Mẹ
Những ngày cuối tháng tư đất trời Sydney bắt đầu trở lạnh. Dưới bầu trời xanh trong trẻo cao vút, hàng cây phong hai bên đường dẫn tới phố Camden dài cả hàng cây số đang chuyển mình, từ màu xanh đổi qua màu vàng đượm rồi sang màu đỏ thắm. Gío thu về hanh hao len qua kẽ lá, làm đám lá vàng xào xạc ào ào đổ xuống, kết thúc một đời của lá sớm hơn vài giờ, cũng là lúc cây được lớn thêm 1 tuổi.
Nhìn lá vàng rụng phủ kín mặt đường, chân đạp lên lá vàng rơi đi cho hết con đường dẫn vào trong phố. Hôm nay con đường chính trong phố cũng nở đầy những bông vạn thọ đủ màu : vàng , cam, hồng, đỏ, nâu... . Những bảng quảng cáo bán qùa tặng mẹ cũng được trưng bày ở khắp phố.
Nhớ mẹ muốn khóc, những ngày còn mẹ thì em đã lượn vào khu shop để kiếm qùa mua gởi về quê nhà biếu cha mẹ. Chai rượu đỏ, Alcafé chocolate, nho khô là những món mà 2 ông bố thích. Chai dầu VIC dùng để cạo gío bỏ vào túi áo không sợ bị đổ, bánh, kẹo chocolate m m để dành, dễ chia cho con nít trong xóm.....được 2 bà mẹ ưa chuộng. Mỗi lần được Ôm gói qùa trên tay, trong lòng rộn ràng như có miềm hạnh phúc vô biên ngập tràn. Bây giờ thì hết rồi, chẳng còn mong hòng đến ngày ôm gì nữa, chỉ còn lại là những kỷ niệm đáng yêu trong đời, cứ theo em mãi mà thôi !!!. Mẹ ơi!.
Đi cà lơ phất phơ trên đường, gío thu se lạnh, nhẹ nhàng như mơn trớn vào từng đường tơ kẽ tóc, vài sợi tóc rơi xuống mặt. Gío thu lạnh, buồn, làm con khóc.
Hình ảnh mẹ cứ hiện ra rõ mồn một. Tâm trí con hôm nay tự nhiên lại vượt qua bao tháng năm , lội ngược gìong thời gian hồi tưởng lại thời thơ ấu , cảm thấy y như mẹ đang ở bên mình.
Em có người mẹ hiền, mẹ của em hiền lắm, mẹ có chín người con, nuôi được tám, những đứa con còn lại của mẹ ít được nghe những tiếng quát nạt của mẹ và ít khi được ăn đòn của mẹ. Mỗi khi chị em mắc lỗi làm mẹ giận mẹ chỉ bắt qùy úp mặt lên bộ phản gỗ (người Bắc nhà nào cũng có bộ phản gỗ là áo quan của ông bà), mẹ chỉ cầm cây roi mây đập đập xuống phản rồi treo vào chỗ cũ, mẹ nói qùy yên đó, quỳ không đàng hoàng mẹ sẽ đánh đòn, những cái "sẽ" của mẹ chẳng bao giờ xảy ra. Mẹ bắt lũ con qùy đó rồi mẹ bỏ đi làm việc khác, mẹ đi rồi đứa ngồi xẹp xuống đất, đứa ngáp dài úp mặt xuống phản ngủ. Khi nghe tiếng chân mẹ trở vào đứa nào ngồi thì qùy vội lên, còn đứa ngủ thì cứ ngủ yên. Được mẹ tha, cho phép đứng lên lại chạy đi chơi tiếp, mẹ bế đứa ngủ lên giường , đắp mền cho nó ngủ yên giấc.
Những ngày được sống bên mẹ là những ngày em đã có đủ trí khôn , mẹ con chỉ luẩn quẩn làm việc trong nhà, đứa nào cũng thích làm việc phụ mẹ, vừa làm việc mẹ vừa kể chuyện ngày xưa còn bé của từng đứa cho chị em nghe rồi mẹ hỏi "con còn nhớ không?", chị em đứa nào còn nhớ mong manh được lúc nào thì kể lúc đó, mẹ kể lại cho nghe từng chi tiết, mẹ con cười như nắc nẻ nhờ vậy mà chuyện "ngày xưa còn bé" cho đến bây giờ chẳng đứa nào quên.
