Announcement

Collapse
No announcement yet.

LUẬN VỀ GIỌNG QUẢNG NAM VÀ TÍNH CÁCH NHÂN ĐỌC BÀI THƠ “TÌNH CÔ GÁI QUẢNG”.

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • LUẬN VỀ GIỌNG QUẢNG NAM VÀ TÍNH CÁCH NHÂN ĐỌC BÀI THƠ “TÌNH CÔ GÁI QUẢNG”.

    LUẬN VỀ TÍNH CÁCH VÀ CHẤT GIỌNG QUẢNG NAM NHÂN ĐỌC BÀI THƠ “TÌNH CÔ GÁI QUẢNG”.

    Thời còn học trung học,cho dù còn nhớ hay đã quên mất nhiều sự kiện lịch sử của Việt nam , hẳn chúng ta không thể nào quên được sự kiện “Nam tiến “ vĩ đại của chúa Nguyễn Hoàng vào năm 1602, lập ra xứ Đàng trong cường thịnh để rồi sau đó lịch sử và địa lý Việt nam có dịp vẽ mới bản đồ Việt và viết thêm nhiều trang sử mới về việc hình thành một Việt nam ngày nay.

    Có lẽ Chúa Nguyễn hồi đó không nghĩ rằng cuộc nam tiến của mình, máy trăm năm sau lại có liên quan đến bài thơ “Tình cô gái Quảng”của nhà thơ Trần gia Cường khởi đăng trên Diễn đàn ĐH sư phạm kỹ thuật Thủ Đức vào tháng tám năm 2014.

    Bài thơ đã ghi lại tâm sự và tình yêu của cô học trò xứ Quảng đã bị “hạ gục” bởi mũi tên tình ái của anh bạn trai cùng lớp để rồi sau mấy hôm “lặn không sủi tăm” vì vắng bóng người thương… bằng chất giọng Quảng nam “da diết”,kèm với tính cách bộc trực mạnh mẽ của cô gái , những lời tâm sự mộc mạc của cô gái thốt ra được nhà thơ Trần Cường ghi nhận, đã đi vào bài thơ như một lời nhắn gửi ,hiệu triệu…mở lời cho chàng trai “ cua” mình, tấn tới.

    Có lẽ trên khắp đất nước này, chỉ người Quảng - bao gồm dân cư hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi - là giữ riêng cho mình cái giọng “chẳng giống ai”. Tất nhiên không riêng gì Quảng Nam mà bất cứ địa phương nào cũng có những dấu hiệu đặc trưng về ngôn ngữ. Những dấu hiệu đó bao gồm các yếu tố về thổ ngữ, thổ âm, thanh điệu giọng nói và phong cách phát ngôn, trong đó yếu tố sau cùng là khó sửa, khó bắt chước và mang tính đặc trưng hơn cả bởi nó còn định hình một tập quán ứng xử của cộng đồng cư dân được di truyền qua nhiều thế hệ. Có lẽ cái “thương hiệu” ăn cục nói hòn của người Quảng Nam cũng đã được xác lập từ yếu tố này.




    Sự công nhận ấy được thể hiện cụ thể khi triều Nguyễn, từ thời Minh Mạng, trong các dịp tế trời vào ngày rằm tháng Giêng tại đàn Nam Giao, vị quan đọc văn tế bao giờ cũng là người Quảng. Có thể là do cái chất giọng Quảng Nam thường to, vang xa, lôi cuốn. (Trong lịch sử hiện đại, các cuộc mít-tinh, biểu tình của sinh viên, học sinh tranh đấu ở miền Nam trước năm 1975, những người “xách động” thường là những sinh viên người Quảng, nên có một nhà báo đã nói đùa rằng cái giọng Quảng Nam chỉ được mỗi một việc là kêu gọi đi biểu tình thời sinh viên xuống đường đi tranh đấu.

