( Chữ màu xanh là shortcut đến hình ảnh )
Ngồi chưa nóng ghế, tàu bay đã nghiêng cánh đáp xuống phi trường Launceston. Phi trường này nằm về phía đông bắc của Tasmania. Tasmania rộng 68,401 km2, là hòn đảo lớn nhất cũng là một bang của "Miệt dưới " ( Australia ) . Theo lời chỉ dẫn tận tình ngắn gọn của người bạn ở San Jose USA , hòn đảo nầy nằm gần New Zealand, bước mấy bước... tới nam cực!
Từ Sydney, muốn đến Tasmania chỉ có hai cách : Sáng dậy sớm, lái xe 900km xuống Melbourne rồi lái thẳng lên tàu Spirit of Tasmania, thượng vàng thì ngủ phòng riêng, hạ cám thì nằm ghế bố (recliner chair) , sáng ra là thấy cảng Devonport của Tasmania. Cách nầy đi một vòng mất 2 ngày , chi phí dọc đường cho 2 người 1 xe tính ra trên một ngàn $ AUS. Đổi lại, đồ mang theo có thể chất đầy xe từ trong ra tới ngoài .
Cách thứ hai nhanh và rẻ hơn bằng đường ... chim bay ! Giá sale one way ticket chỉ có $49 / 1 người. Tuy nhiên khi xuống đó phải mướn xe và mua bảo hiểm cỡ $450/ 1 tuần . Nếu đi chung nhóm thì tiền xe chia ra không đáng kể . Chỗ mướn xe họ sẽ ân cần hỏi tài xế có GPS chưa, nếu chưa thì họ sẽ cho mướn giá rẻ để khỏi bị lạc đường . Ai đi theo tour thì rất khỏe , sẽ được chăm sóc từ đầu đến cuối và thắng cảnh sẽ không bị bỏ sót .
Tasmania , chiều dài nhất Bắc-Nam là 364km, rộng nhất Đông-Tây là 306km, được thiên nhiên ưu đãi khác hẳn trong lục địa. Có thể là đất tốt, quanh năm có đủ nắng mưa gió tuyết cho nên nạn cháy rừng ít hơn trong lục địa. Từ đó, Tasmania có nhiều khu rừng nhiệt đới , cây cối lâu năm to cao chằng chịt . Gỗ tốt , gỗ quý ( Tasmania oak) và kỹ nghệ khai thác gỗ là những hình ảnh hiếm thấy trong lục địa . Tam bề ( đảo nầy hình tam giác ) núi non hùng vĩ biển cả bao la với rất nhiều đảo nhỏ gần bờ . Khi những rặng núi đá lấn ra sát biển sẽ có nhiều địa hình, hang động , blowhole ( lỗ phun nước ), arch ( vòm đất đá ), bãi cát trắng ... Trên đảo lại có sông hồ rải rác khắp nơi . Với chính sách bảo tồn thiên nhiên ,Tasmania có đến 19 khu công viên quốc gia , nhiều chỗ thuộc di sản thế giới. Có lẽ vậy mà hòn đảo nầy đã trở thành một trong những chỗ du lịch hấp dẩn của người dân trong nước lẫn thế giới, nhất là những người thích hoà mình hay thử sức với thiên nhiên .
Chúng tôi đến Tasmania trong 6 ngày, chạy khoảng 1,400km . Mùa hè ngày dài đêm ngắn, 6 giờ chiều vẫn còn mặt trời thêm 3 tiếng nữa, tha hồ đi chơi và chụp hình . (click vào đây để xem bản đồ Tasmania) (*)
(*) được bổ túc theo yêu cầu của bạn đọc . Cám ơn HN
Cradle Mountain :
Từ Launceston Airport tới đây cỡ 180km bằng nhiều ngã . Ngoại trừ trên Highway , những con đường nhỏ phần lớn là vắng vẻ . Ai có GPS sẽ yên tâm hơn, tuy nhiên nếu chạy hoài không thấy tới , phải ghé trạm chỉ đường ( visitor center ) để hỏi thăm, họ sẽ khuyên tài xế một câu nghe quen quen : đừng có nghe những gì GPS nói mà hãy nhìn kỹ... mấy cái bảng chỉ dẫn dọc đường may ra tới đúng chỗ . Mà họ nói đúng vì có lạc cũng không thể chạy ra khỏi cái đảo này được !
