Announcement

Collapse
No announcement yet.

TẢN MẠN VỀ “DẤU NGỰA HỒNG” TRONG ÂM NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • TẢN MẠN VỀ “DẤU NGỰA HỒNG” TRONG ÂM NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN

    TẢN MẠN VỀ “DẤU NGỰA HỒNG” TRONG ÂM NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN.

    TuanTon


    Vậy là “ Người hát rong qua cõi tạm”đã ra đi được hơn năm năm và để lại cho người yêu nhạc một “gia tài âm nhạc” khoảng hơn hai trăm bài ca từ tình ca, nhạc phản chiến,cho đến nhạc phim... cùng với sự tiếc nuối khôn nguôi của nhiều thế hệ trẻ Việt nam qua nhiều thời đại và xã hội. .Số lượng bài hát tuy không đồ sộ nhưng mỗi bài hát của Trịnh công Sơn viết ra đều chuyên chở một lời tự sự về tâm trạng, thân phận con người,quê hương... trong một giai đoạn lịch sử bi thương của dân Việt.Hình ảnh ẩn dụ,ca từ triết lý...quyện lẫn trong sự thầm thì, tỉ tê của mùa mưa xứ Huế( những cơn mưa thối trời,thối đất... và lạnh cắt da hay cái nắng khô quắt người của gió Lào từ cánh đồng chum thổi qua dãy Trường sơn ở vùng Bắc miền Trung trong những ngày mùa hạ) lẫn vào những đền đài miếu mạo,thành quách,lăng tẩm,chùa chiền... nằm trơ gan cùng tuế nguyệt bên những “nhịp cầu cong và con đường thẳng” của cố đô Huế trầm mặc.( mà lịch sử nhà Nguyễn hoàn thiện bản đồ Việt nam với hơn một nữa lãnh thổ được mở rộng về phía Nam từ hơn ba trăm năm trước).

    Gốc gác tổ tiên là người Minh Hương bị thất bại trong phong trào “Phản thanh,phục Minh” rồi theo chân Mạc Cửu lưu lạc vào đất Việt,chọn nơi đây làm quê hương mới,trong bước chân của những ‘lưu dân” xưa có tổ tiên của cố nhạc sĩ và rồi theo dòng chảy của lịch sử, Trịnh công Sơn theo gia đình tiếp tục lưu lạc từ Ban mê thuộc ra Huế, vào Quy nhơn (học trường sư phạm) rồi lên Bảo lộc (Đi dạy)... .Sau năm 75,ông trở về Huế rồi chọn Sài gòn làm trạm dừng chân cuối cùng trước khi an nghĩ tại nghĩa trang Gò dưa (Biên hòa).

    Có lẽ vì vậy mà trong tâm thức của Trịnh công Sơn luôn lẫn khuất cái hình ảnh mạnh mẽ,hào hùng của vó ngựa hồng rong ruỗi trên những cánh đồng bất tận để rồi những hình ảnh đó trong sâu thẳm đâu đó của vô thức chợt miên man lên trong nghĩ suy để rồi nhiều lần chợt xuất hiện trong những bản nhạc của Trịnh công sơn, tận đến những tác phẩm cuối đời trước khi Ông chia tay với "cõi tạm".

    Trong “Phúc âm buồn”,hình ảnh chuyến xe ngựa với từng vòng bánh xe lăn chậm như để chuyên chở những kiếp người du hành qua cõi tạm để đi đến vùng đất của cõi tâm linh.Qua tia nhìn như ánh nắng lóe chiều hôm của một kiếp người :”Người nhìn mãi theo từng chuyến xe ngựa qua rồi.,người nhìn mãi xe lăn đi dấu lăn trên đời.Ngựa xa rồi,người vẫn còn...,bụi về với mây” hay :”Ngựa xa rồi,ngựa xa rồi,trên ngày tháng vơi” và trong câu kết của bài hát,vẫn còn đó thanh âm của chuyến xe ngựa cuối vừa trôi xa theo bóng tối dần trôi của một ngày sắp tới :”Ngựa xa rồi,người vẫn còn ngồi hoài giữa đêm”.


    Từng đêm thao thức trằn trọc với những nghĩ suy về kiếp nhân sinh,buổi sáng thức dậy,Trinh công Sơn vẫn đắm chìm trong dòng suy nghĩ lẫn quẫn,không “giải thoát” khi ông cố đi tìm “cái tôi” tự hữu,cái bản ngã “ đích thực” của đời mình ẩn trong xác thân con người như là “vó ngựa chở pháp” đi.

    Trong “Xa dấu mặt trời”ông tự sự :”Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời ,không còn thấy loài người.Vó ngựa trên đời ,hay dấu chim bay?”

