Announcement

Collapse
No announcement yet.

Ý Hay Lời Đẹp

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Ý Hay Lời Đẹp

    Minh Trị Thiên Hoàng

    Trịnh Hội

    Hôm nọ trên đường về Mỹ, máy bay ghé ngang qua Tokyo nên tôi nhân tiện ở lại vài ngày để thăm một người bạn. Cũng lâu rồi tôi không đến Nhật Bản. Lần cuối cùng cách đây khoảng 6, 7 năm về trước tôi cũng chỉ đến Kyoto và Hiroshima mà thôi. Chứ không phải là thủ đô Tokyo đông đúc, lúc nào cũng đầy ắp những người và người hối hả băng qua khu đô thị nổi tiếng Shibuya đã được đưa lên màn ảnh rộng trong cuốn phim bất hủ ‘Lost in Translation’ có cô đào sexy Scarlett Johansson đóng cặp với Bill Murray.

    Nếu so với Kyoto thì Tokyo không có vẻ đẹp đằm thắm, trong sáng và thơ mộng bằng. Có thể nói trong tất cả những thành phố trên thế giới mà tôi đã có dịp ghé qua, Kyoto là nơi mà tôi nhận thấy đẹp nhất, nên thơ nhất và đáng nhớ nhất. Từ những ngôi chùa to lớn cổ kính có hươu chạy quanh vườn. Cho đến những quán trà nhỏ với mái hiên phủ đầy rêu xanh. Hay chỉ một vườn sỏi cảnh với độc nhất phiến đá trắng ngần nằm trơ trọi giữa đất trời. Có một chút gì đó rất thanh tao, rất mộc mạc nhưng cũng ẩn chứa đầy nhân sinh quan của người Nhật mà tôi rất thích và ngưỡng mộ. Đặc biệt là ngưỡng mộ.

    Họ không quá cầu kỳ, phô trương, đầy màu mè như người Hoa. Cũng chẳng thẳng tuồn tuột như người Mỹ. Tôi vẫn còn nhớ mãi hôm hai vợ chồng người bạn dẫn tôi vào một ngôi làng nhỏ trên sườn núi ở gần Kyoto để tắm suối nước nóng. Chưa bao giờ tôi có một buổi đi chơi đáng nhớ đến thế. Đây là con đường đá khúc khuỷu trong làng với hai bên là những hiên nhà gỗ thấp bé, cá biệt. Một gáo nước được đặt ngay ngắn sát cạnh cổng vào nhà. Kia là vài chiếc chuông đồng khẽ ngân lên trong gió. Xa xa từng ánh mây trôi lững lờ bên sườn núi.

    Thật không còn gì thanh tịnh bằng.

    Bước vào nhà tắm suối nước nóng công cộng, ai cũng như ai, cũng phải trần trụi trước khi ngâm mình giữa thiên nhiên giá lạnh. Hồ tắm sạch sẽ, rộng rãi nhưng đơn sơ. Từng làn hơi nóng bốc lên trước mặt, phủ đầy cả một vùng trời. Quanh tôi là hàng chục khách vãng lai khác nhưng không ai nói với ai một tiếng nào. Chỉ có tiếng gió xào xạc lũy tre ở bên ngoài và tiếng nước nóng sùng sục sủi bọt trong bể lớn. Đến lúc ấy tôi mới nghiệm ra rằng khi đến những nơi này là lúc người Nhật họ cũng muốn trở về với thiên nhiên, với vạn vật. Giàu có hay nghèo hèn. Đẹp hay xấu. Thanh cao hay đầy quyền uy, chức vị. Ai bước vào những nơi này cũng trở nên như nhau, không ai hơn, không ai kém.

    Đó là những khoảnh khắc mà không phải ở đâu chúng ta cũng dễ tìm được. Hay nó đã trở thành một thú vui sinh hoạt hằng ngày trong cuộc sống.

    Nhưng ở Nhật thì hầu như nơi nào cũng có. Và lúc nào cũng có nhiều người muốn tìm đến sự thanh tao, đơn giản. Ngay cả ở những nơi đông đúc, chật chội như Tokyo, bạn cũng có thể dễ dàng tìm đến sự thanh tịnh. Như trong Hoàng Thành ở gần khu trung tâm thành phố. Hoặc ở các đền thờ, chùa cổ. Đặc biệt là đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng nằm gần khu phố shopping Shibuya.

    Đến Tokyo lần đầu tiên cách đây gần 15 năm về trước tôi đã không có dịp ghé thăm khu đền thờ này. Tôi chỉ nhớ là sau khi bỏ ra cả một ngày trời để tham quan khu vực Hoàng Thành nơi Hoàng Gia Nhật hiện vẫn đang sinh sống và sinh hoạt, tôi đã có nhận xét: đúng là Tàu thua Nhật!

    Chỉ cần thấy từng phiến đá xanh khổng lồ bao quanh khu vực Hoàng Thành với độ dày và chiều cao thẳng tắp của các thành đá. Để so với khu Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh với những chiếc hồ cạn, tường đá sơn màu đỏ thẫm chỉ cao hơn được Hoàng Thành ở…Huế, thì bạn sẽ thấy Nhật Bản từ ngàn xưa đã là một đất nước phú cường. Và nhân sinh quan của người Hoa không thể nào so sánh được với con dân của xứ Thái Dương.

    Tôi vẫn thường cho rằng nếu muốn biết và hiểu rõ văn hóa, tập quán của các dân tộc trên thế giới, không có gì nhanh chóng và chính xác bằng việc bạn đến thăm đền thờ, lăng mộ của các bậc tiền nhân của họ.

    Đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng là một thí dụ điển hình. Không như những đền đài, lăng tẩm của triều đại Nhà Minh ở gần Bắc Kinh hay của các đời vua Louis ở Pháp, cảnh vật đầu tiên đập vào mắt khi bạn vừa bước vào khu công viên đền thờ này là sự đơn giản và mộc mạc. Cửa hai phiến gỗ cao được làm thành cổng. Và con đường đầy sỏi đá dài thẳng tắp với từng hàng cây xanh cao ngất nằm cạnh hai bên lối vào.

    Mặc dù Minh Trị Thiên Hoàng được cho là một trong những vị vua nổi tiếng, tài giỏi nhất của nước Nhật và cũng là người có công hiện đại hóa đất nước này vào đầu thế kỷ trước nhưng nếu có dịp đến nơi này, bạn chỉ sẽ thấy một ngôi đền gỗ ở giữa rừng, có sân vườn rộng rãi và luôn im ắng ngay cả lúc có thật đông người. Bạn sẽ không thấy cảnh người chen lấn người, đua nhau khấn vái thắp nhang khói phủ mù trời. Bạn lại càng không thấy có bất cứ tượng đồng to lớn nào hay đã được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

    Nếu muốn, bạn chỉ cần đơn giản nghiêng người xá lạy, trước khi vào đền và trước khi ra đền. Hoặc nếu có điều chi khấn vái, cho bạn, cho ông, hay cho bất cứ điều gì, bạn có thể bỏ ra khoảng 10 đô để mua một thanh gỗ trắng và tự viết lên đó những điều bạn mong ước. Trước khi treo nó lên trên một cành cây to nằm ở giữa đền. Mỗi ngày sau khi đóng cửa, người gác dan sẽ tự động mang vào tận bên trong nơi đặt linh vị của ông tất cả những lời nguyện cầu. Để mong rằng tất cả sẽ được chứng giám.

    Trong một ngày đầu xuân ở Tokyo, trong tiết trời se lạnh, tôi cũng chắp tay thầm cầu mong sao ước mơ thật tầm thường của tôi trong một ngày không xa cũng sẽ được ông chứng giám.


  • #2
    NỞ CHI HOA TÍM LỤC BÌNH




    Trần Mộng Tú

    Nước chảy liu riu

    Lục bình trôi líu ríu

    Anh thấy em nhỏ xíu anh thương … (1)

    Tôi đi xuống California thăm con, cháu mười ngày. Trước khi đi đã mang mấy chậu lan ra ngâm nước, những loại hoa khác trồng trong chậu cũng được tưới thật sũng. Mở vòi tưới tự động ngoài vườn.Vớt con cá lia thia màu xanh biếc trong ao bèo ra. Nói là ao bèo cho oai chứ thật ra là cái ang sứ nhỏ có thả một cụm lục bình. Cụm lục bình này có là do hôm đầu tháng 6, có bạn ở xa về, cả nhóm rủ nhau đi đến Nursery –Flower World khá nổi tiếng ở Snohomish -Seattle xem hoa thơm, cỏ lạ. Thấy họ có bán mấy cụm bèo lá tròn to. Bèo này người Bắc gọi là bèo Tây hay bèo Nhật Bản, người miền Nam gọi là Lục Bình, vì thân nó có hình dáng cái lọ lục bình. Lục Bình nhiều nhất ở các kinh rạch miền Tây Nam Bộ.

    Tôi mua hai cụm, chia cho chị bạn một cụm. Không ngờ về nhà thả xuống nước có vài ngày, nó sinh sôi nẩy nở nhanh quá, kín cả ang. Tôi mua một con cá lia thia nhỏ màu xanh pha chút đỏ trên cái vi uốn éo, thả vào cho nó rúc dưới rễ bèo. Ao bèo mà không có cá thì buồn lắm!

    Cứ hai ngày tôi lại rắc xuống mấy hạt thức ăn của cá cho nó, giống như cô Tấm trong chuyện cổ tích ngày xưa. Chỉ khác là lúc cho cá ăn không dám mè nheo Bụt điều gì. Ở tuổi này còn xin thêm gì nữa, làm gì còn chỗ mà cất, những ô ngăn kéo đời chật chội lắm rồi.

    Trước khi đi khỏi nhà, tôi vớt con cá ra, cho vào cái cóng thủy tinh nhỏ để ngay giữa bàn ăn với lọ thức ăn của cá bên cạnh, nhờ chồng tôi thỉnh thoảng nhớ cho nó vài hạt. Vì tôi biết chắc là nếu chỉ dặn anh cho thức ăn vào ao bèo, anh sẽ không bao giờ nhớ vì anh không nhìn thấy con cá. Nó sẽ chết mất.

    Mười ngày của mùa hè với cái oi ả, không khí ngộp thở ở Cali quả thật làm tôi ngất ngư. Giúp con cháu ban ngày, tối lên giường, đọc vài trang sách lại nhớ đến con cá nhỏ ở nhà, chỉ sợ nó chết vì không tin tưởng Ông Chồng, người chẳng bao giờ nhớ một chuyện gì, nhất là mấy cái chuyện vớ vẩn của vợ.

    May quá! Con cá vẫn sống khi tôi trở về, nhưng trông nó lờ đờ buồn hiu hắt. Chắc nó nhớ tôi và nhớ rễ bèo.Tôi mang nó ra để thả lại vào cái ang sứ giữa phòng khách.

    Chao ôi! Ở giữa cái ang, một chùm hoa màu tím nhạt nhô lên. Mấy cụm lục bình của tôi đã trổ một chùm hoa thật đẹp ngay hôm tôi trở về nhà, tôi kêu chồng ầm lên.

    - Anh có biết là có chùm hoa màu tím mới nở trong ang không?

    Chồng tôi hỏi lại:

    - Thế hả, nở lúc nào vậy, anh hoàn toàn không để ý đấy.

    Chán ơi là chán! Ông này tuổi trâu, chắc là mắt trâu (không phải tai trâu, vì anh nghe nhạc cổ điển khá giỏi) nên không nhìn thấy bông hoa lạ nở ngay giữa phòng khách.

    Tôi đứng ngẩn ra nhìn bông hoa lục bình phơn phớt tím, đang nở rộ trong cái ang sứ men trắng. Chùm hoa nhô lên giữa những cái lá tròn màu xanh ngọc bích. Tôi bối rối quá trước cái đẹp bất ngờ của hoa, quên cả con cá thia lia đang giương mắt, chờ tôi thả xuống.

    Trời ơi, gần bốn mươi năm tôi mới nhìn lại được một chùm hoa lục bình, phải nói là lâu hơn nửa thế kỷ mới đúng. Vì khi ở Sài Gòn mình cũng đâu có cơ hội nào thấy hoa lục bình thường ngày. Phải bao giờ sang Thủ Thiêm, ra bến Bạch Đằng, cũng hiếm hoi lắm mới thấy một đám lục bình từ sóng nước nào bập bềnh giạt vào chân phà một mảng, nhưng chưa chắc đã có hoa.

