Announcement

Collapse
No announcement yet.

Good Bad Ugly 025 - (39)Mâm cỗ(39) có cao hơn (39)tiếng chào(39)?

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Good Bad Ugly- 012 - Nhà Cầu Cũng Nhất!

    (Trích trong bài Nước Mỹ Số 1, do ĐHương & NĐiệp gửi)

    “Đi cho biết đó biết đây

    Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”

    Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”. Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội ( kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ... cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

    Nhưng khi du lịch ra nước ngoài mới “thấm thía”! Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ - 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới! Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự! Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi: - Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không? - Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn! Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

    Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như... cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ. Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là hình thức trình diễn xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó. Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la..., bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ,khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.

    Người chỉ đứng bên ngoài cho đây là kiểu kinh doanh của Mỹ chỉ chú trọng phục vụ khách hàng tối đa. Nhưng họ nào biết đo là "luật lệ" là phải có tối thiểu bao nhiêu nhà cầu (restroom hay toilet) cho một cơ sở thương mại dựa trên diện tích, số người tối đa phúc vụ, loại phục vụ buôn bán, v.v... Nhà cấu phải đúng tiêu chuẩn vệ sinh cho nam và nữ giới, nước nóng nứơc lạnh, đầy đủ xà phòng giấy lau...và được thanh tra hàng ngày hàng tháng do Sở Sức Khỏe tại đia phương. Nếu vi phạm về giử gìn vệ sinh, cửa hàng thương mại ấy bị đóng cửa và phải sửa chữa cho đến khi đồng ý của Sở Sức Khỏe...Coi chừng việc đút lót, bạn có thể bị đóng cửa hàng buôn bán như chơi...


    Comment


    • #17
      Good Bad Ugly – 013- Non Fat, Low Sugar, Caffeine Free, Reduced Cholesterol

      Nhớ lúc mới sang Mỹ năm 1980, tiền bạc chẳng có là bao, do đó đi chợ chủ yếu là mua thuốc lá và bia, còn phần dinh dưỡng chỉ có mấy món rẻ tiền nhu rau bắp sú (dưới $1/ trái), thịt gà nguyên con (khoảng 19 cent một pound), và sữa tươi. Các món kể trên thì đều thấy ngon và chất lượng, nhưng chỉ có mỗi món sữa tươi uống vào cứ thấy sữa nhạt nhạt không đã chút nào, chẳng giống sữa dê tươi hay sữa ông Thọ chính hiệu như ở Việt Nam. Bụng bảo dạ chẳng lẽ sữa tươi của Mẽo lại không bằng sữa Việt. Nhìn kỹ lại bao bì mới thấy có ghi là No Fat, tức là loại sữa đã được tách chất béo ra, hèn gì uống vào thấy lạ miệng là đúng rồi. Sau khi ở Mỹ một thời gian, mới học được loại sữa, tiêu chuẩn mầu sắc, và cách pha chế sản xuất về các thức phẩm ở Mỹ quá nhiều loại. Đại thể Non Fat, Low Sugar, Caffeine Free, Reduced Cholesterol… là như sau.

      Về sản phẩm sữa nhãn hiệu như: No Fat, Fat Free, Low Fat, 2% Fat, Skim Milk, Reduced Fat, Chocolate Milk, Half & Half Milk, v.v…!Tức là không béo, ít béo và giảm béo! Đúng là dân Mẽo bày ra lắm trò, nhiều loại sữa cho thị hiếu người tiêu thụ. Trong khi hồi ở Việt Nam uống sữa có đường mà nhà sản xuất pha sẵn lại không sao, nhưng bây giờ dẫu có mua được loại sữa béo thì cũng chỉ có sữa lạt tuyệt đối không có đường. Bao bì cũng phân biệt rõ: bình nắp đỏ là chưa tách béo, uống đã nhất! Nắp xanh blue là hoàn toàn không béo, dở ẹc! Xanh lá cây là ít béo, cũng dở! Còn nắp tìm "skim milk" thì thật ít chất béo, v.v... Sau này còn các sản phẩm sữa khác như sữa đậu nành (Soy milk), sữa Almond, sữa có vị trái cây, v.v...

      Về sản phẩm của sữa như phô mai, bơ, cheese, butter, v.v... cũng y như vậy. Loại này có hãng ghi trên bao bì là “original”, “light” hay “reduced fat”, "Spicy",... Vì vậy nên khi mua mấy món này phải chú ý nhìn cho kỹ, chắc ăn là cứ xem bảng Nutrition facts (số liệu dinh dưỡng) kèm trên sản phẩm.

      Kem cũng tương tự như phô mai, cũng phân loại rõ ràng “original”, light”, “reduced fat”. Nhưng kem có nhiều khẩu vị pha chế khác nhau như kem bạc hà, kem chocolate, kem với kẹo vụn, kem với chocolate trắng, kem với hạt điều, v.v... Sản phẩm của kem thì vô số kể. Đặc biệt, dân Mẽo lại thích ăn kem vào mùa Đông, khác với chúng ta cho ăn kem mùa hè cho mát. Ngay cả Yogourt thật chua mà không có đường, mỗi lần ăn cứ phải bỏ thêm mấy muỗng đường vào mới nuốt được mà mất công quá chừng. Loại plain yogourt nguyên chất hay yogourt vị trái cây như dâu, cam, chuối…

      Vì cũng là sản phẩm chế từ sữa nên bánh kem cũng chung số phận, ăn thì thấy ngon vì ngọt thanh chứ không ngọt lự như bánh bên Việt Nam, nhưng lại ít dậy mùi béo của kem sữa. Phần lớn dân Mỹ vẫn còn sợ, mua bánh sinh nhật thổi nến cho vui rồi quẹt quẹt mấy miếng xong bỏ thùng rác chứ ít bỏ tủ lạnh như bên VN.

      Đụng đâu cũng toàn là sugarfree với low sugar. Có đường thì nắp đỏ, không đường nắp vàng. Lượng đường mà người Mỹ bình thường cũng chỉ khoàng trên dưới 30 gram. Mà khổ một nỗi nếu mua loại có béo thì lại ít đường, còn nếu có đường thì lại thiếu béo chứ hai loại này không bao giờ đi chung.

      Các loại nước giải khát thì phân chia nhiều loại gốc sản phẩm của Coca Cola, Pepsi, hay 7-Up, và có phân biệt rõ ràng về loại "original", "diet", "sugarfree", "zero", "caffeine free", "diet caffeien free", "energy drink". Họ chú trọng vào chính lượng đường trong mỗi sản phẩm, nhiều sản phẩm mới rất thịnh hành hiện nay như nước Zicco, smoothy drinks, smart water, energy drinks, vitamine drinks, v.v...

      Qua bên đây, ai cũng lên cân và mập ra, do đó ai ai cũng rất sợ bị high cholesterol. Trứng gà toàn ăn lòng đỏ chứ không ăn lòng trắng. Tôm hùm cũng chỉ ăn thân chứ không gặm đầu không dám đụng vào gạch đỏ béo ngậy. Ăn nhiều cá hơn tôm, cua, mực. Ăn thịt gà, gà tây hay thịt trừu nhiều hơn thịt bò hay heo.… Những cái lạ dân Mẽo ăn kỹ, ăn kiêng chứ không phải ăn ít. Bằng chứng là vào nhà hàng mà nhìn khẩu phần của họ thật khiếp vía luôn, nhất là mấy món thịt. Bò beef steak ăn một lần nguyên cả tảng lớn cỡ nửa kg trở lên. Các món gà “chiên” cũng vậy ăn nhìn thấy sợ. Đồ ăn buffet một lần phe ta lấy cứ gọi là ự hự một dĩa lớn, vậy mà ăn sạch sành sanh luôn. Ăn xong đi lấy thêm món khác nữa, "ăn cho đã" về nhà "ăn kiêng cữ" tiếp! Về nhà lấy máy đo áp huyết và thử đường trong máu tiếp, v.v...

      Bản thân cũng bị bệnh tim, do đó không dám nhiều lời ...:shocked2:


      Comment


      • #18
        Good Bad Ugly - 014 - Lái Trước, Lấy Bằng Sau!



        Dù cho hệ thống giao thông của khác nước khác nhau, nhưng lấy bằng lái xe không đâu dễ và rẻ bằng Mỹ. Đối với quê hương mình thì xe gắn máy tràn đầy ngoài đường, do đó lấy bằng lái xe hơi rất khó và khó lái đề tránh đụng quẹt vào xe. Học và thi lấy bằng lái ở Âu châu rất mắc tiền cả bạc ngàn đồng; vì thế, hệ thống xe bus và tàu điện rất nhiều người xử dụng ở các nước Âu châu. Còn các nước lân cận Mỹ, như Mexico hay Canada lấy bằng lái xe cũng dễ. Nhưng đối với Mỹ chỉ cần đậu bằng viết về luật lệ, bạn có thể ngồi học lái xe với một người có bằng lái...Lái Trước, Lấy Bằng Sau!

        Theo luật của rất nhiều tiểu bang thì bằng lái ngoại quốc, Các Department of Transportation của Mỹ tại các tiểu bang mà công nhận bằng lái ngoại quốc đều quy định giống nhau về vụ này. Tức là các du khách hoặc công dân nước ngoài đang xin giấy tờ cư trú dài lâu phải có văn bản hợp lệ để chứng minh đã có bằng lái ở nước họ. Một Giấy Phép Lái Xe Quốc Tế không bị đòi hỏi nhưng nó có thể giúp cho việc dịch sang tiếng Anh văn bằng của bạn. Một giấy phép lái xe Quốc Tế không phải là một bằng lái xe. Họ có thể chạy được trên đất Mỹ tối đa là một năm kể từ khi nhập cảnh hợp lệ bất kể là du lịch hay định cư. Hay họ có thể thi lấy bằng lái xe tạm ở Mỹ.

