Announcement

Collapse
No announcement yet.

Con Trâu and Nền Văn Minh Lúa Nước

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Con Trâu and Nền Văn Minh Lúa Nước

    Con Trâu & Nền Văn Minh Lúa Nước



    Cùng với cây lúa nước, trâu cũng gắn liền với nền văn minh lúa nước Việt Nam và cả Đông Nam Á. Trâu đã trở thành linh vật của SEA Game 22 năm 2003, hình tượng trâu vàng đã từng là biểu tượng của thể thao Việt Nam. Hình ảnh con Trâu kéo cày bừa trên ruộng đồng trồng lúa, hay con trâu đứng nằm gặm nhai cỏ trên bãi cỏ, cùng đầm mình trong vũng ao hồ nước là hình ảnh quen thuộc, gợi lên cảm gíac thị vị thanh bình vùng miền quê Việt Nam. Con trâu là hình ảnh của bản chất hiền lành, cần cù của con người Việt, biểu tượng cho sức khỏe lực điền. Trong tri thức về loài vật của người Việt thì tri thức về con trâu là có sớm nhất và đầy đủ nhất. Hình ảnh con trâu được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống tinh thần từ hàng ngàn năm qua.

    Trong những câu chuyện cổ tích có sự hiện diện của con trâu. Câu chuyện Trí khôn của ta đây lý giải nguyên nhân của việc trâu không có răng ở hàm trên. Thời kỳ Vua Hùng dựng nước, con Trâu góp phần xây dựng căn bản cho nền văn minh nông nghiệp trồng cấy lúa mạ, đó cũng là hình ảnh ăn sâu vào đời sống trong dân gian Việt Nam miền thôn quê đồng ruộng. Tượng Trâu bằng đất nung được giới khảo cổ học tìm thấy trong di chỉĐồng Đậu cách đây hơn ba ngàn năm. Trên mặt trống đồng Bắc Lý (Hiệp Hòa) còn chạm khắc hình ảnh hội đâm trâu của người Việt cổ, ở buổi đầu dựng nước có nhiều tượng trâu ở di chỉ Đình Chàng. Truyền thuyết của thời kỳ thần thoại ở Việt Nam có sự tích hồ Trâu Vàng - hồ Tây (Hà Nội). Theo huyền sử ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh thuở để tóc ba chỏm đã cùng đám trẻ chăn trâu trong vùng Hoa Lư cưỡi yrâu rước cờ lau tập trận, đây là một vị vua xuất thân từ hình ảnh chú bé mục đồng.

    Thời nhà Lý - nhà Trần, với chính sách trọng nông, khuyến nông, Nhà nước phong kiến rất quan tâm tới việc bảo vệ nguồn sức kéo. Năm 1123, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu nhắc nhở: Trâu là con vật quan trọng cho việc cày cấy, lợi cho người. Từ nay cấm không được giết trâu ăn thịt. Ai làm trái thì trị tội theo pháp luật. Luật Hình như (thời Lý), Hình luật (thời Trần) đều có những điều khoản cụ thể quy định hình phạt về tội ăn trộm và giết hại trâu bò. Những nhà láng giềng biết mà không tố giác cũng bị trừng phạt. Vào đầu xuân, theo lệ, vua thân chinh làm lễ tế Thần nông và cày ruộng Tịch điền, trâu cày ruộng tịch điền phải là trâu đực. Nhiều đình chùa đã chạm khắc và tạc tượng trâu, đó là tượng trâu bằng đá ở chùa Kim Ngưu (Bắc Ninh). Thời nhà Lý, chùa Phật Tích (Bắc Ninh) được xây dựng năm 1057 có cặp tượng trâu to bằng trâu thật, tạc trên đài sen ở sân chùa khá sống động. Con trâu luôn gắn với đời sống của người nông dân Bắc Giang. Thành ngữ con trâu là đầu cơ nghiệp nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu đối với nhà nông.

    Thời Lê Trung Hưng con trâu trở thành hình chạm trang trí khá phổ biến. Chùa Bút Tháp ở Bắc Ninh dựng năm 1647, tại lan can đá ở thượng điện và tháp Bảo Nghiêm đều có hình trâu chạm nổi. Ở tấm bia đá chùa Cảnh Phúc (Nam Định) dựng năm 1695 cũng có hình chạm con trâu đang nằm nghỉ. Trâu còn hiện diện trong tranh dân gian và trong điêu khắc gỗ đình làng thế kỷ XVII, XVIII… Di tích kiến trúc nghệ thuật được xếp hạng cấp tỉnh, đình Khả Lý Hạ (Việt Yên) còn chạm khắc hình trâu trên cấu kiện gỗ ở cốn mê. Bức chạm trâu kéo cày ở nghè Mẫu Sơn (Lục Nam) cũng là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc dân gian đẹp ở thế kỷ XVII, XVIII. Có câu chuyện Trạng Quỳnh cho đấu trâu với Tàu, thắng về mưu trí, trâu Tàu to hung dữ nhưng phải chạy thua trước một con trâu nghé.


