Một cô gái 15 tuổi rất bình tĩnh nói: “Thưa ông Nuttel, cô tôi sắp xuống đấy ạ; trong khi chờ đợi, xin ông vui lòng cho tôi được tiếp chuyện ông.”
Framton Nuttel cố gắng nói điều gì lịch thiệp có thể làm đẹp lòng cô cháu lúc này mà không tỏ ra thiếu lễ độ với bà cô sắp xuống lầu. Trong thâm tâm, ông nghi ngờ hơn bao giờ hết, không biết những cuộc viếng thăm xã giao một lọat những người hoàn toàn xa lạ này có giúp ích gì cho việc điều trị thần kinh mà theo nguyên tắc ông phải theo đuổi không.
Khi ông sắp sửa về tĩnh dưỡng ở miền quê này, chị ông đã nói: “Tôi biết trước sự việc sẽ ra sao mà; cậu sẽ tự chôn mình ở đó và không được trò chuyện với một ai, và vì buồn phiền, thần kinh cậu sẽ còn tệ hơn. Tôi sẽ viết thư giới thiệu cậu với tất cả mọi người tôi quen biết. Tôi nhớ có vài người rất dễ thương.”
Framton tự hỏi không hiểu bà Sappleton, người mà ông tới để trao thư giới thiệu, có thuộc vào số người dễ thương ấy không.
Khi cân nhắc thấy rằng giữa họ đã có một niềm thông cảm lặng lẽ đầy đủ rồi, cô cháu gái liền hỏi: “Ông có quen biết nhiều người ở vùng này không ạ?”
Framton trả lời: “Tôi chẳng quen một ai hết. Chị tôi bốn năm trước có ở đây, tại nhà vị mục sư, và chị tôi viết thư giới thiệu tôi với một số người trong vùng này.”
Ông ta nói câu sau này bằng một giọng ân hận rõ ràng.
Cô gái bình tĩnh nói tiếp: “Vậy ông thực không biết gì về bà cô tôi sao?”
Ông khách công nhận: “Tôi chỉ biết tên và địa chỉ của bà thôi.” Ông đang phân vân không biết bà Sappleton có chồng hay góa chồng. Trong căn phòng có một cái gì khó tả hình như gợi cho thấy là nhà ấy có đàn ông.
Thiếu nữ nói: “Thảm kịch liên hệ tới cô tôi đã xảy ra vừa đúng ba năm trước đây, có lẽ từ thời bà chị ông còn ở đây.”
Framton hỏi: “Thảm kịch à?”; dầu sao nơi đồng quê yên tĩnh này dường như không phải là chỗ có thể có thảm kịch xảy ra.
Cô cháu gái chỉ chiếc cửa sổ lớn kiểu Pháp mở rộng nhìn ra một sân cỏ và nói tiếp: “Chắc ông ngạc nhiên tại sao chúng tôi lại để chiếc cửa sổ kia mở rộng vào một buổi chiều tháng mười.”
Framton nói: “Tháng này năm nay cũng ấm áp lắm đấy chứ, nhưng chiếc cửa sổ ấy dính líu gì tới thảm kịch kia không?”
“Cũng ngày này ba năm trước, chồng và hai người em trai của bà cô tôi đã bước qua chiếc cửa sổ này để đi săn bắn. Không bao giờ họ trở về nữa. Khi vượt qua bãi sình mà họ thích tới bắn chim mỏ nhát, cả ba đều bị chết chìm ở một chỗ sa lầy hiểm ác. Ông biết không, mùa hạ năm đó, mưa lớn ghê gớm, và những chỗ vẫn an toàn trong những năm trước thì năm đó bị lở sụt bất thình lình mà không ai ngờ trước được. Người ta không bao giờ tìm lại được thi hài họ, và đó là điều khủng khiếp nhất trong câu chuyện. ” Tới đây, giọng nói của cô bé không còn bình tĩnh nữa mà trở nên ngập ngừng. “Bà cô đáng thương của tôi lúc nào cũng nghĩ rằng một ngày kia họ sẽ trở về, với cả con chó nhỏ lông dài màu nâu cùng chết với họ, và họ sẽ bước qua chiếc cửa sổ này như họ vẫn thường làm. Bởi vậy nên chiếc cửa sổ để mở mỗi buổi chiều tới tận lúc nhá nhem tối. Tội nghiệp cho bà cô yêu quý của tôi, bà thường kể lại cho tôi hay họ ra đi ra sao, chồng bà thì khóac chiếc áo mưa màu trắng trên tay và Ronnie người em nhỏ nhất của bà, thì đang hát bài “Bertie, tại sao em nhảy?” như xưa nay anh vẫn hát để trêu bà vì bà nói rằng bài hát đó làm bà khó chịu. Ông biết không, nhiều khi những buổi chiều yên tĩnh như chiều hôm nay, tôi gần như có cảm giác rợn người là tất cả bọn họ sẽ bước qua cửa sổ kia để vào trong nhà….”
Cô bỗng ngừng lại và hơi rùng mình. Framton cảm thấy nhẹ mình khi bà cô vội vã bước vào phòng và rối rít xin lỗi vì bà đã chậm ra tiếp khách.