    Rồi trong “Xin mặt trời ngủ yên”,ông lại viết :”Ngựa hồng đã mỏi vó ,chết trên đồi quê hương.Còn có ai ,không còn người ?Ôi nhân loại ,mặt trời trong tôi...”


    Ở trong bản nhạc “Chỉ có ta trong đời”,Trịnh công Sơn đã xác tín cho “pháp thân” của mình bằng lời thú nhận của một gã “Troubadour” trong kiếp nhân sinh :”Đời vẽ tôi tên mục đồng,rồi vẽ thêm con ngựa hồng,từ đó tôi lên đường phiêu linh”.

    Sự lẫn quẫn không giải thoát này đôi khi cũng là một “công án thiền” cho một phật tử chợt “đốn ngộ” sau những tháng ngày triền miên trong bến “ Giác” mà chưa tìm ra bờ của “Ngộ”.Trong “Một ngày như mọi ngày”,hình ảnh chuyến xe ngựa chở “pháp thân” cũng lẫn quẫn theo dòng quay của luân hồi :”Một ngày như mọi ngày,xe ngựa về ngủ say...!”


    Hình ảnh "vó ngựa" cũng lại tái hiện trong “Một cõi đi về” khi Trịnh công Sơn chìm đắm trong dòng suy tưởng của sự sống và cái chết,của giờ khắc thân xác ra đi vào cõi vĩnh hằng :”...Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”.

    Một đôi khi trong những đêm mưa rả rích ở Huế,ký ức xưa cũ chợt sống dậy khi tỉnh giấc cùng hoài niệm .Ông nhớ tiếng lao xao của xe ngựa từ cửa Thượng Tứ mỗi sáng sớm gõ guốc vào Thành nội,ở đâu đó trong huyết quản của Ông, lời nhắn nhủ mơ hồ của người xưa đã khuất :”Đường phố buồn mọi người đi vắng.Trong kinh đô tiêu điều dấu ngựa hồng...!” ,trong bài “Có những con đường” tư ông đã viết nên những ca từ hoài cổ trong buổi sáng mùa đông rét buốt ở đất thần kinh mộng mơ linh diệu.

    Trong tâm trí của Trịnh công Sơn, cuộc sống luôn lỡn vỡn quẫn quanh giữa tử sinh li biệt. Ông luôn nghiền ngẫm và triết lý về nhân sinh,ông đắm chìm trong chơi vơi giữa” hạnh phúc và nước mắt”,giữa thân phận của cá nhân từng con người trong số phận của dân tộc Việt trong cuộc chiến tranh mưa máu của xã hội Việt nam thời thanh niên ông đã sống.Ông tìm thấy sự đồng cảm với cả một thế hệ thanh niên cùng lứa về sự lạc loài và mất phương hướng.

    Trong “Dấu chân địa đàng” Ông đã thốt lên một câu mệt mỏi và chua chát :”Ngựa buông vó,người đi chùng chân đã bao lần,giữa đêm vắng lời ca Dạ lan như ngại ngần...!”.Để rồi ,khi bỏ công đi tìm một” bóng hồng đích thực”đeo đuổi trong tâm trí của mình, trong trạng thái mặc khải của tâm hồn,ông run rẫy đón nhận và khi đưa tay “ôm ấp” cái thuần khiết,trinh nguyên của cái đẹp thì trong ông cũng chợt bùng lên sự xót thương vì tiếc nuối và mất mát sẽ tiếp nối theo sau.Ông đau xót khi nhận ra cái “ vô thường “ của cái đẹp trong phút giây chợt thoáng qua bằng ánh nhìn nghiền ngẫm và suy tưởng của một “triết gia”.

    Trong “Đóa hoa vô thường”,ông lại viết :”Từ đó trong hồn ta,ôi tiếng chuông não nề,ngựa hí vang đường xa,vọng suốt đất trời kia...!”


    Sau năm bảy lăm ,sống không nỗi với đám “văn nô” ở đất Huế,Trịnh công Sơn bỏ xứ ra đi.Ông vào Sài gòn và sống trong một căn nhà nhỏ trong hẽm trên đường Phạm ngọc Thạch cùng với mẹ và em gái.Trong con người phiêu bạt và tâm hồn lãng đãng của Trịnh công Sơn,hình ảnh những chuyến xe thổ mộ từ sớm mai ở vùng ngoại ô Gò vấp, với bước chân tấp tễnh và lọc cọc của những chú ngựa thồ già nua mang rau cỏ hoa trái vào nội thành Sài gòn ,đâu đó chợt sống dậy trong tiềm thức sâu thẳm đã lãng quên của Trịnh công sơn.Trong nhạc phim Ông viết mang tên :”Em còn nhớ hay em đã quên” chợt vọng lên :”Tiếng ngựa thồ ngoại ô xa vắng.Lối em qua,gạch đá quen tên..."


