Announcement

Collapse
No announcement yet.

Tạp ghi Quỳnh Giao

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #46
    Chị QG đã chọn viết một đề tài khá lớn nhưng rất tiếc là chị đã không thể khai triển nó một cách trọn vẹn hơn trong khuôn khổ của một bài viết ngắn. Hơn nữa đây cũng là một đề tài gây nhiều tranh cãi vì người ta thường không đồng ý với nhau về những định nghĩa đã có của lạc quan & hạnh phúc.

    Dường như ý nghĩa của lạc quan bền vững hơn ý nghĩa của hạnh phúc vì lạc quan là thái độ bình tĩnh trước những khó khăn bất chợt và luôn hy vọng vào những gì tốt đẹp hơn sẽ đến, trong khi khái niệm về hạnh phúc lại rất khác theo từng hoàn cảnh hay giai đoạn của cuộc đời. Người trẻ, trung niên hay lớn tuổi có những giấc mơ hạnh phúc không giống nhau. Danh vọng và tiền của thường chỉ là tiệm cận nhưng không là biểu hiện đích thực của hạnh phúc vì có những cuộc sống giản đơn nhưng vẫn ngập tràn hạnh phúc. Như hai màu đen, trắng cận kề bên nhau, điều đáng tiếc là ý nghĩa của hạnh phúc thường được cảm nhận rất rõ khi nó ở gần với khổ đau hoặc có rồi nhưng lại bị mất đi. Người nghèo sống chung với những người nghèo khác sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi phải sống chung với những người giàu có hơn mình và người nghèo 'bẩm sinh' có lẽ sẽ ít buồn hơn người mất hết tài sản đã có. Còn các bạn, các bạn nghĩ sao về hai chữ lạc quan và hạnh phúc?

    Comment


    • #47
      Lạc quan và hạnh phúc là hai đề tài lớn có thể viết thành một cuốn sách dày. Tuy nhiên vì đây là bài tạp ghi nên tuỳ hứng cuả tác giả lúc đó thấy gì, nghĩ gì... thì viết lên cảm nghĩ cuả mình một cách ngắn gọn.

      Qua bài tạp ghi và những gì đọc được về đề tài này, T rút ra vài điều cảm nhận cuả mình:

      - Người sống lạc quan dễ tìm thấy hạnh phúc.

      - Cuộc sống càng đơn giản, nhu cầu càng ít, càng dễ có hạnh phúc.

      - Nếu gom tất cả sự thành công về tài chính, điạ vị trong xã hội, nhân dáng, tài năng.... chỉ mang lại một phần nhỏ (10%) trong hạnh phúc cuả mình (theo phim tài liệu 'Happy' T đã xem)

      - Lạc quan hay hạnh phúc là do tự mình đem lại cho chính mình, không ai làm chuyện đó cho mình.

      Các anh chị có thấy mình đang sống hạnh phúc và lạc quan không? Mong ai đang có hạnh phúc, giữ mãi được như vậy. Những ai chưa vưà lòng với hiện tại, sẽ sớm tìm được lạc quan và hạnh phúc. Riêng T, thấy cuộc sống cuả mình được nhiều ơn phước từ bao năm nay.

      trúc

      Comment


      • #48
        Màu tím năm xưa

        Tạp ghi Quỳnh Giao

        Friday, July 20, 2012 3:33:54 PM

        Trong tháng 7, chúng ta bâng khuâng khi thấy nhắc lại nhiều kỷ niệm về âm nhạc và điện ảnh.

        Nói về âm nhạc, giới mộ điệu thể loại phổ thông hay nhạc “pop” nhớ lại một ca khúc trên giai điệu “Bossa Nova,” một kết hợp rất đẹp giữa nhạc Jazz của Mỹ và nhịp Samba của xứ Brazil. Ðó là bài “The Girl From Ipanema.” Xuất hiện đúng 50 năm trước, ca khúc này để lại một dấu ấn khó phai.

        Trên đường phố ven biển miền Nam, nhạc sĩ Antonio Carlos Jobim rung động vì hình ảnh một thiếu nữ 17 có vẻ hoang dại vẫn thản nhiên bước ra bờ biển trước sự trầm trồ của mọi người. Ông sáng tác ca khúc “Cô Gái Từ Ipanema” và tiếng hát Astrud Gilberto đưa ca khúc lên đài danh vọng với nhiều giải thưởng. Bà Astrud Gilberto hát bằng tiếng Bồ Ðào Nha, với phong thái chừng mực đượm vẻ lạnh lùng mà làm người nghe tê tái.

        Giai điệu rất đẹp của ca khúc là điều khiến người viết này để ý và từ đó cảm nhận được nét u uẩn mà rực rỡ màu sắc của xứ Brazil và cách phát âm bằng tiếng Bồ Ðào Nha. Nửa thế kỷ sau, những người yêu nhạc khó lãnh đạm khi bài “Cô Gái Từ Ipanema” được mừng sinh nhật thứ 50. Ấn bản gần đây của Diana Krall cũng là tuyệt tác, nàng vừa bình thản trình bày với đàn dương cầm trong nhịp tiết nhẹ nhàng của ban nhạc chứ không hề gào thét trên sân khấu.

        Cùng với cô gái có nước da bánh mật đã làm thế giới nhún nhảy theo nhịp Bossa Nova, gần đây thế giới điện ảnh cũng nhắc đến điệp viên James Bond với cuốn phim đầu tiên được trình chiếu vào năm 1962. Ðó là phim “Dr. No,” mở màn cho nửa thế kỷ James Bond.

        Nhắc đến sinh nhật thứ 50 của nhân vật James Bond, xuất hiện từ ngòi bút của nhà văn Ian Fleming, người ta nói đến hai chục tác phẩm điện ảnh và sáu tài tử đã thủ diễn vai trò điệp viên “Không Không Bảy.” Ngẫm lại thì một nhân vật hư cấu của tiểu thuyết giải trí mà gây cảm hứng cho điện ảnh và đem lại năm tỷ đô la cho các nhà sản xuất, điều ấy khiến chúng ta để ý và xem lại 19 cuốn phim được đài Encore trình chiếu mỗi ngày suốt trong tháng 7.

        Ðang là người rảnh rỗi bất đắc dĩ, Quỳnh Giao tự an ủi với những cuốn phim trước đây mình vẫn thờ ơ. James Bond không chỉ để lại dấu ấn cho đời nhờ phong thái, tài năng và vẻ khinh miệt phụ nữ, phim ảnh về James Bond còn ảnh hưởng đến trang phục, đồng hồ hay cách uống rượu lái xe của đàn ông!

        Nếu khán giả phái nữ vượt qua lằn ranh của tính phái thì có khi đọc ra vài chi tiết trong tiềm thức của các ông. Chính họ dựng lên và say mê nhân vật James Bond vì mặc cảm bất an và rất sợ trái cấm.

        Vì bất an nên loại thiếu nữ cứ sẵn sàng sà vào vòng tay của chàng hiệp sĩ hào hoa, tức là các nàng James Bond Girls trong phim ảnh, thường là người ngớ ngẩn và nhẹ dạ. Bản năng chinh phục của các ông phải vẽ ra những đối tượng tầm thường như vậy để tự trấn an.

        Nhưng cũng tựa như những đứa trẻ sợ ma nên làm bộ gan dạ huýt gió, các ông cũng thật sự hãi sợ khi gặp phải đối thủ phái nữ của James Bond. Mấy cô này có sắc đẹp tàn khốc và bản lĩnh ghê người khiến các ông thấy trái chín là lại sợ trái cấm. Vừa say mê vừa nơm nớp là phản ứng của trẻ thơ! “Em tàn ác lòng cũng thoa son phấn” là cách diễn tả của nhà thơ Ðinh Hùng về tâm lý của người đã bị khuất phục.

        Cũng xin nói thêm rằng trong số tài tử thủ vai James Bond nổi tiếng nhất, Sean Connery vẫn xuất sắc hơn cả. Còn Roger Moore thì có cái nết vô duyên khó ai bằng với tài diễn xuất rất nhạt.

        Nhưng thôi, nói về những sinh nhật đáng nhớ của nghệ thuật nước khác thì mình cũng nên tự hỏi rằng vào năm 1962 ấy, chúng ta có những kỷ niệm gì về nghệ thuật tại đất Sài Gòn yêu dấu?

        Rất riêng tây, đấy là năm con bé Ðoan Trang được đưa từ ban thiếu nhi vào ban hát người lớn và xuất hiện với nghệ danh Quỳnh Giao. Nhiều người có thể ghi nhớ kỷ niệm ấy thì không còn nữa, như mẫu thân là Minh Trang, hay nhạc sĩ đã góp phần chọn cho cái tên trên sân khấu của người lớn, là Hoàng Trọng.

        Nhắc đến Hoàng Trọng thì mình khó quên được kỷ niệm đã một thời làm chúng ta xúc động. Trong các ca khúc Hoàng Trọng sáng tác vào năm 1962, bài “Ngàn Thu Áo Tím” là tác phẩm phổ biến nhất và có lẽ để lại ấn tượng sâu xa nhất cho người nghe.

        Nhịp điệu 3/4 chậm buồn của một bài luân vũ với lời từ khắc khoải thê thiết ở điệp khúc. Ca khúc mở đầu là một kỷ niệm dịu dàng:

        “Ngày xưa xa xôi em rất yêu màu tím

        Ngày xưa vô tư em sống trong trìu mến

        Chiều xuống, áo tím thường thướt tha

        Bước trên đường thắm hoa

        Ngắm mây chiều lướt xa...”

        “Từ khi yêu anh, anh bắt xa màu tím

        Sầu thương cho em, mơ ước chưa kịp đến

        Trời đã rét mướt cùng gió mưa

        Khóc anh chiều tiễn đưa

        Thế thôi tàn giấc mơ.”

        Rồi điệp khúc mới âm vang trong tiếng nghẹn ngào:

        “Anh xa xôi, bóng mưa giăng mờ lối,

        Anh xa xôi, áo bay trong chiều rơi,

        Anh xa xôi, áo ôm tim lẻ loi,

        Tím lên khung trời nhớ nhung đầy vơi...”

        Màu tím trong kỷ niệm đã thành một động từ nhuộm tím cả khung trời nhớ nhung. Khi nhớ lại hình ảnh đó của “Ngàn Thu Áo Tím,” người viết phải cám ơn lời từ của Vĩnh Phúc.

        Lưu Vĩnh Phúc vừa là nhạc sinh, vừa là bạn của nhạc sĩ Hoàng Trọng. Chị hiện đang sinh sống tại Cali. Lời từ của chị đẹp như thơ. Chị đã viết lời cho rất nhiều ca khúc Hoàng Trọng. Nhạc sĩ Hoàng Trọng lúc sinh thời rất thích mầu xanh. Có thể kể hai ca khúc tiêu biểu như “Khúc Ca Mầu Xanh,” “Mộng Ðẹp Ngày Xanh.” Vĩnh Phúc thì lại yêu mầu tím, như đã viết ra trong hai ca khúc nổi tiếng “Ngàn Thu Áo Tím” và “Tôi Vẫn Yêu Hoa Mầu Tím.”

        Nhắc đến phim ảnh và âm nhạc thì Hoàng Trọng cũng đã viết nhạc phẩm cho 12 cuốn phim của năm xưa, trong đó có “Người Tình Không Chân Dung” xuất hiện vào năm 1970.

        Năm 1998, Quỳnh Giao thực hiện riêng đĩa nhạc thứ năm và đã lấy “Ngàn Thu Áo Tím” làm tựa đề. Quả thật là sau nửa thế kỷ, màu tím năm xưa vẫn chưa phai trong ký ức.

