CON CHÓ ĐẠI ĐAN MẠCH
Truyện của HÀ KỲ LAM
Để tưởng nhớ Sandy, con chó thân yêu.
Mỗi lần có việc phải chạy xe trên đoạn đường này, ngang qua trước căn nhà mang số 1384, một căn nhà màu trắng với hàng rào màu xanh lá cây vây quanh, hông nhà bên phải có một khoảng vườn rộng, thì y như rằng ông Tư phải nhìn vào. Mười lần như chục, không bao giờ ông quên nhìn vào khuôn viên nhà đó để mong thoáng thấy con chó thần tượng cho “đỡ nhớ”. Căn nhà này chỉ cách nhà ông Tư khoảng mười ô vuông phố xá nhưng vì nó ngăn cách bởi một đại lộ rộng thênh thang nên trông có vẻ cách trở dịu vợi, chứ thực ra cũng chẳng xa gì mấy. Với lại, vì không thuận đường đi lại trong sinh hoạt hằng ngày của mình nên ông Tư vẫn thấy nó xa xôi. Vì vậy, đi qua chỗ đó mỗi ngày là một “kỳ công”, và ông Tư cũng không có hơi sức đâu mà khổ công như thế, dù ông rất thích con chó của chủ nhà. Mà hình như chủ nhân cũng ít khi để con chó ra ngoài vườn dạo chơi, vì so với số lần ông Tư chịu khó chạy xe trên lộ trình này với số lần ông được trông thấy con chó đó, thì là một tỷ số quá chênh lệch. Nhưng hôm nay ông Tư may mắn, vì lúc ông lái xe gần đến căn nhà thì con chó đang đứng đó. Vừa thoáng thấy bóng dáng màu đen, cao và thon như con ngựa giữa khu vườn chung quanh có hàng rào lưới kim khí bao bọc, ông Tư đạp thắng xe, cho xe cặp sát lề bên phải và đổ hẳn lại. Ông ngồi trong xe nhìn qua cửa kính phía bên kia để quan sát con chó khổng lồ lông đen tuyền cũng đang trố mắt nhìn ông. Khoảng cách từ chỗ nó đứng – giữa khu vườn – đến chiếc xe của ông Tư độ năm mươi thước. Ông có thể nhìn nó rất rõ. Thế nhưng con chó không bằng lòng với vị trí đứng của nó, và thoăn thoắt đi về phía hàng rào, nghĩa là đến gần chiếc xe của ông Tư hơn. Đoạn nó nhẹ nhàng chồm lên, hai chân trước tựa lên mặt bằng hàng rào mà chiều cao cũng đã lên đến khoảng hơn một thước. Như vậy, bây giờ ở vị trí thẳng đứng chứ không phải ở thế đường chân trời của loài bốn chân, cái phần thân thể của con vật từ vai trở lên đã vượt khỏi chiều cao của hàng rào. Cái đầu khổng lồ với chiếc mõm vuông vức to không kém đang hướng về ông. Cặp mắt nó, không nhỏ tí hí như mắt heo, nhưng cũng không to quá và lộ như mắt của vài loại chó nhỏ mà diện mạo xấu xí và dữ tợn, toát ra một vẻ thân thiện, hiền lành và quí phái. Ông Tư hài lòng về sự xê dịch của con chó, vì nhờ thế ông được gần nó hơn. Thân thể nó trông chắc nịch với những đường bắp thịt cuồn cuộn ở hai đùi sau, ở hai vai, ở chiếc cổ lớn và ngẩng cao. Lông nó rất ngắn, bóng loáng, ôm sát da và đen nhánh không một chấm trắng, dù chỉ bằng hạt cát.