Đây là Dove lake , trước mặt là ngọn Cradle Moutain cao 1,545m nằm trong national park phía Tây bắc Tasmania . Mùa hè nên ít khi có tuyết ! Đường đi bộ ( bushwalk) có đủ cho 5 ngày, tùy theo sức khỏe và thời gian của mỗi người mà chọn đường dẩn lên tới đỉnh núi hoặc qua vài cái hồ khác nữa
Xe du khách đến đây rất đông nên phải đậu ở bãi carpark chính phía ngoài, sau đó đón xe bus đi đến từng địa điểm trong nầy. Mỗi chuyến bus cách nhau 15 phút, miễn phí ! vì đã mua vé (mỗi xe) khi lái vào đây rồi. Thông thường người ta chọn loại vé mắc gấp đôi nhưng xài chung cho tất cả national parks ở Tasmania trong 2-3 tuần .
Tiếc thay, những người tới đây lần đầu đa số đều không chuẩn bị áo quần giày nón và kinh nghiệm về thời tiết cho nên chỉ đi bộ được những vòng rất ngắn dưới 1-2 tiếng đồng hồ .
Glacier Rock (Trái ) và Dove Lake boatshed ( Phải )
Great lake :
Sau một đêm nghỉ với lượng du khách tới ào ạt tại một hotel ở ngoại ô phía bắc của thành phố Launceston, sáng ra vắng hoe, mỗi người mỗi ngã, chúng tôi lên đường xuôi nam. Thay vì chon quốc lộ số 1 là Midland Highway nối Launceston - Hobart, chúng tôi chọn con đường nhỏ đi qua Great Lake nằm ngay ở giữa Tasmania . Cảnh dọc đường khá đẹp vì đi xuyên qua cao nguyên nhưng phải qua một đoạn đường đất ( unsealed road) dài trên 10 km , xe chạy tung bụi mịt mù và sốt ruột vì chạy nhanh thì không nỡ mà chạy chậm thì rất ồn và rung ( cầm tay lái như cầm máy khoan tường xi măng) .
(Đoạn đầu hồ, hình chụp ở đỉnh đồi cao 1,034m trên đường từ cao nguyên xuống )
(Đoạn giữa hồ )
(Đoạn giữa hồ )
Điểm đến tiếp theo là vùng Mountain Field National park, chúng tôi dừng chân nghỉ tại đây trước khi lái vào Hobart City. Ở đây có Russel Falls , một trong những chỗ thu hút du khách .
Russel Falls
Russel Falls là những thác nước nằm về hướng Tây bắc của thành phố Hobart. Nguồn nước ở đây cung cấp 20% nước uống cho thành phố . Camping Bushwalk ở đây có đủ, mùa đông cần kỹ năng trượt tuyết . Xe chúng tôi không phải 4WD để lội vô sâu nên chỉ ngồi cà phê , đi bộ ngắm cảnh ở phía ngoài .
(Russel Falls với 3 tầng thác nước )
Horseshoe Falls nhỏ hơn, nằm cách đỉnh Russel Falls vài trăm mét .
Hobart City
Hobart là thủ phủ của bang Tasmania, cách Launceston cỡ 200km, nằm trong một cái vịnh gần cuối đảo, đồi núi bao quanh, nhà cửa xây trên những sườn đồi nhìn ra sông biển . Đời sống có vẻ yên lặng và chậm hơn trong lục địa .Building cao nhất trong hình là hotel Wrest point, sòng bài casino của Hobart
Đây là bến cảng của Hobart, nơi đến của những cuộc đua thuyền Sydney-Hobart hằng năm vào ngày Boxing day .
Tasman Bridge là mạch giao thông chính nối Hobart với các vùng Đông bắc và Đông nam. Năm 1975 có mấy khúc (dầm cầu ) rớt xuống nước do tàu chở quặng đụng vô chân cầu làm sập .
