Announcement

Collapse
No announcement yet.

Ký sự Nhật Bản

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #16
    Anh Toản , Trúc và các bạn mến

    Mấy hôm nay được xem những bài viết về du ký Nhật Bản của Trúc , P cảm thấy thật thú vị . Đúng là một tấm hình thay cho ngàn lời nói , cho nên khi xem những tấm hình Trúc chia sẻ , tuy online theo Trúc chỉ mới đi tới ngày thứ 4 thôi mà P đã thấy một xứ Phù tang có nhiều cảnh đẹp thơ mộng quá , cổ kính và văn minh hòa hợp thật tinh tế , một đất nước gần bằng Vn , dân đông có lẽ ngang ngửa , vậy mà ở đâu thấy cũng sạch sẽ như lau như ly , từ thành phố cho tới những con đường làng , chỗ nào cũng thấy sự đẹp đẽ , sạch sẽ và bình yên .

    Càng đọc càng thích Trúc ạ , à P thích nhìn cảnh lá phong đổi màu lắm nha , đã được xem qua nhiều hình về lá phong đổi màu như ở Mỹ , Canada rồi , nhưng không hiểu sao khi nhìn thấy hình lá phong rơi đỏ lối đi trên bài của Trúc , P cảm thấy nao lòng chi lạ và tự dưng nhớ tới câu thơ '' Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san '' có phải nhà thơ thấy cảnh lá phong đổi màu mà cảm tác câu thơ trên không hay còn ý nào khác , bạn nào hiểu cho P biết với nha .

    Cám ơn anh Toản đã vẽ thêm đường cho hưu Úc chạy nhen , P chưa bao giờ được diễm phúc đặt chân tới những nơi Trúc , Anh Toản , và Yến Thu đi qua , nhưng P vẫn an ủi mình rằng ăn cỗ đi trước lội nước ... đi sau , nếu mình có cơ may đi sau thì cũng đã có kinh nghiệm đầy mình qua các bài chia sẻ của các bạn rồi , hihi .

    Nhưng mấy hôm nay do tình hình lộn xộn ở Âu châu , P thấy vợ chồng anh Toản thật lucky , vừa mới làm một chuyến du lịch Âu châu xong , thật ngoạn mục quá phải không !

    Thân mến

    PL

    Comment


    • #17
      Himeji Castle (Bạch Hạc Lầu)


      Cứ mỗi lần Xuân đến, khi hoa Anh Đào rộ nở, người Nhật có Hanami (Lễ kiến hoa), xem hoa Đào nở và đón mừng mùa Xuân ấm áp sắp về. Còn mỗi khi Thu sang, họ lại có dịp thưởng ngoạn lá Phong đổi màu (Momiji-gari), Có người bạn hỏi T: Sao đi Nhật lúc này? Để coi lá Phong đổi màu. Trời, lên mấy tiểu bang miền Bắc, thiếu gì, cần chi đi tới bển!


      .......

      T thường đi chơi vào mùa Xuân và mùa Thu, nhưng mùa Thu là mùa T thích nhất - nhất là ở Bắc Mỹ vì lá đổi màu đẹp lắm! Đi Thu này xong, qua Thu khác, lại đi nưã, vì không phải mùa Thu ở miền ôn đới nào cũng giống nhau. Khí hậu, thổ nhưỡng, điạ hình đem lại cho con người muà Thu mỗi nơi mỗi vẻ. Thu ở vùng Rocky Mountains (Montana, Wyoming, Colorado….) thì vàng rực, ít thấy được màu cam, màu đỏ vì Bạch Dương trùng điệp. Còn lên phiá Duluth – Minnesota, Ngũ Đại Hồ hay Vermont thì lá Phong đỏ chót.

      .................

      Lá phong Bắc Mỹ và Lá phong Nhật Bản


      Cây phong ở Bắc Mỹ cao lớn dềnh dàng, lá phong ở Bắc Mỹ nó to bằng bàn tay. Qua tới Nhật, T thấy phong Nhật Bản (Japanese maples) thấp hơn, lá nhỏ hơn nhiều, khía sâu hơn, nhọn hơn, hình dáng lá phong Nhật như những vì sao lấp lánh trong gió. Những chiếc lá này xếp đẹp đẽ trên cành như cánh quạt, và khi gió Thu lay động, những cành phong đầy những chiếc lá nhỏ xinh xắn, nâng lên hạ xuống như cánh quạt cuả đất trời.

      Kyoto có ba mặt bao bọc bởi núi đồi, Japanese maples mọc đầy. Thời gian T ở đó, lá đã bắt đầu đổi màu nên cảnh đẹp lạ lùng. Có nhiều nơi lá còn đỏ thắm nhưng những trận gió lớn làm lá lià cành. Lá vương ngõ vắng, lá phủ lối đi, lá rơi bên suối biếc, lá nhuộm hồng phiến đá rêu xanh….. Cứ tưởng tượng cảnh như vậy với mấy câu Kiều cuả cụ Nguyễn Du mà thấy lòng ngây ngất.