    Trong văn học Đàng Trong, hình ảnh và thân phận con trâu, hiện thực và đầy đủ nhất nằm trong truyện Lục súc tranh công. Truyện kể lại cuộc tranh công tị việc giữa sáu gia súc: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn. Phần quan trọng nhất dành cho trâu, non một trăm câu, cũng là phần hay nhất, là tiếng nói thống thiết của nông dân phản ánh số kiếp lầm than không lối thoát. Danh từ trong tiếng Việt thì Trâu con gọi là nghé. Trâu giống cái gọi là trâu nái. Địa danh Bến Nghé nay vẫn lưu truyền vùng Sài Gòn. Ở Bắc Giang miền đất có nền văn minh nông nghiệp trồng lúa nước từ cổ xưa. Sau này thời hiện đại có tác phẩm tác phẩm Mùa Len Trâu trong tập truyện Hương Rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam vào đầu thế kỷ 20, len" trong tiếng Miên có nghĩa là "đi tự do", "len trâu" có nghĩa là cho trâu đi tự do.

    Trong tín ngưỡng nông nghiệp, hình ảnh con trâu còn thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Chiếc sừng trâu gợi lên hình ảnh trăng lưỡi liềm biểu tượng của nước trong tín ngưỡng nông nghiệp. Lúc đón giao thừa, người ta ra xem trâu nằm hay trâu đứng, trâu ngoảnh đầu ra cửa hay vào trong để biết năm đó làm ăn có thuận lợi hay không. Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của người nông dân. Ở Bắc Giang từ xa xưa đã có tục tế trâu, thờ trâu trong các lễ hội truyền thống. Hội làng Phú Khê (Tân Yên) có lệ tế thần thành hoàng bằng trâu sống. Hội làng Nội Ninh (Việt Yên) cũng có tục tế thần bằng trâu sống. Việc thờ trâu trong lễ hội dân gian ở Bắc Giang còn nói lên vị trí vai trò quan trọng của con trâu trong nền văn hóa cổ truyền của người dân Bắc Giang.

    Trâu chiếm một vị thế đặc biệt trong thơ Huy Cận, khác với thi phẩm người khác. Nói chung là do quan hệ tình cảm giữa Huy Cận và nông thôn, tuy rằng anh gần như suốt đời sống ở thành phố, trừ những năm kháng chiến chống Pháp; trong quan hệ đó, sâu lắng là tình cảm giữa anh và trâu bò, ở tuổi ấu thơ mà anh kể lại :

    Trên cánh đồng chân núi ấy, lúc tuổi bốn, năm tôi đã theo cha mẹ, o tôi, chú tôi đi bừa, đi nhặt cỏ, đi gieo hạt. Thú nhất là đứng trên cái bừa đạp cho bò kéo đi như là đứng trên một chiếc xe, nghe từng cục đất vỡ tơi dưới chân bừa, xông lên mùi cỏ úa, có khi còn lấy roi quất cho bò chạy nhanh, chiếc bừa xốc lên như một cỗ xe thắng trận. (...) Tôi lại cưỡi trâu, trời cuối năm se lạnh, ngồi trên lưng trâu ấm lắm. Cắm dây thừng (ở Hà Tĩnh gọi là chạc mũi) tôi điều khiển trâu như cầm cương ngựa, và lấy hai chân thúc vào hông trâu cho trâu chạy thật nhanh như ngựa phi”


    Những buổi chăn trâu lưu lại trong Huy Cận không những nhiều kỷ niệm êm đềm, mà còn tạo cho ông cảm xúc nghệ thuật đầu tiên.

    Chiếc trống Đất

    Thuở nhỏ chăn trâu lên mái núi,

    Tôi cùng chúng bạn chơi trò chơi,

    Lấy dao đào đất làm tang trống,

    Căng một dây rừng, đánh cúng trời.

    Chiếc trống vang lên điệu cổ sơ

    Vang từ lòng đất. – Đến bây giờ

    Tôi còn nghe rõ trong chiều lặn

    Tiếng dội như là đất thở ra.

    Bóng núi lan nhanh xuống cánh đồng,

    Theo từng nhịp trống dội mênh mông.

    Trời như cũng xuống gần thêm chút,

    Vang động hoàng hôn một sợi rừng.

    Hồn trẻ nghe trong chiều vợi vợi,

    Đất trời gần gũi tiếng nguyên sơ:

    Xuống đồng, tiếng núi lăn theo xuống

    Bản nhạc đầu tiên của tuổi thơ.

    (7-1974)


    Trâu thay sức người làm công việc đồng áng nên việc mua sắm trâu là việc hệ trọng. Nhà nghèo thường khó sắm được trâu để làm mùa, phần nhiều là mướn trâu.

    Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà

    Trong ba việc ấy thật là khó thay


    Từ buổi đầu lịch sử, khi dân ta biết trồng cây lúa nước con trâu đã là người bạn thân thiết gắn bó với nông dân. Tất cả đều phải cần cù làm lụng, hỗ trợ cho nhau để có miếng ăn.

    Trâu ơi ta bảo trâu này

    Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta

    Cấy cày vốn nghiệp nông gia

    Ta đây trâu đấy ai mà quản công

    Bao giờ ngọn lúa còn bông

    Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn

    Đôi khi người nông dân cũng tâm tình thì thầm to nhỏ cùng trâu như nói chuyện với một đứa trẻ con:

    Nghé ơi ta bảo nghé này

    Nghé ăn cho béo nghé cày cho sâu

    Ở đời khôn khéo chi đâu

    Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần

    Tuy bận rộn vất vả trong những ngày mùa nhưng trâu cũng có ngày thong thả đứng bên bờ ruộng ăn cỏ tươi hoặc nằm trong chuồng nhỏ nhẹ nhấm bó rơm khô. Số phận của con trâu và người nông dân gắn bó đồng cam cộng khổ:

    Rủ nhau đi cấy đi cày

    Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu

    Nông dân rất quý con trâu, nó là một phần tài sản của họ. Nó đã được đưa ra so sánh đánh giá sự giàu nghèo:

    Thằng bờm có cái quạt mo

    Phú ông xin đổi ba bò chín trâu


    Và hình ảnh thằng Cuội chăn trâu cũng thật thà đáng thương:

    Chú Cuội ngồi gốc cây đa

    Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời

    Cha còn cắt cỏ trên trời

    Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng


    Hình ảnh con trâu cũng được dùng để phê phán những kẻ lừa đảo chỉ biết vì quyền lợi cá nhân:

    Lái trâu, lái lợn, lái bò

    Trong ba anh ấy chớ nghe anh nào

    Hoặc tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm:

    Thật thà như thể lái trâu,

    Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng.


    Ai cũng biết buôn bán thì không thể có sự thật thà, quan hệ mẹ chồng, nàng dâu cũng rất phức tạp, khó có sự dung hòa được. Lại có câu ca dành cho người thích lấy vợ dại, ngoan hiền:

    Vợ dại thì đẻ con khôn

    Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm


    Bởi vậy ta nên trở về với cái vốn có không nên quá mộng tưởng. Cái gì của mình có sẵn quý hơn vì nó là có thực:

    Trâu ta ăn cỏ đồng ta

    Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm


    Và rất nhiều người bằng lòng với cuộc sống hiện tại, cho như thế là sung sướng hơn người. “Ai bảo chăn trâu là khổ / Không, chăn trâu sướng lắm chứ?”. Ngồi lưng trâu ta hát nghêu ngao... Con trâu cũng là đề tài để người ta trêu chọc nhau một cách tình tứ trong những lúc lao động để quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả:

    Trâu kia kén cỏ bờ ao

    Anh kia không vợ đời nào có con

    Người ta có trước có sau

    Thân anh không vợ như cau không buồng

    Cau không buồng như tuồng cau đực

    Trai không vợ cực lắm anh ơi

    Người ta đi đón, về đôi

    Thân anh đi lẻ, về loi một mình.


    Hoặc để gợi chuyện làm quen nhau:

    Hỡi cô cắt cỏ bên đồng

    Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha

    Giàu thì chia bảy chia ba

    Thân em là gái được là bao nhiêu?


    Các cô gái cũng hóm hĩnh, đáo để không kém:

    Cưới em tám vạn trâu bò

    Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm


    Đến khi có vợ rồi nên một lòng một dạ không nên bắt chước những người đi trước năm thê bảy thiếp để rồi gặp phải cảnh:

    Ba vợ năm bảy nàng hầu

    Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.

    Trâu anh con cưỡi con dòng

    Có con đi trước lòng thòng theo sau.

    Và đôi khi là những hình ảnh ẩn dụ về những ngang trái mà con trâu phải gánh chịu

    Con trâu có một hàm răng

    Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao

    Thời sống mày đã thương tao

    Bây giờ mày chết cầm dao xẻ mày…

    Thịt mày tao nấu linh đình

    Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa

    Sừng mày tao tiện con cờ

    Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa…

    Thời gian dần qua đi. Theo đó, hình ảnh mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, hát ngêu ngao những bài đồng dao cũng đã dần mất đi. Cơ giới hóa nông nghiệp là khuynh hướng phát triển của xã hội ngày nay. Con trâu dần dần được thay thế bằng chiếc máy cày tân tiến ! Thế nhưng hình ảnh làng quê, đồng ruộng, cây lúa, con trâu vẫn thấm sâu vào tâm hồn người dân Việt.