Sau một đêm ngủ rất say ở Hobart , sáng dậy sớm gặp phiên Salamanca Market, một dạng chợ trời họp hằng tuần thứ bảy ngay tại trung tâm thành phố, bán đủ thứ từ áo quần, cà phê , rượu thịt , đồ gỗ, đồ kỷ niệm cho đến hoa quả , phần lớn là sản phẩm địa phương . Mê nhất có lẽ là rau xanh, mới hái trước đó không lâu .
Xa xa phía sau là đỉnh ngọn Mount Wellington với cột antenna radio TV của thành phố . Từ đây tới đó khoảng 20km, lên trên đỉnh nhìn xuống sẽ thấy được toàn bộ thành phố này .
Đường đi Port Arthur
Từ Hobart chạy qua cầu Tasman Bridge về hướng đông nam . Tấm hình chụp dưới đây ở Midway Point , hai bên đường là biển giống như đường đi Key West ở Florida , tuy nhiên đường của Tassie chỉ dài được 2.5 miles !
(Midway Point , TAS)
(White Beach , TAS)
White Beach
White beach là một bãi biển không được trắng lắm quay mặt về hướng tây , một trong những chỗ nghỉ qua đêm của chúng tôi . Hotel sát biển , trời tốt có thể ra đây ngắm mặt trời lặn . Ở những địa điểm một mình một cõi , Hotel thường là những ngôi nhà có vị trí độc đáo, do chính chủ nhà kinh doanh , cơ sở hạ tầng chỉ có điện, còn nước tiêu dùng là nước mưa , thiếu thì kêu xe chở đến , rau quả cây nhà lá vườn . Ở đây ăn uống trong hotel là tiện nhất . Phố xá cách xa chỉ có fast food , các tiệm ăn hoạt động trong giờ làm việc .
Tại vùng Eaglehawk Neck có 3 địa danh nằm gần nhau là Tasman Blowhole, Tasman Arch và Devils Kitchen
Tasman blowhole : Ở đây có một dải đất đá chạy ra biển như một cái đuôi . Hai bên sóng biển vỗ về lâu ngày cắt ra thành từng khúc . Blowhole là một cái hang được hình thành trong quá trình này nhưng chưa xong vì gặp phải đá cứng . Lâu ngày một phần trên của hang sập xuống , nước ở dưới dâng lên , gặp ngày biển động mới thấy sức mạnh tàn phá dữ dội của nước biển . Nước chảy đá mòn mấy trăm năm nữa chắc chắn sẽ khác đi một tí .
Tasman Arch : cũng tương tự như Tasman blowhole , 6,000 năm trước bắt đầu bằng một miếng lở nhỏ ở sát mặt nước . Đất đá tiếp tục sập lở cho đến nay to lớn như vậy .
Devils Kitchen là một khe đá lộ thiên lớn nhất trong đám, nước biển đã ăn khá sâu vô bờ núi . Một so sánh khá vui khi cho 3 địa danh nầy là bà con với nhau, vì chúng cùng sinh ra bởi tình yêu vỗ về giữa sóng của biển và đất đá của núi . Trong đó Devils Kitchen là chú ruột của Tasman Arch vì phần đất đá phía trên đã sập đổ toàn bộ . Blowhole là em họ vì còn nhiều phần đất nằm phía trên hơn .
Quay về Hobart , chúng tôi tiếp tục đi về hướng Tây nam , đến Huonville nghỉ một lát rồi rẽ qua hướng tây để đến vùng Tahume Forest Airwalk , tại đây chúng tôi học được một bài học về thời tiết của Tasmania ! Từ trời xanh nắng nóng tới giông bão tối hù chỉ có 5 phút . Lúc đó đang lái xe trong rừng rậm, đường đèo hẹp, cây lá cành bay xuống ào ào, né không được . Đến nơi người ta trả vé lại cho du khách số lượng rất đông, mới biết thiên hạ cũng như mình , không ai đoán trước được thời tiết chuyển nhanh như vậy . Về lại được Hobart an toàn mừng hết lớn ! Sau cơn mưa , những vùng cây cối ẩm thấp thường không hấp dẫn nữa, tại ai cũng sợ bị vắt cắn (leech bite) .