        Nhớ lúc đến Mỹ, chỉ có một tuần lễ thì đã có một cái bằng lái xe trong tay... Bằng lái là cái phương tiện hợp pháp, để có cái xe, mà cái xe là cái chân của mình khi ở Mỹ để đi học, đi làm, đi chợ búa gia dịch... Bài thi viết trắc nghiệm "đúng sai" về luật lệ giao thông. Với khả nặng sinh ngữ và "học tủ" những tài liệu thu thập sẵn có, thì chuyện thi luật “nhỏ như con thỏ”. Đánh xong bài thi đó, chấm đâu, thì ra nhận receipt rồi về tự tập lái xe với bạn bè hay người trong nhà. Xe của Mỹ thì toàn xài số tự động nên dễ điều khiển cho tập lái xe. Cứ đúng luật mà chạy thôi. Ra freeway người ta chạy sao mình vậy. Nếu thấy lẹ quá thì lấy lane trong cho an toàn. Cứ như thế tập chạy xe trong khuôn viên đậu xe của trường học hay chỗ sở làm, lúc vắng xe chạy vòng quanh lối xóm vài lần...Thế là ra thi lấy bằng lái như chơi; nếu có rớt chỗ này thì xách xe chạy tới chỗ khác đóng tiền ($15) thi tiếp. Thi xong là có bằng lái trong tay như ai. Luật bảo hiểm ở Mỹ cho mượn xe để "tập lái xe" thoải mái với điều kiện người mượn có bằng ngồi bên chỉ dẫn; và người cho mượn không sống chung với nhautrong một household. Nếu đưa xe cho ai trong nhà mà chưa mua bảo hiểm chung thì lỡ đụng xe phải ráng chịu. Đền sập nhà luôn! Nói thế thuở lập nghiệp ở Mỹ, ai cũng nghèo, đủ tiền để mua một con "ngựa sắt" Mustang cũ mèm, hay một chiếc xe "đua" Nhật Celica quá cũ nhưng chạy rất mạnh....Thích chạy nó hoài khỏi mua xe mới là vì máy móc bền như cối đá và chất được đủ thứ đồ lên xe để đi làm rất là tiện mà không thấy xót xe.

        Sau này các con cái đang học trung học (highschool), chỉ cần đóng khoảng $200 cho một lớp học lái xe, khoảng 2 tuần lễ tốt nghiệp thì các cháu có bằng lái. Nhưng việc mua bảo hiểm cho chúng rất là cao, do đó bậc phụ huynh rất nhúc đầu về việc này.

        Chạy xe bên Mỹ này cả năm rồi nên luật lệ và thao tác quá rành, chuyện thi lấy bằng ở Mỹ chỉ là thủ tục thôi. Nhưng cái thẻ lái xe ở Mỹ coi rất quan trọng như thẻ chứng minh, bao gồm mọi chi tiết cá nhân, an sinh xã hội, loại máu của bạn, hồ sơ tội phạm, nợ nần hay thiếu thuế, good credit hay không, v.v... Thẻ bằng lái xe được đòi hỏi trong những giao dịch buôn bán, ngân hàng, mượn nợ, mua xe, mua nhà, hành chánh, v.v...Đôi khi nó có thể thay thế "passport", nếu bạn mất passport trong khi đi du lịch nước ngoài.

        Cho nên nói "lái trước, lấy bằng sau" giống như nói đùa, nhưng đó là một giấy tờ quan trọng cho người ở Mỹ.

        Comment


        • #19
          Good Bad Ugly - 015 - Moving - Dọn Nhà

          Theo phong tục của mình, gia đình con cái luôn ở gần gũi hay chung đụng nhau trong một mái nhà, đôi khi chúng ta không thể rời nơi chôn nhau cắt rún. Từ đời này sang đời khác, mảnh vườn miếng đất căn nhà không thể rời trong huyết thống của dòng họ. Nhưng khi sang tới Mỹ, mới thấy dân Mỹ di chuyển nhà như cơm bữa, cũng như con cái lớn lên đã muốn ra riêng hay dọn đi xa nhà để có một đời sống tự lập.

          Cứ mỗi năm gần lúc nhập học, chúng ta thấy việc dọn nhà "Moving out" nhan nhãn khắp mọi nơi ở Mỹ. Nào là nhà thuê mướn, nhà trợ cấp của chính phủ, chung cư biệt thự hay condo, khu nhà gần trường học hay dọn vào những khu nhà mới, v.v... Nhiều trường hợp thuê mướn nhà, mua mua bán bán, chuyển nhà quanh năm, nhất là dọn đi xuyên bang.. Phần lớn người Việt mình cứ ở một chỗ, ít dọn hay thay đổi nhà cửa, vì ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà. Dọn nhà riết cũng thấy ngán ngẩm.

          Người dọn nhà "moving out" thì có nhiều lý do: Kẻ thì chê nhà cũ có chuột! không an toàn vì nhiều giống da màu; người lại cho rằng ồ ào vì gần tàu điện hay quá vắng vẻ; phòng ốc chật hẹp khó ngăn nắp hay chỗ đậu xe không thoải mái; xa chỗ làm đi lại khó khăn hay thuờng bị trở ngại lưu thông kẹt xe; xe tải lớn xe tải nhỏ đậu lung tung đầy đường nên đi bộ không an toàn, chỗ mới gần bên bạn bè của con cái ở gần nhau cho vui; gần công viên hay bờ hồ chạy thể dục cũng tiện.... Phần lớn họ di chuyển vì công ăn việc làm, sang tiểu bang khác lập nghiệp, hay có điều kiện để mua căn nhà mới cư ngụ, v.v... Còn người chủ nhà cho thuê cũng rất chu đáo, luôn thấy có dán giấy trước cửa ra nhà để nhắc nhở người thuê như: Dọn ra thì lấy hết thư đi. Gỡ tên dán trên hộp thư cũ. Đừng để quên gì hết…Chuyển vào thì thay tên mới trên hộp thư. Nhắc chủ nhà những gì hư hỏng (nếu có) trong nhà. Nhớ khóa cửa khi đi ra khỏi nhà…

          Đồ đạc nặng hay cồng kềnh, nếu dọn đi gần thì còn chiếu cố bưng bê, còn nếu xa hay dọn vào nhà mới thì bán đổ bán tháo hay đem vứt thẳng cánh cò bay, vì công chuyên chở tính ra đắt hơn mua mới. Việc quăng vứt đồ cũ đi nhưng chủ nhà cũng rất chu đáo tử tế, đem ra bỏ vỉa hè cho ai muốn lấy dùng xin cứ tự nhiên, còn viết thêm mấy chữ dán trên các món đồ như tivi, microwave, speakers chẳng hạn “Still work”(còn làm việc). “Free! Please take away” (Miễn phí! Cứ tự tiện lấy đi). Các đồ nặng như cái bếp cũ, máy giặt máy sấy, TV màn ảnh lớn, ghế salon, v.v... thì họ treo bảng bên ngoài nhà và mời thiên hạ vào trong nhà khiêng ra.... Ghi là free chứ thực ra là nhờ thiên hạ bê đi giùm cho khuất mắt, có như thế họ cũng giải quyết được mọi chướng ngại khi dọn nhà đi xa, nhất khi di chuyển qua tiểu bang khác. Khi cần nam nữ gì cũng xốc vác hết biết. Trường hợp giải quyết không xong đồ phế thải, họ gọi những cơ quan từ thiện như Salvation Army hay Goodwill mang xe đến chở về để cho người nghèo. Mỹ là vậy!

          Thuở mới định cư ở Mỹ còn nghèo, mỗi khi nhìn những món đồ họ quăng đầy đường, chân ướt chân ráo không nề hà xài đồ cũ cứ nhắm khiêng đồ về dùng thật không thiếu thứ gì. Còn nhiều món thấy thích nhưng không có nhu cầu nên lấy về chỉ tổ chật nhà. Loanh quanh mấy chỗ thấy dân Mỹ vứt đồ mới hiểu chữ “Xài như Mỹ", nào là tivi, đầu máy, loa, microwave, lò nướng, sofa, bàn ghế, nệm, máy in, quạt…rồi sách vở, quần áo, nồi niêu, ly tách, đèn trang trí, bình hoa đủ thứ trên đời…Mà đồ của Mỹ thì bền vô địch, mấy cái tivi xài qua thì biết, quăng đi là do muốn đổi model mới chứ nếu để dùng thật không biết bao giờ cho hư. Sống ở Mỹ bao nhiêu năm, mỗi lần dọn nhà cũng thấy mình bỏ đồ cũ cũng không thương tiếc hay phá của. Thích mua sắm nhiều thứ linh tinh đầy nhà, đôi khi chẳng bao giờ xài tới.

          Thực tế thực dụng, có dân Mỹ vứt bỏ đồ cũ thì cũng có dân Mỹ đi nhặt đồ cũng nhiều về dùng hay sửa chữa đem bán "garage sale" hay "yard sale". Còn không, các đồ này được chở vào bỏ trong những khu vực "yunk yard" hay nôm na gọi là "nghĩa địa" đồ phế thải.

          Comment


          • #20
            Đọc bài này của anh Cường tôi nhớ tới một người VN đã trở thành triệu phú ở Nhật .

            Đường link :



            Không biết ở Mỹ -Úc có nên bắt chước để trở thành millionaire không . Tuy nhiên người già mắc bịnh ra đường lượm đồ thiên hạ vất đem về để đầy nhà rất nhiều . Vào nhà họ như một đống rác nhưng chủ nhân rất sung sướng vì nghĩ mình thông minh hơn thiên hạ, có thể xài đồ thiên hạ không xai`được mới vất .

