Announcement

Collapse
No announcement yet.

Đồng quà quê mẹ

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • Đồng quà quê mẹ

    Đồng quà quê mẹ


    Ẩm thực của VN rất phong phú và còn được nhiều người trên thế giới ưa chuộng và coi là tốt cho sức khoẻ vì phần nhiều món ăn nào cũng kèm với rau. Đó là ưu điểm chính của món ăn VN.

    Từ những hạt lúa gạo đem từ ruộng về, ngoài những món ăn chính người dân Việt trên 3 miền đất nước đã khéo léo chế biến ra những món bánh dùng ăn nhẹ trong mỗi buổi sáng, gọi là quà sáng, hay những món bánh ăn chơi trong ngày, có tên gọi rất vui theo thứ tự của đời người. Này nhé KD thử kể cho các bạn nghe nhé.

    Những ngày còn bé chơi đùa với nhau, lũ trẻ hồn nhiên chia nhau những miếng bánh khoai, bánh chuối ngoài cổng trường hay mua ở quán bên ngã tư đường làng. Sao ngô nghê ngon tuyệt.

    Khi lớn lên đến tuổi biết mắc cỡ là lúc biết chọn bạn tâm giao thì có bánh Lọc.

    Gặp người rồi, sao mà cứ nhớ nhớ thương thương là mình ăn phải bánh Ú.

    Ú a ú ớ không biết ngỏ lời làm sao vì tâm hồn giao động, tự nhiên trở nên trầm lặng là mình đang ăn bánh Ít.

    Nói ít hiểu nhiều là đã ăn trúng bánh Lậm.

    Lậm vào tình yêu. Tình yêu là gì ? có ai định nghĩa được tình yêu?

    Yêu như tuyệt phẩm Trời cho lại đòi bánh Hỏi.

    Hỏi rồi muốn cưới thì có bánh Phu Thê.

    Cưới về ở chung một nhà là có bánh Tổ.

    Có tổ uyên ương là có bánh Khoái.

    Tâm hồn khoan khoái muốn tát cạn biển đông lại có bánh Thuận.

    Thuận buồm xuôi gió thì dễ bị dụ ăn bánh Đúc.

    Đúc vào khuôn rồi thì thưởng cho cái bánh Cày hay bánh Quai Chèo để vung mình ra biển khơi.

    Cày nhiều không nghỉ lại sinh ra bánh Bèo.

    Khi sức khỏe bèo nhèo uể oải. Giật mình mới thấy mình đang ăn bánh Bò.

    Làm thân trâu bò mãi, tự ái vùng lên thì sinh ra bánh Xèo.

    Lúc này lại nói nhiều hiểu ít thích cãi vả ì xèo! Thôi rồi! tình bây giờ lại trở thành tình bánh Uôi.

    Hai người uôi nguội là đang ăn phải bánh Căng.

    Căng thẳng qúa ta đi tìm bánh Cuốn.

    Cuốn gói ra riêng, im lìm một góc, sinh nghi ngờ nhau lại có bánh Canh.

    Không tin tưởng nhau thì lại còn thêm bánh Kẹp.

    Bị kềm kẹp mất tự do, nhân phẩm không được tôn trọng là hiện ra bánh Đập.

    Đập bể đồ sau đó là thêm bánh Tét.

    Sau bánh Tét là có bánh Phồng.

    Phồng mang trợn mắt, hôm đó trong nhà ai cũng vác cái mặt bánh Dầy.

    Chán qúa mỗi người mỗi ngả thế là có bánh Trôi.

    Lúc này thì "Tình yêu như tấm bánh Đa. Ai đem nhúng nước thế là mất ăn"

    Khi nào giận nhớ kiếm ly nước lạnh uống nhé, đừng vội gọi 000 là "hư bột hư đường hết" vì phải ăn bánh Còng.

    Nguôi giận, ngày từng ngày, mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp.

    "Chim Quyên ăn trái nhãn lồng.

    Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi", giận đó rồi lại thương hơn. Khi đoàn tụ lại có bánh Bao Chỉ.

    Che chở bao bọc cho nhau đến cuối đời thì cùng ăn bánh Tiêu.

    Tiêu rồi thì được chưng trong khung kính ngồi nhìn cặp bánh Chưng mà không ăn được.

    Thế là hết, không còn gì, là Vô Thường.


    30 món bánh của 3 miền đất nước Việt Nam với những cái tên thật thân quen nghe vui tai mà trong chúng ta ai ai cũng đã được ăn. Loại bánh nào cũng ngon và dễ làm. Tháng giêng ngày rộng tháng dài, chúc các bạn làm bánh ngon cho cả nhà cùng vui. Riêng cô hàng bánh thì chỉ biết làm vài món bánh hấp, đi theo con đem ra bãi biển ngồi hóng mát, mời mấy người bạn Úc (bạn Hello ngoài đường) cùng ăn thử và được dịp giới thiệu tên bánh của nước mình cho mọi người được dịp cười no (dân Úc thân thiện lắm các bạn à).

