Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tạp ghi Quỳnh Giao

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #31
    Hi Trúc và Hồng Nhung,

    Bài thơ này của cây viết nữ Hoàng Lan Chi hiện đang định cư tại Hoa kỳ, có tựa đề:

    Em Đi Đâu Mà Vội Tóc Thề Ơi

    Em đi đâu mà vội

    Nắng đã xếp hàng chưa

    Tóc còn bờ vai xõa

    Cho một lời hẹn xưa

    Em đi đâu mà vội

    Tóc thề dấu ở đâu

    Sao chỉ còn vành nón

    Nghiêng nghiêng trên mái đầu

    Em đi dâu mà vội

    Guốc mộc rộn ràng vang

    Áo lụa vàng hớn hở

    Tóc thề nào xốn xang

    Em đi đâu mà vội

    Gió còn ngủ trên cây

    Cho tóc thề hờn dỗi

    Nằm xõa trên vai gầy

    Em đi đâu mà vội

    Thơ hồng chưa viết xong

    Tóc thề sao vội cắt

    Chút tình này long đong

    Em đi đâu mà vội

    Mà vội

    Tóc thề ơi

    Hoàng Lan Chi

    Lúc ĐQ phổ bài thơ này thì không biết NS PAD (là bạn của ĐQ đang hành nghề Bác sĩ tại CA) đã phổ , nên cũng góp mặt cho vui. Nếu biết đã được phổ rồi thì chắc có lẽ ĐQ đã không có bài nhạc này ra đời. Sau này có thêm một hai ns khác đã phổ thêm mà ĐQ cũng chưa được nghe.

    Xin mời nghe bài hát này của NS PAD phổ tuy lời có chút thay đổi so với bài thơ trên theo thể điệu luân vũ 3/4.


    Và nhân tiện cũng xin mời nghe ca sĩ Hồng Nhung (ĐHSPKT-TĐ) trình bày bài hát này của ĐQ sau đây. Bài hát này ca sĩ Phan Trọng đã trình bày trong CD Tình ca ĐQ 1 khá hay rồi nhưng HN đã ca lại nghe man mác và tha thiết hơn nhiều như ý tác giả muốn :thumbs:. Bài thơ này cũng là bài thơ bố cục khá vững chắc nên ĐQ đã giữ toàn bộ lời thơ và chỉ thêm có một chữ duy nhất thôi đễ diễn tả một chút muộn màng, luyến tiếc ...đố bạn biết đó là chữ gì trong bài nhạc này.

    Tóc Thề Em Đi Đâu Vội

    Thơ Hoàng Lan Chi; Nhạc ĐQ

    Trình bày: Hồng Nhung



    Riêng tựa bài hát ĐQ có sửa chút cho ngắn gọn lại và như Trúc đã đề cập tới nhưng tựu trung lời bài thơ mới là quan trọng ...

    Xin cảm ơn Trúc đã mang những tản mạn của cây viết QG về đây rất hay...
    https://www.doquanmusic.net

    Comment


    • #32
      Hồng Nhung!Em đi dâu mà vội,tóc thề em ơi!!!!!tuyet voi

      Comment


      • #33
        Anh Đỗ Quân ,

        Không phải khen ủng hộ gà nhà nhưng NL thích bài hát của anh hơn , hay có lẽ mình nghe nhiều quen tai và thích hợp hơn. "Em đi đâu mà vội, mà vội quá Tóc thề ơi."

        "Đi đâu mà vội mà vàng, mà bỏ cả tóc , mà lờ cả anh" Tiếc thật.

        Comment


        • #34
          Tiếng Hát Duy Trác


          Quỳnh Giao

          Có những biến cố rất nhỏ bé bỗng nhiên có khả năng gợi nhớ mãnh liệt.

          Quỳnh Giao nhớ lại như vậy khi giới thiệu Phạm Hà trong buổi chiều hát nhạc Văn Phụng vừa qua. Chúng ta thiếu giọng nam hát được cho đúng tâm tư của nhạc sĩ trong những ca khúc nghệ thuật. Khi ân cần giới thiệu một tiếng hát đầy triển vọng là Phạm Hà, Quỳnh Giao nhớ lại tiếng hát Duy Trác, dù ông đã nghỉ tay gói kiếm và giã từ vũ khí được mười năm rồi.

          Một sáng Chủ Nhật trong veo, cách đây đã hơn nửa thế kỷ, Quách Ðàm dẫn một thanh niên đến thăm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Quách Ðàm nổi tiếng từ thời phôi thai của tân nhạc Việt. Người thanh niên ông dẫn tới gặp Dương Thiệu Tước là cháu ông, còn trẻ mà phong độ đã chững chạc người lớn. Năm đó, Duy Trác mới mười tám, có giọng hát truyền cảm, ấm áp, và ngoài giọng ca thiên phú lại còn xướng âm rất vững.

          Duy Trác bước vào âm nhạc ngay từ buổi gặp gỡ đó.

          Cũng như trường hợp của Mai Hương, Duy Quang, Thái Hiền, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Ý Lan... và của người viết bài này, Duy Trác đã đi vào âm nhạc theo bước chân gia đình, như một sự tiếp nối tự nhiên, không có tuyển lựa hay khám phá bất ngờ gì. Dương Thiệu Tước lập tức mời Duy Trác cộng tác cùng chương trình “Ký âm pháp và Nhạc lý phổ thông”, được ông lập ra để thính giả có cơ hội cảm nhận và thưởng thức những ca khúc mới. Ca sĩ phải xướng âm ca khúc, tức là đọc nốt nhạc, trước khi hát vào lời.

          Ðây là sự hướng dẫn cần thiết mà ta lãng quên dần cho thính giả đời nay.

          Chương trình được phát thanh vào mỗi sáng Chủ Nhật, và được thâu thanh trực tiếp. Thời đó, việc thâu thanh trực tiếp đòi hỏi người trình bày phải “trình diễn” chỉ bằng tiếng hát, nên họ phải vững về nhạc lý, có khả năng lập tức xướng âm bài hát hoặc bài tập mà không có cơ hội hát đi hát lại. Duy Trác đã bước vào nghệ thuật qua con đường khó như vậy.

          Toàn ban của chương trình chỉ có ba giọng, nữ ca sĩ Minh Trang (thân mẫu của Quỳnh Giao) là giọng nữ, Duy Trác là giọng nam, và thứ ba là giọng... nít, do nhi đồng nhóc tì Ðoan Trang đảm nhiệm (tám năm sau mới đổi tên thành Quỳnh Giao khi thay mẹ xuất hiện với người lớn!)

          Trong ban tam ca này, Minh Trang và Duy Trác “minh diễn” cho thính giả những bài mê ly êm ái, như “Phút say hương”, “Hoa Xuân”, hoặc “Hướng về Hà Nội”. Còn nhi đồng Ðoan Trang thì được chí chóe xướng âm cho các em bé chắc cũng chẳng nhỏ hơn mình là bao nghe những bài của thiếu nhi như “Chim chích chòe”, “Thằng cuội”, “Quãng đường mai”...

          Cũng từ đó, Duy Trác còn hát trong các chương trình của học sinh sinh viên với bạn hữu như Hồng Duyệt (cháu Dương Thiệu Tước và là tác giả bài “Ðường chiều” rất “blues” của thập niên 1960), Phạm Vận, Ðỗ Tuấn, Cung Tiến, Mai Hương, Bạch Tuyết, Thể Tần, Hồng Hảo...

          Nhiều người trong số đó nay đã thành danh trong các lãnh vực khác, hoặc đã giã từ âm nhạc. Một vài người đã vĩnh viễn lìa xa chúng ta, như Hồng Duyệt hay Phạm Vận đã mất trên đường vượt biển. Duy Trác là bạn thân của Hồng Duyệt và hiền thê của ông, chị Ấu Oanh, chính là em gái Hồng Duyệt. Hoặc như Ðỗ Tuân, tức là Ðỗ Ðình Tuân nay đang chìu khách yêu văn yêu nhạc tại nhà sách Văn Khoa trong khu Phước Lộc Thọ. Hoặc như Thể Tần và Hồng Hảo, hai người em của nhạc sĩ Nhật Bằng trong ban Hạc Thành thì Thể Tần nay cũng đã ra người thiên cổ. Bạch Tuyết, em gái chị Mai Hương, ra dược sĩ và cũng nghỉ hát từ lâu...

          Buổi chiều hôm hát nhạc Văn Phụng bên Kim Tước, Mai Hương, do ban Tam Ca Tiếng Tơ Ðồng gồng mình tổ chức, Quỳnh Giao gặp lại Bạch Tuyết nên càng nhớ lại thời xưa.

          Thời xưa đó trôi qua quá nhanh.

          Chúng tôi sinh hoạt với nhau, vui tươi và hồn nhiên, trong đài phát thanh tại số 3 đường Phan Ðình Phùng, ngày nay có nhìn lại chắc giật mình vì thấy là nhỏ. Nhỏ mà đầy ắp kỷ niệm. Bao nhiêu hình ảnh thương mến của nghệ sĩ chúng tôi đã chất chứa tại nơi đó, vì gặp nhau hàng ngày, thân nhau như ruột thịt, và đối xử với nhau có lẽ theo cái cách quý mến riêng.

          Thời gian trôi quá nhanh. Y Vân nay cũng không còn, như Vũ Thành, Phạm Ðình Chương hay Ngọc Bích, Nguyễn Hiền. Ðan Thọ thì cũng gác đàn thiên di về Louisiana và năm ngoái còn chạy bão Katrina mà mất luôn cây đàn cổ...

          Sài Gòn năm xưa đã không còn.

          Phải chăng vì vậy mà Duy Trác giã từ sân khấu?

          Ðối với giới thẩm âm, Duy Trác là ca sĩ có giọng hát “trí thức” nhất chẳng phải vì ngoài đời ông là Luật Sư Khuất Duy Trác và có lúc còn là chuyên viên về luật pháp trong phủ tổng thống và vì vậy mà bị tù đày sau 1975. Quỳnh Giao chỉ thấy Duy Trác trình bày có gout và luôn nhớ tới lời một nữ văn sĩ, “người ta thường nói rằng ca sĩ khó chịu nhất là khi bị chê mình hát sai, chứ tôi thì sợ nhất là khi bị chê rằng mình không có gout”...

          Duy Trác hát đúng và hát hay là điều hiển nhiên với mọi người biết nhạc và yêu tân nhạc. Nhưng phong cách trình bày ca khúc là phong cách của người tài hoa, hiểu lời ca và diễn tả đúng lời ca, rất đẹp mà không cần gò để chứng tỏ nét điêu luyện. Duy Trác có sự cảm thông sâu đậm với cái đẹp và riêng với cái đẹp trong âm nhạc.

          Chúng ta nên luyến tiếc phong cách thực hiện và trình bày ca khúc nghệ thuật như vậy.

          Biến cố 1975 khiến các văn nghệ sĩ miền Nam tan tác chia lìa. Gặp nhau xứ người trong các buổi trình diễn, chúng tôi thường hỏi thăm về Duy Trác và xót xa không ít khi nghe tin ông bị tù cải tạo, đã có những năm tháng khổ sở nhất trong số các bạn tù cùng trại vì sự bướng bỉnh và lối chống đối rất tài hoa và dí dỏm.

          Khi được ra và qua tới bên này, Duy Trác không nói nhiều về thời đen tối ấy. Chúng tôi chỉ tíu tít hỏi nhau về truyện năm xưa và hàn huyên về kỷ niệm. Quỳnh Giao đã hai lần đứng cùng sân khấu, lần đầu là khi cùng Kim Tước, Mai Hương gọi nhau hát mừng Duy Trác tại San Jose. Sau đó là trong một chương trình chọn lọc tại Palo Alto cũng ở miền Bắc California, cùng các giọng nam khác như Anh Ngọc, Ðoàn Chính và Vũ Anh... Sau đấy, Duy Trác giã từ sân khấu.

          Thực ra, Duy Trác chưa hề thích hát trên sân khấu.

          Với người nghệ sĩ này, hát là một sự chọn lọc từ cử tọa đến cách tự tay kéo màn ra về. Ông không muốn hát không đúng nơi hợp cách và càng không muốn khán thính giả phải kéo màn tắt máy cho mình. Có lẽ vì vậy mới giã từ ngang xương vào Tháng Sáu năm 1995.

          Vẫn là phong thái của người có gout và kính trọng thính giả.

          Người xưa có nói về các tiếng hát bao năm sau vẫn quyện trên mái đình cổ kính. Người xưa có trí tưởng tượng và sự lãng mạn phong phú bù đắp cho những thiệt thòi khác về kỹ thuật. Người nay vẫn còn tiếng hát Duy Trác được cất giữ trong băng nhạc, trong đĩa nhựa. Ðể sau này, khi nói “hát như Duy Trác”, chúng ta có thể cho các thế hệ về sau nghe Duy Trác hát như thế nào.

          Chúng ta, nhất là những người trình bày, cũng nên chịu khó nghe lại.

          Comment


          • #35
            Chị Trúc Lâm và quý anh chị thành viên diễn đàn thân mến!

            Hôm nay,được đọc lại những bài viết tinh tế của Nghệ sĩ Quỳnh Giao do chị Trúc Lâm post lên diễn đàn cho mọi người thưởng lãm.Bài vừa post lên sau cùng vào ngày 28 thì hai ngày sau (ngày 30/7/14) nghệ sĩ Quỳnh Giao đã vĩnh viễn ra đi.Bản lược trích tiểu sử dưới đây về nghệ sĩ tài danh Quỳnh Giao như một nén hương muộn màng tiễn đưa Cô đi về trời.

            Xin cúi đầu vì sự ngưỡng mộ và thương tiếc một nhân vật tài hoa trong lĩnh vực âm nhạc của người Việt vừa khuất núi.

            Quỳnh Giao - Lòng ta ở với người

            Nguồn:nguoiviet.com

            Tiểu sử chính thức của nghệ sĩ Quỳnh Giao

            Quỳnh Giao sinh tại Vỹ Dạ của cố đô Huế vào ngày 8 Tháng Mười Một năm 1946 với khuê danh là Nguyễn Phước Công Tằng Tôn Nữ Ðoan Trang.

            Nói theo lối cổ điển về thân thế, Quỳnh Giao thuộc “Hoàng phái” từ song thân là cụ Ưng Quả và danh ca Minh Trang.



            Di ảnh nghệ sĩ Quỳnh Giao. (Hình: Gia đình cung cấp)


            Thân phụ là Nguyễn Phước Ưng Quả, hiệu Vân Hán (1905-1951), cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh, tự Khôn Chương, hiệu Tĩnh Phố, người con thứ 11 của vua Minh Mạng và em vua Thiệu Trị. Nhà Giáo Ưng Quả là học giả uyên bác được giới khảo cứu Việt học của Pháp kính trọng và là bậc thầy của một thế hệ giáo sư, sau này có nhiều khoa trưởng của các đại học thời độc lập. Học Giả Ưng Quả từng là Thái Tử Thiếu bảo khi dạy học Thái Tử Bảo Long, Hiệu trưởng trường Quốc Học tại Huế, giám đốc Nha Học Chánh Trung Phần thuộc Bộ Học của nước Việt Nam thời Pháp và tác giả của nhiều công trình biên khảo về văn hóa và mỹ thuật Việt Nam, từng phiên dịch văn chương Pháp qua Việt ngữ và văn học Việt Nam Pháp ngữ... Ngoài ra, cụ còn là người thẩm âm sành nhạc và gẩy đàn nguyệt khi tiêu khiển.

            Cụ Ưng Quả mất vào năm 1951 tại Bộ Học sau một cơn trụy tim, thọ 46 tuổi, khi Quỳnh Giao mới lên năm.