        Comment


        • #49

          Comment


          • #50
            Mùa Hoa Phượng


            Wednesday, July 03, 2013 3:55:12 PM

            Mấy hôm nay nhiệt độ mọi nơi ở Hoa Kỳ đều nóng, như tựa đề cuốn “Mùa Hè Ðỏ Lửa” của nhà văn Phan Nhật Nam. Khi thấy khí hậu nóng bức như vậy, trong nhà đã có lời than, “sẽ lại cháy rừng nữa”!

            Nước Mỹ thênh thang, đi đâu cũng thấy rừng và năm nào cũng bị hỏa hoạn. Y như “trời hành cơn lụt mỗi năm” tại miền Trung nước ta trong “Tiếng Sông Hương” của Phạm Ðình Chương. Ngoài nạn động đất, California cũng bị cháy rừng hàng năm, khi nặng khi nhẹ mà thôi. Nhưng tuần qua thì người ta ái ngại nhớ đến nạn cháy rừng tại Arizonia khiến 19 lính cứu hỏa bị gió ngược nổi lên và hy sinh trong vòng vây của bão lửa...

            Nhưng người viết xin được trở về Mùa Hè nhiệt đới ở quê nhà và những giai điệu mát rượi trong một mùa nóng bức. Chúng ta có cách gọi văn chương là “Mùa Hạ”, từ chữ “Hạ” của Trung Hoa. Nhưng Mùa Hè mới thật là gần gũi với mọi người, nhất là với đám học trò được mấy tháng nghỉ Hè. Có khi nào chúng gọi là “nghỉ hạ” đâu?

            Nếu cần nói cho văn vẻ và đằm thắm thì mùa Hè ở quê nhà thường được gọi một cách hoa mỹ là Hạ Ðỏ? Phải chăng vì sắc hoa phượng rực rỡ trong mùa?

            Âm nhạc của chúng ta có không ít ca khúc xưng tụng Mùa Hè, với màu hoa phượng và tiếng ve được nhắc đến nhiều hơn cả. Tiêu biểu trong các ca khúc về Hè, có lẽ bài “Hè Về” của Hùng Lân là đứng đầu danh sách nghệ thuật về cả lời ca và nhạc thuật.

            Chỉ vài câu mở đầu, ông đã tả Mùa Hè du dương thơ mộng như sau:

            Trời hồng hồng, sáng trong trong

            Ngàn phượng rung nắng ngoài song

            Cành mềm mềm, gió ru êm

            Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên...

            Màu trời, màu mây, màu hoa và ánh nắng... tất cả tạo ra bức tranh trong sáng êm ả. Bài này được viết để hát hợp ca nên cần hòa âm cho khéo. Hùng Lân rất mực tài tình, viết đan lượn, lên bổng xuống trầm, uyển chuyển từng câu. Khi cao vút là để giọng nữ trổ lên véo von. Khi trầm hùng là lúc giọng nam đáp lời. Cứ thế từng câu, từng đoạn, cuối cùng thì cả hai giọng nam nữ kết hợp để ca tụng Mùa Hè tươi đẹp.

            Hai nhạc sĩ Lê Ðô và Văn Hạnh có bài “Mùa Hoa Phượng” viết theo điệu Blues đầy âm hưởng Tây phương. Nếu diễn tả đúng tinh thần bài hát, ca sĩ nên từ tốn, hát lơi nhịp, và đượm vẻ uể oải lười biếng mới hay! Lười biếng của người nhàn nhã không làm gì hết khi thời tiết oi bức như thế:

            Hè sang nắng lên hoa về đỏ tươi

            Mùa hoa báo tin ve sầu nhạc vui

            Cùng phô sắc tươi hoa thêm mặn mà

            Ðồng hòa ca khúc hát yêu đời...

            Cuối thập niên 60, nhạc sĩ Thanh Sơn có ca khúc “Nỗi Buồn Hoa Phượng”, khá nổi tiếng qua lối diễn tả của Thanh Tuyền, cũng có tiếng ve và hoa phượng đỏ:

            Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn...

            Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng...

            Màu hoa phượng thắm như máu con tim...

            Trịnh Công Sơn có bài “Hạ Trắng” mà để gọi nắng Thu, và “Mưa Hồng” mới là ca khúc Mùa Hè. Trong bài này, hình như ông vẽ lên hàng hoa phượng trước cổng trường Ðồng Khánh. Ðẹp như bức tranh:

            Ðường phượng bay mù không lối vào

            Hàng cây lá xanh gần với nhau...

            Cái khéo ở đây là chữ “phượng bay”. Ðấy là chim hay là hoa, chúng ta không biết! Chỉ thấy vòm cây che khuất lối vào, ở cận cảnh mới là những hàng cây lá xanh đan kết với nhau. Có ở Huế ta mới thấy cảnh hoa Phượng đỏ ngợp lối, hai hàng cây gần như đan vào nhau thành một vòm. Giữa màu hoa đỏ như thế, những tà áo dài trắng của học trò con gái mới nổi bật và làm con trai xứ Huế nghẹn ngào.

            Riêng nhạc sĩ Y Vân có bài hát Mùa Hè thật tân kỳ mà không giống ai. Ông không tả hoa mà chỉ tả người. Tả sự ao ước của mình vào Mùa Hè qua bài “Dung Nhan Mùa Hạ” với tứ thơ rất mới:

            Khi em tắm nắng, xin cho tôi hai thước Mặt Trời

            Vẻ dung nhan thần vệ nữ ngàn đời

            Ôi đôi môi ấy và đôi mắt u hoài

            Tôi từ bâng khuâng đến mê say...

            Xin cho ngây ngất bên dung nhan đan trắng

            Hạ này, và cho xanh giấc ba mươi...

            Khi em tắm nắng xin dung nhan hai thước Mặt Trời

            Ðể dung nhan thắm trong tôi...

            Ca khúc Mùa Hè của nhạc sĩ Y Vân được viết tại quê nhà từ thập niên 70. Nếu nghe lại thì đấy là bài hát của tuổi trẻ hôm nay. Cứ ra bãi biển mà xem, bao nhiêu là ông ba-mươi đang ngắm dung nhan Mùa Hạ và bâng khuâng nghĩ đến trái cấm.


            Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 04:12 PM.

            Comment


            • #51
              Lâm Tuyền và Giấc Mơ Sông Hồ

              Quỳnh Giao

              Có một số nhạc sĩ sáng tác tương đối ít, mà nổi tiếng ngay nhờ tác phẩm có sắc thái riêng biệt, và nhất là âm điệu phong phú và nhiều màu sắc.

              Sắc thái riêng biệt là nghe một lần rồi nhớ và còn tìm thấy cả “chữ ký” hay “dấu ấn” của họ trong cách viết nhạc. Có lẽ, những nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới từ xưa tới nay đều như thế cả.

              Nghe Mozart, ta liền nhận ra nét nhạc cực kỳ trong sáng, hoặc nghe Beethoven là thấy niềm u uẩn, lãng mạn. Nhạc Schubert êm đềm và dịu dàng... đến “tội nghiệp” (như cách nhận xét của ông anh Bửu Minh của người viết, một tay concert master của một dàn nhạc Ðức). Qua đến Chopin, sắc thái nên thơ diễm ảo là điều dễ nhận ra nhất.

              Nhạc cũng như thơ, văn, biểu hiện cá tính con người. Gần với chúng ta, thơ Vũ Hoàng Chương kiêu bạc, hào phóng trong khi Ðinh Hùng não nùng, mê ảo trong mùi hương...

              Trong tân nhạc, Lâm Tuyền cũng có những sắc thái riêng. Lãng mạn với giấc mơ sông hồ ở lời từ và có nét nhạc trong sáng, với giai điệu dễ nhớ.

              Lâm Tuyền nổi tiếng từ thập niên 50. Hình như sáng tác đầu tay của ông là “Tơ Sầu” viết trên điệu tango lả lướt. Ðây là ca khúc duy nhất ông viết trên điệu tango và viết ở âm giai thứ (minor). Các ca khúc khác của ông đều soạn trên cung trưởng, major.

              Trong “Tơ Sầu”, Lâm Tuyền dùng hình ảnh để tả âm thanh. “Tơ” ở đây là tơ đàn, tiếng đàn đầy màu sắc và mãnh lực, làm tim ta tê tái thương đau. Rồi từ tiếng tơ, hình ảnh của sợi tơ lại dẫn qua mái tóc người yêu, tiếng nhạc là mái tóc!... Lâm Tuyền viết về mãnh lực đa năng của nhạc, và chú ý đến chất “sầu” trong nhạc.

              Trong chương trình “Tây Hồ” ngày xưa, Hoàng Trọng thường giao cho Duy Trác trình bày ca khúc này, vì lời ca thích hợp với giọng nam nhẹ nhàng và đầy tình cảm.

              Ông thật có lý.

              Có lẽ, một ca khúc của Lâm Tuyền được yêu thích nhất là “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, soạn trên điệu slow chậm rãi và tha thiết cung ré trưởng. Vì chuyển đoạn có nhiều nốt cao “gắt”, viết thành chuỗi dài cùng một cao độ, khiến nhiều người không hát rõ được lời và phải xuống một cung (cung đô):

              Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà

              Nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời.

              Dù bao nhiêu cay đắng, đến làm nát lòng ta tan nát rồi không đoái hoài...

              Dù bao nhiêu sóng gió, quyết đem chí tung hoành, sống quên hết bao hận bên lòng.

              Hồn tha hương vương vấn,

              Bóng người khuất ngàn mây, ai biết lòng ta những khi chiều tàn...

              Lâm Tuyền sử dụng tây ban cầm Hạ Uy Di (Hawaiian guitar) rất thuần thục, nhạc của ông cũng có những láy lượn và quãng âm (intervalles) rộng rãi mềm mại như âm sắc của loại đàn này. Ðã có nhiều ca sĩ trình bày “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”, từ Mộc Lan, Thái Thanh, Kim Tước, Anh Ngọc, đến Mai Hương và Quỳnh Giao... Theo ý riêng thì giọng Châu Hà thật thích hợp với tác phẩm, nhất là khi cô trình bày với hòa âm của Văn Phụng.

              Giọng của Châu Hà xuống thật thấp ở những nốt trầm, mở đầu bản nhạc: Ðàn chim tung cánh xa khuất mờ, chiều thu luyến màu thương nhớ... Những chữ “đàn” và “mờ” cô hát thật trầm và thật dầy, nghe như lời mời gọi quyến rũ và gần gũi. Chúng ta phải lặng người nghe cho hết, trong niềm hạnh phúc...

              Lời ca của “Hình Ảnh Một Buổi Chiều” là do đạo diễn kiêm tài tử Hoàng Vĩnh Lộc viết với biệt hiệu là Dạ Chung. Câu văn của ông in ngay trên bài hát khiến ca khúc thêm nét hấp dẫn của một truyện tình, làm thính giả nhớ mãi mỗi khi nghe bài hát:

              Anh không giữ trong tay một kho tàng hay danh vọng nào cả.

              Mà chỉ giữ có hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.

              Ngẫu nhiên, hình bìa của bản nhạc theo trí nhớ của người viết là hình Lệ Quyên, một nữ ca sĩ xuất hiện một thời gian rất ngắn đầu thập niên 50, cô có dòng máu lai, nên mái tóc trong ảnh nâu hung như có chiếu ánh nắng chiều...

              Ca khúc thứ hai quen thuộc với đa số thính giả là “Khúc Nhạc Ly Hương” cũng được soạn theo điệu slow và cung ré trưởng. Chủ đề “ra đi”, “phiêu lưu”, “sống trên sông nước” bàng bạc trong nhiều tác phẩm của Lâm Tuyền. Dường như sự khao khát được phiêu bạt giang hồ (một kiểu dáng Nguyễn Tuân) ám ảnh tác giả rất nhiều, hầu hết lời ca của ông nói đến ước mơ đó, và ước mơ kéo dài đến ngày trở về:

              Rồi một ngày nào ta sẽ hồi hương.