    Thân ái

    KimDung

  • #2


    Hình chị Dung cười lúc nào cũng tươi tắn. Phiá sau biển xanh đẹp thiệt. Cám ơn chị giải thích những món bánh bình dân nhiều ý nghiã.

    Chúc chị năm mới luôn vui.

    Thân mến,

    Trúc.

    Comment


    • #3
      HT mến, T còn nhớ biển Úc không? Kỳ nghỉ năm nay a Cừ ra biển mà gặp du khách Mỹ là khoe anh có vợ chồng người bạn sống ở Mỹ qua du lịch Úc cũng thích biển Úc, nên chụp hình rất đẹp.

      Trúc à, tiếng Việt mình gợi thanh, gợi hình lắm đó, khi chị D nghe tên gọi các loại bánh của VN vừa đơn giản, vừa dễ thương lại tức cười nữa nên đặt nó vào câu chuyện kể cho vui đó mà, chắc nó không phải nghĩa như vậy đâu Trúc.:blush:

      Thân ái

      KimDung

      Comment


      • #4
        Hi chị Kim Dung,

        Lẽ ra em phải ghi rõ là chị đã bỏ công sáng tác ra ý nghiã tiếu lâm cuả mấy loại bánh dân dã cuả mình, chị hả?

        T thấy anh NTT có nhận xét khá chí lý là: cảm nhận cuả những người đi du lịch tới Úc đều đúng và chính xác, không ai sai cả, nhưng có khi khác nhau tới 179 độ. Mấy hôm đi biển ở Sydney, T thấy dân Sydney thật may mắn, chỉ cần 1-2 tiếng xe lưả, xe hơi là tới biển mà lại là biển đẹp nưã chứ, quá đẹp, tha hồ ngắm. Nếu có đi du lịch lần nưã ở Úc, thế nào cũng dành ra vài ngày để đi lại nhưng bãi biển mình đã đi qua vì lần vưà rồi ngắm chưa đã. Hay vô núi, cũng gần xịt, cảnh đẹp muôn màu.

        T rất thích câu nói cuả Helen Keller ‘The most beautiful things in the world cannot be seen or even touched, it must be felt with the heart.’

        Thân mến,

        Trúc


        Comment


        • #5
          BÁNH CHƯNG, BÁNH TÉT


          Bánh trái ngày nay rất phong phú, tuy nhiên trong những dịp lễ lạc những món bánh thuần túy dân tộc vẫn không bị quên lãng.

          Ngày đầu xuân là lúc ông bà, cha mẹ, con cháu họp mặt quây quần sống vui vẻ bên nhau, là dịp mọi người được sống theo phong tục của dân mình và cũng là lúc giới thiệu cho con cháu ăn những món ăn đặc thù của dân mình. Với người dân Úc, ngày đầu năm trong nhà không thể thiếu ổ bánh mì Damper, bánh Lamington, Chocolate cake, bánh Quy gừng... Người Việt cũng không ngoại lệ, dù đang sống trên quê hương hay những người Việt ly hương, vào dịp tết Nguyên Đán những món bánh cổ truyền cũng được dọn ra như bánh chưng, bánh tét, bánh dầy, bánh ít, bánh trôi gấc, ... nhất là bánh chưng hoặc bánh tét.

          Quê D, một xứ đạo nhỏ bé trên cao nguyên, người dân sống bằng nghề trồng trà, cà phê, cứ đầu tháng 11 là vào vụ muà thu hoạch. Thu hoạch gần xong là đến dịp lễ Noel, lịch thời gian của các cụ là những câu vè thật dễ thương:

          "Sinh nhật, đặt tên, ba vua, lễ nến, tết đến sau lưng".

          Kể từ khi qua tết tây lịch, họ đã ơi ới rủ nhau bán ít cà phê sắm tết, gọi nhau đặt mua chung nếp, đường, đậu xanh chuẩn bị gói bánh chưng tết. Họ mua trước như vậy vì D nghe người lớn nói vào thời điểm đó miền tây đã có lúa mới, mua sớm sẽ chọn được nếp hương thơm, dẻo, giá cả cũng nới hơn lúc cận tết.

          Quê D là thôn của toàn tòng người bắc di cư. Từ bao đời trên bàn thờ tổ tiên không thể thiếu cặp bánh chưng. Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày tết cổ truyền, nó mang đậm kết qủa "Hoa màu ruộng đất và lao công của con người" từ ơn lộc trời ban cho.