            Trước đây bất cứ đồ trong nhà, cái gì hư tôi quyết chí sửa cho nó tốt trở lại như mới ... cho tới khi ... nghe được vợ con than thở " nhà mình xài toàn đồ bảo tàng viện " thì không quyết chí nữa .

            Thân ái , chúc các bạn vui

            NTT

            Comment


            • #21
              Nạn “Việt Kiều”

              (Vô Danh)

              Trong gần hai chục năm qua, chúng ta nghe từ "Việt kiều" nhan nhản "lấy việt kiều", "quen việt kiều", "việt kiều về nước", "đón tiếp việt kiều", v.v... Trong đó có cái thực cái hư, có cái "kính nể" có cái "miệt thị", có cái "hạnh phúc" và cũng có "đau thương xót xa"... Bài viết trên mạng sau đây khá thực tiễn về cái "Thằng Chồng Việt Kiều Của Tôi", không biết tên người viết...Xin chia xẻ đến các bạn.


              Những ai phải trải qua cay đắng mới biết giá trị đích thực của cuộc sống. Tôi cũng vậy. Hạnh phúc, tiền bạc, danh vọng, và bộ mặt đã làm tôi như quay cuồng.

              Cũng chỉ vì “lấy chồng Việt Kiều” và “có rể Việt Kiều” đã làm cho “thằng chồng Việt Kiều” của tôi điêu đứng và tôi suýt bỏ rơi anh ta khi mới bắt đầu qua đây.

              Có lẽ tôi quá cay đắng nhưng tôi đã hối hận rất nhiều.

              Tôi vốn ở Biên Hòa, được cho là xinh đẹp từ nhỏ. Tôi được gia đình cưng chiều nhưng không có hư đốn. Tôi vào được Đại Học Sư Phạm ngành Anh Văn và học xong.

              Trong thời gian làm kiếp sinh viên, gia đình tôi đi xuống và lam lũ. Tôi trở thành sinh viên nghèo phải bươn chải kiếm sống vì gia đình tôi không thể chu cấp mọi chi phí.

              Ở xóm, có nhiều người lấy chồng Việt Kiều và có tiền xây nhà cao ráo. Ai cũng nói tôi có học và có sắc tại sao không kiếm được chồng Việt Kiều cho gia đình đỡ khổ. Cuộc sống khốn khổ như vậy khiến cho tôi nghĩ đến chuyện “lấy chồng Việt Kiều” để cưu mang gia đình.

              Tôi nghĩ đơn giản như vậy, chính vì đơn giản đó đã làm hại một người, đó là thằng chồng Việt Kiều của tôi.

              Với ý nghĩ đơn giản, tưởng rằng ở nước ngoài ai cũng ăn sung mặc sướng dễ kiếm ra tiền. Tôi có đọc sách báo thì lợi tức trung bình hàng năm của người Mỹ là 24 ngàn đô-la. Nếu thằng chồng làm 24 ngàn đô-la thì mình xin 6-7 ngàn có sao đâu.

              Nhưng thánh thần ơi, đó là lợi tức, chưa tính thuế, tiền xăng, ăn uống, chi tiêu, nhà cửa, điện nước,… Cái ý nghĩ ngu xuẩn chỉ cần 6-7 ngàn mỗi năm đó lan truyền vào gia đình tôi và gia đình tôi tưởng bở và thật.

              Cũng chính vì tôi có sắc và có thân hình đẹp nên tôi kiếm được một thằng Việt Kiều hiền lành nhưng có chút khờ trong những Việt Kiều về thăm.

              Hắn hồi ở Việt Nam chỉ học tới lớp 9, sau đi làm phụ hồ, và theo gia đình đi Mỹ theo diện HO. Qua đó hắn chỉ biết đi làm. So về trình độ học vấn thì chênh lệch với tôi do đó khó nói chuyện. Tôi biết không hạp lắm nhưng giả nai để được đi Mỹ.

              Tôi nhanh chóng trao sự trinh tiết cho hắn và bắt hắn phải chịu trách nhiệm và cưới. Hắn hứa cưới. Tôi ra giá là trước khi tôi qua Mỹ thì gia đình tôi cần 20 ngàn đô để xây nhà mua xe (vì nhà tôi ọp ẹp và không có xe gắn máy).

              Hắn trở lại Mỹ, và gởi tiền đều đều, hắn làm gì tôi không quan tâm vì tôi chẳng yêu, thấy tiền là tôi thích. Tôi cố gắng học cho xong 4 năm đại học để phòng khi không qua được Mỹ thì tôi có bằng cấp và dạy học Anh Văn cũng có tiền.

              Khi nhà cửa tôi xây xong, xe có 2 chiếc thì hắn về. Trông hắn tiều tụy và ốm sau 2 năm và tôi cũng vừa tốt nghiệp Đại Học. Đám cưới tổ chức linh đình. Gia đình tôi nở mặt nở mày với hàng xóm. Trong khi chờ đợi qua Mỹ, tôi học thêm đủ thứ nghề từ thêu may đến điện toán, uốn tóc đến làm móng tay,… Hắn chu cấp vài trăm đô mỗi tháng.

              Khi đến Mỹ tôi thật sự thất vọng. Thằng chồng tôi ốm yếu và bịnh hoạn. Tôi biết sự thật là sau khi gặp tôi, hắn làm 2 việc để có tiền gởi theo tôi yêu cầu. Mỗi ngày hắn chỉ ngủ được 4 giờ. Cuối tuần làm thêm. Nhà thì ở nhà mướn chứ không như tôi nghĩ là nhà riêng có bãi cỏ đẹp. Xe hơi thì xe cà tàng cũ xì chứ không bóng lộn như tôi thấy ở tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai.

              Tôi lúc đầu nghĩ rằng hắn lừa dối tôi để được tôi nên tôi giận quá bỏ hắn qua người dì. Hắn sụp đổ tinh thần và vào bịnh viện tôi chẳng cần quan tâm. Tôi luôn nghĩ cuộc sống của hắn ở Mỹ phải tốt, phải như thiên đường….. Nào ngờ chỉ là dân lao động nghèo nàn không biết Anh Văn.

              Dì tôi nói là nếu không trở lại sống với hắn thì về Việt Nam vì nếu tôi bỏ hắn thì tôi bị trục xuất. Dì tôi không dám chứa chấp tôi sợ liên lụy. Dì tôi cho tôi 10 ngày suy nghĩ.

              10 ngày đó tôi tìm hiểu cuộc sống ở Mỹ. Tôi thấy ai cũng cố gắng đi làm để có tiền chứ không dễ hái ra tiền. Khác với ở Việt Nam là làm việc ở đây dù tiền ít vẫn không bị đói. Môi trường sống tốt hơn, học hành miễn phí, có biết tiếng Anh xin làm dễ hơn,....

              Tôi nghĩ về thằng chồng tôi không yêu nhưng lấy chồng vì tiền. Tôi dần dần thấy tội nghiệp hắn. Vì mê sắc đẹp tôi mà hắn phải hao tổn sinh lực làm 2 việc để có hơn 24 ngàn đô la gởi về cho tôi trong lúc bản thân hắn chẳng có gì.

              Tôi dần dần động lòng trắc ẩn thương thằng chồng không yêu. Tôi thấy tội nghiệp quá. Đã tốn sinh lực kiếm tiền cho tôi và sau đó bị tôi bỏ đi. Tôi ứa nước mắt ân hận.

              Sau một tuần tôi trở lại và xin lỗi. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong thân hình tiều tuỵ của anh làm tôi thêm đau lòng. Tôi thề với Trời Phật tôi không bỏ hắn và sẽ lo cho anh.

              Tôi dễ dàng kiếm việc và anh nghỉ 3 tuần dưỡng sức vì mới ra bệnh viện. Tôi ráng bươn chải thêm việc cuối tuần để hòng giúp anh có tiền mua xe khác và cho tôi một chiếc xe cũ nào đó vì sống ở Mỹ thiếu xe không thể xin việc làm tốt hơn.

              Tôi giải thích cho gia đình tôi hiểu và tôi chỉ sẽ chu cấp 100 đô mỗi tháng mà thôi. Gia đình tôi dĩ nhiên không hiểu và giận tôi và nói rằng tôi đi Mỹ bị Mỹ hoá không biết lo cho gia đình. Tôi thấy 100 đô đủ rồi, gia đình tôi kiếm thêm chứ làm sao tôi phải nuôi chồng và nuôi 6 người bên Việt Nam.

              Anh từ từ hồi phục nhưng do lao lực quá nên lúc nào cũng ốm ốm và không có sung sức. Cuộc sống tình dục vợ chồng rất thưa thớt vì hắn yếu sức. Tôi muốn có con với anh để anh yên lòng vì thế tôi và anh phải nhịn 6 tháng để hòng anh có đủ sức lực theo lời bác sĩ.

              Trời Phật thương tôi và tôi có thai. Anh hạnh phúc và sức khoẻ dần dần tốt hơn. Do có vốn tiếng Anh, tôi có việc trong ngân hàng và lương khác. Anh chỉ đi làm việc nhẹ và tôi gánh vác mọi thứ. Tôi chỉ mong anh khoẻ mạnh trở lại chứ trong gia đình ai đi làm chính cũng vậy thôi.

              Con tôi ra đời khoẻ mạnh, tôi mừng khôn xiết, người mừng vui hơn tôi là anh.