      Người lên ngưạ, kẻ chia bào,

      Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.


      (Cám ơn chị Phương đã nhắc câu thơ đầy màu Thu cổ kính cuả cụ Nguyễn, gợi cho em chút ý để viết về mấy ngày chớm thu trong chuyến đi).









      Hôm nay nhà T đi coi Himeji Castle. Đây là lâu đài lớn nhất cuả Nhật và là một trong ba lâu đài thuộc hàng diễm tuyệt cuả Nhật Bản.



      Himeji Castle




      Himeji Castle


      Từ Kyoto đi xe điện tốc hành Shinkansen khoảng 1 tiếng là tới. Bạn có thể thấy Himeji Castle lúc vưà bước ra khỏi cổng trạm xe điện. Từ đó tới lâu đài khoảng 20 phút đi bộ. Nhìn từ xa, mái ngói cong và nhọn cũng như màu trắng tinh cuả toà lâu đài làm người ta liên tưởng đến bầy hạc trắng đang bay lưng trời, nên có khi người ta gọi Himeji Castle là White Egret Castle (T tạm dịch là Bạch Hạc Lầu).






      Bên trong Himeji Castle


      Japanology: Castles


      Thưở xưa các lãnh chúa (Shogun) đầy uy quyền bắt dân xây những toà lâu đài như Himeji Castle cho gia đình họ sống, nơi hội họp các ban bộ, nơi tiếp đãi thượng khách cuả họ, và họ xây cất những lâu đài này rất an ninh để chống kẻ gian xâm nhập.




      Bên ngoài là những hào sâu bao bọc, phải qua mấy lần cổng, và mấy vọng canh. Bên trong các ngỏ ngách, những cầu thang dốc ngược, những lối đi rắc rối như hoả mù cũng làm cho quân gian khó lòng đánh chiếm.

      Điều lạ lùng là tuy được xây cách đây hơn 600 năm nhưng động đất, chiến tranh, thiên tai, hoả hoạn chưa bao giờ làm hư hại Himeji Castle và người ta đã gìn giữ nó cho tới bây giờ.


      .....



      ......


      Nếu có dịp bạn xem cuốn phim Shogun có nhiều cảnh cuả Osaka Castle, cũng tượng tự như Himeji Castle vậy. T thích cảnh mấy gian phòng trong đó, những cánh cưả kéo bằng giấy, những bức hoành phi trên tường, những chiếc chiếu ngay hàng thẳng lối, đẹp sao là đẹp!
      Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 03:33 PM.

      Comment


      • #18


        Qua bốn ngày theo chân cặp vợ chồng người Nhật Bản gốc Austin này kể chuyện chuyến đi chơi đến Xứ Hoa Anh Đào, viếng thăm con dân của Thái Dương Thần Nữ, ngắm mùa Thu Kyoto lá vàng lá đỏ. Thật là may có ngày đẹp trời để ngắm núi Phú Sĩ đầy tuyết trắng thật là đẹp thật hay....

        Cám ơn Trúc viết bài thật chi tiết, đầy ắp những 'infor.' thật hữu ích.

        Nhớ lại lần ghé qua 3 ngày ở Singapore và ở Nhật chỉ có 3 ngày vào năm "2000 lẻ mấy" trước khi về VN. Cái nhìn đầu tiên ai cũng rõ là đường xá rất sạch sẽ, giá cả đồng Yen lúc đó còn cao nên mọi thứ nhìn qua quá đắt. Trái chanh 8Y, trái Apple hơn 10Y, nhìn rất đẹp giá cả không thể tưởng làm mình chỉ lắc đầu, quá đắc, hộp Strawberry 23Y, nhớ giá thịt bò 32Y...

        Chuyện nhà cửa thì chỉ hỏi căn nhà lớn cỡ mấy (chiếc) chiếu chứ không nói nhà có mấy phòng như ở đây... nghe ngộ ha'.

        Còn dân Nhật đi du lịch khắp nơi, ăn mặc lịch sự, đẹp sang, chụp hình quay video bất cứ ở đâu, ngó qua biết ngay là du khách Nhật.

        Mấy năm trước bà con mình ghé qua Hàn quốc nhiều lắm, xem qua đất nước này với những phong cảnh trữ tình lãng mạn qua các hình ảnh của phim bộ Hàn..

        Gần đây, mình nghe nhiều người đi du lịch ở Nhật, sơ sơ người nhà mình, ngoài Trúc Hoàng, mình còn biết là người Miệt Dưới (Down Under) cũng đi Nhật trong 2 tuần đầu tháng 11. Lúc đó, mình nghĩ chắc cùng đi với TH, nhưng đã qua bốn ngày rồi không thấy tăm hơi gì cả mà chỉ mới "hé hé chuyện mua vé" mà thôi, hehe!

        ...

        Kể tiếp nhá TH và người Miệt Dưới nữa nha, mọi người chờ đó.

        Cám ơn nhiều nhé!

