"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn,
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi,
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!"
Ba tháng hè của ngày xưa, thời còn đi học tại Việt Nam có vẻ dài đăng đẳng – buồn thê thảm khi nghĩ đến nghỉ hè, còn khoảng hai tháng trước ngày nghỉ, phía nam ‘húi cua’ ra sao không biết, phía nữ ‘phe kẹp tóc – phe tóc dài’ thì xôn xao lắm- xôn xao vì những quyển sổ giấy ca rô, đóng gáy dầy, vẽ hoa vẽ bướm, trang đầu là bốn chữ "Lưu Bút Ngày Xanh" – có quyển đơn giản chỉ vẽ hai chữ "Lưu Bút."
Nét vẽ thường bằng bút mực lá tre – có cô kiểu cách hơn dùng bút lông hòa mực tàu để vẽ, loại mực này viết không khéo dễ bị thấm xuống các trang sau, tốt nhất là dùng bút chì đen vẽ bóng. Thuở ấy chưa có máy vi tính, tất cả phải viết tay, dễ thương làm sao, lại thêm ngu ngơ dán tấm hình "ngố" của mình vào ngay góc trang đầu. Có lẽ nghệ thuật nhất là dùng tóc dài xoắn đôi lại, nhúng vào mực, sau đó in mực xuống trang giấy thành hình giọt nước, năm sáu giọt như vậy hóa thành một đóa hoa xinh xinh, chỉ cần vẽ thêm vài chiếc lá, vài nhành cây là trang trí xong một trang – búng mực cũng là một cách trang trí khác, cắt hoa văn trên giấy, trải trang giấy đã cắt lộng lên trang giấy trắng, sau đó dùng bàn chải đánh răng, chải lên ngòi bút lá tre, mực sẽ búng thật nhẹ lên trên mặt giấy – rồi hoa ép, rồi xương lá bồ đề - và thật nhiều dòng nước mắt. Dòng nước mắt trong những vần thơ ngây ngô lạc vận. Lưu bút thời đệ thất (lớp sáu) chưa than thở gì nhiều, càng lên lớp lớn hơn, những trang lưu bút càng nhiều nỗi niềm được trao gởi, con gái thời ấy đôi tám – đôi chín đã có người "bỏ trầu cau" thành ra học đệ tam (lớp mười) khi viết lưu bút đã có người từ giã, không chắc được gặp lại năm sau.
"Tặng nhau một tấm ảnh này
Ghi tình thương mến tháng ngày bên nhau
Dù cho ảnh có phai màu
Xin bạn đừng xé đau lòng người cho"
Bốn câu thơ này, hầu như quyển lưu bút nào cũng có, tác giả không biết là ai, lại còn đo tình cảm của nhau qua trang lưu bút nữa, "đứa" bạn nào thương mình nhiều mới viết dài, "đứa" nào viết ít là không thương, không ít chuyện ghen tương vì chuyện này. Người chủ của quyển lưu bút ngây thơ, nên khi có người đòi mang về nhà viết, mai đem trả, có nghĩa là người ta đọc được hết những bài của người khác, sau đó họ so sánh với quyển lưu bút của họ và ganh tị. Thầy cô giáo cũng được học trò đưa lưu bút, ai được học trò yêu thích nhiều thì mỏi tay nhiều, ai khó khăn khắt khe quá, học trò trốn không dám đưa ký tên – thật ra thầy cô càng khó, viết lưu bút càng vui và dài lê thê, vì thế nào thầy hay cô cũng giải thích trong quyển lưu bút của trò, tại sao mình lại phải khó.
Bài Thơ Vu Qui có câu: "Thôi bạn học cũ sách vở từng năm, đâu người xõa tóc ôn bài dưới trăng..." - chắc chắn người tóc xõa này chỉ là cô học sinh trung học, chưa là sinh viên đại học, bốn mươi năm về trước, thời con gái ngắn ngủi – đời thiếu phụ ngoằn ngoèo.
Mỗi năm các trường học tại Mỹ in kỷ yếu để bán cho học sinh. Học sinh trung học, nhất là các em học năm cuối, dùng ngay quyển kỷ yếu, có in hình từng khuôn mặt bạn bè, làm lưu bút. Ở Việt Nam có vài trường trước năm 1975 có in, nhưng rất quí và đắt tiền.
Có người giữ kỷ yếu và lưu bút thật kỹ, để làm kỷ niệm, có người chán đem bán garage sale. Có lần tôi tẩn mẩn mở xem một quyển kỷ yếu (yearbook) năm 1977, đọc xem họ viết gì trong đó. Những dòng chữ dưới hình chân dung của người viết, gởi cho người chủ quyển sách, những câu chữ lưu luyến, có câu thật vui nhộn, có nhiều câu hứa hẹn mười hay hai mươi năm sau, đâu đó cũng vẽ hoa vẽ bướm.
Không tính đến không gian, thời gian và địa lý, tình cảm con người luôn luôn giống nhau, và đời người cũng có những khoảng thời gian giống nhau – thơ dại – chín chắn – già cỗi.
Thuở thơ dại là thuở tuyệt vời nhất, tình cảm tự nó tỏa hương, những lý tưởng ngây ngô lấp biển vá trời, mang yêu thương xóa bỏ hận thù, mang ánh sáng vào nơi tối tăm, mang ủi an đến chốn lỗi lầm .v.v.
Thuở chín chắn hơn, bắt đầu nhập cuộc, mới biết những điều viết trong "lưu bút ngày xanh" là bút tích của ngây thơ, với trái tim chưa đủ máu đen để suy nghĩ lo toan tính toán. Đến khi các con đã qua khỏi ngưỡng cửa học trò, nhìn lại quyển kỷ yếu, những tấm hình các con chụp cùng bạn trai, hay gái trong đêm dạ tiệc (prom) tại trường trung học, khi chín mùi tuổi teenager đôi tám, với evening dress, tuxedo, khuôn mặt lấm tấm mụn tuổi dậy thì, mới hay ra rằng cuộc đời đã khẳng định "kinh hòa bình" là "kinh khổ." Ganh ghét, chiến tranh, thù hận là "kinh hân hoan." Những quyển "lưu bút ngày xanh" giống như quyển Thánh Kinh được dấu trong ngăn kéo tủ, trong các khách sạn Las Vegas.
Thành ra...
"Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng,
biết ai còn nhớ đến ân tình xưa
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu,
những chiều hẹn nhau lúc đầu,
giờ như nước trôi qua cầu"
Phượng không đỏ ở California, phượng có màu tím. Ve không nức nở ở sân trường, ve nức nở trong rừng, thế mà lẩm nhẩm hát Nỗi Buồn Hoa Phượng của Thanh Sơn lại thấy rực trời hoa đỏ, não nùng giọng ve. Và tôi vẫn ngây ngô mỗi ngày hát Kinh Hòa Bình, dù tuổi đời không còn thơ dại.
Chúc mừng các cháu đã hoàn tất niên học, chúc mừng các gia đình có con tốt nghiệp đại học. Ước gì quyển Lưu Bút Ngày Xanh là một quyển "Kinh Hạnh Phúc" cho từng người mang theo, để khi ánh chiều xiên nhìn lại những ngây ngô ngày đầu, mỉm nụ cười thanh thản.
Comment