Vài suy nghĩ về Dự án điện hạt nhân của Việt Nam
Tuấn Tôn
Tuấn Tôn
Hiện nay,việc chính phủ Việt nam quyết định xây dựng một nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận đã tạo nên một làn sóng dư luận phản đối cũng nhiều mà đồng thuận cũng không ít làm hao tốn rất nhiều giấy mực của báo giới cũng như người Việt có quan tâm ở trong và ngoài nước .Thế nhưng dường như giới khoa học được đào tạo bài bản ở lĩnh vực này rất dè dặt khi phát biểu trước công luận ngoại trừ một vài tiến sĩ về lĩnh vực khác (không thuộc lĩnh vực chuyên môn này) lại phản ứng gay gắt được đăng trên trang mạng Quêchoa ở Việt nam.
Có lẽ để dẫn đến quyết định nên hay không việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt nam chúng ta cũng cần phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và soi rọi dưới nhiều góc nhìn khác nhau như : Khoa học,chính trị,đời sống ,kinh tế,đia chính trị… và nhất là cả yếu tố “nhân văn” nữa chớ không hẳn chỉ là cái nhìn đơn thuần qua lăng kính khoa học thuần túy.
Xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam - Tại sao không?
Hiện nay, với trên 1/6 sản lượng điện toàn cầu được tạo ra từ các nhà máy điện hạt nhân nằm trên 32 quốc gia, vị trí của điện hạt nhân trong cung cấp năng lượng đã được khẳng định. Hai quốc gia có tỷ trọng điện sản xuất từ điện hạt nhân lớn nhất là Pháp từ 75-77%,Bỉ từ 52-54%,Thụy điển dao động quanh con số 38-40% và Nhật Bản 34% tính đến 2012 và nói chung các quốc gia có sử dụng điện nguyên tử có biến động tăng hoặc giảm nhưng chẳng có quốc gia nào tuyên bố xóa bỏ hẳn việc sản xuất điện hạt nhân ở quốc gia mình cả…
( nguồn http://data.worldbank.org/indicator/EG.ELC.NUCL.KH )
Mỹ hiện nay vẫn là nước đứng đầu trên thế giới về sản xuất điện hạt nhân và theo sau đó là Trung Quốc với tổng công suất khoảng 80 – 86,5 triệu KW,sản lượng này gấp 4 - 5 lần tổng sản lượng điện Việt nam hiện nay và xu hướng sản xuất điện nguyên tử này ngày càng gia tăng đối với các quốc gia có sản xuất hoặc sử dụng tàu sân bay chạy bằng năng lượng nguyên tử (!) .
Trong những năm gần đây nhu cầu phát triển năng lượng điện phục vụ các ngành kinh tế rất cao đòi hỏi VN phải luôn tính trước một bước. Do vậy, mục tiêu phát triển điện hạt nhân góp phần phục vụ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế và nhu cầu dân sinh là một vấn đề đang được đặt ra và nhất là trong cảnh “dầu sôi,lửa bỏng” hiện nay khi phải sống trong cảnh “cơm không lành,canh không ngọt “bên cạnh ông “bạn vàng” Trung quốc.
Việt Nam trong tương lai có xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay không?
Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, chính phủ Việt nam đã nghiên cứu khả năng phát triển điện hạt nhân. Năm 2002, Viện Năng Lượng của Việt nam đã lập đề án: “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam”.
Dự án này đã nhận được sự ủng hộ cũng nhiều mà chống đối cũng không ít.
Làm hay không làm điện hạt nhân?
Không thể chỉ dựa vào vài con số vừa nêu trên, cũng không thể dựa vào các sự cố về thảm hoạ từ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) năm 1986; tai nạn từ nhà máy điện hạt nhân Three miles lsland (Mỹ) năm 1979, tai nạn từ nhà máy điện Fukushima I (Daiichi) và II của Nhật Bản năm 2012...để trả lời câu hỏi này mà cần phải dựa vào những phân tích khoa học và khách quan trong bối cảnh hiện nay và hai, ba thập kỷ tới.
Tựu trung có một vài ý kiến khác nhau cần được làm rõ như sau:
Thứ nhất, Việt Nam có tài nguyên năng lượng giàu có, đủ dùng cho cả trăm năm . Vì vậy, không nên lo sớm về nguồn nhiên liệu.(?)