        YThu

        Comment


        • #19
          Ngõ Trúc và Đông Phúc Tự


          Cách Kyoto về phía Tây khoảng nưả tiếng xe điện là vùng đồi núi Arashiyama. Du khách tới Kyoto thường tìm đến Arashiyama để thấy, để đi trên những lối quanh co giưã khu rừng tre trúc. Đường có lúc lên dốc, có lúc xuống dốc nhưng cảnh đẹp hai bên lối đi đã thu hồn du khách.


          .....

          Tụi T tới làng này sớm lắm, mới hơn 7 giờ sáng. Ra khỏi trạm xe điện, đang kiếm đường đến khu rừng trúc thì gặp một nhóm ba chàng trai trẻ cũng có vẻ lạc lối như tụi T. Hỏi ra mới biết gặp người cùng xứ, họ đến từ thủ đô Washington DC. Thế là ráp lại coi cái bản đồ T đang có và chỉ một lúc sau thì đến rừng trúc (bamboo grove).



          Vì còn sớm nên vắng lắm, thỉnh thoảng gặp một vài người điạ phương đi xe đạp hay đi bộ ngang qua. Xung quanh toàn tre trúc, cao nghệu, lá trúc trổ trên đầu cây chứ thân xanh láng cóng. Vì người ta xẻ lối trong rừng cho mình đi nên hai bên bià đường, họ làm rào cũng bằng thân, lá cuả tre để ngăn không cho tre lan ra trên lối đi.


          .....

          Ngưả cổ nhìn lên, rừng tre xanh tươi che gần kín khung trời, chỉ để vài tia sáng yếu ớt cuả mặt trời vưà mới lên rọi xuống. Cảnh rừng vào buổi ban mai mờ mờ ảo ảo, rất đẹp và thơ, lại thêm lá trúc trên cao giao nhau rì rào như tiếng nhạc tâm tình.

          Bạn có biết: tre trúc sống khoảng 100 năm, chỉ trổ hoa một lần có màu trắng nhạt, khi nào cây trổ bông là lúc nó sắp chết.









          Dọc đường thỉnh thoảng gặp một vài ngôi chuà, cảnh chùa khá đẹp vì màu đỏ cuả lá phong lẫn trong những khóm tre xanh mướt. Ra khỏi rừng một lúc, vui chân theo cảnh đẹp trong thôn xóm nên lạc đường. Nhưng nhờ bản đồ - loại walking tour lấy trên net - tên những điạ điểm nổi tiếng có tiếng Anh và tiếng Nhật nên gặp ai hỏi người đó, cuối cùng cũng tìm được lối đến cầu Togetsukyo Bridge (Moon Crossing Bridge). Lúc này thì đã gần trưa, du khách thức dậy đi chơi nên họ tới đầy đường.




          Togetsukyo Bridge (Moon Crossing Bridge)





          Trên sông đưa khách


          T lên xe điện về lại Kyoto station. Thấy mới hơn hai giờ nên đổi tuyến đường xe điện đi tới Đông Phúc Tự (Tofukuji).





          Tofukuji nằm về phiá Nam cuả Kyoto, đi xe điện chỉ cách Kyoto station có một trạm, nên chưa đầy 10 phút là tới trạm Tofukuji. Từ trạm xe điện tới chùa khoảng một cây số. Tofukuji là thiền viện khá lớn ở Kyoto và nổi tiếng về cảnh đẹp vào mùa Thu khi lá phong nhuộm đỏ thiền viện.









          Đẹp nhất là cảnh ở Tsutenkyo Bridge, cây cầu gỗ có mái che. Tại đây du khách nhìn xuống con suối dốc lài thoai thoải được che phủ bởi những tàng lá phong xanh, đỏ, nâu, vàng. Suối mát nuôi cây, những cành phong lá tốt xum xê đợi đêm lạnh ngày trong mà trổ muôn nghìn hồng tiá, làm nức lòng du khách.








          Rời cảnh sắc rực rỡ, đi một đỗi là đến khu vườn sỏi, vườn đá, nơi này cần tĩnh lặng, khách lặng yên bên sỏi đá im lìm để mắt khép nhẹ và tâm hồn mở ra thư thái. Thật không có sự hoà hợp nào đẹp hơn như vậy.






          Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 03:37 PM.

          Comment


          • #20
            Cám ơn Trúc & Hoàng nhiều nhiều, cảnh đẹp quá và người cũng đẹp nữa. Các bạn đã cất công vượt ngàn dặm xa đến chốn bồng lai sao không ở lại? Có nhớ chuyện Lưu Thần & Nguyễn Triệu, khi đã về trần gian rồi thì không thể trở lại nơi đó được đâu. :P

            Comment


            • #21
              Bạn đọc thân mến,

              Lời nói, câu viết không diễn tả hết được cảnh đẹp nên có hình ảnh phụ giúp, nhưng cảnh trong hình lại là cảnh chết. Qua các bài viết trong chuyến đi NB này, T kèm theo các 'link' về video để bạn đọc mường tượng được phần nào về nước Nhật. Trước khi đi T xem gần hết series cuả Japanology, Japanology Plus, Tokyo Eye. Nhờ đó mới hiểu thêm phần nào tập tục, lối suy nghĩ, cách sống....và rất nhiều khiá cạnh khác cuả nước Nhật, người Nhật và cũng đem lại cho T ít nhiều kiến thức rất thú vị. T hy vọng các anh chị có thời gian xem qua các video này chứ mấy bài viết ngắn củn cỡn cuả T không cách chi nói hết được những gì mong muốn.

