Announcement

Collapse
No announcement yet.

MỘT HUYỀN THOẠI MẸ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • MỘT HUYỀN THOẠI MẸ

    Đây là lần đầu tiên KD được thăm QUY HOÀ. Đến thành phố Quy Nhơn vào lúc xế chiều, không còn chuyến xe bus để về Quy Hòa, may quá còn đón được 2 chiếc xe ôm cho hai chị em. Trên đường D hỏi bác tài:

    - Trại phong có xa không bác tài?

    - Đi lối này, khi nào nhìn thấy tượng Đức Mẹ Quy Hoà là gần đến.

    - Nhìn ở đâu bác?

    - À tượng Đức Mẹ Quy Hoà được đưa lên một ngọn núi trên đèo, giữa thành phố Quy Nhơn và trại phong, ở độ cao 1000m, tượng được anh em bệnh phong xây dựng.

    - Vậy trại phong ở tít trên đó hả bác?

    - Không, trại không ở cao trên đó đâu, nhưng muốn lên đó phải vất vả lắm. Đường lên đỉnh đồi gập ghềnh đá núi, đầy những gai rừng, nhỏ và hẹp, tượng nhìn ra biển, cảnh đẹp lắm. Bác thở dài nói tiếp:

    - Đường làm sao thì nỗi lòng của bệnh nhân làm vậy cô ạ.



    Qua vài mẩu chuyện xã giao ngắn ngủi đã đến trại phong. Lúc này trời chập tối, vừa gặp chị là tụi Dung đã được dặn dò:

    - Chị đã dọn phòng cho hai em rồi đó, ăn gì chưa?

    - Hai đứa em ăn rồi .

    - Vậy chuẩn bị rồi đi ngủ sớm nhá, gặp ngày mai nhé. Này chị dặn hai đứa nhá, trong thời gian ở đây nếu có dịp tiếp xúc với anh em phong thì hai đứa phải bình tĩnh nhá. Luôn vui vẻ từ tốn, không được để lộ một cảm xúc gì để tránh khơi nỗi tủi phận vì cái bệnh của họ nhá. Thôi đi ngủ đi. Chúc một đêm bình an đến với hai em.

    Hai đứa nhận phòng, không bìết cậu em thì làm sao chứ KD thì đi đường mệt nên duỗi cẳng làm thẳng một giấc thiệt bình an.

    [align=center][/align]

    Lúc vừa tảng sáng trời Quy Hoà đã hừng nắng, không khí cũng thấy hực nóng không như ở Bảo Lộc. Làng phong sao tĩnh mịch lặng lẽ quá, KD tản bộ ra bãi biển hít thở không khí đầu ngày. Bãi biển vắng vẻ, lúc này chỉ có một mình với gió, với biển cả mênh mông, cái đầu trống trơn, cất những bước chân lãng đãng tựa trên không. Cứ bước những bước như thế một hồi lâu thì mới nghe được tiếng rít nhè nhẹ của gió, xa xa là tiếng kêu gào của biển khổ. Nước biển từ từ theo sóng ùa vào tràn lên bờ cát làm ra những bọt trắng xoá rồi lại kéo nhau ra biển thật lẹ làng. Biển Quy Hòa hôm nay đẹp và hiền, biển mênh mông mà êm ái. Bất chợt KD cất tiếng hát: "Lòng mẹ bao la như biển thái bình dạt dào", nghe mới thắm thiết làm sao? Nắng mỗi lúc mỗi gắt hơn, phía xa xa có nhiều người đang chạy bộ trên bãi biển. KD thò tay múc một bụm nước biển tạt lên mặt như để cho tâm tư mình hoà chung với biển rồi trở về nhà.



    Trên đường về tiếng MẸ cứ chộn rộn trong đầu. MẸ: tiếng gọi phát ra từ miệng bất cứ ai sao nghe dễ thương, âu yếm và ngọt ngào đến thế. mỗi người đều mang trong mình một mẹ riêng của mình, món quà không ai giống ai. KD lại nhớ đến hôm qua khi đi thăm làng phong, chị giới thiệu: "Đây là nhà mồ côi dành cho trẻ em con của bệnh nhân phong chưa phát hiện bệnh". KD tự nói với mình: "Ôi! mẹ đó con đây mà sao vẫn phải mồ côi, có bao giờ các em được gọi MẸ không?" Chuyện nghe thật phi lý.