    Có một loài hoa vừa đi vừa nở

    Em lấy chồng rồi anh ở vậy thôi

    Nữa mai thương đứng nhớ ngồi

    Biết loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn (2)

    Khi mua cụm lục bình này tôi quên không hỏi xuất xứ. Lục bình từ đâu trôi tới giạt vào cái ang sứ nhà tôi, nở cho một chùm hoa ngan ngát tím. Màu tím nhìn vào lòng buồn đến thẫn thờ. Nó phải trôi bao nhiêu ngàn dặm, từ một nước nào tới và ai đó đã vớt lên mang ra chợ bán từng cụm nho nhỏ với vài cái rễ mong manh. Thế mà nó thích ứng ngay với môi trường mới, dù là ở trong một cái ang nhỏ hay dưới chân một hòn non bộ. Nó trôi tới đâu là nở hoa tới đó hay sao? Hoặc là tôi may mắn đồng hội đồng thuyền với hoa, nên hoa mới nở.

    Có lẽ lục bình là loài hoa duy nhất vừa trôi vừa nở. Nó không giống hoa sen, nở ở hồ nào là đứng nguyên trong đó cho đến lúc sen tàn. Người ta chỉ có thể đến cắt hoa sen mang đi nhưng gốc rễ để lại trên hồ. Lục bình lênh đênh đi theo dòng nước, không biết sẽ dừng lại bến nào. Đời hoa ngắn ngủi có một ngày, nên vừa trôi vừa nở, không hề kén chọn bến đục hay trong. Có lẽ cái xanh ngọc bích của lá, cái tím mong manh tinh khiết của hoa, đã làm cho người nhìn ngắm quên đi cái dòng nước đục, trong, bên dưới. Người ta cũng không thể cắt lục bình để nâng niu cắm vào trong những lọ thủy tinh, vì lục bình bị mang ra khỏi nước sẽ héo, tàn ngay lập tức.

    Cái đẹp của hoa lục bình được ví với nhan sắc của các cô gái miền Tây (của một thời nào đó), một vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc nhưng vô cùng đằm thắm.

    Người dân quê miền Tây Nam Bộ, gắn liền đời sống với lục bình, từ hoa cho tới rễ. Lục bình nở quanh năm, nhưng nở nhiều nhất vào mùa gió chướng. Lục bình mang đến cho người dân quê những món ăn tinh thần lẫn vật chất. Từ cọng lục bình non và hoa lục bình người ta hái vào chấm mắm kho cho những bữa ăn hàng ngày. Để khi xa xứ những đọt hoa còn tím mãi trong hồn.

    Thân lục bình cắt lên phơi khô, những nghệ nhân có cơ hội phát triển năng khiếu, đan những chiếc giỏ sách tay xuất cảng ra nước ngoài, giúp đời sống người dân đầy đủ hơn. Giúp đời lục bình không phải chỉ quanh co trên sông rạch, nó được trôi xa, ra khỏi xứ sở mình.

    Nếu ai đi xa lâu ngày, có dịp trở về miền Tây vào mùa gió chướng, đứng lặng nhìn lục bình trôi bập bềnh từng mảng trên sông nước, sẽ liên tưởng đến một phận người xa xứ, chờ bàn tay xa lạ vớt lên.

    Giống như một người bắt buộc lưu vong, dù thả lục bình vào đâu lục bình vẫn bình thản sống, bình thản nở hoa.

    Hoa lục bình chỉ nở một ngày là tàn ngay. Cái mầu tím nhạt đôi khi ta bắt gặp giống như đường viền chân trời cuối ngày, tan đi nhanh lắm. Nhưng nó để lại trong trí nhớ của ta một giải màu như mực in dấu trong tranh.

    Câu hát của ai đó văng vẳng trong trí nhớ mơ hồ của tôi khi cúi nhìn bông hoa lục bình tim tím, lạc lõng trôi vào cái ang sứ giữa phòng khách nhà mình.

    Nở chi hoa tím lục bình

    Trôi chi, trôi giữa dòng tình đôi ta. (3)

    Câu hát, đọc lên nghe muốn khóc.

    9/2014

    (1),(2),(3): Hoa Tím

    Comment


    • #3


      Những Ngôi Nhà của Một Đời Người


      Trần Mộng Tú

      02.01.2014

      Có những lúc tôi hay lơ mơ nghĩ tới một điều không rõ rệt, một điều đưa mình tới một không gian ảo hay một thời gian đã mất hút. Khi nghĩ lơ mơ như thế, tôi không ý thức được rõ rệt mình vui hay buồn, hình như có một lằn ranh rất mơ hồ như sợi tơ nhện, nó chùng xuống cong theo võng gió vào lúc buồn buồn, rồi lại bật lên nằm ngang một đường thẳng tắp, khi thấy hân hoan. Lạ lắm! Nó cho một vị ngọt đắng trong miệng như khi tôi uống thuốc bắc.“Tiền cam, hậu khổ, hậu cam cam” Tôi nhớ lại câu nói đó ngày trước của ba tôi khi ông đưa cho tôi chén thuốc bắc, vừa dỗ tôi uống vừa cắt nghĩa: Bắt đầu là ngòn ngọt, kế tiếp là đăng đắng, cuối cùng là ngọt ngào. Quả thật, sau nhiều lần uống thuốc bắc tôi đã quen với ngọt đắng của thuốc, đến không còn cần ngụm nước phải uống vội vàng ngay sau ngụm thuốc nữa. Nếu thật sự lần nào lơ mơ suy nghĩ cũng được như thế thì quả là hạnh phúc lắm rồi, không dám ao ước gì thêm.

      Cuối năm là lúc tôi hay lơ mơ nhất, Giáng Sinh qua, Tết dương lịch hết tôi đang lo dọn dẹp nhà cửa, mua sắm cho những ngày Tết âm lịch sắp tới, tôi vừa làm việc, vừa để hồn lơ mơ vào một điều gì đó không rõ rệt, người Mỹ gọi những người như tôi là “day dreamer”.

      Dọn nhà, lau bụi bàn thờ, mang ảnh cha mẹ bày ra, lo hoa, lo nến đầy đủ, bất giác tôi nhớ đến chữ “Nhà”, tự hỏi: Không biết một đời người, ta đi qua bao nhiêu thành phố, ta sống trong bao nhiêu ngôi nhà nhỉ?

      Người Mỹ có hai chữ nói về “Nhà” hay lắm. House (căn nhà) thì được xây bằng gạch, gỗ, xi măng. Home (mái ấm) thì chỉ cần tình thương và hiện diện bên nhau.

      Có thể ta đang sống trong một căn nhà (house) to lớn sang trọng nhưng ta cô đơn và không có tình thương yêu thì căn nhà đó chẳng bao giờ được gọi là home, là mái ấm cả. Chữ Home đôi khi còn dùng cho quê hương, tổ quốc nữa: “Homeland” một chữ vừa gợi hình vừa đầy tình tự dân tộc. Nhớ nhà (homesick) là nhớ cái tổ ấm có những người thân yêu sống trong đó, chứ không nhớ cái nhà vô tri vô giác bằng gạch.

      Người Việt mình chỉ dùng một chữ “Nhà” thôi nhưng trong câu nói thì rất rõ rệt. Khi nói: “Tôi đang xây nhà.” Người nghe hình dung ngay trong đầu hình ảnh một ngôi nhà với gạch, ngói, xi măng, gỗ, sắt đang được hoàn thành. Nhưng khi nghe: “Cuối năm rồi, nhớ nhà quá!” Thì biết ngay là người đó đang xa gia đình hay xa quê hương. Chữ nhà đó cho ta hình ảnh một mái ấm, có những người thân yêu trong đó hay cho ta niềm cảm thông ngay lập tức với một kẻ xa quê hương xứ sở.

      Quê nhà xa lắc xa lơ đó

      Trông lại tha hồ mây trắng bay
      (NB)

      Cuối năm tôi đang “homesick”. Tôi đang nhớ nhà, nhớ nước, là nơi tôi đã xa gần bốn mươi năm. Tôi lơ mơ nhớ lại những căn nhà tôi đã đi qua: Căn nhà đầu tiên nhỏ lắm, nhưng rất ấm áp và đầy đủ. Nơi đó tôi không phải lo lắng ấm lạnh, đói no. Tôi chỉ ăn và ngủ. Tất cả đã có mẹ tôi lo liệu, từ đi đứng, nằm ngồi. Mẹ ăn, tôi ăn, mẹ ngủ, tôi ngủ, mẹ đi, tôi đi, mẹ cười, tôi vui, mẹ khóc, tôi buồn…Thật đáng tiếc, tôi không thể ở lâu được trong ngôi nhà này, tôi chỉ cư ngụ ở đó một thời gian ngắn, chín tháng. Tôi phải dọn ra, để còn nhường chỗ cho em tôi dọn vào sau này. Căn nhà đó chính là cái dạ con của mẹ tôi, nơi trú ngụ an toàn nhất của đời mình.

      Sau này khi tôi di tản từ Việt Nam sang Mỹ, tôi liên tưởng cái dạ con của mẹ cưu mang tôi có một phần nào giống như trại tỵ nạn Camp Pendleton, tôi tới đó chờ chuyển tiếp vào một đời sống mới ở Mỹ, một nơi chốn xa lạ. Bụng mẹ cũng là nơi đón nhận tôi từ tinh cầu mơ hồ nào rơi xuống, lo cho tôi đầy đủ trước khi tôi bước vào những căn nhà lạ hoắc khác nhau của đời sống con người trên mặt đất. Khác chăng mẹ không bỏ tôi ngay sau khi tôi dọn ra, mẹ luôn đi theo bên cạnh tôi lo lắng, thương yêu, cho đến khi mẹ bắt buộc phải dọn một mình vào căn nhà cuối cùng của mẹ.

      Khi tôi vừa đủ trí khôn để ý thức được sự dời đổi và tôi có thể nhớ đến ngày hôm nay, một phần qua trí nhớ mơ hồ, một phần qua lời kể của cha mẹ hay anh chị lớn hơn, thì bắt đầu một cuộc hành trình dời đổi.

      Từ Hà Nội cha mẹ tôi mang các con chạy loạn về quê ngoại, làng Thanh Nga tỉnh Thái Bình. Tôi nhớ được gánh trong hai cái thúng, chị tôi một đầu, tôi một đầu. Ở Thái Bình một thời gian, chúng tôi được xem tát ao, xem bắt cá, xem giã gạo, đập thóc, được câu cá và chơi với trẻ em nhà quê thò lò mũi xanh. Cha tôi hay ra đình dạy học và dạy võ cho người làng.

      Rồi từ Thái Bình, lại chạy sang quê nội ở Nam Định, chúng tôi cũng qua hai ngôi nhà của họ hàng ở đây. Mấy tháng sau, từ Nam Định hồi cư về Hà Nội, ở Hà Nội được hai năm qua ba căn nhà, cha tôi là công chức bị thuyên chuyển xuống Hải Phòng, ở Hải Phòng bốn năm tiếp theo là cuộc di cư từ Bắc vào Nam.

      Tôi ngồi lơ mơ nhớ lại, đếm trong đầu: từ lúc tôi ở trong ngôi nhà đầu tiên là bụng mẹ, cho đến lúc di cư vào Nam 1954, chưa được 9 tuổi, tôi đã ở qua chín ngôi nhà.

      Năm 1954 tôi đã khá lớn, có thể tự nhớ những căn nhà mình đã dọn vào, dọn ra không cần nghe ai kể lại. Vào Sài Gòn bắt đầu tạm trú ngay trong sở Địa Chánh, nơi cha tôi làm việc ở đường Hai Bà Trưng, con đường ngay sau Bưu Điện Sài Gòn. Tôi đi học ở trường Hòa Bình thuộc nhà thờ Đức Bà. Được ít tháng, mẹ tôi thuê được nhà ở bên Thị Nghè. Gia đình tạm coi như yên ổn được vài năm. Chúng tôi ở Thị Nghè từ đó cho đến năm 1975. Nhưng trong thời gian dài đó gia đình tôi cũng mua, bán, thay đổi nhà thêm ba lần nữa, dù vẫn chỉ loanh quanh ở gần nhà thờ Thị Nghè.