Đó là một con chó Đại Đan Mạch. Ông Tư không hiểu vì sao người ta lại đặt cho loài chó khổng lồ nầy cái tên kia, vì nó không liên quan tí nào tới đất nước Đan Mạch cả. Theo các tài liệu về chó mà ông Tư đã tham khảo thì giống chó nầy được người Đức tạo giống và nuôi dưỡng thành một chủng loại hẳn hoi ít nhất đã bốn trăm năm nay, vì nhu cầu săn heo rừng đòi hỏi một loài chó vừa có tầm vóc lớn vừa can đảm. Ông tư đã từng thấy vài loại chó cũng lớn như giống Đại Đan Mạch này, thậm chí có một loài còn lớn hơn nữa - giống chó săn Ái Nhỉ Lan – nhưng cái vóc dáng và phong cách loài Đại Đan Mạch mới làm ông mê. Giống vật nầy không tỏ ra rụt rè, sợ sệt, cũng không hề lộ vẻ hung hãn, đố kỵ đối với một người mới gặp lần đầu như thái độ cố hữu ở một số loại chó. Vóc dáng tuy to lớn nhưng giống nầy không gây cho người đối diện sự sợ hãi, hay cảm giác bị đe dọa, nhờ phong thái điềm đạm, cái nhìn lúc nào cũng trực diện nhưng không hau háu như loài chó chăn cừu Đức, mà chỉ biểu lộ một nhiệt tình làm bạn. Thân hình thon, chân dài và lực lưỡng, đầu lớn một cách cân đối với toàn thân, cổ to và dài nâng chiếc đầu lên cao nhưng không có vẻ thách thức mà chỉ vừa đủ vẻ uy nghi, bề thế. Và ông Tư ngồi trong xe say sưa “chiêm ngưỡng” con chó trong niềm ao ước một ngày nào đó không xa mình sẽ có được một con chó con loài nầy để nuôi dưỡng, vuốt ve, tập luyện thành ngoan thục. Vấn đề của ông bây giờ là cố gắng thuyết phục bà vợ về sở thích nầy và sắp xếp một vị trí trong nhà để dung nạp con vật trong trí tưởng. Không phải bà Tư không thích chó, nhưng bà nghĩ nhà chật chội nuôi chó lớn quá không tiện, và nhà lại trải thảm, thời gian đầu còn nhỏ dại chó con phóng uế vung vãi thì phiền lắm. Còn nếu nuôi chó mà để nó ở ngoài trời quanh năm thì bà thấy không nỡ, vì mùa đông ở tiểu bang Đông Bắc này khá buốt giá.
Phải bước xuống xe, đến vỗ nhẹ, mơn trớn cái đầu lớn như đầu bò kia mới thấy thú vị. Ông Tư muốn làm thế, nhưng ngại người chủ chó nghi ngờ thiện ý của mình. Nếu người ta đã đọc cuốn “Con Trâu”, một tiểu thuyết về đồng quê của nhà văn tiền chiến Trần Tiêu, hẳn người ta không quên người nông phu với giấc mơ về con trâu. Bác nông dân trong truyện mỗi khi đi ngang nhà kia thường thấy một con trâu buộc trong chuồng, và ông ta đã đứng hằng lúc lâu ngắm nghía, thèm thuồng, điều mà ông Tư đang làm đối với con chó “thần tượng” của mình. Giấc mơ con trâu là giấc mơ giàu sang, là mơ ước về một cảnh đời khá giả, là một cái gì xa xôi, một mơ ước để ước mơ mà thôi; và như vậy là một đau khổ. Ước mơ của ông Tư không đi kèm với đau khổ như thế, vì ông không phải vùng vẫy mong thoát ra khỏi cảnh vất vả, mong tậu được một phương tiện sinh nhai; giấc mơ của ông Tư về con chó Đại Đan Mạch là một giấc mơ trưởng giả. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu hụt hẫng là một trạng thái tinh thần sinh ra từ khoảng cách giữa ước mơ và thực tại thì lòng ông Tư chưa được vui.
Ông Tư vốn yêu chó từ hồi nhỏ, từ thuở mới bắt đầu cắp sách đến trường làng tại quê nhà ở miền trung nước Việt lắm thiên tai. Đến bây giờ, đã gần sáu mươi tuổi, ông vẫn còn nhớ hầu hết những con chó đã từng “chung đường đời” với ông. Ông không khỏi cảm thương những con chó cùng thời thơ ấu với mình, và ông nhớ lại và phục nhà văn Xuân Diệu (cũng là nhà thơ) đã đi sâu vào tâm hồn của loài chó và mèo khi viết về chó hoang, mèo hoang. Ông Tư không rõ số phận loài chó ở các nước nhược tiểu trên thế giới ra sao, song ông nghĩ một con chó ra đời ở vùng Á Châu thì dễ bị gánh chịu những tai ương hơn, và cuộc sống thường vất vả, thiếu thốn hơn đồng loại của nó trên thế giới. Ông Tư không thể nào quên “vết thương lòng” trong đợt biến động chính trị tại quê nhà khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt: những ngày tháng đầu Việt Minh (tiền thân của người Cộng Sản) cướp được chính quyền từ chế độ quân chủ, họ ban hành nhiều mệnh lệnh mà một cậu bé lên bảy, lên tám như ông Tư hồi đó không thể nào hiểu được lý do; và một trong những lệnh đó tại địa phương của ông là mọi nhà đều phải giết hết chó, chuẩn bị tản cư, thực hiện cảnh vườn không nhà trống để đương đầu với Pháp. Cậu bé Tư đã khóc thầm bao nhiêu ngày khi từng con chó trong bầy chó thân yêu của gia đình lần lượt bị đập đầu, bị trấn nước cho chết và cho người ta ăn thịt.