              Thân mến,

              Trúc

              Comment


              • #22
                Trúc ơi là Trúc! Đọc bài viết của Trúc mệt quá vì không thể ngưng được. Chắc Trúc viết nhật ký mỗi ngày hả?!!

                Comment


                • #23
                  Vậy em ngưng cho chị Nhung nghỉ mệt nha. Khi nào chị hết mệt hú cho em một tiếng, em viết tiếp cho chị đọc...mệt....nghỉ.... ha.

                  Mấy tối nay, ăn cơm xong là em bắt đầu gõ bài, rồi post hình, có bưả cà trật cà duột, cả mấy tiếng đồng hồ, ngán ngược.

                  Nhờ mới đi về nên viết tiá lia, chứ mai mốt ai hỏi vụ đi Nhật, hổng chừng gãi đầu một hồi rồi hỏi: Uả tui đi Nhật hồi nào cà?


                  Comment


                  • #24
                    Vì vậy mà phải tiếp tục đó Trúc ơi! Người đọc thì ngừng nghỉ mệt rồi đọc tiếp hổng sao. Còn T nghỉ ngừng thì sẽ quên tuột luốt, hổng có để đọc đó. Cám ơn chuyện kể đi Nhật Bản. Bài nào kể chuyện đi chơi của em, chị đều thích thú cả.

                    Comment


                    • #25
                      Kyoto Imperial Palace


                      Kyoto Imperial Palace (Hoàng Thành ở Kyoto) là chốn hoàng cung của Nhật Hoàng cả ngàn năm. Tới khoảng giưã thế kỷ 19 Minh Trị Thiên Hoàng lên ngôi và dời đô về Tokyo để tiện việc canh tân xứ sở. Từ đó, Kyoto Imperial Palace bỏ trống, không có ai ở. Ngày nay, có ‘tour’ cho du khách muốn tìm hiểu thêm về Hoàng Thành.




                      Cổng Hoàng Thành


                      Hoàng Thành khá lớn, có tường bao bọc xung quanh, phiá ngoài trải đầy sỏi nhỏ. Bạn có để ý là những nơi có tính cách linh thiêng như chùa chiền, thiền viện, hoàng cung…. họ trải toàn sỏi trên những khoảng sân rộng.




                      Bên ngoài bờ tường cuả Hoàng Thành



                      Du khách có thể giữ chổ đi ‘tour’ trên internet, nhưng vì T không biết chắc ngày nào mình đi coi Hoàng Thành nên không giữ chổ. Tuy nhiên họ cho mình xếp hàng trong ngày nếu còn chổ thì đi. Sáng đó tới văn phòng lúc người ta mới mở cưả khoảng hơn 9am và họ cho T tour 10am. Có tour tiếng Nhật và tiếng Anh.




                      Tour guide




                      Du khách đi tour trong Hoàng thành



                      Trước khi đi tour họ cho coi phim ngắn về Hoàng Thành. Tour có khoảng 30 người, đa số đã giữ chổ trên internet. Cô tour guide này nói tiếng Anh lưu loát. Cô giải thích nhiều điều cặn kẽ và tour dài khoảng tiếng rưỡi.




                      Hình hoa cúc 16 cánh là huy hiệu của Nhật Hoàng


                      Cung điện cuả các vì vua Nhật Bản không đồ sộ hay nguy nga tráng lệ như các xứ Âu Tây, nhưng có nét thanh lịch tao nhã. Hoàng Thành phản ảnh rõ rệt nét văn hoá xa xưa, phong tục, tập quán, con người cuả xứ sở họ từ sân đình, mái nhà, những bức bình phong, vườn cây cảnh …








                      Thời xưa Nhật Hoàng không phải là người trực tiếp cai trị xứ sở. Quyền bính nằm trong tay các lãnh chúa (shogun). Việc mỗi ngày Nhật Hoàng là cầu nguyện với đất trời cho quốc thái dân an, cầu với các thần linh cho mưa thuận gió hoà để thóc thơm đầy vựa, cầu cho sóng êm biễn lặng để ngư dân có cá đầy thuyền….Nhật Hoàng là linh hồn cuả con dân Thái Dương Thần Nữ.









                      Gần cuối tour, T đứng trước khu vườn cây cảnh thật đẹp, nó không lớn lắm, cũng không đầy hoa thơm cỏ lạ. Dường như nó tượng trưng cho đất nước cuả họ. Những tảng đá lớn là núi cao, là hải đảo. Cây cối xung quanh là rừng thẳm, hồ xanh êm ả là đại dương bao bọc đất nước, bãi sỏi bên bờ nước là bờ biển, đất đai nuôi sống muôn dân. Khu vườn có vẻ là nơi để chủ nhân tìm sự thư thái, bình an trong tâm hồn hơn là nơi thưởng lãm kỳ hoa dị thảo hay phô trương uy quyền phú quí.



