng nếu được lau chùi sạch sẽ bằng Carburettor cleaner, Brake parts cleaner, WD-40, xăng hay chanh.





    Bộ cảm biến oxy thường có 2 loại: Nung nóng (heated) và không nung nóng (unheated).

    - Loại nung nóng: Bên trong có điện trở để sấy nóng bộ cảm biến với mục đích nhanh chóng đưa nó lên đúng nhiệt độ làm việc, từ 600 - 650 độ F, để có thể sản sinh ra một điện thế. Loại này có thể có 2, 3 hoặc 4 dây nhằm phục vụ cho việc sấy nóng.
    - Loại không nung nóng: Sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt nhiệt độ làm việc và trong khoảng thời gian này động cơ sẽ phải hoạt động với một hòa khí không đúng tiêu chuẩn.




    Thông thường, cảm biến oxy (upstream oxygen sensor) được vặn vào lỗ có ven răng ở ngay phía trước bộ phận lọc khí thải (catalytic converter) của động cơ, bộ phận này ở gần cuối ống thoát khí cháy. Đôi khi một bộ cảm biến thứ hai được bố trí ngay phía sau bộ lọc khí thải (downstream oxygen sensor), nhưng mục đích của bộ cảm biến này chỉ để xác định tính năng làm việc của chính bộ lọc khí thải này. Động cơ của những kiểu xe mới hoặc nhiều xy lanh thường có từ 2 đến 4 bộ cảm biến oxy bố trí trên các nhánh của ống thoát khí thải.



    Khi động cơ đang làm việc, nếu PCM cùng lúc nhận được những điện thế có trị số gần giống như nhau của hai bộ cảm biến nói trên, hay khác hơn là thành phần hóa học của khí thải trước và sau bộ lọc khí thải không thay đổi nhiều, điều này cũng có nghĩa là bộ lọc không còn làm việc tốt và cần phải thay thế, giá khoảng US $300. Trong lúc này PCM sẽ báo 'error code' để làm đèn 'check engine' nổi sáng.
    Tiếp xúc của khí thải và đầu dò của sensor sẽ khiến sensor phát sinh một dòng điện có điện thế tỉ lệ nghịch với hàm lượng oxy của khí thải để truyền đến PCM. Nếu hàm lượng oxy cao hay hòa khí ‘nghèo xăng’ (lean mixture), điện thế do sensor phát sinh sẽ ở vào khoảng 0.1 volts. Nếu hàm lượng oxy thấp hay hòa khí ‘giàu xăng’ (rich mixture), điện thế do sensor phát sinh sẽ lở vào khoảng 0.9 volts. Dựa trên điện thế này PCM sẽ điều chỉnh thời gian mở của các kim phun nhiên liệu một cách thích hợp để hỗn hợp khí nạp có được một tỷ lệ không khí / xăng gần với tỷ lệ lý tưởng (14.7: 1). Khí thải của một hỗn hợp dư xăng hoặc thiếu xăng ngoài việc gây ô nhiễm còn làm giảm hiệu suất của động cơ và dẫn đến những hư hỏng nghiêm trọng hơn.



    Trong thực tế lượng oxy cung cấp cho động cơ liên tục thay đổi tùy theo những yếu tố như cao độ so với mực nước biển, nhiệt độ của môi trường, nhiệt độ của động cơ, áp suất nạp khí và tải trọng (load) của động cơ. Nếu bộ cảm biến oxy bị hỏng, PCM của động cơ sẽ không nhận được những thông tin cấp thời để có được những điều chỉnh cần thiết.

    Một số nhà chế tạo thường khuyến cáo thay mới định kỳ các bộ cảm biến oxy mỗi 100,000 miles, bất chấp còn tốt hay không. Trên thực tế việc làm này không cần thiết và là một tổn phí khá lớn, khoảng US $100 cho một bộ cảm biến. Do đó kiểm tra bộ cảm biến này trước khi quyết định thay mới là một việc làm hợp lý.

    Bộ cảm biến oxy có thể được kiểm tra khi chưa hoặc đã tháo ra khỏi những vị trí của nó. Khi tháo ráp có thể dùng những dụng cụ thông thường hoặc một chìa khóa ống xẻ rãnh trong một số trường hợp. Đừng quên dùng Scanner để xóa Error Code đang có của xe ngay sau khi thay bộ cảm biến mới.