      Tôi sang Mỹ với cha mẹ già, từ Camp Pendleton, California, chúng tôi đi qua nhà người bảo trợ ở thành phố Encino; một tháng sau, tôi có việc làm dọn ra căn chung cư ở Los Angeles; lập gia đình, dọn nhà hai lần nữa; sanh đứa con đầu lòng, dọn sang nhà mới, mua ở Rosemead; rồi đổi nhà khác về Westcovina. Ở California được 13 năm, qua 7 căn nhà khác nhau. Chúng tôi lại dọn lên vùng tây bắc nước Mỹ, bang Washington cho gần quê nội bên chồng ở Montana, để mỗi mùa hè có thể lái xe mười tiếng mang các con về thăm nội. May quá, ở Seattle từ mùa hè 1988 đến hôm nay, chúng tôi chỉ đổi nhà một lần. Từ thành phố Issaquah sang Bellevue cách nhau có hai exit ở xa lộ.

      Từ lúc rời căn nhà đầu tiên là bụng mẹ đi ra, ngẫm lại thì tôi đã ở không biết bao nhiêu ngôi nhà, tôi không muốn đếm nữa.Tôi đi suốt từ miền Bắc đến miền Nam nước Việt, từ quê hương Việt Nam tới nước Hoa Kỳ. Nghĩ lại mà bàng hoàng. Sao mà dời đổi nhiều thế, sao đi xa thế nhỉ?

      Những ngôi nhà tôi ở dài thời gian hay ngắn cũng đã cho tôi bao nhiêu là kỷ niệm. Ký ức đôi khi lấp lánh như được rắc bằng kim nhũ, đôi khi long lanh như nước mắt. Những mái nhà từ quê đến tỉnh, từ nước Việt sang nước Mỹ. Khi thì mái lá, khi mái lợp tôn, khi mái lợp ngói, khi mái gỗ, đã cho tôi nghe bao tiếng mưa rơi mang âm điệu khác nhau và sự ấm lạnh khác nhau của cả bốn mùa.

      Dưới những mái nhà đó, bao nhiêu kỷ niệm từ thời thơ dại, thuở bắt bướm, hái hoa. Có gặp gỡ, có hẹn hò. Có đêm nhìn hỏa châu, có ngày nghe pháo kích. Khi trưởng thành biết yêu, biết nhớ, biết đau khổ và biết hạnh phúc phải trả bằng giá nào mới có. Mỗi lần dọn nhà, trước khi giao nhà cho người khác, quay lại nhìn căn nhà trống, nghĩ mình đã một thời sống dưới mái nhà này, cười, khóc trong những bức tường này. Gian bếp, buồng ngủ, mảnh vườn, mỗi nơi mang theo biết bao là dấu vết của đời sống gia đình. Có căn nhà mình sống với cha mẹ ở đó, có căn là nơi mình đón những đứa con ra đời, có căn là nơi mình khóc tiễn đưa mẹ cha lần cuối. Khi dọn đi làm sao xóa được dấu tích thân yêu, tránh khỏi một chút ngậm ngùi.

      Cứ mỗi lần dọn vào một nơi ở mới, dù là nhà thuê hay nhà mua, tôi thường mời linh mục đến làm phép nhà. Cầu xin cho gia đình mình bình an, cầu xin cho những người đã ở trong nhà đó trước khi chúng tôi dọn tới và cầu xin cả cho những người sẽ dọn vào sau chúng tôi:“Nhất điền thiên vạn chủ.” Làm sao tôi biết được đời sống nào, những con người sống trong căn nhà này trước tôi đã kinh qua và người đến ở đây, sau chúng tôi sẽ phải đối diện những gì.

      Những căn nhà khác chi những toa tàu trong đời sống, mỗi sân ga ta xuống, mỗi toa tầu ta vịn leo lên, ta mang theo những gì, bỏ lại những gì? Hạnh phúc, đau khổ, tiếng cười, giọt lệ? Lên một toa tàu để xuống ở sân ga khác, nào ai biết được điều gì xảy ra trong chọn lựa ấy? Ta đã gặp và đã chia tay biết bao nhiêu người ở những trạm lên, xuống đó. Và người đồng hành với ta nữa. Có người gắn bó theo ta suốt cả một đời, cùng dọn ra, dọn vào trong những ngôi nhà ấm, lạnh đó. Có người ngó trước, trông sau, bỗng bâng khuâng thốt lên: “Lần này ta dọn vào đây chỉ có một mình à?”

      Ôi! Những kẻ tôi chỉ chào một bận,

      Chân xa mau, lòng chưa kịp giao thân,

      Trên đường tôi nếu trở lại vài lần,

      Chắc ta đã yêu nhau rồi, - hẳn chứ...


      (Tình Nhớ, Huy Cận)

      Rồi còn những người được coi là vô gia cư (homeless). Có bao giờ họ mơ ước có một mái ấm đủ vợ chồng con cái quây quần bên lò sưởi trong một tối mùa đông? Một thời nào đó, những người homeless này chắc cũng đã từng được hưởng hạnh phúc mái ấm gia đình.

      Căn nhà cuối cùng của mỗi người nữa. Hình như ai đó đang xây những lăng tẩm không kém gì vua chúa thời xa xưa, để dọn bộ xương của mình vào. Nhưng lại có những người từ chối cả một nấm mồ. Họ muốn rắc tro than mình lên núi hay thả vào lòng biển. Họ chọn ngôi nhà cuối cùng không có mái, không có bốn vách tường, để linh hồn được tự do tan biến vào thiên nhiên.

      Nhưng ai biết được ngôi nhà cuối cùng của mình đã sở hữu trước có bảo đảm là mình được dọn vào hay không? Thiên tai có thể quét sạch, san bằng lăng tẩm đã xây. Chiến tranh có thể đẩy ta sang sinh sống ở một phần đất của quốc gia khác.

      Thôi thì hãy đặt đời ta sống, chết, trong võng gió của Thượng Đế.

      Một người lính thi sĩ đã viết xuống một bài thơ về những ngôi nhà và chiến tranh như sau.

      Ở những ngôi nhà này

      không còn gì cả

      ngoài những mảnh vụn ký ức

      Những người đã từng trò chuyện với tôi

      không một ai sót lại

      Nhưng trong trái tim tôi

      Không một thánh giá của ai rơi mất

      Trái tim tôi

      một trú xứ thống khổ tràn đầy.
      (*)

      Trần Mộng Tú

      Tháng 12/2013

      (*) Thơ-Giuseppe Ungaretti- San Martino Del Carso: Of these houses /nothing/ but/fragments of memory /Of all who/would talk with me/ not one remains.

      But in my heart/no one's cross is missing/My heart is/the most tormented country of all.

      Giuseppe Ungaretti (1888-1970)


      Comment


      • #4
        Ngôi Chùa Trong Tâm Tưởng


        Nguyễn Văn Sâm sanh tại Sài Gòn,1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Pétrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ. Sang Mỹ từ năm 1979, vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Ở Mỹ, Nguyễn Văn Sâm viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương. Gần đây, trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu. Thành viên Ban Biên Tập Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn. Giáo sư Viện Việt Học, California, Hoa Kỳ. Cư ngụ tại Texas, Hoa Kỳ.

        Tôi có người bác ruột, bác Ba, tu ở cái cốc trong khuôn viên nhà vốn là một khu vườn dừa rộng rãi. Hằng ngày tôi được đánh thức dậy bằng tiếng mõ lốc cốc, tiếng kệ kinh ê a của sư bác khi trời mới vừa hừng sáng. Má tôi nói sư bác trước dạy học cũng nổi tiếng trong vùng, bỗng nhiên từ nhiệm về đây dựng cốc tu hành, chắc có tâm sự gì đó. Má còn nói kệ kinh công phu sáng của sư ít nhứt cũng đánh thức người chung quanh dậy đúng giờ, đó là chưa kể gương kiên nhẫn của sư là một bài học quí giá nên theo. Buổi chiều, trời mới chạng vạng là sư đã có thời kinh tối, chăm chỉ, không ngày nào mệt mỏi. Cái cốc của sư bác là nơi tôi thăm viếng khi thiếu lũ bạn cùng lứa để rong chơi ngoài đồng hay tắm sông, bẻ mía, lặt dừa, tát đìa, mò cá...Lần nào sư bác cũng cho trái cây cam quít, chuối, đu đủ… chín rục có những dấu tích đổi màu do chưng hơi lâu trên bàn Phật. Nhiều khi qua cốc lúc sư đương thời kinh, tôi tự nhiên ngồi ở một mép chiếu để lắng nghe cái âm thanh huyền bí có sức ru ngủ mình với tất cả sự thích thú và lòng kiên nhẫn đợi chờ được sư bác vò đầu nói vài ba câu chuyện đời rồi cho ê hề bánh trái.

        Lần nào cũng vậy trong khi chờ đợi, tôi tò mò nhìn mấy tấm tứ thời treo trên vách lá vẽ hình ông Phật ngồi nhắm mắt tham thiền hay ngắm nghía hình quỷ dữ mặt xanh nanh vàng, đầu u nần năm bảy cục đang lấy chĩa ba đâm người hay kéo lưỡi cắt họng thiên hạ. Lúc rảnh rang sư bác thường cắt nghĩa về những bức tứ bình đó và thường nhấn mạnh bây giờ là đời mạt pháp quỷ sứ ma vương tràn đầy ngoài đường, đức Phật Bồ Tát cũng xuống thế độ nhơn nhưng ít thành công hơn thời Thượng Nguơn vì con người bây giờ làm điều xấu quá nhiều.

        Tôi thắc mắc là sao ngoài đường không bao giờ thấy quỉ sứ, ma vương gì hết. Sư bác cười, vò đầu tôi hỏi: “Con có bao giờ thấy thằng ăn trộm, thằng đâm thuê giết mướn không? Nó trộm đồ mà người ta đổ biết bao nhiêu công khó mới có, nó nhận tiền người nầy để chém giết người kia… nhưng mặt mày nó ngoài đời cũng bình thường như chúng ta mà thôi. Đó là quỷ sứ nhập thân hay là ma vương hiện hình đó con. Thợ vẽ vẽ mặt mày ma vương có nanh vuốt là để cho dễ thấy dễ biết mà thôi, chớ thật sự quỷ sứ ma vương không khác gì người thường hết đâu con. Vậy nó mới sống chung lộn với người đời, mới hại người ta được.”

        “Còn Phật thì sao sư bác? Phật có hào quang trên đầu. Phật chỉ ngồi tham thiền thôi phải không sư bác?”

        “Đó là Phật ngày xưa lâu lắm rồi. Thời mạt pháp nầy Phật xuống thế gian ở mọi nơi, lúc nào chung quanh ta cũng có Phật, cũng có Bồ Tát giúp ta tranh đấu chống ma vương. Chỉ tại lòng ta không đủ tín thành để chấp nhận đó là Bồ Tát mà thôi.”

        “Sư bác nói khó quá con không hiểu.”

        “Nầy nhe! Phật không xuống thế bằng một nhân thân, mà xuống thế thành muôn vạn người vô hình hay hữu hình ở kế bên mỗi người chúng ta. Phật trợ duyên từng người để biến người đó thành Bồ Tát trong một thời khoảng ngắn. Nếu người nào thành Bồ Tát nhiều lần, thành Bồ Tát lâu dài thì sau nầy khi chết sẽ được siêu độ. Nhưng bên cạnh người đó cũng có quỷ sứ, ma vương hiện diện. Nó xúi giục làm bậy như trộm cắp, láo xược, ngoại tình, gian dối, ức hiếp để dành giựt ruộng vườn nhà cửa của kẻ cô thế… nếu người nào nghe theo chúng thì biến thành ma vương một thời gian. Biến thành ma vương nhiều lần thì khi chết sẽ bị đọa địa ngục đời đời chịu khổ hình dưới âm ty không thể đầu thai.”

        Tôi vùng ôm mặt khóc lớn, nức nở:

        “Vậy con sẽ bị đọa địa ngục. Sư bác cứu con với. Con ăn cắp hết ba trái xoài của bà nội vú trong khạp gạo rồi đổ thừa cho thằng em con. Lần trước nải chuối sứ cũng vậy. Con cũng lén cạy ống heo của đứa em gái nữa, mỗi ngày cạy lấy một chút, con cũng bẻ trộm mía của hàng xóm, con cũng ăn hiếp thằng Tửng nhà xóm trên vì nó nhỏ hơn con.”