          Nhớ ngày còn bé ở thập niên 60 và 70, hàng quà bánh không dư thừa như bây giờ, cứ vào tháng cận tết lũ trẻ trong xóm tụi D vui lắm. Bày trẻ hình như thấy tết đang gần lắm vì lúc đó người lớn đi chợ huyện thường xuyên, lũ trẻ ở nhà hong hóng chờ nội, mẹ đi chợ về là có bánh giò, bánh rán ... Nội bảo "mua cho con trẻ đồng quà". Các bạn biết đấy ở trong quê ngoài những trái cây trong vườn như chôm chôm, sầu riêng, mít, chuối, có từng mùa, chỉ có vài hàng quà rong như xôi, kem, tàu hũ, kẹo kéo thôi, không nhiều như ở thành phố đâu. Ở quê, nhà ai cũng "vườn rộng rào thưa" nên trong nhà hầu như cũng chẳng thiếu gì nhiều nên người lớn chỉ ra chợ huyện vào những ngày lễ lớn, ngày giỗ chạp hay tết trong năm vì thế lũ trẻ con tụi D mong tết lắm. Ông trời cũng chiều lòng trẻ thơ đơn sơ, ông cho một năm có nhiều cái tết, tết Nguyên Đán, tết Đoan Ngọ, tết Hàn Thực, lại còn cả tết Trung Thu nữa, có nhiêu đó tết là tụi D cũng được ăn quà quanh năm. Xóm D có lệ là người lớn đi đâu về là mua quà cho con nít cả xóm, hôm nay mẹ bạn đi chợ mình cũng được đồng quà, mai mẹ mình ra chợ, bạn cũng được đồng quà. Nhớ lắm, nhớ những tình cảm yêu thương ngọt ngào con người dành cho nhau cứ mãi êm ái trong hồn, những ngày cận tết nhớ sao là nhớ không thể nào quên.

          Năm nào cũng vậy, khi nghe chuông nhà thờ đổ là thức dậy liền, xúng xính trong bộ quần áo mới đi dự lễ. Thánh lễ ngày mồng một cầu cho quốc thái dân an, cầu cho gia tiên và cho chính mình. Mồng hai tết là lễ cầu mùa. Mồng ba tết cầu cho người kém may mắn.

          Bữa cơm đầu năm, có đầy đủ mọi người trong gia đình, sau nghi thức tôn giáo là lúc chúc tuổi người lớn và được lì xì. Mở bao ra được nhiều tiền lũ trẻ con vui lắm, khi vui rồi ai bảo gì cũng nghe, rất là ngoan nhé. Nhìn thấy bầy con cháu hớn hở, vui vẻ ngoan ngoãn ông bà cha mẹ nào mà không cảm thấy hạnh phúc. Trong giờ phút linh thiêng của bữa cơm đầu xuân gia đình ngập tràn yêu thương, cảm tạ tình thương của Thương Đế đã đổ tràn trên chúng con. Trên bàn ăn có đầy đủ những món cổ truyền của người miền bắc như bánh chưng, dưa chua, hành chua, giò lụa, thịt đông ... Miếng đầu tiên con trẻ được người lớn gắp vô chén là miếng bánh chưng, cắn miếng bánh chưng trên miệng thấy thơm mùi quê hương lẫn lộn trong đó, mùi lá chuối, mùi nếp mới, mùi đậu, mùi thịt, thơm hơn loại bánh chưng nhỏ ngày thường. Còn thơm hơn nữa, bùi hơn nữa khi vừa ngậm miếng bánh trong miệng vừa được nghe nội kể sự tích bánh dầy, bánh chưng của chàng Lang Liêu dâng vua cha Hùng Vương. Nuốt miếng bánh là nuốt cả tinh hoa đất nước và nuốt cả lời Bụt dậy về lòng hiếu thảo với các bậc tiền bối.

          Lớn thêm một chút nữa khi đi học trong bài sử học tụi nhỏ còn được biết chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789 của anh hùng áo vải Quang Trung. Nội của KD là con ông thày đồ, quê ở Thanh Hóa. Sau ngày chết đói vì bị Nhật cai trị, nội bị mồ̉ côi và được người ta dẫn vào Hà Nội bán cho về làm con ông bà ký. Nội hay kể cho tụi D nghe về chiến thắng thần tốc của vua Quang Trung vào mỗi dịp gói bánh chưng. Ngày đó huynh đệ tương tàn, đất nước mình bị phân đôi ở ranh giới sông Gianh phía bắc gọi là Đàng Ngoài, phía nam gọi là Đàng Trong.

          Lũy Thầy ai đắp mà cao,

          Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu.

          Đàng Ngoài có vua Lê Chiêu Thống nhưng quân Thanh sang chiếm nước Nam vua không phản kháng, quân Thanh có ý định tăng viện đánh vào Nam Hà. Nguyễn Huệ ở Đàng Trong đóng đô tại Phú Xuân, Huế lo bàn thảo chiến lược đánh thần tốc .đuổi quân Thanh về Tàu. Nguyễn Huệ cho quân sĩ ăn tết trước, vượt qua sông Gianh, nghỉ ở núi Tam Điệp tỉnh Thanh Hoá để mộ thêm quân sĩ. Trong chiến trận, điều quan trọng không kém là quân lương mà quân lương ngày đó đều do quân dân địa phương tự túc. Lúc đó vào ngày cận tết nhà nào cũng chuẩn bị gói bánh, vua cho lệnh đổi bánh vuông thành đòn bánh tét cho quân sĩ mang theo. Ngày mồng ba tết đánh vào đồn Hà Hồi chiếm thành Thăng Long , chiếm ra tới Ải Nam Quan ngài dừng lại ở đó vì chỉ mang ýtưởng bảo vệ tổ Quốc không để mất 1 tấc đất nào cho ngoại bang. Đầu xuân Kỷ Dậu 1789 ngày mồng năm tết sau khi ổn định quân dân vua Quang Trung cho ăn mừng chiến thắng và ăn tết ở Thăng Long.