              Trở về quê xưa thêm bao tình thương.

              Bao con buồm xưa đến đón cố nhân.

              Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong, mây trời bao la...

              “Khúc Nhạc Ly Hương” thật ra dễ hát hơn “Hình Ảnh Một Buổi Chiều” và được nhiều nam ca sĩ trình bày, từ Anh Ngọc đến Thanh Vũ, Nhật Trường... vì lời từ cho giọng nam. Nhưng người hát bài này hay nhất vì chất giọng lảnh lót, cao vút và nhọn, lại là Thái Thanh. Nhất là khi cô nhấn mạnh chữ “chiều tà lâm ly”, nghe thấy ảo não thê thiết...

              Trong tất cả tác phẩm của ông, mà chúng ta đếm không quá mười ngón tay, thì “Tiếng Thời Gian” có nhạc thuật cao nhất. Lời ca rất đẹp cũng do Dạ Chung viết càng làm tăng giá trị của ca khúc. Bài hát có đoạn mở đầu dìu dặt nhịp Í (Boston) trong cung sol trưởng, tả cảnh đêm mưa hiu hắt Mùa Ðông, có sương mờ buông nhẹ cùng tiếng chuông buồn ngân. Nhân vật trong ca khúc là người lữ khách dừng chân bên sông, chờ người mà không thấy đến, và nhớ lại cuộc đời đầm ấm cũ đã phai theo thời gian...

              Ông tài tình chuyển đoạn qua nhịp 4/4, với câu nhạc ngắn gọn, nhịp nhàng và có nhiều syncopes (nhịp chỏi). Lời ca diễn tả nỗi tê tái khi nhìn cây lá rơi rụng mà chạnh nhớ tới những ngày Xuân đã phôi pha. Ðứng từ dưới nhìn lên lầu nguy nga, bèn than cho phận mình đã bao nhiêu Mùa Xuân qua trống vắng tình yêu... Câu nhạc chơi vơi để trở về nhạc đề chính nhịp Í, chấm dứt ở chủ đề “cuộc đời đầm ấm đã theo thời gian”.

              Quỳnh Giao nghe bài hát này lần đầu qua giọng ca của cô đào cải lương miền Bắc là Kim Chung.

              Nhiều độc giả có thể ngạc nhiên vì chi tiết này!

              Chẳng là trong nhà có người dì (chị họ của mẹ) mê xem cải lương. Cứ vài đêm thì bà lại đi đến rạp Aristo xem Kim Chung và Bích Hợp ca diễn. Bà thường đi cyclo, thong dong thư thả, vì đêm Sài Gòn mát mẻ, chiến tranh chưa lan rộng, chưa có giới nghiêm. Một ngày nọ, đang học lớp ba thì người viết được bảng danh dự cuối tháng. Vui đáo để, vì hiếm khi được! Chạy về khoe mẹ, khoe dì. Hỏi muốn thưởng cái gì, con bé bèn tâu: cho con đi coi cải lương!

              Thế là ngay tối Thứ Bảy hôm sau được đi xem hát. Cho đến bây giờ Quỳnh Giao còn nhớ vở tuồng “Sóng Nhạc Hương Tình” của đoàn Kim Chung. Còn nhớ bộ quần áo kiểu “hương xa” như áo dạ hội mà cô mặc hôm ấy. Những người đóng vai hiền thì bôi má hồng thật đậm, còn vai gian ác mặt trắng bệch!

              Nhớ nhất đoạn Kim Chung hát bài “Tiếng Thời Gian”, giọng cô cao nhưng hơi chua, và khi cô lên nốt “mi” cao của câu “cuộc đời đầm ấm, đã theo thời gian” thật não nuột và chua xót, khiến trẻ con mà cũng thấy mắt mình rưng rưng...

              Bài này nhạc sĩ Văn Phụng hòa âm thật độc đáo. Ông dùng cả dàn giây lẫn kèn và cũng chính ông thổi clarinette đoạn intro. Kim Tước và Châu Hà hát bản này tuyệt như nhau.

              Quỳnh Giao chỉ tiếc là thời phong độ của nữ danh ca Minh Trang, thân mẫu của mình hát bài này như thế nào, mình bé quá không được thưởng thức. Chỉ nghe nhạc sĩ Vũ Thành lúc sinh tiền thường tấm tắc khen mỗi khi nghe ai hát cùng ca khúc: “Bài này bà Minh Trang hát vô địch, rất là tân kỳ!”.

              Khi Lâm Tuyền viết “Trở Về Dĩ Vãng” thì người viết còn bé lắm, nhưng được cô Mộc Lan kể lại cho biết ông viết để tặng cho cô. Có lẽ vì mình bé nên cô mới kể, chứ không kể cho người lớn! Câu hát “Anh thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên” ám chỉ cô, vì tên gọi chơi (nick name) của cô là Nhung, dù tên thật là Nga. Người viết suy đoán là ông dựa vào ý thơ của “Người Em Sầu Mộng”của Lưu Trọng Lư, vì những câu như “tình em như tuyết giăng đầu núi, tình anh như sóng đưa ngoài khơi”...

              Ca khúc trữ tình này còn ai hát hay hơn chính Mộc Lan!

              Những người yêu nhạc và sành sỏi thì không thể không biết đến ca khúc “Lặng Lẽ” của Lâm Tuyền, một ca khúc có lời từ đẹp nhất của Dạ Chung, cho các thanh niên thiếu nữ tỏ tình. Nghe loại nhạc ngày nay, không còn thấy cách tỏ tình e ấp ấy nữa vì xã hội đã đổi khác.

              Nàng từ đâu tới đây, gieo sầu Mùa Thu.

              Lặng nhìn ta dưới hoa, nhìn thôi chẳng nói, cớ sao nhìn ta.

              Rồi lòng ta từ đó đắm say mơ màng, chìm trong đôi mắt. Ôi đôi mắt nhung huyền, nhìn ta không nói, chiều thu êm ái...

              Có đúng là lời tỏ tình tha thiết mà thầm lặng không? Nhạc phẩm này Sĩ Phú trình bày thành công nhất. Giọng ông nhẹ, thủ thỉ tâm tình.

              Còn một bài của Lâm Tuyền mà người viết không biết và chưa bao giờ nghe là bài “Nhắn Người Viễn Xứ”.

              Toàn thể tác phẩm của Lâm Tuyền quả là ít, nhưng rất nghệ thuật và độc đáo. Vào thập niên 50, tân nhạc Việt Nam mới tiến qua ngưỡng cửa “phôi thai”, mà với nhạc thuật vững vàng, câu cú có hệ thống rành mạch như Lâm Tuyền thì thật ra rất hiếm. Nghe nhạc mình nhận ra trình độ của người sáng tác. Có học nhạc pháp, hòa âm mới viết được như thế.

              Các nhạc trưởng có tài năng như Vũ Thành, Hoàng Trọng, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi đều công nhận giá trị nhạc thuật Lâm Tuyền và thích thú khi viết hòa âm cho các tác phẩm của ông.

              Giờ đây ngẫm lại thì qua lời ca, Lâm Tuyền và Dạ Chung cùng nhiều nghệ sĩ khác của thời đại ấy đều mang một ước vọng phiêu lưu. Họ mơ được sống ở những chân trời xa cho thỏa mộng sông hồ, mà ít ai nghĩ rằng mình sẽ còn có ngày ra biển, thật sự ly hương. Và ra đi là không trở về nữa.

              Chẳng biết đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc đã có bao giờ xuất ngoại chưa, nhưng Lâm Tuyền thì chưa hề đi khỏi Việt Nam. Năm 1975, một số đông nghệ sĩ thoát ra hải ngoại, riêng ông vẫn kẹt lại. Sau nhiều năm tù đày, Hoàng Vĩnh Lộc mất trước. Lâm Tuyền sống lây lất đến 1997 thì qua đời tại Sài Gòn. Ngày nghe tin ông mất, Quỳnh Giao và anh Lê Ðình Ðiểu (cũng đã mất) đang thu thanh chương trình “Vòng Chân Trời Văn Học Nghệ Thuật” cho đài VNCR. Hai người vội loan tin buồn tới thính giả, và cho phát thanh ca khúc bất hủ “Hình Ảnh Một Buổi Chiều”...

              Bao năm qua ta sống giang hồ xa quê nhà

              Nơi xa xôi muôn ý phiêu lưu dâng cho đời...

              Cả Lâm Tuyền và Dạ Chung đều chỉ mơ như thế mà thôi.

              Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 04:12 PM.

              Comment


              • #52
                Emma Thompson


                Tuần này, anh H và T đi xem phim mới ra 'A Walk in the Woods' : diễn viên chính là Robert Redford và Nick Nolte, phim về hai người bạn già nay nổi hứng bất tử làm một chuyến 'hiking' Appalachian Trail (AT là trail nổi tiếng cuả Mỹ quốc nằm trong rặng núi Appalachians chạy dài từ Maine tới Georgia, muốn đi hết AT này phải mất khoảng nưả năm - dài 2,000 dặm). Phim vui và phong cảnh cuả rặng núi Appalachian đẹp tuyệt! Trong phim này Emma Thompson đóng vai vợ cuả Robert Redford. T thích nét đẹp và lối diễn xuất tự nhiên cuả nàng trong phim 'The Parent Trap' và nét u buồn pha nhiều chiụ đựng trong 'Sense and Sensibility'. Dưới đây là bài tạp ghi cuả cô QG về Emma Thompson duyên dáng và đa tài.


                Wednesday, December 11, 2013 2:28:28 PM QG

                Nếu được giải thưởng về kịch nghệ, điện ảnh và cả văn chương thì liệu một nữ nghệ sĩ có sợ “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” hay không?

                Emma Thompson không sợ mà cũng chẳng tin vào trời xanh nữa. Nàng là người vô thần, thấy ngại ngùng về tôn giáo, giữa trời và đất thì muốn cứu trái đất. Là nữ diễn viên và kịch sĩ trong nhiều vai bi thảm, Emma Thompson thực ra là tài tử hài hước. Ðược hai giải Oscar về diễn xuất và viết truyện phim, nàng đặt hai bức tượng trong phòng tắm để tránh cái bệnh tự phô trương và thích quảng cáo.

                Những mâu thuẫn đó chính là Emma Thompson đích thực.

                Sinh năm 1959 tại thủ đô London của nước Anh từ một gia đình nghệ sĩ, Emma Thompson có thể chia cuộc đời mình làm năm sáu mảng khác nhau mà trong mảng nào cũng sống rất thật, diễn xuất rất hay và chu đáo ân cần với từng việc nhỏ nhặt. Nếp sống đó quả là trái ngược hẳn với lối buông xả của nhiều nghệ sĩ nổi danh khác.

                Khởi đầu thì Emma Thompson học môn văn chương tại Ðại Học Cambridge, lại có lúc giác ngộ mà đấu tranh cho nữ quyền rồi chạy qua nghề diễn xuất để thành diễn viên hài hước. Với nghề diễn xuất thì nàng gia nhập đoàn kịch Footlight của trường đại học về sau lên làm đạo diễn và lãnh đạo đoàn kịch. Dù chỉ là một đoàn kịch của trường học, Footlight cũng khá nổi tiếng và đem lại cho Emma Thompson một giải thưởng vào năm 1981.

