Announcement

Collapse
No announcement yet.

TRẦN GIAN HAY......

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • TRẦN GIAN HAY......

    Thầy cô và bạn hữu đoán xem đây là hoa tươi hay hoa bằng nhựa???


    Trần gian hay ...

    " Má Vợ tới rồi....", anh A nói nhỏ với chị A khi thấy cô y tá bước vào phòng, rồi nhanh nhẹn và ngoan ngoãn cầm ly đựng thuốc và ly nước uống rất gọn gàng, không cần để cô y tá nhắc lần thứ hai.

    Anh A mới vừa ăn mừng sinh nhật lần thứ 62 tuần trước, vẫn còn đi làm. Chợt không thấy khỏe trong giờ làm việc và được bạn đồng nghiệp đưa vào nhà thương, kết quả anh bị bệnh nặng. Sau thời gian ngắn chữa trị tại bệnh viện, anh được đưa đến chỗ T làm để hy vọng có thể phục hồi sức khỏe trong vòng 30 ngày, lúc đó Medicare sẽ trả 100% tiền chi phí.

    Anh không ngờ mình bị bịnh nặng nên buồn phiền, không chịu ăn uống và chỉ nằm trong phòng. Vợ anh đến mỗi ngày, mang cơm ... ở nhà đến vì anh không chịu ăn cơm Mỹ.

    Hết hạn 30 ngày mà tình trạng anh A vẫn không tốt hơn. Nếu anh tiếp tục ở lại bệnh viện sẽ rất bất tiện vì con cái phải đưa đón chị mỗi ngày và lại phải trả thêm chi phí khoảng 20% sau bảo hiểm, theo chị A nói thì khoảng 160$/ ngày. Vì thế chị và con quyết định đưa anh về nhà.

    Hôm nay đi làm, nhân ngày kỷ niệm cựu chiến binh, ở chỗ làm có nướng hot dog để đãi các bác bệnh nhân và thân nhân. T đã đến từng phòng có các bác, anh, chị người Việt Nam mời ra ăn của "Chùa", cho vui ấy mà. Tới dãy 300, T thấy chị A đứng trước cửa phòng: " Ủa em tưởng anh A về nhà hôm thứ sáu tuần trước rồi mà ...". Trên đường từ phòng ra bãi đậu xe, chỗ lấy thực phẩm, chị A tâm sự: ''Khổ lắm em ơi, anh A về nhà không chịu uống thuốc theo bác sĩ dặn, cũng không ăn không ngủ vì vậy chị và các cháu quyết định trở lại đây, vì anh chỉ nghe lời các cô y tá ở đây”. Đúng là ''Bụt nhà không thiêng”.

    Bật mí một chút nha, các cô y tá phụ phát thuốc ở đây, rất to, cao và có màu da rất sậm.

    Anh B, 60 tuổi, còn đi làm, nhà cao cửa rộng, bây giờ phải lọc thận 3 lần một tuần. Anh rất yếu, nhưng anh không tin là anh yếu và không chịu nhờ ngưòi khác giúp đỡ. Hôm nay anh tự mình bước từ xe lăn để lên giường rồi anh bị té xuống nền nhà, cũng may là anh không bị thương ở đầu mà chỉ trầy một chút ở cánh tay.

    Anh B thì không sợ cô ý tá phụ nên không uống thuốc, dù cô đã bảo mấy lần. Cô nhờ T vì nói cùng ngôn ngữ với anh B nhưng kết quả chỉ 50%. Anh B chỉ uống những viên thuốc nhỏ và theo bịnh anh chọn lựa. Thí dụ như anh B hỏi viên thuốc này chữa bịnh gì và anh uống thuốc cho bịnh cao máu, cao mỡ (vì viên thuốc nhỏ). Còn thuốc cho bịnh thận thì viên thuốc rất lớn, như những viên thuốc dầu cá, Multi Vitamin và phải uống nhiều viên, thì anh nhất định không chịu.

    Bác gái C khoảng 60, có rất nhiều con và cháu. Theo lới các con bác thì bác nấu ăn giỏi nhưng bây giờ rất buồn vì phải lệ thuộc vào người khác. Có lẽ vì phong tục, bác nhất định không chịu cho y tá phụ nam giúp đỡ và không cho ai giúp tắm rửa mà chính chồng bác phải đến làm việc này.