          Khôn ngoan qua cửa Thanh Hà,

          Đố ai có cánh bay qua Lũy Thầy.

          Đòn bánh Tét của người Đàng Trong mang trọn mùi vị, hương hoa của đất trời, lòng hiếu thảo như tấm bánh chưng mà nó còn mang cả quá trình lịch sử giành lấy quê hương và thống nhất đất nước một giải sơn hà từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau. Dân Nam Hà ghi nhớ công ơn vua Quang Trung nên đã dùng bánh Tét trong những ngày lễ, tết. Bánh tét còn có ưu điểm dễ để dành, ăn tới đâu tét tới đó rất gọn gàng.

          Đòn bánh Tét kỷ Dậu KD tìm hoài chưa thấy được ghi trong sử sách nhưng toàn dân Việt ở tuổi mình sống ở Thanh Hoá Nghệ An cho tới Mũi Cà Mau ai ai cũng biết truyền thuyết về đòn bánh tét kỷ dậu, một tấm lòng đoàn kết chặt như nếp của quân dân ta.

          Thân ái

          KimDung

          Comment


          • #6


            Phải phục cô bạn Kim Dung, cuối năm cho ăn nhiều kiểu bánh thế mà không lên cân vì mải cười quên ăn...

            Thôi thế viết tiếp cho các loại bánh khác như bánh xèo, bánh tráng (đa), bánh in, bánh da lợn, bánh mì, bánh kem, bánh bò, bánh cuốn, bánh canh, v.v... để anh chị em mình huởng tết quê người, nhớ về quê nhà, muốn về thăm quê vợ, tưởng nhớ người phương xa :cuoilan::cuoilan::cuoilan:


            Comment


            • #7
              Originally posted by 'KimDung'

              "Ẩm thực của VN rất phong phú và còn được nhiều người trên thế giới ưa chuộng...

              tự ái vùng lên thì sinh ra bánh Xèo.

              Lúc này lại nói nhiều hiểu ít thích cãi vả ì xèo!... "

              Thân ái

              KimDung
              Các bạn mến,

              Hôm nào làm bánh xèo, cả nhà vui lắm, mọi người xúm nhau lo lau bàn, quét nhà, rửa rau, làm nước mắm...để mau được ăn, miệng hát ỏm tỏi cùng với ca trưởng Hiền Trần đầu Trọc:

              " Má trong bếp, má đang, má đang làm gì?

              Chiên chả giò mùi bay thơm thơm!

              Má trong bếp, má đang, má đang làm gì?

              Đổ bánh xèo bánh kêu xèo xeo

              Má trong bếp, má đang, má đang làm gì?

              Bánh sinh nhật, sinh nhật cho em

              Bánh sinh nhật, sinh nhật cho em

              Bánh sinh nhật, sinh nhật cho em “

              ( tác giả Trần văn Tứ)

              Các bạn ơi, khi trong nha co món bánh xèo nói nhiều hiểu ít mà KD nói ở trong bài, thì quí ông quí bà hãy cố ráng nhìn nàng/chàng âu yếm, ngọt ngào hát khen nàng/chàng nhé:

              “Con chim non trên cành hoa,

              Hót véo von, hót véo von

              Anh (em) yêu chim, anh/em mến chim

              Vì mỗi lần chim hót anh/em vui

              Vì mỗi lần chim hót anh/em vui”

              ( không nhớ tên tác giả)

              :cuoilan::cuoilan::cuoilan:

              để phòng ngừa ăn tới bánh uôi hihi

              Thân ái

              Hiền


              Comment


              • #8
                Originally posted by 'CuongTran'



                Phải phục cô bạn Kim Dung, cuối năm cho ăn nhiều kiểu bánh thế mà không lên cân vì mải cười quên ăn...

                Thôi thế viết tiếp cho các loại bánh khác như bánh xèo, bánh tráng (đa), bánh in, bánh da lợn, bánh mì, bánh kem, bánh bò, bánh cuốn, bánh canh, v.v... để anh chị em mình huởng tết quê người, nhớ về quê nhà, muốn về thăm quê vợ, tưởng nhớ người phương xa :cuoilan::cuoilan::cuoilan:


                KD ơi!

                anh Cường muốn về thăm quê vợ kìa, để ăn bánh ít lá gai Bình Định đó, hihi

                Thân ái

                Hiền

                Comment


                • #9

                  Một mình với mình ta thương ta

                  Một mình thui thủi bóng vào ra

                  Lòng muốn như xưa nào có được

                  Bước chân chậm chạp chẳng thướt tha

                  Luẩn quẩn loanh quanh một mái nhà

                  Trí khôn bây giờ sao lạ quá

                  Lãng đãng lâng lâng chẳng nhớ nhiều

                  Nói năng lủng củng tay run rẩy

                  Tai nặng mắt mờ ngó một hai

                  Chết thật !!!

                  Không biết KD quên hay còn mắc bận đi hái lá gai? KD sorry anh Cường nhé. Cám ơn H nhiều lắm.