    ==========================================

    THAM KHẢO:

    1. Hình tượng con Trâu trong văn hóa - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

    2. Con trâu trong dân ca, ca dao.
    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

  • #2

    Cám ơn anh Khang đã nhắc đến Trâu, con vât thân thương trong nhiều thập niên, từ thanh bình đến chiến tranh, đã gắn bó với những đói no, thăng trầm của mọi gia đình nông dân nước Việt. Lạ một điều là càng đọc bài viết của anh càng thấy hình ảnh của Trâu mờ nhạt dần mà thay vào đó là gợi nhớ của cả ký ức tuổi thơ, là mùi lúa chín vàng thơm lừng, là ao, hồ ngập tràn sen, súng, là giòng sông uốn khúc và những thảm cỏ xanh rờn rải đầy hoa, bướm.

    Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

    Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:

    “Ai bảo chăn trâu là khổ?”

    Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao. (Giang Nam)

    Comment


    • #3
      Quê hương gắn liền với bước đi của mỗi người chúng ta, nhìn lại những tấm hình này, để nhớ về một tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm. Xúc cảm sâu lắng về quê hương Việt Nam, những hoài niệm đẹp về tuổi thơ, quá khứ… đậm sắc văn hóa Việt, như một nốt lặng trầm trong cuộc sống hối hả tất bận. Bằng những bức ảnh đẹp thay ngàn lời muốn nói.

      Ra đi là để ngày trở lại

      Nơi ta về cắt rốn chôn rau

      Thời gian cổ tích màu năm tháng

      Vẫn thắm tươi tóc chỏm trên đầu.

      .........

      Da diết quê hương mưa nguồn gió biển

      Góc làng đây sao ngỡ cả giang sơn!

      (NTD)
      https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

      Comment


      • #4
        Ngày xửa ngày xưa trong sách giáo khoa thư có kể 1 câu chuyện những đứa trẻ đi chăn trâu mướn còn trong tuổi ham chơi, chúng cột trâu vào gốc cây, chúng lo đánh đinh đánh đáo, tới giờ về trâu bụng đói meo xẹp lép, chúng nghĩ ra cách lấy bùn đắp vào bụng trâu cho to ra, ai nhìn vào cũng tưởng trâu được ăn no rồi chúng dắt trâu về cho chủ, thấy bụng trâu bự chủ khen giỏi, trâu nghe được liền nói với chủ :

        No gì mà no

        Trong mo ngoài đất,

        Trong cật ngoài da

        Buộc gốc cây đa,

        Đánh đinh, đánh đáo.

        Trẻ trăn trâu mỗi đứa bị chủ đánh cho 1 hèo, từ đó không dám ham chơi và nói dối nữa. Ngày đó người lớn bảo ai mà nói dối là sẽ bị Bụt hiện ra trừng trị nghe vậy lũ trẻ chẳng bao giờ dám nói dối nữa



        Sau này đem chuyện kể cho mấy đứa nhỏ, Dung bảo ở VN có những đứa trẻ còn trong tuổi ham chơi như tụi con không được đến trường phải đi chăn trâu ngoài trời khổ lắm, tụi con được đi học, được có giờ chơi, đứa nào lười học mà nói dối là người lớn biết hết.

        Tức cười, mấy đứa nhỏ hỏi mẹ :

        - Mẹ ơi con trâu là con gì vậy? con trâu biết nói tiếng người hả mẹ?

        Mẹ phải tìm hình con trâu cày dưới ruộng cho chúng xem và trả lời':

        - Trâu không biết nói tiếng người nhưng lúc những đứa trẻ nói dối thì Bụt hoá phép cho nó biết nói, coi chừng đứa nào không học mà nói dối là bụt hóa phép cho cây viết , quyển sách nó biết nói,

        Có lần chúng cũng thử D đó nhưng những hành động của con nít ngây ngô làm sao qua mắt người lớn nên chúng tưởng có bụt hiện ra thật chúng tin lắm. Bây giờ mấy đứa nhỏ không nói dối mà tới phiên mẹ nói dối. hư ghê::blush:

        Thân Ái

        KimDung

        Comment


        • #5
          Các bạn mến,

          Vào dịp gần lễ Giáng sinh khi đứa lớn nhất đang học lớp 2, tan học mẹ đón con ở cổng trường, vừa thấy mẹ, con nói với mẹ ngay: “ Mẹ ơi, bạn con nói không có ông già Noel như mẹ nói đâu, người cho quà bạn con chính là bố mẹ nó”.

          Mẹ giật mình khi nghe con nói như vậy, nhưng cứ giả bộ thản nhiên : “Tại vì bạn con không tin có ông già Noel nên ông già Noel không cho quà nữa đó, nên bố mẹ nó phải mua quà cho”.

          Rồi hai mẹ con dẫn nhau đi shop. Con đòi mẹ mua cho cái tất để đựng quà cuả ông già Noel năm ấy, mẹ thấy con sao ngây ngô đáng yêu quá.

          Noel năm sau con cũng để sẵn cái tất dưới gốc cây Noel như năm trước.

          Năm lên lớp bốn con không chuẩn bị cái tất nữa.

