Announcement

Collapse
No announcement yet.

Bali, rau muống và cà phê phân chồn - Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours and Travel

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Bali, rau muống và cà phê phân chồn - Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours and Travel

    Bali, rau muống và cà phê phân chồn

    Trần Nguyên Thắng/ATNT Tours & Travel

    Indonesia là một đất nước hình thành bởi một chuỗi đảo liên tục nằm nối nhau từ Tây (đảo lớn Sumatra) qua Ðông (đảo lớn Kalimantan/Irian Java). Một trong những hòn đảo du lịch nổi tiếng trên thế giới là Bali Island nhờ vào vị trí nằm nối liền giữa hai đảo Java và đảo Lombok.



    Các quán ăn tại Jimbarant Beach tại Bali về đêm. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Bali trở thành một điểm du lịch đặc biệt của Indonesia không phải chỉ vì thắng cảnh đẹp thiên nhiên mà còn là một điểm văn hóa Ấn Ðộ Giáo, hoàn toàn khác hẳn với tôn giáo chính Hồi Giáo tại xứ sở này. Từ thành phố Jogyakarta (nơi nổi tiếng với ngôi đền Phật Giáo vĩ đại Borobudur) đến Bali chỉ mất độ hơn một giờ bay, nhưng nếu bạn bay từ thủ đô Jakarta thì phải mất gần hai giờ rưỡi bay.



    Menu bao gồm trái dừa tươi, dĩa seafood, dĩa rau muống và cơm. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Bali Island với khoảng gần 4 triệu dân trên một diện tích không mấy là lớn lắm (5,600km2) nhưng tôi cho đây là một hòn đảo có rất nhiều yếu tố thú vị hấp dẫn từ phong cảnh thiên nhiên đến các sắc thái văn hóa, tôn giáo và ẩm thực đã thu hút khách lãng du từ khắp bốn phương trời. Xin được tạm gác qua các cảnh đẹp thiên nhiên cũng như các kiến trúc đền đài tôn giáo tại Bali vào một bài viết khác. Lần này chỉ xin được nói sơ qua một vài cảm giác ngạc nhiên đầu tiên khi đặt chân đến hòn đảo nhỏ nhất thế giới này (vì chỉ có ba li “3mm”!).



    Chồn Luwak tại Bali. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Tôi vốn dĩ là một phàm phu tục tử trong ăn uống, ăn chỉ cốt để no hơn là cốt thưởng thức hương vị các món ăn uống. Thế mà Bali lại tạo cho tôi được cảm giác tò mò thích thú khi bỗng dưng bữa ăn tối đầu tiên ở đây tôi được thưởng thức món rau muống xào hành mỡ của Bali.

    Rời Jogyakarta vào lúc ban chiều khi cơn mưa vừa tạm dừng rơi ở đây, tôi vẫn còn cảm giác choáng ngợp của di tích lịch sử ngôi đền Phật Giáo Borobudur. Chuyến bay đáp xuống Bali trả tôi về với thực tế, người bạn Indonesia Nana đón và hỏi tôi muốn ăn gì cho buổi tối. Tôi ngần ngừ chưa biết trả lời thì hắn nói luôn “Thôi! Ði ra Jimbaran Beach ăn Seafood vậy nhé! Cảnh hoàng hôn ở đó rất đẹp và có rất đông du khách đến ăn tối ở đây”.



    Trái cà phê Java. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Luồn lách qua những con đường lớn nhỏ, hai bên là những ngôi nhà san sát bên những ngôi đền thờ có kiến trúc lạ lùng nho nhỏ (tôi hơi ngạc nhiên về điểm này nhưng chưa tiện hỏi, sau này tôi mới biết đó là những tổ đình của của từng đại gia đình người dân Bali). Ðến Jimbaran Beach mới chỉ hơn 6 giờ chiều, thế mà hoàng hôn cũng đã khuất ánh mặt trời. Cả một con phố là các quán hàng ăn và sau lưng các nhà hàng là Jimbaran Beach, dọc theo bãi biển từng hàng bàn ghế của các tiệm ăn được xếp nối liền nhau ra xa tít có đến cả hơn cây số. Tiếng đàn hát của những người nghệ nhân “rong ca”*, tiếng cười nói gọi nhau ơi ới làm bãi biển Jimbaran rộn ràng bừng lên sức sống về đêm.





