Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn
Chúng tôi thi đậu vào lớp Đệ Thất trường Nữ Trung Học Qui Nhơn năm 1967. May mắn năm đó cô Hiệu Trưởng là cô Nguyễn Thị Gia mở thêm một lớp Đệ Thất 4, nên cả lớp chúng tôi được vinh hạnh là học trò trường công, trường Nữ nổi tiếng nhất thị xã Qui Nhơn, mà chỉ những học sinh giỏi và khá của rất nhiều trường tiểu học ở đó thi đậu mới được vào học.
Lớp tôi cuối dãy bên trái của trường, gần nhà ông 'Cai ù', tướng ông mập mạp, đầu cạo trọc lóc như ông sư. Lớp ở tầng trệt, ngồi gần cửa sổ nhìn ra những cây trứng cá, nên những đứa con nít như tụi tôi mới chập chững vào trung học cũng còn ham mấy trái trứng cá hườm hườm đỏ đỏ thật hấp dẫn trên cây. Tuy ngồi trong lớp mà mắt cứ dáo giác nhìn ra ngoài cửa sổ chỗ mấy cây trứng cá xem có trái nào chín không để lát nữa ra chơi nhanh chân lẹ tay hái trước các bạn.
Là đứa nhỏ con nhất trong lớp nên tôi ngồi bàn đầu, bên cạnh có một đứa bạn thật dễ thương. Không biết lý do gì tóc nó lại ngăn ngủn như vừa được cạo. Mỗi khi cô bạn ngồi đầu bàn bên kia cãi nhau với nó, hai đứa nói qua nói lại mà tôi nghĩ thật tức cười. Chắc bọn nó có mối thù ‘truyền kiếp’ đâu từ hồi tìểu học, học chung lớp, ở gần nhà nên mới biết nhau và ‘ghét nhau’ đến thế. Nhưng tôi không hề biết hai đứa nó giận nhau và ghét nhau chuyện gì, chỉ nghe gọi nhau là ‘đầu bum’ và ‘mỏ nhọn’ vì một đứa thì trọc đầu, đứa kia thì mỏ nhọn. Đúng là con nít, hai đứa nó cứ như mặt trời mặt trăng, tôi thân hơn với cô bạn ‘đầu bum’ ngồi gần. Chỉ vài tháng đầu đi học phải đội khăn và sau đó tóc nó mọc dài ra rồi lại cắt tém kiểu ‘demi-garçon’ trông cũng xinh đáo để.
Cô bạn tôi tuy hiền nhưng cũng hơi nghịch, giờ ra chơi là chúng tôi rủ nhau cùng hái trứng cá. Nó lanh lẹn leo cây hái cho tôi và tôi chỉ đứng dưới bên dưới, thấy trái nào thì chỉ cho nó hái. Một buổi trưa hai đứa ở lại trường sau khi ăn trưa với bánh mì, chè và bánh lọt nhà ông cai bán. Nó leo lên cây trứng cá để hái vì giờ này tin chắc ông Cai đã ngủ trưa, tha hồ leo cây mà không sợ bị bắt . Ai dè đâu lúc tôi đang chỉ chỏ ‘trái chín bên này nè, cành trên cao đó’. Đâu biết mình nói lớn làm ông Cai thức giấc và xuất hiện với cái roi bên cạnh lúc nào không hay. Tôi ba chân bốn cẳng chạy mất tiêu bỏ con nhỏ bạn đang lúng túng tìm đường trèo xuống. Chẳng may chân nó vướng ngay vào chảng ba, treo tòng teng. Nhìn hai tà áo dài bay phất phới tôi thấy vừa mắc cười vừa sợ, không biết làm sao để cứu bạn đây? Cũng may ông Cai thấy tội nghiệp nên đỡ nó xuống làm tôi mừng quá . Ông hăm lần sau bắt được là ông thưa lên cô Hiệu Trưởng, từ đó tụi tôi sợ không dám hái trứng cá nữa. Sau vụ đó nó cũng giận tôi hết mấy ngày, vậy thôi.
