Ký Sự Nhật Bản
Tháng 11 năm nay, gia đình T có dịp đi du lịch hai tuần ở Nhật. Đây là lần đầu tiên T có một chuyến đi khá xa, hơn 10 giờ bay từ Los Angeles tới thủ đô Tokyo. Trước khi đi vài ngày, T nhắc mấy người bạn làm chung là hai tuần sắp tới tôi đi ‘vacation’ đó nha! Thì họ hỏi:
Kỳ này cô đi đâu đây?
Nhật Bản à! Tại sao lại đi Nhật ? (Why Japan?) Mà đi chổ nào? Tokyo và Kyoto à?
Tokyo vì muốn thấy thủ đô tân kỳ hiện thời cuả Nhật, còn Kyoto là cố đô ngày trước để thấy những di tích cổ xưa.
Tokyo từ Tokyo Metropolitan South Tower
Tokyo về đêm từ Tokyo Metropolitan North Tower
Muà Thu Kyoto
Vườn thiền ở Kyoto
Trước khi kể lể với bạn đọc về chuyến đi Nhật cuả mình, T muốn nói sơ qua về Nhật Bản, một xứ mà trước đây T chỉ biết một cách mơ hồ như: 1- là một cường quốc trên thế giới. 2- bị hai trái bom nguyên tử trong Thế chiến thứ hai. 3- bộ áo ‘kimono’ đài các, kín đáo nhưng đầy quyến rũ…. Nhờ chuyến đi này T mới tìm hiểu thêm và biết được những điều lý thú về con cháu cuả Thái Dương Thần Nữ, chiêm ngưỡng cảnh đẹp như tranh cuả muà Thu nước Nhật, và thấy là có rất nhiều điều đơn giản để dân chúng có một đời sống thái bình thịnh vượng mà ai cũng có thể bắt chước noi theo, nhưng sao chỉ có người Nhật mới làm được như vậy.
.....
Bản đồ Nhật Bản
Về điạ lý: Nhật Bản có hình dáng như quả chuối nên hẹp và dài, lại thêm mấy rặng núi chạy theo chiều dài đất nước chiếm gần 2/3 diện tích đất đai nên họ lâm vào cảnh đất hẹp người đông. Diện tích Nhật Bản lớn hơn VN chút xíu và dân số khoảng 120 triệu người. Nhật Bản là xứ cuả những hải đảo, có trên 6,000 đảo: Tokyo và Kyoto là hai thành phố T đi trong chuyến này nằm trên đảo lớn nhất Honshu. Nhật có nhiều núi lưả còn hoạt động nhất so với các nước khác trên thế giới, lại nằm trên chổ bị những trận động đất lớn và nạn sóng thần (tsunami) cùng bão tố (typhoon) hay xảy ra vào muà Hè nên người Nhật luôn phải đối phó với thiên tai.
Núi rừng Nhật Bản
Phú Sĩ Sơn
Về lịch sử: Nhật Bản cũng có một lịch sử kéo dài mấy ngàn năm như VN hay Tàu hay các nước Á châu gần đó. Họ cũng qua nhiều thời kỳ mà các lãnh chuá (shogun) tranh giành điạ vị và quyền lợi, chém giết nhau rất dã man làm dân chúng điêu linh (coi mấy phim về Shogun, Samurai thấy họ giết người mà ớn), Thiên Hoàng chỉ là hư vị.
Gần cuối thế kỷ 19, Minh Trị Thiên Hoàng (Emperor Meiji) lên ngôi lúc mới 15 tuổi, nhờ sự trợ giúp cuả một số lãnh chuá trung thành với hoàng gia, ông thu gồm đất nước, học hỏi văn minh Âu Tây, chú trọng giáo dục và kỹ thuật. Ông thay đổi thể chế Quân chủ sang Quân chủ lập hiến, tức có Nhật Hoàng đứng đầu truyền ngôi từ đời cha sang đời con và có thêm Thủ tướng và nội các. Ông được người Nhật coi là vị minh quân đã giúp đưa Nhật Bản lên hàng cường quốc.
Tới khoảng giữa thế kỷ 20, trong thế chiến thứ hai, với quân đội mạnh mẽ, Nhật xua quân đi đóng chiếm nhiều nước ở Á châu, Úc châu, bành trướng thế lực …. Sau khi Hoa Kỳ bỏ hai trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng để tránh cho dân Nhật khỏi cảnh diệt vong. Nhật Bản lúc đó hoang tàn đổ nát, Tokyo chỉ là đống gạch vụn do những trận bom cuả đồng minh, các thành phố khác cũng đầy tàn tích chiến tranh, nhất là Hiroshima và Nagasaki trở thành bình điạ.