            Thân mẫu Quỳnh Giao, nghệ sỹ Minh Trang, có khuê danh là Nguyễn Thị Ngọc Trâm, là con gái của Thượng Thư Nguyễn Hy. Bà là cháu ngoại của Công Chúa Công Tằng Tôn Nữ Tốn Tùy, tức Mỹ Lương Công Chúa. Công Chúa Mỹ Lương được người đương thời tôn xưng là “Ngài Chúa Nhất” vì là chị cả của vua Thành Thái. Bà Ngọc Trâm sinh năm 1921, tốt nghiệp Tú Tài Pháp, làm biên tập viên và xướng ngôn viên song ngữ Pháp-Việt trong lãnh vực phát thanh từ thời Pháp. Bà lấy nghệ danh Minh Trang từ khi hát cho đài Pháp Á vào buổi bình minh của nền tân nhạc Việt Nam.

            Nghệ danh ấy là sự kết hợp tên của con trai và con gái của bà là hai nghệ sỹ Bửu Minh và Ðoan Trang. Bửu Minh là danh thủ violon, ngồi ghế concert master của dàn nhạc hòa tấu Stuttgard Symphony ở Ðức. Danh ca Minh Trang đã tạ thế vào Tháng Tám năm 2010 tại California Hoa Kỳ.

            Ở tại Huế đến khi lên bảy Quỳnh Giao mới vào Sài Gòn sống với thân mẫu và kế phụ là Dương Thiệu Tước, một nghệ sĩ đã góp phần khai phá nền tân nhạc cải cách, nhạc sư đàn Tây Ban Cầm và là cháu nội của danh sĩ, Thượng thư Dương Khuê.

            Do huyết thống và lại sống trong môi trường âm nhạc, Quỳnh Giao có năng khiếu về nhạc từ bé.

            Khi danh ca Minh Trang lập ban hát thiếu nhi đầu tiên là Thiếu Sinh Nhi Ðồng thì Ðoan Trang đã cùng anh trai tham dự, với tiếng hát thiếu nhi của Mai Hương, Bích Chiêu, Bạch Tuyết, Kim Chi, Quốc Thắng và Tuấn Ngọc.... Sau năm 1953, khi hai kịch sĩ Kiều Hạnh và Phạm Ðình Sĩ (song thân của Mai Hương) vào Nam thì Minh Trang nhường cặp nghệ sĩ này điều hành ban hát Nhi Ðồng và đổi tên ra Ban Tuổi Xanh cho thích hợp với lứa tuổi của ca sĩ thiếu nhi. Ðấy là lúc xuất hiện những tiếng hát như Hoàng Oanh, Mai Hân, Phương Hoài Tâm, Xuân Thu....

            Vừa cắp sách vào lớp trung tiểu học, Quỳnh Giao vừa học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc (trường có thêm Ban Kịch Nghệ sau này) và được sự dìu dắt về dương cầm của danh sư Ðỗ Thế Phiệt (dì Ngọc Thuyền trong gia đình) và về nhạc lý từ nhạc sĩ Hùng Lân. Với Hùng Lân, Quỳnh Giao là một trong những học trò giỏi nhất của ông. Sau bảy năm học nhạc, năm 1963, Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa về dương cầm lẫn nhạc pháp, và sau này còn được sự dìu dắt về thanh nhạc của một giáo sư Pháp, cứ được gọi là Madame Robin.

            Là dương cầm thủ xuất sắc, Quỳnh Giao đã trình tấu cùng nhiều danh cầm Việt Nam và ngoại quốc trong Dàn Nhạc Giao Hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc dưới sự điều khiển của Nhạc Trưởng Ðỗ Thế Phiệt và nhiều lần xuất hiện trong các chương trình hòa nhạc tại Ðông Nam Á.

            Do Minh Trang bị hen suyễn phải giải nghệ, ở tuổi 15, Quỳnh Giao chính thức hát thay mẹ và một cách thường xuyên trong nhiều ban nhạc lớn tại các đài phát thanh. Từ đó, với nghệ danh Quỳnh Giao do nhạc sĩ Hoàng Trọng đặt cho, Quỳnh Giao vừa đi học vừa đi hát tại các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Ðội, Tiếng Nói Tự Do và đài Vô Tuyến Truyền Hình Việt Nam sau này, trong các ban nhạc của Vũ Thành, Hoàng Trọng, Hoàng Lang, Phạm Duy, Anh Ngọc, v.v....

            Trong hoàn cảnh thân mẫu về hưu, kế phụ làm công chức, là một nhạc sĩ tài hoa có nhiều đam mê, Quỳnh Giao thực tế hỗ trợ gia đình và được năm em bên dòng họ Dương vô cùng yêu quý. Từ năm 1968, Quỳnh Giao còn dạy dương cầm tại gia về nhạc cổ điển Tây phương và lập gia đình, được một con gái là Dzương Ngọc Bảo Cơ sau này tốt nghiệp cử nhân về Giáo Dục tại Hoa Kỳ.

            Trong lãnh vực phát thanh có đào tạo chuyên nghiệp thời trước, các ca sĩ không được chọn ca khúc mà phải trình bày những bản nhạc có hòa âm sẵn theo yêu cầu tại chỗ của nhạc trưởng. Ngoài giọng ca, họ phải biết ký âm pháp, giỏi nhạc, một ngày ứng khẩu hát nhiều bài khác nhau trước máy vi âm được phát thanh trực tiếp. Quỳnh Giao là một trường hợp tiêu biểu cho các ca sĩ đài phát thanh.

            Khi biến cố 1975 bùng nổ, Quỳnh Giao cùng gia đình di tản vào Tháng Tư và được anh ruột đón về miền Ðông Hoa Kỳ. Bào huynh của Quỳnh Giao là Giáo Sư Nguyễn Phước Bửu Dương khi ấy dạy văn chương Pháp và Trung Hoa trong đại học Hoa Kỳ. Ông là một trong những người Việt đầu tiên tốt nghiệp tiến sĩ tại Ðại Học Harvard và nay sống tại miền Nam California với gia đình Quỳnh Giao.

            Tại miền Ðông, Quỳnh Giao mở lại lớp dương cầm tại gia và yểm trợ rồi đón nhận thân mẫu cũng các em vượt biên qua Mỹ.

            Trong thời gian này, Quỳnh Giao thực hiện lấy hai băng cassette có chủ đề “Hát Cho Kỷ Niệm” vào các năm 1983 và 1988. Tự đệm lấy dương cầm với phần phụ họa của Văn Phụng và vài nhạc sĩ, Quỳnh Giao trình bày lại những ca khúc đẹp nhất của tân nhạc với lời giới thiệu của các nghệ sĩ Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Cung Tiến, Thái Thanh, Kim Tước, Châu Hà, Mai Thảo, Lê Văn, Duyên Anh, Bùi Bảo Trúc, Phạm Văn Kỳ Thanh, v.v... Qua năm 1986, Quỳnh Giao cũng được nhà văn Duyên Anh mời trình bày đĩa nhạc “Còn Thoáng Chiêm Bao.”

            Cùng giai đoạn ấy, Quỳnh Giao cộng tác và lưu diễn một số nơi với nhạc sĩ Phạm Ðình Chương, nhưng cơ hội không nhiều vì sinh hoạt văn nghệ chưa phát triển rực rỡ như sau này. Ðáng chú ý thì năm 1988 và 1989 đã cùng Kim Tước và Mai Hương trình bày nhạc Cung Tiến với dàn nhạc thính phòng của nhạc công người Mỹ tại miền Bắc, miền Nam California, Chicago và Minnesota.

            Ðấy là lúc khán giả biết đến những ca khúc mới và thuộc loại khó diễn tả nhất của Cung Tiến, như 10 bài Vang Vang Trời Vào Xuân phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Và nhất là tác phẩm Hoàng Hạc Lâu, phổ thơ Thôi Hiệu qua phần cảm dịch của Vũ Hoàng Chương.

            Sau khi tái giá với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa - sau này là nhà bình luận hợp tác với các đài phát thanh quốc tế và các tờ báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ, Quỳnh Giao qua California sinh sống kể từ 1991. Trong môi trường sinh động và đông đảo người Việt tại miền Tây Hoa Kỳ, Quỳnh Giao có cơ hội mở rộng hoạt động tân nhạc.

            Quỳnh Giao lần lượt thực hiện nhiều đĩa nhạc có giá trị nghệ thuật, đa số với hòa âm của Duy Cường, như Khúc Nguyệt Quỳnh (1992), Tiếng Chuông Chiều Thu (1996), Chiều Về Trên Sông (1997), Ngàn Thu Áo Tím (1998), Hành Trình Phạm Duy (1999), Hình Ảnh Một Buổi Chiều (2000), Tình Khúc Văn Phụng & Hoàng Trọng (2001), Thơ Tình Phổ Nhạc (2002), Hoa Xuân (2003), Trở Về Thôn Cũ (2005) và Tình Khúc Phạm Duy (2006).

            Ngoài ra, Quỳnh Giao hợp tác với nhiều trung tâm để hoàn thành đĩa Ðêm Tàn Bến Ngự - Tình Khúc Dương Thiệu Tước (1995) với tiếng hát Kim Tước, đĩa Tình Khúc Văn Cao (1995) cùng tiếng hát Mai Hương và có những ca khúc ghi âm riêng lẻ trong nhiều đĩa phát hành từ 1993 đến 2006.

            Trong giai đoạn này, Quỳnh Giao còn có hai cống hiến khác cho tân nhạc.

            Nhờ sống gần Kim Tước và Mai Hương tại miền Nam California, ba chị em trình diễn với nhau nhiều hơn và khi hợp ca thì tự động chia bè rất ăn khớp với sự điêu luyện độc đáo. Từ đó, Ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng Hải Ngoại ra đời để nhắc về ban nhạc Tiếng Tơ Ðồng nổi tiếng trước 75 của nhạc sĩ Hoàng Trọng khi ấy còn ở trong nước.

            Ðáng kể hơn, là năm 1997 Quỳnh Giao thực hiện cho ban Việt ngữ đài BBC chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam. Ðược phát thanh hàng tuần qua 20 buổi, chương trình thuộc loại “nhạc sử” vì nói về 60 năm tân nhạc cải cách Việt Nam từ thời phôi thai năm 1938 đến sau này.

            Quỳnh Giao phân đoạn theo thời gian, theo thể tài và đọc lời giới thiệu với phần minh diễn của các ca sĩ và phần phát biểu của nhiều nhạc sĩ. Nhờ nội dung phong phú và nhạc hiệu là bản Bến Xuân của Văn Cao do chính Quỳnh Giao diễn tả, Suối Nguồn Tân Nhạc được thính giả yêu thích nên là một trường hợp hiếm hoi được BBC cho phát lại lần thứ hai.

            Nguyên nhân sâu xa nữa sẽ được hiểu ra sau này là Quỳnh Giao có ký ức rất sâu, đã sống với tân nhạc từ bé, gần gũi với các nhạc sĩ và ca sĩ như trong một đại gia đình nên nắm vững hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc.

            Người ta thấy được điều này khi đọc Quỳnh Giao.

            Các môn sinh của thầy Ưng Quả trong trường Quốc Học thì không ngạc nhiên khi thấy Quỳnh Giao cầm bút. Sinh thời, nhà giáo ngày xưa là người lịch lãm tài hoa với ngón đàn nguyệt mà cũng là một cây bút sắc xảo. Quỳnh Giao tiếp nhận được huyết thống ấy, mà có lẽ khi còn thiếu thời đã không tự biết.

            Năm 1986, nhân dịp mừng sinh nhật thứ 65 của nhạc sĩ Phạm Duy, từ miền Ðông, Quỳnh Giao đã có bài viết được đăng trên tờ Văn Học xuất bản tại California. Sau đó là một bài về nhạc sĩ Vũ Thành vừa tạ thế vào năm 1987. Ðược sự khuyến khích của nhà văn Nguyễn Mộng Giác khi ấy phụ trách tờ Văn Học, Quỳnh Giao đã viết nhiều hơn từ tùy bút đến truyện ngắn cho Văn Học và các tờ báo định kỳ khác, kể cả Thế Kỷ 21. Khởi đầu là đề tài âm nhạc, gần như một loại tự truyện về thế giới tân nhạc Việt Nam, sau này, Quỳnh Giao mở tầm viết và gây thích thú cho người đọc...

            Quỳnh Giao viết về nhạc thì cũng như kể chuyện về các nghệ sĩ bằng hữu của thân mẫu. Nhưng kiến thức sâu sắc về nhạc và về kỹ thuật trình bày còn giúp người đọc nhớ lại và có sự thưởng ngoạn cao hơn với từng tác phẩm, từng tác giả hay người trình diễn. Nhờ vậy, độc giả cảm nhận được giá trị đích thực của các ca khúc.

            Khi mở ra loại đề tài như điện ảnh, văn chương hay mỹ thuật, Quỳnh Giao còn cho thấy sự am hiểu rộng lớn và thấu đáo. Với văn phong nhẹ nhàng, cái nhìn tinh tế và cách nói khiêm nhường dí dỏm về mình, Quỳnh Giao lôi cuốn bạn đọc và dần dần có một thành phần bạn đọc riêng.

            Những điều ấy trở thành rõ rệt khi Quỳnh Giao cộng tác với giai phẩm Xuân của Việt Báo và nhật báo Người Việt trong mục “Tạp Ghi” với những bài định kỳ mỗi tuần. Tạp Ghi Quỳnh Giao là mục ăn khách trên Người Việt kể từ năm 2005. Cho đến nay thì đã có gần 500 bài.

            Không chỉ đọc Quỳnh Giao, người ta còn nghe thấy tiếng nói thanh quý rất ăn micro của người nghệ sĩ. Những ai còn nhớ tới Quỳnh Giao trong chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc năm xưa của BBC tìm lại được tiếng nói đó qua mục Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật với nhà báo Lê Ðình Ðiểu của đài phát thanh VNCR. Sau này, khi Người Việt TV thành hình từ Người Việt Online, Quỳnh Giao xuất hiện trên màn ảnh trong chương trình “Câu Chuyện Văn Nghệ” cùng Nam Phương hay Lê Hồng Quang. Ðấy là lúc khán giả thấy ra “cây bút Quỳnh Giao” bằng xương thịt, với lối ứng khẩu tự nhiên và nhu mì để nói về đủ loại đề tài hấp dẫn.

            Trong khi đó, ở nhà, Quỳnh Giao tiếp tục việc dạy đàn và mở lớp luyện giọng.

            Tháng 10, năm 2011, tờ Người Việt cho xuất bản Tạp Ghi Quỳnh Giao, một cuốn sách thuộc loại ăn khách với 67 bài trên hơn 400 trang. Qua năm 2012, Quỳnh Giao chuẩn bị hoàn thành cuốn thứ hai thì ngã trong vườn và bị thương nặng. Sau một cuộc giải phẫu công phu vào Tháng Năm, việc sử dụng tay trái đã bị trở ngại. Lớp dạy đàn mở ra từ mấy chục năm trước coi như chấm dứt.

            Mùa Xuân 2014, Quỳnh Giao tưởng mình ho vì bị cảm lạnh. Nhưng sau một tháng chữa trị bình thường mà bệnh không dứt. Vào một đêm của đầu Tháng Ba khi bị mất giọng, Quỳnh Giao mới được xe cấp cứu đưa nhà thương và hôm sau thì như bị sét đánh. Ung thư phổi. Ðiều này là bất ngờ vì trước đó không hề có triệu chứng gì, kể từ khi chiếu điện vì gãy cánh tay mặt.

            Sau hơn bốn tháng giải quyết bằng hóa trị rồi xạ trị, Quỳnh Giao suy yếu dần về thể lực mà thần trí vẫn minh mẫn lạc quan. Cho tới khi phải thường xuyên dùng ống dưỡng khí và đối phó với nhiều biến chứng thì tình hình trở thành nguy kịch. Ðêm Thứ Ba rạng ngày Thứ Tư 23 Tháng Bảy, Quỳnh Giao lặng lẽ gỡ ống dưỡng khí và ra đi thanh thản trong giấc ngủ trước sự bàng hoàng ngơ ngác của chồng con.

