Announcement

Collapse
No announcement yet.

Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ - Nguyễn Tất Nhiên

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ - Nguyễn Tất Nhiên

    Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ



    Hoàng thị Kim Oanh là nữ sinh sinh trong Nam nhưng bố mẹ gốc Bắc. Oanh học thua anh hai lớp, gia đình có quán cafe nổi tiếng một thời tên là "Ca Dao ". Oanh có một thời để tóc demi garcon, đôi mắt tròn đen như búp bê, nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên (tên thật là Nguyễn Hoàng Hải) đã nhìn cô hay cô nhìn anh rất... Bắc Kỳ, qua bài thơ nổi tiếng một thời "Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ”.

    Đôi mắt tròn, đen, như búp bế

    Cô đã nhìn anh rất ... Bắc Kỳ

    Anh vái trời cho cô dễ dạy

    Để anh đừng uổng mớ tình si

    Anh vái trời cho cô thích mộng

    Để anh ngồi kể chuyện nằm mơ

    "Đêm qua có một chàng bươm bướm

    Nguyện chết khô trên giấy học trò "

    Anh chắc rằng cô sinh trong nam

    Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng ?

    Khi nghe ai luyến thương Hà Nội

    Chắc cô nghe bằng tim dửng dưng

    Anh vái trời cho cô dửng dưng

    Coi như Hà Nội - xứ hoang đường

    Để anh còn dắt cô đi dạo

    Còn rủ cô vào rạp cải lương

    Anh vái trời cô thích cải lương

    "Thích kẻ anh hùng diệt bạo tàn"

    Mốt mai thê thảm quanh đời sống

    Cô sẽ còn đôi chút lạc quan

    Đôi mắt tròn, đen, như búp bế

    Cô nhớ nhìn thiên hạ lận lường

    Mà hãy nhìn anh cay lắm chuyện

    Nhưng còn con trẻ chuyện yêu đương


    (Nguyễn Tất Nhiên, 1973)

    CÔ “BẮC KỲ NHO NHỎ” BÂY GIỜ RA SAO?

    Thuyết phục mãi, chị Hoàng Thị Kim Oanh – thần tượng nguyên mẫu trong bài thơ “ Cô Bắc kỳ nho nhỏ” của nhà thơ quá cố Nguyễn Tất Nhiên – mới đồng ý chia sẻ với tôi những hoài niệm tuổi học trò… Chị kể khi xưa chị hiền lành, nhưng không khờ khạo đến mức, không biết có nhiều cây si trước ngõ nhà mình. Nhưng điều đó, chỉ khiến chị mỗi lúc một ngại ngùng giao tiếp. Dần dà, chị sống khép kín tựa cô chim non trong chiếc lồng son. Ba mẹ của chị đông con, nhưng các con của ông bà rất thuận hòa, hết lòng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Với suy nghĩ non nớt lúc bấy giờ, như vậy đã quá đủ cho cuộc sống riêng của chị.

    Thật ra, chị Oanh không thuộc tuýp người lãng mạn. Ngoài tình thương yêu của ba mẹ và anh chị em trong gia đình, chị gần như không có nhu cầu tình cảm nào khác.

    - Hỏi chị khi xưa, có biết “Oanh là nguyên mẫu trong bài thơ của anh Hải?..”

    - Chị cười hiền lành: “Chị có biết, nhưng hồi đó chị sợ muốn chết luôn… ”

    Biết chị thích đọc sách, anh Hải mang tặng chị nhiều quyển sách bìa cứng bọc gáy vàng rất đẹp. Anh cũng tặng chị nhiều cánh thiệp xinh xinh vào những dịp lễ, và cũng có khi anh tặng thiệp chỉ vì… thích vậy thôi! Và đặc biệt, anh Hải luôn tặng chị Oanh những bài thơ tình còn… nóng hôi hổi của anh, ngay khi thơ xuất hiện trên các trang tạp chí học trò. Tuy nhút nhát và kiệm lời, nhưng cô tiểu chủ cà phê Ca Dao luôn cư xử đúng mực với khách hàng đến quán.

    Trước ngày sang Pháp, anh Hải mang đến cho chị Oanh một va-li đầy sách quí “ Em giữ sách cho anh…” Sau khi anh Hải ra đi, một phụ nữ trẻ tìm đến và đưa cho chị Oanh bức thư tay, bảo do anh Hải gửi. Nội dung thư, anh Hải nhắn chị giao va-li sách cho người cầm thư. Chị thoáng băn khoăn, vì nét chữ trong thư không giống nét chữ anh Hải thường xuyên gửi chị. Nhưng vốn cả tin, chị đã giao va-li sách của anh Hải cho người phụ nữ – mà đến tận bây giờ, chị vẫn chưa biết rõ – cô ấy là ai và từ đâu đến? Chị đã để lạc mất những quyển sách quí, như món quà từ biệt của anh Hải trước ngày anh xa xứ. Chỉ vì “cô Bắc kỳ nho nhỏ” ngày xưa ấy, nào biết chi “toan tính chuyện lọc lừa”, như anh Hải từng lên án… một người con gái Bắc khác.



    Tôi có cảm giác, thời gian quá thiên vị nguyên mẫu “ Cô Bắc kỳ nho nhỏ” trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Không còn trẻ nữa – Tất nhiên rồi! – nhưng chị Oanh vẫn giữ nguyên vẻ đẹp thánh thiện thời con gái. Chị hứa một ngày đẹp trời, sẽ cho tôi xem lại những bút tích học trò của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Nguyễn Tất Nhiên. Các con của chị, từ lâu cũng tò mò và vòi vĩnh mẹ Oanh cho xem “kho kỷ vật” từ lâu chị trân trọng giữ gìn. Chị Hoàng Thị Kim Oanh bây giờ vẫn nền nã dịu dàng, nhưng không hề “ ngầm ý khoe khoang” hay “ giả bộ ngoan hiền”, như lúc sinh thời nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đã “trách oan”… một cô Bắc kỳ khác…

    Diệp Hoàng Mai (November2013)


Working...
X