Announcement

Collapse
No announcement yet.

CHUYEN TAU HOA

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • CHUYEN TAU HOA

    Chuyến Tàu Hỏa.

    Lê Xuân Dung (77KNN)

    Những năm học tại trường SPKT (1977-1981), tôi thường về thăm nhà ở Biên Hoà bằng xe lửa. Thời mà phương tiện giao thông thật hiếm với những chuyến xe lửa chật ních người, ai ai cũng chen lấn để leo lên những toa tàu không đủ chổ chứa. Người và hàng hóa chất chồng lẫn lộn. Rất nhiều lần, tôi được ông anh thứ Sáu (TP-74KNN) giúp sức trèo lên tàu, qua cửa sổ. Đó là những ngày may mắn khi lọt vào được bên trong, vì có hôm tôi chỉ đứng được một chân trên bậc cửa, choàng tay qua hai lớp người đứng phía trước để vói nắm lấy thanh sắt. Hai lớp người này cũng chỉ đứng được ở bậc cửa, và khi xe lửa chạy ngang cầu Gành, chúng tôi phải ép sát người vào trong vì thành cầu chạy sạt sau lưng.

    May mắn là Biên Hòa-Thủ Đức chỉ có 15 km, cho nên tôi thường về thăm nhà, gặp ba tôi, người rất nghiêm khắc với con trai nhưng lại rất cưng con gái. Má tôi kể lại: Sau khi chị Hai tôi ra đời, tiếp theo là một loạt 5 ông con trai. Lần nào vô thăm nuôi, ba tôi cũng hỏi: “Con trai nữa hả?” với vẻ mặt thất vọng. Vì vậy, khi tôi chào đời, Ba tôi rất mừng và rất … “cưng” tôi. Cũng vì được cưng nên tôi rất…lì.

    Tết đến, khi 5 ông anh sắp hàng để chụp hình thì tôi nhất định không chịu đứng vô hàng. Kết quả là có tấm hình dưới đây:



    Nhớ ngày đi học Mẫu giáo, khi có khách đến, má tôi bắt hát múa cho khách xem. Tôi lung túng quên mất, không còn nhớ bài gì để “đơn ca”, chỉ nhớ một bài đang tập là hoạt cảnh “Công chúa ngủ trong rừng”. Tôi cùng với các bạn khác đóng vai “cây rừng”, cầm cành hoa vẩy vẩy. Một cặp “đẹp đôi” nhất trong lớp được làm công chúa và hoàng tử đi vòng vòng trong rừng cây. Chúng tôi cùng hát theo điệu “Giờ ăn đến rồi”:

    -“ Rừng cây gió đùa, rừng cây gió đùa.

    Nàng tiên đi, nàng tiên đi.

    Hoa lá reo bên tai nàng, hoa lá reo bên tai nàng.

    Cho nàng vui! Cho nàng vui!”

    Vì chỉ nhớ bài này nên tôi bước ra làm động tác múa, nhưng vì không có các bạn cùng đội hình nên tôi khựng lại và không đi được nữa. Thế là sau khi khách về, tôi bị má “đét” cho mấy roi vì cái tội không chịu múa hát. Tôi khóc tức tưởi vì nỗi oan ức của mình.

    Biết tính tôi nhút nhát, một ngày kia, Ba kéo tôi ra sau hè, nói: “Con hát cho ba nghe đi!”. Thế là tôi hát bài “Con mèo mà trèo cây cao.” với đủ các động tác trình diễn.

    Mỗi ngày, tôi được Ba chở đi học mẫu giáo và đôi khi chở tôi vào ty tiểu học Biên Hòa, nơi Ba làm kế toán lương, phía trước là trường Nguyễn Du (nơi ba dạy học trước đó). Có ngày bận phát lương về trễ, Ba nhờ cô giáo gửi tôi sang nhà của ông chú họ ở cạnh trường Mẫu giáo. Thiếm cho tôi tô cơm, tôi không chịu ăn, nước mắt lưng tròng. Hơn 12 giờ trưa, thấy Ba chạy chiếc Mobylette đến, tôi chạy ra và òa khóc. Ba tôi cười to, ẳm tôi lên. Thiếm tôi chạy ra phân trần: “ Tui bới cơm mà nó không chịu ăn!”. Lúc đó tôi không hiểu tại sao tôi khóc mà Ba lại cười!

