Announcement

Collapse
No announcement yet.

Ý Hay Lời Đẹp

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #16


    Vợ chồng T rất thích tranh cuả Bé Ký. Ngày xưa những bức vẽ đó làm mình yêu quê, còn bây giờ nó làm mình nhớ tiếc hình bóng xưa cũ cuả quê nhà đã khuất. Sau này, T cũng thích tranh cuả Nguyễn thị Hợp.

    Cám ơn chị Phương nhắc đến thầy Định, lớp T cũng có học vẽ với thầy. Thật là một người thầy bình dị, ít khi nào khe khắt với học trò.

    Comment


    • #17
      TÂM AN

      Trần Mộng Tú

      Chữ này nghe sao giản dị thế, cả hai chữ đều vần bằng, nên khi đọc lên giọng ta trầm xuống, ta có thể nói thầm vào tai nhau rất khẽ nghe cũng vẫn rõ ràng.

      Chữ Tâm và chữ An để đặt tên cho con cũng rất đẹp. Người ta hay dùng hai chữ này đi đôi với nhau hay dùng riêng lẻ, hay ghép vào một chữ khác, đều hay. Các nhà lãnh đạo tinh thần, thầy giáo dậy văn chương hay dùng trong những bài giảng: Tâm Hương, Tâm Linh, Tâm Tịnh, Tâm Phúc, Tâm Thanh, v.v… Hoặc: An Bình, An Lạc, An Hòa, An Khang…

      Nhưng thật sự trong đời sống hàng ngày chúng ta có với được tới hai chữ “Tâm An” không? Tại sao các linh mục, các nhà sư khi tới thăm người sắp qua đời cũng nói câu đầu tiên là: “Anh hay chị hãy sửa soạn cho mình được tâm an vào những giờ sau cùng của đời người.” Và người sắp ra đi đó cũng nhờ những vị hỗ trợ tinh thần “Giúp cho con đi được tâm an”.

      Như vậy có phải là chúng ta hàng ngày sống với cái “tâm động” hay không? Chúng ta có cả ngàn lý do để động tâm. Động tâm gồm cả: yêu quá mức, giận hờn, nghi kỵ, oán hận, ghen tuông, tự ái, kiêu hãnh, mặc cảm… Làm sao con người sống một đời không va chạm với ngần ấy thứ. Tránh cách nào cũng va vào một vài thứ. Ngay cả những bậc tu hành cũng phải mỗi ngày cầu nguyện, tĩnh tâm để mang mình ra khỏi những con lốc đó.

      Có bao nhiêu vị chân tu đích thực với được hai chữ “Tâm An”.

      Tâm không “An”, phải chăng do mỗi người đều đặt cái tôi của mình là điểm chính, rồi từ đó mang tới sự “hỗn loạn” trong tâm vì cái tôi không được hài lòng.

      Các lớp Thiền Học được mở ra, các khóa Tĩnh Tâm được tổ chức cũng không ngoài mục đích giúp cho con người có được “Tâm An”.

      Lời khuyên của Trang Tử từ hơn ngàn năm trước, trong Nam Hoa kinh, đã khuyên mọi người muốn có tâm an cần phải: “Ngủ không nằm mộng, thức chẳng lo lắng, ăn không cầu kỳ, thở thật thâm sâu” (Kỳ tẩm bất mộng, kỳ giác vô ưu, kỳ thực bất cam, kỳ tức cam cam).

      Ai ngủ mà không nằm mộng, nhưng có giấc mộng hiền lành, khi thức giấc, quên ngay. Có cơn mộng dữ, dậy toát mồ hôi, tim đập dồn dập và làm người ta cứ quay quắt với cơn mộng đó cả hai, ba ngày.

      Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa đản sinh năm 1981, còn được biết đến với hồng danh Khamtrul Rinpoche, tác giả cuốn sách Tâm An Lạc, viết: "Chính tâm ta tạo nên thế giới chúng ta đang sống", từ đó tác giả gửi tới thông điệp rằng thái độ, quan điểm của tâm chính là chìa khóa quyết định hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người.

      Trong Thiên Chúa Giáo cũng có Kinh Hòa Bình của thánh Francis hướng dẫn chúng ta muốn có tâm an thì điều cần thiết là : “Đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục… vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ.” Đó cũng chính là tự tâm mình tạo cho mình một thế giới hòa bình. Khi chúng ta còn trong tuổi thanh xuân hay ngay cả ở tuổi trung niên, chúng ta sống cuồng nhiệt với danh vọng, với những mục đích phải tiến tới:

      Đã mang tiếng đứng trong trời đất.

      Phải có danh gì với núi sông.


      Nguyễn Công Trứ

      Chúng ta mang hết cả tài hoa, thể lực ra để đạt được mục đích lý tưởng đó.Chắc chắn chẳng thế nào có được “Tâm An” vì những tiếng động danh vọng đó dội từ trong dội ra, từ ngoài dội vào. Nhưng khi đã bước đi đến gần hết con đường đời (cả danh vọng và tuổi tác), nếu chưa hiểu thấu đáo câu:

      Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

      Người khôn người đến chốn lao xao.


      của Nguyễn Bỉnh Khiêm thì quả là ta “Dại” thật.

      Ai trong chúng ta cũng có một cái bình chứa đầy lẫn lộn những cái cần thiết và những cái không không cần thiết. Chúng ta phải trút cả ra để nhặt giữ lại cái cần và cái không cần, vứt đi. Có khi chúng ta làm đi làm lại mãi mà sao khi cầm lên vẫn thấy bình đầy. Có phải, khi đổ ra để lựa lại, chúng ta thật ra chẳng vứt được bao nhiêu. Cái tủ áo quần cũng vậy, dọn tủ cho bớt đi, cầm lên bỏ xuống vẫn tiếc. Cuối cùng cái tủ vẫn đầy. Vậy cái tâm của mình đâu có khác gì cái bình hỗn tạp, cái tủ quần áo lâu năm.

      Những nhà tu hành luôn nhắc nhở chúng ta: “Muốn có tâm an, phải biết dốc hồn cho trống rỗng”. Hồn không trống rỗng, chúng ta chẳng bao giờ tìm được cái tâm an.

      Có một bài thơ tôi yêu thích lắm, nhất là khi đã bước qua tuổi sáu mươi. Đó là bài thơ “Điểu Minh Giản” của Vương Duy, nói về cái rỗng không của tâm với (thân nhàn) tiếng rơi của cánh hoa quế (hoa quế lạc), trăng mọc (nguyệt xuất) và tiếng chim núi kêu (kinh sơn điểu).

      Nhà thơ Vương Duy, đời Đường của Trung Hoa (701-761) đã để cái tâm mình rỗng, rỗng tới nỗi nghe được cả tiếng rơi của cánh hoa quế. Hoa quế là loại hoa rất nhỏ, cánh mỏng, rơi trên núi trong một đêm xuân tĩnh mịch làm sao gây được tiếng động trong tâm thi sĩ. Vậy thì có phải cái hương của hoa bay ra chính là tiếng dội vào cái tâm trống không?

      Con chim ở núi khi nhìn ánh trăng lên nó cũng giật mình cất tiếng kêu. Thật sự có tiếng chim kêu hay tiếng kêu đó chỉ bật ra từ cái tâm trống rỗng của thi nhân vì ánh trăng xuất hiện.

      Điểu Minh Giản

      Nhân nhàn hoa quế lạc,

      Dạ tĩnh xuân sơn không.

      Nguyệt xuất kinh sơn điểu,

      Thời minh tại giản trung.
      (Vương Duy)

      Dịch nghĩa:

      Người nhàn, hoa quế rụng,

      Đêm yên tĩnh, non xuân vắng không.

      Trăng lên làm chim núi giật mình

      Thỉnh thoảng cất tiếng kêu trong khe núi.


      Dịch thơ:

      Người nhàn hoa quế nhẹ rơi,

      Đêm xuân lặng ngắt trái đồi vắng tanh.

      Trăng lên, chim núi giật mình,

      Tiếng kêu thủng thẳng đưa quanh khe đồi.
      (Ngô Tất Tố dịch)

      Hoa quế khẽ rơi trong tâm an

      Đêm xuân tĩnh lặng trên đồi vắng

      Quanh đồi chim núi thẳng thốt kêu

      Mỗi khi chạm vào ánh trăng sáng.
      (tmt dịch)

      Hãy để cái tâm an của mình chỉ động khi chạm vào một bài thơ.

      Tmt

      Cuối năm 2016.

      ~ 0 ~


      Comment


      • #18
        Phải hiểu hai chữ “tâm an” như thế nào? Phải chăng “tâm an” có nghĩa là tâm không động và con người “tâm an” sẽ không còn ưu tư trước những cảnh tử, biệt, sinh, ly, không vui sướng khi thành công cũng chẳng chán chường khi thất bại. Một con người tồn tại tri giác nhưng không còn cảm xúc thì cuộc sống sẽ mang những ý nghĩa gì?

        Phải chăng “tâm an” có nghĩa là có khả năng kềm chế cảm xúc ở một mức độ nào đó để nó không tạo ra những phản ứng quá lố và để lại hậu quả tâm lý lâu dài, trong một số trường hợp. Như vậy thì đâu là giới hạn để cá thể có thể buông thả xúc cảm để được xem là “tâm an” và vẫn là một con người bình thường?

        Comment


        • #19
          Phải hiểu hai chữ “tâm an” như thế nào? Phải chăng “tâm an” có nghĩa là tâm không động và con người “tâm an” sẽ không còn ưu tư trước những cảnh tử, biệt, sinh, ly, không vui sướng khi thành công cũng chẳng chán chường khi thất bại. Một con người tồn tại tri giác nhưng không còn cảm xúc thì cuộc sống sẽ mang những ý nghĩa gì?

          Các bạn mến , theo P nghĩ TÂM AN tuy là tâm không động , nhưng không động không có nghĩa là vô cảm , người ta cầu tâm an để làm chi ? Để thấy được vẻ đẹp cũng như niềm vui ở xung quanh mình , P thí dụ , khi các bạn nghe một bản nhạc nếu các bạn thấy hay , biết rung cảm theo lời thơ ý nhạc tức là tâm đã an , không nhiều thì ít vì an nên mới cảm nhận được bản nhạc đó hay chỗ nào , vì không ai yên tâm thưởng thức nhạc được nếu đang rầu lo về một chuyện gì đó , hoặc tâm có an thì mới dễ dàng sáng tác được một bài thơ hay vẽ được một bức tranh , hoặc thưởng thức một bông hoa sắp nở cũng như hương hoa của nó , người tâm an cũng thưởng thức cảnh thiên nhiên khác người tâm động , thí dụ nhìn thấy cảnh bình minh người tâm an thấy đẹp nhưng người làm ruộng sẽ rầu nếu họ đang mong mưa mà hôm đó nắng !!!



          Phải chăng “tâm an” có nghĩa là có khả năng kềm chế cảm xúc ở một mức độ nào đó để nó không tạo ra những phản ứng quá lố và để lại hậu quả tâm lý lâu dài, trong một số trường hợp. Như vậy thì đâu là giới hạn để cá thể có thể buông thả xúc cảm để được xem là “tâm an” và vẫn là một con người bình thường?



          Nói về sự giới hạn để có tâm an P cũng chưa thấy đâu là ranh giới rõ ràng ở đây , thí dụ như có lần P đọc báo thấy nói có một người ở một làng nọ yêu cầu du khách khi đến đó thăm viếng đừng cho trẻ em ở đó quần áo hay bánh kẹo gì cả , tại sao vậy ? Người ta an tâm khi cho các em áo ấm và thưởng thức món ăn ngon thôi mà sao lại yêu cầu như thế ? Sau đó P được nghe giải thích thêm mỗi khi thấy bóng du khách các em trốn học để chờ quà , rồi sau đó thành thói quen không muốn đến trường luôn , P chỉ kể tới đây thôi , để các bạn thấy rằng chỉ với một hành động nhỏ cũng đã được thấy qua nhiều lăng kính , thì với tâm an cũng vậy , giới hạn của nó tùy theo quan điểm mỗi người mà thôi , nhưng biết đâu là giới hạn để biết kiềm chế , tức là đang đi trên con đường để đến tâm an rồi đó ( mình hy vọng như vậy )

          Tóm lại , Câu hỏi của anh Hùng ở trên thấy tuy không khó nhưng có lẽ phải tìm hiểu thêm từ các bộ sách về Thiền học hoặc dành thời gian để nghe nhiều những bài giảng của các vị Thiền sư may ra mới giải thích hết được những thắc mắc và lý lẽ của anh Hùng đưa ra

          Theo ý P , hai chữ TÂM AN tuy dễ hiểu , nhưng để đạt được trạng thái này trong nội tâm không dễ chút nào , tuy nhiên nếu mình muốn cũng không khó tìm lắm đâu , giống như Anh gỏ cửa sẽ có người mở vì đề tài này trên internet được người ta giới thiệu nhiều qua các bài giảng của những nhà Tâm lý hay các vị Thiền sư , và phương pháp để đạt được trạng thái đó cũng thường được giới thiệu như tập thiền hay Yoga ... hỏi cho biết có lẽ khó trả lời cho hết trong một bài viết lắm

          Tâm của mình đã được an chưa ? P cũng thường tự đặt câu hỏi này cho mình ,và vẫn chưa tìm thấy câu trả lời đâu các bạn ạ , nhưng P chắc chắn một điều khi P được trò chuyện với người có tâm bình an thì từ trường lan tỏa xung quanh họ cũng làm P cảm thấy thơ thới nhẹ nhàng theo , mà không ai xa lạ với các bạn đâu nhé , nếu mỗi khi các bạn được nói chuyện với các Thày cô của mình , không phải ngày kiểm tra bài tập đâu nha , trong tâm cũng thấy rất vui phải không các bạn ? Trong phạm vi của một comment P xin chia sẻ một chút suy nghĩ của mình và cũng rất mong được học hỏi thêm

          Cám ơn Trúc đã giới thiệu thêm một bài viết của tác giả TMT , Cô có nhiều bài viết mà P rất thích và một trong số những bài đó là bài TÂM AN của cô nữa ở đây

          Thân mến

          Comment


          • #20
            T thấy ý chị Phương na ná ý cuả T khi đọc bài Tâm An, may mà có chị trả lời giùm mấy thắc mắc cuả anh Hùng, không có chị chắc T chiụ chết vì không biết giải thích sao cho được như vậy. Cám ơn chị Phương .