                  Trong lúc một người đang giận mà người kia hát nổi:

                  Con chim "than" trong nhà anh,

                  Hót véo von hát véo von,

                  ... khó lắm H ơi, im lặng mà nghe chắc dễ hơn.

                  Hiền dạy cách này độc đáo lắm đó H. KD nhớ có lần hai đứa nhỏ làm D giận, D hét léo chéo léo chéo một lúc, chúng nhìn nhau cười lên hô hô nói: "Ối trời ôi! Mẹ mình đang hát Opera". D nghe tức nhưng không làm gì được vì chúng luôn luôn vào bè với nhau, lúc D ngừng nói, chúng đem cho D ly nước nói: "Mẹ uống nước đi, mẹ hết hơi rồi hả?" D hỏi: "Sao con nói vậy?" Chúng lại cười ngặt nghẹo lớn hơn rồi bảo: "Mẹ nói tiếng Việt, nói liên tục, nói lên cao xuống thấp, lúc to lúc nhỏ, lúc mềm lúc quát, con đâu có nghe được mẹ đang nói gì. Chỉ thấy mẹ giống người hát opera hết hơi hihi nghe mắc cười quá". KD bị quê lần đó rồi mới hiểu ra mình giận, mình la chỉ mệt mình. Nói nhiều nói vội, nói lấy được thì đâu có ai thèm hiểu. Từ đó về sau có giận mấy đi nữa thì cũng gọi chúng lên bàn, từ ̀từ nói cho chúng hiểu. Một kinh nghiệm nhớ đời của KD đó.

                  Thân ái

                  KimDung

                  Comment


                  • #10
                    KD ơi

                    Cái bà mũi lõ cầm cái chày biến đâu mất tiêu rồi? H thấy hình đó vui, nhìn là thấy giống KD rồi hihi.

                    Thân ái

                    Hiền

                    Comment


                    • #11
                      BÁNH ÍT


                      Ai mua bánh ít bán cho.

                      Nhơn tôm, nhơn thịt, nhơn gừa thơm ngon.

                      Cô bạn xa nhà xách cho chùm bánh ít, thấy ồn ào chị Hải Phòng kề bên vội chạy qua chơi rồi cô em Bình Định dẫn con đi học về qua nhà cũng tắp vào chơi. Gặp bốn cô đủ một cỗ rồi, chia chùm bánh ít gồm chục bánh cho mỗi cô một bánh, sáu bánh còn lại chị nói để dành cho người đi vắng, thế là "bánh vào lời ra". Thật thú vị hôm nay D được biết những nét riêng của bánh ít ba miền.

                      KD hỏi:

                      - Bánh ăn đông vui như thế này mà kêu bánh ít , hay tại bánh nhỏ ăn còn thèm thuồng nên chê bánh ít.

                      Chị hàng bánh nói:

                      - Mèng ui, níp (nếp) ăn mau no muốn chớt mà ít cái gì?

                      - Vậy chắc nhắc mình ăn ít thôi kẻo đầy bụng. :dodgy:

                      Mọi người tranh nhau kể sự tích bánh ít, người ta kể rằng bánh ít là bánh của cô nàng út con vua Hùng. Ngày mà các anh đi tìm của ngon vật lạ dâng vua cha thì nàng út nhỏ bé không biết tìm gì để dâng cha, ngồi khóc tỉ tê thì được Bụt hiện ra chỉ cách làm bánh. Bụt dạy Lang Liêu làm bánh dày bánh chưng, nàng út làm loại bánh nhỏ hơn. Sau khi vua ăn thử thì bánh của Lang liêu được vua ưng ý nhất , của cô út ít cũng được khen, bánh của cô út ít sau gọi là bánh ít cho tiện.

                      KD bật cười góp ý:

                      - Chắc Bụt chỉ hiện ra dạy lang Liêu thôi nhưng hai đứa út ở nhà phụ nhau làm bánh, cô út phụ anh vo gạo , chùi lá. Khi Lang Liêu gói bánh chưng xong còn dư chút nhân đậu, cô Út cất gọn lại. Khi anh giã nếp làm bánh dày, cô xin anh chút bột giữ cho mình chứ con gái nhỏ sức yếu làm sao giã được nếp làm bánh. D nhớ ngày xưa còn nhỏ mỗi lần nhà làm bánh, bố và cậu giữ khâu giã nếp, tụi D léo nhéo bu quanh chờ lúc bố đi khỏi, đứa nào cũng đòi cậu cho giã thử. Lấy hết sức mà chẳng đứa nào kéo nổi cái chày ra khỏi cục nếp.

                      Cả đám cười như nắc nẻ:

                      - Ờ ha, đúng đó, rồi sao nữa?