          Bây giờ người mẹ đã lên chức bà ngoại, con nói với mẹ rằng:" Mẹ ơi, mẹ biết không, khi mẹ nói với con là nếu không tin có ông già Noel thì ông già Noel không cho quà nữa, con đã biết chẳng có ông già Noel rồi, nhưng hai chị em con vẫn giả vờ để vẫn có quà Noel năm đó và năm sau đó mẹ ạ”.:shocked2:

          Các bạn mến, trẻ con thật lôi cuốn vì sự hồn nhiên và sự tinh quái của chúng, đối với trẻ con cha mẹ cũng thật lôi cuốn đáng yêu làm sao vì cha mẹ mình sao ngây thơ quá đi, cũng tinh quái, nhưng kém tinh quái hơn con một tí. HiHi

          Thân ái

          Hiền

          Comment


          • #6
            Các bạn mến,

            Con trâu và bông lúa làm ra tô phở.

            Tô phở bốn mùa ăn đều ngon, đã sánh bước cùng ẩm thực thế giới.

            Thân Ái

            KimDung

            Comment


            • #7
              Hình ảnh con trâu được lồng vào cuộc sống nhà nông Việt. Chăm chỉ, cần cù như kim chỉ nam giáo dục cho mọi gia đình nông dân nói riêng và người Việt nói chung.

              Một mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên trong gia đình. Một bức tranh hạnh phúc gia đình hài hòa với đồng quê bến nước. Gia đình ổn định hạnh phúc, xã hội giàu mạnh, phải chăng là điều mà mọi người dân đều mong muốn !

              Trong xã hội bon chen đầy áp lực này, phải chăng hình ảnh con trâu với đồng lúa đã mang lại cho chúng ta một cái nhìn có tính cách "thiền" đâu đó vậy ... !

              Rủ nhau đi cấy, đi cày

              Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu.

              Trên đồng cạn dưới đồng sâu,

              Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa.


              https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

              Comment


              • #8
                Các bạn mến , con trâu rất hiền lành , chịu thương chịu khó cần mẫn làm việc nên rất gắn bó với đời sống nhà nông ai cũng thấy , mình là học trò ngày 2 buổi đến trường nhưng cũng rất gần gủi với con trâu qua những áng văn , bài thơ mà cho tới bây giờ có lẽ vẫn đi sâu vào lòng người

                Khi P học trung học năm lớp 8 , 9 chi đó , một hôm , vào giờ Việt văn , lớp P được Cô giáo kể chuyện về một con trâu rất vui nên làm P nhớ hoài , chuyện kể rằng , ngày xưa có lần vua Tàu sai Sứ giả mang một con trâu rất khỏe sang Việt nam để thi thố tài năng với trâu nước ta ( nghe hơi hơi giống Mel Cup , hihi ) , con trâu ấy nổi tiếng bách chiến bách thắng thi đến đâu thắng tới đó , nên triều đình rất lo lắng , bèn nhờ Trạng Quỳnh đối phó dùm chuyện này , Trạng thấy trâu Tàu to lớn , thay vì đi ngưu tầm những con trâu tương xứng cân bằng vai vế để đối đầu với bên kia thì Trạng chỉ xin Vua một con nghé con , đã vậy con bé còn bị bỏ ... đói tả tơi trước giờ lâm trận cả một ngày trời ! :huh:

                Tới ngày thi đấu , ai cũng hồi hộp chờ Nghé con được đem đi nấu sáo hay làm Bê thui chi đó , nào ngờ Nghé ta đói quá nên khi thấy Trâu Tàu tưởng Trâu mẹ liền một mạch chạy tới đòi bú sữa , Trâu Tàu nhột quá bỏ của chạy lấy người , nhờ đó nghé ta được tuyên dương ... thắng trận !!! Thế là Sứ Tàu tâm phục khẩu phục nhân tài nước Việt quá , tuy yếu thế nhưng vẫn biết dùng trí khôn để thắng đối thủ mạnh mẻ hơn

                Khi nhớ tới câu chuyện trên , P lại liên tưởng đến chuyện Trường sa Hoàng sa , ước gì nước Việt mình tương lai sẽ có thật nhiều nhân tài như Trạng Quỳnh để quê hương mình luôn được bình an như bức tranh chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan mà mình được học từ những năm xưa

                Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

                Tiếng ốc xa đưa lẫn trống dồn

                Gác mái ngư ông về viễn phố

                Gõ sừng mục tử lại cô thôn

                P thích bài thơ này nhưng không hiểu '' gõ sừng '' là gì , nhờ các bạn biết giải thích dùm nha

                Thân mến

                PL


                Comment


                • #9
                  Mục đồng ngồi trên lưng trâu thường dùng que gõ vào sừng trâu làm nhịp để hát đồng dao. Trong câu "Gõ sừng mục tử lại cô thôn", bà huyện Thanh Quan chỉ dùng vài chữ đơn giản đã vẽ nên được một bức tranh sinh động của cảnh chiều quê khi bọn trẻ vừa hát vừa đưa trâu trở về xóm vắng (cô thôn).