            Xưa nay T không từng đi chuà, cũng không theo lớp Thiền hay kinh kệ gì cả, không phải vì không thích nhưng nghĩ mình chưa đủ thành tâm để đến những chốn tôn nghiêm như thế. Tuy vậy, có khi thấy chuyện này chuyện nọ cuả đời sống quanh mình thì nghiệm ra vài điều, không biết đúng hay sai nhưng thật lòng là nghĩ như vầy. Chỉ có mình làm cho lòng mình được thanh thản, hỉ nộ ái ố tự mình tâm mình nó sinh ra như vậy, chứ không từ ai khác, phần lớn từ cái 'muốn' mà ra. ‘Chỉ tôi biết đủ là đủ.’ T nghĩ nhiều về câu này mấy năm gần đây và thấy lòng nhẹ nhàng hơn nhờ bớt muốn.

            Hồi trước T xem buổi phỏng vấn Đạt Lai Lạt Ma, lúc nào ngài cũng cười. Ngài nói: 'Không thấy khổ vì không có gì để thấy bị mất mát, đời Ngài không sở hưủ thứ gì cả. ' Về tinh thần, Ngài khuyên nên nhìn sự việc mình đang có nưả ly nước đầy.

            Trước ngày HM, các bạn lớp T đề nghị lớp mình mặc áo đầm trắng hát ‘ 40 Năm tình bạn’, T than mình không có cái áo đầm trắng nào hết, chắc không tham gia màn này được thì chị Hoà kêu: ‘ Tới nhà Hoà lưạ áo nè, Hoà có tới năm sáu cái áo trắng, vưà cái nào lấy mà mặc.’ T hỏi: ‘ Sao chị có nhiều áo trắng vậy?’ ‘ Trời ơi thấy nó sale rẻ, nên cứ vác về. Có mấy cái chưa mặc bao giờ.’ Bước vô tủ áo cuả chị, nó rộng gấp ba bốn lần tủ cuả T mà áo chị treo chật cứng. Chị nói: ‘Anh Phăng phải chống cây từ khúc, không thôi nó sập.’ làm T tức cười quá. Về nhà ngó lại tủ áo cuả mình thấy khoẻ thì thôi.

            T luôn thích dọn dẹp nhà cưả, với T, sự sạch sẽ và ngăn nắp là cái nhà đã đẹp được 80% rồi, phần nhỏ còn lại là ‘deco’ chút xíu, có cũng được, thiếu cũng không sao. Bạn đọc biết không, cách đây mấy tháng T mượn ở thư viện hai quyển sách của Marie Kondo: The Life-Changing Magic of Tidying Up: The Japanese Art of Decluttering and Organizing và Spark Joy, đọc xong sáng mắt sáng lòng áp dụng liền. Nhà T bây giờ thuộc loại ‘ tường không phòng trống’. Rất nhiều thứ bây giờ chỉ còn trong ký ức cuả T, thanh thản vô cùng. Hy vọng đây là bước đầu để tâm an.

            ~ 0 ~


            Comment


            • #21
              Hãy sống khát khao. Hãy sống dại khờ

              Đây là diễn văn lễ tốt nghiệp do Steve Jobs (Tổng quản trị hãng Apple Computer và Pixar Animation Studios) đọc ngày 12 tháng 6 năm 2005 tại trường đại học Stanford, California.

              Bài dịch này T đọc được đã lâu trên 'internet', nay tình cờ đọc lại, vẫn thấy hay nên muốn chia sẻ với bạn đọc.


              Tôi rất vinh hạnh được hiện diện hôm nay cùng các bạn tại lễ tốt nghiệp của (Stanford,) một trong vài trường đại học ưu tú nhất trên thế giới. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp đại học. Thực vậy, dịp này có lẽ là dịp duy nhất tới nay tôi dự phần vào lễ ra trường. Hôm nay tôi muốn thưa với bạn ba câu chuyện của đời tôi. Chỉ đơn giản vậy thôi. Không có gì to tát cả, chỉ có ba câu chuyện.

              Nối các chấm lại với nhau

              Chuyện đầu tiên là về việc “nối các chấm lại với nhau.”

              Tôi bỏ học trường Reed College chỉ sau sáu tháng theo học, nhưng cũng còn ráng nán lại gần một năm rưỡi để học thêm một số lớp nữa trước khi thực sự thôi học. Có lẽ bạn sẽ hỏi vì sao tôi bỏ học?

              Chuyện đó bắt nguồn ngay từ truớc khi tôi chào đời. Mẹ ruột tôi là sinh viên trẻ đang theo học để lấy bằng cao học, rủi có bầu ngoài hôn thú, và đã quyết định cho tôi làm con nuôi người khác. Bà ấy rất muốn tôi được làm con của một gia đình khoa bảng, do đó tôi đã được thỏa thuận sẽ được làm con nuôi của một cặp gia đình luật sư. Có một trục trặc là khi tôi ra đời thì cặp vợ chồng này đổi ý vì họ thực sự muốn nuôi một đứa con gái. Khi đó thì cha mẹ nuôi tương lai của tôi nhận được một cú điện thoại lúc nửa đêm hỏi rằng nhà thương có một đứa con trai mới sinh, và rằng cha mẹ tôi có muốn nhận nó hay không? Họ trả lời “Dĩ nhiên rồi,” vì họ cũng đang trong danh sách chờ xin con nuôi. Mẹ ruột tôi sau đó phát giác rằng mẹ nuôi tôi chưa hề tốt nghiệp đại học, còn ba tôi cũng chưa hề tốt nghiệp trung học. Bà từ chối không chịu ký giấy cho con nuôi. Vài tháng sau bà mới ưng thuận khi ba mẹ nuôi tôi hứa với bà rằng sẽ cho tôi theo học đại học.

              Mười bảy năm sau quả tình là tôi được học đại học. Nhưng tôi đã quá ngây thơ khi chọn một đại học cũng tốn phí ngang như trường Stanford, thế là cả món tiền lao động lam lũ mà ba mẹ tôi dành dụm đều tiêu vào tiền học cả. Sau sáu tháng học hành, tôi chẳng thấy việc theo học này ích lợi chi cả. Tôi không có một ý tưởng sự nghiệp sau này sẽ ra sao, và chẳng biết học đại học rồi có giúp cho tôi tìm ra được câu trả lời hay không, trong khi tôi đang tiêu sạch món tiền mà ba mẹ tôi khổ nhọc dành dụm bấy lâu. Thế nên tôi quyết định bỏ học và tin rằng mọi sự sẽ tốt đẹp sau này. Quả là khi đó thì quyết định này liều lĩnh thật, nhưng nhìn lại thì nó là một trong những quyết định tuyệt vời nhất của tôi. Ngay sau khi quyết định thôi học, tôi bỏ hết các môn bắt buộc và bắt đầu chỉ lấy những lớp tôi cảm thấy hay ho.

              Đời sinh viên khi ấy cũng chẳng thơ mộng gì cho lắm. Tôi không có phòng trọ riêng, vì thế tôi ngủ tạm sàn nhà của các bạn học, rồi tôi đi lượm những lon nước ngọt để bán lại với giá 5 xu tiền ký thác mỗi lon, rồi dùng tiền này để mua thức ăn. Tôi còn nhiều lần đi bộ 7 dặm xuyên thành phố tới đền thờ Hare Krisna mỗi chủ nhật để được ăn tối miễn phí. Tôi (chẳng nề hà chi cả mà còn) cảm thấy thích thú nữa là đằng khác. Những điều tôi chạm trán khi theo đuổi trực giác cũng như thỏa mãn trí tò mò sau này lại trở nên vô giá. Để tôi lấy một thí dụ:

              Trường Reed khi ấy có mở lớp dạy viết thư pháp (calligraphy) và có ban giảng huấn vào bậc nhất trên toàn quốc. Các biểu ngữ trong khuôn viên trường cũng như các nhãn tên trên ngăn tủ đều được viết bằng tay thật đẹp. Vì tôi đã bỏ học và không còn phải học các lớp bắt buộc nữa, tôi quyết định theo học lớp thư pháp để học cách vẽ như thế. Tôi học về các kiểu chữ serif và sans serif, về sự gia giảm khoảng cách giữa các ký tự không cùng kiểu chữ, và tại sao các kiểu chữ đẹp lại đẹp toàn hảo như vậy. Tôi cảm thấy bị quyến rũ bởi các kiểu chữ tuyệt đẹp này, chúng có một bề dày lịch sử, rất nghệ thuật với một độ tinh tế mà khoa học không tài nào lột tả được.

              Lúc đó tôi nghĩ những điều tôi học kể trên chẳng có một ứng dụng thực tiễn nào cho đời tôi cả. Thế nhưng mười năm sau, khi chúng tôi thiết kế cái máy Macintosh thế hệ đầu tiên, những điều tôi học được lại hiện lên rõ ràng. Tôi đã đem hết những hiểu biết có được để ứng dụng vào máy Mac. Đấy là máy điện toán đầu tiên với các kiểu chữ thật đẹp. Nếu tôi không theo học lớp thư pháp, máy Mac có lẽ chẳng bao giờ có nhiều thiết kế khác nhau trong cùng một kiểu chữ (typeface) hay các kiểu chữ có khoảng cách thay đổi theo tỷ lệ(proportionally spaced fonts.) Và vì hệ điều hành Windows nhái hệt theo Mac, có lẽ sẽ chẳng có máy tính nào hiện nay sẽ có các kiểu chữ đẹp như ta đang quen dùng. Nếu tôi không bỏ học, có lẽ tôi chẳng theo học lớp thư pháp, và có lẽ sẽ chẳng có máy tính nào hiện nay sẽ có các kiểu chữ đẹp như vậy. Dĩ nhiên khi tôi còn đang đi học thì tôi chẳng tài nào nối các dữ kiện này với nhau để tiên đoán tương lai, nhưng mười năm sau nhìn lại thì mọi việc đều trở nên rõ ràng.

              Tình Yêu và sự Mất mát

              Chuyện thứ hai tôi sẽ kể là về tình yêu và sự mất mát.

              Tôi là nguời rất may mắn – Tôi tìm thấy điều tôi muốn làm khi tôi còn rất trẻ. Woz (Steve Wozniak) và tôi sáng lập hãng Apple trong nhà xe của ba mẹ tôi khi tôi chỉ mới 20 tuổi. Chúng tôi làm việc cật lực, và chỉ trong 10 năm Apple đã lớn mạnh từ hai chúng tôi thành một công ty trị giá hai tỷ mỹ kim với trên 4000 nhân viên. Chúng tôi vừa cho ra lò sản phẩm tuyệt hảo nhất – máy Macintosh – chỉ một năm trước đó, và tôi thì vừa tròn 30 tuổi. Và tôi bị đuổi việc. Làm sao mà bạn lại bị đuổi việc từ chính công ty bạn sáng lập? Xin thưa rằng, khi Apple khuyếch truơng chúng tôi có mướn một người mà riêng tôi nghĩ là rất có tài để cùng chung điều khiển công ty, và quả nhiên trong năm đầu tiên thì mọi sự tiến triển tốt đẹp. Nhưng càng ngày thì tầm nhìn về tương lai giữa tôi và người ấy càng ngày càng cách biệt và rồi những bất đồng xảy ra. Hội đồng quản trị lại đứng về phe ông ta. Thế là tôi phải ra đi. Ra đi ê chề trước nhãn quan mọi người. Những gì tôi chú tâm vào làm trong cả đời đột nhiêu bị tan biến, tôi cảm thấy hoàn toàn thất bại.

              Suốt mấy tháng sau đó, tôi thực sự chẳng biết phải làm gì nữa. Tôi cảm thấy là tôi đã làm thất vọng cả thế hệ doanh nhân trước thời của tôi, rằng tôi đã làm rớt ngọn đuốc Olympic khi nó được truyền cho tôi. Tôi gặp David Packard và Bob Noyce rồi tìm cách xin lỗi họ vì đã làm những sai lầm quá tệ hại. Tôi là một người nổi tiếng đã bị thất bại, và tôi cũng đã từng nghĩ đến chuyện chạy trốn khỏi thung lũng hoa vàng. Nhưng dần dà tôi nhận thức ra một điều, đó là tôi vẫn còn yêu thích những gì tôi đã làm. Những sự kiện liên tiếp xảy ra ở Apple chẳng làm thay đổi lòng đam mê của tôi chút nào. Tôi bị khước từ, nhưng tôi vẫn còn lòng say mê. Thế là tôi quyết định làm lại từ đầu.

               

              Lúc đó tôi chẳng hề nhận thức rằng bị đuổi khỏi Apple lại chính là cái may lớn nhất trong đời. Cái sức ép ngàn cân như là một doanh nhân thành đạt trước kia nay được thế bằng cái cảm giác nhẹ tợ lông hồng của một người vừa khởi nghiệp, chẳng còn chắc mẩm về bất cứ cái chi nữa cả. Sự thanh thoát này đã giúp tôi bước vào một trong các giai đoạn sáng tạo lẫy lừng nhất trong đời tôi.