Ông Tư thấy loài chó là loài dễ thương nhất trong loài vật, tuy diện mạo và hình thù đẹp xấu tùy theo chủng loại. Đó hầu như là một điều đã được khẳng định tự nghìn xưa và từ Đông qua Tây. Chả thế mà trong văn chương, sách vở tính tình loài chó đã được bao nhiêu cây bút tận tình phân tích, mô tả. Thời học sinh của ông Tư, cái thời mà mọi sĩ tử đều phải qua cái cửa ải thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp (tức lớp 9) đã cho ông một vài chứng liệu, vì chính ông trong một kỳ thi nói trên đã phải dịch ra Việt ngữ một bài Anh ngữ viết về chó. Ông không còn nhớ nỗi đại ý bài viết, nhưng có một câu trong bài ông nhớ không sai một chữ, vì nó đắc ý với ông, “a dog never makes it its job to inquire if man is right or wrong” (tạm dịch: con chó không bao giờ thắc mắc là con người xử sự đúng hay sai). Nhưng ông Tư thích loại chó “tác chiến”, chứ không thích loại chó “văn phòng”. Tác chiến và văn phòng là hai từ ngữ ông Tư dùng để phân biệt loại chó dùng để canh giữ nhà cửa hay đi săn thú, với loại chó bé tí tẹo, hay long lá xồm xoàm, lượt bượt chỉ nuôi làm chó kiểng. Thời niên thiếu tại quê nhà bên Việt Nam ông có dịp gần gũi với những người chủ các đàn chó săn. Ông đã được họ cho tham dự những cuộc săn đuổi hào hứng có khi hằng hai ngày liền để bắt cho được con mồi, mà ngôn ngữ thợ săn là “con thịt” (thường là nai, mễnh, dê núi, v.v.). Bây giờ hồi tưởng lại ông vẫn nghĩ không có âm thanh nào hào hứng bằng tiếng sủa “ẽng ẽng” của bầy chó săn đang đuổi theo “con thịt”, và không có cảnh tượng nào khoái trá, hả hê bằng cảnh một con nai đã thấm mệt, không còn tìm lên các đỉnh cao nữa, mà từ từ đổ dốc, chạy men theo các khoảng đất bằng phẳng và trống trải để nộp mạng cho đàn chó săn. Hình ảnh đẹp và hùng dũng vẫn là các chú chó lưỡi lè gần chấm đất, thân thể ướt đẫm vì phải vượt qua bao nhiêu khe suối, đang chạy theo bám sát con mồi để thanh toán.
Loài chó săn của Việt Nam nhỏ nhắn nhưng gọn gàng, nhanh nhẹn, và chạy đường trường rất bền. Ông Tư không chối bỏ điều đó, vì ông đã từng dự nhiều cuộc săn đuổi bằng chó trong vùng mạn ngược của tỉnh Quảng Nam thuở thiếu thời. Nhưng có một điều đến bây giờ ông vẫn thắc mắc: có thật những con chó dùng săn bắt thú rừng ở Việt Nam thuộc một chủng loại đặc biệt chỉ thích hợp cho công việc săn mồi không? Nói cách khác, có phải chúng ta có hẳn một loại chó săn, và một loại chó nhà (giữ nhà)? Nhìn ngắm một con chó trong bầy chó đi săn và một con chó được nuôi để giữ nhà, để sủa báo động khi có người lạ, ông Tư không thấy có gì khác nhau giữa hai con vật được huấn luyện để làm hai công việc khác nhau đó. Và có lúc ông đã đi tới kết luận rằng không có hẳn một chủng loại gọi là chó săn ở Việt Nam, và con chó nào cũng có thể được huấn luyện để trở thành chó săn, vì khứu giác, thính giác, thị giác và sự dẻo dai của thể xác đều được thiên nhiên cho giống nhau. Tuy vậy vẫn còn một điểm khiến ông không dám tin mình đã đúng. Đó là điều ông quan sát trong bao nhiêu năm đi theo các cuộc săn: con chó săn không có một bộ lông mịn màng như chó nhà. Lông nó thô hơn, khô hơn, và sợi lông lớn hơn. Không thể giải thích rằng vì thiếu dinh dưỡng nên lông chúng không được cơ thể tiếp tế sinh tố cần thiết cho lông tăng trưởng, vì khẩu phần của chó săn thường dồi dào hơn chó nhà. Tính tình của những con chó săn cũng có khác, rất hiền hòa, thân thiện với mọi người và thân thiện với cả bầy chó săn khác trong những cuộc đi săn phối hợp giữa hai chủ chó, một điều mà chó nhà không thể có được. Quanh năm quanh quẩn ở xó nhà, gặp một người lạ, hay một con chó lạ, là bầy chó nhà nhào ra làm hùm làm hổ, sủa om sòm. Những con chó nhà biểu lộ cái tâm lý buồn cười mà người dân Quảng Nam thường ví von thành một câu ngạn ngữ, “chó ỷ gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Ông Tư vẫn nghĩ, cái tính tình của những con chó săn có thể do huấn luyện, do môi trường hoạt động, tức là do “nghề nghiệp” mà có. Chúng được huấn luyện để chỉ thấy con mồi là kẻ thù, chúng được huấn luyện để hợp tác với chó săn bạn, và vì không gian hành nghề của chúng rộng lớn, chúng “xuất ngoại” nhiều nên tâm hồn chúng phóng khoáng, nên chúng không có những thành kiến hẹp hòi, không có cái tâm lý coi trời bằng vung. Nhưng còn cái khác biệt về “nước lông” thì ông không giải thích nỗi, và nhiều khi ông tự nhủ có lẽ chó săn là một dòng giống. Ông Tư công nhận “nghề chơi cũng lắm công phu”. Gác một bên cái chuyện dòng giống hay không dòng giống, những ai nuôi chó săn cũng phải học một số nguyên tắc tuyển lựa chó. Ngày nhỏ ông Tư đã được các “sư phụ” truyền cho một số bài học bây giờ ông vẫn còn nhớ và có thể tuyển lựa một con chó săn hoàn hảo. Nhưng ông tư chỉ dám bảo đảm hoàn hảo trên lý thuyết thôi!