    Ðiều đặc biệt là cái giọng Quảng Nam rất nhiều khi phát âm vừa vụng về vừa “quê một cục” ấy (chẳng hạn thăng thì phát âm thành theng; bác thì thành boác; gạo thì nói thành gộ v.v...) lại đã có lúc được chính thức công nhận là giọng nói tiêu chuẩn của tiếng Việt (ngay cả giọng Hà Nội cũng chưa từng được như thế!). Ðại Nam nhất thống chí từng ghi rõ: “Còn như tiếng nói thì bình dị rõ ràng, so với các tỉnh thì ở đây vừa thích trung; tuy Kinh sư cũng lấy tiếng Quảng Nam làm chính” (Cao Xuân Dục dịch, Bộ Giáo dục Sài Gòn xuất bản, năm 1964, tr. 15).

    Ta nên nhớ rằng Ðại Nam nhất thống chí là tác phẩm chính thức của Quốc sử quán triều Nguyễn, nên câu trên có thể coi là quan điểm chính thức của triều Nguyễn về giọng nói tiêu chuẩn của tiếng Việt.

    Thực ra, những thổ ngữ như răng rứa ni tê chi mô…thì cư dân suốt dải bắc Trung bộ đều dùng nên ngày nay cả nước đều có thể hiểu được. Cái sự khác người ở giọng Quảng là ở thổ âm. So với tiếng phổ thông, tiếng Quảng có sự sai biệt khá rõ ở những vần đuôi như: a, ai, ao, au, ay, am, ap, an, ang, ac, at, ăm, ăp, ăn, ăng, ăc , ăt, oi, oai, ong, oc, op, uyên... Cư dân các vùng miền khác chắc chắn sẽ trợn mắt lắc đầu khi nghe những câu rặt Quảng đại loại như:

    - Boá lốp, núa rứa lồm reng cho lột tưa héng (Bá láp, nói rứa làm răng cho lọt tai hắn).

    - Hộp hùa, nghe béc lang ác (Họp hoài, nghe bắt long óc).

    Phong cách nói năng kiểu Quảng còn thấm đẫm cả trong văn chương chữ nghĩa. Ở Điện Bàn còn lưu truyền một cặp vế đối trứ danh của hai cụ Tú thuộc hai làng Phước Chỉ và La Qua:

    “Con gái La Qua, qua hun qua hít, qua vít qua véo, qua chọc qua ghẹo, biểu em đừng có la qua.

    Đàn bà Phước Chỉ, chỉ xấu chỉ xa, chỉ bài chỉ bạc, chỉ lười chỉ nhác, Chỉ có chồng là may phước chỉ”.

    “Chửi choa khong bèng phoa giạng” (Chưởi cha không bằng pha giọng) là câu mấy cô giáo hay nói để trách cứ một người nào đó không phải là người Quảng nhưng lại giả giọng Quảng theo kiểu nói “ba rọi”...

    Người xứ khác bắt chước giọng Quảng thì nói là nhại giọng, pha giọng. Chính người Quảng diễu giọng nói của họ thì chẳng ai bắt bẻ,chẳng ai phiền lòng mà đôi khi còn phụ họa nhau cho vui.

    Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn nổi tiếng xứ Quảng nói đùa trong bài “Về giọng nói ở một nơi không có xe lam, xe đạp” vì ở Quảng Nam chỉ có “xe lôm, xe độp”.

    Trong bài này ông kể hai câu chuyện hài hước về giọng Quảng :

    Câu chuyện thứ nhất: Khách đòi mua bánh bèo đem về, cô Cúc kêu cô Lệ:

    - Chị đi kiếm cho em cái “bô”! (cái bao )

    Chữ “cái bao” qua cái giọng Quảng nguyên chất của cô Cúc biến thành “cái bô” khiến cô Lệ thừ ra mất một lúc. Rốt cuộc, tuy không hiểu cô Cúc kiếm cái bô làm chi, cô Lệ vẫn vào toa lét cầm cái bô đem ra:

    -Nề.(Nè)

    Cô Cúc ré lên:

    - Trời, lấy cái ni đựng bánh bèo cho khách răng được?”(!)