               

              Trong năm năm sau đó, tôi sáng lập một công ty với tên gọi NeXT, rồi một công ty khác nữa có tên gọi Pixar, rồi tôi phải lòng một phụ nữ rất tuyệt vời, cô sau này cùng tôi nên duyên vợ chồng. Hãng Pixar sau đó phát triển không ngừng để sáng tạo ra phim hoạt hình vẽ bằng công nghệ điện toán đầu tiên trên thế giới với tựa đề “Chuyện của các đồ chơi” (Toy Story.) Hiện thời, Pixar là hãng làm phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Tiếp theo đó, với những bước ngoặt thật đáng kể, Apple mua lại hãng NeXT, tôi trở lại Apple, và nay thì những công nghệ chúng tôi phát minh tại NeXT đang là cốt lõi của sự phục hưng tại Apple. Thêm vào đó, tôi và Laurence đang chung xây một mái nhà tranh với hai quả tim vàng.

               

              Tôi đoan chắc những điều vừa kể trên chẳng thể nào xảy ra được nếu như tôi chẳng bị đuổi việc. Đúng là thuốc đắng dã tật. Đôi khi đời đá ta như bị bò đá. Đừng bao giờ mất niềm tin, các bạn ạ. Tôi đoan chắc là chỉ có lòng say mê với công việc mình yêu thích mới làm tôi vực dậy nổi sau khi đã ngã sóng xoài. Bạn phải tìm ra cho bằng được bạn say mê cái gì. Điều này cũng đúng cả khi bạn yêu thích một công việc cũng như khi bạn tìm kiếm người trong mộng. Vì công việc bạn làm sẽ chiếm trọn một phần đời của bạn, cách duy nhất khiến bạn có thể thực sự toại nguyện là khi bạn làm những gì bạn cảm thấy là việc to tát như vá biển lấp trời. Cách duy nhất để có thể làm những việc đội đá vá trời như vậy là bạn phải yêu thích những gì bạn đang làm. Nếu bạn chưa tìm ra những việc làm thỏa mãn như vậy, hãy tiếp tục tìm kiếm. Đừng thỏa hiệp với sự tầm thường. Cũng hệt như tiếng gọi của con tim, bạn sẽ tự cảm nhận được một khi nào bạn tìm ra được việc làm yêu thích. Và, cũng hệt như những mối tình lớn khác, lòng đam mê với việc đã chọn sẽ chỉ tăng dần theo năm tháng. Vì thế hãy gắng tâm tìm kiếm cho tới khi tìm thấy công việc làm bạn đam mê. Đừng thỏa hiệp với chính bạn.

               

              Lưỡi hái của Tử thần

               

              Câu chuyện sau cùng là về sự chết.

               

              Khi tôi mới 17 tuổi, tôi có đọc được một danh ngôn đại loại là: “Nếu bạn sống mỗi ngày như là ngày cuối đời bạn, dần dà đời bạn sẽ khá hơn lên.” Câu danh ngôn này để lại một dấu ấn trong tôi, rồi suốt 33 năm qua mỗi sáng tôi đều nhìn vào gương và tự hỏi mình: “Nếu hôm nay là ngày cuối cuộc đời tôi, tôi còn ham muốn làm những gì tôi sắp làm hôm nay không?” Mỗi khi tôi trả lời “Không” liên tiếp chừng tuần lễ, tôi tự biết tôi cần phải thay đổi một cái gì đó.

               

              Luôn tự nhủ là tôi sẽ phải chết sớm thực là một tuyệt chiêu, nó giúp tôi nhiều phen khi phải làm những quyết định quan trọng trong đời. Bởi chưng mọi thứ quanh ta – từ những trông mong ngoại cảnh vào khả năng của ta, những tự mãn cùng nỗi sợ hãi bị làm mất thể diện hay sợ thất bại – những điều như trên chẳng còn nghĩa lý gì nữa khi ta chạm mặt tử thần. Lúc đó chỉ còn những gì tối hệ trọng mới đáng kể. Luôn ghi nhớ rằng tôi sắp chết là cách tốt nhất tôi dùng để tự đối phó mỗi khi tôi nghĩ tôi sắp thua một ván bài nào đó. Khi bạn bị dồn vào chân tường và bị lột trần như nhộng, còn gì mất nữa đâu và bạn an nhiên nghe theo tiếng lòng mình.

               

              Khoảng một năm về trước, tôi bị chẩn đoán là mắc bệnh ung thư. Tôi được chụp quang ảnh ngay từ khoảng bẩy giờ rưỡi sáng hôm đó, kết quả cho thấy rõ ràng tôi bị bướu ở tụy tạng (pancreas.) Lúc ấy tôi cũng chả biết tụy tạng là cái gì. Các bác sĩ bảo tôi rằng loại ung thư này thuộc loại vô phương cứu chữa, và rằng tôi chỉ còn sống được cao lắm là từ ba tới sáu tháng mà thôi. Bác sĩ khuyên tôi nên về nhà “giải quyết chuyện gia đình cho có trước sau,” hàm ý bảo tôi về nhà chuẩn bị chết đi là vừa. Đối với tôi, điều này có nghĩa là tôi phải gom cho gọn lại những gì tôi sẽ dạy bảo cho lũ con tôi trong mười năm để chỉ dạy dỗ trong vòng vài ba tháng. Điều này cũng có nghĩa là tôi sẽ phải bạch hóa mọi chuyện trong nhà để người thân của tôi còn biết đường lo liệu. Điều này có nghĩa là tới giờ đi chào vĩnh biệt mọi người.

               

              Tôi đã sống với cái chẩn đoán đó suốt ngày. Tới tối,tôi được làm một phẫu thuật nhỏ (sinh thiết,) người ta thọc một ống nội soi qua cổ họng, xuống dạ dày tới ruột, rồi cho một kim chích vào tụy tạng để lấy vài tế bào của cục bướu. Tôi được chích thuốc gây mê, nhưng vợ tôi cũng có mặt ở phòng mổ đã kể lại rằng khi các bác sĩ khám nghiệm các tế bào này qua kính hiển vi, họ đã reo lên vì cục bướu của tôi thuộc loại bướu tụy rất hiếm và có thể khỏi bịnh được sau khi đã lấy nó ra. Tôi đã trải qua cuộc phẫu thuật để lấy ra cái bướu đó và khỏi bịnh rồi.

               

              Có lẽ đây là lần tôi cận kề cái chết nhất trong đời, tôi mong sẽ chẳng phải trải qua một thử thách nào tương tự trong ba bốn mươi năm tới. Đã trải qua kinh nghiệm sinh tử này, tôi muốn nhắn nhủ các bạn đôi điều:

               

              Chẳng ai muốn chết cả. Ngay cả những ai muốn lên Thiên Đàng cũng không muốn phải chết trước rồi mới tới nơi ấy. Tuy vậy, sự chết là điều mà ai cũng sẽ phải trải qua. Chưa ai vượt thoát khỏi sự chết. Và điều này thì cũng tự nhiên thôi, bởi chưng Sự chết là sáng chế tuyệt vời, độc nhất vô nhị của Sự sống. Nó là tác nhân làm thay đổi Sự Sinh Tồn. Nó dẹp bỏ đi những gì cũ kỹ để dọn chỗ cho cái mới tiếp vào. Ngày hôm nay các bạn chính là cái mới đấy, nhưng một ngày nào đó trong tương lai gần, các bạn sẽ lão hóa và sẽ bị sa thải khỏi địa cầu. Xin lỗi các bạn vì tôi có vẻ như cường điệu hóa quá đáng, nhưng đây là sự thật.

               

              Vì sự hiện hữu của các bạn chỉ có hạn, bạn chẳng nên sống cho người khác. Đừng bị bó buộc bởi những giáo điều, vì chúng sẽ làm bạn sống với những khuôn khổ do người khác đặt ra. Đừng để những ý kiến của người khác làm nhiễu loạn cái tâm của bạn. Trên hết, hãy can đảm đi theo tiếng gọi của trực giác và khởi tự tâm mình. Những tiếng lòng này thật vi diệu vì chúng biết rõ bạn sẽ ra sao ngày sau. Mọi thứ khác trên đời chỉ còn là thứ yếu.

               

              Khi tôi còn trẻ, tôi thường mua một quyển sách rất đặc sắc tên là “ Thư Mục Toàn Cầu“, sách này là một trong những sách gối đầu giường của thế hệ chúng tôi. Người sáng lập thư mục sách trên là ông Steward Brand, cũng là một cư dân sống rất gần khuôn viên trường ta, ông đã cho ấn phẩm này một sức sống đặc biệt qua tài năng nghệ thuật tuyệt vời của ông. Nên nhớ là sách ra mắt vào khoảng cuối thập niên sáu mươi, trước khi máy điện toán cá nhân và nhu liệu xuất bản sách báo ra đời, nên những gì bạn xem đều được làm rất thủ công bằng máy đánh chữ, kéo, và máy chụp hình lấy liền (polaroid.) Sách có nội dung tương tự như một loại Google để tra cứu, 35 năm trước khi Google chào đời. Sách cũng rất thực tế và nội dung thì tràn đầy các “dụng cụ” hữu ích cũng như các ý tưởng cao siêu.

               

              Steward và bộ sậu của ông xuất bản vài bộ “Thư Mục Toàn Cầu,” rồi khi ấn phẩm đã có vẻ thoái trào, họ cho in ấn bản cuối. Lúc ấy là vào khoảng giữa thập niên bảy mươi, khi tôi còn trẻ măng như các bạn bây giờ. Ở bìa sau ấn bản cuối này là một tấm hình chụp một con đường làng lúc sớm mai, cái kiểu đường làng làm bạn muốn nhảy dù đi chơi xa nếu bạn thuộc típ người mạo hiểm. Dưới hình là dòng chữ “Stay Hungry. Stay Foolish.” Đó là lời chúc giã từ của ban biên tập trước khi thôi xuất bản sách. Giữ lòng thèm khát, và một cái tâm khờ khạo. Tôi luôn tự chúc mình như vậy. Giờ đây, khi các bạn sắp tốt nghiệp để bắt đầu một đời sống mới, tôi cũng chúc bạn như vậy.

               

              Hãy sống khát khao. Hãy sống dại khờ.

               

              Cám ơn các bạn rất nhiều.





              ~ 0 ~

              Comment


              • #22
                Cái Thú Cuả Tôi


                Trần Doãn Nho

                Đọc văn, đọc thơ là cái thú tinh thần tao nhã. Xưa nay ai cũng nói thế.

                Riêng tôi, nói các bạn đừng cười, trong những gì tôi đọc thì thích nhất vẫn là đọc tác phẩm của mình. Đó là một tật xấu, tôi biết. Biết mà không bỏ được.

                Tôi không phải là người viết mới. Bài tôi viết đã được đăng nhiều lần trên nhiều báo khác nhau rồi. Thế mà hễ số báo nào biết là có bài mới viết sắp đăng, tôi vẫn cứ hồi hộp đợi. Ngày nào cũng hong hóng trông người đưa thư, lòng thấp thỏm không yên, y như đợi người tình thuở đầu đời mới biết yêu. Báo đến rồi, xé vội xé vàng xem thử bài mình đăng ở đâu. Có được đặt ở một vị trí tương đối có giá không, hay là bị đẩy đến một nơi không mấy người thèm để ý?

                Đây rồi, tên mình đây rồi! Bài mình viết đây rồi! Bài nằm ở giữa, thôi thì cũng được. Thế là tôi bắt đầu lật tới lật lui tờ báo trong lúc mắt thì ngắm nghía cái tên mình, ngắm nghía cái tựa đề mình đặt. Sao mà nó dễ thương chi lạ! Nó lung linh, run rẩy, nhảy múa trước mắt mình như một vật trân quý. Ngắm chán, rồi bắt đầu đọc. Say sưa. Cảm động. Trời, bài mình viết đây sao? Hay tệ! Những con chữ và những chuỗi câu trôi đi, lướt qua trước mắt trên tờ giấy trắng tinh, mang theo con tim khối óc của mình. Càng đọc, càng say sưa, càng đắm mình trong cái thế giới nhỏ nhoi nhưng vĩ đại của mình. Càng đọc càng cảm thấy thương mình chi lạ. Thương cái tựa đề, thương cách dùng chữ. Thương câu này ngắn câu kia dài. Thương từ dấu chấm dấu phết cho đến cách xuống giòng. Thương cái ý, cái tình mình trải ra trên trang giấy. Rồi thương những lúc bỏ công ra ngồi cặm cụi viết, cặm cụi đánh máy, cặm cụi sửa. Đọc đến một đoạn nào ưng ý, gấp sách lại, nhắm mắt bồi hồi, tận hưởng cảm giác lâng lâng của một đứa trẻ con được thưởng quà.

                Cuối bài, tần ngần ngắm lại tên tôi. Không chán. Vâng, tôi đó. Tôi sở hữu nó. Nó là tôi. Tôi là nó. Ngắm chán, tôi lật trở lên đầu bài, đọc tiếp. Lại bồi hồi, xao xuyến. Hết, đọc lại. Ngày hôm sau, dở ra, đọc tiếp. Đôi khi, suốt cả tuần, tôi chỉ còn một cái thú: đọc bài của mình với một nỗi tự hào bất tận. Tôi mê tôi đến thế thì thôi! Tôi mê văn mình đến nỗi chỉ thấy bài mình. Lật lui lật tới, vẫn chỉ thấy bài mình nằm chình ình ra đó. Dường như cả tờ báo, chỉ có một mình bài của tôi. Chỉ có bài tôi mới đáng đọc. Còn các bài khác thì thôi. Quên. Quên luôn. Có khi quên hẳn chẳng bao giờ đọc tới.