    Dụng cụ đặc biệt

    Cảm biến oxy thường bị hỏng do đóng nhiều muội than đến từ những chất phụ gia của xăng (fuel additives) hay nhớt làm trơn lọt vào buồng đốt. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy cảm biến oxy không còn tốt nữa là mức tiêu thụ nhiên liệu của xe bắt đầu tăng cao (fuel economy drop), máy có vẻ yếu dần đi (power losing). Tuy nhiên điều này không có gì là chắc chắn và bước kiểm tra kế tiếp bằng Scanner hay Volt kế (Voltmeter) là điều cần được thực hiện.



    - Điều chỉnh Volt kế để đo dòng điện một chiều (DC) ở mức 1 Volt, đầu dương (+) của dây đo nối với đầu ra của bộ cảm biến oxy thông qua một dây nối (jumper wire). Đầu âm (-) của Volt kế nối với sườn xe hay thân máy (ground). Nếu máy đang nóng, vặn chìa khóa xe đến vị trí ON nhưng không ‘đề’ máy, điện thế phát sinh từ bộ cảm biến oxy (output voltage) phải ở mức khoảng .4 - .45 Volts.
    - Khi máy còn nóng, tháo rời đầu nối của bộ cảm biến oxy để nối với Volt kế. Cho máy nổ rồi thay đổi tốc độ động cơ bằng cách lên xuống ga, dòng điện phát sinh từ bộ cảm biến phải có điện thế dao động trong khoảng 0.5 Volts, nếu không cảm biến đã bị hỏng.






    - Khi mới nổ máy hay khi máy còn nguội, điện thế này phải ở mức 0.1- 0.2 Volts. Khi nhiệt độ động cơ lên đến khoảng 600 – 650 F, điện thế này sẽ phải dao động trong khoảng từ 0.1 - 0.9 Volts, cần phải cẩn thận để không bị phỏng. Với những bộ cảm biến có nhiều đầu dây, dây cung cấp nguồn điện sấy nóng sẽ là 12 Volts, dây ‘ground’ sẽ là O Volts và dây còn lại sẽ có điện thế dao động như đã nói ở trên.



    - Nếu bộ cảm biến này đã được tháo rời, dùng bàn kẹp (vise) hay kềm bấm để giữ chặt phần thân đồng thời dùng mỏ hàn ‘ga’ (propane torch) để đốt nóng phần đầu, trong khi các dây đo của Volt kế được nối như đã nói ở trên. Điện thế phát sinh từ bộ cảm biến phải ổn định ở mức .6 Volts trong khoảng 20 giây. Khi tắt mỏ hàn, điện thế này phải giảm xuống thấp hơn .1 Volts sau khoảng 1 giây.

    - Có thể thử phản ứng của bộ cảm biến oxy khi động cơ đang làm việc bằng cách thay đổi lượng khi nạp như rút một ống hơi nào đó nối với ống góp hút, liên tục thay đổi vị trí cần ga, bịt kín một phần ống dẫn gió vào động cơ, để xem điện thế phát ra của bộ cảm biến này có thay đổi một cách tương ứng hay không. Nếu không, nhiều phần phải thay mới cảm biến này.

    Với những bộ cảm biến có công dụng khác nhau được bố trí ở những vị trí 'hiểm yếu' khác nhau trên xe và trên động cơ, computer kiểm soát được hầu hết mọi tình huống hoạt động của xe để có những điều chỉnh cấp thời và cần thiết, tuy nhiên vẫn không là tất cả. Trong một tương lai rất gần các nhà chế tạo chắc chắn sẽ còn có những nỗ lực để gia tăng số lượng cảm biến nhiều hơn nữa nhằm nâng cao mức độ hoàn thiện của xe và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
    Last edited by Hung Nguyen; 01-22-2022, 07:37 PM.

  • #2
    Anh Hùng và các bạn đọc thân mến,

    Thật là rất.. rất ... rất lâu bạn đọc mới có lại những đề tài CKO hấp dẫn của anh Hùng . Với tôi có lẽ đoạn thấm thía nhất về kỹ thuật lại nằm ở phần đầu của bài : "vai trò của kinh nghiệm không còn có tính cách quyết định như trước đây nữa ." Chỉ có vài chữ như vậy mà trên thực tế lại là một sự thay đổi rất lớn trong tất cả ngành nghề phục vụ liên quan đến điện tử, trong đó có nghề sửa xe .