    Câu chuyện thứ hai : Một người Quảng Nam đi vào một cửa hàng bán phụ tùng xe ở Sài Gòn, cố uốn giọng để phát âm cho chuẩn, oái ăm sao rốt cuộc lại thành: “Bán cho tôi một cái... láp xe độp”. Người bán sau một hồi gặng hỏi, bực mình: “Lốp xe đạp” thì nói đại là “lốp xe đạp” ngay từ đầu, còn bày đặt... nói lái là “láp xe độp”. Nào có cố tình lái liếc gì đâu, thật oan còn hơn oan Thị Kính!

    Thêm một câu chuyện sau đây do ông Trần Tuyết, một thầy giáo người Quảng Ngãi (trước đây là hiệu trưởng trường trung học ở thị xã Quảng Ngãi) kể lại:

    Khám bịnh xong bác sĩ nói với cô bệnh nhân trẻ:

    - Cô cho tôi xin số điện thoại của cô để khi nào có kết quả khám sức khoẻ thì tôi sẽ gọi điện báo cô hay.

    Cô gái trẻ trả lời:

    - Dợ, hai ba bửa tém một bửa !

    Bác sĩ lắc đầu:

    - Không! chuyện tắm rửa của cô thì tôi không cần biết. Số điện thoại của cô á !

    Cô gái trẻ trả lời:

    -Dợ, hai ba bửa tém một bửa!

    Bác sĩ lắc đầu mạnh hơn:

    - Cô tắm mỗi ngày 2, 3 bận hay là 2,3 tuần cô tắm một lần thì tôi không cần biết.....Số điện thoại của cô kìa..

    Cô gái trẻ tức tối trả lời:

    - Dọa! em đỏa núa sớ của em lòa hai ba bửa tém một bửa.( Dạ, em đã nói số của em là 237.817)

    Nhiều người Quảng đọc chuyện này cho rằng nói như vậy là không đúng giọng Quảng.

    Nói đúng giọng Quảng là như thế nào?

    “ Ông Nguyễn Cao Kỳ có lần đã phải xin lỗi vì nhái giọng Quảng tại một cuộc họp báo khi hỏi các nhà báo rằng báo chí có còn “théc méc” gì nữa không...

    "Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc (Úc châu), cũng có lần tự thú nhận trên một trang blog của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ là ông không thích cái giọng Quảng của ông, và ông nói thẳng tiếng Việt giọng Quảng không đúng, nhất là các nguyên âm a, ă và o.

    Giọng Quảng rất riêng trong hệ thống giọng nói người Việt. Trước 1975, khi người Huế chưa di dân trên diện rộng vào Sài gòn hay các tỉnh thành Nam Bộ, dân Nam Bộ có nhiều người nói là dân nước Huế, có nghĩa là có tiếng nói riêng họ nghe không được. Nếu thế thì cũng có một nước Quảng nữa đấy. Cái riêng tây đó là lối phát âm lệch những nguyên âm hay những nguyên âm vần ghép.

    Giọng Quảng phân biệt một cách rõ ràng giữa âm TR và CH, S và X, D và V, R và G... Nhưng âm giữa và âm cuối, người Quảng thường phát âm chệch. ( Nói trật giọng chuẩn tiếng Việt mà được gọi là đúng giọng Quảng vì họ có chuẩn riêng)”

    + Âm phổ thông (toàn dân)