Nguồn tài nguyên năng lượng chủ yếu của Việt Nam là than, dầu mỏ, khí đốt và thuỷ điện, trong đó trữ lượng than là dồi dào nhất. Hiện nay, hàng năm khai thác khoảng 25 - 27 triệu tấn than.. và từ một nước xuất khẩu than đá ,VN có nguy cơ phải nhập khẩu than đá. Một trong những nguyên nhân là tỷ trọng khai thác than hầm lò tăng lên so với khai thác than lộ thiên có sẵn, dẫn đến chi phí khai thác tăng,thậm chí với cách quản lý tùy tiện ,không khoa học cùng với việc bắt tay của giới lãnh đạo ngành than ở VN với xã hội đen để khai thác “Than thổ phỉ” đã làm cho tài nguyên về than VN mau chóng cạn kiệt .
Sản lượng khí đốt được dự kiến không vượt quá 10 tỷ m3 hàng năm. (Nguồn http://www.indexmundi.com/g/g.aspx?c=vm&v=136)
Thuỷ điện và các dạng năng lượng mới như gió, địa nhiệt có tiềm năng tối đa khoảng 70 - 80 tỷ kWh. Dự kiến, điện sản xuất từ các nhà máy thuỷ điện đã và đang xây dựng khoảng trên 62 tỷ kWh. Sau năm 2015, hầu như tiềm năng thuỷ điện lớn của Việt nam đang có đã được khai thác hết. (Báo năng lượng)
Như vậy, khoảng sau năm 2015 Việt nam sẽ hụt cân đối về cung cấp năng lượng sơ cấp. Khoảng cách thiếu hụt nhiên liệu sẽ ngày càng lớn vào những năm tiếp sau. Hơn nữa, quy hoạch khai thác tài nguyên năng lượng không chỉ dựa vào trữ lượng, mà còn phải dựa vào các tiêu chí về đầu tư, giá thành hợp lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn năng lượng,... Nếu không có nguồn năng lượng bổ sung,VN sẽ dần phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu.
Báo chí trong nước khoảng hai năm trước có một giai đoạn rộ lên việc phát hiện vĩa than khổng lồ nằm dưới sông Hồng và chạy dài qua một số Tỉnh của miền Bắc Vn như : Hải dương,Bắc ninh và cả Hà nội…,thông tin này gây xôn xao dư luận một thời gian rồi đến nay vẫn “tiếp tục” đi vào... quên lãng.(!)
Bên cạnh năng lượng cần nhập khẩu , điện hạt nhân là một trong những lựa chọn cần thiết nhằm đa dạng hoá nguồn nhiên liệu, giảm sự phụ thuộc vào giá dầu, phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, tăng cường an ninh cung cấp năng lượng trung và dài hạn.Ngoài ra, tài nguyên năng lượng của Việt nam đa dạng song không phải là dồi dào nên việc tìm kiếm sớm về nguồn nhiên liệu là điều tất yếu phải tính đến đối với tương lai của kinh tế Việt nam.
Thứ hai, một số nước công nghiệp châu Âu như Đức, Thuỵ Điển đang dừng phát triển điện hạt nhân và có kế hoạch tháo dỡ dần điện hạt nhân. Tại sao Việt Nam dự kiến xây dựng điện hạt nhân?
Hiện nay, xu thế phát triển điện hạt nhân ở một số nước công nghiệp phát triển như Đức, Thuỵ Điển, Mỹ,... có chững lại do các nước này có tiềm lực kinh tế để phát triển các dạng năng lượng mới). Mặt khác, vì lý do chính trị khi “lấy phiếu của Đảng Xanh” (Bündnis 90/Die Grünen ) đã tác động đến hoạch định năng lượng “ngừng và tháo dỡ dần điện hạt nhân đến năm 2025” của đảng cầm quyền nước Đức lúc đó.
Năm 1980,Thuỷ Điển quyết định ngừng xây dựng và đóng cửa toàn bộ các tổ máy điện hạt nhân vào 2002, song đến nay họ mới đóng cửa 2 tổ máy quá cũ trong tổng 11 tổ máy (9.325 MW và quyết định thay thế các lò hạt nhân cũ.