    Bác D cũng lớn tuổi và rất may mắn vì các con thay nhau đến giúp bác ăn ngày 3 buổi. Lúc nào vào sở T cũng thấy bác ngồi nhìn ra cửa, tay bác luôn luôn cầm kim và len để đan móc những chiếc khăn quàng cho con cháu. Con bác nói khi ở nhà bác không chịu nghe lời con cháu và bị té hoài. Vào đây thấy có nhiều bác cùng tuổi, hoặc trẻ hơn, cũng cùng hoàn cảnh nên thay đổi và dễ chịu hơn ngày xưa rất nhiều.

    T bây giờ bận rộn hơn xưa nhưng rất vui vì ngoài làm việc của mình T còn có thể làm thông dịch viên nữa. Mình như cây cầu nối cho các bác, các anh, chị và người thân của họ có thể gặp nhau, ngồi chung bàn, tha hồ nói tiếng Việt trong khi ăn để xả stress.

    Đây là, viện dưỡng lão trần gian.

    Cùng một thời gian, hoàn cảnh, nhưng khác địa điểm.

    Bữa ăn sáng bắt đầu từ 7:30 và chấm dứt lúc 9:30, vậy mà đến 9:45 trong lúc ban nhạc bắt đầu chuẩn bị cho buổi hòa nhạc lúc 10:00 ngoài phòng khách, bác X vẫn chưa ăn xong. T xung phong ngồi chờ bác, để cô y tá phụ giúp các bác khác làm vệ sinh rồi đưa họ ra phòng khách nghe nhạc. Còn cô phục vụ tại quầy ăn thi lo dọn dẹp và chuẩn bị cho bữa ăn trưa lúc 11:30.

    Bác X năm nay 104 tuổi, đi lại bằng chiếc wheel walker với một chút giúp đỡ để khỏi bị té. Bác vẫn còn rất minh mẫn, bác biết thuốc nào cho bịnh gì và phải uống lúc nào. Bác không thể tự khoanh tròn thức ăn bác thích trong thực đơn của các bữa ăn trong ngày vì tay run và mắt kém. Nhưng bác có thể nói cho cô y tá phụ hoặc và nhân viên nhà bếp đọc và khoanh những món bác chọn, trước khi giao cho nhân viên phục vụ ở quầy thực phẩm trong phòng ăn.


    Không gian và cách phục vụ các bác rất giống như mình được phục vụ tại những khách sạn sang trọng hoặc như mình đang đi du lịch trên những du thuyền. Tại quầy ăn, nhân viên phục vụ mặc đồng phục áo sơ mi trắng, áo vét và quần tây đen, tóc vén gọn. Thức ăn thì nóng hổi, từng món ăn, thức uống, món nhẹ, món chính, món tráng miệng, được đưa đến tận tay từng người, từng bàn theo yêu cầu đã chọn trong thực đơn.

    Có bác không muốn ra phòng ăn thì được nhân viên mang thức ăn vào phòng theo yêu cầu. Ở đây nhân viên nhà bếp không được quyền vào bên trong phòng nên họ chỉ đưa đến trước cửa, rồi y tá phụ phải mang vào bên trong cho các bác.

    Có lẽ vì các bác luôn chậm rãi, từ tốn, nên T cũng phải giảm tốc độ theo cho nhịp nhàng.

    Hôm đầu đi làm, T cứ ngỡ là mình đi sai địa chỉ vì khung cảnh và không khí ở đây thật không giống những nơi T làm từ xưa. Bước vào cửa chính, ngang qua quầy kiểm soát ở bên trái, chú bảo vệ cũng mặc đồng phục trắng đen, miệng cười, nhưng mắt lại nhìn vào bảng tên của T. Bên trái là phòng khách với những bình hoa tươi thật lớn, phía trước là phòng ăn lớn, trang hoàng thật bắt mắt.

    Trên đường vào chỗ T làm phải đi qua một hành lang nhỏ, bên trái là phòng tập thể duc, bên phải là phòng khách. T đoán như vậy vì thấy có một Grand Piano và vài dẫy bàn ghế cổ điển rất đẹp.