            Quỳnh Giao làm đẹp cho đời bằng tiếng hát tuyệt vời và những bài viết về nghệ thuật về mỹ thuật. Người ta thấy yêu đời và yêu người hơn khi nghe hay đọc Quỳnh Giao.

            “Lòng Ta Ở Với Người” là tên một ca khúc của Trần Dạ Từ mới được Quỳnh Giao ghi âm mà chưa phổ biến. Có lẽ đấy cũng là lời ca rất đúng về tấm lòng của người nghệ sĩ vừa ra đi...

            Comment


            • #36
              Cảm ơn anh Tuấn Tôn đã đem về folder QGTG bài viết về cô Quỳnh Giao.

              Hôm tháng Ba, trước ngày HM ở Houston, chị KH email cho T nói cô QG mới vô bệnh viện, nghe nói bị ung thư phổi nặng lắm! T nghe mà bàng hoàng vì cùng lúc đó có cô bạn cùng lớp cũng sắp lên bàn mổ vì căn bệnh hiểm nghèo này.

              Từ nhỏ tới giờ T vẫn thích giọng hát trong trẻo như pha lê cuả cô, thích nhất giọng hát cuả cô qua Tình Trăng cuả nhạc sĩ Hoàng Trọng và Cung Đàn Xưa cuả Văn Cao. Nhưng mười mấy năm nay, T lại mê các bài viết cuả cô với văn phong trong sáng, giản dị, ý tưởng sâu sắc và có sự tìm hiểu kỹ càng (research) về đề tài cuả bài viết và đặc biệt khi viết về các văn nghệ sĩ cô không đề cập đến đời tư, kiểu viết cuả những tờ báo 'lá cải', mà về khiá cạnh hay đẹp, độc đáo cuả những người rất nổi tiếng này.

              Bởi vậy T mong chờ báo NV post bài cuả cô hàng tuần trên trang web và thường lấy bài xuống cho vào folder cuả mình để có dịp đọc đi đọc lại.

              Lòng chùng xuống khi biết không còn dịp đọc những bài tạp ghi cuả QG. Nghĩ đến cô với lòng mến tiếc.

              Thân mến,

              Trúc


              [hr]

              Canh Thân với Túi Đàn


              Quỳnh Giao



              Đài Phát thanh Úc châu SBS phỏng vấn Quỳnh Giao về nhạc sĩ Canh Thân

              (Nguồn: Cỏ Thơm Magazine)


              Biệt hiệu của ông cho người đời thấy ngay một con người chân thật.

              Nhạc sĩ Canh Thân mất đã lâu, từ trước 75, nhưng các ca khúc của ông, dù không nhiều, vẫn còn được trình bày thường xuyên. Sinh vào một năm Canh Thân, 1920, ông cùng tuổi với Hoài Trung, người anh lớn của ban hợp ca Thăng Long, lớn hơn Phạm Duy, Văn Cao, và trẻ hơn Dương Thiệu Tước hay Thẩm Oánh năm sáu tuổi...

              Ngay từ lúc khởi đầu, ông đã chọn khuynh hướng tuổi trẻ lên đường, với các ca khúc vui tươi trong nhịp điệu tươi trẻ khiến thanh niên thiếu nữ rất ưa chuộng. Nghe nhạc ông viết sau thời phôi thai của nhạc Việt, người ta tưởng tượng ra một chàng thanh niên yêu đời, mang trên vai cây đàn và vui với đời sống thiên nhiên.

              Hãy nghe lại “Túi Ðàn” mà xem!

              “Chốn chân trời mây trắng vừa hé

              Ánh dương bừng lên nắng vàng hoe

              Ta mơ nhìn ngây ngất về xa vời...

              Túi đàn

              Chân bước đi lên đường

              Kìa nơi xa xôi đợi chờ bao mến thương

              Nhịp theo tiếng đàn

              Tiếng hát vang vang lừng

              Ta mang vui tươi tô đời thắm tưng bừng”


              Hoặc cùng ông ngắm hình ảnh Mùa Hè vui tươi nơi thôn ổ, trong “Khúc Ca Mùa Hè”:

              “Những cánh bướm khoe mầu thắm

              Bay lao xao trong ngàn hoa

              Lữ khách đứng thẫn thờ ngắm

              Nhịp đàn hòa theo khúc ca Mùa Hè...”


              Ngoài “Túi Ðàn” với nhịp tiết dồn dập, một ca khúc khác của Canh Thân vẫn còn thấy vang rộn các khiêu vũ trường ngày nay với điệu swing khiến người dù không biết nhảy cũng muốn “giật”, đó là bài “Ði Với Tôi Ðến Chốn Trời Xa”. Nếu được hòa âm hay thì đấy là ca khúc “Mỹ” nhất trong các bài tân nhạc của chúng ta.

              “Ði với tôi đến chốn trời xa

              Bên suối mơ là nhà của ta,

              Tay đàn miệng ca và mơ màng ta múa

              Gót chân theo nhịp bước thần tiên

              Có ai hát hay như tôi

              Tuy không có dài hơi

              Người nào chán và buồn tình đời

              Ðều cùng yêu tôi...”


              Một người hát rất đúng với tinh thần của ca khúc chính là Bạch Yến.

              Nghe lại thì ta thấy là Canh Thân yêu cảnh thiên nhiên và yêu người nên mới rủ rê những người nào chán và buồn tình đời thì hãy đi với ông đến chốn trời xa. Nhưng ông cũng không quên yêu người đẹp và viết thành nhạc! Ðó là một cô hàng cà phê rất tiểu thư thanh tú ở ngoài chợ.

              Bài “Cô Hàng Cà Phê” mới thực sự làm tên tuổi Canh Thân sáng chói. Với nhịp điệu rất lạ, phảng phất cả nét dân ca, bài “Cô Hàng Cà Phê” được trình bày thường xuyên trên các làn sóng điện, qua chính giọng ca của tác giả hoặc của các nam ca sĩ... tiền chiến như Ngọc Bảo, Vũ Huyến v.v... Sau này, “Cô Hàng Cà Phê” là một trong những ca khúc thành công nhất, gần như một dấu ấn, của Sĩ Phú.

              Người viết được nghe thân mẫu kể lại xuất xứ của cô hàng này...

              Ðó là người đẹp vừa mới qua một chuyện buồn, ngồi giữ két cho gia đình mở quán cà phê ở chợ Ðại trong thời kỳ mà nhiều gia đình phải tản cư về “hậu phương”. Ðó là gia đình Thăng Long, và cô hàng làm cho “lắm anh điên cuồng” chính là Thái Hằng...

              Cuối cùng thì Phạm Duy loại được bao địch thủ mà chiếm được trái tim nàng. Ngoài Canh Thân, các địch thủ kia là nhạc sĩ Ngọc Bích, thi sĩ Ðinh Hùng...

              Cho đến bây giờ, Quỳnh Giao vẫn nghĩ “Cô Hàng Cà Phê” là một trong những bài “truyện ca” hay nhất của tân nhạc mình. Dĩ nhiên là không thể so với “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, hay hai bài về truyện tích “Thiên Thai” của Văn Cao và Phạm Duy là những tác phẩm có giá trị cao về văn học. Nhưng, thiết nghĩ thì ca khúc của Canh Thân có giá trị riêng: một câu chuyện đời thường mà vẫn thiết tha, cảm động.

              Khi viết những ca khúc trong sáng thì Canh Thân đạt được tinh thần vui tươi, lạc quan hơn ai hết. Nhưng khi viết thể loại trữ tình thì nhạc và cả lời của ông thật mềm mại, dịu dàng. Nếu ai còn nhớ đến bài “Hoa Mai” của Canh Thân thì sẽ đồng ý với người viết:

              “Hoa mai trong gió cười lả lơi

              Hoa như ngây ngất say tình đời

              Hoa như quyến luyến tâm hồn tôi

              Như hẹn nhau từ ngàn kiếp xa xôi...”


              Có một điều mà thính giả ít để ý đến là Canh Thân sáng tác nhạc “trào phúng” rất tuyệt.

              Cho đến nay, không biết có ai còn nhớ đủ lời ca của bài “Vỉa Hè”. Canh Thân viết ca khúc này khi đã di cư vào Nam. Bài hát được chính ông vừa đàn vừa hát trong các buổi phụ diễn tân nhạc (“attraction”) trước khi chiếu phim. Ðó là một câu chuyện nghe thì cười, mà rồi cười ra nước mắt...!

              “Hôm qua tôi trông thấy một con chó nhà kia

              Tôi thấy nó ăn mà tôi thèm...”


              Quỳnh Giao đã quên hết lời, nhưng không quên ý nghĩa châm biếm của bài hát. Từ miền Bắc đói khổ mà vào Nam thì quả là thấy con chó trong Nam mình cũng có khi tủi thân! Nếu ai còn nhớ được bài này mà hát lại thì có khi lại tưởng tượng ra những con chó kiểng của các ông bà lớn ở Hà Nội ngày nay!

              Khi còn trẻ, nhạc Canh Thân tượng trưng cho sức sống hăng hái, tươi vui của tuổi trẻ, vậy mà khi về già, Canh Thân mắc bệnh ghiền và mất trong cơ cực, nghèo khổ...

              Quỳnh Giao không bao giờ quên hình ảnh ông đứng trong góc phòng vi âm với cây contre basse cũng to lớn như thân hình ông. Tính ông ít nói và ít cười, nhưng không bao giờ đụng chạm đến ai. Dáng ông chậm chạp uể oải. Ông lặng lẽ đến và lặng lẽ đi...

              Canh Thân là hạ sĩ quan trong quân đội, làm việc trong đài phát thanh Quân Ðội, và có một gia đình đông con nên thường xuyên túng thiếu, chưa kể thêm gánh nợ của “nàng tiên nâu”.

              Còn lại ngày nay là tinh thần lạc quan yêu đời của ông, trong “Túi Ðàn”...


              Comment


              • #37
                Nghe, Đọc và Viết Tạp Ghi


                [justify]Wednesday, November 27, 2013 2:14:33 PM QG

                Ca hát từ khi còn bé, từ ban thiếu nhi cho đến về sau, Quỳnh Giao là người thích nghe... Trong lãnh vực âm nhạc, phải nghe nhiều sáng tác khác nhau thì mới thấm được ngôn ngữ nhạc.

                Một cái thú đến trễ hơn về sau này là đọc truyện trinh thám và nói ra thì buồn, chỉ trinh thám của Hoa Kỳ. Loại sách mà nhiều người cho là tầm thường ấy thật ra đẩy trí tưởng tượng của mình đi rất xa. Khi đọc thì chúng ta đã đấu trí với tác giả, để xem là bị nhà văn dẫn dụ lừa gạt cho tới đâu. Mà chỉ đọc trinh thám Mỹ vì Việt Nam ít có thể loại ấy.

                Xưa kia, Thế Lữ là một người may mắn.

                Ngoài thơ và kịch, ông là người đi tiên phong cho loại truyện trinh thám và ngưng viết khi Phạm Cao Củng vẫn còn tiếp tục. Ði tiên phong nên ông... viết sao cũng được. Cốt truyện có thể là Việt hóa một đoạn truyện hay tình tiết nào của Pháp rồi cứ thế mà sáng tác nhờ trí tưởng tượng lồng trong vài luận lý có vẻ khoa học để cuối cùng giải thích cho độc giả ngờ nghệch bằng câu “Thấy Chưa?”

                Ðời nay, không còn mấy ai viết như vậy nữa. Vì đời nay độc giả đã... khôn hơn nhiều! Không ai thuê một Lê Phong hay nàng Mai Hương đi làm những chuyện như Thế Lữ viết. Tác giả đáng quý của chúng ta còn một may mắn khác. Ðó là đời xưa chúng ta chẳng biết gì nhiều.

                Sau Thế Lữ vài chục năm, Ian Fleming cũng có một phần may mắn như vậy. Ông viết trinh thám gián điệp như một người hướng dẫn du khách tới những vùng xa lạ, theo bước chân nghiệp vụ của điệp viên James Bond. Loạt truyện “Không-Không-Bẩy” hấp dẫn ở tình tiết hay trong một không gian lạ, khi thiên hạ còn đi máy bay chong chóng, nếu họa hoằn có dịp được đi.

                Sáu mươi năm sau khi James Bond xuất hiện, loại nhân vật đó có khi cũng lại thất nghiệp, như phóng viên Lê Phong của Thế Lữ ngày trước.

                Vì độc giả đời nay đã có máy bay phản lực và nhất là... Internet!

                Quỳnh Giao được nghe - lại nghe - rằng khi viết những pho truyện dã sử mấy ngàn trang, Alexandre Dumas phải ghi tên các nhân vật phụ và đặt lên lò sưởi. Vì ông phải nhớ là ai sống ai chết trong một chuỗi dài những tình tiết do trí tưởng tượng đã nặn ra nếu không là có ngày lại cho người chết sống lại!

                Và cũng được nghe nói rằng nhiều tác giả đã đến tận thành phố mình muốn dựng truyện, vào rạp hát là nơi dự tính sẽ cho xảy ra vụ án mạng, mua vé về đặt trên tấm bản đồ trước mặt. Rồi mới ngồi viết truyện trong một không gian đã định hình.

                Viết như vậy thì quả là tốn tiền mua vé xe hỏa hay đi máy bay...

                Những tác giả kỹ lưỡng như thế là người đáng kính vì họ kính trọng độc giả. Không vì cảm hứng sáng tác dù là hư cấu mà viết sai sự thật. Ðời nay, viết sai sự thật như vậy là bị độc giả gửi e-mail cho, với dăm ba lời than phiền! Cả ngàn người đọc mà có một người nói rằng chi tiết ấy sai, nơi chốn đó không có ngôi đền như vậy, thì tác giả cũng thấy cụt hứng, hoặc ân hận.

                Vốn đã thích nghe nhạc và ưa đọc truyện, từ khi viết Tạp Ghi, Quỳnh Giao có thêm một cái thú khác, là nghe chuyện.

                Chúng ta đều biết rằng người chịu khó nghe là người đáng yêu - với những người thích nói. Nhưng cái nết “chịu khó nghe” của người viết tạp ghi lại có những động lực... ích kỷ lắm!

                Tạp ghi xuất phát đầu tiên từ cảm hứng. Một tiếng chim hót hay một đoạn nhạc hay có thể đã đem lại cái hứng ban đầu.

                Nhưng từ đó cho đến cái bàn gõ không đẹp như phím đàn thì mình còn phải nghĩ đến người bên kia, đến độc giả. Người đọc nghĩ sao? Viết về một nhân vật, một cuốn phim hay một nhạc khúc thì cảm hứng ban đầu có thể miên man dẫn mình bay lên một quỹ đạo mơ hồ nào đó, và cứ để độc giả ngồi dưới một mình!

                Cho nên, dù là viết tạp ghi tùy hứng, có một việc vẫn cần thiết là tìm hiểu thêm về đề tài, sự việc hoặc nhân vật hay tác phẩm muốn nhắc tới. Chúng ta may mắn hơn các tác giả đi trước là bây giờ có Internet. Bí chuyện gì là cứ lách cách “Google” thì biết được ngay. Nếu có quên tên con đường mà danh họa Van Gogh đã ở năm xưa tại miền Nam nước Pháp thì cũng tìm ra. Chính xác hơn ký ức có hạn của chúng ta rất nhiều.

                Nhờ vậy mà ai ai trong chúng ta cũng có thể thành người uyên bác được. Nhưng người uyên bác mà viết tạp ghi thì có lẽ lại thành kẻ tra tấn. Vì độc giả muốn cái gì khác chứ không phải là một bài luận thuyết nữa về đời sống, nghệ thuật, về hội họa hay âm nhạc!

                Khác với những thế hệ đi trước, chúng ta có phương tiện dồi dào về kiến thức nên có điều kiện viết ra điều mình gọi là sự thật tương đối khá sát với sự thật. Nhưng, điều mà người xưa cũng không có chính là cái thú bất ngờ khi tìm hiểu về đề tài.