    Cái buồn cứ trùm kín KD, từ lúc đó đến nay KD không muốn đi đâu nữa. KD tìm tờ báo để xem và tình cờ đọc được mẩu truyện "MỘT HUYỀN THOẠI MẸ'' của bệnh nhân François Louis Hoàng Yến. KD như được chui ra khỏi đám mây u buồn. VN thời đó còn lạc hậu lắm, bệnh phong được liệt vào một trong tứ chứng nan y và là nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại. Ngoài những tàn phá kinh tởm của vi trùng HANSEN, người bệnh còn bị gia đình xa lánh, xã hội ruồng bỏ. Lòng người LM thừa sai như muối sát kim châm, cha đã làm tất cả vì TÌNH YÊU, ngày 29/09/1929 bệnh viện phong QUY HÒA ra đời. KD chia sẻ tâm sự của Hoàng Yến với mọi người.




    Khi mùa đông đến, nhũng cánh hoa tuyết bắt đầu rơi trắng xóa trên nhiều miền đất của Pháp thì bảy nữ tu Thiên Thần áo trắng Françiscan đã giã từ kinh thành Paris hoa lệ, ngập tràn ánh sáng để xuống tàu sang VN, cụ thể là đến QUY HOÀ. Ngày chúng con đón Mẹ chẳng có cờ hoa và diễn văn chào mừng gì cả mà chỉ với tấm lòng kính mến và trân trọng. Chúng con hoan hô "Ma Me" đến, chúng con chào "Ma Me" ạ. Những câu nói nửa tây, nửa ta vừa ngây ngô, vừa trìu mếm đã vô tình để lại trong Mẹ một dấu ấn tốt đẹp buổi ban đầu. Mẹ nhìn chúng con thấy những thân hình, mặt mày đỏ bầm thâm tím, tay chân cụt rụt thảm thương. Bất giác Mẹ bùi ngùi xúc động và những giọt lệ từ từ lăn trên má khiến chúng con ai nấy cũng mủi lòng theo với nước mắt đầm đìa. Chúng con đã cảm nhận được rằng mình đang có một tình thương và một tình mẫu tử mang ý nghĩa đích thực của nó cùng với một trái tim đầy ắp tình nhân loại mà Thượng Đế đã ban cho.



    Hôm sau các Mẹ chẳng kịp nghỉ ngơi cho lại sức mà đã lao ngay vào công việc nghiên cứu tình hình, phân công phân nhiệm. Một Mẹ giữ vai trò tổng quản, một Mẹ thì khám bệnh, phát thuốc, chích thuốc, băng bó cùng phụ trách 2 khoa nội ngoại, Mẹ khác lo cơm ăn áo mặc cho chúng con, tất cả, tất cả bằng một tấm lòng nhân ái. Mẹ chẳng quản hiểm nghèo gian khổ, bất chấp ngày đêm. Nơi nào có tiếng kêu rên siết và tiếng gọi Mẹ ơi, thì lập tức nơi đó có Mẹ, Mẹ cho một lời an ủi vỗ về, một mũi kim, viên thuốc hay thìa sữa nóng. Mẹ thương yêu và nể trọng mọi người, nhất là những em bé mới vào đời tuổi còn ngây thơ mà đã vướng phải cơn bệnh ngặt nghèo. Một lần có em bé gái tuổi độ 12 đang quằn quại trên giường bệnh, đôi má ửng hồng vì chứng bệnh phong. Chân tay em tái nhợt nhưng đôi mắt không dấu được sự trong sáng hồn nhiên của tuổi học trò. Chẳng phải em kiệt quệ vì bệnh phong mà mắc một chứng bệnh nào khác. Em rùng mình thét lên: "Mẹ ơi cứu con với", lập tức Mẹ chạy đến ôm em vào lòng và vuốt ngực em, nhưng em chỉ thì thào trong tiếng nấc: "GIÊSU, con chết mất Mẹ ơi ", đoạn em ngất lịm. Mẹ đau đớn vuốt mặt em rồi gạt nước mắt bước ra, mấy phút sau tiếng chuông trầm ảo não bước vang lên báo tin cho cộng đồng tín hữu bái biệt một linh hồn đã về với Chúa trên cõi vĩnh hằng. Mẹ đau buồn vì bất lực trước lưỡi hái tử thần đã cướp đi bao sinh mạng, những đứa con yêu dấu của mình, ví như chàng thi sĩ tài hoa Hàn Mặc Tử đã vĩnh biệt chúng ta khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vì chứng kiết lỵ thông thường đó thôi.