                Bạn đừng vội cho rằng tôi thuộc cái “tip” nác-xi-xít (narcissism), chỉ biết yêu mình. Đúng ra, có phải tôi yêu tôi đâu! Tôi chỉ yêu văn tôi thôi. Nghĩa là yêu cái sản phẩm mình làm ra. Yêu những hình ảnh, ý tưởng mình gầy dựng nên bằng con chữ. Yêu chính nỗ lực của mình. Nghĩa là yêu tình cảm của tôi. Nghĩa là yêu cuộc đời tôi. Nghĩa là yêu những nhân vật tôi bịa ra. Nghĩa là yêu những người tôi từng biết, từng gặp, từng ghét, từng thương. Yêu những ngõ ngách tâm hồn. Yêu những khuất tất không tỏ. Yêu những bất hạnh. Yêu những đớn đau. Yêu những xúc cảm.

                Bạn đừng vội trách. Hãy tưởng tượng bạn có một đứa con mới sinh, kết quả của một mối tình mặn nồng. Bạn cư xử với nó như thế nào? Chắc chắn là bạn sẵn sàng hy sinh tất cả cho nó, phải không nào? Bạn bồng ẵm, hôn hít, rờ rịt, ngắm nghía suốt ngày suốt đêm, phải không nào? Bạn thấy cái gì của nó cũng đẹp, từ con mắt, lỗ tai, đầu tóc cho tới ngón tay ngón chân, phải không nào? Từ câu nói bập bẹ cho đến những bước đi chập chững, phải không nào? Ai chê con bạn xấu, bạn giận. Ai khen con bạn đẹp, bạn mừng. Nó thích gì bạn cũng cho. Nó đòi gì bạn cũng chìu. Khi nó đau, bạn đau theo. Khi nó khóc, bạn hốt hoảng. Con người hàng xóm có đẹp đến đâu, bạn nào có cảm giác. Làm sao mà bằng con bạn được, phải không? Sao vậy? Câu trả lời thật đơn giản: đó là con tôi.

                Cũng vậy, tác phẩm của tôi, chính là con tôi. Mỗi một tác phẩm là một đứa con, vừa tinh thần, vừa vật chất. Nó là kết quả của một sự cọ xát giữa tôi và cuộc đời. Là một hôn phối. Một vật vã. Một tìm kiếm. Một trăn trở. Nó cũng phải trải qua những tháng ngày thai nghén. Những đau đáu khai sinh. Khi ra đời, nó bắt đầu va chạm với thế giới và chịu đựng đủ thứ phản ứng: chê, khen, dè bỉu, thậm chí bị chưởi rủa. Như đứa con, nghe ai khen thì vui. Nghe ai chê thì buồn, thì giận. Được khen, đôi khi sung sướng đến quên ăn bỏ ngủ. Bị chê, chán nản đến độ đau khổ không thua gì tình phụ. Bạn không tin tôi sao? Cứ thử ngồi trước mặt tôi mà chê tác phẩm của tôi đi! Bạn tưởng tôi lịch sự à? Bạn tưởng tôi rộng lượng à? Không đâu, bạn. Bạn có thể nợ tôi dăm ba trăm, quên không trả. Bạn có thể chê tôi không đẹp trai. Bạn có thể than phiền tôi đủ thứ này nọ. Nhưng coi chừng, đừng có mà chê văn tôi! Văn tôi là nhất.

                Trên kia, tôi có nói không phải tôi yêu tôi mà là yêu văn tôi. Y như thể văn tôi khác tôi. Đúng ra, chỉ là một cách nói. Văn tôi là cái gì vậy? Chả là tôi hay sao? Nó là của tôi. Thuộc về tôi. Một phần tôi. Là óc não tôi. Là da thịt tôi. Tóm lại, tác phẩm là một thành phần của bản thân tôi. Tôi xin nói rõ như thế này: một thành phần của tôi thì có nghĩa là tôi.

                Có khi nào bạn tự hỏi: tôi là gì? Riêng tôi, tôi nhiều lần tự vấn mình bằng một câu hỏi ngây ngô như thế. Khi bạn nhìn tôi, bạn sẽ chỉ thấy tôi là một thân xác hay một vật thể di động: một sinh vật. Như con mèo, con ngựa, con chim. Không chỉ là như thế. Tôi là một hiện hữu, bạn ạ. Một hiện sinh, bạn ạ. Bản thân tôi, ngoài cái thể xác này, tôi còn có thể nới rộng tôi ra đến vô cùng. Trên thì tràn tới tận thiên đàng. Và dưới không chừng chạm đến địa ngục. Bởi tôi có thể nói: vợ tôi, con tôi, nhà tôi, bạn tôi, nước tôi, phe tôi, đảng tôi, thành phố tôi, thế giới tôi và …văn tôi. Nói vợ tôi nghĩa là vợ của tôi/ bạn tôi = bạn của tôi/nước tôi = nước của tôi/ đảng tôi = đảng của tôi/ thế giới tôi = thế giới của tôi. Bạn lưu ý nhé: của! Cái chữ đơn giản gồm chỉ có ba chữ cái ấy quan trọng lắm đó nhe. Không chừng chỉ vì giành nhau chữ đó mà thế giới sinh ra chiến tranh triền miên không dứt, chứ không phải chuyện đùa đâu.

                Thậm chí ngay cả khi một người nào đó chết đi, chỉ có thân xác ông/bà/hắn ta biến mất, chứ những cái của ông/bà/hắn ta vẫn còn tồn tại. Có những cái chết khiến cho “cái tôi” của họ lớn hơn thành phần bản thân của họ nhiều. Những người anh hùng hay vĩ nhân chẳng hạn. Rõ ràng là họ mang bản thân vượt xa thân xác họ, thân phận họ và đất nước họ rất nhiều. Người ta chả mệnh danh họ là những người “đi vào lịch sử” đó hay sao!

                Tôi tầm thường, nhỏ nhoi, yếu đuối, không thể và không biết làm anh hùng nên chẳng dám so sánh với ai. Tôi chỉ tìm cách nới rộng tôi ra một chút bằng cách: viết. Vậy, vì văn tôi là… tôi, thì nếu tôi chỉ yêu văn tôi, có gì bạn phải ngạc nhiên?

                ***

                Nhưng, những giờ phút ngất ngây đó không kéo dài mãi. Một hôm, tôi đau đớn nhận ra một điều khác thường: những gì mình viết ra không có gì hay. Tôi bàng hoàng tự hỏi: văn của tôi mà như thế đó sao?

                Tôi không nói ngoa đâu! Thường thì một tác phẩm ra đời, có người khen hay, có người chê dở, tùy theo quan điểm văn chương hay trình độ hay cảm quan riêng, là sự thường. Riêng tôi, sự thể có khác. Trước đây, tôi thích nó vì nó là của tôi. Bây giờ, đột nhiên tôi khám phá ra cái của tôi đó dường như có nhiều điều trục trặc. Thế mới kỳ! Đọc đi đọc lại, tôi mất hết cảm giác hưng phấn của những ngày đầu khi bài viết mới được hoàn tất. Thoạt tiên, cái “không hay” chỉ là một ý chung chung. Dần dần, tôi tìm ra nhiều điều không hay khác. Câu chuyện, ý tưởng, hình ảnh lủng ca lủng củng, chẳng có một chút gì hấp dẫn. Câu kéo rời rạc, chỗ thì dài dòng, chỗ lại thiếu hụt, nhiều câu trùng ý và sai cả văn phạm. Lạ thật! Tôi ngờ rằng một ai đó đã viết chứ không phải mình. Tự hỏi: sao mà mình, lúc đó, lại có thể viết như thế này nhỉ?

                Bởi vậy, hễ đọc lại là muốn sửa: sửa câu, sửa chữ, sửa ý. Thậm chí muốn sửa hết cả tác phẩm của mình. Tôi cảm thấy dị ứng với những gì mình đã viết. Có khi nào bạn đọc lại những lá thư tình bạn viết cho người yêu mà mối tình đã đổ vỡ? Đấy, bạn sẽ thấy những lời lẽ trìu mến, nồng nàn mà bạn đã từng say sưa viết ngày nào, lúc này bỗng trở thành vô duyên lạ lùng!

                Chưa hết. Càng đọc những bài viết xa hơn trong quá khứ, tôi lại càng thấy chúng lạc loài hơn. Hơi văn, ý tứ, hình ảnh… cũ càng, chuệch choạc. Tôi cảm thấy xa lạ với chính chữ nghĩa của mình. Y như một ngày nào đó, bạn khám phá ra rằng, đứa con mà bạn đã từng yêu quý như vàng như ngọc bây giờ khác hẳn. Nó không đẹp như người khác, không giỏi giang như người khác, không mềm mỏng như người khác… Nó độc lập. Nó có phận riêng của nó, chừng như bạn không thể nào can thiệp được. Nó không còn là của bạn nữa.

                Những gì tôi viết cũng thế, đã có phận riêng của nó rồi. Lúc đầu, tôi vẫn tưởng tôi có quyền làm gì nó thì làm. Nghĩa là sửa, là xóa, là viết lại. Không đâu. Nó đã thành hình. Đã chào đời. Nó là của tôi nhưng không phải của tôi. Vậy tôi có quyền gì thay đổi số phận của nó chứ!?

                Thôi thì để cho nó bình yên trôi vào quá khứ. Và tự nguyện sẽ viết một cái gì hay hơn. Tôi không có tính hiếu đại, muốn sáng tác ra một cái gì để đời, vĩnh viễn có giá trị. Hơn nữa, tôi vốn không tin tính “vĩnh viễn” của bất cứ cái gì trên đời này, nói gì đến văn chương là thứ mà bản chất là vô thường! Nhưng tôi muốn mình phải viết hay như người khác, như những ai mình đã từng tâm phục. Tôi muốn viết một tác phẩm lớn. Lớn, vâng. Tôi muốn trở thành văn hào, thi hào hay một nhà phê bình được mọi người ngưỡng mộ. Vâng, muốn lắm.

                Nhưng làm sao bây giờ?

                Để thành một nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, nhà phê bình… thì không có gì khó. Cứ viết truyện thì thành nhà văn, cứ làm thơ thì thành nhà thơ, cứ viết biên khảo thì thành nhà phê bình. Dễ ợt, phải không bạn? Khổ nỗi, không có sách nào chỉ cho mình cách để trở thành văn hào hay thi hào cả. Mà dường như không ai trong số những người đã được phong tặng danh xưng đó nghĩ rằng mình viết để trở thành văn hay thi hào. Danh xưng là cái đến sau, chứ tôi độ chừng rằng trong khi viết thì có lẽ họ cũng làm một việc như bạn, như tôi: cắm cúi viết. Mà văn, thi hào thì để làm gì nhỉ?

                Thành thử, tất cả điều tôi muốn bây giờ giản dị hơn nhiều: cố gắng viết hay hơn chính mình. Tôi muốn hơn chính tôi, bạn ạ. Muốn vượt qua tôi. Muốn thách đố với khả năng tôi. Muốn trở thành đối thủ của tôi. Hay ít nhất cũng tìm cách khác tôi. Tóm lại, cố gắng đừng lập lại chính mình. Chính vì thế mà tôi thích viết, viết hoài.

                Vậy bạn đừng ngạc nhiên, tại sao đến bây giờ, tôi vẫn còn viết. Cứ viết. Tôi muốn duy trì cái thú của tôi: thưởng thức bài viết của mình khi nó còn tinh khôi, chưa cọ xát với đời. Dẫu biết rằng những gì tôi viết hôm nay, sẽ là điều tôi không muốn đọc vào một lúc nào đó.

                Sau này.

                (Trích “Từ Ảo đến Thực”)

                Comment


                • #23
                  Tiếng Chuông Chùa


                  Huy Phương

                  Nhiều đêm thức giấc trong sự vắng lặng của thành phố nhỏ, lan man nhớ lại thời tuổi trẻ, bỗng dưng tôi thèm nghe một tiếng chuông chùa. Tiếng chuông đó tôi đã từng gặp trong những ngày tháng thơ ấu, tiếng chuông thanh thoát như gợi lên từ tĩnh lặng, đến đây từ hư vô, đem lại cho tâm hồn sự bình an, không phiền muộn. Một buổi chiều nào đó trên bờ sông Hương, thời niên thiếu, tôi đã nghe tiếng chuông từ chùa Linh Mụ vọng về theo dòng sông, qua những bờ lau lách, qua những ruộng mía xanh rì vẳng đến ngôi trường học bên bờ sông Hương. Ngày tôi trở về thăm lại quê hương đổ nát sau những năm dài lưu lạc khổ đau, mỗi đêm gần sáng, trong ngôi từ đường, tôi thường thức giấc bởi những hồi chuông từ ngôi chùa nhỏ bên kia sông vọng lại. Tôi nằm nghe tiếng chuông dóng dả khoan thai như một lời an ủi, tỉ tê. Tiếng chuông như ru tôi rũ sạch mọi muộn phiền.

                  Tôi đã xa những tiếng chuông như thế trong nhiều năm, bỏ lại thành phố nhỏ, con sông mượt mà và cả tuổi thơ không bao giờ có thể tìm lại. Danh lợi, chiến tranh, và hận thù đã xô đẩy loài người đến với âm thanh của những tiếng bom đạn, tiếng kẻng tù, tiếng rú của những nhà máy nhả khói mịt mù và thế giới văn minh với những dòng xe rộn ràng, vội vã.

                  Ngày xưa chúng ta đã từng nghe tiếng chuông trong Đường thi của Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Thường Kiến. Chúng ta ai mà không biết đến cái nửa đêm trăng tàn, sương xuống, quạ kêu và tiếng chuông chùa Hàn San vọng lại giữa đêm của Trương Kế. Và gần đây Quách Tấn với: “Những đêm buồn tỉnh giấc, chùa cũ tiếng chuông ngân.” Tiếng chuông luôn luôn là của phần hồn, của siêu thoát, của an nhiên tự tại khác hẳn với những gì trần tục, đời thường. Vậy mà tiếng chuông chùa đã không còn nghe nữa!