                      D có nghề tán dóc lại tán thêm:

                      - Khi Lang Liêu gói xong phần bánh của mình, cô nàng Út lấy chút nhân dư của anh cho vào cục bột anh cho, nặn ra những chiếc bánh nhỏ xiu xíu tròn đều như những cục đất cô nặn chơi mỗi ngày. Cô lấy miếng lá chuối nhỏ anh không dùng được, cuốn thành cái loa kèn như cái loa cô cuốn làm kèn chơi, rồi bỏ bánh vào, xếp kín lại cho bánh không rơi ra ngoài, bánh nhỏ nên không cần lạt buộc. Cô cũng đem dâng vua cha cùng với các anh. Từ đó vào dịp tết Trung Nguyên, con cháu gói bánh chưng, bánh tét cũng cứ làm thêm bánh ít cho giữ được nghĩa anh em.

                      - Ồ hay đó chuyện này nghe có lý lắm.

                      D thích chí hăng quá tán tiếp:

                      - Chưa hết đâu, bánh ít còn nở ra bánh Uôi nữa nhưng chuyện này là chuyện D được nghe từ những người bắc cổ. Sau khi dâng vua cha, Lang Liêu được thưởng, nàng út cũng được khen. Bánh của nàng út để qua ngày hôm sau thì bị ôi, người nam gọi là thiu. Sau này vì giã nếp khó nên người ta chỉ giữ cách làm nguyên thủy cho bánh dày còn các bánh khác họ nghĩ ra ngâm nếp cho mềm, đem xay bằng cối cho thành bột, rồi làm cho chín bằng hơi nước.

                      Hết chuyện cổ tích, qua chuyện bánh ít từng miền.

                      Người đẹp Nha Mân kể rằng:

                      - Quê tui miệt Bến Tre, níp lúc nào cũng sẵn trong nhà, dừa thì khỏi nói giường (vườn) nhà ai cũng có dừa có chuối, lúc gảnh (rãnh) má gói bánh ít, má hái mấy trái dừa cảy.

                      D hỏi:

                      - Dừa cảy là dừa gì?

                      - Dừa rám đó, dừa mới già tới, đập hớt nước ga, dùng mũi dao cảy nó ra khỏi cái dỏ cứng, nó chỉ còn dính dỏ nâu nâu. Quê tui làm bánh mức người ta sài dừa cảy.

                      -À hiểu rồi, dừa cảy là dừa dễ cạy cùi dừa bung ra khỏi cái vỏ cứng. Là người rừng D không hiểu nên mỗi khi làm mứt dừa thì phải đập cái cùi ra gần hết hơi. Có khi không đập được phải bỏ vô lửa nướng nó mới chịu bung ra.

                      -Ừa đúng rồi sài dừa đó mới béo, mềm dzừa dzừa nạo sợi, sên đường thêm mè hay đậu phộng rang làm nhơn. Muốn nhơn đậu xanh thì dích ra một miếng trộn với đậu xanh nấu chín , tán nhiễng. Muốn nhơn mặn thì dùng thịt heo bằm, bánh ít nhơn mặn thường không gói lá mà để trần, ăn với nước mắm chua ngọt. Dừa già chỉ nạo dzắc lấy cốt, trộn một ít dzô bột cho béo, thơm và dẻo, để lâu níp không bị cứng, gói không dính tay.

                      Chị Hải Phòng góp ý:

                      - Quê mình không có dừa nhiều nên chỉ có bánh ít nhân đậu. Bánh làm hai loại, một kiểu vỏ bánh lạt màu trắng trong có nhân đậu ngọt, một kiểu vỏ bánh ngọt. Người ta quấn bột với mật mía (đường nguyên thủy, chưa làm khô, chưa tẩy trắng) cho ra vỏ màu nâu, có nơi người ta gọi là bánh mật. Nhân đậu xanh nấu chín tán nhừ ra cho chút muối, tiêu, gói vào lá chuối theo hình nón rồi đem đồ như đồ xôi, khi chín lấy ra để ráo bánh lâu thiu.

                      Cô em Bình Định :

                      - Xứ êm có bánh ít lá gai, qwê êm lá gai nhiều lắm mọc quanh rào, mỗi khi làm bánh tụi em hái cả rổ lớn lá mới đủ làm. Lá gần giống lá dâu tằm ăn, hái lá non còn xốp, đêm về bóc gân lá bỏ đi, cho lá vô nồi luộc chín, lá màu xanh tươi khi luộc nó trở thành màu xanh đậm. Vớt lá ra, vắt bỏ bớt nước, đem giã chung với bột cho tới khi có khối bột đen đều, chia thành nhiều phần, đem hấp chín sơ sơ rồi nặn thành viên cho nhưn vào giữa, rồi rắc mè ra ngoài vỏ bánh. Qwê êm cũng có dừa nên nhưn làm bằng đậu xanh, đường, dừa bào sợi, thêm một chút quế. Bánh được gói trong lá chuối non mềm, vỏ bánh không trộn cốt dừa. Để không dính tay phải sài dầu phộng khi gói phết dầu phộng ngoài lá. Người dân Bình Định gói bánh ít lá gai hình như cái tháp chàm.