    Mùa thu 1945 theo biến cố lịch sử. Một sớm mùa thu khi sương đêm còn ướt đẫm, Mẹ đã âm thầm lặng lẽ lên xe rời Quy Hòa. Sáng ra người lão bộc thân tín của Mẹ đã ôm trọn bộ chìa khóa của Mẹ trao cho người đại diện của chúng con với bản tin ngắn ngủi: " Mẹ đi rồi". Có người hỏi lại: "Mẹ đi chưa?", liền có tiếng đáp:"Mẹ đi rồi ", thế là cả khu bệnh viện nhốn nháo cả lên và không ai bảo ai mọi người đều đổ xô về phía cổng nhà thờ. Đúng, Mẹ đã đi rồi! Có lẽ Mẹ không muốn chứng kiến cảnh chia ly đầy nước mắt vì biết rằng sự việc đó trước sau gì cũng sẽ đến. Nhưng tin Mẹ ra đi đột ngột khiến chúng con bàng hoàng, sững sờ, ngơ ngác, đôi môi mím chặt, nước mắt rưng rưng. Các dì, các chị vốn đa cảm đều nức nở thốt lên: " Mẹ ơi sao Mẹ nỡ bỏ con hỡi Mẹ?". Không khí khu vực bệnh viên ngày hôm ấy chùng xuống như đượm một màu tang.



    Sau 9 năm chiến tranh, tổ Quốc VN bị chia cắt, Quy Hoà thuộc vùng đất của chính phủ Ngô Đình Diệm quản lý. Mẹ có dịp trở lại Quy Hoà, ngày gặp lại 'mẹ mẹ, con con', nước mắt tuôn tràn, mừng mừng, tủi tủi, kẻ còn người mất.

    Từ đó bệnh nhân khắp miền trung lại trở về có lúc lên đến hàng ngàn người, có thể nói thập niên 60 - 70 là thời cực thịnh. Mẹ là kiến trúc sư ở Pháp, nhà cửa do chính mẹ điều khiển, Mẹ vẽ kiểu, tính toán, theo dõi từng chi tiết cho chúng con xây dựng. Cuộc sống tinh thần và vật chất ngày thêm phong phú dưới sự quan tâm chăm sóc của Mẹ với tấm lòng hết mực yêu thương như những con ong cần mẫn ngày đêm tìm hoa lấy nhụy chắt lọc nên những mật ngọt cho đời. Mẹ đúng là 'thần hộ mệnh', là Mẹ của chúng con.




    Đọc xong mẩu truyện KD mới thở nhẹ vì biết họ cũng có Mẹ, Mẹ của họ cũng chỉ họ biết mà thôi.

    Ngày chấm dứt đêm lại trở về.

    Đêm nay nhìn qua cửa sổ thấy ông trăng tròn, lần đầu tiên KD thấy trăng của biển, trăng của biển không giống trăng cao nguyên.

    Trăng Cao Nguyên :

    Trăng trốn trên đọt cây,

    Trăng xào xạc làm lá hoa cây cành nhún nhẩy,

    Ánh trăng vàng trong vắt lơ lửng, rọi bóng từng ngọn cỏ và từng bông hoa như cứ đong đưa vui đùa với gió.



    Trăng của Biển:

    Trăng sáng vằng vặc,

    Trăng nghiêm nghị đậu trên ngọn Phi Lao,

    Trăng mang những tia sáng vàng chói, rọi trên mặt nước biển bao la, tạo ra một màu vàng hiu hắt, hun hút vô tận không đường về? Trăng của Biển rùng rợn và đáng sợ đến thế sao? Bám vào đâu? Víu vào đâu?

    Không, không phải thế, con người ở đây họ vẫn có bàn tay của Mẹ dẫn về, bàn tay Mẹ vẫn vỗ về an ủi họ, họ cũng có Mẹ đấy thôi.

    Ôi! là một người bình thường như Dung còn thấy trăng não nề đến thế. Có ra thăm nơi này đúng ngày trăng tròn mới hiểu thấu nỗi lòng thi sĩ Hàn Mặc Tử u uất như thế nào, đến độ phải rao bán trăng.



    Ở nơi đây, chính nơi đây vẫn có những Mẹ hiền xoa dịu vết thương đau. Happy Mother´s Day !!!