    Tối đến, Ba tôi ngồi xếp bằng đọc báo, tôi nằm trong lòng Ba, ngước lên dùng nhíp nhổ râu cho Ba.

    Ba tôi thích xem phim Đô vật ở đài Mỹ (băng tầng 11). Tôi nói: “Mai mốt lớn, con sẽ mua TV mới cho Ba coi cho đã!”. Ba má tôi đều cười. Má nói: “ Biết lúc đó có còn chiếu hay không!”.

    Và đúng như lời Má nói, sau năm 75, gia đình tôi cực kỳ khó khăn sau các đợt đổi tiền. Công khố phiếu mà Ba tích góp cho các đứa con, nay trở thành các tờ giấy lộn. Đàn con 12 đứa mà Ba thường tự hào nay trở thành gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền. Và Ba tôi ra đi khi vừa đúng 60 tuổi, chưa có một ngày nghỉ hưu, chưa thấy được quê hương dần đổi mới.

    Bài “Cổ Thơ” Cuối Cùng

    (1978)

    Chuyến tàu hỏa đưa con về quê mẹ,

    Nụ cười tươi, Ba đón đứa con khờ.

    Con bàng hoàng nhìn mái tóc hoa râm,

    Nhìn trán Ba nhăn thêm nhiều nếp gấp.

    Ba của con, tuổi đời càng chồng chất,

    Con lớn lên trong biển ngập tình thương.

    Vai Ba nặng khổ đau hơn nhiều vui sướng.

    Tim con đây, dòng máu đỏ thấm tràn.

    Trái tim con mang nặng công Cha Mẹ,

    Đâu sánh bằng các ngón tay Ba,

    Ngón tay Ba gỏ trên máy tính,

    Ba phát lương người và phát cả lương Ba.

    Ba phát cho con nghị lực vào đời:

    Là tranh đấu, là hy sinh, chịu đựng.

    Ba hỏi con: - “Sao về tối vậy?”

    Con trả lời: - “ Xe lửa nặng vì toa.”

    Còn Ba con: đầu tàu hỏa suốt đời,

    Kéo theo sau một đàn con thơ dại.

    **

    Chủ Nhật rồi Ba gọi con thức dậy,

    Trao cho con dĩa xôi đậu trắng ngần:

    - “ Ăn đi con! Ba nấu từ sáng sớm,

    Lúc con Ba còn mê mãi ngủ say!.”

    Ba ơi, Ba! Thật con Ba hư quá!

    Vậy mà Ba còn đi chợ thay con.

    Ba mua cho con bánh ngon, trái ngọt,

    Biết nói sao đây con nghẹn lời rồi!

    **

    Thế là hết một ngày Chủ nhật!

    Còi tàu kêu như thúc dục bước chân.

    - “Thưa Ba, con đi!” Lòng buồn khôn tả.

    Ba của con: Đầu tàu hỏa suốt đời."

    1978

    LXD - 77KNN

    ** Comments** (3)

    Jun 13, 2012 at 21:20:49 Khang Pham (72KNN)

    Hi XDung,

    Bài viết rất cảm động nói lên bao kỷ niệm giữa cha và cô con gái duy nhất. Cũng như em, tỉnh phụ tử đối với anh rất nhiều kỷ niệm, để rồi khi cha ra đi ... không có con bên cạnh !

    YThu (74KNN)

    Hi XDung,

    Cám ơn XDung đã chia xẻ tình cha với web nhà.

    Mỗi người chúng ta đều có những niềm thương nỗi nhớ về cha mẹ. Bài viết của em gợi nhớ ít nhiều tâm tình của chị về ba của mình.

    Chúc em luôn vui và liên lạc thường xuyên nhé.