                  Comment


                  • #10

                    Cảm ơn Phương đã gợi ý thêm về con trâu. Về mặt sinh vật học, sừng trâu đuợc cấu tạo bởi chất protein (keratin) màu đen rất cứng, bên trong sừng rỗng. Do sự tăng trưởng không đồng đều của sừng, đã tạo ra hình dạng cong nhọn. Nhờ có hình dáng cong nhọn ở đầu nên khi gõ vào sẽ tạo ra những âm thanh khác nhau (pitch), vang dội to nhỏ thăng trầm(echo). Như gợi ý của anh Hùng, khi các em mục tử ca hát và gõ lên sừng trâu với một nhịp điệu (rythmic) khác nhau, âm thanh nghe rất hay và lạ.


                    Tiếng gõ sừng trâu với lời ca đồng dao của các mục đồng là một bản hòa tấu đồng quê tuyệt vời khó quên, chắc chỉ có ở dân tộc Việt !

                    https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

                    Comment


                    • #11

                      Trong lịch sử can chi đã quen dùng ở phương Đông số thứ tự thứ 2 là Sửu tượng trưng bằng con trâu. Giờ Sửu được tính từ 1 đến 3h đêm, là thời gian yên tĩnh nhất, mọi người ngủ say, thế nhưng con trâu lại thức lặng lẽ nhai lại. Tháng Sửu là tháng Chạp, là tháng mà mọi người hân hoan đón Tết. Trong 12 con vật thời gian, trâu là con vật to nhất, khỏe nhất.

                      Trâu sớm được thuần hóa, gần gũi với con người, giúp con người trong việc đồng áng nên người nông dân coi trâu như người bạn thân.Trong ca dao dân ca, trâu được nói đến nhiều vì trâu đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt ở nông thôn. Từ việc ví von về tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam nữ... đều có mặt trâu. Trâu gần gũi thân thiết với con người như hình với bóng.

                      Thế nên trong cơ nghiệp nhà nông con trâu được xếp hạng nhất 'Con trâu là đầu cơ nghiệp'.


                      https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

                      Comment


                      • #12

                        (Adapted by Khang Pham)

                        TÂM SỰ MỤC TỬ CHĂN TRÂU


                        Sinh ra sau năm 1975, tôi lớn lên và trưởng thành gắn bó và chứng kiến với bao đổi thay thăng trầm của dân tộc, của làng quê Việt Nam. Tuổi thơ chân đất, da khét nắng, cưỡi trên lưng trâu từ năm lên 6. Tôi cũng như bao đứa trẻ trong làng, 6 tuổi đã bắt đầu đi vào cuộc sống… Cha tôi nghiêm túc giao cho nhiệm vụ: một buổi đi học, một buổi chăn trâu, làm sao đó làm, trâu phải ăn no, không để trâu ăn lúa người ta. Một đứa trẻ vừa mới lớn lên, chưa kịp chơi đùa, chưa kịp thỏa lòng bởi sự cưng chiều, nâng niu của cha mẹ đã bắt đầu nhận vụ nhiệm lao động của gia đình. Ở cái tuổi hồn nhiên, tôi chỉ ngoan ngoãn vâng lời (chẳng biết thoái thác như trẻ con bây giờ đâu).

                        Lần đầu ra đồng chăn trâu thích thật. Một không gian thoáng đãng, tự do nô đùa với bọn trẻ trong làng. Đồ chơi của chúng tôi là bùn, là đất, là nước, là dế mèn, cá rô thia, bóng làm bằng rơm… Chơi đùa chưa thỏa thì đã trưa rồi, chúng tôi giục nhau lùa trâu về, ăn cơm đi học. Ngoảnh lại nhìn, chẳng biết trâu mình ở đâu trong bầy. Mấy đứa lớn cười rồi phỉnh: “Trâu mày đi lạc rồi. Về ba mày đánh cho coi”. Thế là khóc, khóc trong sự hả hê trêu chọc của bọn chúng. Mẹ kịp đến đúng lúc. Mẹ cũng cười rồi xoa đầu tôi, vỗ về.

                        Trẻ con hiếu động, đêm về mệt, ngủ như chết. Tội nghiệp, sáng tinh mơ cha đã kêu dậy ăn cơm đặng còn dắt trâu ra đồng chăn. Đang còn ngái ngủ, chưa chịu dậy ngay thì cha cầm roi dọa đánh. Mẹ can thiệp cha, rằng “để nó ngủ thêm chút nữa”. Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi qua, không ít lần thấm thía đòn roi của cha vì ngủ nướng, vì ham chơi để trâu ăn lúa người ta, vì bẻ trộm ngô để nướng ăn ngoài đồng… Cha đã rèn cho thói quen dậy sớm, thói quen nghe lời, chịu khó, thói quen không được cãi lại người lớn. Mẹ cũng vài lần khóc khi thấy tôi bị cha đánh. Mẹ xoa dầu những lằn roi, dỗ dành, hứa ngoan sẽ mua cho đôi dép, cây bút máy.