Thực ra, ông Tư không mấy tin vào những tiêu chuẩn chọn lựa mà các tay chơi chó săn tiền bối dạy cho ông, vì ông nghĩ những điểm ấy quy tụ một cách tình cờ nơi con chó săn đầu đàn (một bầy chó săn chỉ cần một con chó giỏi làm đầu đàn để các con chó “bầy viên” chạy theo). Chẳng hạn đây là vài điểm cần nhớ để xem tướng: đôi tai con chó không được vểnh thẳng đứng như loài bẹc-giê Đức, mà phải chĩa ra hai bên một góc độ vừa phải như hai cạnh của một góc sáu mươi độ, để dễ dàng lướt tới trong những địa thế cây cỏ um tùm; đôi mắt chó phải sâu để có thể quan sát rõ khi chạy đối diện mặt trời; mũi nó lúc nào cũng phải thật ướt mới bén nhạy, không lạc hướng con mồi; đôi chân sau con chó phải hơi cong vào để chạy nhanh. Những điều ấy nghe cũng có lý. Nhưng còn những điểm khác ông Tư không thể nào hiểu nỗi vì sao con chó cần có. Chẳng hạn, người ta bảo cái đuôi con chó không được buông lơi như cái cần câu, mà phải xoắn lại thành một vòng tròn và nằm gọn bên trái – không được ở bên phải; Trên đỉnh đầu con chó phải nhô cao lên một mảng xương sọ (con chó nào cũng có mảng xương này nhưng không nhô cao như “sách tướng” ấn định!), và v.v.
Những người thợ săn thương yêu chó vô cùng. Nếu chỉ nhìn họ vuốt ve hoặc cư xử nhẹ nhàng với chó thì chỉ mới thấy được một phần cái tình cảm đó. Ngày nhỏ ông Tư đã chứng kiến một cảnh tượng mũi lòng, và điều này đã cho thấy cái tình giữa người và vật sâu xa đến mức nào. Trong một cuộc đi săn ở một vùng núi đá hiểm trở, con chó đầu đàn của một bầy chó săn đã đuổi một con sơn dương đến một bờ vực thẳm. Bị dồn vào bước đường cùng, con vật này trổ ngón nghề gia truyền của dòng họ nhà dê núi là phóng từ trên cao xuống suối nước lởm chởm đá nằm sâu cả trăm thước bên dưới. Nhờ khả năng cân bằng mà thiên nhiên đã phú cho giống vật nầy, con dê đáp an toàn và tiếp tục bước đường bôn tẩu. Con chó đầu đàn bay theo con dê và đã rơi xuống chết thảm thương dưới lòng suối nông cạn đầy đá tai mèo, một thứ đá cạnh sắc và nhọn hoắc. Người cbủ săn đã lần mò lội xuống dòng suối, vớt xác con chó lên, bồng trên tay một hồi lâu, nhìn nó và sụt sùi khóc. Sau đó ông mang con vật về chôn ở góc vườn sau nhà.