Có lẽ nhờ đó, người Nhật ý thức được là chiến tranh dù có thắng tới đâu cũng có ngày thua xiễng niễng và nó chỉ đem lại vinh quang thức thời mà thảm hoạ thì không cách chi lường được. Từ đó đến nay, người Nhật không ngừng chú trọng xây dựng kinh tế và đời sống cho người dân, và đưa nước Nhật từ đống tro tàn thành một đất nước phú cường về nhiều mặt và chỉ một thời gian ngắn họ lại sánh vai với các cường quốc trên thế giới.
.....
Đời sống: Qua chuyến đi, T thấy vì là người Á Đông nên người Nhật có nét giống người Việt, người Tàu, da trắng hơn có lẽ do ở vùng ôn đới, và mũi họ cao hơn so với người mình hay người Tàu. Phần lớn tạng người thon thả, không có nhiều người mập phì. Đàn ông, phụ nữ đi làm việc mặc quần áo lịch sự, trang nhã (suit, dress… màu sậm), trẻ con mặc đồng phục tới trường. ‘Subway’ và ‘train’ là phương tiện di chuyển chính cuả người Nhật, rất đúng giờ, nhiều chuyến nên không phải đợi lâu. Trẻ con đi học bằng xe bus công cộng hay ‘subway’ chứ không có xe trường đưa đón. Đường phố, nhà cưả sạch sẽ, rất an ninh. Ít người Nhật nói tiếng Anh nhưng T không gặp trở ngại gì trong những ngày ở Nhật dù có lúc bị lạc đường trong những thôn xóm vắng vẻ.
Quán nhỏ bên đường
......
Ngõ trúc....................................Đố bạn chữ gì đây?
Giá cả sinh hoạt: T nghĩ ở đâu cũng vậy, có chổ sang chổ hèn. Người ta nói vật giá ở Nhật rất đắt đỏ nhưng vì tiền Mỹ đang có giá nên T thấy không đến nỗi nào. Buổi sáng đầu tiên ở Nhật, ba người nhà T ghé vô tiệm mì bên đường gần khách sạn 380Y / tô, ăn no ứ, tính thành tiền Mỹ khoảng $10 cho buổi ăn sáng cuả ba người, như vậy đâu có đắt. Nước uống 100Y một chai cở 12oz. Vé subway 120 – 200 Y / chuyến tùy theo trạm xa gần. Tuỳ mình liệu tính cho vưà túi tiền thì giá cả T thấy tương đương như ở Mỹ.
Tô mì này ăn no nê mà đâu có mắc
Ngôn ngữ: tiếng Nhật nói hơi giống tiếng Quan Thoại, nhưng ít âm ‘s’ hơn. Chữ viết có 3 loại chính:
Kanji: viết giống chữ Tàu vì thời xưa Nhật Bản có chịu phần nào ảnh hưởng cuả Trung Hoa. Ví dụ: con đường gần khách sạn T ở có tên là Daimon, phiá dưới có tiếng Kanji kèm theo nên T đoán là Đại Môn = cưả lớn). Hay các chùa chiền cũng viết giống tiếng Tàu, và đọc có âm tiếng Hán Việt như Tofukuji (Đông Phúc Tự - To=Đông, Fuku= Phúc, Ji= Tự). Thành ra người nào biết tiếng Tàu hay tiếng Hán Việt đi du lịch ở Nhật có thể hiểu được các chữ trên bảng hiệu, đường xá…. Thành ra bạn đọc thấy những điạ danh T dịch ra tiếng Việt trong bài viết là từ Hán tự của họ ghi trên các bảng hiệu. T nhớ cách đây mười mấy năm nhà T có đi tiệm buffet Nhật tên là 'To Dai' ở Dallas. T nghĩ tiệm này lấy tên kỳ quá đọc như là 'to die' thì làm sao thọ nỗi. Nhưng nhờ chuyến đi này T mới biết 'To Dai' là Đông Đại.
Tiếng Nhật ngày nay: cũng có nét chữ Tàu nhưng được lược bỏ một số nét và có vẻ tròn trĩnh hơn nét cuả chữ Tàu.
Tiếng Nhật viết bằng mẫu tự giống chữ quốc ngữ cuả mình (Romans) nhưng chữ cuả họ có nhiều âm nên khó nhớ lắm.
Các bảng hiệu, tên đường, tên các trạm ‘subway’, xe điện đều viết bằng ba thứ chữ này.
Bản chỉ đường vô Đông Phúc Tự
T qua bên đó nói nhiều nhất là:
Arigato gozaimatsu: Cám ơn nhiều lắm
Ohaio: chào buổi sáng
Konichiwa: chào buổi chiều
Hai: Yes
Oishìi: Delicious (ngon tuyệt)
Ngoài ra xài ngôn ngữ quốc tế, động từ ‘to quơ’ là thượng sách.
~ 0 ~
Comment