                  Câu chuyện sau đây đã giải thích vì sao tiếng chuông chùa đã ngưng tiếng. Đó là câu chuyện của Thiền sư Ấn Độ Ram Gopal Muzumdar:

                  “Xưa có một người quyết tâm học đạo, theo một vị thiền sư sống trong một cái cốc nhỏ, sống đạm bạc, quyết chí tu hành. Một này kia, có công việc, vị thiền sư phải đi xa, dặn đệ tử ở lại phải lo chăm chỉ tu hành, chớ hề xao lãng cũng, giữ lối sống đạm bạc và tâm hồn thanh tịnh.

                  Người đệ tử này chỉ có một chiếc khố che thân, đêm tới khi ngủ, máng trên vách, thường bị chuột ra cắn rách, phải xin vải thừa bá tánh thay đổi nhiều lần.

                  Thấy vậy, thương người tu hành, người làng đến biếu thầy một con mèo dùng để đuổi bầy chuột. Từ khi có mèo, chuột hết cắn phá khố của thầy nhưng thầy lại phải lo thức ăn thêm cho mèo. Một phú nông trong làng có lòng biếu thầy một con bò để thầy vắt sữa nuôi mèo. Có bò rồi, thầy lại phải lo đi cắt cỏ nuôi bò. Dân làng lại có lòng tốt biếu thầy một đám ruộng màu mỡ để thầy canh tác. Chẳng mấy lúc, được mùa, lại bò mèo đều sinh sản, thầy phải nhờ đến dân làng phụ lực cày cấy. Không bao lâu, chốn thanh tịnh xưa kia trở thành một nông trại rộng lớn giàu có.

                  Thầy lúc ấy tiền bạc không thiếu, mới có ý định phá bỏ chùa nghèo cũ, xây chùa mới, bá tính mới nghe đã dốc lòng, ùn ùn góp công góp của cúng dường để lấy phước. Chẳng mấy chốc thầy đã xây dựng một ngôi chùa mới nguy nga tráng lệ, tượng lớn, cửa cao, trong ngoài đều sơn son thếp vàng như chốn cung đình của Vua Chúa. Quá giàu, thêm đa đoan công việc, tính toán kinh doanh làm sao được nhiều tiền hơn, đêm đêm thầy bù đầu với những con số thu chi, không còn dốc tâm cũng như có thời gian để tu học. Ngày nay thầy đã trở thành triệu phú, đại tư bản, chỉ có bộ áo cà sa bên ngoài cho biết thầy là một tu sĩ.

                  Một ngày kia sư phụ trở về, mới đến rẻo đất cũ đã thất kinh rụng rời, hồn phi lạc phách, không thấy túp lều cỏ đơn sơ ngày xưa mình ra đi, mà trước mặt là một ngôi đền tráng lệ, khách thập phương lui tới chiêm bái, ngựa xe dầy đặc, ồn ào không kém gì chốn phồn hoa trần tục. Thấy sư phụ chống gậy, tay nải trở về, thầy hân hoan ra đón, cặn kẽ trình bày lại những chuyện đổi thay tuần tự theo thời gian, hy vọng được sư phụ nhiệt liệt khen ngợi, xiển dương công đức của thầy.

                  Sư phụ nín lặng hồi lâu, cuối cùng thở dài mà nói rằng:

                  - Từ một cái khố rách chuột cắn, con đã lầm đường đi một bước quá xa đến cái lâu đài này, ngược với những điều gì ta đã dạy con tu học nhằm để giải thoát và giúp người giải thoát. Chùa lớn nguy nga thì phải lo tu bổ coi sóc, tín đồ đông thì ồn ào, hỗn tạp, được phước thì thời giờ đâu nữa mà tu học.

                  Nhân vật trong chuyện chính là thiền sư, kết luận: "Người tu sĩ đó là tôi, tôi đã từ bỏ hết để theo thầy lên non học đạo, và nay tôi áp dụng nó (đoạn tuyệt tài sản) để chữa mọi bệnh nan y trong tu viện này…"

                  Bây giờ người ta không còn xây chùa trên núi, xây chùa trên núi thì thanh tịnh, dễ tu tập, nhưng không nhiều thiện nam tín nữ và khách vãng lai. Ông Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm đã mỉa mai: “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”, nhưng bây giờ đi tìm nơi vắng vẻ quả là dại, thà cứ theo chân “người khôn người tới chốn lao xao”. Khi chùa nằm giữ phố thị, chợ búa rộn ràng thì tiếng chuông sẽ bị ngăn giữ giữa phồn hoa tục lụy, có khi chùa lại không được đánh chuông. Khi thầy bận rộn đa đoan với năm bảy ngôi chùa, với sổ sách chi thu, với suy tính, nợ nần vừa ân nghĩa, thương ghét thường tình thì khó nói chuyện tu học. Ngày xưa khi đức Phật tìm ra chánh pháp, nếu muốn, vua Tịnh Phạn sẽ cung cấp cho Người xa mã, tiền hô, hậu ủng, và xây dựng hằng chục ngôi chùa nguy nga tráng lệ, sơn son thiếp vàng cho Người hành đạo, đâu có phải lê đôi dép mòn qua hàng nghìn dặm đường gai góc, nắng cháy hay sương tuyết.

                  Tôi là người của thế kỷ trước đi lạc tới đây. Vì sao cứ nghĩ chùa phải là chùa Long Giáng của Hồn Bướm Mơ Tiên, chùa phải là chùa làng của Vang Bóng Một Thời, hay mơ màng đến cảnh chùa Hàn San, trong lời thơ không thấy rõ cảnh chùa, chỉ nghe tiếng chuông chùa vọng lại. Chúng ta đánh mất nhiều thứ, trong đó có cả một tiếng chuông chùa. Xin cho tôi tìm lại một chút tuổi thơ và cả tiếng chuông chùa ngày ấy. Tôi đã đi trên những đoạn cuối của con đường đời, vẫn muốn có những giây phút tần ngần đứng lại, nhìn về quá khứ tưởng như đã mờ nhạt, nhưng làm sao có được một vài giây phút như Hồ Dzếnh để: “Chân đi đếm tiếng chuông chùa. Tôi ngờ năm tháng ngày xưa lại về.”


                  Comment


                  • #24
                    Bên Nội


                    Trần Mộng Tú ♦ 13.10.2015

                    Ngày các con còn nhỏ, mỗi năm đến dịp hè là cả gia đình lên xe, lái từ Seattle về nội ở Montana. Thời gian lái xe là mười tiếng, nhưng chúng tôi vừa đi, vừa nghỉ dọc đường ăn uống. Khởi hành chín giờ sáng tới nhà ông bà nội là mười giờ tối, tổng cộng mười ba tiếng. Ngày tháng trôi qua, ông bà nội theo nhau qua đời, các con khôn lớn, lập gia đình, không còn ở với cha mẹ nữa, chúng tôi không còn về bên nội mỗi năm.

                    Vài ba năm tôi mới về thăm bà chị chồng và mồ mả các cụ bên chồng Nhưng gần như mỗi năm, chồng tôi hay lấy một cuối tuần dài ba, bốn ngày, về thăm người chị độc thân của mình. Đã ba năm rồi tôi không về Helena, Montana thăm chị và mồ mả các cụ, trong lòng cũng hơi áy náy phận dâu con, nên năm nay anh vừa rủ là tôi sốt sắng nhận lời. Chúng tôi không có nhiều ngày nên dùng máy bay chứ không lái xe.

                    Chương trình của chúng tôi tùy vào thời khóa biểu làm việc của chị nên khi đến Helena, chơi với chị một ngày xong chúng tôi thuê xe đi Yellowstone hai ngày, rồi quay lại Helena chơi với chị thêm hai ngày nữa trước khi bay về Seattle.

                    Con đường từ Helena đến Yellowstone rất ngoạn mục. Cuối tháng chín, trời bắt đầu vào thu, xe như đi giữa một bức tranh mà tôi nghĩ chỉ có thợ trời mới vẽ được như thế.

                    Trên vòm trời một màu xanh lam mênh mông với những cụm mây trắng chụm vào rồi lại tan ra trôi trôi vô định, bên dưới trời mây đó núi trùng trùng điệp điệp nối thành một vòng cung màu xanh xám, cho ta có cảm tưởng như con đường chui ra từ núi. Bên dưới núi là những cánh rừng cây bạt ngàn. Tháng này rừng cây không còn nguyên thủy một bức tranh vẽ rừng thông với những vòm màu xanh nữa, mà thỉnh thoảng trong bức tranh xanh ngọc đó hình như họa sĩ vừa lỡ tay đánh đổ một thùng sơn màu vàng diệp, rồi bỏ đi đâu, quên không sửa lại bức tranh. Màu vàng đổ tung tóe suốt con đường du khách đi qua. Đó là những bụi Bạch Dương (Poplar) được trồng lẫn với thông mà vào mùa khác nhìn từ xa không phân biệt được. Bây giờ Bạch Dương như các cô thiếu nữ, từ trong rừng bước ra khoe cái áo mới vừa được mùa thu nhuộm cho một mảng vàng lấp lánh trên vai. Bên dưới những cánh rừng đó là những cánh đồng cỏ alfalfa (một loại cỏ đóng thành bánh, dành riêng cho bò vào mùa đông.)vẫn xanh biếc mênh mông, có từng đàn bò đen đủng đỉnh ăn cỏ, thỉnh thoảng những con antelopes, một loại động vật hoang dã (Wild animal) đẹp như hươu, lông trắng, khoang nâu, dáng như con dê, chấm phá vẻ đẹp cho cánh đồng alfalfa . Chưa hết, ngoài bìa cùng của cánh đồng cỏ, sát với mặt đường xe chạy là những bụi sage màu bàng bạc pha tím, chạy dọc theo bánh xe lăn, nếu ta ngừng xe lại bứt một nắm lá vò trong tay, hương thơm của lá sage nồng nàn như mùi oải hương thấm vào các ngón tay cho đến lúc mặt trời lặn vẫn còn đằm hương.




                    Autumn-colors-in-Montana

                    Cứ thế xe đi trong núi, núi trong cây và cây trong mùa thu, chúng tôi đi về phía Yellowstone. Từ thành phố Helena, qua Norris, chúng tôi dừng lại ở suối nước nóng lộ thiên đặt giữa một khu đất không lớn lắm nhưng sát bìa rừng, vào ngâm mình trong một cái hồ mà cứ 1 phút có 60 gallons nước ở suối thiên nhiên (hot sping) đưa vào. Trong nước thiên nhiên cung cấp: Calcium, silica và lithium, ngoài ra không có bất cứ một hóa chất nào cho thêm vào, vì sự luân lưu rộng rãi của nước suối như vậy không cần đến những chất sát trùng nhân tạo. Tại đây người ta bán rượu chát, thức ăn nhẹ nấu bằng rau trồng ngay trong mảnh đất cạnh suối nước nóng, những lá rau không có phân bón và thuốc trừ sâu. Thiên nhiên với con người là một trong không gian và triên mảnh đất hiền lành này.

                    Chúng tôi ghé Butte để thăm lại ngôi nhà của ông bà nội anh, nơi bố anh lớn lên, hiện được coi là một “Historical house”, trường Đại Học học nơi bố anh học, trường Trung Học của anh và Bệnh Viện St.James nơi anh ra đời. Đi qua mỗi nơi nghe chồng tôi nhắc đến từng mẩu chuyện nho nhỏ vui buồn thời niên thiếu, tôi thấy trái tim mình như có cánh cửa nhỏ, mở ra đón vào một chút nắng, chút gió, chút hương, vừa xa lạ vừa ấm áp thân quen.

                    Nơi đây, trong thời điểm này, tôi nhìn thấy những cây cột đèn thành phố có treo những lẵng hoa và bên dưới lẵng hoa là một tấm bảng nhỏ màu vàng có kẻ tên một quân nhân nào đó, tôi đọc: Lieutenant James T. Tuckman

                    Sargent Dick Boyds….Dấu chỉ thành phố đang chờ ngày trở về (nếu họ có trở về!) của những đứa con đang làm nghĩa vụ ở một chiến trường nào đó.

                    Nghe lòng mình rưng rưng. Cầu xin một sự trở về bình an cho họ.

                    Chúng tôi đi xem đài tưởng niệm 168 người thợ mỏ chết trong lúc đang làm việc vào năm 1917. Phần đông là những người đến từ các quốc gia Âu Châu tới (Cuối Đệ Nhất Thế Chiến, bên Âu Châu không có việc làm, người dân kéo nhau sang Mỹ làm đủ các nghề.)

                    Montana đã có một thời là nơi người ta đổ tới lao mình vào các mỏ đồng, mỏ vàng và lúc nào cũng thế: thợ mỏ là những người thiệt thòi nhất, vì họ chỉ là kẻ làm công cho những chủ nhân ông quyền thế. Những mỏ vàng, mỏ đồng là chính kế đến là những hỗn hợp kim loại và đá quý. Bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy những con đường ở Butte mang tên: Crystal, Copper, Granite, Silver, Gold, Cora Terra, Diamond, v.v..

                    Sau khi ngao du ở Yellowstone hai ngày, nhìn dấu tích của thiên nhiên ghi lại những kỳ bí, vẻ đẹp và vết tích của động đất để lại trên mặt đất, chúng tôi lại quay trở về Helena để tiếp tục đi thăm mộ cha mẹ, họ hàng bên nội. Thăm thành phố có ngôi nhà thờ Cathedral of St. Helena đẹp đến nao lòng. Người dân ở đây được biết ngôi giáo đường này được xây bởi tiền của những chủ nhân ông khai thác mỏ vàng, mỏ đồng tại tiểu bang.( Mỏ vàng ở Montana được khám phá lần đầu vào năm 1852)

                    Chúng tôi cũng muốn lái xe đi lòng vòng trong phố,ngắm nghía lại những ngôi nhà xây theo kiểu Victorian House (Thời đại hoàng kim của thành phố này vào năm 1908, Helena được coi là một trong những thành phố có nhiều triệu phú nhất thế giới.)