    "Ôi đẹp qúa Quy Hoà ôi đẹp quá,

    Đẹp tình người đẹp trọn những ước mơ"

    (Phong Linh)

    Thương mến QUY HÒA

    KimDung

  • #2
    Các bạn mến , cách đây vài năm trước , P cũng có dịp đi thăm Qui nhơn 3 ngày với một nhóm du lịch khi P về Vn lần đó

    Sau 3 ngày ở Qui nhơn tắm biển xong , tới ngày thứ 4 chuẩn bị về lại Saigon thì sáng đó anh tài xế xe bus nói với mọi người là ra tới Qui nhơn mà không ghé thăm trại Qui hòa và viếng mộ thi sĩ Hàn mặc Tử là chưa phải đi du lịch Qui nhơn , nghe nói thấy có lý nên cả đoàn đồng lòng ghé Qui hòa trước khi về Saigon nhưng không quên nhờ bác tài cho đoàn ghé chợ mua ít bánh kẹo vì được biết trong trại cũng có trẻ em .

    Khi tới nơi , không ngờ phong cảnh nên thơ hiền hòa quá làm P quên mất đây là nơi dung dưỡng của các bịnh nhân đau khổ vì Hansen

    Anh tài xế có lẽ quen với chuyện làm từ thiện nên anh rất tự nhiên làm người hướng dẫn đoàn , Anh dắt mọi người đi gặp soeur mà Anh quen để giới thiệu và xin đi thăm vài nơi trong làng , tuy tới bất ngờ nhưng soeur vẫn tiếp đoàn rất niềm nở , mọi người vừa đi vừa ngắm cảnh vừa được nghe soeur nói chuyện , soeur tự giới thiệu tên soeur là Cát , soeur nói sơ về sinh hoạt của trại , công việc của các bác sĩ , y tá và của các soeur , cách săn sóc và an ủi người bịnh ...v..v...

    Lúc đó vừa nghe soeur nói P vừa chợt nghĩ tới ... tên của soeur , chữ CÁT đã nói lên tấm lòng của người , tấm lòng của đất cát thì không có gì sánh bằng , biển còn có bảo tố , gió còn có phong ba , chứ đất cát luôn âm thầm chịu đựng sự đào thải của thế gian như tấm lòng của các soeur dành cho những số phận không may !

    Sau đó , đoàn được dắt đi thăm vài ngôi nhà trong làng , người ở đây hiền hòa , cần mẫn và sinh hoạt bình thường , thấy khách họ mỉm cười chào thân thiện rồi tiếp tục làm công việc như đan lưới , quét sân , phơi củi ... Cuối cùng là tới nhà của trẻ em bịnh nhân , các em trong đoàn được giao nhiệm vụ phát bánh kẹo , lúc đầu hai bên còn mắc cở , sau đó thì hồn nhiên mời nhau ăn bánh và trò chuyện ca hát , người lớn ai nhìn thấy cũng cảm động , nhưng rồi lưu luyến mấy cũng tới giờ phải ... chia tay .

    Vì đi ban ngày nên P không có dịp được thưởng thức trăng ban đêm như Dung diễn tả , bải biển Quy hòa rất đẹp và thơ mộng tưởng chừng như chỉ có thiên nhiên ban tặng cho nơi này , ban ngày đã đẹp như vậy huống chi ban đêm nhất là những ngày có trăng , cho nên có lẽ Dung thấy như thế nào , thi sĩ Hàn mạc tử cũng thấy như thế , có hơn là ông dám rao ... bán trăng ... đó thôi !

    Hồi đó nhờ có đi thăm Quy hòa nên P mới thấy mình còn nhiều may mắn lắm và bao nhiêu ưu tư cũng nhờ vậy mà theo sóng biển trôi đi . Hôm nay nhớ lại ngày đó , nhớ từng khuôn mặt xinh xắn của các em , P mong sao bịnh này được đẩy lùi càng sớm càng tốt trên đất nước mình để tương lai các em được tươi sáng hơn .

    Thân mến

    PL


    Comment


    • #3

      Qua một đêm trăng, sáng hôm sau Dung hỏi chị:

      - Chị, trăng ở đây sáng quá, thênh thang đến rợn rùng. Em nghe người ta bảo bệnh cùi đau nhức lắm mỗi khi tới ngày trăng sáng phải không chị?

      Chị nhìn D im lặng, không như ngày đầu khi đi thăm các em nhỏ, có một em hai má phính, da bé mịn màng hồng tươi nhìn mãi không chán cứ như mận giềng non vậy. Ra ngoài D bảo chị: "Em bé có nước da đẹp quá". Chị nhìn D rồi nhìn lên trời bảo: "Làn da đó báo hiệu một điều chẳng lành". Chị không nói thêm gì nữa, lần này nghe D hỏi chị cũng nhìn D không nói gì, quay đi rồi mới trả lời:

      - Thôi hai em ở đây nhá, chị đi.