                Chuyện này, độc giả thường không biết. Phần thưởng đầu tiên cho người viết khi cẩn thận kiểm chứng chi tiết là bỗng khám phá ra điều mới lạ trước đó không có trong đầu.

                Chẳng hạn, vào một Tháng Ba, Quỳnh Gao có lần muốn nói đến lễ hội Mardi Gras đầy màu sắc của New Orleans, nhưng bỗng đi lạc qua xứ Brazil và tìm ra truyện phim O'Cangaceiro và nhớ lại ca khúc nổi tiếng ở Sài Gòn năm xưa. Ðề tài thay đổi hẳn. Một trường hợp nữa, cũng trong tháng ba, mình nhớ đến Hai Bà Trưng, rồi nhờ tìm hiểu lại khám phá ra nhiều cảnh hội hè đời xưa, đề tài có khi lại chuyển qua chuyện khác. Cảm hứng ban đầu thì vẫn cứ nằm đấy, có khi sẽ nẩy mầm bất ngờ trong một dịp tham khảo thêm chi tiết cho một bài khác.

                Những người cầm bút ban đầu thường ít nhiều khởi nghiệp theo mạch viết tự truyện, xuất phát từ kinh nghiệm riêng tư.

                Nhưng nếu chỉ quanh quẩn trong không gian đó thì khó viết được nhiều vì đời người vốn hữu hạn. Khi đã thoát ra khỏi giới hạn này thì nghệ thuật mới vươn xa hơn, bay cao hơn và tìm đến cái rất chung của nhiều người. Trong số đó, có độc giả của mình.

                Nhưng bước đầu tiên khiến mình bay bổng vẫn phải là cảm hứng sơ khởi. Cảm hứng đó không đến từ cái kho kiến thức của Internet hay Google. Nó đến từ đời sống, từ một câu chuyện được nghe kể lại, đôi khi ở những nơi rát vu vơ như trong một phòng uốn tóc, hoặc quanh quầy trả tiền ngoài chợ chẳng hạn. Ðấy là lý do vì sao Quỳnh Giao nói rằng từ khi viết tạp ghi mình là người thích nghe chuyện. Gặp được những người thích kể chuyện là mình ngoan ngoãn ngồi nghe...[/justify]

                Comment


                • #38
                  Ngân Một Khúc Ca

                  Tạp ghi Quỳnh Giao

                  Ðọc bài báo về đôi giày, người viết lại nghĩ đến cách trình bày một ca khúc nghệ thuật. Có lẽ đấy là một thứ “méo mó nghề nghiệp”!

                  Tờ Robb Report là tạp chí về xa xỉ phẩm cho giới thượng lưu giàu có. Trong số mới nhất, họ giới thiệu hai đôi giày loại rẻ của hãng Santoni bên Ý trên một trang về “phong cách.” Nói là rẻ vì chỉ có bảy tám trăm đô la một đôi, trong khi có loại giày bạc ngàn trở lên mà người mua phải đo chân và thửa sẵn cả năm trước. Hai đôi giày chỉ là kiểu “casual” để đi ban ngày vào nơi gió bụi chứ không là giày sang đi cùng lễ phục hay dạ phục.

                  Phong cách mà bài báo nói đến là phải làm đôi giày mới tinh có cái vẻ mềm mại cũ kỹ của một vật đã trải nhiều năm tháng phong sương. Không chỉ chọn loại da thật đẹp và bền, nhà Santoni mất ba tuần dày vò, nhuộm đi nhuộm lại và đánh chải mãi cho đến khi thớ da đã mềm và có cái vân cùng nét bóng của da cổ. Ðế hay gót gì cũng bị họ xóc với đá, dập cho nhuyễn rồi mới khâu mới đóng. Công phu như vậy là để các ông mua về có cái dáng phong trần mà không bị đau chân vì giày quá mới, quá cứng... Chi tiết ăn tiền trong chuyện đóng giày cầu kỳ này là nhà Santoni chọn loại da thượng hạng rất đắt. Nếu không thì làm sao tồn tại sau những dãi dầu như vậy?

                  Mà vì sao nhìn đôi giày lại nghĩ đến cách trình bày một ca khúc nghệ thuật? Ai thích hát thì cũng có thể hát ở bất cứ nơi đâu trong nhà, sau khi kín đáo đóng cửa vì tôn trọng cái tai của gia đình. Nhiều người được trời cho giọng hát hay thì nghĩ đến việc trình bày sau khi được sự khích lệ đầu tiên cũng từ gia đình hay bạn bè trong trường lớp. Người cẩn thận nhất trong số này tính đến việc sâu xa lâu dài hơn, đó là chịu khó đi học hát sau khi đã biết chút ít về nhạc lý.

                  Ðiều may nhất cho họ là được một người thầy khó tính! Nếu không may thì tài năng Trời cho ấy có khi mai một. Người thầy khó tính là thính giả đầu tiên sẽ hỏi rằng tính hát cái gì, bài nào, ở đâu, và cho ai nghe. Nếu câu trả lời là chỉ học để biết hát cho đúng thôi, chứ không có nhu cầu nào khác, thì đấy là câu trả lời hay nhất. Ðấy là bậc thầy nhìn thấy tấm da thuộc thật tốt đã muốn hỏi xem rằng mình muốn làm gì với báu vật trời cho như vậy! Sau đấy, người thầy mới nghĩ đến cách huấn luyện.

                  Thường thì kiểm lại trình độ nhạc lý căn bản, tức là có biết nốt và nhịp không? Ðiều này cũng dễ, vì chỉ cần học trò có cái tai và khiếu, chuyện đếm nhịp và hát cho chuẩn không khó. Nhưng trước hết là trình độ văn hóa. Xin đọc từng chữ của lời từ và cố hiểu ra nội dung của tác phẩm. Học trò muốn sớm thành ca sĩ vì đã từng được khen ngợi như thế có thể phật ý và chê là gặp phải thầy gàn. Nhưng những người có thực tài và triển vọng thì nghĩ xa hơn và chịu khó ngồi xuống. Ðấy là giây phút cảm thông giữa người trình diễn với người sáng tác không có mặt, trước sự chứng kiến của người thầy, là người dẫn đường.

                  Sau khi được yêu cầu đọc lại lời từ và từng chữ rõ ràng, người học mới thấm dần tâm tư của nhạc sĩ sáng tác. Nếu được biết thêm về hoàn cảnh ra đời của ca khúc, học trò đã có thể nghĩ đến thính giả sau này và tự đặt ra một thách đố là chuyên chở đến người nghe nỗi lòng của người viết. Khi đó tiếng nhạc phảng phất của người thầy mới đánh thức giai điệu trong lời ca. Nhiều lần như vậy thì học trò làm quen với cung bậc. Sau cùng mới là lúc xướng âm. Hãy tạm quên lời ca đi mà ngân nga tiếng nhạc theo đúng nhịp tiết của người thầy. Ðấy là lúc mà ca sĩ hiểu được thế nào là bắt vào ca khúc, khi nào thì ngân, khi nào thì luyến láy và đâu là lúc trổ giọng, khi kết thúc thì dứt ra sao... Những ký hiệu đen trắng trên khuôn nhạc bỗng như có thần chứ không còn là dấu hiệu vô nghĩa vô hồn.

                  Cái bước thứ ba mới là ráp lại từ với nhạc. Lời ca được phát âm thật đúng, từ lối mở miệng, uốn lưỡi cho đến lúc ngân, sao cho thật tròn và thật nhuyễn. Giai điệu của ca khúc sẽ đưa tiếng hát Trời cho lên một cõi khác. Người thầy khó tính là thính giả đầu tiên sẽ nhắc từng câu phải hát cho hay hơn, từng lời phải diễn tả cho đúng hơn và đẹp hơn. Nhờ đấy, người thầy còn biết âm sắc, âm vực và tâm hồn của học trò thích hợp nhất với loại nhạc nào để mở ra con đường sáng nhất cho người ca sĩ.

                  Một đôi giày dưới chân mà còn bị dập bị xóc đến ba tuần thì một ca khúc nghệ thuật đòi hỏi công phu còn hơn vậy.

                  Sau đó là tiếng hát cứ có vẻ tự nhiên như hơi thở Trời cho mà thật ra là kết quả của sự khổ luyện.

                  ---------------------------------------------



                  [hr]

                  Nghe Nhạc Như Tìm Về Nhà

                  Quỳnh Giao


                  Khoảng 10 năm nay, tuần nào T cũng mong được đọc bài tạp ghi cuả Quỳnh Giao trên Người Việt online vì rất yêu thích lời văn mượt mà và lối diễn tả sự thưởng ngoạn một cách lịch lãm. Cô viết về nhiều đề tài lắm: nghệ sỹ VN và ngoại quốc, bài hát, tấu khúc, hay phim ảnh v. v... và vì bản thân T thích ( nói là mê thì đúng hơn) nghe nhạc, đọc sách, xem phim...nên bài viết nào cuả cô cũng đem lại cho T thêm chút kiến thức và nhìn lại sự cảm nhận cuả mình. Xin chia xẻ với bạn đọc những bài viết này, nếu có dịp bạn tìm đọc quyển sách 'Quỳnh Giao Tạp Ghi' do Người Việt xuất bản.

                  Những ca khúc ban đầu của chúng ta vẫn là những ca khúc hay nhất.

                  Không chỉ vì là khúc hát tuổi thanh xuân, mà vì chúng đã trở thành một phần tâm hồn của mình. Dù đã đi thập phương tứ xứ, khi trở về mái nhà xưa thì ai cũng có sự bồi hồi xúc động. Cũng thế, dù đã nghe hay hát những tác phẩm tân kỳ hơn, có khi còn giá trị hơn, nhưng khi các giai điệu cũ nổi lên thì ta vẫn cho là hay nhất. Con người hầu hết đều như vậy, mới hay cũ chỉ là tương đối thôi, vì thế hệ nào cũng có những kỷ niệm cũ rồi tiếp nhận cái mới và vài chục năm sau thì thấy rằng đấy cũng sẽ là kỷ niệm...

                  Quỳnh Giao nghĩ vẩn vơ như vậy khi theo dõi buổi trình diễn của dương cầm thủ Condoleezza Rice và nữ hoàng nhạc Soul Aretha Franklin.

                  Condi Rice có tên từ một ký hiệu âm nhạc gốc tiếng Ý, là “Con Dolcezza,” nghĩa là “với sự ngọt ngào.” Học nhạc và đánh dương cầm từ bé, nàng là dương cầm thủ xuất sắc, nhưng tự biết là chưa thể là diệu thủ virtuoso nên bỏ nhạc mà đi học về chính trị. Trở thành giáo sư xuất sắc của Ðại Học Stanford trước khi tham gia chính quyền từ thời Ronald Reagan, rồi về làm giáo học Stanford, bước ra là Cố vấn An ninh Quốc gia rồi ngoại trưởng cho Tổng Thống Bush. Nhưng, “tiếng gọi rừng thẳm,” sự quyến rũ thuở thiếu thời vẫn là nhạc.

                  Condi Rice đã nhiều lần chơi nhạc trong chốn bằng hữu, song tấu với Yo-Yo Ma để gây quỹ và nổi tiếng nhất là dạo đàn cho nữ hoàng Anh thưởng thức. Nhân vật da đen này là hạt huyền bên đảng Cộng Hòa. Rời chính trường thì lặng thinh dạy học, chỉ nghe thấy tiếng đàn.

                  Năm nay đã 68, Aretha Franklin hơn Condi đúng một giáp nhưng có cùng xuất xứ, da đen, học nhạc, đánh dương cầm và hát thánh ca trước khi chói lòa trên sân khấu Rhymth and Blues. Rồi viết nhạc và thành nữ hoàng nhạc Soul từ bốn chục năm trước. Có trên hai chục giải Grammy, Aretha được tôn là thành phần danh ca hay nhất cổ kim, mà ở tuổi này vẫn có thể làm náo động thế giới nhạc Jazz, nhạc Rock, nhạc Blues, nhạc đạo. Và đôi khi nhạc cổ điển hay các thanh khúc Opéra.

                  Khác với Condi, Aretha không dạy học nhưng năm nay vừa có bằng tiến sĩ danh dự về nhạc của Ðại Học Yale. Và là báu vật bên đảng Dân Chủ, đã trình diễn trong lễ nhậm chức năm ngoái của Tổng Thống Obama.

                  Vậy mà Thứ Ba 27 vừa qua, hai người cùng xuất hiện trên sân khấu Mann Center for the Performing Arts, cùng dàn nhạc giao hưởng Philadelphia.

                  Hai người không so tài mà cùng chung sức gây quỹ cho một chương trình phát triển giáo dục và cộng đồng của Mann Center. Mỗi người một vẻ. Condi từ nhạc cổ điển trở về nhạc hiện đại, kể cả giai điệu dương cầm nổi tiếng do Aretha hòa âm. Nhiều người lại tiếc là vì sao nàng không “ở với âm nhạc” vì chơi đàn quá hay! Qua phần sau, Aretha hát hơn một giờ một danh mục cũng là cổ điển của mình, từ các ca khúc phổ thông buổi thanh xuân đến ca khúc nghệ thuật của Opera và kết thúc với bài “Chain of Fools” do chính mình đàn lấy.

                  Sau đó là phần hợp diễn của hai ngôi sao, với nhạc cổ điển lẫn hiện đại, mà đều là tác phẩm nghệ thuật. Khi Condi Rice đệm đàn cho Aretha Franklin hát “Nessun Dorma” trong vở “Turandot” của Puccini thì tám ngàn khán giả đã bật dậy hò la và hóa điên vì sướng!

                  Qua buổi trình diễn lịch sử ấy, người viết nhớ lại thuở ban đầu...

                  Thuở ban đầu của danh thủ dương cầm Condoleezza Rice là nhạc cổ điển. Ðêm đó, khi trình tấu bản Concerto cho Dương cầm số 20 của Mozart, nàng là người hạnh phúc vì nhận ra con đường về nhà vào tuổi ấu thơ. Hồn nàng đã nhập vào nhạc cổ điển, coi Mozart hay Chopin và Liszt là người nhà. Chuyện thị phi của chính trị hay các tác phẩm đương đại, dù là “Candide” của Leonard Berstein, chỉ là cái thuật để thi thố tài nghệ. Niềm hạnh phúc vẫn là dư âm ngày cũ...

                  Có lẽ Aretha Franklin cũng thế.

                  Danh ca này thật sự xuất thần trong bài “Respect” đã thành xưa, hoặc “You Make Me Feel (Like a Woman)” đã tạo nên dấu ấn Aretha với nhịp tiết rạo rực trong từng nét giật của nhạc. Những ca khúc này không chỉ là kỷ niệm mà đã thành phần hồn của bà. Khi hát các ca khúc trong vở Opera của Puccini hay Gluck, Aretha Franklin trình bày đầy nghệ thuật và kỹ thuật của bậc danh tài. Nhưng có lẽ không còn niềm vui cho riêng mình.

                  Quỳnh Giao nghĩ như vậy khi nhớ đến danh ca Kim Tước và nhiều nghệ sĩ khác.

                  Kim Tước hát “Thu Vàng” như nàng con gái tung tăng trên nẻo đường xưa, hay nhất và hạnh phúc nhất, dù rằng người giỏi nhạc có thể coi bài hát là loại “exercise,” bài tập. Thái Thanh trong “Tình Ca” hay “Bà Mẹ Gio Linh” là tuyệt chiêu vượt thời gian vì các ca khúc xã hội ấy đã đậm nét trong tuổi thanh xuân của bà. Ðấy là con đường về nhà đầy hạnh phúc của người nghệ sĩ. Nhiều danh ca khác cũng có những tiếng nhạc xưa đã đánh dấu một phần đời như vậy.