        Sư bác tôi từ tốn giải thích:

        “Những lúc làm điều xấu như vậy con đã biến thành ma vương thời gian đó. Nếu con biết mình 1àm xấu mà chừa đi, mà ăn năn làm lành trở lại thì ma vương không thể dụ dỗ con để làm nô lệ cho nó nữa. Lâu ngày nó chán bỏ đi kiếm người khác dễ dụ dỗ hơn. Làm điều tốt thì con đã hóa thân thành Bồ Tát lúc đó. Bồ Tát hay ma vương là những trạng thái ngắn hạn trong lòng mỗi con người, không phải là trạng thái hằng cửu. Lúc làm Bồ Tát thì người ta sung sướng thơ thới lòng, mặt mày sáng sủa rạng rỡ như có hào quang tỏa ra. Lúc làm ma vương thì lòng nóng như bị thiêu đốt, khó chịu, mặt mày đăm chiêu buồn lo. Đó là lửa dục thiêu đốt lòng, đó là những u nần mọc ngược vào trong tâm não, đâm vào phía bên trong của người con.”

        Tôi lý sự trả treo:

        “Vậy thì con người đồng thời là Bồ Tát và ma vương?”

        “Đúng vậy! Khi hành động vì người khác, mình là Bồ Tát, khi hành động có hại cho người khác để lợi cho mình, ta là ma vương. Nói là nói đơn giản như vậy, chứ hành còn hạnh nữa. Hành vi Bồ Tát nhưng tâm hạnh ma vương thì cũng là ma vương thôi. Mà thôi! Con buồn ngủ rồi, ta sẽ nói chuyện hành và hạnh trong dịp khác.”

        Tôi buồn ngủ thiệt tình, mấy từ ngữ khó nuốt trôi như hóa thân, trạng thái ngắn hạn, trạng thái hằng cửu, lửa dục hào quang mà không thấy được, u nần mọc vào bên trong tâm não nhảy múa loạn xạ trong trí tôi…. Tôi cũng ngán ngẩm khi nghe đến các khái niệm hành và hạnh. Chúng không hấp dẫn bằng nải chuối thâm kim, mấy trái quít và hai chén chè trên bàn Phật trước mặt đang cười cười mời gọi.

        Sư bác tôi nhìn thấy ánh mắt ước muốn của cháu mình, nói trong nụ cười hiền từ:

        “Con đương bị ma vương dụ dỗ đó. Bây giờ còn nhỏ thì chẳng sao đâu, ma vương chỉ dụ được những việc xấu nhỏ, nhưng đừng để ma vương có dịp lớn lên trong tâm hồn mình. Quan trọng là phải chống lại những cám dỗ của ma vương.”

        Sư bác tôi đứng dậy nhón chưn hạ dĩa trái cây xuống, hào phóng đưa cho đứa cháu trần tục của mình thiệt nhiều quà của Phật.

        Chỉ đợi có vậy, tôi kéo banh vạt áo trước ra đựng, hai tay ôm chặt, chạy u ra tuốt mé mương ngoài rìa vườn nhà nơi thường có mấy thằng bạn trang lứa tụ tập trửng giỡn, phá phách…

        “Xuống xe qua bắc bà con cô bác ơi!” Người lơ xe vừa nhảy xuống, xe vẫn còn trờ bánh tới nhè nhẹ, đã ca bài ca xưa cũ. “ Chỉ có ông bà già là được ngồi lại trên xe, còn ai thanh niên thì xuống đi bộ qua bắc nhe! Tới trước kia mà nhận giấy qua bắc.”

        Mọi người lục tục xuống xe, người lếch thếch đi tìm chỗ tiểu tiện, kẻ xăm xăm vô quán kiếm chút gì đó dằn bụng, giáo Bửu theo đám đông bước về phía trước, chỗ xét giấy, nơi đây thằng lơ xe đã đợi sẵn chìa cho khách của xe mình tấm giấy trả tiền qua bắc. Giáo Bửu nhìn đoàn xe nhà binh rồi lắc đầu ngao ngán: “Điệu nầy hai ba giờ đồng hồ nữa biết xe mình nhúc nhích được chưa. Xe nhà binh ưu tiên mà đi hành quân dài sọc như thế nầy tới bao giờ xe dân sự mới được qua.”

        Anh bước vô đám đông để nghe điệu ca vọng cổ mùi tận mạng do một nghệ nhân lỡ thời đương xuống giọng xề. Nghệ nhân cụt hết hai tay tới cùi chỏ, chỉ còn lại lủng lẳng hai cánh trước. Anh ta mang trước ngực một cái lon sữa bò là chỗ đựng tiền do khách bộ hành mủi lòng thương hại bố thí cho. Cái micro được cột vô một cánh tay cụt, khi nghệ nhân cất giọng ca thì giơ lên, người cột đã canh vừa đủ tầm cho âm thanh có thể bắt được.

        Giáo Bửu hờ hững nghe, cũng bâng quơ ngó người đàn bà già trước tuổi đi sau nghệ nhân, ôm cây đàn. Bỗng anh như nhảy nhổm lên hỏi lớn:

        “Phải mầy đó không Phan?”

        “Phải! Bửu còn nhìn tôi sao? Tưởng giả bộ quên tôi rồi!”

        Giáo Bửu ứa nước mắt, hai tay choàng qua ôm bạn:

        “Hơn chục năm rồi mình không gặp nhau. Cuối năm học đó mình không bao giờ gặp lại bạn nữa.”

        Người chung quanh tò mò nhìn sự tương phùng của hai người bạn. Người đàn bà của Phan lãnh đạm ngó bạn của chồng.

        Giáo Bửu xăng xái mời hai người ghé vào quán gần đó…

        Bên ly trà đá người nghệ nhân kể lại đời mình với một giọng thiệt bình thường nhưng Giáo Bửu nghe như kim đâm vô tim từng cái từng cái đau điếng hồn:

        “Tôi mất căn bản về Toán và Sinh ngữ, anh chỉ giùm thì biết chút chút vậy thôi, Khi anh quá bận thì tôi đành chịu. Cuối năm đó thi lên lớp rớt, phải về quê làm ruộng với ông già. Anh cũng biết vùng xôi đậu mà, ban ngày bên quốc gia, ban đêm họ về, tuyên truyền, bắt lính…Họ bắt mình theo vô bưng. Thời chiến tranh mà! Vướng vô vòng thì không chuyện nầy cũng chuyện khác.Trong một trận chống càn, tôi bị pháo trúng...tàn phế nên được tản cư ra chợ đã năm sáu năm nay. Còn sống là may. Có người vợ chịu thương chịu khó theo mình cũng là một cái may nữa. Gặp anh, anh không sợ mất thể diện mà nhìn bạn, tôi sung sướng vô hồi. Mấy năm nay tôi sống trong bi thiết chán chường lúc nào cũng muốn rũ sạch bụi trần để ra đi. Đời mình còn gì nữa đâu để ham hố níu kéo. Chưa làm được vì còn một mụn con thơ và người đàn bà tri kỷ.” Giọng Phan nhỏ dần như tiếng thở dài hiu hắt. Giáo Bửu nghẹn ngào ray rứt trong tâm, thấy dường như mình có lỗi.

        Tôi đi trả nợ cho nửa quê hương thất trận hơn mười năm mới trở về, ngơ ngác giữa dòng đời bon chen xào xáo nhưng hiếm hoi chân tình với người chung quanh gần gũi. Cha tôi đã mất, sư bác cũng đã siêu linh tịnh độ hơn bảy tám năm nay rồi. Những buổi chiều buồn, tôi lang thang vô cái cốc hoang phế đóng kín cửa, phủ lớp bụi trần từ ấy để tìm chút dư vị tuổi thơ. Một lần tôi tò mò mở một gói giấy dầu đặt ở cuối góc trang thờ Phật, ngoài có đề mấy chữ nắn nót: Kinh Phật A Di Đà. Tôi mở ra, ngoài hai gói kinh còn có một gói tiền toàn giấy nhỏ một trăm, hai trăm, năm trăm, một ngàn, hai ngàn .. và một bức thơ gởi cho tôi.

        Phong Điền, ngày tháng năm vô vọng.

        Tuấn con,

        Tiền nầy sư bác chắt mót kỳ khu hơn hai chục năm mới có được. Đổi đi đổi lại thì ra thế nầy, đủ để mua mười lượng vàng hay cất một kiểng chùa nho nhỏ cho Phật tử có nơi đến chiêm bái đấng Từ Phụ. Đủ tiền thì sư bác thỏa mãn ước vọng xây chùa đồng thời thất vọng về chính mình, té ra bao nhiêu năm nay mình lặn lội cực nhọc, mình dè xẻn khiêm tốn vì một số tiền, mình cười với tín hữu nầy, vâng dạ với tín hữu kia vì số tiền đó.

        Ngôi chùa phác họa trong tâm tưởng hướng dẫn cái hành Bồ Tát, còn cái hạnh Bồ Tát của sư bác nằm ở đâu? Cất chùa lớn rồi thì sư bác phải dính vô chuyện duy trì chùa, bảo vệ chùa, sư bác sẽ sinh hoạt chùa chớ còn đâu tâm trí để tu hành kệ kinh, sư bác sẽ làm chuyên chùa sự chứ đâu phải làm chuyện Phật sự. Cái hạnh Bồ Tát suốt đời sư bác nhắm về coi như mỗi lúc càng chạy ra xa.

        Khám phá ra điều nầy, sư bác thấy bao nhiêu năm nay tưởng rằng mình làm đúng hóa ra sai. Sư bác tạ lỗi với chư Phật bằng cách tuyệt thực từ từ cho đến ngày được về chầu Phật tổ. Số tiền nầy con có toàn quyền sử dụng theo ý muốn, có ích cho con hay cho người khác đều được.

        Nhưng con nên nhớ cái hạnh đáng quí gấp mấy lần cái hành.

        Cầu nguyện ơn trên gia hộ cho con.

        Thích Giác Nguyện.

        Chỗ ký tên thế danh lâu ngày mực nhòe nhoẹt không đọc được, cố gắng lắm mới nhìn ra là Nguyễn văn Bửu.

        Số tiền đó má tôi chép miệng than rằng với thời giá, mua chưa đầy ba chỉ vàng, một cái chùa bình thường nho nhỏ ở vùng quê lúc nầy cũng phải tốn gấp trăm lần số đó. Ngồi nhìn gói tiền lâu ngày ẩm mốc, bốc mùi tanh tanh từ những bàn tay dính đầy dầu mỡ, cát đất, cá thịt của chúng sanh nghèo khổ khi cúng dường cho sư, tôi quyết định đem đốt bỏ để giải thoát hương linh sư khỏi vướng víu với nó nữa. Nơi chốn thiêng liêng kia chắc sư không còn thắc mắc về hành hạnh, theo tôi hai khái niệm nầy hòa quyện lẫn nhau không có lằn ranh phân biệt, càng biện biệt ta càng bị bủa vây không lối thoát…

        Xếp bằng chỗ ngày xưa sư bác đặt bồ đoàn ngồi gõ mõ tụng kinh, tôi đốt từ tờ những tấm giấy bạc thiệt như người ta đốt giấy tiền vàng mã. Ngọn lửa xanh lân tinh từ tốn ngún cháy, liếm từ chút từ chút, mấy cái hình trên giấy bạc bỗng chốc trở nên méo mó dị dạng. Tôi chợt mơ hồ thấy nụ cười hiền từ của sư bác quanh quẩn đâu đây.

        “Mong sư bác siêu thăng, hành và hạnh Bồ Tát chẳng qua là những điều dạy đạo lý giúp người đời sống từ bi vị tha, sư bác đã hành thiện, đã sống xứng đáng là một con người khi cố gắng thực hành một ước vọng không vì mình. Sư bác đáng được về cõi tĩnh hằng miên viễn như một Bồ Tát….”

        Nguyễn Văn Sâm

        Victorville, CA 12/09


        Comment


        • #5
          Cám ơn Trúc Lâm đã gợi nhớ đến thầy Nguyễn Văn Sâm, người đã dạy cho những chữ Hán đầu tiên.

          Comment


          • #6
            Sách là Gương

            Trịnh Hội

            Bạn đọc thân mến,

            Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết cuả Trịnh Hội, cây viết mà T đọc mỗi tuần, vì rất mến phục văn tài cuả người bạn trẻ này từ lần đầu tiên đọc bài cuả TH và chưa lần nào thất vọng. Rất hiếm những người VN trẻ tuổi viết được như anh. Nếu có dịp bạn tìm đọc quyển sách 'Hội và Ngộ' có nhiều bài viết giá trị.