Mount Wellington
Mt Wellington cao 1271m. Đường núi hep có nhiều đoạn dốc cao. Chúng tôi lái xe lên tới đỉnh lúc 7:45 chiều , nhiệt độ chỉ còn 4-5 độ C. Gió giật mạnh hơn sức người nên thắc mắc, không biết ông thợ hồ lên đây xây tường bằng cách nào ! Không lẽ sáng xây chiều sập, gió mạnh như thế nầy gạch bay theo đường gạch, xi măng bay theo đường xi măng, đứng một lát chắc bay luôn ông thợ hồ ! Chúng tôi ở đó không lâu vì quá sức nguy hiểm
So với những người bỏ công lên tới đỉnh, thấy toàn sương mù và mây, thì chúng tôi cũng không khá hơn gì cho lắm. Trong tấm hình dưới , dẫu biết rằng ra tới ngoài đó sẽ chụp được những tấm hình tuyệt vời của thành phố Hobart ! Thế nhưng đành chịu vì gió thổi ra hướng đó . Ra rồi vô không được thì tàn đời một ...cùi hoa U60 ! ( Cùi hoa tàn thì không sao nhưng còn cái bình cắm hoa đang ra sức ngồi dằng để khỏi bay chiếc xe thì có là cùi hoa cũng không thể liều mạng được ! )
(Hình chụp trên đường đi xuống . Cây cầu phía bên phải là Tasman Bridge )
Tạm biệt Hobart ! Chúng tôi về lại Launceston bằng con đường chạy dọc theo bờ biển hướng Đông . Khoảng nửa đoạn đường có một chỗ ai cũng thích tới là Freycinet national Park
Freycinet national park
Những hòn đá nhỏ nằm độc lập với bờ ( islet) lớn nhất cỡ : 300m dài x 150m rộng x 30m cao , tuy không hấp dẫn với người nhưng đó là tổ ấm của gần một ngàn cặp chim, nhiều loại khác nhau đến đó sinh nở mỗi năm . Sở dĩ đông như vậy vì thứ nhất, không có rắn hoặc bất kỳ con nào khoái trứng chim,thịt chim ,( KFC, chicken nuggets ) có thể bơi ra đó được . Thứ nhì không cần kiếm đâu xa, trên đảo có đủ rong rêu, cây cỏ để những cặp chim này làm được những cái tổ tuyệt vời .
(Wineglass Bay)
Đường đi bộ quanh đây rất nhiều, đa số thiên hạ thích đi lên những chỗ ngắm cảnh trên cao hơn là đi xuống các bãi biển phía thấp . Lý do dễ hiểu như cái sự đời, có lên thì phải có xuống . Ở đây đi xuống nó khỏe gấp chục lần đi lên ! Có lẽ vậy mà người ta viết các bảng chỉ dẫn dặn dò khá kỹ lưỡng .
Gần biển chắc chắn sẽ có nhiều tiệm ăn bán đồ biển . Trong đó Freycinet Marine farm , một quán nhỏ thoáng mát bên đường , nổi tiếng phục vụ những món tôm, hàu , chem chép , ( lobter,oyster,mussel ) chỉ luộc hoặc xào với cà chua. Thức ăn ngon vì còn tươi (fresh) cũng là một đặc điểm chung của Tasmania .
Tiếp tục lái lên hướng bắc , chúng tôi đến một địa điểm có tên là Bay of Fires .Google internet cho biết tên nầy do một ông cố nội thuyền trưởng English đặt khi thấy nhiều đốm lửa của thổ dân tại đây năm 1773. Nếu đúng như vậy thì làm sao mấy ông cố tổ Aboriginal bơi được xuống đây để có con cháu đốt lửa hồng , nhảy cà tưng ? . Ai có thắc mắc nầy hãy vào Google gõ tiếp “Aboriginal Tasmanian “ để tìm hiểu thêm . Đại khái, chỉ còn một giải thích có vẻ hợp lý là con người đã đi bộ ra đây lúc 40,000 năm về trước , lúc đó hòn đảo Tasmania chưa tách rời hoàn toàn với lục địa Úc châu
Bay Of Fires
Bay of Fires là một vùng biển xanh cát trắng ở hướng đông bắc của Launceston . Thiên hạ tới đây vì muốn thấy mấy cục đá có màu lửa nằm sát bãi biển . Màu nầy xuất hiện tự nhiên do sự sinh sôi của một loại nấm trong quá trình kết hợp của rong rêu, vi sinh vật và ánh sáng mặt trời .