                      Thật không có gì thú vị bằng một chút lạc đường vào lịch sử ở chốn cố đô.
                      ~ 0 ~

                      Nara và Nai vàng ngơ ngác


                      Cách Kyoto cở một giờ xe điện là cố đô Nara. Nara là đế đô cuả Nhật Bản trước cả Kyoto, nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngủi chưa tới trăm năm nếu so với Kyoto cả ngàn năm tiếp đó.





                      Cách trạm xe điện không xa là công viên Nara (Nara park) và các ngôi chùa nổi tiếng gần đó. Những ngôi chùa như Kofukuji (Hưng Phúc Tự), Todaiji (Đông Đại Tự)….được xây cùng thời với Nara nên bây giờ là di tích lịch sử cuả Nara cũng như cuả Nhật Bản.

                      ....

                      Hưng Phúc Tự ..............................Khách vãng cảnh chùa vào ngày mưa


                      Từ Nara station đi bộ khoảng nưả tiếng là tới Hưng Phúc Tự, ngôi chuà có năm tầng với mái cong màu đen, khuôn viên cuả chuà đang trùng tu.


                      Đi một đỗi nữa thì tới Nara Park, nai đi đầy đường. Thưở xa xưa, thần giáo ở Nara cho rằng nai là sứ giả cuả thần nên dân chúng không dám giết hại. Ngày nay, du khách tới Nara hay mua những miếng bánh khô để dụ nai ăn mà chụp hình. Dường như nai cũng biết điều đó nên nó cứ tới mấy người có bánh, cúi đầu để được ăn bánh.


                      Đông Đại Tự - Todaiji in Nara





                      Nam Đại môn



                      Nam Đại môn






                      Đông Đại Tự (Todaiji)


                      Trên con đường đầy nai và đầy người là lối tới Nam Đại Môn (Nandaimon), qua cổng gỗ đồ sộ là đường dẫn vào Đông Đại Tự (Todaiji) biểu tượng cuả Nara . Chuà này nổi tiếng có tượng Phật rất lớn. Khách vãng cảnh chùa rất đông dù mưa gió âm u.
                      Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 03:42 PM.

                      Comment


                      • #26
                        Ryoanji và Kinkakuji


                        Kyoto được mệnh danh là City of Ten Thousand Shrines vì đền, chùa khắp thành phố, lớn có nhỏ có. Hôm nay mời bạn đọc theo nhà T đi chùa tiếp. Về hướng Tây Bắc cuả Kyoto khoảng 15 cây số có nhiều chùa nổi tiếng, nhưng hôm nay chỉ có giờ đi hai chùa là Ryoanji (Long An Tự) và Kinkakuji (Kim Các Tự - chữ Các đây là tiếng Hán Việt có nghiã là gác, lầu).


                        .....

                        Ryoanji................................Kinkakuji





                        Hoạ đồ đường đến Ryoanji và Kinkakuji


                        Sáng sớm T đi xe điện tới Ryoanji, lúc thiền viện vưà mở cổng nên còn thưa khách. Thiền viện này nổi tiếng ở khu vườn đá (Rock Garden). Lối vào thiền viện đẹp lắm, lối đi dọc theo hồ nước, lên mấy bậc thang cao, lá thu rơi đầy, còn đẫm sương mai. Có mấy người già lom khom quét lá, họ quét bằng những cây chổi tre, làm nhớ cảnh Việt Nam hồi xưa.




                        Hoạ đồ Ryoanji


                        Ở Mỹ bây giờ ít ai còn kiên nhẫn quét lá, họ dùng máy thổi ù ù cho lá bay từ nhà này qua nhà khác. Ngay cả nhà T, cái sân bằng bàn tay mà mỗi lần anh H. thấy T quét sân là anh lôi cái máy thổi ra. Hai tuần ngắn ngủi ở Nhật, T thấy toàn người ta quét lá chứ chưa thấy thổi lá bằng máy như bên Mỹ thành ra không có ồn.








                        Tụi T tới gian nhà người ta dùng làm gift shop, nơi đây khách cởi giày cất vô ngăn trước cửa mới vào hành lang dẫn đến Vườn Đá (Rock Garden.) Nó là cái sân hình chữ nhật, có tường thấp bọc ba phía, phiá còn lại là mái hiên cuả chánh điện nơi vị tu trưởng ngày xưa toạ thiền, giờ để khách ngồi ngắm vườn. Trên sân sỏi có mười lăm tảng đá lớn nhỏ để rải rác trên những bãi rêu xanh thành năm nhóm: một nhóm năm tảng, hai nhóm ba tảng và hai nhóm hai tảng. Mỗi ngày thiền sinh cào sỏi cho ngay ngắn rất cẩn thận. Cào sỏi cũng là một cách thiền. Theo T đọc được dù ở vị trí nào cuả hiên nhà nơi chánh điện, người ta cũng chỉ thấy được 14 tảng đá trên sân sỏi, bao giờ cũng có một tảng đá bị che khuất, nếu ai thấy được 15 tảng đá thì coi như đắc đạo, đạt thành chánh quả (enlightenment). Cũng có người cho rằng người xưa muốn dạy cho ta tính khiêm nhường, có mấy ai mà nhìn thấy được hết 15 tảng đá - ý nói nhân vô thập toàn, không ai thấy được, biết được mọi thứ trên đời. T thấy ý nào cũng hay cả.