            T cũng đưa bài viết này vào trang TL vì không thấy nó được hợp lắm với đề mục nào khác trong DĐ, vì thật ra chỉ muốn chia xẻ với bạn đọc các bài viết, bài đọc, hình ảnh... yêu thích nơi DĐ dành riêng cho TL và mong bạn đọc cũng tìm được sự đồng cảm khi thưởng thức.




            Một trong những cái thú lớn nhất trong đời của tôi là đọc sách. Hồi còn ở Việt Nam thì tôi mê đọc chuyện chưởng của Kim Dung. Sau này lúc mới qua Úc tiếng Anh còn bập bẹ thì thích tìm đọc những quyển sách của Tự Lực Văn Đoàn hoặc sách báo nói về thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm. Đến khi có đủ vốn liếng ngoại ngữ cần thiết thì biết bắt đầu thích đi tìm những quyển classic tiếng Anh để đọc như: The Godfather, To Kill a Mockingbird, The Alchemist, Long Walk To Freedom, v.v…

            Nói chung là sách loại nào tôi cũng thích. Từ những câu chuyện có thật, người thật non-fiction cho đến những loại sách thiên về triết lý hoặc giàu sức tưởng tượng được nhiều người trên thế giới tìm đọc như của nhà văn Gabriel Garcia Marquez hoặc Haruki Murakami. Nếu lỡ phải đọc một cuốn sách quá nhàm, quá chán thì tôi tiếc là mình đã phí thời gian bỏ ra đọc (vì tôi có cái tật là một khi đã quyết định đọc một quyển sách nào đó thì phải đọc cho hết – mặc dù vừa đọc xong chương đầu thì mình đã biết là nó sẽ không thể nào hay hơn được!).

            Nhưng nếu như tôi may mắn tìm được một quyển sách nào đó mà trong lúc đọc mình có cảm tưởng như tác giả đã viết cho chính mình, có những ý niệm tuyệt vời về con người và cuộc sống chung quanh mình thì ôi thôi, tôi sẽ cảm thấy rất là sung sướng, người nó cứ lâng lâng tưởng chừng như mình vừa được lên thiên đàng. Mặc dù mình chưa bao giờ có kinh nghiệm lên thiên đàng lần nào.

            Những lúc ấy nói thật tôi không cần gì nhiều. Chỉ cần cầm quyển sách ấy trên tay, thả tôi ở một khu công viên hay bãi biển nào đó, đông hay ít người không cần biết, là tôi sẽ cảm thấy như mình là người hạnh phúc nhất trên đời. Bắt được một tư tưởng hay từ quyển sách tôi sẽ ngừng đọc vài giây nhìn người qua kẻ lại để cho nó từ từ thấm vào người mình trước khi đọc tiếp. Tìm được một dòng văn nghe như một lời thơ tôi sẽ đọc lại và đọc lại một lần nữa để cố tìm hiểu xem làm sao mà tác giả đã có thể viết ra một câu văn hay đến vậy.

            Như trong tuần vừa qua tôi đã được cho lên thiên đàng ngay tại bãi biển Barceloneta ở thành phố Barcelona qua câu văn nhận định: 'Books are mirrors. You only see in them what you already have inside you' (Sách là những tấm gương. Những gì ta tìm thấy ở đó đã ở trong ta tự bao giờ) trong quyển tiểu thuyết đầu tay best-seller tuyệt vời của nhà văn Carlos Ruiz Zafon người Tây Ban Nha mang tên ‘The Shadow of the Wind’.

            Có thể nói ít khi tôi có dịp may đọc được một quyển tiểu thuyết hay đến vậy. Vì không những bối cảnh của nó được đặt ngay tại thành phố Barcelona thoáng đãng nơi cả hai phong cách cổ và tân được dung hòa một cách rất khéo léo, nghệ thuật mà tôi thích nhất vì nó là một quyển sách nói về những gì đẹp nhất, thơ mộng nhất, huyền diệu nhất và mong đợi nhất từ những quyển sách. Những quyển sách được nhiều người chuộng, hoặc ít người chuộng. Và cả những quyển sách đã từ lâu bị trôi vào quên lãng. It’s a book about forgotten books.

            Tôi không nghĩ là quyển tiểu thuyết này đã được dịch ra tiếng Việt, nhưng nếu như bạn có thời gian thì tôi mong là bạn sẽ tìm đọc nó. Vì nó là một trong những quyển sách đã làm cho tôi được lên thiên đàng ít nhất là 3 ngày.

            Còn bạn thì sao? Quyển sách nào là tấm gương soi bạn?

            Comment


            • #7
              Nhân Trí Dũng




              Tạp ghi cuả Trịnh Hội

              Trong những câu nói của người xưa, có lẽ câu ‘Nhân Trí Dũng’ là tôi tâm đắc nhất. Đối với con gái tôi nghĩ ở thời đại này không cần phải có đủ ‘Công, Dung, Ngôn, Hạnh’. Chỉ cần người con gái ấy ăn ở biết điều, có tình có nghĩa là đủ. Nhưng đối với con trai tôi nghĩ chắc chắn cần phải có ít nhất 3 đức tính ‘Nhân, Trí, Dũng’ trước khi được tạm cho là đã nên người, đáng được nể vì, trân trọng.

              Đầu tiên tôi muốn nói về Dũng. Dũng trong hành động và Dũng ngay cả ở tư duy. Ở đây tôi không muốn nói về cái Dũng mà chúng ta thường thấy trong các bộ phim chiến tranh hay trong lịch sử nói về những nhân vật anh hùng hoàn toàn không sợ chết như Sergeant Bill James trong bộ phim ‘The Hurt Locker’ vừa thắng giải Oscar năm nay. Hay khí khái hiên ngang của một Trần Bình Trọng ‘ta thà làm quỉ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc’.

              Cái Dũng mà tôi muốn nhắc đến ở đây là cái Dũng trong cách nhìn xa, hiểu rộng và quyết tâm theo đuổi lý tưởng của mình cho đến cùng. Cho dù có gặp khó khăn cách mấy. Hoặc bị bức hại, trù dập ra sao. Ở Mỹ trước đây có bà Rosa Parks là người da đen đầu tiên cương quyết không nhường ghế trên xe bus dành cho người da trắng theo luật pháp lúc ấy quy định để từ đó khởi đầu công cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc vào giữa thập niên 1950.

              Ở Việt Nam hiện tại có nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đang ngồi tù vì sự chống đối chính quyền của bà. Hay luật sư Lê Thị Công Nhân hiện vẫn còn bị quản thúc sau khi phải ngồi tù 3 năm.

              Cái dũng của họ tôi rất thán phục. Nhưng đáng phục hơn là cái nhìn rất xa, rất rộng của họ đối với những vấn đề hệ trọng của đất nước. Như câu nói bất hủ của nhà thơ, nhà viết kịch người Mỹ, T. S. Eliot: ‘Only those who risk going too far can possibly find out how far one can go’. Chỉ có những người dám mạo hiểm đi quá xa mới có thể biết chúng ta sẽ đi xa được đến dường nào.

              Nhưng có lẽ ai cũng biết nếu muốn trở thành một người thành công trên đường đời thì chỉ có dũng thôi sẽ không thể nào đủ. Đứng trước Dũng phải có Trí. Nếu thiếu nó chắc chắn sự thành công sẽ không thể nào đạt được cho dù bạn có thừa tài. Hoặc dũng. Như trong câu chuyện Tam Quốc Chí mà nhiều người biết đến. Nếu không có Trương Phi, có thể Lưu Bị cuối cùng vẫn lên ngôi vua, đánh bại Tào Tháo. Nhưng nếu không có Khổng Minh Gia Cát Lượng thì có lẽ khó có ai dám chắc là câu chuyện Tam Quốc Chí sẽ được kết thúc như thế nào. Và số phận của Lưu Bị sẽ ra sao.

              Bởi thế ngay cả Khổng Tử cũng đã phải từng than rằng ‘đức của người quân tử có ba mà ta chưa làm được. Người nhân không lo buồn, người trí không nghi ngại, người dũng không sợ hãi’. Người có trí không những có thể làm chủ được mình mà họ còn có đủ sự tự tin để nhận thức được đâu mới thật sự là dũng. Và vấn đề nào cần đáng được quan tâm nhất.

              Nhưng trên cùng, tôi nghĩ đức tính cần thiết nhất mà bất cứ người quân tử nào, nhân vật ‘leader’ nào cũng phải có đó là lòng nhân. Vì chỉ có lòng nhân mới có thể thu phục lòng người và chỉ có lòng nhân mới có thể hóa giải tất cả mọi dị hiềm, khác biệt còn tồn đọng trong cuộc sống để mọi người hướng đến tương lai.

              Trên cả những quyền lợi căn bản dành cho mọi người như sự công bằng, bình đẳng là đạo lý điều gì mình không muốn thì đừng bao giờ làm cho người khác trong câu nói: Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân.

              Nói thật chính tôi cũng không hiểu tại sao hôm nay tôi lại quá rỗi hơi để viết về một đề tài ‘ông cụ non’ đến thế này. Thôi thì đành xin lỗi các bạn đọc vậy. Xin các bạn thông cảm dùm vì từ nhỏ tôi đã rất thích câu ‘Nhân Trí Dũng’. Theo đúng thứ tự như thế.


              Comment


              • #8
                Đọc và Viết


                Tạp ghi cuả Trịnh Hội

                Nguồn: VOA

                Hôm nay tôi không muốn viết về xã hội. Hay chính trị. Vì tôi nghĩ trong thời gian vừa qua tôi đã viết đủ rồi. Hôm nay tôi muốn viết về một đề tài khác. Một đề tài mà ngày nào tôi cũng phải thao thức vì nó. Tuần nào tôi cũng phải trăn trở vì nó. Đó là đọc. Sau đến viết.

                Đọc vì ngày nào tôi cũng...đọc. Đọc báo trên mạng. Đọc email bạn bè gửi. Vì công việc. Vì chuyện riêng tư. Rảnh rỗi lại mang tiểu thuyết ra đọc (mặc dù đã hơn 3 tháng rồi mà tôi vẫn chưa đọc xong quyển 'The Time Traveler's Wife' của Audrey Niffenegger!).

                Viết vì tuần nào tôi cũng phải viết bài cho các bạn... đọc. Một phần vì tôi thích. Nhưng phần khác vì tôi đã lỡ hứa với Ban Biên Tập đài VOA là mỗi tuần tôi phải viết ít nhất một lần. Phải gửi một bài. Nên kể cả những khi tôi bận rộn nhất, bận đi đó đây làm hồ sơ, làm MC, đang bị bệnh, hay phải ra tòa, tất tần tật tôi đều phải sắp xếp thời gian sao đó để có đủ thời gian để viết.

                Thường tôi phải bỏ ra ít nhất 4 tiếng mới viết xong một bài blog. Sau đó tôi còn tốn thêm khoảng 1 tiếng để sửa chữa, gọt dũa trước khi gửi về cho đài.

                Thế là mất toi cả một ngày làm việc.

                Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi đã nghiệm được một số điều về sự đọc. Và cái viết.

                Thứ nhất, đọc dễ hơn viết. Thanh thản hơn viết. Và nhất là, sướng mau hơn viết. Không tin các bạn lên Facebook thử xem. Người ta thường bấm nút 'Like' nhiều gấp mười mấy lần con số 'Comment'. Bất kể trang Facebook đó là của ai. Mark Zuckerberg. Lady Gaga. Hay đơn giản là của chính tác giả!

                Tại sao thế? Vì phàm là con người thì bản chất chúng ta ai cũng thích những gì mang đến cho ta sự thích thú trong một thời gian ngắn nhất (instant gratification). Mà không phải tốn quá nhiều thời gian và công sức. Là 2 yếu tố mà trong xã hội hiện nay hình như ai cũng thiếu. Làm tất bật từ sáng đến tối mà chẳng thấy đủ đâu vào đâu.

                Vừa ăn tối xong chỉ nghỉ ngơi được một, hai tiếng là phải lo đi ngủ để ngày mai dậy tiếp tục đi làm.

                Để một ngày mới lại bắt đầu. Cái vòng lẩn quẩn lại tiếp diễn.

                Thứ hai, đọc và cơ hội để con người tiếp cận thông tin, dữ kiện ngày càng phát triển nhanh và nhiều. Nhờ vào Internet. Nếu như trước đây nếu muốn đọc người ta phải tìm đến thư viện, nhà sách hay các tiệm bán báo ở đầu đường để mua thì bây giờ ai cũng có thể lên mạng để đọc. Từ khắp nơi trên thế giới. Về bất cứ đề tài gì. Ngay tại nhà của họ.