(Nguồn en.wikipedia.org/wiki/Nuclear_power_in_Sweden)
Đến nay, nhu cầu điện của các quốc gia châu Âu - châu Mỹ cũng đã đưa họ trở lại với chương trình điện hạt nhân, đối phó với những “cơn sốt” giá dầu khó lường. Đảng Xanh của Đức cũng không còn giữ quan điểm bỏ điện hạt nhân và cho rằng điện hạt nhân là lựa chọn “không thể tránh khỏi” trong bối cảnh nhiên liệu hoá thạch đang dần cạn kiệt. Phần Lan đang xây dựng một tổ máy điện hạt nhân cỡ lớn thế hệ cải tiến (1.600 MW), các cường quốc về điện hạt nhân đang bắt tay nhau nghiên cứu phát triển thế hệ mới điện hạt nhân với độ an toàn tin cậy cao hơn, hiệu quả kinh tế hơn...
Còn về châu Á thì Nhật Bản và sau đó là Hàn Quốc từ lâu đã là những quốc gia tiên phong trong phát triển điện hạt nhân bởi dù sao đây là những nước thiếu tài nguyên năng lượng,sau sự cố rò rĩ ở nhà máy điện Fukushima 1 và 2 của Nhật bản,chính phủ buộc lòng phải đóng cửa các nhà máy này để trấn an dân chúng .
Ngoài tiến trình xây dựng điện hạt nhân đồ sộ ở Trung Quốc như nêu ở trên, Indonesia, quốc gia Nam Á giàu nguồn tài nguyên năng lượng cũng nhận thấy sẽ sớm đối mặt với thiếu hụt nhiên liệu, và họ dự kiến sẽ xây dựng tổ máy điện hạt nhân đầu tiên vào khoảng 2014.
( Nguồn: http://en.wikipedia.org/wiki/Nuclear_power_in_Indonesia)
Có thể nói, xu thế điện hạt nhân trong những thập kỷ tới vẫn là phát triển khá ổn định trong cơ cấu nguồn năng lượng thế giới. Điện hạt nhân vẫn duy trì ở Tây Âu, phát triển ở Mỹ, các nước đông Âu và Nga, và đặc biệt phát triển mạnh ở khu vực châu Á năng động. Lựa chọn xây dựng Điện hạt nhân ở Việt Nam vào khoảng sau năm 2015 vẫn phù hợp với xu thế chung của thế giới trong giai đoạn hiện nay.
Thứ ba, có thể khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng mới và tái tạo thay thế nhập khẩu và đẩy lùi tiến độ xây dựng điện hạt nhân không?
Tiềm năng nguồn thuỷ điện nhỏ của Việt Nam khoảng 2.000 MW, nguồn địa nhiệt khoảng 200 MW; năng lượng gió có tiềm năng khoảng 600 MW, có thể khai thác 200 -300 MW vào năm 2020 .
(Nguồn: http://hiendaihoa.com/Dien/Hop-tac-D...khai-thac.html )
Đặc điểm của dạng năng lượng mới là giá thành sản xuất thường cao hơn nguồn truyền thống do quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, một số loại yêu cầu công nghệ cao. .. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ về tài chính, các dự án này sẽ kém khả thi. Như vậy, kể cả về tiềm năng, chính sách khuyến khích cũng như khả năng triển khai, loại nguồn năng lượng mới trong vòng 10 - 15 năm tới khó có thể đưa vào cân đối lớn trong cơ cấu nguồn điện. Kéo dài tiến độ xây dựng điện hạt nhân chắc chắn sẽ phải thay thế bằng cách tăng thêm nhập khẩu năng lượng.
Điện hạt nhân đang được nghiên cứu để áp dụng những công nghệ ngày càng an toàn hơn, hiệu quả kinh tế hơn. VN đang còn rất nhiều việc phải làm với hiện trạng chỉ có một lò phản ứng hạt nhân cũ kỹ và lạc hậu ở Đà lạt,để tiến tới có tổ máy điện hạt nhân đầu tiên cần phải chuẩn bị nhiều vấn đề như: khung pháp lý (Luật và văn bản dưới luật), đào tạo lực lượng kỹ thuật(Chuyên gia,chuyên viên và cán sự), lựa chọn công nghệ (Tùy thuộc vào túi tiền của Việt nam và mối quan hệ với quốc gia tư vấn) , địa điểm, xử lý chất thải, bố trí tài chính...