                        Vườn đá này có từ lúc nào không ai rõ, mang ý nghiã gì người ta không chắc lắm. Mỗi người nhìn theo kiểu cuả riêng mình. Chỉ biết ngày xưa khu đất này là dinh cơ cuả một nhà quý tộc, và cách đây khoảng 500 năm, chuyển thành thiền viện cho tới giờ (Zen temple.)


                        Nhìn sỏi đá rồi quay lại ngắm chánh điện cuả vị tu trưởng, trên những cánh cưả giấy là những bức hoành phi vẽ mực tàu đen trắng, dưới sàn là những chiếc chiếu Nhật thẳng thóm (tatami là loại chiếu dệt rất mịn), không có bàn thờ khói hương nghi ngút gì cả. T thấy khách ai nấy lặng thinh ngồi trên thềm nhìn ra vườn sỏi. Ngôn ngữ cuả sỏi đá là thinh lặng nên con người đối thoại với đá sỏi cũng trong tâm tưởng cuả mình. Cảnh rất lặng lẽ và rất ‘thiền’.








                        Gần chánh điện cuả khu Vườn Đá có một tảng đá tròn như cái cối xay bột. Trên tảng đá này người ta đục một ô vuông ở giưả chưá nước để thiền sinh lấy nước nấu trà. Ô vuông này nếu nhìn kỹ nó có hình chữ Khẩu trong Hán tự, quanh ô vuông có khắc thêm bốn chữ Hán: 五 (ngũ), 隹 (chuy: một loại chim), 矢 (thi: tên để bắn cung) , 止 (chỉ: ngưng lại). Rõ ràng bốn chữ này thật vô nghiã, hay không có nghiã gì đặc biệt nếu đứng riêng lẻ một mình. Nhưng nếu mỗi chữ được ráp lại với chữ Khẩu, theo đúng vị trí trên, dưới, tả, hữu khắc trên tảng đá thì thành một câu thơ tuy đơn giản nhưng mang nét tinh túy nhất cuả sự Thiền. Đó là: 吾, 唯, 足, 知. Ngô, Duy, Túc, Tri. Có nghiã là ‘Chỉ có tôi biết đủ là đủ.' Đây là điều cốt lõi đem đến sự thanh thản cho đời sống con người.

                        Cụ Nguyễn Công Trứ cuả nước mình cũng có câu thơ với ý tương tự. ‘Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc.’ (Biết đủ, là đủ, đợi cho đủ, biết bao giờ mới đủ).

                        Tảng đá có khắc câu nói cao đẹp này lại đặt thấp lè tè dưới đất chứ không ngang tầm cho người ta dễ đọc. Phải chăng người xưa có ý nhắc nhở một cách thâm trầm, các thiền sinh phải nghiêng mình, cúi đầu trước ý thiền cao đẹp này.





                        Chỉ tôi biết đủ là đủ


                        Nhiều lối dẫn đến những cảnh khác cuả thiền viện, có những hàng Japanese Cedar thẳng tắp vươn lên trời cao. Cảnh quanh bờ hồ cũng thơ mộng vì sáng hôm đó trời đầy hơi nước cuả mưa Thu.


                        ......

                        Giọt mưa thu.............................Lá thu


                        Cách Ryoanji khoảng nưả tiếng đi bộ là Kim Các Tự. Cảnh gác vàng đẹp lắm vì bốn bề được lát vàng óng ả, trên nóc lầu là hình con phụng hoàng cũng mạ vàng. Gác vàng nằm giưã Hồ Gương (Mirror Pond) lung linh bóng nước.


                        ......





                        Hoạ đồ Kim Các Tự


                        Ngày xưa Kim Các Tự là dinh thự an trí cuả một lãnh chúa sau khi rưả tay gác kiếm. Cách đây khoảng 500 năm, sau khi ông mất mới thành thiền viện và bây giờ mở cưả cho khách tới chiêm ngưỡng lầu vàng gác phượng và cảnh đẹp quanh hồ.




                        Kim Các Tự

                        Kinkakuji Overview





                        Hồ Gương (Mirror Pond)

                        Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 03:45 PM.