              Giờ gia đình tôi ổn định. Tôi làm việc có lương gấp 3 lần chồng vì chồng chỉ lao động bình thường và khó lòng vươn lên vì trình độ học vấn giới hạn. Tôi dần dần có được hạnh phúc gia đình, tình cảm vợ chồng, cũng như được thoả mãn tình dục do chồng tôi hồi phục được sức khoẻ. Tôi đã sai và sửa chữa.

              Hy vọng các chị muốn lấy chồng Việt Kiều hiểu rõ hoàn cảnh của ông chồng tương lai để tránh nhiều chuyện đau lòng nơi xứ người.


              Comment


              • #22
                Công Nghiệp Ở Mỹ

                (Trích dựa trên bài viết: Don’t Go to the U.S. - A Foolish and Backward Nation)

                Hồi thuở mới lớn, chúng ta đã được học qua trung học chuyên nghiệp hay tiếp diện các nhà máy công nghiệ. Chúng ta biết, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu. Từ một cơ xưởng sản xuất ci-măng, nhà máy làm đường, hay công ty đóng đồ hộp, nhà máy dệt, v.v...; chúng ta thấy sinh hoạt công nhân ra vào đông đúc, chợ búa và dịch vụ đông đúc, công nhân ra vào đông đảo trông qua rất mạnh mẽ cho một sự phát triển hùng mạnh.

                Lúc mới sang định cư ở Mỹ thấy nước Mỹ đất đai mênh mông. Nhà máy và các cơ xưởng cho công nghiệp rải rác thưa thớt ngoài ngoại ô, trông qua cứ tưởng chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển. Khung cảnh bên ngoài trông rất buồn tẻ và không có khí thế sản xuất...!

                Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói, nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa! Thế mà ở tại xứ Mỹ này, tịnh không có một cái ống khói nào! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi !

                Chúng ta biết công nhân công nghiệp được chở đi làm từng đoàn xe bus, quần áo đồng phục chỉnh tề như là một đội ngũ lao động hùng tráng. Thế mà đế Mỹ, chỉ thấy chúng nó tự lái xe đi vào hãng, quần áo theo thời trang "cá nhân", mạnh thằng nào thằng nấy vào bấm máy làm hùng hục...Thế mà cứ báo cáo lếu láo hàng hóa bảo đảm chất lượng...!? Phải xem qua bằng chứng gì về công nghiệp hóa cao siêu.

                Chúng ta làm việc trong khuôn khổ hạn hẹp, hình thức đơn giản, nhưng quy trình công nghệ cao và sản phẩm tốt. Khung cảnh làm việc nhộn nhịp, người qua lại trao đổi và rấ gần gũi nhau. Còn cơ xưởng của chúng, thưa thớt trong phân chia ranh giới "an toàn" cho từng máy móc và bộ phận. Từng khu vực đã xa lại không cho phép nói chuyện to lớn trong cơ xưởng... Thật là công nghiệp bóc lột cao siêu...”team work”!

                Mực độ sản xuất hằng ngày của chúng ta được chở đi phân phối không kịp cho giới tiêu thụ. Thế mà hàng hóa của chúng cứ chồng chất một cách thặng dư, chúng chẳng biết "kinh tế" hay hệ thống công nghiệp sản xuất gì cả.

                Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy than, nhà máy luyện thép bên bờ sông! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả!

                Ðiểm “phong cách công nghiệp rất quan trọng vì có thể bao hàm các điểm đã nêu ở trên. Một anh nông dân sau khi gieo lúa xong có thể nhậu lai rai, ngủ dài dài và chờ đến thời điểm nhổ cỏ, bón phân mới làm tiếp. Mà việc này có làm muộn vài ngày cũng chẳng sao. Nhưng một người công nhân đứng máy luôn luôn phải đúng giờ, có thao tác chính xác tuyệt đối và tinh thần kỷ luật cao. Một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tác hại đến cả dây chuyền.

                Thôi còn nhiều thứ nữa, nhưng chia xẻ một số điểm cho chúng ta thấy đọc cho vui trong mục "The Good- The Bad- The Urly"

                Comment


                • #23
                  Anh Cường nè thông thường có thể kêu theo chức vụ, bằng cấp thí dụ : Professor, Mr. President, Doctor, Auntie, Uncle thay cho tiếng you.

                  "..hay một số bậc cha mẹ cũng không biết xưng hô thế nào với thầy cô giáo của con mình" mình gọi bằng họ "Mrs. Lee' , 'Miss Lee' hay 'Ma'am' 'Sir'.

                  Người Trung Hoa- họ cũng dùng 'You' tương đương với 'Nỉ' để xưng hô với nhau.

                  Ngoài Bắc bây giờ không dùng từ 'Dì, Dượng hay Cậu ' để xưng hô với nhau, tất cả đều là Cô Chú hay Bác, (chắc là muốn đơn giản hóa, nên không biết là bên Mẹ hay bên Cha, cũng không biết là Dâu hay Rể trong nhà nữa...

                  Comment


                  • #24
                    Những Cái Sợ Ở Đất Mỹ

                    Ở xứ Mỹ có rất nhiều cái sợ. Sợ đủ thứ - sợ ăn, sợ chơi, sợ mất việc làm, sợ kẹt xe, sợ vay nợ, sợ shopping mua bán, sợ ly dị, sợ mất credit, sợ kéo nhà, v.v..... Cái gì cũng sợ.

                    Cái sợ nhất là sợ mất “job” vì không có "job" là có thể mất đủ thứ. Không tiền trả tiền nhà thuê, trả tiền xe, trả tiền credit cards, hay không tiền để trả tiền mortgage, v.v...Thật ra làm chức vụ càng lớn, tiền kiếm có thể nhiều hơn, nhưng xài càng lớn cho hợp “class”, rồi thuyền càng to sóng càng lớn cứ sống trong phập phồng lo sợ mất "job". Do đó cái nạn nhà băng câu nhà không phải là hiếm! Dân culi bị câu nhà thì chuyện đã đành, nhưng cả khi giám đốc mất ‘job” nhà băng câu nhà cũng không phải là chuyện lạ. Ở cái xứ Mỹ này, cái gì cũng “possible” cả, người tai to mặt lớn cũng chằng ai biết đến và cư xử như mọi người. tiền bạc đút lót cũng chẳng mua được "job". Khi mất việc lại khó kiếm việc làm cho từng lứa tuổi, cho nên cái nạn hưu non cũng xảy ra rất ở trong cộng đồng người Việt. Khổ nổi, chẳng ai dám nói đến cái tên của nó cả. Nói ra thì sợ người ta cười, mà không nói thì sợ bà con bên nhà không rõ. Vậy nên tôi xin chia sẻ một số cái sợ của người Mỹ để bà con bên nhà thông cảm.

                    Cái sợ thứ hai là sợ mất credit. Ở cái xứ này, mặc dù anh chị em có xinh đẹp sáng lạng đến đâu, mà khi đã mất "điểm credit" là anh chị em ta chẳng làm được gì cả. Không đi mượn tiền được để mua máy móc dụng cụ, xe mới, nhà mới, v.v...nếu được thì phải bỏ rất nhiều tiền mặt (cash hay check) hay bị tiền lời (interest) rất cao. Ngân hàng và thương mại rất sợ nhận nhiều tiền mặt (cash), nếu số tiền mặt khoảng $3000 hay nhiều hơn, họ phải làm báo cáo cho FBI, chi tiết về việc buôn bán, để tránh tình trạng tiền "chẩy" (laundry money). Lúc mới đến Mỹ, chúng ta còn quen lối sống bên Việt-Nam là ăn chắc mặc bền, có tiền thì mình mua trả đứt, không tiền thì mình nhịn cho đến khi hàng đại hạ giá mới sắm về. Nhưng thật ra không phải các món đồ vừa túi tiền mình đâu ngoài cái thức phẩm đồ ăn. Mặc dù chúng ta có tiền "sung túc" trong ngân hàng (saving hay checking), mua sắm tiền mặt sòng chẳng thua ai cả. Nhưng khi đi mua xe mới, nhà mới...ngân hàng luôn xét điểm credit là "zero credit". Điều đó bắt buộc chúng ta phải đi xin thẻ tín dụng (credit card), thì bị vướng phải nhiều thứ như số an sinh xã hội, công việc là, đồng tiền lương, v.v... Mới bắt đầu là vài ngàn đồng, sau đo càng dùng nhiều và trả tiền đúng thời hạn thì số credit càng được nâng cao hơn... Ở Mỹ, một người công dân tốt là mua chịu và trả tiền đúng hạn, phải có máu mặt "credit" càng lớn thì càng có nhiều mãnh lực sống trên đất Mỹ. Mà một khi có credit rồi, thì có quyền mua xe, mua nhà, mua đủ các thứ! Thế, muốn trở thành công dân tốt, mình phải lọt vào bánh xe luân hồi của họ, cứ phải đi cày để trả nợ, hết nợ này đến nợ khác. Do đó, một khi chúng ta bị vỡ nợ hay mất việc làm, mức "credit" cũng yếu dần, đôi khi chúng ta phải xây dựng "credit" lại từ đầu. Nói vậy để xin kính báo với bà con công dân tốt nghĩa là nợ như chúa chổm đó!