Ông Tư thấy những câu chuyện mủi lòng về loài chó thì xưa nay khá nhiều. Đã bao nhiêu sách báo, phim ảnh ngày nay đã dựng nên những thiên truyện phiêu lưu, gay cấn, hồi hộp, và cảm động mà nhân vật chính là một con chó. Nhưng đó là một điều khác; những câu chuyện kia có thể do người đời tưởng tượng, thêu dệt chung quanh những đức tính vốn có của loài chó. Câu chuyện thật về một con chó thuộc giống Akita của Nhật Bản mà ông Tư đọc trong một tài liệu về chó đã khiến ông gần như rơi nước mắt. Tài liệu kể rằng Tiến Sĩ Eisaburo Ueno, giáo sư tại Đại Học Đông Kinh, có nuôi một con chó giống Akita, tên Hachiko. Mỗi ngày Hachiko đi theo giáo sư đến ga xe lửa, chờ ông lên tàu, và tàu chuyển bánh mới đi về. Chiều nó lại đến ga xe lửa, chờ tàu đến để cùng chủ bách bộ về nhà. Vào một buổi chiều tháng Năm năm 1925 người chủ của nó không về nữa. Nó đứng ở sân ga chờ cho đến nửa đêm mới thui thủi đi về nhà. Giáo sư Eisaburo đã chết buổi trưa hôm đó tại trường đại học. Ngày hôm sau và những ngày kế tiếp trong chín năm sau đó, cho đến khi nó chết, chiều nào Hachiko cũng đến ga xe lửa chờ chủ nó đến nửa đêm mới thui thủi về nhà một mình. Ngày nay tại ga xe lửa Shibuya ở thủ đô Đông Kinh có tượng của Hachiko, và hằng năm đều có một buổi lễ long trọng để những người hâm mộ chó đến tưởng niệm lòng trung thành của một con chó giống Akita.
Tương phản với con chó là con mèo. Ông Tư vẫn cho con mèo là một giống vật khá lạ lùng. Nếu bảo con mèo ngu si đần độn thì ông Tư thấy không đúng. Ông nghĩ, có lẽ đầu óc nó không thích hợp với “:học tập”; loài mèo dường như có khuynh hướng khước từ sự dạy dỗ, chỉ sống theo ý thích của chúng. Ông Tư hay khôi hài với mọi người rằng con mèo sinh ra với bản tính cứng đầu, ngoan cố, “phản động”. Đó là một loài không thể “cải tạo” được. Ngẫm nghĩ, ông Tư đã rút ra một nhận xét khá độc đáo: có lẽ chỉ ở Mỹ con mèo mới tìm thấy thiên đường, vì ở những xã hội không tôn trọng tự do cá nhân chắc người ta không “đánh giá cao” con mèo!
Dĩ nhiên ông Tư yêu chó, nhưng nói cho chính xác thì ông có một đam mê với những con chó săn. Nhưng thời gian sau này, từ lúc sinh sống trên đất Mỹ - thiên đường của chó, mèo và trẻ con – được trông thấy nhiều loại chó khác nhau, và được quen biết nhiều chủ chó bản xứ, thì đam mê của ông bỗng đổi đối tượng. Bây giờ ông chỉ mê loài Đại Đan Mạch. Rồi cái đam mê săn đuổi thú rừng ngày nhỏ bây giờ cũng đã bị đào thải trong ông. Chính cái xã hội nầy với cơ chế bảo vệ thú vật – gồm cả dã thú – đã khiến ông Tư xét lại cái thú tiêu khiển bằng săn bắn; ông thấy cái trò chơi dã man làm sao! Nãy giờ ông tha hồ ngắm con chó đen với dáng dấp cân đối như con ngựa ô biểu diễn những pha ngoạn mục. Có lúc nó sãi bốn chân phi nước đại để rượt đuổi một đàn bồ câu vừa đáp xuống cuối vườn. Cái hình ảnh đó đẹp lạ lùng đối với ông Tư. Nó phóng mình trườn tới một cách khoan thai, một cách nhẹ nhàng mà nhanh như tên bắn. Ông Tư nghĩ, nếu ông có một con chó như thế này, mỗi cuối tuần ông sẽ chở nó đến những công viên rộng rãi ở thành phố Philadelphia, chỉ cách xa có hai mươi phút lái xe, để con vật tha hồ phi, vì ở bên đó người ta không cấm chó vào công viên, một điều cấm đoán “vô lý” của thành phố ông đang ở. Thế giới của loài Đại Đan Mạch là những khoảng rộng bao la. Có lúc con chó đứng yên, đầu ngẩng cao, hai tai lớn và nhọn dựng đứng như cặp sừng, đuôi dài buông xuống song song với hai chân sau. Con chó đứng bất động như một pho tượng, gợi một hình ảnh uy nghi, quý phái.
Tiếng nói léo xéo của mấy người đi bộ trên vĩa hè làm ông Tư giật mình nhớ lại mình đậu xe bên đường đã khá lâu. Ông mở máy xe và không quên ném một cái nhìn sau cùng với con chó trước khi cho xe chuyển bánh.