    Quây về bộ cảm biến Oxy trong xe , cảm ơn anh Hùng đã cặn kẽ giải thích và chỉ luôn cách thử để biết nó còn tốt hay không . Một bài viết hấp dẫn cho những người yêu máy yêu xe . Thế nhưng thực tế cơ hội bạn đọc đụng đến bộ phận nầy là không nhiều .

    Này nhé, khi nó còn tốt thì đèn 'check engine' sẽ không cháy sáng . Ngược lại khi đèn cháy sáng thì chưa chắc bộ cảm ứng oxy đã hư . Nhưng nếu nó hư thì chiếc xe cũng đã 9-10 tuổi già. Nếu tài chánh cho phép, thay xe đời mới vẫn có lý hơn, với khoảng thời gian đó, sự cách biệt về năng suất và khả năng tiết kiệm nhiên liệu đã khá xa trong kỹ nghệ xe hơi .

    Đối với các bạn đọc thích đề tài về máy móc xe hơi , chắc chắn những comment , phản hồi hay ngay cả những thắc mắc của các bạn gởi về sẽ là nguồn hứng khởi của nhiều cây viết rất 'CKO' trên diễn đàn SPKTTĐ.

    Thân ái chúc anh Hùng và các bạn đọc cùng sở thích, vui khỏe !



    NTT

    Comment


    • #3
      Cám ơn các bạn đã vào xem và yêu thích bài viết này. Đây chỉ là phần mở đầu của một loạt bài mà những phần kế tiếp như: Cảm biến vị trí bướm ga (throttle position sensor), cảm biến va đập (knock sensor), cảm biến trục máy (crankshaft sensor), cảm biến trục cam (camshaft sensor) và cảm biến lượng khí nạp (MAF hay Mass Air Flow sensor), ... đang còn bỏ ngỏ để chờ đợi đóng góp của các thân hữu trong ngành !!!

      Comment


      • #4
        Mong được anh Hùng và các ACE cùng đóng góp bài vỡ để trang KHKT 'sống' lại.

        Mong đọc tiếp các bài viết của anh Hùng. Thanks!

        YT

        Comment


        • #5
          KINH NGHIỆM.

          Kinh nghiệm nghề nghiệp là một khái niệm “động”. Khi công nghệ còn thô sơ thì kinh nghiệm là những bài học đơn giản, đơn lẻ không liên đới với nhau. Còn khi công nghệ phức tạp hơn thì kinh nghiệm cũng tiến triển theo với mức độ phức tạp, có tính hệ thống hơn. Ví dụ với các xe hơi đời cũ thì chỉ “thứ nhất là hỏng bu gi, thứ nhì là hỏng cái gì (đó) bên trong” nếu xe không chịu nổ máy. Nhưng với xe đời mới thì khó chẩn đoán hơn, các hệ thống trên xe móc nối chặt chẽ với nhau hơn nên kinh nghiệm chẩn đoán cần tổng hợp hơn, những “bài học” thực tế phức tạp hơn.

          Những cảm biến trên xe cho phép tự động điều chỉnh chế độ làm việc của xe mà không cần tác động của người lái, đồng thời cũng chỉ báo cho người lái những lỗi đang gặp.

          Nhưng giả sử có những lỗi kết hợp giữa một vài bộ phận, trong thiết kế chưa hình dung ra và thử nghiệm mẫu chưa gặp bao giờ nên chưa có giải pháp ứng phó. Khi đó bộ óc con người trên xe sẽ phán đoán, tổng hợp, thăm dò, kết luận và khắc phục. Bài học này tạo ra một kinh nghiệm mới, giúp cho thiết kế lại bổ sung kết cấu và giải pháp.

          Hoặc những lỗi thiết kế do giả thiết đặt ra ban đầu không phù hợp. Khi đó kinh nghiệm sử dụng, sửa chữa xe sẽ góp cho thiết kế lại đúng thực tế hơn.

          Do đó nói “vai trò của kinh nghiệm không còn có tính cách quyết định” là nhìn trong một phạm vi nào đó, ví dụ trong vận hành xe thôi.

          Không lẽ mấy ông Trung Quốc mua 1 cái xe Ford đời mới nhất, có đầy đủ những cơ phận, cảm biến mới nhất về mổ ra, nhái theo và sản xuất hàng loạt rồi cạnh tranh được ngang ngửa với hãng Ford sao? Kinh nghiệm thiết kế chế tạo ô tô của các kỹ sư Mỹ vô nghĩa sao?

          Comment

          Working...
          X