Trong phát triển Năng lượng bền vững, Việt Nam sẽ cần phải làm điện hạt nhân. Không bắt tay vào chuẩn bị sớm, VN có thể lỡ cơ hội và cùng lúc phải đối mặt với những thách thức do thiếu điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.(Các số liệu này được trích trong báo cáo về ngành điện đã công bố trong các kỳ họp ở quốc hội VN những năm qua,xin xem phần mở rộng từ các nguồn link đã trích ở trên mục các tạp chí về điện và năng lượng của VN).
“Theo các nghiên cứu của Viện năng lượng nguyên tử Việt nam gần đây cho thấy, nhu cầu điện của Việt nam đang tăng 17% mỗi năm (trong 3 năm gần đây). Cứ đà này, Việt Nam sẽ nhanh chóng bị thiếu điện, và đến năm 2017-2020 sẽ phải xây dựng nhà máy điện hạt nhân hoặc phải có một giải pháp nào đó để đáp ứng nhu cầu gia tăng này. Hiện trong các nước Đông Nam Á, chỉ có Indonesia và Việt Nam đang thúc đẩy phát triển điện hạt nhân.
Trước mắt, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ xây dựng công suất 1.000 MW), với vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD, về sau có thể bổ sung thêm. Thiết bị cho nhà máy sẽ được nhập khẩu. Các lò phản ứng tiếp theo sẽ từng bước được nội địa hóa, mà đầu tiên là thanh nhiên liệu. Dự kiến khi nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động, điện hạt nhân sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 6-10% sản lượng điện quốc gia. Song , để có hiệu quả với loại hình năng lượng này, Việt nam sẽ phải xây dựng nhiều, chứ không chỉ một nhà máy.
" Nhà máy điện hạt nhân có ưu điểm là hoạt động hầu như liên tục, có khi 2 năm mới phải dừng để thay nhiên liệu, trong khi thủy điện có thể phải dừng hoặc giảm công suất hoạt động vào mùa khô. Đồng thời, công suất của nhà máy điện hạt nhân cũng rất lớn. Nếu một nhà máy có 6 lò phản ứng, thì tổng công suất sẽ là 6.000 MW, tương đương với tổng sản lượng điện cả nước hiện có.”
(Nguồn vietbao.vn/Khoa-hoc/Nha-may-dien-hat-nhan-dau-tien-du-kien-dat-o-Ninh-Thuan/10839571/188/
Vấn đề công chúng lo ngại nhất với loại hình năng lượng này là tính an toàn, gồm an toàn kỹ thuật và rác thải hạt nhân. Tuy nhiên theo công nghệ cải tiến mới của Mỹ,Pháp,Thụy điển… có thể yên tâm hoàn toàn về mặt kỹ thuật. Các thiết kế tiên tiến trên thế giới đảm bảo rằng xác suất rủi ro là 10-6[ 1/1,000,000] (tức là 1 triệu lò phản ứng, mới có một lò có nguy cơ bị sự cố)."
Chất thải và cách giải quyết:
"Về chất thải, nhà máy điện hạt nhân có hai dạng. Dạng thải phóng xạ thấp (phát sinh từ các phin lọc của lò phản ứng, từ các dụng cụ thay ra...), có thời gian bán rã ngắn, dài nhất 30 năm. Để xử lý, người ta sẽ bê tông hóa chúng, đóng vào các container nhỏ rồi chôn xuống đất. Sau một thời gian, chúng sẽ trở lại trạng thái an toàn. Một lò 1.000 MW mỗi năm sẽ thải ra khoảng 800 tấn chất thải loại này, cô đặc lại còn khoảng 10 mét khối.