                    Chồng tôi sẽ đi gặp lại người bạn thời trung học của anh, một trong những người vẫn gắn bó ở hết đời với Montana. Chú ruột anh, chị anh cũng thế, không hề muốn sống ngoài Montana, không hề nghĩ mình cần đi du lịch ngoài thành phố của mình. Đối với họ, chẳng nơi nào đẹp bằng quê mình.

                    Bố anh cũng là một người trong số đó. Sau khi anh tốt nghiệpTrung Học, cụ cũng tìm đủ cách để anh phải ở lại học ở Đại Học quê nhà, nhưng anh đã bỏ đến tận Chicago và học ở đó (Loyola University of Chicago).

                    Sau khi chúng tôi kết hôn, ở California 12 năm, có năm hai cụ đã thử dọn đến ở gần chúng tôi. Hai cụ thuê một căn chung cư rất gần con, ở được một tháng hai cụ lại dọn về Montana. Bố chồng tôi nói: “Không ở được con ạ, thành phố nhiều xe cộ và nhiều tiếng động, lại không có hàng xóm.” Hai cụ lại quay về quê nhà sống cho đến cuối đời và gửi xương thịt trong đất đá của Montana.

                    Người ta đang chuyền tai nhau là tối rằm trung thu này sẽ có một mặt trăng ngoạn mục, đỏ như máu và sáng như lửa. Chúng tôi từ Yellowstone quay lại Helena để kịp đón “Mặt trăng nhuộm máu” cùng với bà chị.

                    Vì nếu lỡ vầng trăng này làm sao chúng tôi nối được tuổi mình, để chờ thêm 18 năm nữa.
                    Last edited by TrucLam; 07-22-2020, 06:35 AM.

                    Comment


                    • #25
                      Con Đường Tốt Hơn

                      07/06/2020
                      George W. Bush - Ian Bùi dịch

                      Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.


                      Laura và tôi đau lòng hết sức khi nhìn cảnh George Floyd bị chèn cổ một cách dã man, cũng như rất buồn khi thấy sự bất công và nỗi sợ hãi đang làm cả nước muốn ngộp thở. Nhưng mấy hôm nay chúng tôi vẫn cố không nói gì vì đây không phải lúc để lên tiếng dạy đời. Đây là lúc để lắng nghe. Đây là lúc để nước Mỹ xét lại những điều sai quấy của mình — và qua đó ta cũng sẽ nhìn ra sức mạnh cứu chuộc cho dân tộc.

                      Quả là một sự thất bại khi vô số công dân Mỹ gốc Phi Chau, nhất là những người trẻ, tiếp tục bị quấy nhiễu và đe doạ đến tính mạng ngay trên quê hương của họ. Nhưng cũng là sức mạnh khi người biểu tình được các lực lượng cảnh sát có trách nhiệm bảo vệ để họ có thể xuống đường đòi hỏi một ngày mai tươi sáng hơn. Bi kịch này — với một chuỗi dài những bi kịch tương tự, đề ra một câu hỏi mà lâu nay không ai muốn trả lời: Làm sao để chấm dứt sự kỳ thị có hệ thống ở Mỹ? Cách duy nhất chúng ta có thể nhìn thấy chính mình trong ánh sáng của sự thật là lắng nghe tiếng kêu van của những người đang đau khổ. Những kẻ muốn bóp nghẹt tiếng kêu đó không hiểu nước Mỹ là gì, hoặc bằng cách nào nước Mỹ có thể trở nên tốt hơn.

                      Thử thách lớn nhất của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ là làm sao kết hợp những con người có nguồn gốc vô cùng khác nhau thành một đất nước của công lý và cơ hội. Những giáo điều và thói quen về sự thượng đẳng của giống dân da trắng mà đã một lần suýt xé đôi đất nước vẫn còn đang đe doạ quốc gia chúng ta. Câu trả lời cho vấn nạn của nước Mỹ nằm trong cách ta ăn ở sao cho đúng với lý tưởng đã tạo nên đất nước này — tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng và được thượng đế ban cho những quyền căn bản. Chúng ta dễ quên rằng đó là những tư tưởng cực kỳ cấp tiến, và những nguyên lý căn bản mà ta trân quý luôn luôn thách thức các cơ chế bất công dù do cố ý hay mặc nhiên.

                      Những người hùng xưa nay của nước Mỹ — từ Frederick Douglass đến Harriet Tubman, từ Abraham Lincoln đến Martin Luther King Jr. — đều là những vị anh hùng của sự đoàn kết. Thiên chức của họ không dành cho kẻ yếu tim. Họ có khả năng làm lộ diện sự kỳ thị và bóc lột — những vết nhơ của dân tộc mà đôi khi không dễ cho cộng đồng đa số bình tâm suy xét. Chúng ta chỉ có thể nhìn ra nhu cầu của đất nước qua cặp mắt của người bị đe doạ, áp bức và bỏ rơi.

                      Giờ đây chúng ta đang đứng trước một câu hỏi lớn. Có rất nhiều người hoài nghi nền công lý của nước Mỹ. Và họ có lý do. Người da đen thấy quyền con người của họ cứ bị vi phạm liên miên, trong khi các cơ quan nhà nước thì phản ứng hết sức chậm chạp hoặc không đi tới đâu. Ai cũng biết một nền công lý bền vững chỉ đạt được bằng những phương tiện ôn hoà. Hôi của không là giải phóng; tàn phá không phải là tiến bộ. Nhưng ta biết muốn có yên bình dài lâu phải có sự công bằng tương xứng. Chế độ pháp trị cần đặt trên nền tảng của sự bình đẳng và chính danh của nhà cầm quyền; công lý cho tất cả là trách nhiệm của tất cả mọi người.

                      Nó sẽ đòi hỏi một nỗ lực bền bỉ, dũng cảm và sáng tạo. Khi ta hiểu được kinh nghiệm sống của người khác, ta sẽ dễ giúp họ hơn. Muốn thương người như thể thương thân ta phải đối xử với người khác như bình đẳng. Chúng ta có con một đường tốt hơn — con đường của sự đồng cảm, của giao ước sẻ chia, của hành động can đảm, và của sự bình yên dựa trên công lý. Tôi tin rằng người Mỹ chúng ta sẽ cùng nhau chọn con đường tốt hơn ấy.

                      George W. Bush

                      Ian Bui dịch


                      Nguồn: https://www.bushcenter.org/about-the...ge-w-bush.html

                      ~ 0 ~

                      Last edited by TrucLam; 07-11-2020, 07:26 PM.

                      Comment


                      • #26
                        Hạ Bệ Tượng Đài



                        Teddy Roosevelt: tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ
                        Mark Roosevelt: cháu
                        cố của Teddy Roosevelt nói về việc hạ bệ tượng đài trong chương trình Sunday Morning News ngày 12 tháng 7 năm 2020


                        Sự chế ngự các chủng tộc khác bởi những người có nguồn gốc châu Âu là tội lỗi nguyên thủy của quốc gia chúng ta. Tội lỗi đó được ghi trong tài liệu thời lập quốc từ khi chúng ta đến lục địa này, và là sự bi thảm trong lịch sử của chúng ta cho đến ngày nay.

                        Nhận thức về lịch sử đó và sự tàn khốc khủng khiếp của nó là điều cần thiết để đưa đất nước chúng ta tiến lên và chữa lành rất nhiều vết thương.

                        Nếu chúng ta muốn sống hòa thuận và bình đẳng với những người thuộc các chủng tộc khác, chúng ta không nên duy trì các bức tượng gia trưởng mô tả người Mỹ bản địa và người Mỹ gốc Phi Châu trong vai trò phụ thuộc.

                        Bức tượng của Theodore Roosevelt, ông cố của tôi, trước Viện Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Nữu Ước, đã phản ảnh điều đó, và thật đúng đắn khi nó bị kéo xuống.

                        Rõ ràng hơn, không nên bảo tồn các tượng đài những cá nhân đã quyết đấu để duy trì chế độ nô lệ, những người mà hiện giờ chúng ta nói, chúng ta
                        muốn sống hòa thuận và bình đẳng với họ .

                        Khi một số người lập luận rằng chúng ta không nên "xóa bỏ quá khứ" của mình, và những bức tượng như vậy có thể là lời mời để xét lại và thảo luận các vấn đề phức tạp, đây là điều không thành thật. Những lập luận đó để cho sách vở và trường học, không phải qua các di tích. Tượng đài được dựng lên để tôn vinh những người được vinh danh và những gì họ tranh
                        đấu để lại trong ký ức của tập thể chúng ta.

                        Điều thực tế là trong hơn một thế kỷ rưỡi sau cuộc Nội chiến, đất nước chúng ta vẫn còn đầy dẫy những tượng đài của những người chiến đấu để duy trì chế độ nô lệ đã nói rất nhiều về công việc mà đất nước chúng ta từ chối thực hiện. Như chủ tâm khi chúng được dựng lên, những đài tưởng niệm này thể hiện sự xúc phạm rõ ràng đối với người Mỹ da đen - một hình thức chế nhạo chủng tộc - tương tự như lá cờ của những người lính này.

                        Cũng thật thiếu thận trọng khi nói rằng những người biểu tình yêu cầu loại bỏ những bức tượng này nên lùi lại để thảo luận một cách ôn hòa về vấn đề này. Chúng ta, những người có thể thúc đẩy những cuộc hòa đàm như vậy đã thất bại trong nhiều thế hệ; và hiện giờ chúng ta đang được thấy sự thất bại đó.

                        Là Viện trưởng của St. John's College ở Santa Fe, New Mexico, cũng có một cơ sở ở Annapolis, Maryland, tôi thấy chúng ta phải làm những vấn đề mà chúng ta đã
                        chối bỏ từ lâu.

                        Chúng ta, mọi người ở đất nước này, bị ràng buộc với nhau bởi bi kịch của sự chế ngự chủng tộc và bạo lực tiếp diễn với người Mỹ đen và những người da màu khác. Những ai có quyền lực và tầm ảnh hưởng nói là muốn làm tốt hơn, để giảm bớt sự bế tắc, thất bại và không đủ nỗ lực, hãy làm điều đó. Những người có quyền lực và tầm ảnh hưởng mà không thừa nhận những sai trái này là một sự hổ thẹn cho quốc gia.

                        Nếu chúng ta -trong đó có tôi- để cho lịch sử tiếp tục công nhận Washington và Jefferson và Theodore Roosevelt những thành tựu của họ, và đồng thời cho phép họ (như rất nhiều người trong chúng ta) đồng lõa với tội lỗi nguyên thủy đang diễn ra trên đất nước này, chúng ta phải bắt đầu thừa nhận rằng chúng ta đã không nhìn nhận chiều sâu của tội lỗi đó,
                        và ngay lập tức hãy xóa bỏ tất cả các đài tưởng niệmvà tượng tôn vinh những ai đã chiến đấu trong Nội chiến để duy trì chế độ nô lệ, hoặc làm những việc để duy trì tội lỗi đó.

                        Và sau đó, chúng ta nên tiếp tục với công việc rất cần thiết là nhổ
                        tận gốc sự phân biệt chủng tộc có hệ thống ở bất cứ nơi nào được tìm thấy.

                        ~ 0 ~

                        The subjugation of other races by those of us of European origin is our nation's original sin. That sin began soon after our arrival on this continent, was written into our founding documents, and has been a tragic part of our history to this day.

                        Recognition of that history and its many monstrous cruelties is essential to moving our nation forward and to healing so many wounds.

                        If we wish to live in harmony and equality with people of other races, we should not maintain paternalistic statues that depict Native Americans and African Americans in subordinate roles.

                        The statue of Theodore Roosevelt, my great-grandfather, in front of New York's Museum of Natural History, does so, and it is good that it is being taken down.

                        Even more clearly, we should certainly not maintain monuments that memorialize individuals who fought to keep in slavery the same people with whom we now say we wish to live in harmony and equality.

                        When some argue that we should not "erase our past" and that such statues can be invitations to examine and civilly discuss complex issues, that is disingenuous. That is what books and classrooms are for, not monuments. Monuments are designed to honor people, and to keep those honorees and what they stood for alive in our collective memory.

                        The fact that over a century-and-a-half after the Civil War was fought, our nation is still littered with monuments to soldiers who fought to maintain slavery, says a great deal about the work our country has refused to do. As was intended when they were built, these memorials represent a clear insult to Black Americans – a form of racial taunting – as does any remaining use of the flag under which these soldiers fought.

                        It is also disingenuous to say that the protesters demanding removal of these statues should now step back and allow for civil dialogue about these issues. We who could have fostered such dialogue have failed to do so for generations; we are now being called out on that failure, as we should be.


                        As president of St. John's College in Santa Fe, New Mexico, which also has a campus in Annapolis, Maryland, I acknowledge that we have work to do on these issues that we have long neglected.

                        We are, all of us in this country, bound together by the tragedy of racial subjugation and continuing violence and multiple other affronts to Black Americans and other people of color. Those of us with power and influence who say we wish to do better are diminished by our stalled, failed, and woefully insufficient attempts to actually do so. Those with power and influence who will not even acknowledge these wrongs are an embarrassment to the nation.

                        If we wish to allow for historical nuance – and I do – to continue to recognize Washington and Jefferson and Theodore Roosevelt for their very real accomplishments, while also allowing that they (like so many of us) were complicit in our nation's original and ongoing sin, we must start by admitting that we have failed to acknowledge the depth of that sin, and immediately remove all memorials and statues honoring those who fought a Civil War or otherwise worked to perpetuate that sin.

                        And then, we should get on with the desperately needed work of uprooting systemic racism wherever it is found.