----------
Ông Tư từ trên lầu đi xuống. Đến nửa đoạn cầu thang ông thấy bà Tư và hai đứa con ông – cậu con trai hai mươi mốt tuổi, và cô con gái mười chín tuổi – đang xầm xì to nhỏ với nhau bên cạnh cây thông Giáng Sinh vừa mới dựng xong giữa phòng khách. Nhìn nét mặt của ba người ông đoán câu chuyện hay đề tài của họ không phải là một cái gì nghiêm trọng, một cái gì kém vui. Gương mặt họ long lanh một vẻ sôi nổi thầm kín, một thoáng vui tươi bí ẩn. Và rồi ông Tư chẳng bận tâm với cái cảm giác thoáng qua đó. Ông đi thẳng xuống nhà bếp, mở tủ lạnh để tìm một thức gì uống. Ba mẹ con bà Tư ngưng câu chuyện khi vừa thoáng thấy ông Tư đi vào nhà bếp. Ông bật nắp một lon bia, tu một ngụm, đoạn lững thững cầm lon bia đi lên phòng khách, định bụng sẽ tham gia vào công việc trang hoàng cây Giáng Sinh với vợ con. Hôm nay là một buổi chiều Thứ Bảy khá êm đềm của mùa Giáng Sinh. Bên ngoài trời không lạnh lắm, không gian “đứng” gió và có nắng. Nhờ vậy sáng nay cả nhà đã dễ dàng hoàn tất công việc giăng đèn chung quanh và trên nóc nhà, một điệp khúc hằng năm vào mùa nầy. Gia đình ông Tư không phải là tín đồ công giáo – ông bà Tư cho mình là Phật giáo, mặc dù ít khi họ đi chùa. Nhưng, cũng như bao gia đình ngoại đạo, hằng năm vào thời gian nầy ông bà Tư vẫn treo đèn, vẫn dựng cây Giáng Sinh trong nhà, và dĩ nhiên vẫn gửi thiệp chúc mừng Giáng Sinh cho thân quyến, bằng hữu. Có một số lý do để họ cử hành mùa Giáng Sinh. Họ là gia đình ngoại kiều độc nhất trong khu phố toàn dân bản xứ công giáo, và họ nghĩ cũng nên trang hoàng nhà cửa cho giống mọi người. Hai đứa con ông Tư cũng muốn nhà mình có không khí Giáng Sinh như nhà bạn bè chúng, và nhất là chúng thích có cây Giáng Sinh để chúng có một gốc cây để đặt mấy chiếc hộp giấy đựng quà cho cha mẹ trong dịp nầy, và để nhận quà nữa. Nhưng ông Tư còn thấy một điều nữa: tiềm ẩn đằng sau những lề thói kia là một tâm lý mà ông Tư không biết có thể gọi là “tâm lý ngoại đạo” không. Chỉ biết rằng năm nào nhà cửa im lìm, không đèn đốm xanh đỏ, không có khung cảnh cây thông phủ tuyết, thì mọi người trong gia đình có một cảm giác lạc loài khó tả, một nỗi buồn bâng quơ giữa hàng triệu ánh đèn thần tiên lấp lánh đó đây, trong tiếng chuông lảnh lót vui tươi, trong nhạc khúc Giáng Sinh nao nao một tình cảm êm đềm một cách kỳ lạ.
Vừa thấy ông Tư xuất hiện, cô gái nhanh nhẩu hỏi:
- Chiều nay Ba không đi chơi đâu à?
- Không. Làm việc bên ngoài sáng nay như vậy mà thấy mệt. Nãy giờ Ba ngủ có lâu không?
Bà Tư xen vào:
- Anh ngủ khoảng một tiếng đồng hồ. Thế mới biết là già rồi đấy, ông ơi!
Ông Tư cười:
- Anh đâu có phủ nhận điều đó.
Rồi ông ngồi xuống thảm nền nhà, lôi những dây điện có gắn bóng đèn bé tí đủ màu ra khỏi những hộp giấy, trong khi hai đứa con ông máng những dây đèn đó trên khắp cây thông. Bà Tư đang gom góp những thiệp chúc Giáng Sinh mà gia đình nhận lác đác từ hơn một tuần nay để lát nữa treo trên các cành cây kia. Có tiếng gõ cửa – nhà không gắn chuông điện. Ông Tư đứng dậy, tiến đến cửa, cẩn thận nhìn qua khung kiếng hình thoi ở cửa để quan sát. Ông quay sang nói với bà Tư:
- Một ông già người da trắng.
Đoạn ông mở cửa bước ra gặp người đó. Người khách nở một nụ cười xã giao và lên tiếng trước:
- Chào ông. Ông mạnh giỏi chứ? Tôi là Jim.
Ông Tư e dè đáp lại:
- Vâng, cám ơn. Xin lỗi ông cần chi ạ?
- Tôi muốn được nói chuyện với ông về Randy. Tôi được biết ông rất mến Randy và hôm nay tôi đến để bàn với ông xem có thể tìm một chỗ nương thân cho Randy không.
Ông Tư bỗng sửng sốt. Ông không hoàn toàn tin lỗ tai mình, vì ông vẫn biết chỉ có tụi nhóc như hai đứa con ông mới nghe hiểu những lời đàm thoại Anh ngữ một trăm phần trăm, nhưng ít ra ông cũng hiểu là ông già nầy muốn tìm một chỗ cho một người nào đó tên Randy, mà theo ông là một gã đàn ông, vì cái tên kia không thể là đàn bà. Sau vài giây bối rối ông Tư đáp:
- Tôi không quen biết ai tên Randy cả.