                        Comment


                        • #27
                          Trúc và các bạn mến

                          Cám ơn Trúc đã trở lại với đàn nai ngây thơ ngơ ngác đáng yêu ở Nara park nhé . đọc đến đây tự nhiên P nhớ tới một câu chuyện được đọc ở trên mạng từ lâu . có một vị Lạt ma đến thăm Nara park , khi Ngài ngồi xuống nghỉ chân dưới một gốc cây , một đàn nai cũng ngồi xuống theo và vây quanh Ngài , lúc đó có một người đứng gần đấy , Ngài nói với họ ... Ngài sẽ cầu nguyện cho đàn nai và trong khi Ngài cầu nguyện , người ấy hãy chụp hình và chỉ chụp một tấm mà thôi , màu nhiệm xảy ra sau đó là khi xem lại tấm hình chụp , họ thấy nguyên một vòng hào quang như cầu vồng hiện ra bao quanh các con nai , lúc đọc được câu chuyện trên P cảm thấy rất thú vị và thấy mấy con nai được may mắn quá , hôm nay kể lại chuyện lạ 4 phương này với các bạn cho vui mà thôi nhé .

                          Bây giờ P mới biết có hai loại lá phong , đỏ và vàng , chứ hồi nào tới giờ P vẫn tưởng chỉ có một , ở Úc đây , mỗi lần mùa thu , P có dịp vào rừng đi bộ , thỉnh thoảng gặp vài cây phong to như cổ thụ lá vàng um , lúc đó P tưởng mình đi hơi sớm nên lá phong ...chưa đỏ !!! :cuoilan: hichic . Bây giờ mới biết đó Trúc , đúng là khi em tìm thấy lá diêu bông , chị đi lấy chồng ... mất tiêu lâu rồi , hihi .

                          Cám ơn Trúc nhiều nha , mỗi lần đọc bài ký sự du lịch của Trúc , P có thêm được kiến thức và nhớ lại cái thời trung học được học môn thế giới sử , thời đó học gì cũng phải học thuộc lòng , bao nhiêu môn bị nhồi nhét trong đầu , lúc đó môn thế giới sử mà có những hình ảnh linh động như vầy , mình học khỏe hơn biết bao nhiêu hén

                          Thân mến

                          PL

                          Comment


                          • #28
                            Nanzenji và Ginkakuji

                            Nam Thiền Tự và Ngân Các Tự


                            Hôm nay là ngày phải về lại Tokyo, nhưng vì muốn có thêm một ngày ngắm cảnh ở Kyoto nên tới tối nhà T mới đi xe điện về Tokyo. Tụi T check-out khách sạn lúc sáng sớm và kéo vali tới Kyoto station cho vô tủ (locker) để rảnh tay đi chơi. Ở các train station có locker cho khách để hành lý, lớn có nhỏ có. T chất hết carry-on và backpack vô hai tủ, tốn hết 1000 Yen.


                            .....

                            Nanzenji.............................Ginkakuji (Silver Pavillion)



                            Ginkakuji và Nanzenji nằm phiá Đông Bắc Kyoto. Bạn có thể đi subway hay xe bus đều tới được. Xe bus ngừng gần cổng chùa hơn subway. Tại Kyoto có loại xe bus ‘Raku bus’ có ba tuyến đường khác nhau 100, 101,102. Mỗi tuyến có những trạm ngừng ở các thắng cảnh cuả Kyoto. Trên xe họ thông báo các trạm sắp tới có gì thắng cảnh gì bằng tiếng Nhật, tiếng Hoa và tiếng Anh, nên nghe tới trạm nào mình muốn xuống thì không bị lạc bao giờ. 'Raku bus' lên ở cửa sau, và xuống ở cưả trước, khi xuống mới trả tiền. Mỗi lần lên xuống, không kể trạm gần xa 230 Yen, nếu mua day pass 500 Yen/ ngày, đi được tất cả các xe bus cuả thành phố. Còn subway chỉ có hai tuyến đường chạy từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây thì giá 600 Yen cho day pass.

                            Nanzenji là thiền viện có nhiều cảnh đẹp, vì là muà lá phong đổi màu nên du khách tới đông lắm, phần lớn là người Nhật. Họ ăn mặc lịch sự và đi ngắm cảnh thong thả hơn so với du khách ngoại quốc như nhà T. Phần lớn các chùa chiền ở Kyoto vô cổng phải trả tiền 300 – 1000 Yen tùy theo chùa.





                            Đường vào Nanzenji





                            Đường vào Nanzenji





                            Nanzenji hôm đó cũng đẹp không kém những chùa khác. Chuà này được xây từ cuối thế kỷ 13. Khởi đầu là nơi hưởng nhàn của một nhà quý tộc và đổi thành thiền viện sau khi ông mất. Một điểm đặc biệt là tại đây có đường dẫn nước (aqueduct) từ hồ Biwa về Kyoto. Người ta xây aqueduct này cách đây hơn 100 năm và xây coi mỹ thuật lắm, mới thấy T không biết là gì, chỉ biết đứng ngắm vì nó đẹp quá, giống như những công trình xây cất từ thời La Mã xa xưa. Anh Hoàng đi lòng vòng một hồi về nói mới biết là aqueduct. Ngày nay, aqueduct này dẫn nước cung cấp 97% nước xài cho Kyoto.

                            Aqueduct in Nanzenji


                            ....