                  Sau này, nếu có cần phô diễn tài nghệ thì các nghệ sĩ thật vẫn thừa sức vượt qua, và về nghệ thuật thì vượt qua nhiều thế hệ về sau. Nhưng đấy là chỉ khúc hát cho đời. Trong chốn riêng tư, những rung động thật cho mình thì vẫn bật lên từ các giai điệu cũ mà có khi người đời đã quên...

                  Quỳnh Giao ngậm ngùi hiểu ra cách thưởng thức của giới mộ điệu, mà cũng thương cảm tâm tư của nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải luôn luôn làm mới nghệ thuật, sáng tạo và tự tái tạo để thỏa mãn người khác. Trong sự sáng tạo và nhiều khi đánh mất chính mình, họ vẫn nhớ đến một giai điệu cũ. Khúc hát đã làm nên hạnh phúc riêng tư của mình, mà đôi khi chỉ chính mình còn nhớ.

                  Nếu có buổi trình diễn nghệ thuật đích thực, hãy tò mò hỏi người nghệ sĩ trên sân khấu là họ thích trình bày tác phẩm nào nhất. Chúng ta sẽ rất ngạc nhiên, và đôi khi bồi hồi, vì tác phẩm ấy cũng dẫn chúng ta trở lại mái nhà xưa của mình, mà chính mình đã quên...


                  [hr]

                  Trường Ca Con Đường Cái Quan

                  Câu chuyện Văn nghệ với Quỳnh Giao

                  Đây cũng là một chương trình T theo dõi đều đặn trên Người Việt và rất muốn chia xẽ với các ACE nhưng không biết bỏ vào đề mục nào hợp nên lại cho vào trang riêng cuả mình, mời các bạn thưởng thức.


                  Tác phẩm lớn nhất của nhạc sĩ Phạm Duy là hai bản trường ca “Con Ðường Cái Quan” và “Mẹ Việt Nam.”

                  Nếu “Con Ðường Cái Quan” viết về chiều dài của dân tộc, thì “Mẹ Việt Nam” đi vào chiều sâu của đất nước, Phạm Duy có nói như vậy. Khi sáng tác, ông thường viết về ba khía cạnh của một đề tài. Như bộ ba “Bà Mẹ Quê,” “Vợ Chồng Quê” và “Em Bé Quê,” hay bộ ba trong bài “Người Về” gồm có lời người mẹ, người vợ, và đứa con. Hoặc bộ ba trong “Nhớ Người Ra Ði” cũng là lời mẹ, lời vợ và lời con... Sinh thời, ông dự tính sẽ soạn một bản trường ca thứ ba với nhan đề “Trường ca Trường Sơn” với ước muốn xưng tụng người cha Việt Nam, và biểu hiện chiều cao của đất nước. Phải chăng vì hoàn cảnh bi thương của xứ sở năm 1975 mà bản trường ca thứ ba lại là “Bầy Chim Bỏ Xứ”?

                  Về nhạc thuật, trường ca “Con Ðường Cái Quan” có tính chất tả thực, gồm nhiều dấu Thăng trên cung La Trưởng. Còn “Mẹ Việt Nam” lại đậm chất biểu trưng, với nhiều dấu Giáng trên cung Mi Giáng Trưởng.

                  Người viết đặc biệt yêu thích “Con Ðường Cái Quan,” vì về mặt nghệ thuật lẫn tình cảm.

                  Phạm Duy vẫn chủ trương những cuộc lên đường trong âm nhạc, mà còn cuộc lên đường nào thú vị hơn là con đường đi vào quê hương? Ông nuôi ý tưởng về trường ca này từ khi du học bên Pháp năm 1954. Khi trở về thì tác phẩm bị dở dang trong giai đoạn 1956-1958. Ông viết lại từ 1959, và hoàn thành vào mùa Xuân năm 1960.

                  Trường ca gồm 19 đoản khúc, đa số soạn trên âm giai ngũ cung, có thêm nhạc thuật chuyển hệ khiến giai điệu thêm phong phú. Ông cũng pha trộn một số bài với âm giai thất cung Tây Phương, nhất là phần diễn tả miền Nam, vùng đất có đặc tính quốc tế.

                  “Con Ðường Cái Quan” đưa ra một lữ khách đi trên con đường Xuyên Việt theo hai trục không gian và thời gian, từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, từ ngày lập quốc cho tới khi hoàn thành xứ sở. Ði tới đâu cũng có tiếng dân chúng địa phương ca hát chúc tụng lữ khách đi nối liền được lòng người và đất nước.

                  Trường ca này có ba phần như ba miền đất nước:

                  Phần Một mang nét hào hùng của quê cha đất tổ là Miền Bắc, với giai điệu dân ca miền Bắc. Phần này gồm sáu đoản khúc là “Anh Ði Trên Ðường cái Quan,” “Tôi Ði Từ Ải Nam Quan,” “Ðồng Ðăng Có Phố Kỳ Lừa,” “Người Về Miền Xuôi,” “Này Người Ơi” và “Tôi Ði Từ Lúc Trăng Tơ.” Ông dùng dân ca địa phương, từ điệu quan họ cho đến lời ru con mà riêng đoạn “Người Về Miền Xuôi” lại có âm hưởng dân nhạc thượng du, rất thích hợp với lời từ tả cảnh nhà sàn và hương rừng gạo núi.

                  Phần Hai diễn tả miền Trung với tình thương yêu chan chứa niềm xót xa. Phần này gồm có sáu đoản khúc là “Anh Ði Trong Gió Trong Sương,” “Ai Vô Xứ Huế Thì Vô,” “Ai Ði Trên Dặm Ðường Trường,” “Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði,” “Gió Ðưa Cành Trúc La Ðà” và “Tôi Xa Quê Nghèo Ruộng Nghèo.” Phạm Duy dùng điệu hò mái đẩy của Huế, điệu ru con và cả Nam Ai, Nam Bằng là cổ nhạc có sắc thái Chàm trong đoạn “Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði”...

                  Phần Ba là khi vào tới miền Nam với nỗi vui mừng của con người cả thắng thiên nhiên để hoàn thành nước Việt. Phần này cũng gồm sáu đoản khúc là “Anh Ði Ðường Vắng Ðường Xa,” “Nhờ Gió đưa Về,” “Ði Ðâu Cho Thiếp Theo Cùng,” “Ðèn Cao Châu Ðốc Gió Ðộc Gò Công,” “Cửu Long Giang và Về Miền Nam,” “Giã Ơn Cái Cối Cái Chầy.” Ðoản khúc thứ bảy là chung khúc “Ðường Ði Ðã Tới.” Soạn phần ba, Phạm Duy cũng dùng điệu hò miền Nam để mở đầu câu chào hỏi lữ khách của cô gái quê. Lời ca của “Nhờ Gió Ðưa Về” là nét tuyệt vời vì tả cảnh trù phú của miền đất mới, có những buồng chuối, vũ sữa, sầu riêng, cho tới hàm răng xít xa, khóe mắt thiệt thà của cô gái miền Nam.

                  Ba đoạn “Nhờ Gió Ðưa Về,” “Cửu Long Giang” và “Về Miền Nam,” cùng chung khúc “Ðường Ði Ðã Tới” đều được viết trên âm giai thất cung. Phạm Duy dùng nét rất sáng để diễn tả sự sung túc của đất nước và niềm hân hoan của lòng người...

                  Phạm Duy có tiết lộ sự thú vị khi soạn phần còn lại của trường ca bị bỏ dở. Ðó là ông khi đi trên con đường cái quan cùng Võ Ðức Diên, Tạ Tỵ và Văn Thanh vào mùa Hè 1959 tươi đẹp. Khi ông hoàn tất vào mùa Xuân 1960 thì người viết còn là thiếu nhi, nhưng được cho hát với người lớn.

                  Năm ấy trường ca “Con Ðường Cái Quan” được giao cho một nhạc trưởng người Ðức là Otto Solnerr, đang giảng dạy và thành lập dàn giao hưởng của trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Vị nhạc trưởng soạn hòa âm rất công phu cho cả dàn nhạc trên 30 nhạc sĩ gồm đầy đủ dàn giây, dàn gõ, dàn đồng, dàn trống. Cho phần hợp ca, ông kêu gọi đài phát thanh giúp ông mời được một ban hợp xướng.

                  Chương trình là sẽ hát ở rạp Thống Nhất một đêm ra mắt, sau đó sẽ đi Ðà Lạt hát liền một tuần lễ. Lúc ấy nhạc sĩ Vũ Thành trưởng phòng văn nghệ đã gọi được hầu hết các ca sĩ đương thời có khả năng hát hợp ca.

                  Bản trường ca soạn trên cung La Trưởng có nhiều nốt cao với những nốt Fa trên dòng kẻ thứ 5. Giọng nữ có nào Mộc Lan, Kim Tước, Thái Hằng (mà không có cô Thái Thanh, chắc đang mang bầu), Châu Hà, Tuyết Hằng, Tuyết Anh, Tuyết Mai, Mỹ Thể, Mai Hương. Dĩ nhiên là có thân mẫu Minh Trang của người viết. Nhạc sĩ Phạm Duy hỏi bà mẹ về đứa con:

                  “Con bé nó hát được rồi, nhưng nó có bao giờ mặc áo dài chưa?” Thế là lập tức được đưa đi ra hiệu may áo dài, hai cái áo trắng tinh thật là đẹp!

                  Từ bé mới lần đầu được mặc áo dài, được đi xe lửa toa “couchette” mới là oai, được trú ngụ và ăn cơm Tây tại khách sạn Palace trông xuống hồ. Và nhất là được đứng hàng đầu cạnh Mẹ hát hợp xướng với dàn giao hưởng. Vừa hát vừa nhớ những cảnh đẹp của đất nước khi xe lửa đi qua Tháp Chàm, nhớ đến công chúa Huyền Trân, nhớ đèo Ngoạn Mục chập chùng mây...

                  Mỗi khi được hỏi kỷ niệm nào đẹp nhất trong đời ca hát, cả người viết và chị Mai Hương đều nhắc đến chuyến đi hát “Con Ðường Cái Quan” năm xưa...

                  Comment


                  • #39
                    Henry Mancini trong lãng quên


                    Quỳnh Giao Tạp Ghi

                    Friday, April 27, 2012 1:14:08 PM

                    Nếu hỏi các khán thính giả Việt Nam rằng Henry Mancini là ai thì có lẽ ít người trả lời được. Thật ra, chúng ta cũng giống khá nhiều người Hoa Kỳ đời nay trong sự mơ hồ này.

                    Nhưng nếu nghe thấy đâu đó giai điệu lãng mạn của bài “Moon River” hay nhịp tiết nghịch ngợm của “The Pink Panther,” con báo màu hồng, thì nhiều người trong chúng ta có thể lâm râm theo tiếng nhạc hoặc nhớ lại rằng mình đã biết các điệu này. Chúng ta có thể là “fans,” là khách mộ điệu, của Henry Mancini mà chẳng biết. Lý do đơn giản là người nhạc sĩ tài hoa này ít xuất hiện và khuôn mặt của ông không là một dấu ấn của nhạc để trở thành tiết mục quảng cáo.

                    Henry Mancini không ưa quảng cáo. Biết đâu, ông chẳng cần quảng cáo qua các “talk show” trên truyền hình như nhiều nghệ sĩ khác. Ông soạn nhạc rồi để tác phẩm tự chinh phục người nghe. Nhìn theo khía cạnh nào đó, ông cũng giống Dương Thiệu Tước hay Vũ Thành của chúng ta.

                    Thật ra, trên đài danh vọng của các ngôi sao nổi tiếng nhất như Elvis Presley, Frank Sinatra hay các ban hợp ca The Beatles và Rolling Stones, nhạc của Henry Mancini đã đứng riêng một cõi rất cao.

                    Ông được tuyển 72 lần cho giải Grammy, một kỷ lục, và đoạt 20 giải, Ðược tuyển 18 lần cho giải Oscar về nhạc phim, ông ôm về nhà bốn pho tượng vàng. Ngoài ra, ông còn đoạt một giải Golden Globe và được tuyển vào hai giải Emmy. Dù sinh thời ông là người kín đáo, năm 2004, Bưu Ðiện Hoa Kỳ đã phát hành một cái tem tưởng niệm với hình ảnh người nhạc trưởng đang điều khiển dàn nhạc cho các bộ phim hay chương trình truyền hình nổi tiếng của mình.

                    Mà Henry Mancini là ai vậy?

                    Là con trai gia đình di dân gốc Ý Ðại Lợi, Enrico Nicolas Mancini sinh năm 1924 trong khu phố Ý của thành phố Cleveland ở Ohio rồi cùng cha mẹ qua sinh sống tại một trung tâm sản xuất thép gần Pittsburgh, nơi người cha làm công nhân ngành thép. May cho cậu bé là ông bố lại có máu nghệ sĩ, thích nhạc và ngạc nhiên vì thấy con trai tự học nhạc bằng cách viết ra giấy những cảm nghĩ của mình khi được nghe các đĩa nhạc cổ điển. Chính người cha đã bấm bụng cho con đi học dương cầm với một ông thầy gốc Ðức, trước sự cảm thông dịu dàng của bà mẹ.

                    Nhưng cậu con trai đam mê hơn vậy và rất khoái dàn nhạc Glenn Miller nên muốn học đòi. Có lần cậu còn lẻn vào rạp hát để trình cho nhạc trưởng Max Adkins những khám phá của mình. Nhờ vậy mà được ông ta dạy thêm về căn bản phối khí, và cả cách ăn nói cư xử trong một xã hội văn minh của nghệ thuật.

                    Sau đó, Mancini được học trong ngôi trường nhạc khét tiếng là Julliard nhưng chỉ được một năm là nhập ngũ vào năm 1943, rồi tham gia giải phóng miền Nam nước Ðức vào năm 1945.

                    Khi chiến tranh kết thúc, nhờ là cựu chiến binh, Mancini được học bổng G.I. Bill để vào trường Westlake School of Music. Nơi đây, ông học với các bậc thầy theo lối chân truyền. Alfred Sendry, một bạn học của Bela Bartok thì dạy về lý thuyết và hòa âm. Con rể Gustav Mahler là Ernst Krenek dạy ông về soạn nhạc cho một ban hòa tấu. Sắc thái đa diện và tài hoa của Henry Mancini kết tụ từ đấy và tỏa hương thơm sang các lãnh vực điện ảnh, nhạc kịch và truyền hình.

                    Về Henry Mancini, một nhạc trưởng đã để lại câu nói đáng nhớ. Rằng “tất cả các nhạc sĩ viết nhạc phim đều phải chiêm bái bàn thờ của Ông Mancini!” Mà người nhạc trưởng này cũng thuộc loại xuất chúng. Ðó là John Barry.

                    Ông là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng nổi tiếng người Anh, đã viết 12 nhạc phim James Bond trong 15 năm và đoạt giải âm nhạc trong các tác phẩm thời danh như Midnight Cowboy, Dances With Wolves, The Lion in Winter và Out of Africa. Dù đã vĩnh viễn sống tại Mỹ, người nhạc sĩ này được quê nhà phong tước nhưng vẫn có lời ngưỡng mộ nhất dành cho Henry Mancini.

                    Khi đọc truyện, chúng ta ưa lối “phục bút” của nhà văn. Nếu chịu khó nghe kỹ, mình cũng có thể cảm thấy cách “phục nhạc” của Mancini. Trong lối viết bằng ký âm pháp, hình như Henry Mancini còn có cả... dấu hỏi.

                    Ông giải thích rằng giai điệu của ông khiến người nghe phải tự hỏi, đầu tiên là “nhạc gì vậy ta?”

                    Rồi mới là câu hỏi “cái gì sẽ xảy ra vậy?” Khi đã tò mò như vậy rồi, người nghe lại thường đoán sai vì nhạc dẫn qua ngả khác nên họ mới càng thích. Cho nên, nếu có nói Mancini soạn nhạc như nhà văn viết truyện trinh thám thì cũng không quá lời. Phải chăng vì vậy, chúng ta còn ưa mãi nhạc phim của Arabesque hay Charade, là hai cuốn trinh thám rất vui với nhạc của Mancini? Nếu có cơ hội, xin quý vị nêm xem và nghe lại hai cuốn phim đó...