                      Tháp bánh ít đứng sít (sát) cầu Bà Di,

                      Vật vô tri cũng thế, huống chi tui với bà. (Ca dao)



                      Lá gai

                      Bánh ít lá gai Bình Định khi ăn thấy vị dẻo thơm của nếp Phan Rang, vị ngan ngát của lá gai, bùi bùi của đậu xanh, béo béo đậm đà bởi những sợi dừa Tam quan nhuốm mùi nuối biển và còn lẫn cái beo béo thơm thơm của dầu phộng và mè Hòa Đai.

                      Muốn ăn bánh ít nhưn mè

                      Lấy chồng Hoà Đại đạp mè đen chân

                      Muốn ăn bánh ít nhưn tôm

                      Lấy chồng Hòa Đại ăn cơm ghế mì.

                      Các bạn mến, bánh ít ngày xưa làm tỉ mỉ và công phu quá. Bây giờ có bột sẵn, muốn làm chỉ cần nhào bột cho dẻo vừa để nắn dễ. Muốn làm bánh ít lá gai, luộc lá bỏ vào máy xay sinh tố rồi lấy ra trộn vô bột. KD thấy bánh làm bằng bột gạo tươi mới xay ra thì thơm dẻo tự nhiên hơn. Bánh xưa và nay đều thơm ngon, vật liệu chính vẫn là nếp, nếp no lâu nên chỉ ăn ít ít, ít thôi nhé còn để dành bụng ăn thứ khác nhé.

                      Thân ái

                      KimDung

                      Comment


                      • #12
                        BÁNH UÔI


                        Đã lâu lắm rồi, sau 1975 khi bà Nội mất không còn được ăn cái bánh Uôi nữa. Nhớ ngày còn nhỏ vào những dịp cận tết người dân tộc trên xứ Bảo -Lộc thường hay gùi từng gùi củi ngo ra bán, thỉnh thoảng lại có người bán cả những cục trầm hương nữa, người kinh mua ngo về để dành chụm lửa cho cả năm vì những muà khác không có ngo, họ còn bán cả gạo và nếp nữa, sản phẩm lúa gạo của họ chỉ đủ bán chừng 2 tuần là hết. Mỗi gia đình trong xứ đạo đều có nhận vài ba gia đình người dân tộc làm con đỡ đầu, bố cũng không ngoại lệ, D nhớ ngày đó họ đem gạo ra bán, bố mua hết cất kỹ trong phi chỉ vài ba tháng sau, họ hết gạo bố bán lại cho họ bằng gía trước kia bố đã mua của họ, người dân tộc thật thà đơn sơ như vậy đó. Bố thì dặn họ bán gạo cho còn bà nội thì dặn mua nếp (nếp cũng không có nhiều) và đặt mua lá chuối , lá dong rừng.

                        Năm nào cũng vậy mỗi khi gói bánh chưng là nội cũng ngâm loại nếp nương là nếp được trồng trên nương trên rãy còn gọi là nếp thượng rồi cho vào cối đá xay thành bột để gói bánh uôi. Cái cảnh nhộn nhịp trong ngày gói bánh năm nào cũng được diễn ra khi chị em D còn nội và vẫn tiếp tục diễn ra khi chị em đang ngàn dặm xa. Vì là dân Hà Tây nên mang truyền thống văn minh sông Hồng.

                        Đi đâu mặc kệ đi đâu,

                        Đến ngày giỗ tết phải mau mà về. (Ca dao)

                        Cứ tới chiều 29 tết gọi điện thoại hỏi thăm nhau là những cái cái bánh uôi lại được đem ra gói thật nhộn nhịp hào hứng như mấy mươi năm trước, người nhỏ nhất cũng đã năm mươi rồi mà cứ tranh giành kể tội nhau như đang méc mẹ. Ngày xưa đó cậu lo xong phần bột, nội làm xong phần nhân, nhân được làm bằng thịt heo bằm nhỏ với củ hành hương tím xào cho thơm đem trộn với đậu xanh đã tán nhuyễn, giao lại cho lũ con nít gói. việc đầu tiên là rọc lá chuối rừng, phơi cho héo, xé lá thành những miếng rộng đều nhau, nặn bánh và nhân to bằng nắm tay mình, để hai bánh vào một miếng lá cách xa nhau. cuốn lại, vặn xoắn lại ở phần giữa , gập vào nhau, lấy dây chuối khô dẻo cột lại cho hai đầu nhập vào thành một, cắt bỏ phần lá dư đi cho bánh đều và đẹp, bà nội gọi là gói cặp đôi. Tụi nhỏ xi xa xi xô, léo nha léo nhéo ở khâu gói bánh uôi còn người lớn được thanh thản gói bánh chưng. Bánh gói xong được đặt trên cái sàng để trong nồi bánh chưng hấp cách thủy.

                        Bánh uôi ngày tết để dành cho con nít ăn và để dành cho người thượng. Ngày mồng hai tết họ đến chúc tuổi, bà chia đều cho mỗi người, vợ chồng, con cái, già trẻ lớn bé phải có phần riêng và đều nhau họ mới bằng lòng. Người thượng không thích lấy bánh chưng vì họ không biết cách chia đều cho nhau.