                    Cái sợ thứ ba là sợ mập. Có lẽ ở nước nào cũng không có thói quen quở bạn bè “mập", thuờng chúng ta khen họ ốm, sụt cân hay trẻ đẹp là họ sung sướng và cám ơn lia lịa! Nhưng đa số chúng thấy, đến đất Mỹ này chúng ta lên cân rất nhanh, thí dụ khi tôi đặt chân đến đây chỉ có 55 ký, nhưng trong vòng 10 năm sau đó tôi đã nặng gần 80 ký lô. Ngay cả trong và ngoài nước đều công nhận tỷ lệ "mập" (overweight) rất cao ở Mỹ, ai ai cũng biết điều đó ảnh hưởng đến sức khỏe. Thị trường Mỹ có quá nhiều loại thức ăn như hamburger, chip, donut, taco, steak, fried chicken, french fried, v.v... là những thứ làm tăng cân rất nhanh. Nhưng bên cạnh đó cũng có các chương trình quảng cáo tập trung đến thị hiếu người tiêu thụ là giảm cân, bớt mỡ, hay ngăn chặn cái chữ “mập” như slim fast, weight control, exercise, diet, skim milk, half and half, diet, sugar free, fat free, v.v… Nhà nào cũng đều theo dõi sức khỏe hằng ngày qua một cái cân bàn, một cái đo áp huyết, máy chạy bộ, v.v... Hàng năm đi bác sĩ khám tổng quát một lần để chẩn bện và ngăn ngừa các chứng đột quỵ tim, ung thư, đường trong máu, yến thận, v.v..Bạn bè cứ mách bảo nhau chế độ ăn uống, thuốc ta thuốc tây, thể dục hay võ thuật...Xem ra không ai có gan "ăn chơi" xả láng, nhất khi tuổi lớn sức yếu...ăn hay chơi cái gì cũng sợ "mập- mỡ - mỏi mệt!"

                    Comment


                    • #25
                      Mùa Đông Lạnh Buốt

                      Chỉ trong vài tuần bão tuyết bay ngang qua Texas, cây cảnh hoa trái vườn tược quanh nhà đã héo úa hư hại thảm thuơng. Lòng thì buồn, người thì lạnh cóng dường như cũng héo úa. Vì vậy ai ai cũng rất sợ mùa Đông...vì khung trời luôn mang màu xám xịt u buồn, không khí lạnh buốt thấu xương, sân vườn hay đường xá đóng đá hay phủ tuyết trắng...

                      Thời tiết mùa Đông nhiệt độ âm dưới 20 độ C hay thường hay có tuyết rơi phủ khắp nơi. Trời rét tuyết lạnh tới xương luôn, thế ai bảo ở nước Mỹ là sướng? Nếu bạn ở miền Bắc Mỹ thì bạn phải quấn vi ba lớp áo vào người. Cái khổ là mới sáng thức dậy, bạn phải lấy xẻng ra xúc lớp tuyết trước nhà, có hôm cao đến cả thước, để bạn có thể lái xe trong garage ra. Nhưng cái khổ nhất lúc bạn ra đường, tuyết và nước đá đóng dày lên mặt đường, bạn không biết phải đi vào lối đi nào. Đã như vậy, xe cứ muốn trượt xoay tròn tròn khó mà điều khiển, muốn lên dốc hay xuống dốc cũng khó bám mặt đường. Trong tình trạng này xe điều khiển người lái chớ không còn làm chủ nó, chớ có dại mà đạp thắng nó hay chớ điên đạp chân ga...càng sợ chiếc xe càng xoay vòng trên đường đôi khi gây ra tại nạn. Tai nạn thì thôi khỏi nói, nào phải câu xe, chờ bảo hiểm định giá, sửa xe hay đi mua xe khác...chỉ có mấy chủ hãng xe hay chủ "bodyshop" làm ăn buôn bán phát đạt vì có nhiều xe bị hư hỏng.

                      Lúc đâu thấy tuyết rất thích, đi hay chơi trên đám tuyết dày lòng cảm thấy vui vui. Bụi tuyết cứ thi nhau đổ xuống trên người, làm thích thú vì có dịp để mình in dấu chân của mình trên tuyết trắng. Lối đi cũng chẳng biết nên đi lối nào, mò ra tới bãi đậu xe thì bắt đầu thấy ớn lạnh vì xe nào xe nấy có hình thù của chiếc xe tuyết. Nào phải mở máy để xe chạy cho nóng máy trước khi đi, phải dùng tay hay đồ cào tuyết trên kính xe. Đứng cào, tuyết phủ đầy chân, nước thấm lạnh qua chiếc giầy vào chân, làn cho tay châm và cả thân người lạnh cóng. Đôi khi cứ nhắm chừng lui xe ra từ garage ra ngoài đường, cũng đã nghe tiếng rạo rạo của tuyết dưới bánh xe lăn. Xe ra đến đường chính màu trắng xóa, bắt đầu cảm thấy chiếc xe bắt đầu "khiêu vũ" luân điệu mùa đông. Ớn thật! đường trơn trợt, xe chạy hơi mất trật tự, xe chạy chậm chậm, quẹo trái quẹo phải như rùa bò, bên trong xe mở nhiệt và defrost, bên ngoài bật quạt nước xồn xoạt qua lại để có thể thấy đường mà đi. Chẳng bao lâu, trước mặt và phía sau tôi là cả một đoàn xe nối đuôi nhau nhúc nhích theo nhau. Thỉnh thoảng, một vài chiếc xe bỏ mặt bên lề đường, vài chỗ xảy ra tai nạn, chỉ như thế cũng làm cho chúng ta căng thẳng khi lái xe.

                      Mùa Đông lại có màn đổi giờ, trời mau tối sầm, loay hoay thời gian trôi lẹ quá mới phàn nàn buổi sáng ra đường đi làm trời còn tốium hơi sương lạnh lẽo vậy mà tới 5 giờ chiều trời đã tối thui rồi. Tối càng tối, sương mù càng xuống thấp, lái xe càng khó khăn và căng thẳng nào việc đón con, nấu cơm dọn dẹp, tắm rửa nghỉ ngơi như đã khuya lắm rồi ....Tội thay sáng ra không muốn dậy vì trời cũng còn tối, nắm nướng trong mền còn sướng hơn ra khỏi giường, uể oải ca thán bài "...xin thời gian ngừng trôi".

                      Có lẽ năng suất làm việc của nước Mỹ khiến khi làm ai cũng mải mê quen đi mùa Đông, người người sáng ra cũng khăn gói đi làm đi học bình thường. Cộng thêm xứ Mỹ nhiều ngày nghỉ Holiday trong mùa Đông như Thanks Giving, Christmas, New Year, v.v...nên đi làm việc cũng ít thấy ngán. Quanh năm gần như tháng nào cũng có ngày lễ vui chơi chưa kể hai kỳ nghỉ chính mùa Xuân(Spring break), mùa Đông (winter break), mùa Hè (Summer vâction), nên có nhiều cơ hội tái tạo năng lượng? Có lẽ thiên nhiên luôn thay đổi như vậy nên con người cũng thấy phấn khích và có niềm tin và dễ thấu hiểu. Chẳng có buồn đau nào là mãi mãi mà cũng không có niềm vui nào là bất tận. Thu qua Đông tới hết Xuân sang Hè., mưa tuyết rơi mãi rồi cũng dứt quan trọng là con người đừng mất hy vọng của mình… Thôi thì cứ coi như kẻ sợ Mùa Đông Lạng cũng chính là người yêu cuộc sống Hạnh phúc ấm áp vậy!

                      Comment


                      • #26
                        Linh Tinh Kiểu Sống "Mỹ"

                        Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, chúng ta dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông cốt sắt ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác. Trông qua kiến trúc xây dựng còn sơ khai lắm, nhưng vật liệu xây dựng càng ngày càng phổ biến cho các lối kiến trúc hiện đại ở nhiều nước trên thế giới.

                        Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa, nhường bước kẻ khác, hay bạn có cần giúp đỡ gì không? Thật là khó tin, vì chúng ta đã nghe đồn đãi là người Mỹ "chủ nghĩa cá nhân", khó tin keo kiệt, chuộng lối sống “ đạo đức giả ”, v.v... Đi ăn trưa mỗi người tự trả tiền ít khi ai bao ai, phụ nữ "tự" làm việc nặng nhọc không cần bàn tay "trượng phu" giúp, con gọi bố mẹ bằng tên như người bạn, v.v...Nhưng học có thể trả tiền cho bạn nếu bạn không có tiền lẻ trên xe bus, đóng góp tiền "charity" hàng năm đều đặn, trả tiền nguyệt liễm hàng năm rất to lớn cho nhà thờ, v.v...Đôi khi, họ để lại tài sản cho người bạn lâu năm, cho con chó trung thành, cho các từ thiện mà họ tin tưởng, cho xây dựng trướng học và bảo tồn văn hóa, v.v.v....Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là thực tế, đôi khi ta cảm thấy họ khờ khạo và khó hiểu. Phần lớn các nước đều sợ bàn tay lông lá của Mỹ, mặc dầu học nhận những trợ cấp to lớn hằng năm mà không các cường quốc khác có thể so sánh về sự rộng lượng.

                        Người Mỹ rất thích đi săn bắn, nhưng ít người biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, hổ báo, nhím chồn...Và họ cũng chả thiết lấy thịt, sừng, sâm nhung, gan mật, v.v....của những thú này để kiếm tiền! Nhiều người Mỹ hãnh diễn có súng ống trong nhà, vẫn thích sống nơi vắng vè hoang vu, gần gũi những thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội sơ khai, bạo động, hay chuộng thiên nhiên bình yên!

                        Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài, họ không hề có cái gọi là phong thái tiến sĩ bác học. Một người giảng sư nổi tiếng có thế ă uống, sinh hoạt, đấu láo chuyện xã hội minh tinh điện ảnh hay football...với sinh viên trong văn phòng của mình. Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ PhD. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây!