      Dáng điệu chị vẫn tháo vát nhanh nhẹn như một trưởng hướng đạo khi xưa nhưng bây giờ nét vui vẻ hoạt bát của chị lại cộng thêm nỗi suy tư, nhìn chị đăm chiêu hơn xưa. Một lúc sau trở lại tên tay cầm một quyển sách mỏng chị bảo:

      - Hai em đọc thơ HMT này.

      Nghe nói đến thơ HMT, hai đứa vội vồ lấy quyển sách mỏng trên tay chị:

      - Cho tụi em luôn nhá.

      - Tặng đó, hai em đem về đọc, giữ làm kỷ niệm luôn. Chào nhá, chị đi làm đây.

      Quyển sách là những tờ giấy cỡ khổ A4 đã ngả màu vàng úa, bên trong in vài dòng tiểu sử HMT và những bài thơ của ông. Giấy được xếp đôi và dùng staples bấm lại, dày bằng quyển vở 50 trang.

      Hai đứa châu đầu vô đọc hết đọan tiểu sử rồi thằng em nhường cho D đọc. Ồ! thơ HMT sao bài nào cũng dính Trăng hết vậy? Mời mọi người cùng đọc với KD nhá.

      NỬA TRĂNG

      Hôm nay có nửa trăng thôi

      Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi !

      Ta nhớ mình xa thương đứt ruột !

      Gío làm nên tội buổi chia phôi

      VẦNG TRĂNG

      Lạy Chúa tôi vầng trăng cao gía lắm

      Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên

      Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm

      Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền

      TRĂNG VÀNG TRĂNG NGỌC

      ... Trăng trăng trăng là trăng trăng trăng!

      Ai mua trăng tôi bán trăng cho

      Không bán đoàn viên ước hẹn hò ...

      Bao giờ đậu trạng vinh quy đã

      Anh lại đây tôi thổi chữ thơ ...

      Mẹ Charles Antoine viết: "Ngày "11/11/1940, Francois Nguyễn Trọng Trí nổi danh với bút hiệu Hàn Mặc Tử được mẹ Juetta, y tá chăm sóc, đã trải qua những cơn đau đớn quằn quại vì bệnh''. Tâm hồn thi sĩ vẫn bình an, ông cho biết: "Chính ở Quy Hoà tôi đã nhận được những ơn lành quý trọng nhất đời tôi". Ông đã viết hai bài nói lên ơn lành và cũng để ca ngợi các nữ tu 'linh hồn thanh khiết' và 'La pureté de l´âme'.

      Hỡi các thiên thần

      Thiên thần của Chúa

      Thiên thần bình an và hoan lạc

      Mang cho tôi xin một tràng hoa

      Tôi muốn tắm trong đại dương ánh sáng

      Trong biển hồ kính mến thiêng liêng

      Thiên thần của Chúa

      Thiên thần bình an và hoan lạc

      Hay hoan hô các Mẹ và các chị

      dòng thánh Phanxicô

      Xuống giữa loài người mà an ủi chúng tôi

      Những kẻ trầm luân yếu đuối bệnh tật, hủi phong

      Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ ,

      Vẻ trắng trong nguyên vẹn

      Nguồn tươi- Ánh sáng -Thơ,

      Vì tất cả, đây là hình tượng của

      "Linh hồn thanh khiết "

      Hỡi các Thiên Thần

      Thiên thần của Chúa

      Thiên thần bình an và hoan lạc

      Hãy tung hoa hồng hoa súng

      Tiếng hát thanh tao

      Hơi nhạc đẫm sương

      và tưới tràn đức hạnh

      Can đảm và hạnh phúc

      uống cho người hầu Chúa .....

      Hàn Mặc Tử

      KD đọc thơ HMT thấy ngày trăng có lẽ đau nhức hơn không biết vì tại trăng đẹp nên cảm thấy buồn hay nhức nhối về bệnh lý. KD cũng chưa biết rõ, các bạn có ý kiến gì không? Xin góp ý thêm nhá, cám ơn thật nhiều.

      Thân ái

      KimDung

      Comment


      • #4
        Bản nhạc HMT là bản nhạc đầu tiên mà HN mua hồi năm học lớp nhất - lớp 5 bây giờ. HN có kỷ niệm với bản nhạc này (vì nó có tới 2 mặt trăng!)