                    Thế thì vì sao kỳ này Quỳnh Giao lại tạp ghi về Mancini? Vì sự lãng quên của người đời chăng?

                    Sau mấy chục năm sáng chói, sự nghiệp của Henry Mancini bắt đầu đổ dốc từ đầu thập niên 80.

                    Vì sau đấy, nghệ sĩ soạn ra loại nhạc ồn ào và dễ dãi hơn cho một quần chúng đông đảo ưa thích lối nghẹn ngào hay gào thét trên sân khấu. Viết nhạc trau chuốt như Henry Mancini, với lời từ thật đẹp của một người như Johnny Mercier, đã trở thành chuyện xa xỉ hoặc xa lạ.

                    Hình như trong tiềm thức, các nghệ sĩ lớn đều có phút tiên tri. Mancini có cả một ca khúc về chuyện này.

                    Năm 1979, Henry Mancini soạn nhạc cho cuốn phim có tên rất lạ là “10” của đạo diễn Blake Edwards. Cốt truyện là về một nhạc sĩ hết còn khả năng viết ca khúc! Mancini soạn ra bài “It's Easy To Say” nhưng ca khúc đã chẳng dễ hát lại còn bị chìm trong nhạc phim lấy chủ đề từ bài “Boléro” lừng danh của Maurice Ravel. Từ đấy, ông lui dần vào lãng quên cho đến khi tạ thế vì ung thư lá lách, ở tuổi bảy mươi vào năm 1994 khi ông đang soạn nhạc cho vở nhạc kịch Victoria/Victoria mà không được xem trên sân khấu Broadway.

                    Mở đầu bài này, người viết nhắc đến Dương Thiệu Tước và Vũ Thành. Thật ra, đấy là hoàn cảnh của nhiều nhạc sĩ khác của chúng ta khi còn sống mà đã hết muốn viết. Nhái lại lời của Nguyễn Khuyến, “viết cho ai, ai hát mà nghe?”

                    Ðến Henry Mancini mà còn như vậy thì mình cũng chẳng nên buồn. Hãy tự an ủi với bài “Moon River” bất hủ của Mancini trong phim Breakfast at Tiffany's và câu “...after the rainbow's end...”

                    Comment


                    • #40


                      Y Vân - Áng Mây Hồng Của Nhạc Việt





                      Quỳnh Giao tạp ghi

                      Y Vân là nhạc sĩ di cư Bắc vào Nam sau Hiệp Ðịnh Genève.

                      Cũng từ sau 1954 ông mới được biết đến tên tuổi qua tác phẩm “Lòng Mẹ”, một ca khúc viết về Mẹ được hát nhiều nhất.

                      Theo lời kể chuyện của nhà văn Duyên Anh, thì Y Vân là người con chí hiếu. Lúc di cư, hai người đi cùng chuyến tầu. Y Vân đi cùng bà mẹ và em trong chuyến vượt tuyến. Hàng ngày Y Vân hầu hạ mẫu thân rất mực hiếu đễ, mà bà mẹ lại rất khó tính, tối ngày la mắng ông, nhưng không bao giờ ông cãi lại hoặc tỏ ý buồn lòng, khó chịu. Nét hiếu đễ ấy, ít người biết tới khi chỉ nghe ca khúc “Lòng Mẹ” một cách trừu tượng và không chú ý đến tác giả.

                      Riêng với người viết, nhờ được biết ông từ ngày còn bé, Quỳnh Giao nghĩ rằng ông không chỉ hiếu thảo với mẹ mà còn đối xử tử tế, đôn hậu cùng mọi người. Với vóc dáng bé nhỏ nhưng rắn rỏi, nụ cười luôn nở trên môi và nhất là lối nói chuyện rất có duyên, Y Vân làm ai ai cũng quý mến. Ðấy là về con người mà là một con người rất khiêm cung, hiền hòa.

                      Về nghệ thuật thì thật khó phân biệt và liệt kê thể loại sáng tác tân nhạc của Y Vân. Ông là nhạc sĩ đa tài, viết đủ loại, từ nhạc tình, nhạc quê hương, đến nhạc Blues và nhạc kích động, và còn có tài phổ nhạc vào thơ...Nói đến tình ca thì điều quan trọng là lời từ. Y Vân là một trong những người viết lời hay nhất của chúng ta. Quỳnh Giao xin đan cử một vài thí dụ.

                      Hai ca khúc “Ảo Ảnh” và “Ngăn Cách” đều có lời ca tình tứ, thấm thía và sâu sắc như:

                      “Yêu cho biết bao đêm dài,

                      Cho quen với nồng cay

                      Yêu cho thấy bao lâu đài,

                      Chỉ còn vài trang giấy...

                      ...Yêu nhau trong cuộc đời,

                      mơ duyên tình dài,

                      gắn bó đôi lời.

                      Ta quen nhau một ngày,

                      thương nhau trọn đời,

                      giữ cho lâu dài.

                      Nhưng không ai nào ngờ,

                      duyên đang mặn mà bỗng đã chia lìa.

                      ..Và đây là lời ca bài “Ðừng Lừa Dối Nhau”, ông đề tặng những mối tình dang dở:

                      Ðừng lừa dối nhau, đừng nói “yêu” khi ta gần nhau.

                      Ðừng lừa dối nhau, vì biết đâu tin nơi “tình yêu”.

                      Có những phút mộng mơ, đừng cho ước mơ gợi lòng say sưa.

                      Thấy khi đôi vai kề, chắc đâu duyên thề, mà mơ...

                      Bài “Ngăn Cách” được coi là bài tủ của Minh Hiếu, và bài “Ðừng Lừa Dối Nhau” thì khó có ai hát hơn Duy Trác. Trên đây là lời từ về những mối tình đau khổ, bi đát. Nhưng Y Vân cũng sáng tác những bài tình ca hạnh phúc với lời ca trau chuốt, óng ả và thăng hoa hạnh phúc như bài

                      “Tôi Sẽ Ðưa Em Về”:

                      Tôi sẽ đưa em về,

                      về miến đất thân yêu

                      Về kiếp sống cô liêu,

                      tình thương không còn thiếu.

                      Tôi sẽ đưa em về,

                      miền hoa thơm cỏ biếc,

                      chiều hôn trên làn tóc,

                      Mùa Thu in mầu mắt.

                      Tôi sẽ đưa em về, tôi sẽ đưa em về,

                      Mà không lo thiếu “Tình Yêu”...

                      Hay bài “Người Vợ Hiền” sau đây:

                      Lòng vợ hiền như dòng suối mát

                      Tình vợ hiền muôn đời thơm ngát

                      Ðôi mắt huyền như ánh sao đêm, những khi chờ mong

                      Người chồng xa vắng...

                      Ngày nay, đôi khi ta nên đọc lại lời ca thời ấy và so sánh với thời nay thì mới thấy được sự khác biệt của trình độ. Thể điệu Blues rất khó viết ra hồn và cũng khó diễn tả, nhưng các sáng tác loại này của Y Vân đều hát dễ hay và rất thịnh hành vào thời đó. Ðó là “Ðồi Thông” (“ngồi trên đồi vắng, bên gốc cây thông già...”) được ban Thăng Long trình bày rất đẹp.

                      Hoặc “Ngoại Ô Ðèn Vàng” được Thái Châu thâu vào đĩa và bán rất chạy...

                      Có một ca khúc cùng loại rất hay với lời ca tân kỳ, mà ít được phổ biến là “Dung Nhan Mùa Hạ”:

                      Khi em tắm nắng,

                      cho tôi xin hai thước mặt trời,

                      vẻ dung nhan thần vệ nữ, ngàn đời...

                      Y Vân viết vào thập niên 60 bài Chacha đầu tiên để ngợi ca thủ đô miền Nam. Bài “Sài Gòn” này nổi tiếng đến độ khi được hỏi có biết hát nhạc Việt hay nói tiếng Việt không thì lính Mỹ đều hãnh diện xì xồ “Saigon đẹp lắm, Saigon ơi, Saigon ơi!”

                      Khi cặp song ca kích động nhạc Hùng Cường và Mai Lệ Huyền trình diễn chung, ít ai để ý là họ hát toàn ca khúc Y Vân viết riêng cho họ. Kể ra thì có rất nhiều, tiêu biểu là những bài “60 Năm Cuộc Ðời”, “Cái Trâm Em Cài”, “Túp Lều Lý Tưởng”, “Tình Yêu Thủy Thủ”, “Lính Ða Tình”, “Một Trăm Phần Trăm” hay “Năm Anh Hai Mươi”...

                      Giờ này còn mấy ai nghe lại để thương người lính và những mối tình lãng mạn thời chinh chiến?

                      Ðặc biệt Y Vân là người cầu kỳ trong loại thơ phổ nhạc. Ông thường dùng nguyên bài thơ, láy đi láy lại lời thơ làm phần nhạc thêm phong phú. Ðó là những bài “Người Em Sầu Mộng”, phổ thơ Lưu Trọng Lư:

                      Ai bảo em là giai nhân

                      cho đời anh đau buồn.

                      Ai bảo em ngồi bên song

                      cho vương nợ thi nhân.

                      Ai bảo em là giai nhân

                      cho lệ đêm xuân tràn.

                      Cho tình giăng đầy trước ngõ,

                      cho mộng tràn gối chăn...

                      Quỳnh Giao thì yêu thích nhất bài “Thề Non Nước” do Y Vân phổ thơ Tản Ðà theo nhịp Habanera, nhưng với âm điệu ngũ cung của đất Bắc và lối luyến láy dịu dàng mà giờ này không còn ai hát, nên có thể sẽ tuyệt tích. Thật tiếc lắm thay...!

                      Nhạc sĩ Y Vân là một tài năng đa dạng, có nét độc đáo riêng. Dù sáng tác trên âm giai Tây phương, nhạc ông vẫn man mác nét buồn cổ kính Ðông phương. Và rất Việt Nam chứ không có hơi hướng Trung Hoa hay Nhật Bản như một số ca khúc viết trên giai điệu Á Ðông.

                      Ngoài tài sáng tác, Y Vân là một người soạn hòa âm rất chuẩn, và ban nhạc của ông được các đài phát thanh và các hãng sản xuất dĩa nhạc ưu ái mời công tác. Ông cũng có riêng một trung tâm băng nhạc mang tên “Mây Hồng”. Trước 1975, ông được coi như một trong những nhạc sĩ có đời sống sung túc. Nhưng với bản tính hiền hòa đôn hậu, ông sống bình dị, khiêm tốn.Có lẽ vì thế mà ít người biết đến thực tài của ông... Vì sao chưa có chương trình riêng về Y Vân để đời nay biết nét tài hoa đa diện của ông?


                      Comment


                      • #41
                        Danh và Thực, Tên và Tài

                        Quỳnh Giao Tạp Ghi

                        Thursday, March 22, 2012 7:02:18 PM

                        Có một thời mà các gia đình thuộc loại gia giáo, và phải nói rằng hơi cổ, của Việt Nam đã rất thận trọng khi chọn tên cho con gái. Phải đẹp, nhưng kín đáo chứ không lộ.

                        Gia đình bình thường thì chỉ lấy tên đệm là “thị”, nhét giữa cái họ và cái tên, cầu kỳ lắm thì có tên kép, như Kim Chi, Ngọc Diệp, Xuân Lan, Thu Cúc... Ðôi khi là những tên rất ngẫu hứng. Nếu chúng ta nhớ lại nhà văn Bình Nguyên Lộc những tên ấy là Hương, Hồng, Hoa, Quá, Thơm, theo điệu “Bình bán vắn”. Cô nào tên là Quá thì chắc là lớn lên sẽ thấy đời quá buồn.

                        Ở một thái cực khác, các gia đình nổi tiếng nho phong thì cân nhắc kỹ hơn, họ chọn tên vừa đẹp lại vừa có văn hóa. Nhưng tuyệt đối tránh những tên có âm hưởng hoa nguyệt. Họ kiêng lấy tên hoa, nhất là loài hoa nở về đêm, để đặt cho con gái. Và cũng tránh cả chữ nguyệt, vì chỉ sáng về đêm. Nhưng đấy là chuyện xa xưa của một thời bị gọi là “phong kiến”.

                        Thời đó, chúng ta nhớ cách đặt tên do vua Minh Mạng đề ra cho con cháu trong bài Ðế hệ thi, tương truyền là được ban ra từ năm 1823 cách nay 190 năm tròn:

                        Miên Hồng Ưng Bửu Vĩnh

                        Bảo Quý Ðịnh Long Trường

                        Hiền Năng Kham Kế Thuật

                        Thế Thụy Quốc Gia Xương

                        Phần khác, dòng họ Dương tại cõi Vân Ðình ở miền Bắc cũng chọn trước cho từng đời con cháu về sau cái tên đệm. Từ Dương Tự đến Dương Thiệu, Dương Hồng, nay đến lúc xuất hiện thế hệ Dương Nghiệp. Bên đằng gái thì những tên như Dương Nguyệt, Dương Vân, Dương Thúy nay đã trở thành quen thuộc.

                        Nói chung, nhiều gia đình quyền quý thì thường chọn tên loài ngọc mà đặt cho con gái. Vì vậy mới có những nàng công chúa Ngọc Hân, Ngọc Bình, Ngọc Vạn, các tiểu thư như Ngọc Trâm, Ngọc Thuyền, hay nhiều thứ ngọc khác mà phải tra sách thì mình mới hiểu. Nếu chọn tên hoa thì phải là loài hoa hương sắc vẹn toàn.

                        Khi chọn tên như vậy, cha mẹ hay các bậc trưởng thượng có văn chương đã muốn gì?

                        Ai cũng muốn cho con cháu được hạnh phúc, vinh hoa hay tài lộc dồi dào. Khi chịu khó tìm tòi để đặt tên, đời trước trao cho đời sau những ước vọng của mình. Hùng dũng, tuấn kiệt, phúc đức hay hưng thịnh, phát đạt, v.v... là những ước vọng cho con trai, người chủ gia đình sau này. Cho con gái thì có đức tính như công dung ngôn hạnh, trung trinh hoặc hiền thục. Nhưng nói chung, nhiều người vẫn ưa đức hạnh hơn là nhan sắc, vì phản ứng khá bảo thủ thận trọng, hồng nhan vốn hay đa truân mà!

                        Hình như là một số người Tây phương cũng thế.

                        Nếu sùng đạo, có khi cha mẹ lấy tên vị thánh trên tờ lịch vào ngày ra đời mà đặt cho con. Nhiều gia đình có truyền thống thì thừa hưởng từ các thế hệ trước một danh sách tên cho con trai. Con gái cũng có, nhưng ít hơn và thường thì cũng là tên các nữ thánh, vốn dĩ không nhiều.

                        Rồi trong loại tên thông dụng, có lẽ các vị thánh đã nhường chỗ cho nhiều minh tinh hay nghệ sĩ đang nổi tiếng. John và Mary lui dần vào bóng tối và tên Wendy tràn ngập thị trường sau khi xuất hiện phim và nhạc kịch “Peter Pan” vào đầu thập niên 50. Gần đây, nàng Britney Spears là nguyên nhân của cái tên rất thịnh hành trong đám bé gái, là Brittany.

                        Nhưng đấy vẫn là chuyện xưa.

                        Từ vài thập niên qua, người ta phát huy sáng kiến để tìm ra nhiều tên lạ. Không chỉ chọn trong danh sách một số tên thông dụng nhất mà họ còn sáng tạo để con mình thật chẳng giống ai. Một cuộc khảo cứu đã nghiệm thấy ở California là 30% tên con gái của người Mỹ da đen sinh vào thập niên 90 lại không trùng với bất cứ ai sinh cùng năm ở tại cùng tiểu bang. Lập đức qua lập dị hay chăng?

                        Bây giờ mới nói đến chuyện người được đặt tên, là đám con cháu.