                Mảng sống kịch nghệ đó đưa Emma Thompson từ sân khấu thoại kịch qua truyền hình với nhiều thành công nhờ hàng loạt chương trình kéo dài trong nhiều năm. Có nhiều chương trình mà khán giả bên Mỹ này ít cơ hội thưởng thức nhưng chẳng ai quên là nàng đoạt giải Hàn lâm BAFTA, một loại Oscar của Anh Quốc, trong vai nữ diễn viên xuất sắc nhất. Khi đó, Emma Thompson cũng rất tự nhiên bước qua thế giới điện ảnh và thành công chẳng kém với hai giải Oscar của Anh và của Mỹ năm 1992 cho nữ diễn viên xuất sắc nhất trong phim Howards End.

                Năm đó, chi tiết hy hữu được cả thế giới trầm trồ là nàng được Viện Hàn Lâm Ðiện Ảnh Hoa Kỳ chọn vào vòng chung kết cho hai giải thưởng, trong một vai chính với phim Howards End và một vai phụ với phim The Remains of the Day.

                Trong lãnh vực diễn xuất trên sân khấu, màn ảnh và đài truyền hình, Emma Thompson chia sẻ cả đời sống riêng tư với diễn viên kiêm đạo diễn Kenneth Branagh lừng danh của Anh. Hai người nổi tiếng như cặp vợ chồng nghệ sĩ Elizabeth Taylor và Richard Burton thời trước nên cố gắng tránh né sự soi mói của báo chí.

                Nhưng khi cả hai vợ chồng đều là nghệ sĩ có tài mà bị nghề nghiệp cuốn hút qua hai ngả thì hạnh phúc là cái giá trả cho nghệ thuật. Hai người chia tay, Emma Thompson rơi vào khủng hoảng của đời sống thật. Rồi được nghệ thuật đưa khỏi vực thẳm nhờ một mảng sống khác.

                Nàng trở thành người viết kịch bản nổi tiếng.

                Trở lại với mộng ước văn chương khi vào đại học, Emma có thủ diễn vai nữ văn sĩ trên màn ảnh, như nhà văn Elinor Dashwood trong truyện của Jane Austen hay nhà văn P.L. Travers, tác giả của truyện Mary Poppins đã quay thành phim. Nhưng nàng còn nỗ lực sáng tác khi thổi lên nhân vật mới. Khá nổi tiếng gần đây là nhân vật Nanny McPhee, Bà Vú McPhee. Với Emma, bà vú là người xa lạ từ một thế giới khác bước vào giải quyết nhiều tình huống éo le trong gia đình của chúng rồi lặng lẽ ra đi.

                Quan niệm rất lạ của Emma Thompson có thể xuất phát từ cảm hứng sáng tác của nàng. Emma viết lại truyện phim từ một tác phẩm có sẵn và dựng kịch bản cho nhiều cuốn phim, thành công nhất với tác phẩm “Sense and Sensibility” nổi tiếng của Anh khi đoạt giải Oscar về bộ môn viết kịch bản năm 1995.

                Mới tính đến nay thôi, Emma Thompson được hai chục giải thưởng đủ loại, từ kịch nghệ đến truyền hình, điện ảnh và viết kịch, lẫy lừng nhất là hai giải Oscar, ba giải BAFTA, hai giải Golden Globe mà một giải Emmy. Về nhân dáng thì nàng không có vẻ đẹp nồng nàn của các đào lẳng, đào thương, nhưng toát ra sự thông minh duyên dáng trong những phim hài hước.

                Một nữ nghệ sĩ thuộc loại toàn tài như vậy đã là điều hiếm có, Emma còn có tinh thần nhân bản rất cao. Ðấy là một mảng khác của cuộc đời vì nàng còn dành ra thời giờ và tiền bạc để tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ môi sinh và cứu giúp trẻ khốn cùng trên thế giới. Riêng hoạt động nhân đạo này cũng đáng được tuyên dương không kém gì các thành tựu nghệ thuật của nàng.

                Người viết chỉ mong có ngày được thấy Emma Thompson trong một vai rất gần với đời sống, là một nàng tiên hay cười! Dù là người tự xưng vô thần, chắc là nàng cũng tin vào cõi tiên và chẳng khi nào sợ trời xanh đánh ghen vì lòng tử tế của mình...

                Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 04:13 PM.

                Comment


                • #53
                  Xuân Ca Bất Tận


                  Quỳnh Giao Tạp Ghi

                  Trong các bài ca Xuân của Phạm Duy, Xuân Thì là một ca khúc độc đáo.

                  Chuẩn bị mừng Xuân đón Tết, chúng ta nên nghe lại ca khúc này. Ðó là tiếng Xuân ca bất tận, có thể hát trong bốn mùa vì là Xuân trong lòng người, không là mùa Xuân của đất trời thời tiết.

                  Phạm Duy sáng tác bài này cách đây hơn nửa thế kỷ, vào đầu thập niên 1950, có lẽ do chiến sự đã tạm lắng đọng trước khi kết thúc thật bi thảm tại miền Bắc. Quỳnh Giao ngờ rằng Mùa Xuân nở hoa trong lòng người nghệ sĩ khi hòa bình mong manh chợt ló dạng giữa đêm. Ðây là bài hát Xuân trước khi có ánh trời hồng ấm áp của bình minh. Có khi chỉ là một khao khát trong mơ.

                  Xuân Thì được soạn trên âm giai Mi thứ (E minor), với hai đoạn chuyển cung Mi trưởng.

                  Vào đầu, dòng nhạc mang âm hưởng Nhật Bản (si - do - mi - fa thăng - sol) man mác nét cổ sầu ở những nửa cung với nốt láy, nhưng lại chuyên chở một ý Xuân bất ngờ: tình xuân chớm nở, ban đêm, khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời.

                  Trình bày đoạn nhạc mở đầu này, ca sĩ phải hát liền hơi theo phép “niêm” (légato) để diễn đạt được nỗi niềm quyến luyến, bịn rịn nhớ thương điều gì đó rất gần gũi quý báu mà vẫn xa vời.

                  Khi chuyển sang Có người thương nhớ những lời yêu mến nhau, nhạc điệu chợt mềm mại tươi sáng, không gian như giãn mỏng nhờ âm giai Mi trưởng diễn tả tiếng kinh chiều mơ hồ vọng lại. Nỗi sầu và cả tiếng kinh cầu đều lãng đãng trong hư không. Có cảnh chiều Xuân nào thê thiết và nhuốm mùi tâm linh đến thế không?

                  Nhịp ba bốn dịu dặt khoan thai của ý nhạc rất hợp với kết cấu lục bát của lời ca, điểm xuyết ở nốt láy trong các câu tám được tác giả diễn thành chín hay mười chữ. Về ý thơ, Phạm Duy thần tình vẽ ra những đốm hồng của hoa đào nở trên vết mòn chiến xa. Chiến tranh đã tàn, đã khuất, nhưng hình ảnh cây súng cô đơn và đóa hoa lung linh trên vết hằn binh lửa của thiên nhiên để lại cho chúng ta xiết bao ngậm ngùi. Hình ảnh “giã từ vũ khí” rất Ðông Phương này được tác giả diễn tả rất khéo bằng nét nhạc da diết âm hưởng Nhật Bản.

                  Qua đoạn chuyển cung thứ nhì, Phạm Duy đưa cung La trưởng trong sáng (Ðường đi êm quá!) trở về Mi trưởng, từ giấc mơ thanh bình sang tiếng thơ ngợi ca Mùa Xuân thái hòa và lại đột ngột dội lên cung La thứ làm ý nhạc dồn dập cảm xúc: Mùa Xuân thái hòa mang hình ảnh của người mẹ cho con bú, gợi nhớ thơ Hoàng Cầm trong Ðêm Liên Hoan. Nhưng rồi hình ảnh hiền hòa ấy liền bị xóa nhòa trong tiếng nhạc sát phạt (La thứ) rất chỏi với ý thơ, như một nhắc nhở về phong ba bão táp bên ngoài cõi êm đềm của trẻ thơ say sưa bú mẹ (chuyển về âm giai trưởng).

                  Trở về điệp khúc với nét nhạc mang âm hưởng Nhật Bản lúc đầu, Phạm Duy khéo dùng những nốt láy:

                  Tình ra núi Bắc (ý) non Ðông,

                  Duyên về tới chốn (ý) Nam sông, Tây (y) rừng.

                  Gọi đàn chim trắng như bông,

                  Tin lành mang xuống (ứ) khắp vùng trên nước ta.

                  Nghệ thuật của Phạm Duy giúp người hát dễ trình bày nhẹ nhàng uyển chuyển cho đúng tinh thần légato của bản nhạc. Luyến và láy đi cùng một hơi liên tục nhịp nhàng. Lời ca Phạm Duy trong đoạn này là một tổng hợp tuyệt vời của ca dao, với tình và duyên trải rộng trên không gian, gọi đàn chim trắng đưa tin Xuân đến mọi người.

                  Bài Xuân ca này là một họa phẩm đẹp. Chỉ hoa đào phơn phớt hồng trên rãnh bùn chiến xa và những đốm bông trắng của bầy chim vui báo tin Xuân. Chỉ hai màu rất nhạt mà đã rực rỡ cảnh Xuân, vì ước mơ thanh bình đã sáng dần, sáng dần. Làm trăng tà cũng tan loãng trong nỗi khát khao tình yêu trên phím nhạc, khi mùa Xuân đã ló dạng cùng tin vui.

                  Và lời ca của đoạn kết thật thích hợp với nét nhạc diễn tả sức mạnh thăng hoa của tình thương qua câu:

                  Người ôm nhân loại trong mình,

                  Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men.

                  Lời ca và nét nhạc của bài ca đã hòa quyện tuyệt vời trong câu kết ấy. Mỗi lần trình bày, lại muốn rưng rưng nước mắt vì cảm xúc. Nỗi hân hoan trước cái Ðẹp khiến ta muốn rạng rỡ nụ cười, nhưng cái Ðẹp quá mong manh và trông đợi quá lâu khiến ta phải “cười tuôn nước mắt”.

                  Xuân Thì khởi sự từ một cảm quan bất chợt đến giữa đêm. Khi trời gần sáng tỏ thì tình Xuân đã trải rộng trên đất nước, chan hòa trên cả nhân loại, thành tình yêu nhân thế. Phạm Duy có rất nhiều tuyệt phẩm khiến chúng ta nâng niu trân quý. Nhưng, khi nghĩ về khúc ca Xuân mình yêu thích nhất của ông, Quỳnh Giao nhớ đến Xuân Thì, một ca khúc được cả ý lẫn nhạc.

                  Ngày Xuân hát lên khúc Xuân Thì của ông, mình còn như ôn lại bài học đầu đời: hãy yêu mến người, rồi được đời mến yêu...



                  Comment


                  • #54
                    Phạm Duy - Nhạc xây tình người


                    Trích từ chương trình Suối Nguồn Tân Nhạc cuả Quỳnh Giao

                    Trong dòng suối nguồn tân nhạc của Việt Nam, Phạm Duy có chỗ đứng đặc biệt, vì ở bất cứ một nhánh quanh co hay bát ngát nào của dòng nhạc Việt, ta cũng gặp ông. Ông nhập cuộc rất sớm và theo đuổi cầm ca như niềm hạnh phúc và một cái nghề hơn là cái nghiệp, cho tới gần đây khi đã trên 75.

                    Nhưng, người ta như lại dễ nói về Phạm Duy, nếu chúng ta kể ra bao điều đã được viết về ông.

                    Vẫn biết rằng như đỉnh cao trên dãy Trường Sơn trùng điệp của tân nhạc, ông là cây cao nên chịu gió lớn, và ông mới bị phê phán về cả trăm điều, mà đa số lại ở ngoài âm nhạc. Phải chăng sự việc đó cho thấy rằng chúng ta quá yêu nên đòi hỏi quá nhiều ở một nghệ sĩ đã có công lao rất lớn với tân nhạc của dân tộc? Nói chung, dư luận khó có thể dửng dưng với Phạm Duy, mà nếu Phạm Duy có dửng dưng trước dư luận thì lại chẳng bao giờ dửng dưng với cuộc đời... Chúng ta nên trả cho Phạm Duy những gì của đời sống riêng tư của ông, và chỉ hân hoan đón nhận những gì ông viết cho tân nhạc, và cho tình yêu.