    Phân chồn được tiêu hóa ra. (Hình: ATNT Tours & Travel)


    Nana gọi menu seafood cho cả hai người. Phần ăn thì như thế, về phần uống thì tôi chọn ly trà chanh nóng (hot lemon tea). Có lẽ đây là một bữa ăn tối tạo cho tôi nhiều ngạc nhiên và thú vị nhất trong ngày tháng rong ruổi làm việc ở các thành phố lạ. Hương vị của ly trà chanh nóng đã cho tôi vị giác rất đậm đà, vị chua của chanh trộn lẫn với mật ngọt của đường. Khi đặt chân đến Jakarta, hương vị của đặc sản trà nóng chanh đường này đã lôi cuốn tôi ngay từ bữa ăn đầu tiên ở thủ đô của Indonesia. Ðến Bali tôi mới bật ngửa ra món trà nóng chanh đường đã được kỹ nghệ hóa, đã được các nơi sản xuất trà & café chế biến thành các sản phẩm riêng của họ. Chỉ cần hòa tan bột trà đặc sản này vào ly nước nóng là thực khách có ngay một ly trà nóng chanh đường đậm đà “tuyệt cú mèo”** cho mình thưởng thức.



    Trái cà phê (trong phân chồn) sau khi được rửa sạch và tách rời ra. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Trong lúc chờ đợi, món ăn đầu tiên nhà hàng đem đến cho chúng tôi không phải là dĩa seafood như tôi mong đợi mà là một dĩa rau muống xào hành. Tôi hết sức ngạc nhiên tưởng mình đến một tiệm ăn Việt Nam nào đó ở đây, hỏi ra thì Nana cho biết đây như là một món khai vị của nhà hàng. Rau muống trong ngôn ngữ Indonesia được gọi là Kankung và người dân bản xứ thích ăn món Kankung này khá nhiều. Ngày còn bé, món rau muống xào tỏi là một món tương đối “giàu có” với tôi, không phải lúc nào cũng được ăn món này. Bố mẹ tôi bươn chải buôn bán đường xa, ở nhà chỉ còn bà nội và bà cô buôn thúng bán bưng giúp hộ trông nom đàn cháu. Hôm nào thúng hàng trái cây bán xong sớm, bà cô đều ghé chợ mua bó rau muống, họa hoằn lắm mới mua được ít con cua lột. Cua thì làm cua lột lăn chiên bột cả năm may ra đàn cháu mới được ăn một lần cho có hương có hoa. Còn rau muống thì được bà cô làm món rau muống xào tỏi hay luộc lên chấm tương, nước rau muống luộc dầm cà chua cũng ngon đáo để. Món rau muống có cái lạ là xào nấu kiểu nào đi nữa mà sao ăn vẫn thấy ngon thế! Không biết người miền Bắc có nghiện món rau muống không nữa hay tại nhà nghèo quá nên món ăn nào hơi lạ hơn thường ngày thì đều trở thành các món ăn ngon miệng. Bây giờ có ăn nem công chả phượng mà nhiều khi vẫn chẳng thấy thú vị gì. Dù bữa tiệc có cao sang cầu kỳ đến đâu nhưng cảm giác háo hức thèm ăn hình như đi vắng, ai ai cũng muốn “lăng ba vi bộ” ra khỏi các độc tố cao đường, cao mỡ và cao áp huyết.