                        Ngoại trừ bậc cao tăng phi phàm có khả năng chọn đất cho kiếp sau, chúng ta không chọn được nơi sinh hay ngày sinh. Huống chi là cái tên mẹ đẻ. Ðấy là phần vụ của số lotto, hoặc hên xui may rủi, hay chuyện duyên nghiệp mờ ảo mà mình không biết. Khi nhận tên, đứa bé đỏ hỏn nào đã biết gì mà xưng danh, ít ra cho đến ngày khôn lớn thì mới chọn tên tự, hay biệt hiệu và nghệ danh nếu mình muốn là danh sĩ hay nghệ sĩ.

                        Nhưng dù gì thì cái tên cũng vận vào mình!

                        Khi chọn tên, cha mẹ thật ra kết tụ vào đó cả văn hóa lẫn đức tin của mình, nói chung là cho con cái một phần mỹ quan của họ. Mỹ quan ấy có thay đổi với đời sống hay nghệ thuật thời thượng, ăn khách. Nhưng rồi di sản ấy có ảnh hưởng đến đứa con sau này. Vì người ta nghiên cứu ra là loại tên lạ vì phản ảnh màu da hay chủng tộc thường ít được chú ý và chọn lọc khi xin việc! Khi đã có việc làm rồi, kể cả việc làm chính trị thì người nào có tên dễ đọc và phổ thông nhất thì cũng dễ kết bạn với các đồng nghiệp hơn cả.

                        Những yếu tố ấy đều là kết quả tìm tòi hẳn hoi, nhưng cũng cho thấy vì sao con em gốc Á phải giỏi gấp rưỡi những người da trắng thì mới coi như đứng ngang hàng. Chưa kể là những tên như Phúc hay Dung hay Dũng hay Ðại có khi còn bị đọc trại.

                        Sẵn đà tạp ghi thì người viết bèn ghi thêm mấy điều.

                        Các nhà tâm lý tin là trong cõi vô thức, chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi cái tên đến độ “mặc nhiên tự ngã”. Tự thể hiện cái ngã từ cái tên. Người có tên như hùng dũng hay tín nghĩa có khi cố hành xử để, nói như Lê Quý Ðôn, “khỏi hổ mang danh tiếng thế gia”.

                        Thế thì cái tên có là duyên hay nghiệp? Hoặc nói như người La Mã thời xưa, “danh là mệnh”.

                        Thật ra, cái tên chỉ là tấm danh thiếp!

                        Ai cũng muốn trình bày danh thiếp cho mỹ thuật hơn, nhưng cầm tấm danh thiếp rồi gặp người thật, thì người đã có thể át danh. Sau đó, còn nhiều sự kiện khác về con người lại tiếp tục đẩy cái tên vào một góc. Có cái tên nào mà mỹ miều và lập dị hơn Condoleezza Rice, một cô bé da đen trong thời kỳ mà màu da vẫn là vấn đề. Với hành trang đầy nhược điểm ấy, cô bé vẫn thành dương cầm thủ, giáo sư rồi ngoại trưởng.

                        Cho nên, danh chưa chắc đã là thực. Mà cái thực là chuyện chúng ta phải chọn lấy, và làm lấy.

                        Comment


                        • #42
                          Lớp Lớp Sóng Nhạc


                          Sinh thời, nhà văn Mai Thảo là người ưa nói thẳng và chẳng sợ làm mích lòng người khác.

                          Người viết gọi ông bằng “Chú” - như Anh Ngọc, Phạm Ðình Chương, Phan Lạc Phúc hay Trần Dạ Từ, .. là những người quen biết với thân mẫu của mình. Nếu nhớ không lầm thì lần đầu gặp Mai Thảo, con bé cháu này chưa đến cái tuổi 13 của thơ Nguyên Sa. Mai Thảo tới nhà để... tập kịch cùng mẫu thân là Minh Trang và một nghệ sĩ sau này vắng bóng là cô Bạch Cúc. Vở kịch là “Bão Thời Ðại” của Trần Lê Nguyễn...

                          Sau này, rất lâu sau này, có lần Mai Thảo kể lại chuyện ông gặp lại một bạn thơ mới được tới Mỹ. Rằng bạn ông than phiền, “trong 'moi' bây giờ có hai nền văn hóa đang xung đột, là văn hóa Pháp và văn hóa Mỹ, nên 'moi' chưa biết tính làm sao cả!” Với giọng khinh khỉnh như muốn làm cho đáng ghét... thêm, Mai Thảo trả lời, “ông thế là may, chứ trong tôi thì... cóc có nền văn hóa gì hết!”

                          Ðúng là khẩu khí Mai Thảo!

                          Người viết không dám nhắc đến tên của ông bạn văn kia, nhưng nghĩ lại cũng hơi hơi... giật mình.

                          Trong kỳ trước, khi viết về Toan Ánh, Quỳnh Giao nhắc đến một lời phát biểu và viết, hình như là của nữ văn sĩ Francoise Sagan của Pháp, đó là “văn hóa là cái gì còn lại khi mình quên hết cả!” Lời phát biểu nổi tiếng ấy vẫn chưa làm thiên hạ nổi đóa bằng một câu khác mà bà gán vào miệng một nhân vật tiểu thuyết của mình, một nhà văn trẻ - lại nhà văn nữa! - thiếu tài và hết ảo tưởng về tương lai, “văn hóa là những gì còn lại khi mình không biết làm gì nữa”!

                          Người viết đã tránh câu ấy, lỡ gây ngộ nhận với những người muốn làm văn hóa thì sao? Sau bài viết, một độc giả đã ưu ái nhắc rằng câu đó là của Édouard Herriot.

                          Rõ là tri kỷ vì đã chịu khó đọc bài, rồi lại còn giúp cho người viết nữa.

                          Xin được tri ân, nhưng thật ra, câu nói bất hủ ấy được lưu hành quá rộng rãi nên bị gán cho nhiều tác giả.

                          Sinh năm 1872, Édouard Herriot là một đại trí thức và chính trị gia Pháp, ba lần làm thủ tướng và sau này vào Hàn Lâm Viện. Trong một cuốn sách xuất bản năm 1948, ông gán câu châm ngôn ấy... cho một hiền triết phương Ðông (có người cho là Nhật Bản),

                          “Những gì quý nhất mà tôi đem đi thì không để trong rương được.' Văn hóa - một nhà luân lý Ðông phương nói vậy - Là những gì còn lại trong tâm trí khi mình đã quên hết cả'...” Người ta đã quên mất tác giả phương Ðông mà chỉ nói tới Herriot. Nếu đúng là của một nhà luân lý Á Ðông thì có lẽ tác giả lại gần với chúng ta hơn, nhưng mà làm sao tìm ra bây giờ?

                          Mà nghe chừng ông Herriot này lại nhớ lầm chuyện Ðông-Tây!

                          Năm 1909, lần đầu tiên mà một nữ văn sĩ được giải Nobel Văn chương, đó là bà Selma Lagerlof của Thụy Ðiển, Bà sinh năm 1858 và mất năm 1940 (13 năm trước ông Herriot), và là tác giả câu “văn hóa là những gì đọng lại khi mình quên hết những gì đã học”.

                          Kể về tuổi tác và năm thành đạt thì ta nên nghi rằng Lagerlof viết câu này trước Herriot, nhưng không nên tin là câu châm ngôn của bà đã bị Herriot mượn và gán cho một tác giả Á Ðông.

                          Chỉ vì nhiều người cũng nói về văn hóa với lối nhận xét bất ngờ như thế, André Malraux cũng vậy, đã có vài câu tương tự đôi khi còn phản ý...

                          Có người lại muốn nói ngược, như Georges ElGozy, “văn hóa là những gì còn thiếu sau khi mình đã học hết tất cả”! Ông ElGozy này góp phần đem nhạc điện tử vào thánh lễ theo lối giao thoa của nhiều bộ môn nghệ thuật, nhưng xin đừng hỏi thêm rằng đó là gì!

                          Nói về văn hóa thì chúng ta nên đặt lên một tiết mục long trọng hơn là nửa trang tạp ghi, để xin được trở lại trần thế và thử thách của thời gian hay ký ức...

                          Thế hệ của Mai Thảo - và bằng hữu như Thanh Tâm Tuyền, Duy Thanh, .. -Trong nhóm Sáng Tạo đã muốn làm mới văn chương và chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp. Nhưng ngay thời đó, từ bên Pháp, “tiểu thuyết mới” đã xuất hiện, và làn sóng sau đã nhồi sóng trước vào bờ.

                          Trong lãnh vực tân nhạc cũng thế. Sau thế hệ của Tino Rossi hay Charles Trenet mà các bậc sinh thành của mình đều thích và nhớ, thì Charles Aznavour, Jacques Brel hay Gilbert Bécaud đã xuất hiện.

                          Họ là lớp người mà ta thấy rất gần Vũ Thành, Phạm Ðình Chương hay Cung Tiến, với lời ca óng chuốt như thơ trên giai điệu thật đẹp. Họ viết và trình bày thể loại “nhạc có lời hay”, chansons à textes, mà lời là chính.

                          Ðó là vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, cùng thời với nhóm Sáng Tạo ở Sài gòn.

                          Thế rồi, trên cao điểm ấy, bỗng Johnny Hallyday nhảy lên nhào lộn gào.

                          Phong trào nhạc rock của Mỹ chính thức xuất hiện tại Pháp vào đầu năm 1960 với a nhạc đầu tiên của Johnny Hallyday. Rồi nhạc rock được Tây hóa thành làn sóng yé-yé với Eddy Mitchell, Johnny Hallyday, Sylvie Vartan, Francoise Hardy, France Gall...

                          Tại Pháp, các bậc trưởng thượng như Jacques Brel hay Georges Brassen, hay Gilbert Bécaud bỗng đớ người. Thế mà là nhạc sao? Charles Aznavour còn phải chiều theo lũ trẻ mà viết lời bài “La plus belle pour aller dancer” cho Sylvia Vartan vào năm 1964. Nhưng các ca sĩ này vẫn hiên ngang lên sân khấu và có quần chúng nghiêm túc ngồi nghe chứ không đập phá bàn ghế như đám khán giả yé yé kia. Làn sóng yé yé ấy của Tây tất nhiên đã tràn qua Việt Nam, nhiều ban nhạc yé yé của Sàigòn cũng lấy tên từ các ban nhạc Tây. Rồi tới lớp ca sĩ như Claude Francois, Hervé Villard, Adamo hay Christophe...

                          Nhưng, chẳng được bao lâu vì Hoa Kỳ đã nhập cuộc. Phong trào “nhạc trẻ” nổi lên với những Nam Lộc, Trường Kỳ, Tùng Giang, Billy Shane, .. Chúng ta hết hát nhạc Tây mà nghe đài Mỹ, nhiều ca sĩ trẻ đã thành danh trong các “club Mỹ”.

                          Nói theo người bạn của Mai Thảo, làn sóng văn hóa Mỹ đã đẩy làn sóng mới của Tây vào bờ vào bụi. Nhưng khi ấy, Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Kim Tước, Châu Hà, v.v... vẫn có chỗ đứng riêng trong phòng trà hay đài phát thanh...

                          Mấy chục năm sau, giờ đây còn lại là gì?

                          Có lẽ, giờ đây người Pháp không tìm nghe Johnny Hallyday mà xem phim của ông, còn thì đã quên hẳn các ban “Chaussettes Noires” hay “Chats Sauvages” thời yé yé.

                          Trong khi ấy, nhạc của Bécaud hay Aznavour vẫn còn.

                          Lời ca của Brel vẫn được hát lại, bằng nhiều thứ tiếng. Và trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, những tác phẩm của Dương Thiệu Tước, Vũ Thành, Phạm Duy, Phạm Ðình Chương, Cung Tiến... vẫn giữ vị trí sáng chói, với những lời từ khó quên.

                          Có một nỗi lo, nếu còn, là nhạc Tây nhạc Mỹ hay cả nhạc Việt có khi sẽ bị đẩy lui bởi giai điệu Hồng Kông hay Ðại Hàn trên sân khấu lập lòe ánh sáng nửa Tây nửa Mỹ.

                          Khi ấy mình mới nhớ đến tiếng cười khẩy của Mai Thảo,

                          Quỳnh Giao

                          Comment


                          • #43
                            Phạm Đình Chương, Quê Hương Một Niềm

                            Quỳnh Giao


                            Cám ơn chị YT đã đem bài Phạm Đình Chương - Quê Hương Một Niềm về post trên webnhà. T gom bài này vào folder Tạp ghi cuả cô Quỳnh Giao.

                            Thân mến,

                            Trúc


                            (Trích từ bài viết của ca sĩ/nhà văn Quỳnh Giao, một thành viên trong ban tam ca Tiếng Tơ Đồng của những chương trình 40 Năm Âm Nhạc Phạm Đình Chương, do Phạm Thành gửi về)

                            Nếu còn ở với chúng ta, Tháng Mười Một vừa qua, Phạm Đình Chương đã 85 tuổi.

                            Ông mất vào một ngày Tháng Tám, năm 1991. Gia đình và bè bạn ghi nhớ rằng ông thọ có 62 tuổi, nhưng văn học nghệ thuật có lẽ phải nhìn ra một tuổi thọ khác của Phạm Đình Chương, qua mấy trăm ca khúc về tuổi thanh xuân, tình yêu và quê hương.

                            Hãy nói về tiếng hát, vì ngày nay nhiều người đã có thể quên hoặc không biết.

                            Hoài Bắc là một trong những giọng nam điêu luyện và xuất sắc của nhạc Việt trong hạ bán thế kỷ XX, từ những năm 1950 đến 1975 và sau đó nữa. Tiếng hát Hoài Bắc đậm đặc chất giang hồ, của men rượu hòa trong khói thuốc. Nhưng có lẽ Phạm Đình Chương đã hy sinh tiếng hát ấy cho sự lẫy lừng của ban Thăng Long, mà ông là linh hồn, là con chim đầu đàn và tay hòa âm tuyệt vời.

                            Phòng trà Sài Gòn trước 1975 đã chẳng có nét văn nghệ rất phong lưu nếu không có tiếng hát và cây đàn Hoài Bắc cùng ly rượu và tiếng nhạc Phạm Đình Chương. Sài Gòn ngày nay thì chưa biết đã vội quên, thật đáng tiếc cho thính giả.



                            Nhạc sĩ Phạm Đình Chương.


                            Phạm Đình Chương lên đường hội ngộ với tân nhạc và kháng chiến từ rất trẻ, giữa thập niên 1940, với các ca khúc đã hòa vào dòng nhạc hào hùng thời đó, như “Ra Đi Khi Trời Vừa Sáng”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Hò Leo Núi”, “Tiếng Dân Chài” hay “Trăng Rừng”. Nếu có một đặc điểm thì từ thời đó, khi chưa đến tuổi đôi mươi, Phạm Đình Chương đã viết về tuổi trẻ cho tuổi trẻ mà không bước qua khung cửa uy nghiêm của lịch sử. Nhờ đấy, nhạc tuổi xanh của ông cứ mơn mởn hạnh phúc và lấp lánh niềm tin trước mặt.

                            Vào Nam rất sớm, từ 1951, ông mở ra một trang mới cho dòng nhạc hoài hương với “Xuân Tha Hương”, bài ca dùng trong một cuốn phim Hoa Kỳ thực hiện ở Sài Gòn giữa thập niên 1950. Tuyệt vời nhất trong dòng nhạc quê hương, Phạm Đình Chương có trường ca “Hội Trùng Dương”, dạt dào niềm hội ngộ của ba dòng sông từ ba miền đất nước. Mà nói về Mùa Xuân và dân tộc, còn gì đẹp hơn khúc hoan ca “Ly Rượu Mừng”, ca khúc không thể thiếu trong dịp Tết?