Đêm cuối nghỉ tại thị trấn Scamander nằm sát biển . Sáng ra dậy sớm đi bộ ngoài bãi biển, tình cờ gặp được “dân New Zealand " bơi qua chơi !
Cơ hội tiếp xúc với nông dân khi chúng tôi là khách duy nhất đến điểm tâm tại nông trại Eureka Farm ở Scamander của họ . Cơ sở nầy trồng trọt kiêm luôn quán cà phê, ăn sáng . Sản phẩm chính là trái cây và đồ chế biến từ hoa quả như kem, mứt ... do một cặp vợ chồng có tuổi đảm trách . Hoạt động chỉ được 6 tháng, sáu tháng còn lại khí hậu lạnh lẽo họ đóng cửa đi thăm con cháu đã thành đạt ở trong lục địa .
Rời Scamander chúng tôi tiếp tục chạy lên hướng bắc , ngang thị trấn St Helen thấy có bảng đề “You pick blueberry $10/kg “ . Ghé vào, chúng tôi trở thành 2 tên nông dân chánh hiệu . Mỗi tên được phát một sô plastic để hái từng trái một . Có cây ngọt cây chua cho nên phải thử trước hái sau . Rẫy blueberry được trồng trong khung lưới bao phủ để tránh thú rừng chim chóc phá hoại . Địa chủ nói với nông dân ăn không cần rửa vì họ không xịt hóa chất hay thuốc trừ sâu gì hết ! Nông dân là giai cấp bị bóc lột , hai tên dang nắng hái cả buổi chưa tới 1 Kg !
(Rẫy Blueberry , St Hellen TAS )
(Vườn dâu, Hillwood TAS)
(Vườn dâu, Hillwood TAS)
Hái xong cân đo đong đếm thấy rẻ quá so với giá ngoài chợ nên niềm vui 3 đời bần cố nông dâng tràn, chúng tôi chạy tiếp lên vùng Hillwood để hái dâu ...Ở đây các anh nông phu uống cà phê ngắm cảnh còn mấy chị nông phu chổng mông hái đầy hộp plastic trả $8/1kg . Ai ở Sydney, Melbourne hái xong đem về thoải mái , chỉ có South Australia mới bị cấm mang cây trái từ các nơi khác vào mà thôi .
Sau 6 ngày lái xe ở Tasmania, nếu không kể số lượng Wallabies ( giống Kangaroo nhưng nhỏ hơn ) và động vật hoang dã bị cán chết trên "từng cây số ", có lẽ tài xế ở đây là những người lái xe giỏi nhất nước ! Vì từ thành phố ra tới ngoại ô có rất nhiều đường quanh co đồi núi, với đủ kiểu mặt đường từ đất, đá, tuyết đến Highway 110km/giờ . Nếu không có bảng ghi tốc độ cho phép thì vận tốc tiêu chuẩn là 50km/giờ trên toàn đảo .
Về tới Launceston trời vẫn còn sáng , những tấm hình trên được chụp trong công viên Tataract Gorge reserve nằm ngay trong thành phố trước khi chúng tôi ra lại phi trường , trả xe và bay về đến Sydney lúc 10 giờ tối .
Về đến nhà là kết thúc ' 1 Vòng Tasmania ' . Phần tiếp theo không có gì hấp dẫn, ngoại trừ 1kg dâu tươi mới hái hồi trưa, tuy đã bị bầm dập nhưng ăn vô thì không thể không nghĩ đến một vòng Tasmania nữa trong tương lai .
Feb, 2014
NTT
Comment