                        ~ 0 ~
                        Last edited by TrucLam; 07-16-2020, 01:47 PM.

                        Comment


                        • XuanLan
                          XuanLan commented
                          Editing a comment
                          Chu choa..chúc mừng Lâm Trúc đã trở lại ngôi nhà của Cựu Sv ĐHSPKT - TĐ này đây.. tiếp tục kể chuyện đó đây của vc em đi nhen..Cho chị gửi lời thăm anh Hoàng và các con

                      • #27
                        Bài thơ trên mộ của Hemingway



                        Hầu như người Mỹ nào ít nhất cũng một lần nghe hay nói đến tên ông, Ernest Hemingway, nhà văn người Mỹ nổi tiếng đoạt giải Nobel văn chương năm 1954. Là một người thành công trên sự nghiệp nhưng đời sống cá nhân không lấy gì làm vui: bốn lần lập gia đình, ba lần ly hôn. Ông sinh trưởng trong một gia đình mang bệnh trầm cảm di truyền và còn mang luôn truyền thống “tự tử.” Cha, hai người chị, cháu nội của ông và bản thân ông, đều chết bằng cách tự giết mình. Ernest Hemingway, trong những năm cuối của đời mình, với sự suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần: bị phỏng nặng trong hai tai nạn xe cộ, bị bệnh gan, bệnh tim, bệnh phổi và nghiện rượu, bệnh trầm cảm (depression), ông tự tử bằng cách bắn vào miệng, ba tuần lễ trước sinh nhật thứ sáu mươi hai của mình.

                        Ông bắt đầu sự nghiệp viết báo từ năm 17 tuổi. Thời Đệ Nhất Thế Chiến, ông ở trong quân đội, là tài xế xe cứu thương ở mặt trận Ý. Khi về lại Mỹ ông làm việc cho báo Canadian American. Khi phong trào Greek Revolution xẩy ra, ông được gửi lại sang Âu Châu để làm phóng sự. Ông dùng những kinh nghiệm quân đội làm nền tảng cho những tác phẩm của mình. Ở tuổi 25 ông đã nổi tiếng với The Sun Also Rises (1926). Sau đó, những tác phẩm xuất sắc lần lượt ra đời như: A Farewell to Arms (1929), For Whom The Bell Tolls (1940)… Tác phẩm đặc sắc nhất là truyện ngắn: The Old Man and the Sea, viết năm 1952, năm sau đoạt giải Pulitzer. Hemingway đoạt giải Nobel Văn Chương, 1954.

                        Những bài phóng sự, truyện dài, truyện ngắn, nổi tiếng của người đàn ông tài hoa này, nếu đem cộng lại có cả hàng ngàn, ngàn trang giấy. Chắc chắn, ông yêu các tác phẩm của mình, những nhân vật trong truyện, những đối thoại chuyên chở tư tưởng của mình. "Cá, …..Ta sẽ đương đầu với mi cho đến chết.” , ngư ông nói với cá như vậy sau bao nhiêu tiếng vật lộn với cá hay tác giả nói với chính cuộc sống mình? Những nhân vật tiểu thuyết của ông đều mang chính ông trong đó. Nhân vật Federic Henry trong A Farewell to Arms, cũng là một trung úy lái xe Ambulance như ông từng đảm nhiệm trong quân đội. Federic đã yêu, đã chiến đấu như chính ông đã yêu, đã chiến đấu. Nơi chiến trường không có Thượng Đế kiểm soát con người, không công lý, không đạo lý, cứ chém, giết, thế thôi. Trong For Whom the Bell Tolls, nhân vật Robert Jordan đi đặt chất nổ đánh sập cầu, loay hoay mãi với ý định có nên tự tử không nếu bị bắt, cũng dựa trên kinh nghiệm của Ernest Hemingway khi ông ở trong quân đội. Hai mươi năm sau ông áp dụng cho chính mình: tự tử.

                        Nhà văn đã gửi tất cả kinh nghiệm sống của mình từ năm 17 tuổi vào trong những tác phẩm của mình, nên tiểu thuyết của ông rất “thật”. Bao nhiêu tinh hoa, tài năng cũng như cay đắng của ông rải rác gửi vào những nhân vật tiểu thuyết. Cuối cùng ông thoát ra ngoài những nhân vật của mình bằng cách tự kết liễu đời mình.

                        Người ta nói những “nhà văn lớn” họ không bao giờ hài lòng với chính mình, giấc mơ của họ luôn luôn vượt trên tài trí họ, càng nổi tiếng càng thấy trống rỗng, càng thấy cái hào quang mình đuổi theo chỉ là ảo ảnh.

                        Những tác phẩm của họ thiên hạ trân quý, thực ra chưa đúng với tiêu chuẩn chính họ kỳ vọng ở mình. Họ thất vọng và họ tự hủy mình.

                        Yasunari Kawabata, nhà văn đầu tiên của Nhật đoạt giải Nobel văn chương, nổi tiếng với những tác phẩm: Tiếng Rền Của Núi (The sound of The Mountain), Đẹp và Buồn (Beauty and Sadness) Ngàn Cánh Hạc (Thousand Cranes)... cũng có giả thuyết ông tự kết liễu đời mình bằng hơi ngạt (gas) ở tuổi 71.

                        Nhắc đến Ernest Hemingway, mọi người hầu như chỉ nhắc đến những tác phẩm văn xuôi đã tạo nên tên tuổi của ông. Người ta không biết rằng, song song với những tác phẩm “nặng kí”, ông còn làm thơ, và làm thơ khá nhiều.

                        Bài thơ ông viết “Điếu” một người bạn, (Gene Van Guilder) chỉ có sáu dòng ngắn nhưng nói lên được điều mơ ước giản dị nhất của lòng ông. Viết cho bạn cũng là viết cho chính mình. Bài thơ ngắn này đã được khắc trên đài kỷ niệm gần mộ phần ông trong nghĩa trang, nằm ở cuối phía bắc, thành phố Ketchum thuộc bang Idaho, nơi ông cư ngụ cuối cùng.

                        Best of all he loved the fall
                        The leaves yellow on the cottonwoods
                        Leaves floating on the trout streams
                        And above the hills
                        The high blue windless skies
                        Now he will be a part of them forever

                        Chàng yêu nhất mùa thu
                        Những chiếc lá vàng trên cây bông gạo
                        Những chiếc lá bập bềnh trong dòng suối cá hương
                        Yêu những mảnh trời cao xanh lặng gió
                        Mãi trên cao trên tít những ngọn đồi
                        Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời

                        Mùa thu, mùa ông thú nhận là mình yêu nhất: Best of all he loved the fall. Chàng đứng đó với những cây bông gạo đang nhuộm vàng những chiếc lá, những con suối chàng vẫn câu cá hương, ở đó bây giờ đang trôi bập bềnh những chiếc lá thu, những mảnh trời xanh trong vắt vút trên cao, tắp tít vắt ngang những ngọn đồi, nơi trái tim mơ mộng của chàng hay gửi tới. Nếu một ngày nào đó, chàng nằm xuống như người bạn chàng nằm xuống hôm nay thì chàng sẽ ao ước điều gì?

                        Khi nằm xuống thân thể chàng thoát ra khỏi những đau đớn của bệnh tật, trí óc chàng bay bổng trên cao, nó không kéo chàng vào cái thế giới hoang loạn nữa. Trong dịu dàng của đất, chàng mềm mại ra, chàng tan từ từ, chàng là lá vàng, là cây bông gạo, là suối, là cá hương, là ngọn đồi, là những mảnh trời xanh lặng gió. Hay cũng chính trong dịu dàng của đất, tất cả những thứ đó tan ra thành chàng. Giờ đây chàng là một phần của tất cả đến muôn đời.

                        Hình như Thơ bao giờ cũng là nơi tâm hồn người ta tìm đến cuối cùng.

                        Trần Mộng Tú
                        Last edited by TrucLam; 07-22-2020, 06:36 AM.

                        Comment


                        • #28
                          Hai Vị Giáo Hoàng



                          Trùng Dương

                          Hai ông già ngồi tranh biện về tôn giáo, còn có gì… chán hơn, có lẽ nhiều người, trong đó có tôi, tự hỏi.

                          Vậy mà chỉ dăm mười phút vào phim, tôi bị lôi cuốn lúc nào không hay, phần lớn bởi những câu đối thoại ngắn gọn, sắc bén, chuyên chở nhiều ý nghĩa, nghiêm chỉnh song cũng không thiếu hài hước giữa vị lãnh tụ Thiên Chúa giáo đương nhiệm, Đức Giáo hoàng Benedict, và người sẽ thay thế ông, Đức Hồng y Bergoglio và là ĐGH tương lai Francis.

                          Không những thế, phim còn chuyên chở một thông điệp đáng suy ngẫm trong một thời đại đầy phân hóa về chính trị, lòng người thiếu khoan dung, bất bình đẳng về kinh tế, trong bối cảnh khí hậu thay đổi đã và đang đe dọa hủy hoại môi sinh, như thời đại chúng ta đang sống.

                          Phim “Hai vị Giáo hoàng – The Two Popes” do Netflix sản xuất mới cho ra mắt hạn chế tại một số rạp hát tại Anh và Mỹ vào cuối tháng 11, và chính thức phát hành trên Web vào thứ Sáu ngày 20 tháng 12 vừa qua. Phim do hai diễn viên gạo cội gốc Anh, Anthony Hopkins và Jonathan Pryce, đóng (tôi thú nhận đây là một yếu tố khiến tôi quyết định bấm vào xem phim vì tôi thích diễn xuất của họ). Phim do đạo diễn người gốc Brazil, Fernando Meirelles, thực hiện tại Buenos Aires, Argentina và Rome, Italy. Tại Rome, vì nhiều cảnh diễn ra tại Vatican, và đoàn quay phim không được phép thu hình, trong đó có cảnh quan trọng nhất diễn ra trong Nhà nguyện Sistine nguy nga tráng lệ, nhà sản xuất đã cho dựng lại gần như hoàn toàn nội thất của Nhà nguyện trong một phim trường ở Rome.

                          Vì không được phép quay phim trong Nhà nguyện Sistine nổi tiếng trong Vatican, một cảnh chính trong phim, với những bức tranh diễn tích Kinh Thánh do danh họa Michelangelo vẽ vào thế kỷ thứ 16, nhóm làm phim “Hai vị Giáo hoàng” cho dựng lại nguyên nội thất của Sistine tại phim trường Cinecitta Studios ở Rome. Công trình tốn 10 tuần lễ mới xong.

                          Câu chuyện bắt đầu bằng cái chết của Đức Giáo hoàng Jean Paul II vào năm 2005 đưa đến việc Hồng y Ratzinger gốc Đức (do Anthony Hopkins đóng) được đề cử thay thế, lấy hiệu là Benedict XVI, với nhiều thước phim thời sự xen kẽ, như đám tang của vị Giáo chủ vừa băng hà và một số cảnh quảng trường St. Peter mênh mông đông nghẹt giáo dân hồi hộp chờ nghe tin về và cả hân hoan chào đón vị Giáo chủ mới. Từng giữ chức vị quản thủ giáo điều của đức tin, Benedict là một người cực bảo thủ. Song chẳng bao lâu ông vướng vào cuộc điều tra xâm phạm ấu dục mà ông bị kết tội bao che khi còn ở địa phương, và đặc biệt vụ mệnh danh là “Vatileaks” về sì-căng-đan bao che tham nhũng trong Tòa Thánh.

                          Trong thời khoảng này, Hồng y Bergoglio gốc Argentina (do Jonathan Pryce đóng), phục vụ tại Buenos Aires, ngày một trở nên bất bình trước tinh thần bảo thủ của Vatican, muốn xin từ chức và xin về phục vụ tại một giáo xứ mà ông cho là mình sẽ hữu ích đối với giáo dân hơn. Tuy nhiên, việc ông đến Vatican để xin ĐGH Benedict cho phép từ chức vì thư xin từ chức của ông đã không được hồi âm thực ra không phản ảnh đúng thực tế, mà đây chỉ là cái cớ nhà làm phim đưa ra để tạo cơ hội cho hai vị chủ chiên tranh biện – một chủ điểm của phim – về tình trạng suy thoái của Giáo hội. Đạo diễn đã cho hai nhân vật chính gặp nhau tại ngôi nhà nghỉ mát sang trọng của Giáo hoàng tại Castel Gandolfo nằm ở 25 km (16 miles) về phía đông nam Rome, nổi tiếng có khung cảnh đẹp, trong ngôi vườn bao la được cắt tỉa chu đáo (thực tế đây chỉ là một địa điểm dàn dựng lại vì đoàn quay phim không được phép quay tại bất cứ bất động sản nào của Toà Thánh). Trước khi cho hai vị gặp nhau, đạo diễn dàn cảnh cho Hồng y Bergoglio lang thang trong vườn, gặp và trò chuyện với người làm vườn về một loại rau thơm, nói lên bản chất bình dân của ông.

                          Cuộc trao đổi giữa Benedict và Bergoglio thoạt đầu nhát gừng song đốp chát khi Benedict nêu ra những chi tiết – tôi cho đây là một cách giới thiệu nhân vật tuyệt vời, với chỉ vài nét chấm phá như trong một bức tranh thủy mạc – nói lên nếp sống giản dị và quan điểm cấp tiến của vị Hồng y của một nước Nam Mỹ nghèo khó, như việc ông không chịu sống trong tòa nhà kín cổng cao tường dành cho tổng giám mục ở Buenos Aires mà lại ra ở tại một căn chung cư, việc ông kết thân với giáo sĩ Do Thái, việc tán thành linh mục có vợ, chấp nhận liên hệ đồng tính luyến ái, cho những người bị mất phép thông công hay ly dị tiếp tục lãnh bánh thánh, vv. Khi Bergoglio ngắt lời Benedict về việc cho bánh thánh cả nhưng người đã bị tước phép thông công, nói ông tin là bánh thánh là cho người đang bị đói chứ không phải để tưởng thưởng kẻ ngoan đạo, thì bị Giáo chủ Benedict phản pháo như một lời buộc tội:

                          “Vậy thì cái đáng kể chính là điều Ngài tin tưởng, chứ không phải điều Giáo hội từng giảng dậy cả hàng nhiều trăm năm nay à?”