                            Quê ngoại Phạm Đình Chương là Sơn Tây, và hai bài thơ bi hùng của Quang Dũng là “Đôi Bờ” và “Đôi Mắt Người Sơn Tây” được ông đưa lên đỉnh cao của thi ca, khi phổ vào nhạc thành ca khúc “Đôi Mắt Người Sơn Tây”, có lẽ là ca khúc quen thuộc nhất của ông ở miền Nam trước đây. Người trình bày tác phẩm này với nét trượng phu bi hùng nhất lại chính là Hoài Bắc, những khi ấy, đôi mắt ông còn long lanh hơn ly rượu trong tay!

                            Nhớ lại Phạm Đình Chương và những chuyến lưu diễn cùng ông ở nhiều nơi sau 1975, Quỳnh Giao nghĩ rằng từ đầu và mãi mãi về sau, Phạm Đình Chương không đi theo đám đông mà tự tạo một thế giới âm thanh riêng, ông không viết cho thị hiếu quần chúng hay trào lưu của xã hội. Ông mở ra trào lưu riêng. Phạm Đình Chương chỉ biết buồn và viết nhạc buồn khi viết về tình yêu.

                            Ngoài Quang Dũng với các thính giả miền Nam, nhiều thi sĩ thực ra có món nợ với Phạm Đình Chương khi ông phả thơ của họ vào cõi nhạc để đọng mãi trong hồn người. Nhiều người yêu nhạc đã tìm đến thơ cũng nhờ thanh âm Phạm Đình Chương. Ông nắm lấy cái hồn của bài thơ và vẽ ra một không gian khác, một tâm tư khác, bằng nhạc. Phải chăng vì những bằng hữu chí thiết nhất của ông là những nhà thơ, nhà văn, những người cầm bút?

                            Nhưng, bản tình ca tuyệt diệu nhất của Phạm Đình Chương “Nửa Hồn Thương Đau” ông đã viết lấy, cả từ và nhạc, trong một phút xuất thần Ông nhận lời Hoàng Vĩnh Lộc (cũng là người viết lời ca rất hay dưới tên Dạ Chung nhất là cho nhạc Lâm Tuyền) sẽ soạn một ca khúc riêng cho phim “Chân Trời Tím”. Nhưng bạn bè làm ông quên bẵng, cho tới khi men rượu lay ông tỉnh vào đêm cuối cùng trước kỳ hạn với bạn!

                            Đấy là phút giây kỳ diệu của sáng tác.

                            Sau khi ra khỏi Việt Nam, Phạm Đình Chương tiếp tục ôm đàn và viết nhạc. U uẩn hơn, ray rứt hơn. Nếu bài “Xuân Tha Hương” được viết tại Sài Gòn mà làm ta nhớ Hà Nội thì gần 40 năm sau, tại hải ngoại, Phạm Đình Chương lại viết một khúc bi ca nữa về quê hương. Lần này, bài ca làm ta nhớ Sài Gòn. Phổ thơ Du Tử Lê, bài “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn” có thể là một nhắc nhở nồng nàn nhất về Phạm Đình Chương, trong những năm cuối đời.

                            Nhân ngày giỗ của ông trong Tháng Tám này, hãy bùi ngùi tìm lại ca khúc Phạm Đình Chương. Để nhớ ông, và quê hương.

                            Quỳnh Giao (viết tháng 8, 2005)

                            (Theo Vietbao)

                            Comment


                            • #44
                              Phạm Duy, 'The Shootist'

                              Quỳnh Giao

                              Wednesday, January 08, 2014 3:30:12 PM

                              Có hai nghệ sĩ không thể nào trái ngược hơn trong cõi đời này. Ðó là John Wayne và Phạm Duy, người Mỹ người Việt ở hai góc sân khấu khác biệt của cuộc đời.

                              Sinh năm 1907 và mất năm 1976, John Wayne là diễn viên điện ảnh thuộc loại nổi tiếng nhất Hoa Kỳ với tài diễn xuất trung bình nhưng vẫn đoạt giải Oscar trong phim “True Grit” nên chẳng thể nói là ông đóng dở. Ðiểm son của John Wayne là trở thành biểu tượng của anh hùng tính Hoa Kỳ. Ông sống và diễn xuất cho hình ảnh anh hùng đó nên còn tồn tại mãi trong ký ức của nhiều người.

                              Phạm Duy thì hoàn toàn tương phản.

                              Ông là nhạc sĩ không sống cho một hình ảnh nào về mình, kể cả khi mặc bộ đồ bà ba đen cầm cây đàn như kẻ du ca trên các nẻo đường đất nước. Vì ngay sau đó ông có thể là gã Duy già đa tình hay bạt mạng, viết tục ca và nói năng chẳng kiêng nể ai. Ông theo đuổi một cái gì khác, có lẽ chỉ chân thật với âm nhạc, còn lại thì cười khẩy về mọi chuyện.

                              Nhưng vì sao người viết lại so sánh hai nhân vật trên?

                              Một buổi chiều cuối năm, khi nhớ đến giỗ đầu của Phạm Duy (ông mất ngày 16 Tháng Chạp năm Nhâm Thìn), Quỳnh Giao coi lại “The Shootist,” phim cuối của John Wayne khi ông đã lâm trọng bệnh. Một tay súng khét tiếng biết rằng đời mình sắp tàn vì bệnh ung thư và thế giới Viễn Tây của ông cũng hết khi nhân loại bước sang thế kỷ 20. Người hùng vào ngõ cụt ở cuối đời chỉ xin hai chữ bình an. Ông chờ chết trong một thành phố nhỏ.

                              Con gấu già có thể mơ chuyện ấy trong rừng hoang vu. Chứ đại xạ thủ vẫn bị cái danh của mình rượt đuổi. Ðó là những kẻ muốn để tiếng cho đời khi đòi đọ súng với nhân vật J. B. Books.

                              Quỳnh Giao nghĩ đến Phạm Duy trong trạng huống đó.

                              Ở tuổi 84, còn già hơn John Wayne một giáp khi diễn viên này tạ thế, Phạm Duy muốn tìm nơi an nghỉ sau một đời còn sóng gió hơn ngần ấy cuốn phim của John Wayne cộng lại. Ông chọn nơi đó là Việt Nam. Nhiều người trong chốn thân tình, kể cả người viết này, có thể không đồng ý với quyết định ấy vì nhiều lý do. Nhưng quyền tự do vẫn là quyền chọn lựa. Vì vậy, năm 2005, chúng tôi tiễn đưa ông đi với sự ngậm ngùi.

                              Sau đó, về đến nhà, Phạm Duy rơi vào vùng “The Shootist” của John Wayne. Ông khổ tâm mà chẳng nói ra ngoài.

                              Ở bên ngoài, nhìn một người đã từng ứng khẩu diễn thuyết trong mấy tiếng đồng hồ về âm nhạc bằng tiếng Việt tiếng Pháp, nhiều người thấy khổ tâm khi Phạm Duy phải cầm giấy đọc lời giới thiệu một đêm nhạc của mình. Tờ giấy đó không là sáng tác của người đã viết ngàn lời ca. Nếu có hỏi han để chia buồn thì ông đã có nụ cười cố hữu: “Eo xèo nhân thế mà!”

                              “Dăm eo xèo nhân thế

                              Chưa phai lòng say mê...”

                              Phạm Duy đã viết như vậy từ năm 1959 trong bài “Tạ Ơn Ðời...”

                              Người nghệ sĩ này say mê khá nhiều điều từ khá sớm, nhưng với âm nhạc phải đến tuổi 21 ông bắt đầu với tác phẩm đầy tay là Cô Hái Mơ, phổ thơ Nguyễn Bính. Thế rồi từ tuổi 21 đến khi đã 91, trong 70 năm nhiều biến động nhất của vận nước, Phạm Duy vẫn gắn bó với nhạc và sáng tác cho đến hơi thở cuối cùng. Ông tận tụy và chung thủy với âm nhạc Việt Nam và gần như mỗi thập niên lại tìm tòi ra một vài hướng mới.

                              Trong 70 năm sáng tác, chín năm đầu của Phạm Duy mới chỉ là thời khai phá.

                              Vậy mà ông đã cải biên dân ca và thúc giục lòng yêu nước trong thời kháng chiến với các ca khúc bi hùng và lãng mạn. Khi thấy con đường kháng chiến lại được lãnh đạo dẫn vào chốn độc đạo và lãng mạn bị coi là cái tội thì ông bỏ đi. Những người còn lần mòn trong con đường độc đạo ấy chỉ muốn nhắc đến nhạc Phạm Duy thời kháng chiến, nhưng may cho ông là đã sớm đi từ năm 1951.

                              May cho chúng ta là Phạm Duy tìm đến nơi khoáng đạt là miền Nam. Nếu thời đó, ông ở lại chiến khu Việt Bắc hoặc qua Pháp luôn, liệu chúng ta có nhạc Phạm Duy như đã có hay không?

                              Sau thời kháng chiến, từ năm 1951 đến 1975, nhạc Phạm Duy đã đổi khác, với nghệ thuật trác tuyệt, thể tài phong phú và lời ca lên tới cõi siêu hình. Ngoài hai bản trường ca bất hủ, tình ca Phạm Duy trong những năm 1960-1970 và “Ðạo Ca” phổ thơ Phạm Thiên Thư tại Sài Gòn là những viên ngọc quý mà những người biết nhạc và yêu nhạc đều nhớ. Khi đã ra tới hải ngoại, ông vẫn “mang theo biết bao nhiêu ngày vàng” với “Hoàng Cầm Ca,” “Rong Ca,” “Thiền Ca,” “Minh Họa Kiều,” v.v...

                              Cuối năm 2012, chẳng hiểu sao Phạm Duy yêu cầu cô cháu này hãy bình về ca khúc Xuân Hành. Bài viết được đăng trên số Xuân Việt Báo nhưng kịp gửi trước về cho ông vào đầu năm 2013. Niềm an ủi nhỏ nhoi của người viết là chú Duy đã đọc, trả lời bằng email là rất vui và mong rằng nhờ đó người ta sẽ hiểu ông hơn. Mấy tuần sau là ông đi vào cõi Xuân hành của ông.

                              Bây giờ, chúng ta nghĩ thế nào về Phạm Duy? Về cái công đã đi kháng chiến, cái tội đã vào vùng tề hay xuôi Nam? Hoặc về cái tội đã trở lại Việt Nam mà chết?

                              Tại sao chúng ta không lắng nghe nhạc Phạm Duy và nhớ về Việt Nam muôn đời.

                              Comment


                              • #45
                                Lạc Quan và Hạnh Phúc


                                Quỳnh Giao Tạp Ghi

                                Friday, November 09, 2012 2:36:27 PM

                                Người ta thường nói là trong một ngày có mấy ngàn chuyến bay lên xuống trên các phi trường mà không ai để ý. Chỉ khi nào có một chuyến bị trục trặc thì đấy mới là tin đáng loan.

                                Cũng thế, biết bao nhiêu người của nhân loại đang có cuộc sống bình dị tầm thường, mà chỉ có trường hợp bất thường, như một vụ án hay một sự đổ vỡ, thì mới đáng chú ý.

                                Nhiều người còn cho rằng thầy tử vi xuất sắc là người giỏi xem về hung tinh. Nói trước những chuyện xấu để phòng ngừa mới là có ích.

                                Phải chăng, chúng ta có khuynh hướng bi quan về cuộc đời cho nên thường chờ đợi điều không vui và thích tìm hiểu những chuyện không bình thường? Nhưng có khi nào ta nhìn ngược lại và tự hỏi thế nào là may rủi, thế nào là hạnh phúc, và làm sao gìn giữ được hạnh phúc đó?

                                Hạnh phúc là cái gì đó có thật, ở ngay trong tầm tay và có thể vun xới để sống mãi với chúng ta. Người viết nghĩ như vậy và xin nghiệm lại xem.

                                Có người tinh nghịch bảo rằng “tiền tài không đem lại hạnh phúc cho những ai không có tiền!” Ðấy là một chân lý, vì gia đình của bà Mẹ Lê trong truyện Nhất Linh hoặc người đói ăn thì khó nói đến hạnh phúc. Nhưng vì sao mình vẫn nghe thấy câu “rau cháo có nhau”? Và vì sao những ca khúc như Quê Nghèo, Kiếp Nghèo hay Tình Nghèo vẫn có một chút âm vang của hy vọng?

                                Hạnh phúc có thể bắt đầu một cách rất vật chất. Ðó là khi ta có đủ cho nhu cầu tối thiểu. Mức tối thiểu càng được xác định thấp thì mình càng sớm cảm thấy hạnh phúc. Nhưng vượt khỏi mức này thì hạnh phúc cũng chẳng gia tăng theo tiền tài. Một tỷ phú không nhất thiết là sung sướng gấp ngàn lần một triệu phú. Cách nhìn giá trị đồng tiền là tiêu chuẩn đầu tiên của hạnh phúc.

                                Sau tiền tài thì có hạnh phúc đôi lứa.

                                Trong câu “rau cháo có nhau,” quan trọng nhất chính là chữ “nhau,” chứ không hẳn là rau là cháo hoặc cháo có bồ dục hay chăng. Các cặp vợ chồng thường thấy là mình có hạnh phúc hơn người độc thân sau một lần đổ vỡ. Mà dù rằng chưa có gia đình, nếu mình có được sự quyến luyến với một người khác thì cũng dễ có hạnh phúc hơn.

                                Suy ngẫm thêm thì nỗi vui sướng của chúng ta còn tùy thuộc vào một tiêu chuẩn khác.

                                Người cô đơn sống lủi thủi một mình thì ít thấy hạnh phúc bằng những người có gia đình và càng có quan hệ mở rộng ra ngoài thì mình càng dễ có hạnh phúc. Nhiều nhà tâm lý học còn chỉ thêm một tiêu chuẩn khác của hạnh phúc. Cuộc sống của người có niềm tin tôn giáo thường sung sướng hơn người vô thần. Bên trong từng tôn giáo, thông điệp của hạnh phúc là niềm hy vọng. Bài giảng nào mà có nội dung lạc quan thì dễ tiếp nhận hơn và dễ chỉ ra cõi thiên đường.

                                Khi nhớ lại từng bước đi lên cho một cuộc sống sung sướng, mình có thể nghiệm thấy rằng nếu đã có được nhu cầu tối thiểu thì càng giao tiếp với người khác chúng ta càng dễ có hạnh phúc. Và một bài Ðạo Ca của Phạm Duy cho cho mình thấy một chân lý gián tiếp: “Yêu thương muôn loài và muôn tánh mai sau chẳng sống một mình.” Chữ “muôn” này có giá trị hơn chữ “một.”

                                Chúng ta thường chú ý đến con chiên đi lạc, đến những chuyện bất thường và tìm tòi về cội nguồn của khổ đau. Nhưng nếu xoay ngược lại tấm bản đồ biết đâu chừng mình sẽ tìm ra một ngả tốt đẹp hơn? Từ vật chất đến tinh thần, nếu chủ động và cố tình vạch ra cái hướng để tiến tới, rồi trau giồi theo lối “văn ôn vũ luyện” thì mình dễ tìm ra hạnh phúc.

                                Xã hội Hoa Kỳ là nơi có mức sống rất cao của một quốc gia giàu mạnh nhưng cũng là nơi mà quá nhiều người không thấy hạnh phúc.

                                Họ tìm cách giải quyết sự khát khao bằng lối giả tạo và càng thấy cô đơn và khổ đau hơn. Cần sa, ma túy, phim ảnh và luyến ái quan phóng túng là loại giải pháp được nhiều người theo đuổi ngay từ khi còn trẻ. Rồi những người thành công hay thành danh trong thế giới điện ảnh, thành phần được gọi là “celebrities,” cũng thường là người ít hạnh phúc nhất dù họ dư thừa tiền tài và danh vọng. Khi thiểu số này lại trở thành mẫu mực và những đổ vỡ của họ được tường thuật hàng ngày như chuyện bình thường thì có lẽ người ta đã vạch ra con đường xuống địa ngục.

                                Comment

                                Working...
                                X