                    Bài ca mãi mãi gắn liền tên tuổi Phạm Duy với tân nhạc - khiến lời ca là thành ngữ được trích dẫn trong nhiều tác phẩm khác - Phạm Duy lại không viết cho tình yêu đôi lứa. Bản Tình Ca bất hủ được ông viết tại Saigon, vào năm 53, cho quê hương. Ðây là bài hát tiêu biểu nhất cho thể tài hoài hương.

                    Y như nhạc Phạm Ðình Chương vẫn chưa được công khai trình diễn trong nước, nhạc Phạm Duy cũng chưa được phép trình bày trọn vẹn, dù người ta thuộc và hát khá nhiều cho nhau nghe. Một trong rất nhiều nguyên nhân của điều đáng buồn này có thể được tìm ra từ thuở ban sơ của nhạc kháng chiến: khi cả nước đang sôi nổi nói và hát lời tranh đấu, thì Phạm Duy lại viết... nhạc tình. Thực ra, như ông tâm sự, Phạm Duy đã vu vơ lãng đãng viết nhạc tình từ trước, như Cô Hái Mơ với thơ Nguyễn Bính năm 42, như Cây Ðàn Bỏ Quên năm 45 hay Khối Tình Trương Chi năm 46.

                    Nhưng, Bên Cầu Biên Giới mới là một trong mấy bản tình ca đầu tiên của ông, viết trên nhịp Tango ngay giữa chiến khu Lào Cai năm 47, và viết cho một người tình có thật, làm tình báo cho kháng chiến. Phạm Duy vốn chẳng sợ sấm sét, kể cả sấm sét ái tình, nên không muốn chối bỏ bài hát, và ra đi từ 1951.

                    Ngay giữa chiến khu Việt Bắc, yêu người đang làm nghĩa vụ, rồi lại mơ... sống trong lòng người đẹp Tô Châu, hay là chết bên bờ sông Danube, người nghệ sĩ quả là có sự lãng mạn khó tha thứ!

                    Sang thập niên năm sau, nhạc tình Phạm Duy phát triển qua nhiều hướng khác. Có bài dìu dặt nhịp 3/4 của hạnh phúc trăng mật, như Thương Tình Ca, ông viết năm 56; có bài mang nhiều não tính về lẽ tử sinh của cuộc đời, như Ðường Chiều Lá Rụng, ông viết năm 58; có bài lại đầy chất đa cảm mà thánh thiện như Ngày Ðó Chúng Mình ông viết năm 59.

                    Thương Tình Ca là một tác phẩm đẹp, ở cả lời lẫn nhạc, dù giản dị mà vẫn phong lưu đằm thắm. Bài ca dễ hát dễ cảm lòng người nên được mọi cặp tình nhân nhớ tới trong cõi hạnh phúc.

                    Ở trên tuyệt đỉnh hạnh phúc, người ta cũng có thể thấy mé bờ bên kia, thấy nơi trở về. Cho nên, Thương Tình Ca mới chấm dứt với cặp tình nhân "dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu"... Có lẽ, trước Trịnh Công Sơn, Phạm Duy nhìn thấy mối đồng cảm lạ kỳ của tình yêu và cái chết. Nóng lạnh thế nào thì chỉ trong cuộc mới hay. Bài Ðường Chiều Lá Rụng của ông vì vậy là một bản tình ca tuyệt vời về nỗi chết. Ðây là tác phẩm siêu thực ở lời và siêu tuyệt ở nhạc, ít được hát, mà chỉ được nói tới như điển hình của một toàn bích trong dòng nhạc tình của Phạm Duy.

                    Ngày Ðó Chúng Mình là một bài thánh ca cho tình yêu. Tác phẩm được dùng làm nhan đề cho tập nhạc tình ông xuất bản năm 60, tập "Ngày Ðó Chúng Mình Yêu Nhau." Ðược chuyên chở bởi giai điệu uy nghi trang trọng tựa kinh cầu, lời ca đầy cảm tính lãng mạn của tác phẩm đã gây xúc động cho người nghe vào những thập niên 60-70.

                    Bước sang thập niên 70, Phạm Duy tiếp tục gây sóng gió trong tâm tư của người yêu nhau.

                    Nếu Thương Tình Ca mở đầu cho hạnh phúc lứa đôi thì Nghìn Trùng Xa Cách là nỗi đau khép lại. Ðể từ năm 69 đó, tình ca Phạm Duy trở thành lời độc thoại. Trong nuối tiếc, người nhạc sĩ có thể tự huyễn bằng mơ ước lả lơi, như trong Cỏ Hồng viết năm 70... chứ tự thân, và cả người yêu nhạc của ông cũng đều thấy nỗi bơ vơ trong tâm khảm của người tìm về ký ức như niềm an ủi. Bài Kỷ Niệm có thể là điển hình cho phản ứng trở về ấu thơ đó.

                    Mười năm sau bài Kỷ Niệm, ở bên ngoài quê hương, Phạm Duy quả là sống với kỷ niệm. Bài Tình Cầm ông viết trên đất Mỹ đã đưa ông về với lời thơ Hoàng Cầm bạn ông, về với quê nhà quạnh hiu. Một nhạc sĩ Canada có viết đại để rằng nếu ông không thể tưởng tượng nổi một Phạm Duy mà không có Việt Nam, thì cũng không thể tưởng tượng ra một Việt Nam mà không có Phạm Duy. Có lẽ, Việt Nam vẫn có Phạm Duy, vì người ta vẫn yêu và nhớ nhạc ông. Nhưng, Phạm Duy nay chỉ còn Việt Nam trong trí tưởng. Tình ca và tình cầm Phạm Duy vì vậy mới cho thấy cầm ca là cái nghiệp đớn đau. Ông cho quê hương rất nhiều, để nay nhận lại nỗi sầu lữ thứ.

                    Những tác phẩm quá lớn lao và phong phú của Phạm Duy đã là những cống hiến của văn học nghệ thuật Việt Nam cho đất nước Việt Nam, và in sâu vào tâm khảm của người Việt mọi nơi để thành một phần hồn của người Việt. Nhạc của ông là một di sản không thể xóa bỏ của nền nhạc Việt. Trong âm nhạc, sự phán xét về hay-dở phải thuộc vào công chúng, nhìn vào số lượng và giá trị của nhạc Phạm Duy, từ đầu thập niên 40 tới cuối thế kỷ này, ta đã thấy sự phán xét đó. Càng khắt khe nghiệt ngã, ta càng làm kho tàng văn hóa đất nước bị nghèo nàn đi.

                    Quỳnh Giao xin được kết thúc chủ đề về nhạc tình Phạm Duy, bằng chính câu hát của ông trong trường ca Con Ðường Cái Quan...

                    Người mơ ước tới: đường tan ranh giới

                    Ðể người được mãi

                    Ði trong một duyên tình dài
                    ~ 0 ~


                    Nhân đọc bài viết 'Phạm Duy - Nhạc xây tình người' cuả cô Quỳnh Giao trong chương trình Suối nguồn Tân nhạc phát thanh trên làn sóng cuả đài BBC cách đây đã lâu, mời bạn đọc xem ' Phạm Duy trong chương trình Rainbow Quest 1966 ' cho thấy một khiá cạnh khác về nhạc Phạm Duy. Chương trình này hơi dài (37 phút) có bài Nhân Danh (T nghe lần đầu tiên qua chương trình này ) và Giọt Mưa Trên Lá - là bài hát T thích từ hồi còn rất nhỏ vì giai điệu đằm thắm, giản dị, dễ nhớ, và đặc biệt là lời ca, nghe những câu hát này làm mình rưng rưng nước mắt vì sự thương cảm, vì những ước mơ đơn sơ nhưng ngoài tầm tay với.

                    Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 04:13 PM.

                    Comment


                    • #55
                      Bóng chiều xưa


                      Mấy tháng vừa qua, cùng với mấy cô em, người viết chạy qua chạy lại như chong chóng giữa mấy nhà thương và nơi an dưỡng của mẫu thân để thăm nom cụ đã đến tuổi gần chín chục. Dù thân thể yếu ớt kiệt quệ, tinh thần của cụ vẫn minh mẫn tỉnh táo đến lạ thường. Không quên tên một người nào cả, từ họ hàng cho đến bằng hữu. Nào là Châu Hà, Kim Tước, Mai Hương, Kiều Chinh, cụ đều nhắc kỷ niệm thật chính xác. Cả đến người cụ chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ cũng nhận ra tức khắc, như trường hợp anh Huy Phương đến nhà thương thăm cụ. Hôm ấy vì ngờ cụ bị cúm H1N1, nhà thương bắt buộc mọi người phải bịt kín mặt khi vào thăm. Nhác thấy anh, mặt nạ che chỉ còn hai con mắt, cụ reo lên: “Ồ, anh Huy Phương, anh đến thăm, tôi vui mừng lắm!” Cụ tỉnh táo nhận ra những người mấy chục năm mới gặp như cô Tâm Vấn, làm cô không cầm được nước mắt. Thấy Nhã Ca và Trần Dạ Từ đến bên giường thăm hỏi, cụ gọi đích danh tên thật của cô Nhã - “Thu Vân đây này!” và bảo rằng “Trần Dạ Từ này, chị coi như em ruột từ mấy chục năm về trước.”

                      Mấy chục năm về trước, phụ nữ chưa được đi học đông đảo như thời sau. Ðàn bà mà đỗ đến Tú Tài thì đã được coi là “hiếm có lắm.” Trong đài phát thanh, cụ viết và đọc tin bằng tiếng Pháp nên ai cũng cho là giỏi. Ðã vậy, khi một ca sĩ bị đau bất ngờ, ông Giám Ðốc Hoàng Cao Tăng của đài Pháp Á nhờ cụ hát thay, cụ hát ngay, đúng ton, trúng nhịp vì đã học piano và nhạc lý vững vàng. Rồi nổi danh như cồn nhờ tiếng hát! Nhưng, những người đã biết danh ca Minh Trang từ trước thì đều biết rằng đấy là một xướng ngôn viên và biên tập viên thuộc loại “văn võ toàn tài,” Pháp Việt gì thì cũng làu thông! Ðấy là chuyện của hơn nửa thế kỷ về trước. Mà giờ này thần trí của cụ còn nhớ hết khi thân thể đã như ngọn bấc đang cạn dầu...

                      Vì nghĩ đến mẹ mình suốt ngày nên vô tình tựa đề của bài tạp ghi về nước hoa kỳ trước dùng bài hát liên quan đến cụ. Mà cũng chính cụ đã mở con đường thơm tho cho mình khi tuổi còn thơ, khi mình ngồi ngắm mẹ sửa soạn trước gương, chải mái tóc, và bôi nước hoa vào sau vành tai trước khi đi ra ngoài.

                      Khi mẫu thân Quỳnh Giao gặp gỡ nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, bà đã nổi danh như cồn với giọng ca điêu luyện. Lúc ấy là một góa phụ trẻ đẹp, nghệ danh là tên ghép của hai đứa con: Minh (Bửu Minh) Trang (Ðoan Trang, tên thật của người viết). Nói là hai người gặp nhau, nhưng cũng chỉ mới “gặp” trên làn sóng âm thanh mà thôi. “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” mà! Người nhạc sĩ tài hoa đã mê giọng hát và tương tư hình ảnh qua bức ảnh in trên bìa bài hát, nên soạn ra bài “Sóng Lòng,” nhịp Slow chậm rãi, trên cung Ré Trưởng với những lời lẽ sau:

                      Vắng người ta ước mơ

                      Khiến lòng bao ngẩn ngơ

                      Bến đời u ám như mây mờ

                      Cách trùng dương núi sông

                      Cánh hồng say ngóng trông

                      Biết ngày nào thấy nhau, hoài mong...