                        Họ tranh cãi trao đổi kiến thức ngang hàng, học cộng tác nghiên cứu một cách tôn trọng, mạnh dạn đưa ý kiến "phủ nhận" nếu cần thiết ...Không có việc "lợi dụng" kiến thức chuyên nghiệp hay buôn bán trong vị thế chức tước

                        Học sinh tiểu học Mỹ chả có nhồi sọ lý tưởng cao xa gì hết, chủ yếu "chơi để học" giúp phát triển trí óc tưởng tượng cho đứa trẻ. Bài tập "homework" kiểu như các học sinh quê nhà rất xa lạ ở Mỹ. Chúng lớn lên không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ, chức tước quyền hành trong chính quyền! Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách, sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư? Một quan niệm nghe mới lạ, có ve thô thiển làm sao...Nhưng khi đi học ở Đại học mới biết, phần lớn sinh viên Mỹ rất thực dụng và trội hẳn trong chuyên ngành tứ là sau năm thứ Ba của Đại học...Thường chúng ta chê bai bác sĩ Mỹ, nhưng họ là những sinh viên xuất sắc chọn tuyển khó khăn vào các trường Y Khoa ợ Mỹ.

                        Khác biệt về y tế là đầu tiên bạn đi bác sĩ khám bệnh, nhận được toa thuốc từ bác sĩ, rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng …Ôi chao mọi việc như thế này rất nhanh gọn như ở quê nhà, bạn cứ ra tiệm thuốc tây nói sơ chứng bệnh là mua thuốc thuốc ngay…Lúc đầu chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc, vì lợi nhuận hay trách nhiệm! Hồ sơ bệnh lý được lưu trữ hay trao đổi từ các bác sĩ hay bệnh viện; bác sĩ lấy tiền bác sĩ, bệnh viện lấy tiền chẩn khám hay chăm sóc cho từng khu hay từng bộ phận...Đâu đâu cũng thấy phải trả tiền, không có sức khỏe bảo hiểm chỉ có chết...chính vì thế việc kiện tụng, bồi thuờng, nợ nần "chữa trước trả sau" nhan nhãn xảy ra ở xứ Mỹ. Rõ ràng kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản ở Mỹ nhưng không đâu chữa trị bệnh hoạn hiện đại bằng Mỹ.

                        Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao! Đôi khi bạn hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ, mặc kệ công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, không sợ "bức lá động rừng", đề cập nhiều mặt khác nhau, thậm chí còn dám phê bình hay “chưởi” cả tổng thống. Báo của họ không toàn những bài ca tụng lên mây, tự do ngôn luận khai thác mạnh không đâu như báo Mỹ.

                        Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo. Chẳng hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy cầu nguyện nghe hết sức khờ khạo như cầu nguyện Chúa phù hộ bình an cho gia đình, nhân loại, hay nước Mỹ...Nghe thấy qua nghĩ là buồn cười, nhưng ai cũng có cần có đời sống tâm linh.

                        Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian . Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoản đứng vào hàng chờ đợi, bất kể đám đông xếp hàng dài như thế nào, họ cũng không chen lấn hay mánh mung đi "cổng sau" hay đút lót ...Có khi họ mang cả ghế hay lều xếp hàng để lấy thứ tự trong các dịp "black Friday" hay "sản phẩm mới" ra đời. Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý vì bạn có thể trả lại món hàng vài tuần sau khi mua về và thậm chí cửa hàng vui vẻ nhận lại cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ!

                        Ỡ Mỹ có thể tới 95 % nhà dân không cần tới lưới hay hàng rào sắt chống trộm...Quái lạ chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ? Nhưng họ sợ cướp nhiều hơn. Hầu như có tới 95 % tài xế không dám vượt đèn đỏ, mặc dầu 99 % dân Mỹ có xe hơi. Cũng thật lạ, bao nhiêu là xe cộ lưu thông nườm nượp trên xa lộ, nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, không mấy khi xe chen chúc trên đường trên phố xá.

                        Nhân viên Mỹ rất ít nghĩ tới việc phải làm gì cho giổ Tết hay tiệc cưới của xếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc tận tình chu đáo cho xếp của mình. Nhất là 99% người Mỹ đi học, đi làm, thăng quan tiến chức, mà không hề biết hay bận tâm sự cần thiết của quà cáp “phong bì” để có thể mở ra một cánh cửa sau tốt đẹp hơn.

                        Comment


                        • #27
                          Nghèo ... Kiểu Mỹ

                          Nước Mỹ giàu nhất về mức sống bình quân cho từng đầu người rất cao, tuy thế vẫn còn 15.1% số dân thuộc diện người nghèo. Tuy nhiên, tiêu chuẩn nghèo ở mỗi nước thì khác nhau, cho nên không thể đánh giá mức độ nghèo của một nước qua con số tỷ lệ người nghèo. Liên hiệp quốc quy định, người nghèo có mức thu nhập dưới 2 USD/ngày, tức 730 USD/năm. Trong khi đó, tiêu chuẩn nghèo ở Đức là thu nhập hàng năm dưới 11,256 Euro, ở Pháp là dưới 10,560 Euro. Còn tiêu chuẩn nghèo của Mỹ được xác định khi có thu nhập 22,314 USD/ năm cho một gia đình có 4 người hoặc 11,139USD/năm cho người độc thân. Như thế mức độ nghèo ở Âu Châu còn khá hơn Mỹ.

                          Không gian sinh hoạt gia đình của mỗi người Mỹ bình quân là 71 mét vuông, ở các hộ nghèo là 43 mét vuông. Nói cách khác, điều kiện nhà ở của người nghèo Mỹ còn cao hơn nhiều so với mức trung bình về không gian sinh hoạt gia đình của mỗi người tại các nước giàu như Anh, Pháp, Đức, Nhật (37 mét vuông). Ngay tại các nước có mức thu nhập trên trung bình như Hy Lạp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, bình quân mỗi người chỉ có 23 mét vuông không gian sinh hoạt gia đình. Điều kiện nhà ở của người nghèo Mỹ cao gấp hơn 2 lần các gia đình thu nhập trung bình tại Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, và gấp 6 lần mức trung bình của người dân đô thị tại Ấn Độ. Như thế mức độ sinh hoạt sinh sống ở Mỹ còn khá hơn nhiều nước.

                          Nhưng cứ nhìn thử các dữ kiện dưới đây để so sánh đời sống nghèo ...kiểu Mỹ!

                          • 43% số hộ nghèo ở Mỹ có nhà ở sở hữu riêng

                          • Tính trung bình mỗi nhà có 3 phòng ngủ, 1 phòng sinh hoạt chung, 1 phòng khách, 1 phòng ăn và bếp.

                          • Bình quân mỗi gia đình nghèo ở Mỹ có 1 garage.

                          • Phần lớn nhà ở của người nghèo đều có sân, vườn.

                          • 66.2% hộ nghèo bình quân mỗi người có 2 phòng ngủ.

                          • 28.2% hộ nghèo bình quân mỗi người có 1 phòng ngủ.

                          • 5.6% hộ nghèo thuộc diện nhà ở chật chội, tức mỗi phòng ngủ có hơn 1 người.

                          • 4.3% số hộ nghèo bình quân mỗi phòng có trên 1.5 người.

                          • 79.7% các hộ nghèo tại Mỹ có máy lạnh.

                          • 99.2% hộ nghèo có tủ lạnh,

                          • 64.3% có máy giặt,

                          • 56.7% có máy sấy quần áo,

                          • 89% có microwave và lò nướng thức ăn,

                          • 1/3 có máy rửa bát.

                          • 3/4 các hộ nghèo Mỹ có ít nhất 1 xe

                          • 31% có từ 2 xe trở lên.

                          • 97% hộ nghèo có ít nhất 1 TV màu.

                          • Hơn 50% hộ có 2 TV màu,

                          • 25,3% có TV màn hình rộng.

                          • 75% hộ nghèo có máy DVD,

                          • 62% dùng truyền hình cable hoặc truyền hình satelite,

                          • hơn 50% có thiết bị âm thanh stereo,

                          • 91.3% có điện thoại nhà,

                          • 32.5% có cả điện thoại nhà và điện thoại di động.

                          • 3/4 số hộ nghèo có máy computer.

                          (NN Sưu tầm)


                          Comment


                          • #28
                            Lối Sống Du Mục "Nhà Di Động"

                            Nghe “nhà tiền chế" hay nhà "nhà di động” (mobile home) thấy khó hiểu nhưng ở Mỹ đi thành phố nào hay xa lộ nào cũng thấy những kiểu nhà này.

                            Kiểu nhà tiền chế hay di động có nhiều cỡ như chiếc xe van hay như một căn nhà bình thường. Trong đó có đầy đủ phòng ngủ, nhà bếp, nhà cầu nhà tắm, phòng khách, v.v...Căn nhà rất đầy đủ và tiện nghi, kinh doanh theo lối mua hay "thuê" nhà mới hay nhà cũ. Nguyên bản dân Mỹ là dân du mục đây đó, do đó hiện nay cũng còn một số ít vẫn còn thích kiểu nhà tiền chế hay nhà di động vì rẻ tiền, tiện nghi cho việc di từ chỗ này sang chỗ khác mà không bị gò bó lệ thuộc vào nhiều thứ.

                            Khi di chuyển, cả căn nhà to chình ình được chở trên chiếc xe truck 24- bánh, được chạy bon bon trên xa lộ, đôi khi chiếm cả hai kênh đường. Chỉ cần treo một tấm bảng sau xe “Oversize load” tức là chở quá khổ, ý là chở đồ bự và nặng mấy xe chạy sau chú ý giùm chút xíu…

                            Quan điểm chúng ta "an cư mới lạc nghiệp", còn lối sống Mỹ "life is too short" đi đó đây vui thì ngừng đến chán đi tiếp....Cũng lạ, lúc bọn Mỹ về hưu lại thích du lịch theo đời sống "du mục du thủ" thế này. Không thể hiểu nổi...!?