    + Âm địa phương

    Lỗi nhầm lẫn vần hoặc phát âm lệch chuẩn( đọc trại âm )

    bao gạo

    bô gộ

    Vần ao với ô

    gặt lúa

    gẹt lúa

    Vần ăt - et

    chim sẻ

    chiêm xẻ

    Âm s - x im-iêm

    chích choè

    chích chè

    Vần oe - e

    bài toán

    bài tán

    Vần oan - an

    văng ra xa

    văng roa xoa/ dăng roa xoa

    Vần a - oa

    bi luỵ

    bi lị

    Vần uy - i

    con cừu

    con cùi

    Vần ưu - ui

    chắc chắn

    chét chén

    Vần ăc - et, ăn - en

    tên tuổi

    tên tủi

    Vần uôi - ui

    chai rượu

    chai rụi

    Vần ươu - ui

    thỉnh thoảng

    thỉnh thảng

    Vần oang - an

    vô duyên

    dzô diên

    Vần uyên - iên

    mùa xuân

    mùa xưng

    Vần uân - ưng

    xe đạp

    xe độp

    Vần ap - ôp

    Quảng Nam

    Quoảng Nôm

    Vần ang - oang, am - ôm

    cái thuổng

    cái xuổng

    Âm th – x

    cái xẻng

    cái xảng

    Vần eng - ang

    hỏi

    hủa

    Vần oi - ua

    lâm thâm

    lâm dâm

    Âm th - d

    ( trích “vài thổ âm, thổ ngữ Quảng Nam”)"


    Một số từ tưởng chừng như là phương ngữ của riêng người Huế, thật ra người Quảng cũng nói y chang. Cũng là một gốc những người di dân khai hoang lập ấp từ Thanh, Nghệ, Tỉnh thời vua Lê, chúa Nguyễn, người dân miền này đi đến xứ khác làm ăn sinh sống đem theo cả phương ngữ của địa phương gốc của mình mang vào sử dụng trong đời sống mới ở những vùng đất mới của đàng trong, dần dần người ở đó nghe quen tai và dùng quen miệng những từ đó thành ra không còn riêng biệt nữa. Đó là sự giao thoa, pha trộn phương ngữ trong tiếng Việt do những lưu dân Việt mang theo trong cuộc nam tiến của Chúa Nguyễn.

    Bài viết này không đi sâu vào việc nghiên cứu ngôn ngữ học vì điều đó vượt quá xa tầm hiểu biết của người viết nên chỉ ghi nhận và kể ra đây để các anh chị rõ hơn cách nói của người Quảng xưa còn truyền khẩu cho đến ngày hôm nay.

    Dưới đây là một số từ ngữ người Quảng nói giống người Huế. Khi đặt câu hỏi người Quảng cũng như người Huế thường dùng từ ngữ: ri (như thế này), rứa (vậy, thế), răng (sao), mô (đâu), hỉ (hả) v.v...; khi nghe thế người kia trả lời: nớ (kia), tê (kia), ni (đây), trển (trên), chừ (bây giờ), chi (gì) , nì ( này)v.v...

    “Tui” là tôi, "Tau" là "tao", "chưn" là chân; "dị òm" là mắc cỡ, mắc cỡ lắm; "ưng" là thương; "nhớ hung" là rất nhớ, nhớ lắm;; "xí nữa" là chút nữa; "y nguy" là y nguyên; "răng" là sao, làm sao..."không reng (răng)" là không sao.

    Một ví dụ minh họa:

    Khách tới nhà, chó xồ ra sủa inh ỏi, nhe răng như muốn táp khách mà chủ nhà tỉnh rụi"- Chó sủa thôi chớ không reng mô". Nhe cả hàm răng nhọn hoắt mà nói chó không răng. Núa chi lọa rứa ?(Nói chi lạ rứa?)

    Người Huế cũng nói như rứa, có khác chi mô!

    Cách dùng từ pha trộn với ngôn ngữ của dân địa phương (Chăm pa) xứ đàng trong vào thời đó:

