Báo Xuân
Hôm qua ghé cô bạn để lấy cuốn báo Xuân Người Việt và đặc san Người Việt 35 Năm. Năm nào vợ chồng Trúc cũng được nàng tặng số đặc biệt Xuân Người Việt vì nàng biết tụi T thích đọc báo, rất cám ơn chân tình cuả nàng.
T kể với nàng, hồi nhỏ nhà Ngoại bán sách báo nên T được đọc báo , truyện miễn phí, đọc đủ thứ thượng vàng hạ cám, mê Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, Thiếu Nhi, Tự Lực Văn Đoàn…thích tranh vẻ bià cuả ViVi, yêu nét vẻ đơn sơ cuả Bé Ký…
Tết Mậu Thân nghỉ học mấy tháng nướng nguyên bộ Tây Du Ký cuả Nội, rồi Phong Kiếm Xuân Thu, Phong Thần Diễn Nghiã, Tam Quốc Chí…, toàn những quyển sách cầm lên rồi thì khó bỏ xuống, giống như người ta xem phim bộ vậy đó. Sau này có truyện Kim Dung rất lôi cuốn, năm 76 thi rớt đại học, ở nhà vưà đan len, vưà luyện chưởng từ Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Cô Gái Đồ Long, Tiếu Ngạo Giang Hồ…tình tiết hấp dẫn quá làm sao buông sách được. Tôi phục mấy người viết này lắm, sao mà họ có sức tưởng tượng phong phú đến như vậy! Nhưng đó là những quyễn truyện đọc để giải trí mà thôi, khi xếp sách lại, nó ít để lại lòng bạn những vấn vương.
Có loại sách khác, truyện không có nhiều gút mắc nhưng ý tưởng, lời văn, câu cú sao đọc tới đâu óc mình rãn ra tới đó, lòng cứ lâng lâng theo từng dòng chử, đọc đi đọc lại cho thấm đẫm tâm hồn, sao người ta viết hay như vậy và ước ao mình cũng viết được như thế. Và tôi rất trân quý những quyển sách, những đoản văn luôn đem đến lòng tôi những giây phút quên đời.
Nhưng mỗi năm, khi mai vàng đơm nụ, báo Xuân và nhạc Xuân là hai thứ đem lại không khí ngày Tết nhất, làm gì thì làm Tết là phải đọc báo Xuân chứ không đọc sách truyện gì khác. Hồi còn đi học, tôi mê đọc báo Xuân cuả các trường trung học, những quyển đặc san quay ronéo đen trắng, còn thơm mùi giấy mới, những bài viết, hình vẻ minh hoạ rất hợp với tuổi học trò, được sáng tác bởi các tác giả đang ở lứa tuổi thưở mơ làm văn sĩ.
Sau 75, hình như tôi không đọc báo Xuân một thời gian dài, mãi đến Tết 1982, ở trại tị nạn Galang, tôi mới có được tờ báo Xuân cuả bán nguyệt san Tự Do (lúc đó có sự cộng tác cuả nhà văn Nguyễn Mộng Giác mới chân ướt chân ráo nhập trại). Ở trại tị nạn, thèm đọc báo tiếng Việt lắm, may làm sao ở trại Galang, cứ mỗi tháng hai lần có tờ Tự Do do trẻ em rao bán khắp các ‘barrack’, khổ 8x13, ronéo, 600 đồng tiền Indo (khoảng 1 đô la) nhưng bao giờ tôi cũng để dành tiền mua, và đến ngày Tết báo cũng có số cho ngày Xuân.
Sang đến Mỹ, lại bẵng đi thời gian đầu, không có báo Xuân. Sau này, khi có đông người Việt thì mới có báo Xuân phát hành dịp Tết, tuy vẫn thích đọc báo Xuân đó chứ, nhưng tôi không bao giờ tìm được rung động cuả những ngày Xuân xa xưa.
Trúc Lâm
28 tháng Chạp - Quý Tỵ
Comment