    Có vài điểm nổi bật ở đây, bạn không thấy mùi đặc trưng của bịnh viện hoặc nhà dưỡng lão. Vào đây dù là thăm thân nhân hay đưa thuốc cho họ bạn cũng không được mặc quần jean. Nhìn hình thức bên ngoài cơ sở hoặc ngay ở chỗ T đang làm việc bạn không nghĩ đây là một nhà dưỡng lão.

    Hôm đọc bài "Một ngày ở viện đưỡng lão'' của Thầy An và A Cường, đó là sự thật ở viện dưỡng lão trần gian.

    Nhưng ở đâu cũng có ngoại lệ phải không.

    Theo T, ở viện dưỡng lão dù là trần gian hay thiên đường, thật sự không quan trọng lắm. Tất cả chỉ là phù du, tạm thời. Điểm quan trọng là tinh thần lạc quan, vui vẻ và chấp nhận sự thật, cố hòa nhập với môi trường mới dù có khó khăn một chút. Nói thì dễ nhưng anh A chỉ làm được sau 3 tháng. Tuần tới anh quyết định về nhà và dùng 160$/ngày để làm những gì anh thích mà chưa kịp làm trong quá khứ. Mỗi ngày là một niềm vui.

    T.
    Đình Hương

  • #2
    Năm vừa qua 2014, KT và anh Tư có vào tham dự một buổi giới thiệu (seminar) của "Senior Retirement Center" mới vừa xây cất xong, và cũng không xa nơi nhà KT đang ở lắm. Đây là một khu vực lớn bao gồm 4 dãy nhà lầu và một đại sảnh để tiếp khách rộng rãi, trang trí sang trọng gần giống như chiếc du thuyền (cruise) lớn, phòng ngủ rộng đẹp, đầy đủ tiện nghi cho người già, có thư viện, phòng chiếu phim (theater), phòng chơi game, hồ bơi, phòng tập thể dục, phòng ăn sang trọng. Mỗi ngày sẽ có những chương trình sinh hoạt khác nhau để mọi người không thấy buồn. Nói chung gần giống như sinh hoạt trên du thuyền vậy.Thay vào đó thì khá đắt tiền, phải đặt trước (deposit) một số tiền lớn $150,000, và sau đó phải trả mỗi tháng khoảng $2,000 trang trải cho tất cả mọi chi phí ăn ở sinh hoạt.


    Khi đọc bài "Trần Gian hay..." của ĐH, KT lại nghĩ ngay đến chuyến viếng thăm "Senior Center". Đúng là một thiên đàng và cũng là giấc mơ của những người senior trên đất Mỹ này. Thế hệ của chúng ta hiện giờ là U50 & U60, nếu được thì khi về già vào những nơi như vầy thì mình không nghĩ là mình bất hạnh đâu. Con cháu có thời giờ rảnh rỗi thì đến thăm, còn không thì mình cũng có những hoạt động sinh hoạt vui dành riêng cho thế giới người già.

    KT
    Cheers!

    Comment


    • #3
      Thủy ơi, tiền deposit đó người ta có trả lại không?!:huh:

      Comment


      • #4

        Biết đâu trong tương lai sẽ có những lần họp mặt của chúng ta được tổ chức tại các senior centers tiện nghi và xinh đẹp.

        Comment


        • #5
          HN,

          Tiền deposit sẽ được hoàn trả lại 75% nếu người đó ký giấy chỉ ở từ 1 - 5 năm. Nếu người đó ở được 10 năm hay lâu hơn sẽ được hoàn trả lại 100%.

          Ngoài ra, có một chọn lựa khác không phải đặt trước số tiền lớn, mà chỉ cần tiền deposit $2,500, nhưng tiền sinh hoạt mỗi tháng sẽ tăng lên là khoảng $3,500 và không bắt buộc phải ký kết là phải ở bao lâu. Khi nào rời khỏi thì tiền deposit $2,500 sẽ được hoàn trả lại.

          Ghi chú thêm là giá tiền trên là tiền cho 1 người. Nếu là cặp đôi vợ chồng ở chung phòng thì người thứ nhì sẽ trả thêm $600 cho tiền chi phí sinh hoạt mỗi tháng.

          KT
          Cheers!

          Comment


          • #6
            Cảm ơn ĐH đã viết một kinh nghiệm thực tế trong hai môi trường của hai viện dưỡng lão (senior living) mà ĐH đã may mắn làm việc và tiếp xúc với các bậc cao niên, và nay chia sẻ những cảm nghĩ cùng các bạn trên diễn đàn.