                            Aqueduct at Nanzenji









                            Aqueduct at Nanzenji


                            Từ Nanzenji đi về hướng Bắc dọc theo Philosopher’s path là lối vô cổng Ngân Các Tự (Ginkakuji).

                            Người xây Ngân Các Tự cũng là một lãnh chúa thời đó (shogun) với ý định để dưỡng già, ông là cháu cuả vị lãnh chúa đã xây Kim Các Tự. Như bạn đọc đã thấy hình ảnh cuả Kim Các Tự trong bài viết trước, mang nét đài cát và sang trọng dành cho giới quý tộc. Ngược lại, Ngân Các Tự chú trọng đến cái đẹp cuả sự đơn sơ, tự nhiên.



                            Lúc đầu chủ nhân tính lát bạc bên ngoài tương tự như Kim Các Tự được lát vàng. Nhưng rồi nội chiến xảy ra, ông đành hoãn việc xây cất cho mãi đến khi ông mất Silver Pavilion vẫn chưa được lát bạc và người Nhật giữ sự không hoàn tất đó cho tới bây giờ dù người ta có thể dát bạc cho xứng với cái tên như ý muốn ban đầu cuả chủ nhân khi trùng tu Gác Bạc.

                            Vì sao vậy?

                            Ngân Các Tự xây vào cuối thế kỷ 15, thời thịnh hành cuả nền văn hóa Higashiyama - nền văn hóa chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, quan niệm tìm cái đẹp trong sự mộc mạc, đơn giản. Người Nhật gọi là Wabi Sabi (beauty in simplicity). Nghiã đen cuả Wabi Sabi là cái chén uống trà bằng sành, nhưng từ đó đến nay người ta nói đến Wabi Sabi như một tư tưởng đẹp (wisdom in natural simplicity: nothing lasts, nothing is finished and nothing is perfect.)



                            Vườn sỏi - Fujisan and Five Lakes








                            Ngân Các Tự


                            Và quả là như vậy, Ngân Các Tự không đứng riêng lẻ đẹp đẽ một mình. Đó là cái gác gỗ đen đen trắng trắng đơn sơ ẩn mình sau mấy lùm cây trên cái ao nhỏ, nhưng cây cối và núi đồi xung quanh, khu vườn sỏi, lối đi len lỏi giưã cây rừng rơi rụng lá thu phong đẹp như rải thảm, lưng chừng đồi rêu xanh phủ đất mịn màng như cỏ biếc, làm thành một bức tranh hài hoà màu sắc của Trời cho.




                            Kyoto nằm dưới chân đồi









                            Kyoto from Ngân Các Tự (Ginkakuji)

                            Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 03:49 PM.

                            Comment


                            • #29
                              Các bạn mến,

                              Tấm ảnh bà già quét lá khiến H có nhiều câu tự hỏi lắm đó !


                              Tỉ dụ như:

                              “Quét trong tư thế đứng thì nhàn hơn, không đau lưng, tốt cho sức khỏe hơn, năng suất cao hơn, sao phải lom khom như thế nhỉ ?”

                              “ Chủ của bà cấp cho bà cái chổi đó, hay đó là chổi của bà tự sắm lấy?”

                              “Hay bà không dám làm cuộc cách mạng vì nghĩ ai cũng khom, thì mình cũng phải khom luôn cho giống thiên hạ chứ”.

                              “Chắc bà sợ bị mắng là chỉ có người lười mới đứng sững mà quét thôi.”

                              “ Hay đây là các người già có ý thức, mỗi ngày hay mỗi tuần thiện nguyện 60 phut đi quét lá, phải khom lưng có 1 tiếng đồng hồ thôi mà"

                              Nhưng bất cứ vì lý do gì, H cũng vẫn ước cho cây chổi đồ hốt rác của họ có cán dài để họ cũng quét lá nhưng quét trong tư thế hiên ngang thoải mái.

                              Thân ái

                              Hiền
                              Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 03:50 PM.

                              Comment


                              • #30
                                Bạn Hiền T. và các bạn thân mến

                                Những câu hỏi của bạn Hiền tuy đơn giản nhưng để trả lời cho có ngọn có ngành thì chắc là phải hai ba trang giấy! ... chỉ vì bà ta là người Nhật , sống trên đất nước Nhật (của họ).

                                Qua nhiều hình ảnh "Ký sự Nhật bản" của Trúc có lẽ chúng ta thấy mùa thu cây cối, phong cảnh rất đẹp tuy nhiên để duy trì được như vậy thì phải có hướng giải quyết cho lượng khổng lồ lá rụng liên tục cả tháng trường . Bà già cầm chổi còng lưng quét lá để cho thế giới lựa chọn vô số máy móc làm vườn rất tiện lợi, chất lượng cao Made in Japan có lẽ là hướng giải quyết của họ đấy !
                                Cám ơn những câu hỏi gợi ý của bạn Hiền Trần , hy vọng sẽ có cơ hội cùng với các bạn để trở lại vấn đề này .

                                Thân ái

                                NTT
                                Last edited by TrucLam; 05-05-2020, 03:51 PM.

                                Comment

                                Working...
                                X