Loại chất thải đáng lo ngại nhất là nhiên liệu đã cháy. Một lò 1.000 MW thải ra khoảng 30 tấn mỗi năm. Chúng có cường độ phóng xạ cao, và thời gian bán rã rất lâu. Song, từ khi nhiên liệu được thải ra trong quá trình làm giàu Uranium cho đến khi cần xử lý phải mất 40-50 năm. Như vậy, nếu Việt Nam vận hành nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020, thì phải đến năm 2070, Việt nam mới cần tính đến việc này. Trong thời gian đó, chắc chắn công nghệ xử lý của thế giới đã đi rất xa, và có thể áp dụng cho Việt Nam.
Thực tế chất thải của các dạng phát điện khác đáng sợ hơn nhiều so với chất thải hạt nhân, vì chúng phát tán thẳng vào môi trường, còn chất thải hạt nhân có số lượng nhỏ, lại quản lý được. Chẳng hạn, một nhà máy nhiệt điện chạy than cũng có công suất 1.000 MW, một năm thải ra 320.000 tấn tro bụi, trong đó có 400 tấn kim loại nặng, hít vào người rất nguy hại. Xỉ than của nhà máy cũng có lượng phóng xạ cao hơn nhiều so với phóng xạ mà những người sống xung quanh nhà máy điện hạt nhân tiếp xúc Song người dân không biết, và cũng không phản đối nhà máy đó, trong khi lại tỏ ra rất e dè với nhà máy điện hạt nhân."
(Nguồn: vi.wikipedia.org/wiki/Chất_thải_phóng_xạ) xem mục Chất phóng xạ trong tự nhiên (NORM) và mục Than)
Sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân trong quá trình vận hành:
Đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) ở Việt Nam, theo các chuyên gia hàng đầu ngành điện hạt nhân Pháp, điều quan tâm nhất là “văn hoá an toàn”.
Nội dung đáng quan tâm đó đã được đề cập đến trong cuộc trao đổi giữa Báo Tin sáng với đoàn đại biểu các tổ chức và tập đoàn năng lượng hạt nhân trong thời gian ở VN diễn ra “Triển lãm Quốc tế Điện hạt nhân năm 2008” tại Hà Nội vào tháng 5/2008.
Xin trích dẫn nội dung buổi làm việc cuả đòan chuyên gia về điện hạt nhân chính phủ Pháp với báo Tia sáng (TS) của VN như sau:
“Đại diện TS: Chúng tôi biết Pháp là một quốc gia có sự phát triển năng lượng nguyên tử rất ngoạn mục: 58 lò phản ứng năng lượng đang vận hành, đóng góp 80% điện năng cho nước Pháp.
Ấn tượng hơn nữa là tình trạng an toàn cao của nhà máy điện hạt nhân Pháp trong suốt bốn thập kỷ qua kể từ khi đưa lò phản ứng đầu tiên vào hoạt động. Độc giả TS đang rất quan tâm đến sự an toàn hạt nhân, an toàn phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân. Vậy, xin các vị cho biết, yếu tố nào đã làm nên điều ấn tượng đó?
Đại diện năng lượng Pháp: Câu hỏi ông đặt ra đã tiếp cận một vấn đề rất hệ trọng - an toàn lò phản ứng. Sự an toàn của nhà máy điện hạt nhân liên quan nhiều nước. Một sự cố hạt nhân xảy ra không chỉ làm ảnh hưởng nước sở tại, mà nhiều nước khác cũng bị ảnh hưởng theo.
Vấn đề an toàn liên quan hai yếu tố: thiết bị và con người. Hai cái này song hành nhau và bổ sung cho nhau. Vì thế, một mặt, thiết bị chế tạo phải rất tốt, nhưng mặt khác, con người vận hành cũng phải rất tốt.
Về chế tạo thiết bị, điều quan trọng nhất là phải thiết kế theo nguyên tắc bảo vệ chiều sâu, bằng nhiều lớp, nhiều giải pháp (Khi một lớp bảo vệ bị hỏng hóc hoặc một giải pháp bị vô hiệu hoá, thì vẫn còn các lớp bảo vệ khác, giải pháp khác duy trì sự an toàn cho lò phản ứng, hay nhà máy nói chung - PV). Chính yêu cầu bảo đảm an toàn cao, nên giá thành nhà máy điên hạt nhân đã đội lên đến 40%.