                        Bánh uôi khi bóc ra có màu hơi xanh xanh ngọc vì là màu của lá chuối rừng không xanh đậm mà xanh màu mạ, lá chuối rừng không dầy, lá mỏng mà dai nên bánh cũng có hương thơm nhè nhẹ mùi lá rừng trong buổi sương mai, Bột bánh làm bằng gạo nếp nương nên không dẻo nhiều mà nó có độ dẻo hơi giòn dai. nhưng nó bị gọi là bánh uôi chắc tai nhân làm bằng thịt, đậu xanh, hành nên mau bị thiu không để lâu được.

                        Sau này D có dịp về thăm quê Hà Tây mới được biết ngày tết cổ truyền , trên mâm cỗ của người đồng bào thiểu số ở xứ Đoài có bánh uôi , bánh nho nhỏ xinh xinh. Bánh có tên Mường "peêng ôi"hay "chéo kheo", có sự tích như bà nội kể, bánh ở đây cũng dùng nếp nương, gói bằng lá rừng nhưng ngon hơn bánh gói ở Bảo-Lộc vì họ gói bằng hạt đậu nho nhe (?).

                        Theo hình thức của bánh, bánh luôn trong tình trạng "mình với ta tuy hai mà một, Ta với mình tuy một mà hai". Mỗi người có cách nhìn khác nhau trong trí tưởng tượng nên bánh cũng mang nhiều tên khác nhau. Bánh của người vùng Hà Tây nho nhỏ xinh xinh phải đi cặp đôi e ấp hương rừng lãng mạng "hai là một mà một vẫn cứ là hai". Bánh đã thế còn người thì sao? "người thơ" Quang Dũng thanh lịch lãng mạng trong tình yêu và cuộc sống. Tâm hồn Quang Dũng với người yêu lúc nào cũng là một, trên thực tế vì trách nhiệm nên lúc nào cũng vẫn phải là hai.

                        ĐÔI BỜ

                        Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai

                        Sông xa từng lớp lớp mưa dài

                        Mắt kia em có sầu cô quạnh

                        Khi chớm thu về một sớm mai

                        Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự

                        Bên này em có nhớ bên kia

                        Giăng giăng mưa bụi quanh phòng tuyến

                        Hiu hắt chiều sông lạnh bến tề

                        Khói thuốc xanh giòng khơi lối cũ

                        Đêm đêm sông Đáy lạnh đôi bờ

                        Thoáng hiện em về trong đáy cốc

                        Nói cười như chuyện một đêm mơ

                        Xa quá rồi em, người mỗi ngả

                        Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau

                        Em đi áo mỏng buông hờn tủi

                        Giòng lệ thơ ngây có dạt dào?

                        Ngày Xuân thưởng thức cặp bánh uôi dễ thương của người xứ Mường với vị hương rừng đặc biệt và thưởng thức từng lời thơ Quang Dũng viết trên xứ Đoài. Ôi ! Quê mẹ tha thiết nhường bao.

                        Thân ái

                        KimDung

                        Comment


                        • #13
                          Mới vào YouTube để xem coi bánh uôi là bánh gì. Thấy họ gói nhỏ xíu hà...:coffee:

                          Comment


                          • #14

                            Cái bánh nó nhỏ xíu xiu thôi HN ơi, HN cứ tưởng tượng quê mình lá thì nhiều, cơm gạo thì ít nhất là trên vùng núi. Bánh uôi nó đi cặp đôi, lúc nào cũng có nhau. Cách ăn bánh cũng hay lắm, khi ăn thì xé lá từ từ rồi lấy cái bánh ra. Cái bánh còn lại muốn giữ được không thiu thì phải luôn giữ chúng trong tình trạng cặp đôi, tức là giữ luôn cả cái vỏ bánh bên kia, dù không có nhân nhưng vẫn phải có vỏ, không có hình nhưng vẫn phải có bóng. Nếu cắt rời chúng ra để ăn một cái tức là cọng giây cột sẽ bung ra, chỗ đầu vặn cũng bung ra, chiếc bánh còn lại sẽ bị hở hai đầu, vi khuẩn trong không khí sẽ ùa vào nếm trước ta. Cái bánh sẽ lên meo nhanh, nó hờn vì mất bạn nó sẽ thiu nhanh. Người chỉ huy già xưa kia khi ăn bánh, ông gọi là bánh Huynh Đệ Chi Binh, ông bảo đời quân ngũ ông yêu lính hơn yêu vợ con, rồi ông còn bảo trong chiến trường sống chết có nhau là huynh đệ chi binh.

                            Cái bánh uôi tầm thường dễ gói, đơn sơ mộc mạc cả về phẩm chất lẫn hình thức như người dân thiểu số, vậy mà nó gói trọn nét sâu thẳm của mênh mông tình người.

                            Thân ái

                            KimDung

                            Comment


                            • #15
                              Cám ơn bài viết về mấy món bánh ngày Tết của chị Dung. Nhờ bài này T mới biết thêm món bánh uôi, từ nhỏ tới giờ chưa bao giờ nghe tới món bánh này. Những món ăn dân giã và rất Việt Nam thật đúng với cái tưạ 'Đồng quà quê mẹ.'

                              Thân mến,

                              Trúc

                              Comment

                              Working...
                              X