    Vỏ ngoài trái cà phê được bóc ra và hạt cà phê được rang lên. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Ðiều thứ hai làm tôi ngạc nhiên thích thú là món “cà phê cứt chồn”. Khi viết bài này tôi không dám dùng ngôn từ dân dã này làm tựa, nên phải nói cho văn vẻ một chút là “cà phê phân chồn”, mong độc giả du di cho điều này. Luwak có nghĩa là con chồn và Kopi là cà phê nên Kopi Luwak là cà phê chồn đọc nghe có vẻ thanh lịch hơn trong ngôn từ bài viết. Ðây cũng là một đặc sản của đảo Java, giá bán rất đắt so với các loại cà phê khác (100gram Kopi Luwak là khoảng 350,000 rup hay $35, còn loại cà phê thường 250gram khoảng 30,000rup hay $3). Sự quá khác biệt về giá cả khiến tôi tò mò tìm đến hai trang trại có bán cà phê chồn Kopi Luwak để xem tiến trình họ sản xuất loại café này như thế nào! Chồn là một loại thú chuyên đi tìm bắt gà để ăn thịt, chúng ngủ ban ngày say sưa và đêm đến thì thức dậy đi tìm mồi. Người dân Java cũng đau đầu không biết diệt chúng như thế nào. Về sau họ để ý là các con Luwak này rất thích ăn trái café, chúng chọn lựa và chỉ ăn những trái café chín. Từ những kinh nghiệm đó, họ lần mò ra cách thức sáng tạo café phân chồn. Các con chồn sau khi ăn no nê các trái café thì chúng đều thải ra lại các trái café dính chùm với nhau (gọi là phân chồn). Người ta nhặt các phân chồn này đem đi rửa sạch, tách chúng rời ra và đem phơi khô. Sau đó họ bóc vỏ trái cà phê và lấy hạt cà phê ra, vì thế hạt cà phê này xem như đã được vỏ trái cà phê bọc bên ngoài che lại nên hầu như không bị sự tiêu hóa của chồn ảnh hưởng đến. Sau khi bóc các hạt cà phê ra thì tiến trình tiếp theo là đem rang lên theo đúng qui định của từng trang trại một. Tiến trình sau cùng là ghiền nát các hạt cà phê ra và đem đóng bao bì. Phương thức sản xuất Kopi Luwak tưởng như đơn giản đó trên thực tế rất tốn kém thời gian và công sức vì số lượng phân chồn không nhiều để cung ứng theo thị trường cho những người ghiền cà phê, có lẽ yếu tố này đã làm giá cả Kopi Luwak trở nên đắt đỏ.



    Hạt cà phê được giã nát ra và đem đóng gói bán. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Còn phong vị cà phê phân chồn ra sao? Tôi đã được cô hàng cà phê dịu dàng mời uống thử các loại cà phê như Gingsen cà phê, Bali cà phê, Lemon Grass Tea, Lemon Tea, Chocolate, nhưng tuyệt đối không cho uống thử “cà phê phân chồn”. Nếu bạn muốn thử thì phải trả tiền khoảng hơn $4 cho một ly nhỏ Expresso. Cách thức pha một ly cà phê phân chồn cũng giống hệt như pha chế một ly expresso bằng máy. Tôi đã bấm bụng mua 100gram “Kopi Luwak” để uống thử.



    Một thương hiệu cà phê phân chồn tại Bali. (Hình: ATNT Tours & Travel)

    Tôi thích uống cà phê nhưng không phải là một người ghiền đến độ có thể trình bày các phong vị khác nhau của các loại cà phê nên đành chịu thua, không biết miêu tả làm sao để phân biệt mùi vị tinh túy của cà phê phân chồn. Cô hàng cà phê mỉm cười dịu dàng nói với tôi mùi vị Kopi Luwak đậm đà hơn, uống dịu hơn các loại cà phê thường khác. Nhìn nụ cười cô hàng cà phê, lúc này tôi mới biết ông nhạc sĩ Canh Thân ngày xưa tại sao ông ấy có thể hoàn thành bản nhạc “Cô hàng cà phê” bất tử cho đến ngày nay. Hương thơm cà phê phân chồn chưa làm tôi thấm được cái dịu của nó, nhưng nụ cười dịu dàng của cô đã khiến tôi cũng nhẹ nhàng trả lời “Vâng! Kopi Luwak rất dịu thơm! Ngon tuyệt”.

    Không biết Bali cà phê phân chồn dịu thơm hay nó thơm dịu nhờ nụ cười cô hàng cà phê.

    Chú thích:

    *Rong ca: ngôn ngữ Phạm Duy.

    **Tuyệt cú mèo: ngôn ngữ nhà văn Duyên Anh.

    (Theo nguoi-viet)


Working...
X