Về nhân tố con người, điều quan trọng nhất là bảo đảm cho mọi người trong đội ngũ vận hành nhà máy luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt mọi nội quy, quy định về an toàn. Hệ thống “sĩ quan an toàn” được thiết lập từ thấp lên cao. Và trên hết là cơ quan an toàn cấp quốc gia. Cơ quan này được tổ chức độc lập, thuộc văn phòng Thủ tướng quản lý và có thẩm quyền cao nhất về mặt an toàn.
Đại diện TS: Đúng là thiết bị, năng lực và phẩm chất người vận hành đóng vai trò quyết định trong việc bảo đảm sự an toàn nhà máy điên hạt nhân . Ở đây, điều chúng tôi và đông đảo độc giả TS quan tâm và băn khoăn là trình độ văn hoá công nghiệp, văn hoá an toàn. Đặc biệt đối với con người ở các nước đang phát triển, đi vào xây dựng nhà máy điên hạt nhân đầu tiên, như Việt Nam. Các ông có bình luận gì về điều này?
Đại diện năng lượng Pháp: Văn hoá an toàn, như ông đề cập, quả là rất quan trọng. Đây chính là điều Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã và đang luôn khuyến cáo phải coi trọng và bảo đảm. IAEA quan tâm nhất đối với những nước xây dựng nhà máy điên hạt nhân đầu tiên.
Trong kế hoạch xây dựng nhà máy điên hạt nhân phải có kế hoạch đào tạo con người chuyên nghiệp. Ngay cả trước khi có quyết định đầu tư, gọi thầu, phải đào tạo đội ngũ nhân viên (hay "sĩ quan") an toàn. Trong đó, chia ra hai loại: những cán sự và chuyên viên an toàn (ở cơ sở, nhà máy…) và đào tạo thanh trađộc lập ở cương vị quốc gia, kiểm tra an toàn. Những chuyên gia thanh tra phải được đào tạo trước từ rất sớm, để khi nhà máy hoạt động, họ đã đứng tuổi và dễ được tôn trọng ngoài chuyện trình độ năng lực về chuyên môn và được giao quyền hạn cũng như trách nhiệm rõ ràng,đầy đủ.
Luật lệ nước Pháp quy định: tính minh bạch và an toàn trong năng lượng hạt nhân. Trong thực tế, nếu có một người che giấu một sự cố nào đó thì cả hệ thống an toàn sẽ khó hoạt động hữu hiệu. Vì vậy, trong văn hoá an toàn, nếu có một sai sót, phải nói ra, không giấu giếm.
Đại diện TS: Mọi người còn nhớ, 5 năm trước, ngay ở một nước công nghiệp phát triển, cũng đã xảy ra sự cố hạt nhân chết người (sự cố Tokai-Mura), do sự tuỳ tiện, “ấu trĩ” của công nhân vận hành. Phải chăng đây cũng thuộc phạm trù văn hoá công nghiệp, văn hoá an toàn, thưa ông?
Đại diện năng lượng Pháp: Nhiều chuyện đáng tiếc như Tokai-Mura xảy ra 10 năm qua là do văn hoá an toàn, trong đó có nguyên nhân quan trọng là sự che giấu lỗi.
Chính vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu hợp tác sớm với Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Cục Kiểm soát và An toàn Hạt nhân của Việt Nam về đào tạo chuyên viên an toàn. Trong khuôn khổ hợp tác đó, năm 2007 vừa qua, chúng tôi đã chuyển giao cho VARANSAC bộ chương trình máy tính CATHARE liên quan hoạt động kiểm soát, thanh sát an toàn hạt nhân và phóng xạ lò phản ứng.
Đại diện TS: Việt Nam đang chuẩn bị dự án xây dựng nhà máy điên hạt nhân, đưa vào vận hành vào năm 2020. Liệu khoảng thời gian 12 năm có đủ để khắc phục những yếu điểm liên quan văn hoá an toàn ở một nước đang phát triển như VN. Nhiều độc giả của chúng tôi băn khoăn điều đó. Ông có bình luận nào không?