                Như ở Việt Nam chẳng hạn. Cách đây 10 năm, số lượng người Việt xử dụng internet là khoảng 4% trên tổng dân số. Năm nay theo thống kê của các cơ quan truyền thông độc lập thì con số đó đã lên đến gần 35%. Tức là có khoảng 30 triệu người đang sử dụng internet ở Việt Nam.

                Đây quả là một con số khổng lồ. Chứng minh rằng người Việt chúng ta ngày càng có nhiều cơ hội để đọc. Và thích đọc.

                Nhưng ngược lại, đối với con số người viết thì hoàn toàn không. Cái viết lại càng bị giới hạn.

                Vì người viết, suy cho cùng, vẫn phải tốn từng ấy công sức để viết.

                Sự khác biệt giữa viết tay hay đánh máy bài viết không nhiều. Thời gian và không gian cần thiết để viết ra một bài văn hay một lá thư càng không có gì thay đổi từ trước đến nay. Có hay không có Internet. Có khác chăng chỉ là ở con số người đọc và cách họ tiếp nhận.

                Cái viết bị giới hạn là vì thế.

                Nhưng sau một thời gian tập tành viết lách, tôi lại nghiệm ra là cái viết, một khi nó được thực thi, đưa đến kết quả cuối cùng là những gì cần viết đã được viết xuống thì cảm giác hạnh phúc, niềm tự hào là mình đã hoàn thành được một tác phẩm, nó sâu đậm và lớn hơn nhiều so với lúc mình đọc xong một tác phẩm. Bất kể đó là một tác phẩm lớn. Hay nổi tiếng nhất thế giới.

                Vì những gì mình vừa hoàn tất sẽ vĩnh viễn thuộc về mình. Những suy tư của mình, sai hay đúng cũng sẽ mãi mãi tồn tại. Hơn cả máu xương, da thịt.

                Hơn thế nữa tôi nhận thấy chỉ khi chúng ta viết xuống những gì chúng ta suy nghĩ thì lúc ấy chúng ta mới thấy rõ đâu là thật, đâu là chân. Điều gì đáng cho chúng ta để tâm. Và suy nghĩ nào vẫn còn nông cạn.

                Khi đọc ít khi chúng ta nhận ra được điều đó.

                Điều cuối cùng tôi muốn chia xẻ với các bạn về đề tài hôm nay liên quan đến người Việt chúng ta. Đó là ngay cả đối với những vấn đề hệ trọng nhất, nóng bỏng nhất như công cuộc tranh đấu cho đất nước Việt Nam ngày càng được dân chủ, tự do hơn, dường như ít có người chịu ngồi xuống tĩnh tâm để viết về 'Quyền Con Người' và nó có liên quan đến họ như thế nào. Mặc dù có rất nhiều người ngày nào cũng bàn tán về vấn đề này. Trên khắp cùng xứ Việt.

                Điển hình là cuộc thi viết với chủ đề 'Quyền Con Người & Tôi' do Phong Trào Con Đường Việt Nam khởi xướng cách đây 2 tháng. Sắp tới đây vào ngày 12/12 là sẽ hết hạn nộp đơn dự thi. Người thắng giải sẽ nhận được một máy laptop hiệu MacBook Air mới tinh của công ty Apple. Người thắng giải cũng không cần nêu ra tên thật. Thế vậy mà cho đến hôm nay chỉ có đúng 14 người viết bài dự thi.

                Bạn có biết tại sao không?


                Comment


                • #9
                  Ngày Tựu Trường


                  Trần Mộng Tú

                  Giờ náo nức của một thời trẻ dại

                  Hỡi ngói nâu, hỡi tường trắng, cửa gương

                  Những chàng trai mười lăm tuổi vào trường

                  Rương nho nhỏ với linh hồn bằng ngọc. (Huy Cận)

                  Tháng Chín về, thành phố này lá vàng chưa có nhưng những ngọn gió đã thổi qua những vạt nắng và sân cỏ đã bắt đầu xanh trở lại sau mấy tháng hè cháy khô. Tiếng áo mới sột soạt của học trò trong thành phố bắt đầu theo nhau vào cửa lớp. Các trường tư, trường công khai giảng cách nhau vài ngày hay một tuần, tùy theo khi trường nghỉ hè vào cuối tháng sáu hay giữa tháng sáu.

                  Tựu trường, hai chữ thân yêu đó như tiếng chuông rung trong lòng tất cả mọi người. Từ ông bà, cha mẹ cho đến học trò. Tùy theo tuổi tác và bổn phận, nhịp chuông đó rung khác nhau thế nào nhưng chắc chắn là không có lồng ngực nào không xúc động.

                  Ông bà nhìn cháu sửa soạn vào trường như nghe thấy tiếng trống của mấy mươi năm về trước trong một thành phố nào rất xa xôi ở quê nhà. Nhớ lại cái khoảnh khắc mình đứng xếp hàng trong sân trường ngày đầu tiên, đợi tiếng trống đi vào lớp học mới:

                  Tôi đứng xếp hàng đôi

                  Lòng hơi thấy bồi hồi

                  Hôm nay niên học mới

                  Bao hy vọng xa xôi

                  Một lát trống thùng thùng

                  Ngân dài trong nắng rung

                  Vài con chim hốt hoảng

                  Văng mình lên không trung

                  (Thơ- Trần Trung Phương)

                  Cha mẹ thì từ mấy tháng trước đã nghĩ đến việc phải bớt chi tiêu để sắm sửa cho con quần áo, giầy dép, sách bút vào niên học mới. Câu hát xa lắc xa lơ ở đâu đó vọng lại trong đầu:

                  Ví dầu cầu ván đóng đinh

                  Cẩu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi

                  Khó đi mẹ dắt con đi

                  Con đi trường học mẹ đi trường đời (Ca Dao)

                  Thế nào mẹ cũng phải lo cho con đi hết cái cầu bước vào trường học mỗi năm này.

                  Học trò thì hăm hở làm sao! Tất cả mọi thứ đều mới, sẵn sàng cho một niên học mới. Niên học mới này có em phải lên lớp, đổi trường, sẽ có thầy cô mới, bạn mới và chắc chắn là “linh hồn bằng ngọc” nghe trăm điều thay đổi. Nôn nao, e ngại, hân hoan để đón một cái gì mình chưa biết rõ nhưng hình dung ra trước là sẽ rất đẹp.

                  Có người đã nói: Tất cả mục đích của học hành là để biến những cái gương thành những cái cửa sổ (*)

                  Vậy ông bà cha mẹ, thực sự chúng ta mong mỏi gì ở trường học cho con cháu mình.

                  Gửi con cháu tới trường học chữ là lẽ dĩ nhiên nhưng song song với những phương trình toán học, ngoại ngữ, khoa học..vv. Mọi người đều ao ước con mình lớn lên trước tiên thành một người tử tế, Nếu đứa trẻ học được tính thật thà, cư xử tốt với bạn ngay từ lớp vỡ lòng, lớn lên chắc chắn sẽ thành người tử tế. Vì chỉ cần thật thà và đối xử với người khác công bằng, tử tế, đứa bé đó đã tránh được bao nhiều tính xấu. Em sẽ có nhiều cơ hội lớn lên thành một công dân tử tế, lương hảo.

                  Thầy giáo là những người chỉ cách cho em thay những cái gương thành những cánh cửa sổ, mở ra những khung trời tốt đẹp.

                  Nhưng cũng chính thầy cô và chương trình giáo dục ở học đường sẽ ảnh hưởng em trở thành một người xấu hay tốt.

                  Trên một bản tin của báo Tuổi Trẻ trong nước. Một học trò mười một mười hai tuổi, bị bốn năm trò khác cùng lớp đánh hết sức ác và một trò khác, thản nhiên đứng xem, không động lòng, không can ngăn, còn đánh thêm vào cho bạn đó đau đớn thêm.

                  Mầm ác trong các em đã nảy sinh từ lúc nào. Các em có được dậy bảo những điều thiện bao giờ chưa? Nhà trường, thầy giáo phản ứng như thế nào khi thấy học trò của mình không có đức thương xót kẻ bị đánh đập như thế!

                  Tại sao ở tuổi ngây thơ trong sáng học trò, mà khi ở trong lớp các em không bằng lòng nhau, khi ra khỏi lớp có thể đánh nhau cho đến thương tật không một chút xót thương.

                  Phải chăng: dậy một người chỉ thuần về trí dục mà không có đức dục thì sẽ đào tạo một mối đe dọa nguy hiểm cho xã hội. (*)

                  Vì cái mầm ác và mầm thiện đều nẩy nở ngang nhau. Cái nào được vun bón sẽ tăng trưởng và cái nào bị lãng quên sẽ lụi tàn rồi biến mất.

                  Song song với giáo dục gia đình, học đường là nơi quan trọng lắm. Vì các em ở trường nhiều hơn ở nhà. Gần thầy cô bạn bè nhiều giờ hơn gần cha mẹ. Cha mẹ đi làm cả ngày, về nhà gặp con được vài tiếng thì có cả trăm việc phải làm, thoắt đến giờ đi ngủ. Sáng dậy có một hai tiếng với con, rồi vội thả con vào trường, đi làm. Giao con cho thầy, cô, là giao con cho cha mẹ thứ hai của đứa trẻ. Người xưa đã coi thầy còn trọng hơn cha mẹ. Sư rồi mới đến Phụ.

                  Nhưng ngày nay, nếu chúng ta mở những trang mạng ra, chúng ta đã nhận được những thông tin, những hình ảnh gì về nền giáo dục học đường ở quê nhà?

                  Chắc ai cũng được xem, được nghe những tin từ thầy giáo làm những điều vô giáo dục với nữ sinh để cho thêm điểm, đến những cô giáo xăn tay áo chửi bới học trò bực Đại Học ngay trong lớp. Trong khi những em sinh viên khác đứng trố mắt ra nhìn.

                  Trên trang mạng Việt Express có đăng: Thầy giáo một trường ngoài công lập ở Hà Nội vừa tát vừa chửi học sinh “Nhà vô phúc có cái loại mày. Tao dạy mày như thế này mà mày vẫn không mở mặt mày ra à…Quân mất dạy này”…bị học sinh khác quay clip đưa lên mạng đầu năm học trước.

                  Xem xong, chắc ai cũng buồn, cũng thương cho cả một thế hệ chao đảo vì nền giáo dục “Vô Giáo Dục” đó.

                  Một xã hội mà trò chẳng ra trò, thầy chẳng ra thầy.

                  Ngày khai trường lại đến, mỗi năm phụ huynh lại đặt hy vọng vào thầy cô, khai trí cho con, dậy con làm toán, dậy con viết văn, nhưng trên hết, cũng dậy bảo con mình cả những điều tử tế. Biết lễ phép, biết thương người, lương thiện và thật thà. Phụ huynh hy vọng con mình gặp những thầy cô tốt làm gương cho con mình soi. Nhưng ở những thành phố ô hợp và đang chạy theo cơn lốc vật chất này, kiếm được một người thầy với đúng nghĩa của danh xưng đó hình như khó khăn lắm.

                  Cũng may mắn ở những vùng xa vùng nghèo vẫn còn những thầy cô giáo tiểu học lo cho từ cuốn vở, cái bút cho đến đôi dép dưới chân những học trò nghèo. Những người thầy đáng quý này rất cô đơn vì chính phủ đã cắt trợ cấp năm nay của học sinh nghèo. Nếu muốn các em được đến trường thì những thầy cô này phải mang cái tiền lương khiêm tốn của mình ra giúp học trò.

                  “Gia đình các em nghèo lắm. Nên đi học mà dép không có, nói chi đến sách vở, bút thước”. Đó là lời than của cô giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.(Báo Tuổi Trẻ).

                  Những người thầy như cô giáo này chắc chắn là người sẽ dạy học trò mình: tình thương, lễ phép, lương thiện và thật thà. Vì trái tim biết yêu thương sẽ kéo theo nó tất cả những điều tốt đẹp đó.

                  Tâm hồn các em như những trang vở trắng.Thày, cô, là người cầm tay em vẽ bức tranh đầu tiên. Đóa hoa nhỏ hay vẹt mực đen loang lổ là hình ảnh in sâu vào ký ức vĩnh viễn của tuổi thơ.