Bà nói: “Tôi mong rằng Vera đã tiếp chuyện ông vui vẻ.”
Framton nói: “Cô ấy rất đáng mến.”
Bà Sappleton nói mau: “Mong rằng ông không phiền vì chiếc cửa sổ ấy để mở. Nhà tôi và các em tôi đi săn sắp về, và bao giờ họ cũng vào bằng lối này. Hôm nay họ đi săn chim mỏ nhát ở đồng lầy và họ sẽ làm bẩn hết những tấm thảm của tôi. Đàn ông, các ông vẫn vậy, có phải không ạ?”
Bà tiếp tục nói liến thoắng và vui vẻ về săn bắn, về việc chim chóc khan hiếm và về hy vọng có vịt trong mùa đông tới. Đối với Framton, câu chuyện thực ghê sợ. Ông cố gắng một cách tuyệt vọng mà chỉ có kết quả phần nào trong việc lái câu chuyện sang một vấn đề đỡ rùng rợn hơn; ông ta ý thức được rằng bà chủ nhà chỉ chú ý ít tới ông và mắt bà luôn luôn nhìn qua ông về phía cửa sổ để mở và chiếc sân cỏ bên ngoài. Thực là một sự trùng hợp không may mà ông đến thăm nhà này đúng ngày kỷ niệm tấn thảm kịch.
“Các bác sỹ đều đồng ý bắt tôi phải tĩnh dưỡng hẳn, tránh hoàn toàn sự kích động tinh thần và tránh tất cả cái gì có tính cách thể dục mạnh bạo.” Framton nói vậy, vì tưởng lầm cũng như rất nhiều người rằng những người xa lạ hoàn toàn và những người quen biết ngẫu nhiên thường khao khát được nghe từng chi tiết nhỏ nhất về bệnh trạng và tật nguyền của người ta, cùng nguyên nhân và cách điều trị. Ông nói tiếp: “Về ăn uống thì họ lại không đồng ý kiến với nhau lắm.”
Bằng giọng ầm ừ chỉ cốt thay thế cho cái ngáp sắp tới, bà Sappleton nói: “Không à?” Và bỗng nhiên bà tươi hẳn lên rồi nhanh nhẩu chú ý– nhưng không phải tới câu Framton đang nói.
Bà kêu lên: “Có thế chứ, họ về kia rồi, vừa vặn đúng giờ uống trà, và trông họ hình như dính đầy bùn tới mắt đấy nhỉ?”
Framton hơi run lên và quay về phía cô cháu với cái nhìn ngụ ý tỏ niềm thông cảm. Cô bé đang nhìn qua cửa sổ mở với một vẻ sợ hãi sửng sốt trong đôi mắt. Lạnh toát người và nghẹt thở vì một sự sợ hãi không căn cứ, Framton quay tròn trên ghế và cũng nhìn về phía đó.
Trong ánh sáng hoàng hôn tối dần, ba bóng người đang băng qua bãi cỏ tiến về phía cửa sổ; họ đều mang súng trong tay, và một người trong bọn họ có thêm một chiếc áo màu trắng trên vai. Một con chó lông dài mỏi mệt theo ngay sau gót họ. Không một tiếng động, họ tới gần căn nhà, rồi một giọng trẻ tuổi và khàn khàn cất tiếng hát trong bóng tối nhá nhem: “Tôi bảo, Bertie, tại sao em nhảy nhót?”
Framton cuống cuồng nắm lấy chiếc mũ và cái gậy chống; chiếc cửa hành lang, con đường đá, và chiếc cổng ngòai là những chặng đường mà ông mơ hồ nhận ra trong lúc ba chân bốn cẳng tháo lui. Một người cưỡi xe đạp trên đường phải đâm liều vào một bụi cây để tránh sự đụng nhau chắc chắn.
Người mang áo choàng trắng bước qua cửa sổ vào nhà và nói: “Mình ơi, chúng tôi về đây rồi, và lấm bùn be bét, nhưng bùn cũng gần khô hết rồi. Người nào bỏ chạy lúc chúng tôi về thế?”
Bà Sappleton nói: “Đó là một người bệnh thật kỳ lạ, tên là ông Nuttel; ông ta chỉ nói về bệnh tình của mình, rồi phóng chạy mất, không một lời cáo biệt hay xin lỗi, khi mình và các em về tới nơi. Người ta ngờ rằng ông thấy ma hiện hình chăng.”
Cô cháu bình tĩnh nói: “Cháu đoán là vì con chó; ông ta nói với cháu rằng ông ta rất sợ chó. Có lần ông ta bị một đàn chó đói đuổi và phải chạy vào một nghĩa địa ở đâu bên bờ sông Ganges và phải ngủ đêm ở trong một chiếc huyệt mới đào trong khi những con chó cứ gầm gừ, nhăn răng và sùi bọt mép ngay trên đầu ông. Như vậy thì ai mà chẳng hết hồn.”
Bịa chuyện một cách lanh lẹ là biệt tài của cô bé vậy.
Chuyển ngữ - Lê Bá Kông
Comment