- Ồ, xin ông tha lỗi. Tôi tưởng ông biết tên nó. Đó là con chó Đại Đan Mạch ấy mà. Tên nó là Randy. Con chó ấy của anh tôi. Ông anh tôi vừa qua đời đột ngột cách nay một tuần vì bệnh tim. Vợ ông ấy không thể tiếp tục chăm sóc con vật được nên có ý định gởi nó vào cơ quan phụ trách tạm trú cho thú vật vô chủ. Tôi từ Florida lên đây ba hôm nay để dự tang lễ anh tôi và thấy trường hợp này cũng khá thương tâm nên có nói với bà chị dâu tôi là nếu bà ấy biết ai thích nuôi chó thì cho Randy cho người ta tốt hơn là giao nó vào nơi tạm trú như thế kia. Bà ấy cho biết có trông thấy ông vài lần khi ông đi ngang qua nhà, và biết ông rất thích Randy. Chính vài người hàng xóm đã chỉ cho chúng tôi chỗ ở của ông đây.
- À ra thế. Ý ông muốn hỏi tôi có thích nhận con chó để nuôi không?
- Vâng, đúng thế. Chắc ông cũng biết, cơ quan tạm trú cho súc vật chỉ dung nạp con chó một thời gian để tìm “cha mẹ nuôi” cho nó. Sau một thời hạn nào đó, một số súc vật “quá hạn” sẽ “được” giải quyết, vì họ không thể tiếp tục giữ những của nợ đó mãi để càng ngày đàn thú càng tăng không còn chỗ chứa, không người chăm sóc, nuôi ăn, v.v.
- Bộ họ giết bớt chúng sao?
- Đúng thế ông ạ.
Trong lòng ông Tư lúc nầy là một trận chiến giữa ba giòng suy nghĩ. Ông thích loài Đại Đan Mạch mà Randy là đại diện, chứ không hẳn thích Randy hay một con chó Đại Đan Mạch nào đã trưởng thành. Ông Tư chỉ mơ ước một con chó Đại Đan Mạch bé con, vừa dứt sữa, để ông nuôi nấng, giáo dục thành con vật trong trí tưởng của ông. Nhưng bây giờ cơ sự đã ra nông nỗi nầy, ông thấy thương xót Randy mồ côi chủ, số mệnh chưa biết sẽ được an bài ra sao. Ông Tư đắn đo: có nên hy sinh con vật trong trí tưởng để nuôi Randy không. Lương tâm ông Tư thấy con vật trong trí tưởng không bị đau đớn gì cả, mà chỉ giấc mơ của ông không được thực hiện đúng như mong muốn. Và vì thế ông nghĩ, thôi đành chấp nhận Randy. Ý Trời! Vấn đề còn lại là làm sao thuyết phục bà Tư chấp nhận một con chó Đại Đan Mạch trong nhà, chứ chưa nói tới Randy. Ước gì ông có thể diễn tả cho bà Tư thấy cảnh ngộ bi đát của Randy. Ông Tư nói với ông Jim, người khách:
- Được rồi, xin ông cho tôi số điện thoại, tối nay tôi sẽ gọi cho ông biết tôi có thể nhận Randy không. À quên, ông có thể cho tôi biết đại khái con vật đã được nuôi dưỡng như thế nào, chẳng hạn, nó được nuôi theo kiểu thú vật trong nhà, tức là phải biết phóng uế bên ngoài, và v.v.
- Điều tôi có thể nói bây giờ là con vật hoàn toàn sống với người trong nhà, và biết nhắc nhở người chủ khi nào nó cần đi ra ngoài. Còn những điều khác tôi không rõ, song bà chị dâu tôi có thể “thuyết trình” cho ông đầy đủ. Ông yên tâm, anh chị tôi chịu được nó thì ai cũng có thể chịu được.
Người khách viết số điện thoại trên một mảnh giấy nhỏ, trao cho ông Tư và chào từ giã. Ông Tư quay vào nhà, đóng cửa lại. Mẹ con bà Tư nhìn ông, chờ đợi. Chợt thấy vẻ đăm chiêu trên nét mặt ông, bà Tư sốt ruột lên tiếng:
- Có chuyện gì thế , anh?