                      Trên án thư kìa hình ai tươi nét mơ,

                      mắt thu huyền dịu dàng bao ý thơ.

                      Tiếng ca u hoài ôi lâm ly từ đâu tới đây

                      Trên làn sóng âm thanh như đắm say hồn mơ...

                      Thời kỳ theo đuổi này, người nhạc sĩ hàng đầu của nền tân nhạc phôi thai còn soạn thêm những bài như “Buồn Xa Vắng” nhịp luân vũ chậm (valse lente) trên cung Sol Trưởng, cũng là âm giai thích hợp với chất giọng của bà nhất vì xuống nốt Sol trầm và lên cao là nốt Fa, không quá thấp mà cũng không quá cao, vừa vặn với thang âm (échelle) của bà. Ca khúc này được bà yêu thích nhất với lời từ đầy nỗi nhớ nhung.

                      Buồn ơi xa vắng, cung huyền réo rắt

                      Mênh mông sầu

                      Hồn mộng bâng khuâng, tơ trùng rung phím

                      suốt đêm thâu

                      Tàn canh thao thức, mây sầu theo gió

                      tới phương nao

                      Nhớ ai đàn ơi, u hoài

                      Khúc nhạc ly tao...

                      Nhưng độc đáo nhất vẫn là “Ngọc Lan” mà ai cũng biết:

                      Ngọc Lan giọng ướp men thơ

                      Mát êm làn lụa bóng là

                      Ngọc Lan trầm ngát thu hương

                      Bờ xanh bóng dương phút giây chìm sương...

                      Khi đã chung sống, hai người viết những ca khúc đầy yêu đương tình tứ như “Phút Say Hương.” Bài hát này có tiết điệu vui, lời ca thi vị:

                      Nhớ những phút vui đêm thâu thả hồn mơ

                      Nhìn mây gió tới đâu.

                      Nhớ những phút vui bên nhau tìm hồn hoa

                      Nhìn trăng khuất non xa

                      Nhớ những phút vui canh thâu nhạc vàng êm

                      Hòa đêm trắng bên nhau...

                      Thời kỳ này có ba bài hát do Minh Trang làm lời trên giai điệu của Dương Thiệu Tước. Ðó là “Ôi Quê Xưa,” “Bóng Chiều Xưa” và “Vui Xuân.” Nếu nghe cho kỹ thì lời ca của hai bài đầu vẫn còn là niềm luyến nhớ cảnh xưa, và người xưa đã khuất.

                      Hãy nhớ lại “Ôi Quê Xưa” với nhịp Habanera tha thiết:

                      Rồi một chiều xưa,

                      tôi về cố hương

                      Nhìn cảnh làng xưa,

                      vết hoang tàn đìu hiu gió sương

                      Nhìn xóm nhà vắng thưa,

                      nhớ chốn đây năm nào

                      Chiều chiều hai người hẹn nhau

                      đến bên nhịp cầu...

                      Tối tối quây quần mơ đón trăng lên vui lời trao duyên

                      Hôm nay chốn đây thôn làng quạnh hiu , người vắng xa...

                      Và tác phẩm “Bóng Chiều Xưa” bất hủ theo nhịp slow habanera. Sau này, một số ca sĩ đổi thành nhịp tango làm mất nhiều tình cảm nhẹ nhàng đằm thắm của lời từ lãng mạn. Vào thời ấy mà viết lời đầy ắp nỗi nhớ nhung chốn cũ người xưa, mình thấy lạ, và hãy cùng nghe lại để hiểu ra tâm tư của người nghệ sĩ:

                      Một chiều gió mưa em về thăm chốn xưa

                      Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân

                      Lòng xót xa tình xưa...

                      Lâng lâng chiều mơ,

                      một chiều bâng khuâng đâu nguồn thơ

                      Mây vương sầu lan, gió ơi đưa hồn về làng cũ

                      Nhắn thầm lời nguyền ước trong chiều xưa...

                      Với con cái, bà mẹ không bao giờ giờ cắt nghĩa hay giải thích lời ca cụ đã viết. Nhưng khi hát lên với sự trân trọng, làm con thì tự nhiên mình thấu hiểu được nỗi niềm của mẹ. Càng hát lại, ngẫm lại, Quỳnh Giao càng thương yêu mẹ và tiếc thương cho người cha tài hoa bạc mệnh, qua đời lúc mới 46 tuổi, khi con bé mới lên năm...

                      Mỗi ngày vào ngồi bên mẹ, người viết luôn nói cho bà biết bằng ánh mắt của mình. Rằng “con thương mẹ lắm,” và mẹ tôi nhìn tôi với ánh mắt biết cười: “Mẹ thấy mình hạnh phúc và mãn nguyện rồi...”



                      Comment


                      • #56
                        Ca khúc Mùa Hè


                        Quỳnh Giao

                        Ngày xưa chúng ta học chữ nửa buổi, còn nửa buổi kia học tư các môn chính, hoặc nhà khá giả thì được học thêm đàn. Chính vì nhàn nhã như thế mà người viết bài mới có thể vừa học chữ ở Gia Long, vừa học đàn ở Quốc Gia Âm Nhạc mà vẫn vừa đi hát chuyên nghiệp khi mới có 15 tuổi. Ngày nay thì trẻ con còn không có giờ để... chơi nữa, đừng nói đến làm chuyện khác.

                        Và nếu có chơi thì trò chơi cũng khác chúng ta, toàn là chơi game trên máy và nói chuyện bằng cell với nhau, chứ đâu có chạy ra nắng nhẩy dây, hay lượm hột me, hòn bi, hòn cuội về chơi giải gianh! Không khí học đường bây giờ cũng khác, tuy cũng có thi cử, có ra trường, nhưng sao không thấy có sự hồi hộp của những mùa thi ngày trước.

                        Tân nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc viết về Mùa Hè, nhưng trong trí tưởng của người viết có hai bài in đậm nét không phai lạt là “Hè Về” của Hùng Lân và “Mùa Thi” của Ðỗ Kim Bảng.

                        Nhạc sĩ Hùng Lân là người chuyên viết nhạc hùng cho thanh thiếu niên. Ông có viết một số ca khúc trữ tình, nhưng sở trường vẫn là nhạc hùng. Vốn là một nhà giáo, một người có tính tình mô phạm và đạo đức, Hùng Lân dùng âm nhạc để giáo dục thanh niên có lòng yêu mến quê hương đất nước và dân tộc. Các tác phẩm như “Rạng Ðông”, “Tiếng Gọi Lên Ðường”, “Khỏe Vì Nước”, và nhất là tuyệt phẩm “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” đã nằm trên đầu môi giới thanh thiếu niên các thập niên 40-50-60. Bài “Việt Nam Minh Châu Trời Ðông” được bao nhiêu nhạc sĩ uy tín và đầy thẩm quyền như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Vũ Thành cho là đáng được chọn làm quốc ca Việt Nam hơn cả.

                        Riêng với Quỳnh Giao, ngoài lòng ngưỡng mộ vì tài âm nhạc và lòng yêu trẻ, còn có sự tri ân vì chịu ơn giáo dục và đào tạo của ông. Giáo Sư Hùng Lân là người dạy môn nhạc pháp (nhạc lý và ký âm pháp, chứ không phải nhạc của nước Pháp) tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ ở Sài Gòn. Ông còn giữ chức giám học thời kỳ Giáo Sư Nguyễn Phụng làm giám đốc trường nhạc. Người viết được học với thầy Hùng Lân từ năm đệ tứ cho tới khi tốt nghiệp, và được thầy đặc biệt thương vì là con bé rất nghe lời và kỷ luật của thầy.

                        Hùng Lân rất tận tâm và nghiêm khắc, nên lũ học trò vừa sợ vừa thương. Cho đến nay, đối với riêng Quỳnh Giao, thầy Hùng Lân là người dạy nhạc pháp giỏi nhất. Thầy đã đào tạo biết bao nhạc sinh xuất sắc và những người học trò của thầy sẽ không bao giờ quên ơn và quên phương pháp giảng dạy thật hữu hiệu mà dễ hiểu của thầy.

                        “Hè Về” là ca khúc Mùa Hè đẹp nhất của chúng ta. Hùng Lân có biệt tài viết lời ca nhanh và liền lạc như một chuỗi hạt trai. Quý độc giả cứ thử hát lại rồi sẽ có cảm giác bồng bềnh, mênh mông, rào rạt trên sóng của áng mây hồng buổi sớm mai, của mầu xanh ngọc bích nơi cành là, của mầu phượng đỏ rung rinh ngoài nắng.

                        Và còn nữa: đám mây trắng đùa với nắng, đàn chim én tung cánh đo trời, dưới thì đồng lúa vàng nhịp nhàng cao thấp trên sườn đồi. Hương sen thanh nồng lan theo gió mát. Cảnh đã đẹp mà nhạc thì lôi cuốn, dìu dặt và trong sáng.

                        Chỉ trong một đoạn mà người thưởng thức nghe được tiếng ve, tiếng trúc; ngắm được mây trắng, lá ngọc, chim én, lúa vàng, mà còn ngửi được hương thơm của sen nồng. Hát cả câu lên để thấy lòng lâng lâng, thanh thoát. Người ngoại quốc học tiếng Việt một trăm năm có lẽ cũng không thể đọc kịp lời khi hát ca khúc này

                        Trời hồng hồng, sáng trong trong

                        Ngàn phượng rung nắng ngoài song

                        Cành mềm mềm gió ru êm

                        Lọc mầu mây bích ngọc qua màu duyên

                        Ðàn nhịp nhàng hát vang vang

                        Nhạc hòa thơ đón hè sang...

                        Bâng khuâng ghe nắng đùa mây trắng

                        Ðàn chim cánh đo trời

                        Phân vân đôi mái chèo lữ thứ

                        Thuyền ai biếng trôi

                        Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi

                        Thanh thanh hương sen nồng

                        Ướp gió mát khi chiều rơi...

                        Ở đoạn điệp khúc, Hùng Lân tài tình sử dụng lối hát đuổi (canon) nên càng làm câu nhạc quấn quýt liền lạc như tâm tư tác giả trào dâng với cảm xúc chứa chan trước cảnh hữu tình. Ðoạn này được hát đuổi hay nhất với giọng nữ câu cao, và giọng nam câu trầm:

                        Hè về hè về

                        Nắng tung nguồn sống khắp nơi

                        Hè về hè về

                        Tiếng ca nhịp phách lên khơi

                        Ðầu ghềnh suối mát/ reo vui dào dạt

                        Ngập trời gió mát/ ven mây phiêu bạt

                        Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời...

                        Lời ca của “Hè Về” xứng đáng được dùng cho học sinh học cách hành văn vừa trong sáng vừa đầy hình ảnh và mầu sắc. Bài hát cho đến nay vẫn được trình bày, và là một trong những bài hợp ca hay nhất tân nhạc Việt Nam. Ngày xưa, trên vô tuyến truyền hình trước 75, khán giả vẫn còn nhớ phong độ của cặp song ca Y Bất Hối và Hoàng Hương qua nghệ thuật điêu luyện và rất “ăn khớp”. Hai giọng quyện nhau đến nỗi không biết ai hát bè ai hát phần chính!


