Cô A, hôm nay rất nhanh nhẹn cầm ly thuốc từ tay T để uống, vui vẻ cười nói: "Tôi phải sống vì con trai".
Cô vừa tròn 28 tuổi, bị tai biến mạch máu nên không đi đứng được, khi vào bịnh viện lại khám phá ra thận suy yếu vào giai đoạn cần lọc thận 3 lần một tuần, rồi thêm tiểu đường phải đo lượng đường và chích thuốc 4 lần một ngày. Tuần trước cô từ chối đi lọc thận và không uống thuốc ... T nhớ hôm đó là chiều thứ Sáu, trong phòng cô lúc T phát thuốc có một bé trai khoảng 3-4 tuổi đang ngồi cạnh giường cô. Như thường lệ, cô từ chối, sau khi chào cô A và em bé, T quay ra khỏi phòng. Vừa đi được vài bước thì chợt nghe tiếng em bé gọi: "Cô ơi, cháu có thể cho mẹ cháu uống nước dùm cô được không ạ?"
Bác B. hôm nay "bị" chuyển vào một viện dưỡng lão. Bác có vẻ bực bội, lo buồn và giận dỗi vì sau khi người tài xế đã chuyển tất cả dụng cụ cá nhân của bác ra xe mà vẫn chưa thấy đứa con nào vào để đưa bác sang nơi ở mới.
Bác B, năm nay 82 tuổi, còn tỉnh táo và minh mẫn, vừa bị té trật chân nên cần thời gian để vết thương lành lặn, trước khi có thể trở về nhà. Bác có nhiều con, cháu, mấy ngày đầu khi bác mới đến đây mấy đứa nhỏ ở với bác 24/24. T và đồng nghiệp đều rất khâm phục các cô, cậu này nhưng rất không hăng hái khi biết mình sẽ là y tá cho bác. Lý do đơn giản là bác đòi hỏi quá nhiều sự chăm sóc từ mọi người, như đưa ly tới tận miệng khi uống thuốc, đút cho ăn, hoặc sửa chiếc gối và nhất là luôn mè nheo như đưa con đầu lòng khó tính.
Bác C, 80 tuổi, bị té và bị gẫy chân, rất vui vì hôm nay được về nhà để gặp D. Bác nói đêm qua không ngủ được vì vui.
Nhớ lại, hôm bác mới vào chỗ T làm, cũng lúc phát thuốc tại phòng của bác. Bác uống thuốc vội vàng rồi nhờ T mang dùm tới cho bác cái túi xách màu đỏ ở trong tủ. Vừa lúc đó có một người bạn đến thăm, vừa cầm cái bóp bác vội vàng đổ hết những gì trong đó ra giường. Chưa xong, bác tiếp tục lấy chiếc ví cầm tay, đem tất cả giấy tờ quan trọng như bằng lái xe, thẻ an sinh xã hội ra ngoài rồi bác đưa cả 2 thứ, bóp xách tay và ví cho bạn. Sau đó căn dặn cẩn thận, chiếc bóp thì để trên giường, chiếc ví để ở chỗ D nằm, để nó yên tâm. Tôi sẽ xin bác sĩ cho về sớm.
Bác E, 85 tuổi, bị mổ chân phải và băng bột cánh tay trái, bác luôn nói: "Tôi không sao", khi bác cố gắng bước từng bước với chiếc xe đẩy đi vào phòng tắm để làm vệ sinh. T đi ngang và con trai bác đẩy chiếc xe lăn phía sau bác, phòng hờ bác bị té, T thấy mắt bác rơi lệ nhưng bác vẫn mím môi để chịu đựng.
Sau khi bác đã ngồi an toàn trên giường, T hỏi bác có cần uống thuốc giảm đau không? Con bác hình như cũng hiểu sự chịu đựng của bác, nên tự động gọi thức ăn bữa trưa cho bác. Các cô, cậu này thay phiên nhau đến thăm bác mỗi ngày và sẽ đưa bác về ở chung cho đến khi bác có thể tự đi đứng được như trước khi bị té.
Môi trường làm việc cũng như cá tính của bịnh nhân như thời tiết, thay đổi bất thường. Dù thích hay không T cũng không thay đổi được gì, vì vậy nắng hoặc mưa, T cũng yêu, chỉ là yêu nhiều hay ít mà thôi.
Cũng là một công việc, nhưng T may mắn được chứng kiến cả 2 hoạt cảnh "xưa và nay".
Xưa là đa số tường thuật đều bằng giấy tờ ghi chép và sổ sách. Tất cả thuốc đều chứa trong một tủ thuốc và y tá đi đâu cũng mang nguyên tủ thuốc và chìa khóa với mình. Giờ giấc phát thuốc và sự giúp đỡ các bác cũng thoải mái và linh động. Trong giờ ăn có thể ngồi giúp đỡ các bác ăn hoặc nói chuyện trong lúc chờ đợi nhân viên nhà ăn mang thức ăn tới tận bàn.
Điều nổi bật nhất ở đây là lúc nào trên bàn ăn của các cũng có hoa tươi trưng bày.
Điều xấu nhất là có khi sau khi giao ca, đếm thuốc xong thay vì đưa cho cô y tá, T bỏ chìa khóa vào túi mình và nửa đường về thì bị gọi, T phải trở ngược về sở để đưa chìa khóa cho cô y tá. Không may, T lại là người chuyên môn đi lạc dù trên xe đã có máy chỉ đường.
Hôm đó là một ngày rất bận rộn nên T rất vui khi hết viêc, giao ca xong T vội vã đi về. Khi nghe điện thoại từ sở gọi đến và lại thấy chùm chìa khóa còn đang nằm trong túi áo, không có sự chọn lựa nào khác là tấp xe vào lề, bấm máy chỉ đường để trở lại chỗ làm. Theo máy chỉ, T quẹo trái vào xa lộ, lúc đó cũng hơn 10 giờ tối nên đường cũng không có nhiều xe, lúc đầu T thấy có nhiều xe đi ngược chiều xe của T và họ đều lách qua trái. Nhưng sau khi đi được một chút nữa thì T nhận ra là mình đang vào đường một chiều. Chưa biết phải làm sao thì T chợt thấy đèn cảnh sát chớp chớp cùng chiều xe T, họ ra dấu cho T đi theo. Vừa đậu vào lề, thì bác cảnh sát bước nhanh nhẹn ra xe và ra dấu cho T quay kiếng xe xuống.
Lúc này T biết mình đã đi lạc, T thành thật thú tội và nhờ vả: "Tôi cần phải trở lại sở giao chìa khóa, rồi đi lạc đường, ông có thể chỉ cho tôi làm sao để trở về đường 45 Nam không?". Kết quả là T đã không bị phạt mà còn được cảnh sát đi trước dẫn ra tới xa lộ 45 South.
Còn chuyện bây giờ, tất cả đều là điện toán, từ ghi chép, tường thuật cho tới phát thuốc và bàn làm việc của y tá cũng rất đơn giản, chỉ là một chiếc máy điện toán di động. Việc làm rất hiệu quả và chính xác hơn trước nhiều. Tuy nhiên điểm yếu của "bây giờ " là T không còn có thời giờ để thăm hỏi các bác như "xưa" nữa.
Nếu có sự chọn lựa, bạn sẽ chọn XƯA hay NAY ?
Bạn có đoán được D của bác C là ai ?
Và trong tương lai bạn sẽ là ai, như bác B, C hay E ?
Comment