Đại diện năng lượng Pháp: Chúng tôi vừa hình thành một tổ chức mới với nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hạt nhân, giúp các nước tổ chức việc giáo dục, đào tạo về văn hoá an toàn. IAEA cũng có chương trình 15 năm giúp các nước đang phát triển giáo dục văn hoá an toàn trong phát triển nhà máy điện hạt nhân.”(Hết trích)
Vậy nên, để có thể thực hiện dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân và duy trì việc quản lý hiệu quả hoạt động của nhà máy điện hạt nhân, VN cũng phải đầu tư mạnh và đào tạo gấp con người để trong 12 năm tới mới có được một đội ngũ chuyên viên tối thiểu đáp ứng yêu cầu về mặt văn hoá an toàn trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và phải được thường xuyên tu nghiệp.
Cái nhìn về địa chính trị cho Việt nam trong bối cảnh hôm nay:
Thử nhìn sang nước láng giềng của Việt nam là Trung quốc,liệu Việt nam có thể làm gì trong khi họ đã đặt Việt nam vào thế đã rồi qua việc xây dựng ở Quảng Tây (chỉ cách biên giới Việt nam 45km) một nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành Cảng với công suất 6000MW và đưa vào hoạt động trong năm nay và ngoài Vịnh bắc bộ của Việt nam tại Hải nam Nhà máy điện hạt nhân Xương Giang với công suất 1500MW.
Vậy thì, dù cho Việt nam có không xây dựng nhà máy ở Ninh Thuận thì với sự cố (nếu có) xảy ra ở các nhà máy điện hạt nhân đặt ở Trung quốc,Việt nam sẽ chịu thảm cảnh nào trong tương lai ???
Hiện nay Việt Nam mới thông báo trì hoãn việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tới năm 2020 thay vì 2014 trong bối cảnh có nhiều quan ngại về vấn đề an toàn và vận hành.
Có lẽ bài toán nan giải của Việt nam vẫn còn làm đau đầu cho chính quyền khi phải giải quyết ma trận :
+Công nghệ: Chọn công nghệ của Pháp,Đức,Nhật,Nga hay Mỹ?
Nếu là Mỹ thì có lẽ phải chờ đến hết tuần này để xem kết quả thông qua lưỡng viện Mỹ ra nghị quyết xóa bỏ một phần việc cấm vận cung cấp vũ khí cho Việt nam trong bối cảnh cần liên kết để chống lại Trung quốc đang bành trướng thế lực quân sự trên biển Đông.
+Tài chính : phải chọn lựa vốn vay ODA từ Nhật hay chờ cho TPP được các nước "Lớn" thông qua vào cuối năm nay để tranh thủ vốn liếng của đồng minh và các nước G7.
+Địa chính trị : VN đang luẫn quẫn với quyết định “Bán bà con gần mua láng giềng xa” hay nói theo ngôn ngữ báo chí của VN là “Bàn cách thoát Trung ” nhưng cho đến nay giới cầm quyền VN còn họp hoài mà vẫn chưa ngã ngũ phải chọn Bụt hay chọn Ma...
+Con người : đang chờ cho tầng lớp CCCC (Con cháu các cụ) được cử đi học nước ngoài để sau đó về nước thì cái điệp khúc muôn đời :
“Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa…” đã và đang lập lại.
Có lẽ yếu tố này là vấn đề “hóc búa” nhất mà Việt nam không thể giải quyết nỗi trong bối cảnh xã hội hiện nay do những hệ lụy từ quan điểm “Trồng người” kể từ sau năm 75 của thế kỷ trước…,khốn thay yếu tố này lại là điều kiện “cần và đủ” trong việc xây dựng và duy trì hoạt động an toàn,bền vững tại các nhà máy điện hạt nhân và cũng đang là vấn đề nan giải của các quốc gia đã và đang phát triển trong lĩnh vực điện hạt nhân…
Việt nam vẫn đang còn loay hoay mãi và đọan này nếu đọc Tam quốc diễn nghĩa ta sẽ dễ dàng liên tưởng đến cảnh Tào Tháo đang ăn tô súp gân gà,sau đó mang vị Tướng đã dâng món ăn cho mình ra chém đầu rồi rút quân….
Câu kết cho bài viết này có lẽ sẽ được để “mở ” để chờ đợi những ý kiến đóng góp chân tình của lớp đàn anh đi trước hoặc giả sẽ được các lớp đàn em (và cả lớp con cháu trong, ngoài nước) sau này viết tiếp cho tương lai của Việt nam chăng?...
TuanTon
Comment