                        Nhạc sĩ Ðỗ Kim Bảng sáng tác không nhiều, nhưng bài nào ông viết cũng mang một nét riêng biệt, không lẫn với ai... Từ “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” cho đến “Xin Dìu Nhau Ðến Tình Yêu”, hoặc “Vòng Tay Xin Giữ Trọn Ân Tình” đều có nét nhạc khoan thai rất đặc biệt của ông. Mà dù là viết trên nhịp điệu Slow, hay Blues rất Âu Mỹ, và không theo ngũ cung, nhạc Ðỗ Kim Bảng vẫn luôn có hơi hướng tình tự của nhạc Việt Nam. Cũng là một nhà giáo như Hùng Lân, lời từ của Ðỗ Kim Bảng trau chuốt, gọn gàng mà súc tích. Thập niên 60-70 là thập niên những ca khúc của Ðỗ Kim Bảng được hát đến nhiều nhất, và được giới yêu nhạc mến mộ.

                        Nhưng, bài hát được hát nhiều nhất của Ðỗ Kim Bảng là bài “Mùa Thi”. Nhất là vào dịp Hè.

                        Mỗi năm, cứ đến Mùa Hè lại nghe ròng rã bài “Mùa Thi” trên làn sóng điện, không hợp ca thì đơn ca... Hiện tượng thi cử ám ảnh cả người nghe lẫn người hát, vì thuở ấy người viết còn cắp sách đi học, và... cắp cặp đi hát.

                        Bài hát được viết vào thập niên 50, khi tác giả còn rất trẻ. Vậy mà ông đã táo bạo dùng tiết điệu Swing, rất mới và rất giật cho bài này. Không những dùng nhịp điệu nhún nhẩy, tân thời, ông còn viết lời ca rất mới, cho đến nay chưa có bài nào lời lạ và có chất “tếu” như “Mùa Thi.”

                        Hôm nay còn thi, mai kia còn thi

                        Ôi! Ðời đời, khóc cùng cười hòa theo mùa thi...

                        Ðỗ Kim Bảng đã dùng những chữ “lóng” của học sinh để tả nỗi hân hoan, phách lối của người thi đỗ (bám), và nỗi buồn bực nghẹn ngào của kẻ thi rớt (bay) một cách tài hoa. Tài hoa về cả nhạc thuật khi ông dùng dấu ngắt ở hai chữ “bay” và “bám”, rồi dùng nhịp chỏi (syncope) ở hai chữ “nghẹn ngào” và “ồn ào”... nghe ra sự diễu cợt, châm biếm. Ông viết những câu ”học tài thi phận”, “phen này tao trượt thì ai đậu cho!” như nói chứ không phải là hát. Nghệ thuật này nghe thì dễ, mà viết ra thì không giản dị đâu.

                        Ngày xưa “Mùa Thi” là một bài hát rất ăn khách, được nhà xuất bản Tinh Hoa tái bản nhiều lần. Ca khúc được trình bày đơn ca rất nhiều, vì nhịp chỏi và những câu hát như nói nên không dễ hợp ca. Nhưng vào thập niên 70, ban hợp ca “Bốn Phương” gồm Quỳnh Giao và ba cô em gái là Vân Quỳnh, Vân Hòa và Vân Khanh (con gái Dương Thiệu Tước) đã thu thanh cho trung tâm Tú Quỳnh của nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương với dàn nhạc của anh Nguyễn Ánh 9. Bài hợp ca của bốn chị em được thính giả rất yêu thích vì bài hát hay, hòa âm hay, và vì chất giọng còn “con nít” của mấy chị em quả là thích hợp với nội dung.

                        Nhắc đến những bài hát xa xưa bỗng thấy lòng trùng xuống, vì nỗi luyến tiếc thời thơ ấu êm đẹp, vì hình ảnh người thầy khả kính đã mất, hay vì một khung cảnh sống nay không còn nữa...

                        Hôm nay ngày thi, bao nhiêu người đi

                        Xe! Rộn rịp. Lớp! tràn người

                        Niềm vui vấn vương

                        Thi ơi là thi, sinh mi làm chi

                        Bay! Nghẹn ngào. Bám! ồn ào

                        Buồn vui vì mi...

                        Ðây bao bộ mặt cười ra nước mắt

                        Than câu: học tài thi phận (ứ ư).

                        Comment


                        • #57
                          Dương Thiệu Tước và... Ngọc Lan

                          Quỳnh Giao

                          Nếu Dương Thiệu Tước là người viết ca khúc khêu gợi nhất từ thời “tiền chiến”, thời phôi thai của tân nhạc cải cách, thì ông cũng là tác giả của một ca khúc lãng mạn thanh quý nhất.

                          Trước “Cỏ Hồng” của Phạm Duy dễ mấy thập niên, bài “Dưới Ánh Trăng” của Dương Thiệu Tước là ca khúc mang rất nhiều ẩn dụ âm dương.

                          Anh như ánh trăng thanh

                          Em như hoa trên cành

                          Trăng lồng hương sắc thắm

                          Âu yếm cho mộng tàn canh.

                          Ánh trăng mà ái ân với nụ hoa đầu cành, không là nghệ sĩ giàu trí tưởng tượng thì ít ai nghĩ ra! Chữ “lồng” của ông trong đoạn mở đầu quả là đắt! Ðông phương thời xưa vốn không nghèo ý lạ thì cũng phải chịu chữ này là hay. Là động từ hay hình dung từ vậy, mà ánh trăng lại lồng cho hương sắc thắm?

                          Người ta thường nói Dương Thiệu Tước kết tinh tài hoa của đất Bắc ngàn năm văn vật vào một thể loại mới là nhạc cải cách, mà ông cũng là một trong mấy tác giả tiên phong. Ông sinh năm 1915 tại làng Vân Ðình tỉnh Hà Ðông, là cháu nội cụ Dương Khuê của văn học sử. Những bậc cao niên ngày nay vẫn còn nhắc đến Dương Thiệu Tước tại Hà Nội của sáu mươi năm về trước, môi đỏ tựa son, da trắng hồng, tóc đen nhánh, gợn sóng như một công tử tài hoa đất Hà Thành.

                          Ông thuộc loại nhạc sĩ quán triệt nhạc thuật Tây phương lẫn văn hóa Ðông phương nên mới cho “trăng lồng hương sắc thắm” trong ca khúc thuộc loại đầu đời của tân nhạc cải cách.

                          Sau ông, nhiều nhạc sĩ khác cũng nổi danh trong trường phái tân nhạc cao sang về lời từ và quý phái trong giai điệu. Họ không nhiều đâu. Ðó là Vũ Thành, Nguyễn Văn Quỳ và Cung Tiến. Họ viết nhạc trên giai điệu Tây phương, rất gần với thể loại về sau chúng ta gọi là “bán cổ điển”.

                          Nhưng, khác ba nhạc sĩ trên, Dương Thiệu Tước cũng là tác giả của nhiều ca khúc vẫn đậm nét Á Ðông, trên giai điệu ngũ cung: đó là “Ðêm Tàn Bến Ngự” vô cùng Huế, hay “Tiếng Xưa”, hết sức Nam kỳ. Nói “Tiếng Xưa” là giai điệu miền Nam thì nhiều người hoài nghi, nhưng xin nghe lại mà xem. Những người sành cổ nhạc Nam phần như Nguyễn Hữu Ba hay Việt Hùng thì không còn ở với chúng ta để xác nhận điều ấy, cho nên mình phải nghe lại, ngẫm lại!...

                          Dương Thiệu Tước để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm trang nhã của loại bán cổ điển, như “Áng Mây Chiều”, “Buồn Xa Vắng”, “Mơ Tiên”, “Bến Xuân Xanh” hay “Thuyền Mơ”... Bài nào cũng là viên ngọc quý trong kho tàng nhạc Việt. Riêng một bài thì rõ là một đóa hoa quý: “Ngọc Lan” tiếp nối ẩn dụ của “Dưới Ánh Trăng” đã nói ở đầu. Nhưng thanh thoát bội phần.

                          Một số người ưa chuyện hậu trường thì cho rằng Ngọc Lan được Dương Thiệu Tước sáng tác cho Minh Trang (thân mẫu của người viết bài này!) Ðấy là tiểu tiết hay tiểu truyện không cần nói trong tác phẩm. Ðúng sai thì xin để lại cho những người trong cuộc. Dương thiệu Tước viết bài này tại đất thần kinh năm 1953, khi cùng thân mẫu của người viết về Huế thăm đại gia đình đã xa lâu rồi.

                          Nếu “Dưới Ánh Trăng” là ca khúc tả cảnh để tả tình, để ánh trăng ân ái với đóa hoa, thì “Ngọc Lan” tả đóa hoa mà để nói về tình yêu thanh khiết.

                          Những người không hiểu lời, ngoại quốc chẳng hạn, hoặc nếu chỉ nghe phần nhạc có hòa âm công phu, thì vẫn cảm nhận được nét đẹp lả lướt mà không lả lơi, phóng khoáng mà không phóng túng và nhất là giai điệu rất trang trọng, quý phái. Trước vẻ đẹp của hoa, người nghệ sĩ chỉ có thể trầm trồ như vậy!

                          Viết trên cung Mi giáng Trưởng, dìu dặt khoan thai theo tiết điệu “ba bốn” của một bài luân vũ chậm, ca khúc Ngọc Lan có ba nhạc đề.

                          Phần đầu tha thiết dịu dàng mở ra như một đóa hoa ngọc lan mới nở và phả ra hương thơm ngoài hiên nắng. Từ cánh hoa trắng muốt như bạch ngọc, nhạc sĩ chuyển qua phần hai, ngợi ca cả thanh lẫn sắc. Hóa ra hoa chỉ là người. Mà phải là người rất đẹp. Qua đến nhạc đề thứ ba, tác giả chuyển từ cung Mi giáng Trưởng sang Si giáng Trưởng rồi qua Sol thứ trước khi trở lại Si giáng Trưởng để chuyển về nhạc đề đầu tiên.

                          Nhạc đề này diễn tả sự hôn mê rung động của người ngắm hoa. Tác giả khiến ta nghĩ rằng trước vẻ đẹp tinh khiết của hoa, người nghệ sĩ phải lùi lại, ngậm ngùi nhìn nét đẹp như hương thơm, cứ thoảng dần trong gió và để lại nơi đây, trong cõi đời này, biết bao thương nhớ.

                          Nhạc thuật gợi lên nào thanh, nào sắc nào hương và nỗi tình si của người không dám sỗ sàng bước tới, mà chỉ chìm dần trong làn hương thắm do đóa hoa vương lại.

                          Về cách diễn tả thì khi trở về nhạc đề thứ nhất, người ca sĩ sẽ hát cho đến cuối nhạc đề hai bằng hai câu kết tuyệt vời, một trên cung Trưởng, một trên cung Thứ và đáp lại bằng Mi giáng Trưởng lâng lâng, đầy thương nhớ. Ngày xưa, trong các đài phát thanh của Sài Gòn, khi hát câu cuối, người ca sĩ phải lên đến nốt Sol cao ngất, ở ngoài dòng kẻ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa!

                          Ngọc Lan là ca khúc kén người hát lẫn người nghe. Muốn hay thì trước hết phải có hòa âm ra hồn, mà về hòa âm không phải nhạc sĩ nào cũng diễn tả được nét thanh quý của tác phẩm. Không chỉ là một bài hát, Ngọc Lan là một bài thơ, một bức họa và một đóa thơm lãng mạn. Ca khúc này được nhiều người trình bày, nam lẫn nữ, nhưng có lẽ thích hợp với giọng nữ hơn là nam. Ðiều này hơi lạ vì nội dung gợi ý về bậc nam tử thấy người ngọc trong “giấc xuân yêu kiều” bỗng mê đắm mà... lùi lại để tơ vương trong tâm tưởng. Ngợi ca đóa hoa như vậy thì phải là nam tử chứ?