                            Comment


                            • #29
                              Tôi Rất Tự Hào Khi Được Sống Ở Mỹ

                              ThuyVanUK

                              Gần đây tôi có đọc được một vài bài viết nói về cuộc sống của người Việt trên đất nước Mỹ khiến tôi không khỏi chạnh lòng. Ở bất kỳ đất nước nào trên thế giới, con người cũng đều phải đi làm để lo cho cuộc sống của mình. Những người lười biếng, thì cuộc đời của họ sẽ dậm chân tại chỗ

                              Giầu và nghèo thì không có nước nào mà không có hai tầng lớp này, bởi vì chẳng nơi nào chỉ có toàn người giầu và chẳng nơi nào chỉ có toàn người nghèo cả.

                              Tôi đã theo cha mẹ qua Mỹ khi lên 10 tuổi và bây giờ chỉ còn hai năm nữa thì tôi được 30. Như vậy có nghĩa là tôi đã sống ở Mỹ một thời gian khá dài. Phải nói rằng trong lòng tôi luôn cám ơn đất nước Mỹ đã cho tôi cơ hội đến trường mà không phải lo sợ không có tiền đểđóng cho họ, cám ơn Mỹ đã cho tôi cơ hội để cầm mảnh bằng kỹ sư trong tay, và cám ơn Mỹ đã cho tôi cơ hội kiếm được một công việc làm khá tốt.

                              Tất cả những điều có được ngày hôm nay là do sự cố gắng vươn lên của tôi. Muốn bước tới sự vinh quang không phải là ngồi một chỗ than thở hoặc lười biếng mà có được.

                              Rất nhiều người Việt vượt biên qua Mỹ trước kia đã thành công, có nhà cửa và có tương lai sự nghiệp vững chắc. Cha mẹ tôi khi đặt chân qua Mỹ cách đây 18 năm cũng đã phải làm lại từ đầu. Ông bà không quản ngại làm việc siêng năng để lo cho anh em tôi học nên người, nhưng không bao giờ than van rằng đất nước Mỹ bắt họ phải làm việc đầu tắc mặt tối.

                              Đất nước Mỹ không hề mang chúng ta sang đây, mà chính chúng ta tự đòi sang, vì thế nếu làm việc cực khổ thì đừng bao giờ phiền trách họ vì như thế là mình quá vô lý.

                              Nhiều người Việt khi mới đặt chân qua Mỹ sau những ngày vượt biên nguy hiểm đầy gian nan đã được chính phủ Mỹ nuôi dưỡng trong một chương trình trợ cấp còn được gọi là welfare vì có con nhỏ cho tới khi 18 tuổi, ngoại trừ độc thân thì chỉ được 24 tháng. Như vậy đủ biết xã hội mỹ đã tốt đến thế nào đối với chúng ta.

                              Người Việt ở Mỹ cũng có hai tầng lớp: một loại trí thức có văn bằng cầm trong tay và một loại người không có mảnh bằng nào cả. Người có bằng cấp sẽ kiếm được công ăn việc làm tốt hơn, còn người không có bằng cấp thì phải làm nghề lao động. Dĩ nhiên lương sẽ không được trả cao.

                              Ở Mỹ tôi đã nhìn thấy rất nhiều người cùng thế hệ với tôi trở thành bác sĩ, kỹ sư giúp ích cho đời sống mọi người. Đa số những người qua Mỹ sau này muốn làm giầu nhanh nhưng không chịu học hành.

                              Cũng có nhiều người Việt ở Mỹ từng làm giầu bằng nghề Nail. Tôi không quen biết ai trong ngành này, nhưng theo những nhận xét từ người lớn cho biết, họ kiếm tiền rất dễ dàng . Chính họ tự chọn làm nghề chà chân, sơn móng tay để kiếm tiền, chứ chính phủ Mỹ hay người Mỹ không hề bắt họlàm như vậy. Nghề này ngồi trong bóng mát và không quá khổ cực nhưnhững người phải làm việc ở ngoài đồng nhặt trái cây giống như người Mễ, hoặc công nhân sửa đường phố, nên xin đừng than thở. Mỗi lần tôi nghe ai than làm nghề nail thếnày thế nọ thì tôi không thể hiểu họ thực sư muốn gì?.

                              Đôi khi họ kiếm nhiều tiền hơn cả những người đã phải bỏ công ra ngồi học 4 năm trong đại học. Những người đi làm cho công ty Mỹ luôn đóng thuế đàng hoàng nhưng họ lại không.

                              Tôi rất ghét những người ăn cơm Mỹ, ở nhà Mỹ, kiếm tiền từ người Mỹ nhưng luôn chê trách cuộc sống và đất nước Mỹ. Những người chỉ biết đứng núi này trông núi nọ không bao giờ thành công và hài lòng với những gì họ đạt được.. Nếu thật sự ở Việt Nam tốt hơn trong mắt họ thì họ nên về đó mà sống, sang Mỹ làm gì ?.

                              Căn cứ theo báo cáo cũng như từng đọc báo chí thì tôi thấy cuộc sống ở VN khó khăn gấp nhiều lần bên Mỹ. Thử hỏi một kỹ sư hóa học ra trường kiếm được bao nhiêu tiền một tháng? Ngay cả tầng lớp trí thức như giáo sư người đã cho sinh viên kiến thức, mà còn nghèo khổ đi làm thêm ban đêm để có đủ tiền nuôi vợ con đó thôi.

                              Những người giầu bên VN đa số là cán bộ cao cấp, con ông cháu cha hoặc là những người buôn bán, ngoài ra số người nghèo thì vẫn còn rất nhiều.

                              Chúng ta không thể nào so sánh cuộc sống của người Việt tại Mỹ với cuộc sống của người Việt tại quê nhà được vì đây là hai bối cảnh hoàn toàn khác nhau. Ở Mỹ làm việc cực nhọc nhưng không cảm thấy bị gò bó, muốn nói gì hay đi đâu cũng được.

                              Ngoài ra luật phát của Mỹ luôn được tôn trọng nên ý thức của con người rất cao, còn ở Việt Nam thì luật pháp chẳng bao giờ được người ta thực hành triệt để vì ý thức của người dân quá thấp kém.

                              Người Mỹ rất lịch sự mặc dù có một số người kỳ thị nhưng khi gặp gỡ mình ngoài đường họ luôn nói lời chào hỏi dù không hề quen, điều này khiến cho người Việt ở Mỹ cũng lịch sự theo.

                              Người Việt ở Mỹ rất có lòng tốt đối với thân nhân còn sống ở bên Việt Nam. Dù giầu hay nghèo họ đều cố gắng gởi tiền về VN lo cho gia đình, thử hỏi đa số những người bên VN có dám cho tiền thân nhân của mình hay không khi biết họ nghèo khổ?, giỏi lắm thì chỉ được vài bữa ăn là cùng. Tranh giành nhau từng thước đất, hoặc gia tài thì có rất nhiều.

                              Con cái ở bên Mỹ không bao giờ chờ đợi được chia gia tài từ cha mẹ. Họ tự tạo cho mình một cuộc sống vững chắc riêng.

                              Mỗi người có một cuộc sống đi kèm theo sự thành công hay thất bại. Mỹ chưa phải là thiên đường nhưng nó đã giúp cho người Việt ở đây có rất nhiều cơ hội mà nếu ở VN thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ có được trừ khi họ có thân nhân làm trong guồng máy chính quyền.

                              Tôi không quên nguồn gốc mình là người Việt Nam nhưng tôi cũng sẽ không làm kẻ vong ơn, ăn cơm, uống nước của Mỹ nhưng luôn miệng che bôi Mỹ.

                              Tôi rất tự hào khi được sống ở bên Mỹ.


                              Comment


                              • #30
                                Những Chuyện Lạ Của Các Tổng Thống Mỹ

                                (Phương Đăng)



                                Từ George Washington, vị Tổng thống đầu tiên cho tới người đương nhiệm Barack Obama đều chứa đựng nhiều bí mật lý thú và gây tò mò cho công chúng. (Không có hình Obama trong tấm hình trên).

                                1. Ít ai biết George Washington, vị Tổng thống đầu tiên đồng thời cũng là người anh hùng của nước Mỹ, không thích bắt tay người khác. Ông cho rằng, hành động bắt tay hạ thấp vị thế của một tổng thống. Do đó, thay vì bắt tay, ông thường cúi chào các vị khách của mình. Để tránh tình huống khó xử trong trường hợp khách đưa tay ra bắt trước, Tổng thống Mỹ thường đặt một tay lên thanh gươm của mình và tay kia giữ mũ.

                                2. John Adams, Tổng thống thứ 2 và Thomas Jefferson, Tổng thống thứ 3 của Mỹ đều chết cùng một ngày. Hơn nữa, đó lại là một ngày đặc biệt của nước Mỹ, 4/7/1826, vừa tròn 50 năm ngày Mỹ ký Tuyên ngôn độc lập.

                                3. Tổng thống Thomas Jefferson, (Tổng thống thứ 3) xuất thân là một nhà văn nổi tiếng, đồng thời cũng là tác giả chính của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, không thích phát biểu trước công chúng và thường tránh đọc diễn văn ở nơi công cộng. Ngoài ra, Thomas Jefferson cũng được xem là một trong những tổng thống nghèo nhất của Mỹ. Ông phải vay nợ trong suốt cuộc đời mình, trong đó có cả một khoản nợ của bố vợ mà ông có trách nhiệm phải trả thay. Sau khi ông chết, bất động sản của Tổng thống được đấu giá để trả nợ và con gái ông phải sống dựa vào trợ cấp từ một quỹ từ thiện.