            Mọi người sinh hoạt thường xuyên trên diễn đàn có lẽ đã hoặc đang sắp sửa giã từ cái thời tranh thủ làm việc trong cuộc sống mấy chục năm qua, để chào hello cái tuổi hưu mà không ai tránh khỏi. Để sửa soạn cho tuổi hưu, bản thân cũng đã và đang research những thông tin về retirement living, senior living, hoặc nơi chốn an hưởng tuổi già, ở lại hay downsize nhà cửa, dọn đến nơi cư ngụ khác, v.v. Sau này có lẽ phải liên lạc hỏi thêm thông tin kinh nghiệm của ĐH.




            À, suýt quên câu đố của ĐH: “… đây là hoa tươi hay hoa bằng nhựa?”

            Nhìn kỹ thì rõ ràng không sai được: Hoa trắng, hoa vàng, hoa nâu cùng lúc vươn lên khoe sắc trong 1 bình hoa (vase), có vẻ như tượng trưng cho nét đẹp sinh động trong cùng một môi trường của một viện dưỡng lão (senior living) dành cho các nàng cao niên của 3 sắc dân: da trắng, da nâu, và da vàng .

            Như phần kết luận hay, đầy ý nghĩa của ĐH trong bài viết:

            “viện dưỡng lão dù là trần gian hay thiên đường, thật sự không quan trọng lắm. Tất cả chỉ là phù du, tạm thời. Điểm quan trọng là tinh thần lạc quan, vui vẻ và chấp nhận sự thật … Mỗi ngày là một niềm vui.”

            Có lẽ:

            Hoa tươi hay hoa nhựa, thật sự không quan trọng lắm … có một bình hoa xinh đẹp là hạnh phúc rồi!! .

            Tình thân,

            4


            Best wishes,

            Comment


            • #7
              T chúc thầy cô và sư huynh, đệ, tỷ, muội ngày lễ Tạ Ơn an bình và hạnh phúc.

              Cám ơn anh Tư, Kim Thủy, anh Hùng ... Thật ra, ĐH rất may mắn có cơ hội làm việc, phục vụ, trong các viện dưỡng lão tại cả hai nước Canada và Mỹ nên hiểu được hệ thống sức khỏe tại hai nước này.

              Thực sự đây là một đề tài không hấp dẫn, vui ít buồn nhiều và cũng vì thực tế phũ phàng?

              Tại Canada, hệ thống sức khỏe do nhà nước lo cho mọi người dân, không kể gia tài hoặc tuổi tác. Ở Canada, người dân có thể nghỉ hưu vào tuổi 55, nếu đã đi làm đủ 30 năm và không phải lo về bảo hiểm sức khỏe. Đó là điểm rất tốt.

              Điều không tốt là trong thời gian đi làm phải "đóng hụi" cho chính phủ để trang trải cho chương trình y tế. Vì vậy bạn sẽ phải trả tiền thuế khá cao ở mỗi paycheck. Ngoài ra tiền thuế mua bán (sale tax) cũng cao hơn nhiều so với Mỹ.

              Ở Mỹ, nếu về hưu sớm ở tuổi 60 bạn vẫn được hưởng tiền hưu trí đã đóng trong quá trình đi làm như ở Canada, nhưng bạn phải mua thêm bảo hiểm sức khỏe cho chính mình. Người mạnh khỏe thì khoảng vài trăm US / per month, nếu đã có bịnh phải trả nhiều hơn cộng với tiền thuốc. Vẫn có ngoại lệ, hiếm có như cựu chủ tịch TGC, giám nói và giám nghỉ. Đa số sẽ cố làm thêm cho tới tuổi 65 để được hưởng đầy đủ quyền lợi của một công dân Mỹ là Medicare và Medicaid. Lúc đó chính phủ sẽ trả mọi bảo hiểm cần thiết như nhà thương hay viện dưỡng lão. Tuy nhiên thời gian được săn sóc trong những nơi này có hạn chế căn cứ theo income của bạn. Đây là điểm khác biệt nhất so với hệ thống sức khỏe ở Canada.