                        Lên lớp 2, cha giao thêm nhiệm vụ, đi chăn trâu gánh thêm đôi trạc (quang gánh) để nhặt phân trâu bò về bón ruộng. Mấy đứa trẻ khác cũng như tôi thôi, cũng tìm nhặt phân. Trẻ con bây giờ đâu có biết rằng, chúng tôi ngày ấy quý phân trâu bò lắm, gặp bãi phân trâu bò thì rất mừng, bọn trẻ giành nhau, có khi giận nhau vì bãi phân trâu !

                        Trâu bò nhiều, cỏ lên không kịp. Ít cỏ, phân trâu bò cũng ít dần. Những buổi không có phân trâu bò để nhặt, bọn trẻ chúng tôi xúm tát nước bắt cá, bắt cua đồng, mò tôm, sò, ốc. Mùa hè thì té nước nhau, ra sông tắm thỏa thích. Mùa đông giá rét thì đốt lá sưởi, đào trộm khoai người ta nướng ăn. Khoai nướng chẳng bao giờ được chín mềm mà lựt sựt, bẻ chia mỗi đứa một miếng, nóng hổi, vừa xuýt xoa thổi, vừa ăn, nhưng mà sao thấy ngon đáo để. Ngon vì vui nhưng cơ bản là vì đói.

                        Chưa bao giờ cha hài lòng về tôi. Cha thường phàn nàn vì tôi ham chơi, vì tôi chăn trâu đói, vì tôi không nhặt được nhiều phân trâu bò. Tôi sợ và ghét cha. Hồi ấy tôi không hiểu sao cha ghét mình thế. Lớn lên, biết đọc sách, đầu óc mở mang dần mới hiểu, mới thấy thương cha mẹ, thương mình, thương cho quê hương mình dưới thời bao cấp. Dưới thời bao cấp, nhiều đứa trẻ nông thôn như tôi dường như không có tuổi thơ …

                        Cha nghiêm khắc với con là vì sợ đói, đói cả nhà. Cha chất phác, lam lũ chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Với cha, chỉ có lao động mới khỏi đói nghèo. Hoàn cảnh và môi trường sống không cho cha nghĩ rộng hơn, nghĩ đến chính sách của nhà cầm quyền. Chính sách nó là thứ vô hình, nhưng có thể cứu người hoặc giết người !

                        Sự khốc liệt của đói nghèo không kém gì sự khốc liệt của chiến tranh. Miền Trung cát trắng, cây lúa ngọn khoai cũng oằn mình lớn lên như con người miền của mảnh đất ấy. Cái xứ chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã ngập này dưới thời bao cấp càng điêu đứng, khốn khổ, điêu linh hơn nơi nào hết. Trẻ con kể từ khi biết cầm đôi đũa là phải biết lao động, phải biết chăn trâu cắt cỏ, nhặt phân, mót lúa, hái rau, kiếm củi... Ăn thì khoai, sắn thay cơm. Người ta nói rằng, không phải cơm độn khoai, sắn mà khoai, sắn độn cơm!


                        :caphe::caphe::caphe::caphe::caphe::caphe::caphe:

                        Hôm nay trở về thăm làng, thấy quán nhậu, quán cà phê mọc lên như nấm. “Mất đất thì phải kinh doanh thôi chứ ế khách lắm”, một bác nông dân phân trần.

                        Nhìn ra cánh đồng của thời “trẻ trâu” năm nào, nay đang bị sang lấp nham nhở, chẳng bao lâu nữa sẽ có một con đường xuyên qua và những lô đất hai bên đường sắp hình thành, những người lắm tiền kinh doanh bất động sản sẽ xúm vào đấu giá.

                        Đột nhiên có một làn gió mạnh bay qua, làm nhấp nhô những sóng lúa đang chín vàng ở những thửa ruộng còn sót lại. Xa xa một đám bụi mịt mù bay bay theo làn gió !


                        Tùy bút của Thạch Kiều (VOA)
                        https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

                        Comment


                        • #13
                          Các bạn mến , P thấy người tuổi con giáp nào cũng phải làm việc , nhưng người tuổi sửu lợi lắm , họ có thể nói , vì họ tuổi sửu , nên làm việc cực như ... trâu , trâu hiền lành , làm việc chăm chỉ , nuôi không tốn kém , nên người ta thường hay ví như vậy , nhưng những người tuổi khác cũng làm việc chăm chỉ lắm chứ , mà không thể ví von được , chẳng hạn như không thấy ai nói làm cực như dê , như khỉ ... ôi , thiệt thòi quá các bạn há !