        Ở bìa bản nhạc có hình vẽ của một người ngồi gục đầu dưới bóng trăng. HN nằm hát thế nào mà ngủ quên, gối đầu trên bài hát. Tới chừng thức dậy thì nó xuất hiện thêm một mặt trăng?!:shocked2:

        Quí vị thử đoán xem?! How
        :huh:

        Comment


        • #5
          HN ơi,

          HMT quằn quại dưới ánh trăng, thi sĩ phải khạc hồn ra, phải than lên: "Lạy Chúa tôi''. HN lúc đó ngây thơ, vô tư gối đầu lên trăng HMT, lấy mực ở đâu? Hay lấy cái gì đó mà lúc nhỏ ai cũng biết để vẽ thêm một vầng trăng in dưới đất. Trăng của HN bây giờ màu nâu đất phải không? Thôi nhé dậy đi đừng ngủ nữa để nhìn thi sĩ UỐNG TRĂNG nè.

          Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng,

          Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình,

          Gío đùa mặt nước rung rinh,

          Lòng ta khát tiếng chung tình từ lâu,

          Uống đi cho đỡ khô hầu,

          Uống đi cho bớt cái sầu miên man,

          Có ai nuốt ánh trăng vàng ...



          Ngày về B'Lao với Mai Lan, Khánh Điệp, Hiền, Hồng Nhung hát bài này làm mẹ KD cảm động, nhớ chị đi xa lâu lắm không về thăm Mẹ.

          Còn trăng B'Lao nữa, nhớ ngày xưa đó Lệ Chi, Kim Chi, Khánh Điệp, Trần Hiền, Vũ Hương, MaiLan về Bảo Lộc, đêm trăng đi nổ bắp, róc mía, cả lũ ra sân vừa ăn, vừa đàn ca um xùm. Trẻ con, thanh niên trong xóm tắp vô đầy sân thế là tụi mình làm một buổi văn nghệ tự phát, Vũ Hương tập 'Khúc hát nghê thường', Vũ Hương và em KD đệm guitar cho cả bày rồng rắn nối đuôi nhau múa dưới trăng thu. Một đêm trăng vui nhộn bây giờ mọi người đi tứ xứ nhưng mỗi khi gặp lại đều nhắc mấy chị bạn của KD đó.

          Hồng Nhung, Vũ Hương và các bạn 74 KNC đi họp mặt kỳ này nhớ trổ tài văn nghệ bỏ túi mua vui tuổi già nha, KD làm khán giả sẽ đón xem.

          KD bảo đảm mọi người sẽ có những bữa ăn ngon vì Mai Lan mỗi khi về nhà KD thì đều giữ vai trò bếp trưởng cho cả nhà.

          KD mến chúc Thày Cô và các ái hữu ĐHSPKT-TĐ những ngày hội ngộ 2015 đầy ắp tình bằng hữu.

          Thân ái

          KimDung

          Comment


          • #6
            Kim Dung ơi,

            Sao không thấy KD post hình KD ở trại phong Qui Hòa. Cảnh ở đó đẹp lắm, cát trắng tinh, những giàn hoa bông giấy và những vườn hoa được chăm sóc kỹ, đẹp ơi là đẹp. Mình chỉ nhìn thấy hình của bạn mình chụp ở đó mà chưa có dịp đến, tiếc lắm thay. Ngày xưa mình ở gần Gành Ráng, từ chỗ nhà mình đến trại phong Qui Hoà không xa lắm, đến mộ Hàn Mặc Tử thì chỉ khoảng 20 phút xe đạp. Thế mà mình chả bao giờ đến vì Ba cấm. Hơn nữa, nếu đến để chia xẻ những đau khổ cũa họ như các mẹ Bề Trên, các Soeur đã làm thì đến, còn đến chỉ để tham quan chụp hình vì cảnh đẹp thì không nên đến khuấy động cuộc sống êm đềm của họ và chỉ làm họ tủi thân tủi phận thêm. Mỗi khi đi tham quan trong đó các Sr. cũng đề nghị chỉ ngồi trên xe lái vòng vòng chứ không cho xuống tiếp xúc với họ. Nhìn thấy cảnh đẹp mình cũng muốn một lần đến xem nhưng nghĩ đến hoàn cảnh của họ phải sống xa lánh xã hội, mà mình không giúp gì được thì tốt nhất là không đến. Vì thế mà ở QN bao nhiêu năm vẫn chưa được đến đó được một lần. Mình có đọc một truyện viết về con trai độc nhất của một HO, học Bác Sĩ bên Mỹ. Trong một chuyến đi làm thiện nguyện ở trại phong Qui Hoà, chẳng may anh ta mắc phải bệnh đó. Thật là một tin sét đánh cho người mẹ của anh ta, nhưng biết làm sao hơn. Thế là anh ta chịu hy sinh cuộc đời mình để về đó làm việc và giúp đỡ các người bệnh trong suốt quãng đời còn lại. Câu chuyện rất cảm động, mình chỉ vắn tắt vì không có duyên kể chuyện như KD. Đọc những mẫu chuyện KD kể mình rất khâm phục tình thương bao la của các Soeur, các mẹ Bề Trên. Chúa đã đưa các mẹ đến để an uỉ cho những ngươì khốn khổ. "Bình an dưới thế cho ngươì thiện tâm".