              T
              Đình Hương

              Comment


              • #8
                Hi ĐH, KD thấy đề tài này không buồn đâu. KD không làm trong viên dưỡng lão nên không rõ lắm nhưng qua cái nhìn của người đi thăm bệnh nhân thì KD thấy một điều rất quan trọng cho người già mà chưa thấy ĐH nhắc đến là vấn đề tín ngưỡng. Khi rãnh rỗi KD thường đến việc dưỡng lão để thăm mấy người lớn tuổi đã quen trong nhà thờ trước kia. Có một cụ bà yếu quá cứ phỉa nằm trên giường, bà chỉ muốn KD hát thánh ca cho bà nghe. Do tiếng Anh của KD chỉ vừa đủ để đi chợ và tự đi bệnh viện nên KD không thuộc nhiều bài hát. Cuối cùng KD hát luôn cả một bộ lễ Misa, vừa làm ông Cha vừa làm người dự lễ. Lúc đó KD thấy bà cố gắng chắp tay, nhắm mắt và miệng cứ lập bập cái gì không biết. Chiều hôm sau được tin bà đã được các Thiên Thần đón về Thiên QUốc bình an.

                Từ đầu tháng này KD bận vô viện dưỡng lão bình dân tập hát Candle Light với mấy người già. Giọng cứ ngang phè phè, lên xuống tone bất thường nghe vui lắm.

                Các bạn mến, với KD Thiên Chúa là liều thuốc, là chỗ dựa cho mình trong mọi nơi và mọi lúc. Cám ơn mọi người đã bỏ giờ nghe những lời chia sẻ từ trái tim nhỏ bé của KD.

                Thân ái

                KimDung

                Comment


                • #9
                  Các bạn thân mến,

                  H muốn viết ra đây vài cảm nghĩ lý sự cùn của H khi đọc Trần Gian Hay.

                  Đang đi làm, nhà cao cửa rộng thì không có gì ngạc nhiên khi bác B không tin là mình yếu. Bác không chịu uống những viên thuốc thận, dầu cá, vitamin vì muốn chứng tỏ còn sáng suốt, không như cái máy đâu, bác nghĩ có máy lọc thận rồi thì sao phải cần đến thuốc thận cơ chứ...Nhưng bác lại uống thuốc cao máu thuốc cao mỡ, vì bác thấy bác biết bị cao máu cao mỡ có thể đưa đến đột quỵ đấy, vì bác sợ ngồi xe lăn lắm, bởi thế mới tự đứng lên từ xe lăn đó:cuoilan:

                  Khi còn chọn lựa là còn sáng suốt và tinh thần còn mạnh mẽ. Khi hiểu được tại sao cần thuốc thận, dầu cá, vitamin, thì H nghĩ bác sẽ không cần ai nhắc mà sẽ nhắc mấy cô y tá đó: “Đừng quên mấy viên đó của tui nha”. Bác cũng chẳng yếu mãi đâu, cũng cần được tập tành, được nâng đỡ, được khích lệ thì tương lai cũng chẳng cần nhờ đến xe lăn nữa. H nghĩ như vậy.

                  Và cũng lại chuyện uống thuốc nữa, của bác A. Chỉ ngoan ngoãn nghe lời má vợ Mễ Tây Cơ, làm H mắc cười ra nước mắt, đó là cách viện dưỡng lão này áp dụng sao? H nghĩ các bác VN không phải chỉ cần được cung cấp thuốc mà cần phải được nâng cao ý thức về thuốc men từ bác sĩ từ giới chuyên môn thông qua thông dich viên ĐH, một nhân sự quí giá của nơi nào có ĐH phục vụ.

                  Đọc đến đoạn bác C có nhiều con cháu và các con nói rằng bác nấu ăn ngon và bây giờ buồn vì phải lệ thuộc người khác , thì ngay tức khắc hiện ra một hình ảnh một đại gia đình yêu thương nhau với một bác C tháo vát lanh lợi hết mực chăm chút yêu thương chồng, con, cháu.