                          Hồi xưa , P có quen một người bạn Úc , qua chương trình từ thiện World vision , họ được giới thiệu với một em bé Việt nam , có một hôm họ tới nhà P để cho xem và nhờ dịch một bức thư cậu bé đó gửi , khi đọc qua bức thư cậu bé đó viết , ngoài những lời thăm hỏi và cám ơn bình thường , cậu bé còn kể thêm niềm vui của cậu là thả diều , dắt trâu đi ăn cỏ , tắm sông ... khi đọc thấy như thế hai vợ chồng người Úc thích thú lắm hỏi P , con trâu có thể dắt đi chơi như con chó con mèo được hay sao , không sợ nó húc sao , nghe họ hỏi mà P mắc cười vì nhiều người Úc ở đây làm sao hiểu được niềm vui đơn sơ của những em bé quê cũng như sự hiền lành chịu thương chịu khó của trâu trên những cánh đồng lúa ở Vn mặc dù họ là những người rất yêu mến súc vật

                          Khi học ở Thủ Đức , ngày ngày đón xe đò đi lên trường , thỉnh thoảng P vẫn thấy cảnh trâu cày ruộng trên những cánh đồng dọc theo xa lộ , bây giờ cảnh này chắc khó thấy vì máy cày máy gặt đã thay thế trâu làm việc gần hết , nên bây giờ nhiều nơi có lẽ sẽ được thấy ... trên đồng cạn , dưới đồng sâu , chồng cày vợ cấy , con trâu đi ...nằm !

                          Và cũng may cho P là hồi đó lâu lâu thấy trâu bò được người ta thả ăn cỏ trước sân đá banh ở cổng trường nhà mình nên nhờ vậy có dịp đến gần quan sát ngắm nghía , không đến nổi phải đổi qua học nông nghiệp mới biết ... mắt trâu hiền và cũng đẹp lắm ! các bạn ạ :cuoilan: :cuoilan:


                          PL

                          Comment


                          • #14

                            Chăn trâu & THIỀN



                            Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ..

                            Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao.”


                            Bài hát chăn trâu này là một bài hát quen thuộc ở miền nam Việt Nam trong những năm 1950-1970, đến nỗi gần như ai cũng có thể thuộc và hát được, vì tiết điệu và lời hát giản dị, vui tươi, gợi lên một thời kỳ êm ả, với những thú vui mộc mạc của đời sống đồng nội.

                            Thế nhưng không phải chăn trâu lúc nào cũng dễ dàng và thảnh thơi như vậy. Trâu có thể là là một con vật đắc lực nhất cùng sát cánh với người nông dân trong công việc đồng áng nặng nhọc, nhưng cũng thuộc về giống dữ (bản chất mắt trâu không hiền như Phương đã viết đâu....), nếu chưa thuần hóa sẽ phải bỏ rất nhiều công sức ra mới chế ngự được nó. Riêng đối với đạo Phật, trâu còn mang một ý nghĩa đặc biệt, đó là hình ảnh của đạo tâm, và thường được nhắc đến trong ngôn ngữ của Thiền. Chúng ta thường nghe nói “cưỡi trâu đi tìm trâu”- đang ở trên lưng trâu mà đi tìm trâu ở ngoài, làm sao thấy được trâu? Điều đó cũng giống như là đem tâm đi tìm tâm – đang ở trong tâm mà muốn đi tìm tâm, làm sao thấy được tâm.

                            Nhưng xét cho cùng, chân lý vốn không phải là những gì xa xôi ở ngoài thế giới này, mà chính là những điều bình thường trong cuộc sống trước mắt. Chỉ vì tâm con người luôn luôn tìm kiếm, luôn luôn mong cầu, nên thường tạo ra cho mình những ảo ảnh, những mục tiêu xa vời, để rồi không thoát khỏi phiền não .

                            Đạo hiển hiện ngay trong cái đơn giản bình thường của đời sống hàng ngày. Không cần phải tìm bí quyết thần tiên ở nơi xa xôi nào, trong khắp pháp giới trước mắt những điều kỳ diệu vẫn hiển lộ tràn đầy.

                            Bí quyết thần tiên đâu cần đến

                            Cây khô cũng khiến nở hoa lành.



                            Tìm lại được con Trâu tâm và làm chủ được nó tức là làm chủ được vận mệnh của mình vậy.



                            :caphe::caphe::caphe::caphe::caphe::caphe::caphe:
                            https://drive.google.com/file/d/1N-m...ew?usp=sharing

                            Comment


                            • #15
                              "người nông dân coi Trâu như bạn thân" , nên cùng thời đó KD thấy trong ca dao có một con nữa được ví với trâu đó là:

                              ' Ruộng sâu Trâu nái

                              Không bằng con gái đầu lòng'

                              Và con này còn khoẻ hơn trâu

                              ' Gái 17 bẻ gẫy sừng trâu' :-/

                              Thân Ái

                              KimDung


                              Comment

                              Working...
                              X