    "..."gò gái", “ cua gái” là tán tỉnh con gái", "hú hí" là nhỏ to với nhau; "in" là giống nhau như đúc; “lợt” là nhạt, "lợt nhớt" là quá nhạt; "rượng" là "ngứa nghề" ham chơi theo trai, gái; "sít rịt" là sít với nhau không hở; "trịt" là tẹt "- Cái mũi trịt là cái mũi tẹt, thấp", “trịt mũi” lại là nghẹt mũi;"ngẳng" để chỉ sự nghịch ngợm, "kỉnh" là biếu, "lia" là ném, là vứt. "làm phách" là lên mặt, phách lối, kiêu căng, kiêu ngạo; "yểu xìu" là quá yếu; "tổ chảng" là to lớn,"mập ú" là mập quá cỡ; trái cây mua về, chưa chín, người ta bỏ vào trong hũ gạo, đợi chín thì gọi là "giú"; "cái ảng" là cái lu ,"giả đò" là "giả vờ", tương tự "làm bộ làm tịch". “Bổ” là té. "vịn" là "dựa vào","cụi" là tủ đựng thức ăn, đặt dưới bếp ,"lủm" là từ chỉ hành động bốc một vật gì đó bỏ vào trong miệng; "kiệt" là hẻm, ngõ; "kiết" là keo kiệt; "đầu dầu" là đầu trần cò lẽ là vì hồi trước người ta chải tóc bằng dầu brillantine nhìn đầu tóc phủ một lớp dầu “láng xà coóng, ruồi đậu lên là bị trợt chân!!” "ướt nhẹp" là ướt đẩm, ướt dầm..., "dúng" là giống; "mướt rượt" là rất mượt mà, hết chỗ chê."trơn lu" là rất trơn, "biểu" là bảo; "phỉnh" là dụ dỗ, gạ gẫm; "ngọt xớt" là rất ngọt. “một chặp” là một lát…

    Có vài chữ nghe rất riêng giọng Quảng và lạ tai: "thọa" là cái hộc tủ; "thụng" là túi, "trã" tương tự như cái chảo, làm bằng đất, dùng để kho cá; "hục" là "hố" ,"ở dổng" là ở truồng , "dịt" là dệt , “ủm" là thu hết về cho mình, như để chỉ hành động ôm em bé vào lòng mình làm cho bé ấm áp, người ta nói: "Ủm em", "nói xanh xảnh" là nói hỗn, thiếu lễ phép. "hẹp tré" là rất hẹp, "nói lung" là nói giỡn; "gướm" là "gớm", có thể nói những từ không có trong từ điển tiếng Việt…"

    Rất có thể, khi theo chân chúa Nguyễn đi mở cõi,những lưu dân ở vùng đất phía Bắc đã buộc phải để vợ con ở lại quê nhà, “đơn thân độc mã” tìm một vùng đất mới lập nghiệp, để rồi trên bước đường lưu lạc,đôi lúc tâm hồn tha phương cần được sưởi ấm (và cả để " truyền giống" nữa) , không thiếu những “bóng hồng” Champa đã giữ chân những lưu dân Việt này, rồi sau đó như một qui luật tự nhiên nhiều thế hệ F1,F2…,Fn đã được sinh sôi nảy nở .

    Cái " bếp ấm" lúc này đã có nhiều bóng dáng của người phụ nữ Champa thế chỗ, rồi trong sự nghèo nàn của vốn Việt ngữ học lóm được của sự giao thoa ngôn ngữ và văn hóa trong các " mái ấm" này, hình thành sự phối ngẫu ngôn ngữ “ Việt –Chăm” để sử dụng trong giao tiếp hàng ngày và để nuôi dạy rồi truyền khấu cho các thế hệ cháu con xứ Quảng …trên mãnh đất này.

    Sự "truyền giống" ấy còn tiếp tục kéo dài nhiều thế hệ tiếp theo cho những lưu dân lớp đầu của xứ đàng trong mà vùng đất Quảng nam (thuộc châu Ô) là cái nôi của nền văn hóa “ Việt –Chăm” trong suốt mấy trăm năm của giai đoạn mở cõi này để đế ngày nay chúng ta có được một “ Hệ ngôn ngữ” rất riêng mà không lẫn với bất cứ vùng, miền nào trên đất Việt.