Hôm cô Nhĩ dạy chúng tôi may quần gài nút mà tôi thì chưa hề đụng đến chiếc máy may, đã định đem ra tiệm thuê thợ may rồi đem nộp . Bất ngờ bạn tôi bảo đem vải, kim chỉ đến nhà nó để nó may cho, mừng như ‘Mèo mù vớ cá rán’. Buổi chiều đón xe 'lam' đến nhà nó là một tiệm tạp hoá, thấy người chị đứng bán nhưng dường như nó chỉ lủi thủi ở nhà một mình, ít nói cười chứ không thường đùa giỡn và chòng ghẹo tôi như ở trường. Ngồi chơi với nó cả buổi chiều xem nó đạp máy và may xong cái quần cho tôi, phục nó ghê. Mới khoảng mười tuổi mà đã may rành rẽ như người lớn. trong khi tôi thì chuyện gì cũng được mẹ lo. Ở nhà tôi cũng chẳng có ai để đùa chơi, anh thì con trai, em thì nhỏ nên tôi cũng buồn lắm, chỉ mong mau tới giờ đi học, lên trường gặp nó để nói chuyện và đùa nghịch. Nhiều hôm nó cứ theo cột áo dài của tôi, có khi cột chung với ai đói đứng gần, khi hai đứa chạy đi mới biết là tà áo dính nhau, suýt chút nữa là rách. Có khi tôi coi lại thì áo dài đã bị cột một cục, đích thị là nó chứ không ai vào đây. Có lúc giận quá phải nói thẳng là tôi không thích áo dài bị cột như vậy. Tính nó đùa dai nên thấy tôi tức thì càng khoái chí thêm. Một hôm nó lại cột áo dài của tôi với một cô bạn khác, khi hai đứa chạy đi xếp hàng thì bị toạc một khúc. Thế là tôi giận nó, không thèm nói chuyện, không thèm nhìn mặt nhau nữa. Nó buồn mà tôi cũng buồn nhưng tự ái đứa nào cũng to như cái nhà, nên không chịu làm hoà với nhau. Thời gian cứ thế trôi qua cho đến khi phải chia ban chọn lớp, rồi tôi và nó không học cùng lớp nữa.
Đến cuối năm lớp 12 cả bọn rủ nhau đi Gành Ráng chụp hình chung, tôi và nó cũng muốn chụp hình chung với nhau nhưng nó có vẻ ngại ngần và đứng cách xa tôi. Hôm đó đi chơi về các bạn ghé qua nhà tôi chơi, lúc này nó mới biết tôi ở nhà cũng lủi thủi một mình và cũng buồn như nó vậy. Hôm đó tôi đưa cuốn ‘Lưu bút’ cho nó viết và những giòng chữ để lại đã làm cho tôi thật cảm động ‘Sau này mày có là Bác Sĩ cũng đừng quên cô thợ may nghèo này nhé’.
Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi vào Sài Gòn học Đại Học, ra trường tuy không là bác sĩ khám người nhưng cũng là bác sĩ thú y, cuộc đời đưa đẩy mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau. Tôi không liên lạc được với cô bạn thân ngày đó, dù có nhờ bạn bè tìm kiếm để mong được truyện trò và đến thăm xem cuộc sống của nó như thế nào? Nó khá thì tôi sẽ rất mừng, nếu cần tôi sẽ cố giúp đỡ cho cô bạn thân của tôi hồi mới chân ướt chân ráo vào trường Nữ trung học. Giá như thời gian trở lại và chúng tôi đừng giận nhau thì tuổi thơ và tinh bạn lúc đó vui biết là bao nhiêu. Mất đi một tình bạn ngây thơ và đẹp của thời niên thiếu là mất một cái gì quí giá, không bao giờ lấy lại được.
Ngọc Lan
Comment