                  Tuy phải lệ thuộc vào người khác để chăm sóc mình, bác C vẫn còn một tinh thần minh mẫn trong một thân thể yếu đuối các bạn ơi, vẫn tiếp tục trách nhiệm hướng dẫn chồng và con cháu hiểu thế nào là yêu, thế nào là hạnh phúc, và tạo cơ hội cho mọi người trong gia đình thể hiện tình yêu thương nhau, vì bác C hiểu hơn hết nhu cầu yêu và được yêu của con người, nên bác chỉ chịu chồng tắm cho thôi là vì thế, mà chồng bác còn mạnh khỏe chuyện tắm cho bác đâu có vượt quá khả năng của anh đâu. Bác nghĩ xa mặt có thể cách lòng mà.

                  Được chồng và con cái thường xuyên chăm sóc viếng thăm, cũng là cơ hội để bác C thổ lộ tình yêu thương của bác với các thành viên trong gia đình mà. Ai trong gia đình bác cũng hạnh phúc nhé vì yêu và được yêu mà lị.

                  Đối với H thì bác C đang hưởng holiday đó, bác đang vui lắm vì gia đình đùm bọc lẫn nhau, chồng, con, cháu vẫn có thì giờ đi làm đi học và vui chơi, dù mặt trời đứng yên nhưng vẫn chiếu sáng và trái đất vẫn xoay quanh mặt trời.

                  H sẽ bắt chước bác C, không chịu cho ai tắm cho đâu ngoài chồng của H thôi.Hi Hi

                  :dzotle:

                  Thân ái

                  Hiền


                  Comment


                  • #10

                    Hiền nhận xét rất đúng, các anh muốn chứng tỏ là mình vẫn là người có trách nhiệm với chính bản thân. Đó là điểm hay, vì anh A và B sau vài ngày đã vui vẻ uống thuốc, chịu ra khỏi phòng và khi gặp ĐH còn hỏi: "Chị có khỏe không?"

                    KD ơi, ĐH sợ nhàm chán, nên đã rất ngần ngại khi viết về đề tài này.

                    Hôm đầu khi anh B được đưa vào chỗ ĐH làm, lúc đó đã là 10 p.m., lúc ĐH tan ca và chuẩn bị đi về. Nhưng khi nhìn thấy tên họ là người Việt, ĐH quyết định ghé ngang chào và nếu cần ĐH sẽ gọi điện thoại báo dùm cho người nhà biết là anh B đã an toàn ở đây.

                    Bước vào phòng thì ĐH nghe tiếng tụng kinh, niệm Phật. Mắt anh nhắm nghiền trong khi ôm trong lòng một máy CD nhỏ. Tiếng tụng kinh nhẹ nhàng và dịu dàng đã ru anh vào giấc ngủ hay đang an ủi, vỗ về, ĐH cũng không rõ nữa.

                    Lần đầu gặp ĐH, chị C tay lần chuỗi nhưng mắt rưng rưng hỏi ĐH: "Em ơi, chị lo quá. Không biết chị có đi đứng được như xưa không?''

                    Mỗi khi có bệnh nhân mới là người Việt, thì ĐH thông báo ngay cho chủ tich "dám làm". Đó là bác G năm nay đã 95 tuổi nhưng vẫn đi lại bình thường, tỉnh táo và bác đã ở viện dưỡng lão này khá lâu rồi. Mục đích là để giúp đỡ các bác người Việt khác có cùng hoàn cảnh, như một cây cầu nối giữa đạo và đời.

                    Mấy ngày sau chị C và các bác khác cùng nhau đọc kinh, lần hạt trong những lúc rãnh rỗi. Còn anh A và anh B lại ngồi chung một bàn trong mỗi bữa ăn.

                    KD nhận xét rất đúng, ĐH thấy tín ngưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống của một người, nhất là khi gặp chuyện không vui. Người có niềm tin hình như sẽ mạnh khỏe nhanh hơn, sức chịu đựng cũng dẻo dai hơn người khác có cùng hoàn cảnh.

                    Vào mùa lễ như Noel hay Tết, các bác rất dễ buồn vì nhìn cảnh nhớ người. Trong thời gian này nhiều người có thể ra đi không một lời từ giã, vì vậy nhiều hội đoàn, trường học thường đến để thăm viếng các bác. Đây là một việc làm tốt đẹp như những gì KD đã và đang làm. Hy vọng điều này sẽ mang lai niềm vui cho nhiều người, đặc biệt là khi họ không có thân nhân bên cạnh.

                    ĐH
                    Đình Hương

                    Comment

                    Working...
                    X