    Từ đó, người Quảng đem tiếng lòng mình nói với giọng nói thân thương của quê nhà, sử dụng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc ở vùng đất này dù biết rất rõ là họ nói sai những âm nào so với lối phát âm chuẩn của tiếng Việt nhưng họ cứ nói như thế từ đời này qua đời khác. Họ có chuẩn giọng Quảng mà họ tự hào. Âu đó cũng là một tính cách đặc trưng của người Quảng?

    Còn đây, nhiều câu chuyện truyền kỳ bên lề sử Việt, trong các thế hệ con cháu của chúa Nguyễn râm ran bàn tán rồi lưu truyền lại trong gia phả, những câu chuyện dù còn nhiều tranh cãi vì thiếu cứ liệu lịch sử nhưng không phải không có lý .Chuyện là sau khi người con rễ Trịnh Kiểm giết cha vợ là Nguyễn Kim và hai con trai của ông để tiếm quyền, người em vợ còn lại Nguyễn Hoàng đang tuổi 13 đã phải giả điên để trốn tránh tai mắt của người anh rễ.

    Được Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm vấn kế qua câu nói bất hủ ”Hoành sơn nhất đái,vạn đại dung thân “ , Nguyễn Hoàng cùng chị gái của mình và là vợ của Trịnh Kiểm, năn nỉ ông ta xin được cho vào đàng trong để dẹp loạn Champa đang quấy phá…và để mưu cầu việc lớn.

    Được phép cho vào đàng trong ,ngay trong đêm đó Nguyễn Hoàng lập tức ra đi, rồi Ông âm thầm mở xiềng cho hơn mấy trăm tử tù cùng theo mình lẫn vào đoàn lưu dân nam tiến .Cái tính cách ngang tàng,khí phách, quật cường… của lớp lưu dân này âm ỉ chảy trong huyết quản của lớp con cháu mình ở xứ đàng trong đã góp phần tạo nên tính cách rất riêng của dân Quảng nam:Tính cách bộc trực và ngay thẳng mà hình ảnh của cô gái Quảng trong bài thơ của thi sĩ Trần gia Cường đã thể hiện rõ là một nét chấm phá minh họa…?

    Có lẽ câu “Quảng nam hay cãi “ hẳn đã xuất phát từ tính cách này ?

    ( Để rõ hơn về vấn đề này,xin quý vị đọc lại bài “Tản mạn về mì quảng” của Tuan Ton đã đăng trên diễn đàn nhà vào năm ngoái )

    Thế nên, xin mạn phép nhà thơ Trần Cường,sau khi đã tham khảo rất nhiều tài liệu và "bản dịch" của một số học giả "trong ,ngoài nước" nghiên cứu về “Ngôn ngữ Quảng nam”,xin được "hiệu chỉnh" lại bản gốc của tác giả theo văn phong và ngôn ngữ rặt xứ Quảng bởi có lẽ cô gái Quảng trong bài thơ của Anh đã theo gia đình lên tàu vào Nam từ thời ấu thơ hoặc giả là con nuôi của một gia đình người Quảng nên vẫn có máu “Quảng nam ” dù chưa hoàn toàn “thuần chủng ” ???

    Và đây là nội dung bài thơ đã hiệu chỉnh :




    Đến đây , người viết chỉ sợ nhất câu tuyên bố “xanh zờn” dưới đây của thi sĩ Trần gia Cường thì xem như ê mất cả nồi mì quảng :

    “Ông ơi, cô gái trong thơ của tui là cô gái Quảng Ngãi mà,Quảng nôm của ông mà kể zô….? ”

    TuanTon

    PS : Bài viết này có trích những từ trong bài “Vài thổ âm, thổ ngữ của người Quảng Nam” đăng trên INTERNET và vài câu chuyện vui về giọng Quảng đã đăng trên báo Thanh niên

    Lời thêm: Mong rằng sau bài viết này sẽ có nhiều anh chị là người Quảng Nam hoặc thân thiết với người Quảng chịu bỏ công cùng với Tuan Ton góp chuyện để làm một quyển Từ điển “tra ngược” về tiếng Quảng trên diễn đàn.