                          Giáo chủ Benedict đã khai hỏa. Vẫn lễ phép, tôn kính nhưng thẳng thắn, Bergoglio đáp lại bằng một câu trích dẫn trong Kinh Thánh, “Ta tới với những kẻ tội lỗi,” ngụ ý Thiên Chúa tìm tới những người đang cần được cứu rỗi. Benedict đổ tội cho việc sa lầy của Giáo hội là do tình trạng suy đồi tha hóa chung của xã hội Tây phương. Bergoglio cho rằng Giáo hội quá bảo thủ, tự cao, khép kín, thiếu tinh thần vị tha, không chịu nhìn nhận lỗi lầm và quyết lòng giải quyết thay vì đánh bùn sang ao (như trong các vụ xâm phạm tình dục thiếu niên), thiếu uyển chuyến đặng tiến hóa và thích nghi với thời thế luôn biến chuyển. Giáo chủ Benedict kết thúc cuộc trao đổi bằng tuyên bố ông không tin bất cứ điều gì Hồng y Bergoglio nói, cũng không chấp thuận đơn xin từ chức của Hồng y, còn nhấn mạnh là Bergoglio phải tiếp tục ngồi lại cương vị của mình vì nếu chấp nhận cho ông từ chức là chấp nhận sự chống đối. Nhưng ông không đóng cửa đối thoại hẳn, khi vào sáng hôm sau ông cho vị nữ tu hầu cận báo cho Hồng y thu xếp về Vatican cùng với ông khi ông phải về đó vì vụ sì-căng-đan VatiLeak vừa nổ ra.

                          Những hội kiến sau đó, đặc biệt buổi trong nội thất của Nhà nguyện Sistine giữa những bức họa diễn tích Thánh Kinh của nhà danh họa thời Trung cổ Michelangelo, dần trở nên hòa dịu hơn, có tính cách riêng tư, tâm linh hơn, như một hành trình vào nội tâm của mỗi nhân vật qua những hồi tưởng về cuộc đời trước kia của mỗi vị. Từ đó hai vị đi dần tới chỗ đồng ý hiệp thông, tha thứ và ban phép lành cho nhau.

                          Ký giả Elizabeth Weitzman mở đầu bài giới thiệu phm “Hai vị Giáo hoàng” như sau:

                          “Ai sợ phải đối diện với sự bất đồng tại bàn tiệc mừng Giáng Sinh năm nay thì có thể tin vào sự công nhận tuyệt vời và cởi mở đối với tình trạng dị biệt niềm tin của [đạo diễn] Fernando Mereilles. Nếu các vị lãnh đạo tinh thần từ hai thái cực đối nghịch trong phim ‘Hai vị Giáo hoàng’ có thể tìm được thế đứng chung, thì chắc chắn chúng ta cũng có hy vọng làm được như thế.”

                          Anthony Hopkins (vai Pope Benedict) và Jonathan Pryce (vai Hồng y Bergoglio) chuyện trò trong một cảnh của phim “Hai vị Giáo hoàng” tại Phòng Nước Mắt (The Room of Tears) trong Vatican được tái dựng lại cho phim.

                          Tất nhiên trên thực tế đã không có những cảnh trao đổi như vậy, song là do nhà viết truyện phim Anthony McCarten dựng nên. Cũng như ông cho biết đã dựng nên tới ba phần tư các câu đối thoại dựa vào hàng núi tài liệu, sách vở, phim ảnh mà ông đã thâu thập nghiên cứu làm nền cho truyện phim — những đối thoại tuy xoay quanh những vấn đề lớn nhưng vẫn điểm những nét khôi hài, một đặc tính của Hồng y Bergoglio, khiến người xem không khỏi có lúc bật cười lớn.

                          Xây dựng một câu chuyện dựa vào chuyện lịch sử, xung quanh hai nhân vật nổi tiếng toàn cầu, mà lại là hai vị lãnh tụ của một tôn giáo lớn, quả là một công trình không nhỏ, và liều lĩnh.

                          McCarten, gốc Anh và là tác giả của nhiều truyện phim về đời các nhân vật lịch sử, như Thủ tướng Anh Winston Churchill và khoa học gia Stephen Hawking, cho biết ông nẩy ra ý viết truyện phim “Hai vị Giáo hoàng” nhân một ngày trong khi đang ở Rome ông nhận được tin một người thân vừa qua đời và thấy muốn tìm một nơi để thắp cho người quá cố một ngọn nến. Ông quyết định tới quảng trường St. Peter và bắt gặp một đám đông khoảng 50,000 người đang dự thánh lễ do ĐGH Francis cử hành. Kinh nghiệm này gợi cho nhà viết truyện phim hai thắc mắc. Được biết là nguyên Giáo chủ Benedict đã về hưu và hiện sống tại một tu viện bên trong khuôn viên Vatican, dù vậy đây là lần đầu Giáo hội có tới hai vị Giáo chủ, vậy lần cuối sự kiện một lúc Giáo hội có tới hai vị Giáo chủ xẩy ra khi nào? Câu trả lời là 700 năm trước.

                          “Và câu hỏi thứ hai của tôi là, ‘tại sao ông Benedict về hưu?’ Tại sao một vị Giáo chủ truyền thống nhất thời đại lại làm cái việc ít truyền thống nhất như vậy?” McGarten nói. “Và từ hai thắc mắc này mà ý cho chuyện [“Hai vị Giáo hoàng”] nảy sinh.”

                          Đã hẳn là dựng nên một cuộc đối chất thần học tưởng tượng giữa hai quan điểm đối nghịch bảo thủ và cấp tiến của hai vị lãnh đạo tinh thần Benedict và Francis là một việc làm liều lĩnh. Không có tài liệu nào nhà viết truyện phim có thể dựa vào để tái dựng lại các trao đổi này vì sự kín đáo cách biệt với thế giới bên ngoài của Vatican. McCarten cho biết ông đã đọc thật kỹ các chứng liệu về các quan điểm mà ai cũng đã biết của hai vị Giáo hoàng, và nhìn nhận là việc cho hai vị thực sự tranh biện với nhau là do tưởng tượng hoàn toàn của ông.

                          “Thông thường ta chỉ có diễn dịch vậy thôi. Hy vọng là sự diễn dịch ấy dựa vào các dữ kiện và sự thực, và hy vọng là nó gợi hứng cho người xem [về] một cuộc tranh biện vượt ra ngoài lãnh vực tôn giáo,” McCarten nói. “Bởi vì hiện nay chúng ta đang sống trong thời đại chìm đắm trong cuộc tranh cãi giữa hai khuynh hướng đối nghịch nhau, với một bên là quan điểm thế giới sẽ tốt hơn nếu đừng thay đổi mà cứ giữ nề nếp cũ, và một bên là phải chấp nhận thay đổi mặc dù các rủi ro.”

                          Hai người đã có khả năng biến cuộc đối thoại tưởng tượng trên thành như một hiện thực và khá gợi hứng đối với người xem, đó là tài tử Anthony Hopkins trong vai Giáo chủ Benedict cực bảo thủ; và Jonathan Pryce thủ vai Giáo chủ Francis tương lai có quan điểm cấp tiến; qua phần đạo diễn tài tình của Fernando Meirelles, một người tự nhận là “kẻ nguội đạo” (“a bad Catholic”).

                          Hai diễn viên Pryce, 72 tuổi, và Hopkins, 81 tuổi, cùng xuất thân từ Wales, Anh quốc, đã từng đóng vai các nhà lãnh đạo có thực ngoài đời: Pryce trong vai King James trong “The New World” (2005) và Hopkins thủ vai Tổng thống Nixon (1995), một trong bốn vai trò của ông đã được đề cử giải Oscar cho nam diễn viên xuất sắc. Tuy nhiên, lột tả một nhân vật mang chức “Đức Thánh Cha” (His Holiness) người chăn dắt linh hồn của trên một tỉ con người mang lại một cảm giác trách nhiệm đặc biệt. Sau khi khoác lên người trang phục trắng của ĐGH và nhìn mình trong gương, tài tử Hopkins nhìn nhận: “Trời, đây đúng là một cảm giác khác thường thật.”

                          Vai trò tài tử Pryce đảm nhận quả có mang lại một sức mạnh độc đáo khi trong một cảnh hành lễ trước hàng trăm con chiên tại một khu xóm nghèo ở Buenos Aires, ông kể, có một số trẻ em nghĩ ông là Giáo chủ Francis thật, “và có tới hai lần mấy chị phụ nữ trẻ mang con tới xin tôi ban phép lành. May mắn một vị linh mục thực sự đã tiến tới nói để ông ta làm phép cho,” ông Pryce, một kẻ ngoại đạo và người quả có nhiều nét giống Giáo chủ Francis thật, nói: “Bạn không biết được cháu bé đó sẽ ra sao nếu nhận được phép lành giả. Tuy nhiên điều đó nói lên tính cách hiện thực của [nhân vật].”
                          “Khi bạn thủ vai một nhân vật hư cấu bạn có thể dối giá sao cũng được, nhưng khi tôi mặc vào người bộ trang phục Giáo chủ, tôi không thể coi thường được. Tôi có thể đùa nghịch ban phép lành cho đoàn quay phim song nhất định là tôi có một sự tôn kính đối với ngôi vị của Giáo chủ,” diễn viên Pryce cho biết. “Như rất nhiều người, tôi có một niềm cảm thông sâu xa đối với Giáo chủ Francis, người đã nói lên quan tâm đối với xã hội, về hiện tượng khí hậu thay đổi, về dân tị nạn, về việc xây cầu chứ không phải là xây tường.”

                          Về phần mình, tài tử Hopkins thì lại bị mê hoặc bởi con người phức tạp của Giáo chủ Benedict, được mô tả trong truyện phim là bị kẹt giữa niềm tin vào tính cách tuyệt đối của các giá trị truyền thống của Hội Thánh và cảm giác thầm kín về việc mình có thể sai lầm. “Ông có sự hiểu biết và kiến thức để hiều là mình không hoàn toàn,” tài tử Hopkins nói. “Có thể ông đã từng nghĩ nhiều lần là ‘Ta không biết hết mọi sự.’ Chúng ta là những sinh vật bé nhỏ yếu đuối. Chúng ta nghĩ là mình thông minh song thực ra không phải vậy.”

                          Khi được hỏi ông đã nghiên cứu ra sao cho vai trò của mình, diễn viên Hopkins đáp một cách giễu cợt: “Tôi không nghiên cứu gì hết. Tôi xem vài tấm hình và ít đoạn phim tài liệu. Thế nhưng không có gì khó khăn cả đối với tôi trong việc đóng vai già vì tôi chính là một ông già. Diễn xuất với tôi đã trở thành quá ư dễ dàng. Tôi không phải cố gắng. Người ta muốn làm cho [diễn xuất] thành phức tạp nên thấy nó khó khăn. Nếu ai muốn tin như vậy thì cứ việc tin, nhưng [diễn xuất] không phải là một cuộc mổ óc. Diễn xuất trở nên dễ dàng nếu mình cứ thoải mái buông thả mình vào đó.”

                          Quả như Hopkins nói, người xem thấy ông rất thoải mái trong vai Giáo chủ Benedict, có lẽ… thoải mái hơn cả chính Giáo chủ Benedict ngoài đời, người mà, theo tôi, có nét mặt khó khăn nếu không nói là khắc khổ, dường như luôn trăn trở về một điều gì.

                          Xem đá bóng thực tế là một đam mê của Giáo chủ Francis, trong khi Giáo chủ Benedict không thích bất cứ một môn thể thao nào.

                          Có thể kết thúc của nhà viết truyện phim McCarten khi dựng nên cuộc tranh biện về giáo điều giữa hai vị Giáo chủ có quan điểm đối nghịch, rồi để hai vị tiến lại gần nhau ở một điểm chung trong tinh thần bác ái tương nhượng có lẽ không hẳn là không tưởng, dù lý tưởng.

                          “Như hai võ sĩ, hai vị này đấu khẩu tới nơi tới chốn xong rồi rơi vào yên lặng, và chính trong sự yên lặng đó họ ngộ ra và bắt đầu xích lại gần nhau để tìm một chỗ đứng chung,” McCarten nói. “Tôi nghĩ nếu người xem phim có phản ứng nào sau khi xem phim, thì đó là cảm giác rằng thỏa hiệp có thể có được. Chúng ta hiện sống trong một thời đại người ta gần như tuyệt vọng là [thỏa hiệp] không còn có thể đạt được nữa. Nếu thỏa hiệp có thể có được giữa hai giới [bảo thủ và tiến bộ của Vatican] thì có lẽ ta còn có hy vọng.”

                          Liệu phim “Hai vị Giáo hoàng” có sẽ chiếm được một Oscar nào trong đầu năm tới? Có dư luận cho rằng tài tử Pryce, vai Đức Hồng y Bergoglio/ĐGH Francis tương lai, có thể được đề cử cho giải nam diễn viên xuất sắc nhất. Chúng ta chờ xem. [TD2019-12]
                          Last edited by TrucLam; 07-27-2020, 11:11 AM.

                          Comment


                          • #29
                            Cảm ơn Trúc cho xem chuyện hay và còn được nghe nhạc thật hay.
                            Đình Hương

                            Comment


                            • #30
                              Hi chị Hương. Tặng chị một bản nhạc yêu thích:
                              Theme song of The Four Feathers



                              written by ALLYN FERGUSON

                              Comment

                              Working...
                              X