    Chị Thu

    Thu, June 14, 2012 10:54:52 PM NLan (74KNN)

    Hi Xuân Dung,

    Đọc chuyến xe lửa của em chị nhớ kỷ niệm nhỏ, hồi đó cuối tuần chị hay lên SG thăm cô chị và đi xe lửa về Thủ Đức, chuyến xe lửa SG - TĐ-Biên Hoà đông nghẹt ngươì , hômđó đứng gần chị có 1 anh chàng mặt muỉ trắng tinh cũng cở tuổi chị 19-20, hỏi chuyện làm quen, kiểu "cho anh xin số nhà, cho anh biết tên đường và cho anh biết tên em luôn" đó mà, chị hiền nhưng cũng nghịch ngầm, chị cho địa chỉ lèo và tên giả đại khaí " số 1 Hoàng Diệu, emtên Ái Da", anh ta cầm bút viết vào sổ tay mà mặt muỉ đỏ kè , tay run như cầy sấy , không viết được ,anh ta còn nói " Run quá". Chị thấy tức cười quá, nghĩ bụng định nói nhưng thấy tội nghiệp nên im luôn. "Tôi có ăn thịt ăn cá gì anh đâu mà anh run dzữ dzậy? Mặt anh đỏ như gà mái mà bày đặt tán gái. Chào tạm biệt và không hẹn ngày tái ngộ" Ở Mỹ Chủ nhật này 17 tháng 6 là ngày" Father day " đóem . Đọc bài " Chuyến xe lửa" của em chị rất cảm động , chị cũng có những kỷ niệm na ná giống em, nhờ em viết lại làm chị nhớ, nhìn cái hình em hồi nhỏ thấy dể thương và tức cười thì thôi. Chị thì có bài "Kià con bướm vàng, kìa con bướm vàng", mỗi lần có bạn của mẹ chị tới, hát và muá lại được thưởng cho 1 đồng bỏ hũ bùng binh. Một hôm có bài hát mới muốn khoe

    "Trời mưa xuống rồi, trời mưa xuống rồi,

    Nước đầy ao, nước đầy ao"

    Hát đến đó tự nhiên tắt tịt, mắc cỡ quá xà vào lòng mẹ khóc "Con quên rồi". Từ đó năn nĩ cách mấy chị cũng không chịu hát nữa. Còn Ba chị thì phát lương cho lính, tiền năm cắc hồi đó họ không lấy, lại cho chị bỏ đầy con heo đất. Cuối năm đập ra chả còn đồng nào vì ông anh chị có "biệt tài thụt ống" nên ngồi ôm heo đất khóc ròng. Thường thì Ba thương con gái hơn, mà không thương làm sao được, hồi nhỏ chị được tiếng ngoan hiền, học giỏi.

    " Con của ba rất ngoan, con của mẹ rất hiền" mà, ba chị thích nấu cho con ăn . Mổi lần chị về thăm nhà , Ba lại đi chợ nấu nhửng món ngon cho chị ăn , mà ba nấu ngon thật, có lẻ ba bỏ tất cả tình thương vào trong đó nên có mùi vị thật đặc biệt mà không ở đâu có được, nhất là món bún riêu cua, bún bò Huế, bún chả Hà nội, và nhất là món chả giò. Vậy mà chị chả nấu đựơc món nào ra hồn cho Ba ăn cả, Ba cũng chả dám chê, chỉ có muối dưa là ba khen ngon, nghĩ chị tệ thật. Bây giờ Ba chị bị Stroke, không nấu nướng gì nửa cả. Ba thích ăn gì thì ra tiệm mua về cho Ba ăn, Ba ăn được khoẻ được là chị vui rồi. Hè này chị sắp được về thăm Ba nên chị nôn nóng lắm. Nhưng đọc đến câu :

    "Thưa Ba , con đi! "Lòng buồn khôn tả,

    Ba của con: Đầu tàu hoả suốt đời"

    Chị lại không cầm được nước mắt. Nghĩ suốt cả đời ba hy sinh nuôi cả gia đình con cái nên ngươì , bây giờ già ngồi một chỗ. Hôm Ba chị bị stroke không tự ăn được , con trai chị đút cho ba chị ăn, mà ba chị tủi thân khóc ròng nói " Sinh , lão, bịnh, tử" nghĩ tội nghiệp ba chị quá. Sau ba chị về VN châm cứu và khoẻ trở lại, cũng may chị còn có ba.

    Vài hàng tâm sự và chia xẻ với em, chúc em sáng tác đều nhé,

    Thân mến.
Working...
X