                          Về nhạc thì vậy, về lời từ thì thật đáng thương cho Dương Thiệu Tước, cháu nội cụ Dương Khuê.

                          Ông viết nhạc đã hay mà dùng chữ rất tài cho một hậu thế lại coi thường chữ nghĩa và nỗi dụng công của ông. Khi viết “ngón tơ mềm, chờ phím ngân trùng, mạch tương lai láng”, ông dồn hết thi họa và nhạc vào một câu làm người ứa lệ trước cái đẹp. “Mạch tương lai láng” là một điển cố nói về giọt lệ. Nhưng đời sau lại hát ra “mạch tương lai sáng”. Dẫu có buồn thì cũng chưa đáng khóc bằng “mạch tuôn” hay “mạch tuông lai láng”!

                          Dễ hiểu hơn đấy, nhưng khiến tác giả không hiểu gì nữa... Thương cho một đóa ngọc lan.



                          Comment


                          • #58
                            Lần đầu nghe tiếng hát Thái Hiền



                            Thái Hiền & Thái Thảo - LK Nữ Ca



                            Ngọc Lan - nguoi-viet - 2018

                            Nhiều người yêu nhạc có thể ngạc nhiên khi nghe tôi nói rằng chiều Chủ Nhật, 6 Tháng Năm vừa qua, trong chương trình “Cho Tôi Lại Ngày Nào” tại hội trường Việt Báo, Westminster, là lần đầu tiên tôi nghe Thái Hiền hát. Và cũng lần đầu tiên tôi nhìn thấy ca sĩ chính của chương trình có phong thái của một cô giáo hơn là một người đứng dưới ánh đèn màu.

                            Dĩ nhiên, đây là Thái Hiền, con gái của cố nhạc sĩ Phạm Duy, chứ chẳng phải một Thái Hiền nào khác. Thái Hiền của một thời “Bé Ca,” “Nữ Ca” với “Chú Bé Bắt Được Con Công,” “Bé Bắt Dế,” “Ông Trăng Xuống Chơi Cây Cau,” “Đốt Lá Trên Sân,”… với “Tuổi 13,” “Tuổi Mộng Mơ,” “Tuổi Biết Buồn,” “Tuổi Vu Vơ,” “Tuổi Bâng Khuâng,”…

                            Có điều tôi không thuộc thế hệ học trò đó để có thể nhớ tiếng hát Thái Hiền làm mình xao xuyến, ngẩn ngơ ra sao. Bởi, ngày Thái Hiền hồn nhiên mê hoặc những cô cậu tuổi ô mai thì tôi chưa kịp chào đời. Đến khi tôi vừa lớn thì Sài Gòn đã không có nhạc Phạm Duy, không còn tiếng hát Thái Hiền.

                            Thế nên, lần đầu tiên tôi nghe Thái Hiền, cũng là lần chị trở lại sân khấu sau gần cả chục năm vắng bóng (tôi nghe người ta nói vậy) với một lỗ tai sạch trơn cùng một trái tim không hoài niệm.

                            Thái Hiền trở lại sân khấu sau hơn chục năm vắng bóng.

                            Nhìn chị bước ra sân khấu, tôi ngạc nhiên. Thật sự ngạc nhiên. Hình như đó không phải là một ca sĩ tên tuổi đang đứng trước khán giả với những phục trang lộng lẫy, với những phụ kiện lỉnh kỉnh theo cùng. Mà Thái Hiền, như một cô giáo. Giản dị trong phục trang. Đơn giản trong trang điểm. Và, một phong thái điềm tĩnh đến lạ. Cùng cặp kính lão và mái tóc ngắn, thật ngắn, bạc nhiều hơn nửa.

                            Và chị hát. “Làm Sao Mà Quên Được” , “Tuổi 13”, “Tóc Mây” , “Tôi Đang Mơ Giấc Mộng Dài”. Bốn bài liền nhau, không nghỉ, và cũng không tìm cách nói với khán giả điều gì đó, để tìm kiếm sự đồng cảm. Chị chỉ hát. Hát như lần đầu được hát. Say sưa. Không vướng bận. Chẳng làm dáng. Với chất giọng trong vắt. Nhẹ như ru.

                            Nghe chị hát, tôi không có cảm giác mình bị trì níu, vẫy vùng trong hố thẳm của những xúc cảm. Mà chỉ thấy một điều gì đó thanh thoát đến lạ. Mình cứ như bay lên. Nhẹ bổng.

                            “Làm sao mà quên được / Người em gái năm xưa / Sao quên được đôi mắt / Như ngôi sao trên trời.”

                            “Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng / Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay / Trời nắng ngạt ngào tôi ở lại đây / Như một buổi hiên nhà nàng dịu mát.”

                            “Như cánh hoa đêm đong đưa nụ tình / Gọi mời cơn gió hôn lá trên cao / Như cánh chim đêm bơ vơ một mình / Trời bao nhiêu gió tóc bao nhiêu buồn.”

                            “Tôi đang mơ giấc mộng dài / Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh / Tôi đang nhìn thấy màu xanh / Ở trên cây cành trôi xuống thân mình / Tôi đang nhìn thấy màu hồng / Ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn.”

                            Từng lời hát cất lên. Những giai điệu ríu rít khán phòng. Mà, Thái Hiền dường như không hát vì sự hiện diện của khán giả. Chị hát cho một cõi nào đó, của thánh đường, của những gì thật trắng, thật trong. Và khán giả, tùy theo những trải nghiệm của mình, mà mơn man trong tiếng hát đó, trong “cõi của mình.”

                            Có người nói, “người ta lắng nghe Thái Hiền vì cô không hẳn đang trình diễn mà là đang kể chuyện, kể đơn giản nhưng tinh tế, không kiểu cách mà là những thấm đẫm chân thành. Giọng Thái Hiền là một giọng lạnh, (dường như) là một xa cách với những gì xung quanh – khi cô hát – nhưng lại ấm nồng như thỏi than dễ dàng hồng lên ánh lửa của yêu thương, của miên viễn ngọt ngào ký ức trong lòng những tâm hồn hoang vắng.”

                            Cô Gia My, một khán giả của đêm, nhận xét “Thái Hiền hôm nay nhìn khác với Thái Hiền của ‘Tuổi 13.’ Cô ấy trông chững chạc hơn nhưng giọng hát thì quá gợi cảm.” Còn khán giả Kim Trương thì cho rằng, “Nghe giọng Thái Hiền mình cứ nhớ lại thời ấy, ký ức quay lại thưở xưa. Giọng Thái Hiền vẫn hay như ngày nào.”

                            Tôi thì nghe Thái Hiền như nghe một giọng ca mới, tinh khiết. Giọng Thái Hiền thanh thoát như dáng dấp của chị, nhưng đối nghịch hoàn toàn với mái tóc bạc sương. “Thái Hiền tuy 60 tuổi, tóc đã bạc nhưng tâm hồn vẫn còn trẻ thơ như tuổi 13!” Chị trả lời tôi một cách giản dị như thế khi nghe hỏi “Điều gì giúp chị đạt được sự hồn nhiên, dễ thương, không có gì gượng ép như một số ca sĩ khác khi hát lại các ca khúc ‘Bé Ca?’”

                            “Được biết khi đang là một ca sĩ được ái mộ thì chị đột nhiên rời sân khấu cả một thời gian dài. Chị có thể cho biết lý do vì sau chị rời sân khấu không? Và giờ đây, điều gì khiến chị trở lại với khán giả hâm mộ?” Tôi tò mò hỏi.

                            Chị tâm sự, “Có một lúc trong cuộc đời mình bị những mất mát, rơi vào những thất vọng. Những điều đó làm cho Thái Hiền bị mất thăng bằng, mất tinh thần nên không còn muốn hát nữa. Nhưng rồi thời gian cũng nguôi ngoai. Sau này Thái Hiền suy nghĩ đến bố nhiều lắm và tự an ủi rằng chắc bố cũng muốn Thái Hiền phải mạnh mẽ lên.”

                            “Cùng lúc Thái Thảo gọi, rủ Thái Hiền hát một show để tưởng nhớ đến bố. Vậy là Thái Hiền đồng ý ngay. Nếu không là Thái Thảo mà là một người khác thì có thể Thái Hiền chưa chắc đã nhận lời. Có lẽ đây là một cái duyên để mình trở lại sân khấu chăng?” chị nói thêm.

                            Thái Hiền trở lại, cùng với các anh em mình, để hát những bài ca của bố Phạm Duy, “để cảm thấy rằng mình gần với gia đình hơn,” như chị nói.

                            Như đã nói, tôi nhìn Thái Hiền ra sân khấu hoàn toàn không như những ca sĩ tôi từng thấy, hơn nữa lại là một ca sĩ đã thành danh. Nhẹ nhàng. Chừng mực. Đơn giản. Và chỉ hát. Hát bù cho những năm không hát, trong say sưa.

                            Nghe Thái Hiền hát “Nghìn Trùng Xa Cách” mà xốn xang lạ. Không mang hơi hướng của sự nức nở, bi ai. Vẫn trong trẻo. Vẫn nhẹ tưng. Mà bồi hồi. Thấm đẫm.

                            “Sau thời gian dài không hát, Thái Hiền rất run khi trở lại sân khấu. Nhưng nhờ Thái Thảo, anh Tuấn Ngọc, và Thiên Phượng ủng hộ tinh thần nên cảm thấy yên tâm hơn,” chị nói, như một lời ghi nhận chân thành những gì mà người thân đã dành cho chị, vực chị đứng lên sau những mất mát.

                            Thái Hiền cho biết chị chưa có dự định nào cho việc trở lại với sân khấu thường xuyên hơn, nhưng “hy vọng trong tương lai sẽ có buổi diễn nữa nếu khán giả chưa chán nghe.”

                            Hy vọng của chị có lẽ cũng là hy vọng của nhiều người muốn lại được nghe tiếng hát trong trẻo quên thời gian. (Ngọc Lan)

                            Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 08:23 PM.

                            Comment


                            • #59
                              Cách đây hơn 20 năm, Thái Hiền đã có dịp đến Ottawa hát, không ai biết cô là ca sĩ vì không sửa soạn gì cả, bề ngoài còn thua xa khán giả đến xem hát nữa...!
                              Mình rất thích nghe Thái Hiền hát nhất là lúc đám ma Pham Duy (trên youtube).

                              Comment


                              • TrucLam
                                TrucLam commented
                                Editing a comment
                                T cũng thích giọng hát Thái Hiền, không màu mè, không cường điệu, không diễn tả quá lố như một số ca sĩ nhiều khi người xem phát ngượng, vừa đủ gợi cảm trong lòng người nghe.

                                Trong video LK Nữ Ca, T rất cảm ơn người nhạc sĩ hoà âm liên khúc này, nó không phải là những âm điệu vui tươi rộn ràng của những tuổi ngọc, tuổi mộng mơ... của nửa thế kỷ về trước khi Thái Hiền hát với một tâm hồn trong sáng, tươi trẻ, mà rất hợp với TH ngày nay, hát với giai điệu chậm rãi nhẹ nhàng đưa hồn người về kỷ niệm êm đềm của một thời thần tiên ngà ngọc đã qua.

                                Cũng cảm ơn cô Ngọc Lan của báo Người Việt đã viết một bài rất đồng cảm với T về tiếng hát TH.

                                Mà... T thấy chị HN khi hát cũng tương tự như Thái Hiền, hát chỉ để mà hát, chỉ vì yêu nét nhạc lời thơ mà cất tiếng. Thật là những giọng hát chân phương, trân quý.

                                Thân mến,
                                Trúc
                                Last edited by TrucLam; 05-06-2020, 10:33 PM.
                            Working...
                            X