                  Ngày tựu trường. Ngày hạnh phúc nhất của đời học sinh cũng là ngày phụ huynh đặt hy vọng vào tương lai cho con cháu như người ta đặt hy vọng vào những cái cây non trồng trên mặt đất. Mong ước sao mặt đất hiền lành, cây được tưới bằng nước sạch, để cây lớn lên sinh ra những trái ngọt ngào.

                  Tháng 9/2/2015

                  (*)The whole purpose of education is to turn mirrors into windows."

                  - Sydney J. Harris

                  (*) To educate a man in mind and not in morals is to educate a menace to society.- Theodore Roosevelt

                  The difference between school and life? In school, you're taught a lesson and then given a test. In life, you're given a test that teaches you a lesson."

                  - Tom Bodett

                  Comment


                  • #10
                    Ngày xưa còn dạy cho mấy học trò ra dạy cấp 1 KD chỉ thích bài tập đọc này trong sách :TIẾNG VIỆT học vần - tập đọc .

                    TRƯỜNG EM

                    Trường em mái ngói đỏ hồng

                    Mọc lên tươi thắm giữa đồng lúa xanh

                    Gío về đồng lúa reo quanh

                    Vẫy chào những bước chân nhanh tới trường

                    (Nguyễn bùi Vợi )

                    Thân Ái

                    KimDung

                    Comment


                    • #11
                      Bạn đọc và bạn văn



                      Nguồn: VOA Blog Nguyễn Hưng Quốc

                      02.03.2014

                      Viết lách bao giờ cũng là một công việc cô đơn. Cực kỳ cô đơn. Có người còn cho đó là một việc làm cô đơn nhất. Giống như những người giữ hải đăng ngoài biển. Một mình. Hình ảnh tiêu biểu nhất của các nhà văn và nhà thơ, khi sáng tác, là hình ảnh, về không gian, một căn phòng khép kín hoặc một chiếc bàn trong góc khuất; về thời gian, thường là ban đêm, thậm chí, trong khuya khoắt. Một mình. Chung quanh hoàn toàn im ắng. Có người, dễ tính hơn, có thể viết ở chỗ làm, trong quán cà phê hay trên xe lửa, nhưng những lúc ấy, họ vẫn phải thu mình lại, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, lắng vào trong, chỉ chạy đuổi theo trí tưởng tượng và tư tưởng của mình, nghe ngóng từng xao động nho nhỏ, khẽ nhàng và tế vi trong chính tâm hồn của mình. Như vậy, ngay ở những chỗ đông người nhất, tập nập nhất, ồn ào nhất, họ cũng vẫn cô đơn.

                      Dĩ nhiên, trong đời sống hàng ngày, với tư cách một con người hoặc một công dân, người cầm bút vẫn phải giao tiếp với người khác, từ gia đình đến xã hội. Như mọi người khác. Nhưng với tư cách một người cầm bút, lúc sáng tác, hắn có một thế giới riêng, thế giới bên trong của hắn, ở đó, không có cửa ngõ nào thông ra bên ngoài. Thế giới bên ngoài cung cấp cho hắn những hiểu biết, kinh nghiệm, hình ảnh và nhân vật, nhưng chỉ ở thế giới bên trong, hắn mới bắt gặp tư tưởng, cảm xúc và giọng điệu, ba yếu tố làm cho hắn trở thành một nhà văn hay một nhà thơ. Thế giới bên ngoài có thể giúp hắn trở thành trí thức uyên bác hay lịch lãm, nhưng chỉ với thế giới bên trong, hắn mới có thể trở thành một nghệ sĩ sâu sắc và độc đáo. Hắn là kẻ gieo hạt bên ngoài nhưng lại gặt hái từ bên trong. Bên ngoài, hắn nhặt nhạnh và gom góp của cải; nhưng chỉ với những gì được tìm thấy từ bên trong, hắn mới trở thành giàu có. Ở cái cõi bên trong ấy, hắn hoàn toàn một mình. Cô đơn và cô độc.

                      Sự cô đơn ấy làm cho hắn khác người. Du hành, với người khác, là đi ra ngoài, đến những nơi xa lạ, ngắm nghía những kỳ quan của thiên nhiên hay của người khác; với người cầm bút, là đi ngược vào trong, đến tận đáy tâm hồn, để ngắm nghía những ngóc ngách bí hiểm của những gì ngỡ như rất quen thuộc, ở đó, bản thân hắn biến thành một kỳ quan cần được khám phá. Ở nhiều loại hình nghệ thuật khác, người ta có thể song tấu hay hợp tấu. Trong văn chương, chỉ có một trò chơi duy nhất: độc tấu. Lúc nào cũng độc tấu. Ngay cả với những tác phẩm viết chung, mỗi người vẫn sáng tác một mình. Và chỉ chơi cái trò chơi của mình. Một mình mơ mộng. Một mình nghĩ ngợi. Một mình nhớ nhung, dù phần lớn, nói theo Xuân Diệu, “nhớ xa xôi”, hay nói theo Quang Dũng, “nhớ ơ hờ”. Một mình lắng nghe những xôn xao trong lòng mình. Một mình tìm cho mình một giọng nói. Từ bỏ cái một mình ấy để lao vào giàn đồng ca của thời đại, do chế độ điều khiển, chỉ là một cách tự sát. Dưới các chế độ cộng sản, ở Việt Nam cũng như trên khắp thế giới, bao nhiêu tên tuổi thuộc loại lỗi lạc, đã tự giết mình bằng cách ấy.

                      Số phận của người cầm bút là số phận cô đơn. Trải qua mấy ngàn năm, điều kiện sáng tác và phổ biến tác phẩm có thể thay đổi, hơn nữa, với đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, thay đổi thật nhanh, nhưng cái số phận cô đơn ấy, từ Homer và Khuất Nguyên đến tận ngày nay, không hề thay đổi. Ở đâu và thời nào, chọn cầm bút cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận cô đơn. Bàn về sáng tác, ý kiến mỗi người một khác, có người đứng (Hemingway, Virginia Woolf), có người ngồi (phần đông), có người nằm (Marcel Proust, James Joyce,Truman Capote); có người viết tay, có người thích gõ rào rào trên bàn máy đánh chữ hay bàn phím computer; có người viết nhanh (Alexandre Dumas cha, Jack London, William Golding, Anthony Trollope, Stephen King), có người viết chậm (James Joyce, Dorothy Parker); có người cần cà phê để tỉnh táo (Voltaire và Balzac – tương truyền mỗi người uống khoảng từ 40 đến 50 ly cà phê mỗi ngày!), có người uống rượu để tìm cảm hứng (Lý Bạch, William Faulkner, Raymond Carver, Charles Bukowski, Edgar Allan Poe, Jack Kerouac, F. Scott Fitzgerald), nhưng hầu như ai cũng giống nhau ở một điểm: tất cả đều xem sự cô đơn như điều kiện, thậm chí, yếu tính của sáng tác. Sử gia Edward Gibbon có một câu nói nổi tiếng: “Sự đối thoại làm tăng hiểu biết nhưng chính sự đơn độc mới là ngôi trường của các thiên tài.”Johann Wolfgang von Goethe cũng có câu nói tương tự: “Người ta có thể được giáo dục trong xã hội, nhưng người ta chỉ được gợi hứng trong sự đơn độc.” Nói chung về nghệ thuật, Picasso nhận định: “Không có sự đơn độc lớn sẽ không có một tác phẩm nghiêm túc nào được ra đời”.

                      Nhưng các nhà văn và nhà thơ không phải chỉ cô đơn trong quá trình sáng tác. Họ còn cô đơn cả trong quá trình phổ biến tác phẩm. Viết, nói chung, bao giờ cũng để cho người khác đọc. Tác phẩm chỉ thực sự hiện hữu khi được đọc. Theo Roland Barthes, không phải tác giả mà chính độc giả mới là kẻ làm cho tác phẩm hiện hữu như một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất và có ý nghĩa. Nhưng, về phương diện xã hội, giữa tác giả và độc giả bao giờ cũng có một khoảng cách lớn lao. Một họa sĩ hoặc một điêu khắc gia có thể nhìn thấy phản ứng của những người thưởng ngoạn trong các cuộc triển lãm. Thấy được sự thích thú hay ngưỡng mộ của họ. Với một nhạc sĩ hay một ca sĩ, cái thấy ấy còn cụ thể hơn nữa. Phản ứng của con người, khi nghe nhạc, thường rất nồng nhiệt. Không ai cần giấu giếm. Sự nồng nhiệt toát ra từ những tràng pháo tay hay từ những ánh mắt đắm đuối. Còn các nhà văn và nhà thơ thì hầu như không bao giờ được nghe những tiếng vỗ tay. Không ai vỗ tay khi đọc một cuốn sách, dù là một cuốn sách tuyệt hay. Ngay cả khi cuốn sách khiến người ta xúc động đến độ chảy nước mắt thì tác giả cũng không bao giờ được nhìn thấy. Người đọc bao giờ cũng đọc một mình. Nếu viết là một công việc cô đơn; đọc cũng cô đơn không kém. Quan hệ giữa tác giả và độc giả, do đó, là một thứ quan hệ oái oăm giữa những kẻ cô đơn.

                      Ở trên, tôi có viết: nhà văn hay nhà thơ không nghe được tiếng vỗ tay. Dĩ nhiên, trong cuộc sống, ở những buổi nói chuyện hay đọc thơ, họ cũng có thể nhận được những tiếng vỗ tay cổ vũ của người nghe. Nhưng đó là một trường hợp khác: Họ được vỗ tay vì bài nói hay giọng đọc chứ không phải vì các bài viết vốn là nơi chứa đựng những tinh hoa sâu thẳm nhất của họ. Nói cách khác, họ được vỗ tay ở cái phần kém cỏi nhất của họ: Nói. Không có nhà văn hay nhà thơ tài hoa nào có thể nói hay hơn những gì họ viết. Cái được nói, dù mạch lạc, lưu loát hay dí dỏm đến mấy, cũng chỉ là một bãi quặng. Chỉ trong cái viết mới có vàng đã được tinh chế. Bởi vậy, trừ các nhà văn và nhà thơ bình dân, hầu như không có người cầm bút thực sự nào có thể thấy thỏa mãn với những tràng pháo tay của người nghe: Điều họ cần nhất là những phản hồi của người đọc.

                      Người đọc khác với người nghe.

                      Viết: cô đơn. Đọc: cũng cô đơn. Trong thế giới văn chương, sự gặp gỡ giữa người viết và người đọc là sự gặp gỡ giữa hai cái-một-mình. Trong thầm lặng. Gặp gỡ mà vẫn cô đơn.

                      May, quan hệ giữa những kẻ cô đơn ấy lại có thể là một thứ quan hệ sâu sắc và bền bỉ hiếm thấy, nếu không muốn nói là không bao giờ thấy, trong các loại hình nghệ thuật khác. Không có một bức tranh, một bức tượng hay một bản nhạc nào có thể làm thay đổi cách suy nghĩ hay cách sống của một con người. Nhưng với sách thì có. Đã có nhiều người nói, thậm chí, xuất bản những cuốn sách mang nhan đề “Những cuốn sách làm thay đổi thế giới”. Thánh Kinh, Coran, Những bài giảng của Đức Phật, Luận ngữ, Đạo đức kinh, những cuốn sách về dân chủ của Alexis de Tocqueville, về tự do của John Stuart Mill, về pháp chế của Montesquieu, về chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx, về độc tài của George Orwell, về chính trị của Niccolo Michiavelli, về phân tâm học của Sigmund Freud, về triết học của Nietzsche, v.v. đã làm thay đổi thế giới.

                      Thế giới còn thay đổi được, huống gì là từng cá nhân.