    Không biết vô tình hay hữu ý mà hầu như tất cả các bản nhạc của Trịnh công Sơn khi có viết về “bóng ngựa hồng” thì đều được viết bằng giọng thứ (Minor) mang đầy tính tự sự tràn đầy cảm xúc?

    Tự bao giờ,trong huyết quản của Trịnh công Sơn,Huế bàng bạc trong từng cách nhìn,cách nghĩ,trong hơi thở và trong cuộc sống của cố nhạc sĩ .Điều này,làm cho người viết mơ hồ cảm nhận và khám phá ra được rằng nếu chúng ta đem những bản nhạc của Trịnh công Sơn ra,đọc ca từ chậm rãi bằng đúng chất giọng Huế thì khi phát âm tự dưng chúng ta thấy giai điệu của bài hát này chợt hiện lên rõ mồn một và sự hòa quyện rất rõ khi chúng ta cất tiếng hát lên.

    Có lẽ đây cũng là một sự liên tưởng thú vị (và không phải là hoang tưởng) đã tạo cho những nhạc sĩ xuất thân từ đất “thần kinh “ khi viết nhạc theo “gout Huế”,chúng ta lại theo cách nói trên để kiểm chứng thêm một nhận định.Thế nên nhà thơ Bùi Giáng,trong những ngày lưu học ở Huế đã viết nhiều câu thơ rất dễ thương về mãnh đất cố đô:

    “Dạ thưa xứ Huế bây giờ

    Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương!”

    Sydney,ngày mồng một năm Giáp Ngọ

    Tôn thất Tuấn

  • #2
    Mỗi khi thấy Bùi Giáng lang thang đến gần nhà lại phải ra đuổi đám trẻ con đi theo phá đám để mời 'chàng' thi sĩ vào uống nước và nghe chàng nói chuyện 'thiên cung'. Áo quần và người ngợm chàng trông khá lôi thôi, nhưng nét mặt lại rất thông minh và nhất là đôi mắt rực sáng. Lúc nào thi sĩ cũng không quên mang theo cái cây nhỏ dùng làm 'Đả Cẩu Bổng' và vác cái túi vải cũ đựng vài cuốn sách tiếng Pháp ghi đầy những chú thích bí ẩn và những dấu xanh, đỏ, gạch xóa ngổn ngang. Hai câu thơ 'huề vốn' mà bạn Tuấn Tôn đã dẫn chứng gợi nhớ nhiều đến những phút giây gặp gỡ ngắn ngủi xa xưa với nhà thơ xứ Quảng đã một thời rất nổi tiếng này.

    “Dạ thưa xứ Huế bây giờ

    Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương!”

    Đáng lẽ ra câu đầu nhà thơ phải viết là 'Dạ thưa xứ Huế bây chừ' thì mới đúng với ngôn ngữ địa phương. Nhưng nếu chọn chữ 'chừ' thì sẽ rất khó viết câu kế tiếp cho có vần điệu. Vì thế tác giả đã khôn khéo giữ lại chữ 'bây giờ' để rồi sau đó chọn chữ 'bên bờ' cho câu kế tiếp, như thế sẽ dễ dàng hơn nhiều phải không bạn Tuấn Tôn ?

    P.S.

    Gọi là thơ 'huề vốn' vì có bao giờ núi Ngự lại không ở bên bờ sông Hương.




    Thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998)

    Comment


    • #3
      Dear anh Hùng,

      Cám ơn Anh nhiều vì khi đọc bài viết này anh đã rất linh hoạt áp dụng vào để đọc hai câu thơ của Bán Dùi (í lộn,Bùi Giáng).Trước ở VN có một nhà thơ tên là Bút tre cũng có những câu thơ ngẫu hứng nhưng vẫn giữ đúng niêm luật,ví dụ :

      "Hôm nay mồng tám tháng ba

      Chị em phụ nữ uống trà với đương !(đường )"

      Hay là câu :

      "Con đò dịch đít sang ngang

      Bên tê có một cái làng thò ra..."

      Cho nên ,thể theo yêu cầu của Anh và học lóm đôi chút từ nhà thơ Bút tre,kính lạy hương hồn cụ Bùi Giáng,Tuấn xin viết lại như sau :

      "Dạ thưa xứ Huế bây chừ

      Vẫn còn núi Ngự bên bừ sông Hương !(bờ sông Hương)

      Tạm gọi là giọng thơ "hết tiền" được không Anh?

      Thân chúc anh Hùng và Quý anh chị trên diễn đàn năm mới nhiều sức khỏe,sức khỏe,sức sức khỏe!

      Thân quý

      Tuan Ton

      Comment

      Working...
      X