Ông Tư đã định bụng lát nữa, trong một lúc thuận tiện, sẽ đem vấn đề con chó ra bàn với vợ một lần nữa, và lần nầy không phải về con chó con sẽ mua, mà về một con chó lớn có sẵn, được đem cho không. Nhưng, thấy không thể đợi nữa để vợ con lo lắng không cần thiết, và lại sẵn có mặt hai con ông, những đồng minh nhiệt thành của mình, ông Tư bèn thuật lại cuộc nói chuyện vừa qua, và cố gắng nhấn mạnh tình thế bi đát của con chó Randy. Nghe xong câu chuyện, cả ba nhìn nhau, bà Tư và hai con, người nầy với ánh mắt dò hỏi người kia. Ông Tư mới là người thảng thốt. Ông không hiểu gì cả. Sao vợ con ông hôm nay quái đản thế. Hồi nãy từ trên lầu đi xuống thì ông thấy ba mẹ con xầm xì bí mật, bây giờ ông đem câu chuyện con chó ra trình bày với mọi người, những tưởng sẽ gặp sự phản đối mãnh liệt của bà Tư như mọi lần, và sự biểu đòng tình của hai con như thường lệ, thì lại vấp phải phản ứng lạ lùng nầy. Thấy chồng đứng ngơ ngác nhìn mình và hai con, bà Tư mỉm cười:
- Không giấu diếm nữa, hồi nãy hai đứa cứ thuyết phục em mãi về ý định làm một món quà Giáng Sinh độc đáo cho bố, một con chó con loại anh thích. Em cũng đồng lõa với tụi nó và dự định sẽ thực hiện.
Ông Tư không dấu được sự cảm động trên gương mặt. Ông nói với một giọng hơi xúc động, mặc dù đã cố trấn tĩnh bằng một câu bông đùa:
- Tuyệt vời quá! Cảm ơn tất cả mọi người. Chưa bao giờ tôi được nhiều chó từ nhiều người cho đến thế.
Và trong lòng ông bây giờ lại thêm một trận chiến mới. Randy hay con chó bé con của ước mơ? Cái hào quang của con chó trong trí tưởng rực rỡ quá; một con chó con Đại Đan Mạch lông đen bóng loáng, cái mặt kháu khỉnh, thân hình thổ sữa tròn trịa, lúc nào cũng chạy tung tăng đùa giỡn với mọi người trong nhà, tuy thỉnh thoảng “tè” một bãi làm bà Tư phải nhăn mặt càu nhàu một chút rồi thôi! Không sao, ông Tư tự tin có thể dạy dỗ nó từng giai đoạn, và chẳng mấy chốc nó sẽ khôn lớn, biết “ăn ở hợp vệ sinh”. Chó con lớn như thổi, và học nhanh lắm. Nhưng thích nhất là ông Tư sẽ dạy dỗ nó theo khuôn phép của mình, một điều chỉ có thể thực hiện được với chó con mới lên vài ba tháng. “Dạy con từ thuở còn thơ...” Ông Tư cười thầm: tư tưởng cổ nhân bây giờ may ra thì còn nghiệm đúng ở vế đầu của câu nói! Nhưng ông Tư không cần bận tâm, vì “ngọn gió thời gian đổi hướng rồi”. Điều quan trọng với ông bây giờ là chân lý còn-đứng-vững-không-được-mốt-nửa kia áp dụng được với con chó con ước mơ của ông. Nhưng Randy cũng dễ thương quá, và bây giờ lại thêm tội nghiệp nữa. Chú chó con kia dù sao cũng chỉ mới hiện diện ở nẻo đường xa xăm nào đó, khi ẩn, khi hiện trong sương mù của trí tưởng ông Tư. Randy gần gũi ông lắm. Randy đang cần ông. Ông Tư thấy mình không thể bỏ nó trong lúc nầy. Ông nhớ lại bao buổi chiều ông ngồi trong xe bên ngoài hàng rào nhìn nó, và nó nhìn ông. Chắc trong trí tưởng của nó bây giờ cũng có hình ảnh ông, và mỗi lúc nó ra đi dạo trong khu vườn chắc nó cũng mong được gặp ông. Thú vật thường sống theo bản năng và thói quen; không nhiều thì ít, ông Tư nghĩ mình đã tạo cho Randy một thói quen là thỉnh thoảng được thấy mình ngồi trong xe nhìn nó. Lương tâm ông Tư thấy mình không thể phản bội Randy. Có điều hơi phiền hà là Randy lớn rồi, sinh ra trong một nền văn hóa khác. Liệu cuộc sống chung trong giai đoạn chuyển tiếp sẽ êm ái hay nhiều va chạm?
Về phần bà Tư thì tình thế thật rõ ràng. Randy đã giải thoát cho bà khỏi cái ám ảnh của một chú chó con chưa biết “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Nhìn thoáng nghĩ ngợi trên gương mặt bắt đầu có vài nếp nhăn tuổi tác của chồng, bà nói:
- Có lẽ bố nên ra tay cứu vớt con Randy đi.
Ông Tư nhìn vợ, không nói, khẽ gật đầu và ngẫm nghĩ, “thôi cũng đáng đồng tiền, bát gạo.”
.
Comment