                      Có lẽ nhờ sự tác động mạnh mẽ và sâu sắc ấy, quan hệ giữa tác giả và độc giả, về bản chất, khác với quan hệ giữa các nghệ sĩ khác với các khán giả và thính giả của họ. Nhà văn Võ Phiến, trong bài “Viết lách” in trong tập Cuối cùng (2009), có một nhận xét tinh tế là trong tiếng Việt chỉ có chữ “bạn đọc” chứ không có chữ bạn nhìn, bạn xem và bạn nghe. Khán giả lúc nào cũng là khán giả; khi được Việt hóa, chúng ta có: người xem. Thính giả lúc nào cũng là thính giả; khi được Việt hóa, chúng ta có: người nghe. Nhưng độc giả, ngoài chữ người đọc chung chung và xa cách, chúng ta còn có: bạn đọc. Võ Phiến trầm trồ: “Nghề văn hay nghề viết quả kỳ cục. Cổ lai nghề đâu có nghề chỉ nhằm vào một loại khách hàng duy nhất là ‘bạn’.” (tr. 154)

                      Mà không phải chỉ trong quan hệ giữa tác giả với độc giả mới có tình bạn. Giữa các tác giả với nhau cũng có tình bạn. Chúng ta thường nói đến bạn văn hay bạn thơ, nhưng không ai nói đến bạn vẽ, bạn đàn hay bạn hát; bạn họa hay bạn nhạc. Trong các loại hình nghệ thuật, hầu như chỉ có trong văn chương là có những tình bạn khắng khít, sâu đậm và lâu dài. Rất nhiều tình bạn đã đi vào lịch sử và trở thành giai thoại. Trong lãnh vực hội họa hay âm nhạc, tình bạn giữa các văn nghệ sĩ với nhau, nếu có, cũng chỉ là họa hoằn. Nhà văn Gertrude Stein có lần nhận xét là Picasso có rất ít, cực ít, bạn bè trong giới họa sĩ. Bạn của ông toàn là các nhà văn và các nhà thơ. Nhìn vào giới văn nghệ sĩ Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy rõ điều ấy.

                      Chính tình bạn sâu đậm giữa các tác giả và độc giả cũng như giữa các tác giả với nhau đã làm cho công việc viết lách bớt đi chút cô đơn và hiu quạnh.

                      Cũng đỡ.

                      Comment


                      • #12
                        Nỗi cô đơn của người cầm bút không là một điều bất hạnh hay một hình phạt. Sự tĩnh lặng là cần thiết cho việc viết lách nhưng cô đơn mới là động lực khởi đầu cho những ý tưởng. Khi bắt đầu dàn trải tâm tư lên những trang giấy hay màn hình của computer, người viết, nhà văn hay ai đó sẽ tức thời không còn cảm thấy cô đơn nữa. Không thể làm việc với một tâm hồn trông không, lúc đó họ sẽ dần dần bị tràn ngập bởi những hồi ức và dự phóng, bị bao vây bởi kỷ niệm và những tưởng tượng. Vấn đề còn lại chỉ là sự sắp xếp những tình tiết giả định theo một thứ tự thời gian hay một logic nào đó để người đọc có thể chấp nhận được.

                        Dường như ít có ai viết để mong đợi những lời ngợi khen hay những tiếng vỗ tay vì công việc và tâm tình của nhà văn rất khác với những nghệ sĩ trình diễn (perfoming artist). Nhà văn có nhu cầu của chính họ là phải viết để giải tỏa những ẩn ức, để chia sẻ những cảm xúc với tha nhân và cũng để không làm gì cả. Một khi đã tự ru mình vào thế giới của suy tưởng, nhà văn sẽ không còn thiết tha đến việc ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí và quên cả việc nhớ đến ... những nỗi cô đơn. Nhà thơ người Anh nổi tiếng là Lord Byron đã viết ''If I don't write to empty my mind, I go mad''. Có vẻ như comment này không thuận chiều với suy nghĩ của tác giả bài viết trên, nhưng thật ra đây chỉ là một cách nhìn thô thiển về nhà văn ở một góc độ khác mà thôi.

                        Comment


                        • #13
                          Bé Ký, Nỗi Hoài Nhớ Niềm Vui Đã Khuất

                          Thụy Khuê

                          Văn chương và hội họa là những nghệ thuật bắt nguồn bằng nét (dessin). Chữ viết khởi từ nét, ngay trong cách viết chữ nho, người ta đã muốn vẽ vũ trụ và con người qua ngôn ngữ. Cho nên, chúng ta không nói quá, khi cho rằng chính dessin mới là nguồn của văn chương và hội họa.

                          Các họa sĩ thường bắt đầu từ dessin rồi dựa vào dessin mới phóng ra các màu sắc khác nhau. Bé Ký dừng lại ở dessin. Dường như bà đã tìm thấy vùng đất Thánh và dứt khoát ở lại thiên đường nguồn cội của mình. Bà không lớn nữa. Có thể nói Bé Ký -như cái tên lựa chọn có ý tiên định của bà- đã lấy tuổi thơ làm quê hương, dừng lại ở thời điểm hàn vi, ngây thơ (naĩf) trong hội họa và trong đời. Bé Ký là hiện tượng không già, rất độc đáo trong hội họa Việt.

                          Nếu biết rõ dessin là gì, thì sẽ thấy sự lựa chọn này không dễ dàng, bởi con đường đơn giản bao giờ cũng là con đường khó khăn. Văn mà đạt tới mức không rườm rà là khó. Vẽ mà đạt tới mức giản dị tối đa không dễ.

                          Hội họa Bé Ký chỉ thuần túy nét, bà dùng mực Tàu, ở lối vẽ này cứ hoa tay lên là phải thành, phải đạt, không thể sửa. Trước khi vẽ, người họa sĩ phải xong bức họa rồi. Khi ngọn bút bắt đầu là bức tranh kết thúc. Ðây là một quy luật khác thường, vì trong hội họa, trước khi vẽ, có thể họa sĩ chưa biết mình sẽ đi đâu, đường nét và màu sắc sẽ dẫn lối cho họ; cũng như trong văn, ý nọ sọ ý kia, ý trước "đẻ" ra ý sau. Với Bé Ký, sự thể ngược lại: Trước khi vẽ, bức tranh đã phải "xong" rồi, và đặt bút là kết thúc tác phẩm.

                          Tính chất này của hội họa còn gọi là ngẫu hứng hoặc trực giác, mà cũng là thiền: Trực giác định hình, khi người nghệ sĩ thấy được "ánh sáng", "ngộ" rồi thì họ hoàn thành tác phẩm. "Ánh sáng" ấy là chất liệu, là nguồn cội của ký họa.

                          Trong thế giới hội họa của Bé Ký, nhân vật, động vật và tĩnh vật, rọi lọc qua ánh sáng giác ngộ, có những nét hồn nhiên và ngây thơ. Từ con trâu, em bé, đến chiếc xe thổ mộ, cái váy của người đàn bà, chiếc khăn mỏ quạ, tóc vấn đuôi gà... tất cả đều thoát ra một cái gì chân chất, rất lành, rất mộc mạc như chưa từng có lớp sơn màu lòe loẹt nào bay đến làm ô uế, ô nhiễm đi.

                          Bé Ký trong hội họa cũng như Nguyễn Bính trong thơ, sợ sự trưởng thành; cả hai đều đã cấu tạo nên được vũ trụ quê của riêng mình. Quê mùa như thơ Nguyễn Bính, thế giới người, đồ vật và sinh vật của Bé Ký, hòa hợp với nhau, chung sống với nhau trong khung cảnh điền dã, giản dị, nghèo nàn, sinh động và hạnh phúc.

                          Người xem tìm thấy nguồn vui tự tại trong tranh, kèm nỗi nhớ nhung vô bờ và nỗi buồn man mác, về những ký ức tuổi thơ không bao giờ trở lại.

                          Hội họa Bé Ký thể hiện niềm vui đã khuất, hiện tại vô tình dẫm lên mà không biết, không hay.

                          Người Việt phần đông thích tranh Bé Ký, treo tranh Bé Ký, nhưng có mấy ai tìm thấy ở mỗi bức họa của Bé Ký, là một mất mát của con người. Chúng ta bán tuổi thơ đi để mua tuổi già, phá thiên nhiên, đổi thôn quê để chuốc lấy thành thị, chúng ta giã từ niềm vui vào đời để bước dần về nỗi buồn cõi chết.

                          May có người nghệ sĩ giữ lại cho chúng ta ít nhiều kỷ niệm.

                          Comment


                          • #14

                            Hội Người Việt tại tiểu bang Illinois đã tổ chức một cuộc triển lãm hội họa với những sáng tác rất mới của ông bà họa sĩ Hồ Thành Đức và Bé Ký (Nguyễn Thị Bé) tại trường Đại Học Harry S. Truman College, Chicago suốt một tháng từ 14 tháng Chín 2002 đến 12 tháng Mười 2002.

                            Hồ Thành Đức và Bé Ký đã dành ra một khoảng thời gian khá dài cả hơn một năm nay để nỗ lực sáng tạo ra những tác phẩm mới với khoảng 45 bức tranh đủ kích thước qua hai thể loại sơn dầu và tranh lụa. Cuộc triển lãm có tên Việt Nam Quê Hương Mến Yêu (My Beloved Vietnam). Hai họa sĩ đã có mặt trong buổi tiếp tân và khai mạc tại trường Đại Học Harry S. Truman College.

                            Tranh của hai họa sĩ đã được triển lãm nhiều nơi trên thế giới từ thập niên 1960. Họa sĩ Hồ Thành Đức sở trường về tranh sơn dầu thuộc trường phái Ấn tượng (Impressionist) đã từng đoạt nhiều huy chương về hội họa. Bà Bé Ký sở trường về tranh lụa với những nét vẽ độc đáo về những đề tài dân gian và trên đường phố, thật giản dị nhưng lại mang rất nhiều cá tính và dân tộc tính đã được nhiều khách thưởng ngoạn Việt Nam và ngoại quốc tán thưởng.

                            Sau khi định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1989, hai họa sĩ tiếp tục hăng say sáng tác và đã triển lãm tranh ở nhiều nơi trên vùng Bắc Mỹ. Cuốn năm 2001, họa sĩ Hồ Thành Đức đã xuất bản một tập tranh tuyển chọn trong những tác phẩm sơn dầu đắc ý nhất của ông mang tựa đề Impressions In My Life (Ấn Tượng Trong Đời Tôi). Tập tranh in toàn màu trên giấy láng dầy thật đẹp và thật lộng lẫy với nhiều bài viết của các ký giả Hoa Kỳ như Eric Scigliano trên tờ Washington Post, Jennifer A. Bauman trên tờ Register và của Phòng Triển Lãm Irvine Fine Arts Center.

                            Đôi vợ chồng họa sĩ Hồ Thành Đức-Bé Ký từ gần bốn chục năm qua hoàn toàn sống bằng nghề hội họa của mình, cho đến nay vẫn tiếp tục sáng tác bên nhau. Thành công của lần triển lãm này đánh dấu những thành tựu sáng tác mới nhất của họ, và các tác phẩm chứa đầy sáng tạo cho thấy chưa có một dấu hiệu mệt mỏi nào của những người đã vào thập niên sáu mươi của cuộc đời.

                            Anh Thành - Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật,

                            Thế Kỷ 21, số 162, tháng 10, 2002.

                            Comment


                            • #15
                              Các bạn mến , P cám ơn Trúc Lâm và Anh Hùng đã giới thiệu người họa sĩ mà P rất ái mộ từ năm học đầu tiên của P khi học ở TĐ nhiều nha

                              P được biết tranh cô Bé Ký nhờ có thời gian lớp P được học vẽ bằng mực tàu với thày Hữu Định đó các bạn ạ , một hôm nhóm P được Thày giảng cho biết thế nào là tranh sơn dầu , thế nào là tranh lụa , lúc nói về tranh sơn dầu Thày cho nhóm xem một bức tranh chính Thày vẽ , sau đó là một bức tranh lụa vẽ bằng mực tàu cảnh vài người đang lom khom cấy lúa , người ký là Bé Ký , tên thật khó quên , sau đó Thày cũng giới thiệu có một phòng triển lảm ở gần thương xá Tax có tranh cô Bé Ký để ai thích xem thì tới ...

                              Sau đó P và vài bạn cũng tới xem một vài lần vì lúc đó nhóm P đang thực tập vẽ tĩnh vật bằng bút chì trên giấy carton trắng để tập sự ... vẽ bằng mực tàu , nên P cũng muốn tới phòng tranh xem thêm để học cách vẽ nét đậm lợt ..., từ đó P thích xem tranh Bé Ký luôn , một phần vì nét vẽ mềm mại của họa sĩ và chín phần vì ... dễ hiểu

                              Sau năm 75 P không có cơ hội để đến phòng tranh nào nữa cho tới bây giờ , và cũng chưa được xem lại tranh của cô Bé Ký lần nào , nhưng mỗi khi tình cờ được xem những bức tranh hoặc thư pháp bằng mực tàu trên giấy lụa của những họa sĩ khác P cũng không thể nào quên nét vẽ của họa sĩ Bé Ký và những buổi học vẽ ngày đầu với người Thầy yêu quý của mình năm xưa ...

                              Thân mến

                              PL

                              Comment

                              Working...
                              X