            Comment


            • #7
              Cách đây không lâu T xem phim tài liệu ‘Happy’, trong phim có đoạn nói về ‘Home of the Dying’. Họ phỏng vấn một người làm việc trong đó. Ông kể: Cách đây mười mấy năm, ông ra trường, có bằng cấp cao nên kiếm được việc làm với đồng lương hậu hỹ và có cuộc sống rất viên mãn. Sau đó hãng cử ông sang nắm một chi nhánh bên Ấn Độ và ông sống rất sung túc và vui sướng nơi xứ này, ông thấy mình hạnh phúc lắm. Cho đến một ngày kia ông tình cờ đến ‘Home of the Dying’ của Mẹ Theresa. Ông từ bỏ công việc nhiều tiền, từ bỏ đời sống đang làm ông sung sướng và đến làm thiện nguyện nơi đây. Lúc đầu ông không biết giúp gì, họ nhờ ông đút người bệnh ăn, tắm cho người tàn tật, nấu ăn quét nhà….đại khái là những gì cần ở ông nơi đây dường như không phải là bằng cấp, điạ vị, sự thông minh cuả ông mà là bàn tay và tấm lòng. Ông nói xưa kia sống trong danh vọng tiền tài, ông sung sướng một, giờ ông hạnh phúc gấp mười. Và cho tới bây giờ, ngày ngày, ông vẫn chạy đi chạy lại lo cho người này, bế xốc người kia, thay áo cho kẻ nọ, những kẻ khốn khổ không nhà, không bưả cơm manh áo và thiếu thốn thuốc men khi bệnh tật. Ông cho rằng đây là quãng đời hạnh phúc nhất cuả ông.

              Thân mến.

              Trúc


              Comment


              • #8
                Wow, thật là một tấm lòng quảng đại. Theo mình nghĩ nếu là người có bằng cấp cao, lương hậu hĩ thì tại sao ông ta không dùng những đồng tiền kiếm được vào những việc hữu ích nhỉ? Ở đâu cũng cần đến tiền, nhiều người muốn có tiền nhiều như ông nhưng không được. Dùng những đồng tiền đó đúng chỗ ông ấy có thể giúp cho nhiều người có công ăn việc làm, thay vì ông phải làm những việc đó. Nhưng mỗi người có một cách suy nghĩ riêng. " Của một đồng công một nén" nên mình nghĩ "Của đi thay người" thì tốt hơn. Nếu cho là "Người có của kẻ có công" thì có quá ích kỷ và hạn hẹp chăng?

                Comment


                • #9
                  Ngọc Lan ơi,

                  Khi đó KD chỉ có mục đích ra thăm chị thôi. Dung ở trong khu nhà các soeur, ngày đầu đi loanh quanh trong làng, ban đêm không được ra biển nhưng cũng hay là dãy nhà KD ở lại quay mặt ra biển. Phòng KD ở trên lầu nên ban đêm có thể ngồi trong nhà mà ngắm trăng trên biển qua cửa sổ, KD thấy trăng vậy đó NL. Hôm sau loay hoay sao mà vớ được tờ báo, đọc được bài của Hoàng Yến, thấy họ thương mến các soeur quá nên mới giới thiệu để các bạn cùng đọc.

                  Hoàng Trúc ơi,

                  Thật vậy đó, trong đời sống thường nhật nhiều lúc hy sinh của người này lại là hạnh phúc của kẻ khác. Có khi nhìn thấy người khác hạnh phúc thì chính mình cũng thấy hạnh phúc, không mất đi đâu cả.

                  LPhương có kể thêm cho KD nghe là bây giờ trại phong QHoà và mộ HMT đã trở thành điểm du lịch. Mình đến đó chỉ được đi theo người hướng dẫn coi quang cảnh trong làng. Trường học , khu nhà mồ côi , khu sản xuất chỉ được thăm khi có phép. Cũng như ngày xưa, khu bệnh viện và nhà hưu dưỡng không được vào.