  • #2
    Wow! Cám ơn anh Tuấn Tôn đã viết một bài tiểu luận rất súc tích về ngôn ngữ điạ phương xứ Quảng. Học được rất nhiều qua bài khảo cứu công phu này. Xưa tới giờ, T có nhiều bạn từ các miền đất nước nên có dịp làm quen với âm sắc miền quê cuả bạn, nhưng phải nói với các bạn người Huế, người Quãng, hay Tuy Hoà, Đà Nẵng, Phan Rang.... nói chung là từ miền Trung nước Việt, nếu các bạn ấy nói chuyện với nhau bằng tiếng / giọng điạ phương thì T chiụ chết, không cách chi hiểu được vì nghe cứ như chim hót vậy. Có cái hay là khi bạn ấy nói chuyện với mình thì sưả giọng để mình hiểu dễ dàng.

    Đôi khi T cũng bắt chước giọng các miền Bắc, miền Trung, Huế...trong câu chuyện nhưng không bao giờ dám giả giọng trước mặt bạn vì biết thế nào cũng bị cười, vì chính mình đã từng cười khi nghe người Bắc giả giọng Nam hay ca sĩ người Nam hát tiếng Bắc.

    Thân mến,

    Trúc

    Comment


    • #3


      Cảm ơn Tuấn rất nhiều, những gì bạn đã viết đều rất nghiêm túc, công phu và có giá trị. Bạn đã giúp mình nhớ lại những năm tháng còn sống ở Đà Nẵng với những người bạn xứ Quảng thân thương cho dù bây giờ đang phải sống ở một nơi thăm thẳm chân trời.


      Comment


      • #4
        Bạn Tuấn Tôn và các bạn mến

        Khi P mới sang đây , vì thời gian đầu phải đi học lại , nên quen được nhiều người thuộc nhiều quốc gia khác nhau như Ấn độ , Sri Lanka , Bosnia …..Nhờ cơ hội này P mới có dịp để ý tới ngôn ngữ , tuy là ngôn ngử của ...người ta , vì có lần P thấy 2 người Ấn độ nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh , P mới hỏi họ sao không nói tiếng của nước họ , thì một người mới giải thích là tuy là chung một nước nhưng 2 người 2 ngôn ngử khác nhau nên họ phải nói tiếng Anh với nhau .

        Từ đó P thấy mình rất may mắn vì khi nói chuyện với bất cứ người Việt nào mình cũng có thể hiểu được , tuy có nhiều chữ địa phương mình không biết nhưng không phải vì vậy mà mình không hoàn toàn hiểu người ta nói . Nếu nghe người miền Quảng nói riêng và người Trung nói chung thì mới đầu nghe có hơi lạ tai một chút , nhưng nghe kỹ cũng thấy ...dễ thương lắm ( chỉ có các cô gái thui nghen ) , và khi họ nói nhanh thì nghe như chim hót nghe cũng vui tai , có phải vì vậy mà người miền Trung nổi tiếng về chuyện cười , nhất là câu chuyện một nhà nhân chủng học tìm thấy nguồn gốc người Nhật trên đất thần kinh , chắc các bạn đều biết ? Tuy là chuyện vui thôi nhưng cũng làm P tưởng tượng rằng có lẽ ngày xưa người Nhật sang Vn buôn bán thấy tiếng Huế phát âm giống tiếng Nhật nên nhiều người đã ở lại Hội An sinh sống , rồi tạo nên phố cổ Hội An nổi tiếng chăng ?

        Cám ơn bạn Tuấn Tôn đã làm cho cô gái xứ Quảng gần gủi mọi người hơn , các bạn gái xứ Quảng sẽ vui lắm vì thấy mình nói mà được hiểu qua phần dịch nghĩa của bạn Tuấn Tôn . Khi nào thì bạn Tuấn Tôn viết zìa giọng Bắc giọng Nam hén ?

        Thân chào

        PL

        Comment

        Working...
        X