                                4. James Madison là Tổng thống thứ 4, có thể chất yếu ớt nhất trong số các tổng thống Mỹ. Chỉ cao nhỉnh hơn 1m6, ông nặng chưa đầy 45 kg, chỉ gần bằng 1/4 cân nặng của Tổng thống Taft, Tổng thống béo nhất của Mỹ.

                                5. Tổng thống John Quincy Adams (Tổng thống thứ 6) thích bơi khỏa thân ở Potomac. Một lần, một nữ phóng viên dũng cảm muốn thực hiện cuộc phỏng vấn với Adams nên đã liều đánh cắp quần áo của ông cho đến khi nhận được cái gật đầu đồng ý trả lời phỏng vấn của Tổng thống mới thôi.

                                6. Tổng thống Andrew Jackson (Tổng thống thứ 7) từng là một tay đấu súng có tiếng. Một lần, một người đàn ông nọ công kích vợ của Tổng thống Jackson, họ đấu súng. Người đàn ông bắn một phát trúng phía trên trái tim của Tổng thống Jackson. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giữ bình tĩnh, ngắm mục tiêu và bắn chết đối thủ. Do việc gắp viên đạn ra quá nguy hiểm cho tính mạng nên Tổng thống Jackson đành phải sống chung với nó cho đến cuối đời.

                                7. Tổng thống Martin Van Buren (Tổng thống thứ 8), từng không nói được tiếng Anh. Ông được nuôi dưỡng và trưởng thành trong văn hóa và ngôn ngữ Hà Lan.

                                8. William Henry Harrison là Tổng thống nổi tiếng với bài diễn văn nhậm chức dài nhất nhưng lại giữ nhiệm kỳ tổng thống ngắn nhất. Cụ thể, bài diễn văn dài dòng của ông đọc dưới điều kiện thời tiết tồi tệ. Do đó, ông bị cảm lạnh trầm trọng và qua đời chỉ sau một tháng nhậm chức. Ông là Tổng thống thứ 9 của Mỹ.

                                9. John Tyler (Tổng thống thứ 10) là Phó Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ nhậm chức sau khi đương kim Tổng thống qua đời. Ông cũng là tổng thống có nhiều con hơn so với bất cứ đồng nhiệm nào với 15 người con tất cả.

                                10. Tổng thống James Polk (Tổng thống thứ 11) được bầu làm Tổng thống Mỹ bởi lời hứa không tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 2.

                                11. Tổng thống Zachary Taylor (Tổng thống thứ 12) qua đời do mắc phải bệnh tả bởi trót ăn một bát anh đào với sữa lạnh.

                                13. Tổng thống Millard Fillmore (Tổng thống thứ 13) từng từ chối nhận tấm bằng danh dự của Đại học Oxford với lý do, ông không thể đọc được những gì mà tấm bằng viết bởi nó sử dụng chữ Latin. Ông từng nói rằng: “Người ta không nên nhận một tấm bằng mà mình không thể đọc nổi nó viết những gì”.

                                14. Tổng thống James Buchanan (Tổng thống thứ 15) bị đánh giá là tổng thống tồi nhất trong lịch sử nước Mỹ trong cuộc thăm dò ý kiến các sử gia bởi nhu nhược và lãnh đạo kém cỏi. Trong nhiệm kỳ của mình, James Buchanan đã không đủ kiên quyết và mạnh mẽ để chống lại âm mưu của các bang miền Nam đòi ly khai dẫn đến cuộc nội chiến đẫm máu của Mỹ. Đồng thời, ông cũng không chứng tỏ được tài lãnh đạo khi để nước Mỹ chìm trong suy thoái. Tổng thống James Buchanan cũng được cho là bị trầm cảm nặng và là tổng thống đồng tính đầu tiên của Mỹ. Ô”ng cũng là Tổng thống Mỹ duy nhất độc thân khi đang đương nhiệm.

                                15. Tổng thống Abraham Lincoln (Tổng thống thứ 16) trong các bức ảnh rõ ràng là một người đàn ông có dung mạo không ưa nhìn nhưng những người từng tiếp xúc với ông đều nhận xét, ông sở hữu khuôn mặt thông minh và điển trai. Ông là Tổng thống đầu tiên của Mỹ để một chùm râu rậm.Ông nuôi râu theo lời góp ý của một cô gái trẻ tên là Grace Bedell chứ không phải phu nhân của mình.

                                16. Tổng thống James Garfield (Tổng thống thứ 20) có thể viết tiếng Latin bằng tay trái trong khi tay phải đang viết đồng thời một văn bản khác bằng tiếng Hy Lạp.

                                17. Tổng thống Chester A. Arthur (Tổng thống thứ 21) đã bán toàn bộ nội thất bên trong Nhà Trắng trước khi phải rời khỏi dinh thự này. Nay nhiều đồ đạc trong số đó dù có thể lỗi mốt so với kiến trúc của Nhà Trắng hiện nay nhưng lại có giá trị kếch xù.

                                18. Grover Cleveland là Tổng thống Mỹ thứ 22 và 24 đồng thời là Tổng thống duy nhất phục vụ hai nhiệm kỳ không liên tục (1885–1889 và 1893–1897). Ngoài ra, ông cũng là Tổng thống đảng Dân chủ đầu tiên được bầu sau Nội chiến Mỹ. Đặc biệt, Tổng thống Grover Cleveland có sở thích nghe điện thoại và luôn đích thân trả lời các cuộc điện thoại ở Nhà Trắng.

                                19. Tổng thống Benjamin Harrison (Tổng thống thứ 23) có nỗi ám ảnh với điện. Ông và vợ không bao giờ chạm vào các công tắc điện vì lo sợ bị điện giật. Đồng thời, họ luôn bật đèn sáng trưng khi ngủ.

                                20. William Howard Taft (Tổng thống thứ 27) là Tổng thống béo nhất của Mỹ nhưng đồng thời cũng giữ một danh hiệu liên quan đến thể thao. Ông là người đầu tiên khởi xướng trò ném bóng xuống sân mở đầu một mùa giải bóng chày (giống như phát bóng danh dự trong bóng đá). Sau lần ném đầu tiên của Tổng thống Taft ngày 14/4/1910, hành động này trở thành nghi thức truyền thống của các tổng thống Mỹ dù không có văn bản nào quy định điều này.

                                21. Tổng thống Woodrow Wilson (Tổng thống thứ 28) là Tổng thống có học vị cao nhất của Mỹ với một tấm bằng tiến sĩ dù ông không được học đọc cho tới khi tròn 7 tuổi.

                                22. Tổng thống thứ 30 của Calvin Coolidge là người rất kiệm lời. Do đó, ông có tên thân mật là “Cal ít nói”.Mỹ

                                23. Tổng thống thứ 31 của Mỹ Herbert Hoover và vợ có khả năng nói thông thạo tiếng Quan Thoại. Khi họ trao đổi riêng tư và không muốn người khác nghe được, họ sẽ nói chuyện bằng tiếng Quan thoại.

                                24. Tổng thống thứ 32 của Mỹ Franklin Delano Roosevelt có vợ cũng mang họ Roosevelt. Do đó, Đệ nhất phu nhân không cần thay tên họ khi kết hôn với Tổng thống Franklin.

                                25. Khi tàu bị đánh chìm trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Tổng thống thứ 35 của Mỹ, John F. Kennedy đã cố cứu sống một thủy thủ bị thương bằng cách buộc một sợi dây vào răng và kéo người này vào bờ. Tổng thống đã bơi một chặng đường 3,5 km.

                                26. Tổng thống thứ 36 của Mỹ, Lyndon Johnson nghiện uống Fresca đến nỗi cho xây hẳn một vòi phun Fresca trong Nhà Trắng.

                                27. Tổng thống thứ 37 của Mỹ Richard Nixon thích chơi bowling đến nỗi lấp hồ bơi trong Nhà Trắng để xây một làn bowling.

                                28. Tổng thống thứ 38 của Mỹ, Gerald Ford là người duy nhất không được bầu vào cương vị tổng thống hay phó tổng thống. Ông được Tổng thống Richard Nixon bổ nhiệm làm phó tổng thống và sau đó đảm nhận cương vị tổng thống Mỹ sau khi Nixon từ chức.

                                29. Tổng thống thứ 41 của Mỹ, George HW Bush đã “nôn thốc nôn tháo” ngay giữa bữa tiệc chào đón ông đến thăm Nhật Bản được tổ chức bởi Thủ tướng nước này.

                                30. Tổng thống thứ 42 của Mỹ, Bill Clinton từng là thành viên của một ban nhạc Jazz gồm 4 thành viên hồi còn học phổ thông. Ban nhạc này có tên Three Blind Mice ( Ba chú chuột mù) và luôn biểu diễn với những cặp kính râm.

                                31. Tổng thống thứ 43, George W. Bush giữ kỷ lục là tổng thống có tỷ lệ ủng hộ cao nhất và thấp nhất của Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ đối với ông Bush tăng lên đỉnh điểm sau sự kiện 11/9 và giảm xuống mức thấp thảm hại so với bất cứ tổng thống nào của Mỹ sau thảm họa siêu bão Katrina tàn phá Mỹ.

                                32. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama thường thích đọc những bài báo có nội dung phê bình về mình hơn là các bài toàn lời khen ngợi. Ngoài ra, Tổng thống thứ 44 của Mỹ cũng rất thích sưu tập truyện tranh và có thể nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha.

                                Comment

                                Working...
                                X