                  Như vậy nếu có dịp các bạn cứ tới thăm Qui Hòa một lần cho biết mà đừng lo lắng gì cả. À còn chuyện nữa, nhận xét và ý tưởng của NL cũng có lý cho nên làm kiểu nào cũng được. Trăm hoa đua nở, trong từ thiện thì chẳng có ích kỷ hay hạn hẹp mà chỉ có TRÁI TIM HỒNG, 1 đồng, 2 đồng, một việc làm đơn giản hay một lời an ủi cũng có giá trị như nhau, phải không các bạn?

                  Thân ái

                  Kim Dung

                  Comment


                  • #10
                    Nếu cảm thấy mình là người may mắn thì giúp người kém may trên đời bằng kiểu gì, hiện kim hiện vật gì đều quý cả. Có điều T để ý thấy người Âu Mỹ thường giúp tha nhân, những người không dây mơ rễ má gì tới họ, còn người mình, có lẽ vì đã được giáo dục kiểu 'Giọt máu đào hơn ao nước lã.', hay có khi bị rầy 'Ăn cơm nhà, vác ngà voi.' lo cho cho gia đình bà con, có dư mới tới người ngoài.

                    Có lần T nói với con gái khi nó đem cho bạn cái máy tính (calculator): Sao con không để mai mốt em xài? Nó trả lời: Bạn đang cần, em chưa cần bây giờ. Rồi mấy năm sau, T đi VN, nó đưa cho T cái máy chụp hình gọn nhỏ để xài, T hỏi:' Uả máy chụp hình mua hồi nào vậy?" Ô, cuả bạn (một người bạn khác ) cho con, nó không cần nưã, mẹ cứ xài." Người Mỹ có câu: 'Pass on the favor.' T rất thích, không phải kiểu 'Bánh ít đi, bánh quy lại.'

                    Chị bạn trong hãng thường đưọc mời dự các buổi văn nghệ xây cất chùa chiền và chị nói bao giờ ca sĩ cũng xin khán giả thêm tiền cho chùa. Chị than: Tôi bận quá và tiệm bán chỉ đủ sống chứ không giàu có gì, nhưng người ta nghĩ tui chủ tiệm chắc có nhiều tiền, nên tôi cũng ráng mua vé VIP ủng hộ. Vậy mà khi đi coi hát thì họ lại hô hào đóng thêm, hai ba lần, có lúc tui có mấy chục bỏ vô thùng rồi, một hồi ca sĩ khác lại đi vòng nưã, làm tôi quê vì không có tiền để cho nưã. T nói: Chị làm việc nghiã tới đâu, vui tới đó, đâu cần thiên hạ thị phi.

                    T mến phục những người có lòng mẫn cảm với kẻ khố rách áo ôm, không rẻ rúng những người kém may bần cùng.

                    Thân mến,

                    Trúc

                    Comment


                    • #11
                      Kim Dung ơi,

                      Mình biết là KD có cơ hội ra thăm trại phong Qui Hoà vì có người chị đi tu và làm ở đó, thật may mắn và rất quý khi có một người chị có lòng từ tâm và quảng đại như vậy. Ý mình nói bây giờ trại phong QH là điểm du lịch cho khách đến xem vì cảnh đẹp mà không màng đến nỗi bất hạnh của những người ở đó (như Lê Phương nói). Và chính mình cũng vậy nghe thấy cảnh đó đẹp nhưng mình cảm thấy 'guilty' khi đi du lịch những nơi như vậy.

                      Đúng như Trúc nói, con nít lớn lên ở Mỹ này cũng phóng khoáng và tốt như người Mỹ chứ không ích kỷ như những người lớn lên ở VN như mình, "No trong nhà mới ra ngoài ngõ". Nhưng mình cũng thấy "Có vay có trả" trước mắt, mình giúp người này, người khác giúp lại mình chứ không phải người được giúp đó trả công lại theo kiểu "Có đi có lại mới toại lòng nhau". Đã cho, đã giúp thì không thắc mắc gì nữa cả.

                      Comment


                      • #12
                        Ồ hai đề tài này NL và T nêu ra mênh mông và hay nữa. Nếu chúng mình có thời gian thảo luận thì sẽ học được nhiều điều hay lắm đó, KD rất thích thảo luận trong tinh thần học hỏi.

                        KimDung

                        Comment

                        Working...
                        X