Bố là quân nhân VNCH có cuộc sống rày đây mai đó, nhớ lại những lúc còn nhỏ xíu xiu sống với bố mẹ tại cái tỉnh đìu hiu. KomTum đầy những sương mù, mỗi buổi sáng bố chở chị em đến trường chim non của các soeur Saint Paul, trước khi đi học lạnh còn phụng phịu, mẹ ẵm từng đứa lên yên sau chiếc Golben của bố, mẹ dỗ "ngồi ôm chặt bố nghe con, học giỏi chiều mẹ đón về mua bánh cho ăn". Chiều nào cũng vậy mẹ đón chị em về bằng chiếc xe thổ mộ của ông già tư, xe chở nhiều người khác nữa. Khi lên xe chị em ngồi dính sát bên mẹ, mẹ giang rộng vòng tay ôm cả ba đứa, mẹ êm , mẹ ấm. Trong lúc mẹ nói chuyện với bà đi cùng xe thì mấy chị em chơi với bàn tay của mẹ, xoè bàn tay mẹ ra úp tay của mình vào tay mẹ, tay đứa nào cũng nhỏ hơn tay của mẹ, mân mê những ngón tay của mẹ, thấy tay mẹ cứng, có nhiều da, bẹo thử lên bàn tay mẹ, mẹ cứ để yên cho nghịch, có đứa bẻ ngược 1 ngón tay mẹ ra phía sau mẹ mới la lên: "á! đau mẹ con, đừng nghịch vậy gẫy tay mẹ". chán rồi không nghịch nữa , nằm dựa lên mẹ, nghe tiếng chân ngựa đạp trên đường Lộp. cộp. Lộp. Cộp. cứ đều đều. Khi tới cổng trại gia binh , mẹ dẫn bày con xuống, đi ngang qua cái qúan bà Lừng ngoài cổng trại, mẹ mua cho chị em hôm thì chè, hôm thì bánh gai, bánh mật .v.v.và ngày nào cũng vậy bà nói thích mấy đứa nhỏ này rồi bà cho mỗi đứa một cục kẹo gừng thiệt ngon.
Năm lên lớp mẫu giáo, chị em lại theo bố về Biên Hoà ở trong trại Đống Đa, Bố mẹ cho học trường Saint Paul, mẹ đưa đón bằng xe xích lô, mỗi buổi tan học ra khỏi cổng trường mẹ mua cho mỗi đứa 1 khúc càrem, gọi bằng khúc vì lúc đó D nhớ ông bán càrem lôi ra 1 cây dài lắm, không biết dài bao nhiêu, dưới mắt trẻ con nó thật dài, nhìn nó giống như cây xà phòng của mẹ ở nhà vậy. Mua mấy hào thì ông lại đặt lên tấm thớt cắt ra từng khúc dày mỏng tùy theo số tiền mình mua, cắt xong ông dùng cây que cắm vào giữa đưa cho trẻ. Chị em mút vừa đến nhà là cũng vừa hết cây càrem.
Có những lúc bố đi hành quân xa không về nhà, tối đến mẹ và bác Rô bên cạnh nhà rủ nhau dẫn tụi nhỏ đi ra bờ sông Biên Hoà bắt con cà cuống, con cà cuống bay nơi cột đèn sáng, mẹ bảo bắt về làm nước mắm cà cuống, mắm cà cuống ngon lắm, ngày đó còn nhỏ đâu cần biết mắm cà cuống ngon làm sao chỉ thích đi vồ cà cuống bay đụng cột đèn rơi bồm bộp xuống đất, bắt đầy bao cho mẹ, rồi chạy nhảy ở công viên bên bờ sông, còn được mẹ mua cho gói đậu phộng rang cả vỏ , ông bán đậu phọng rao "phá xa.. phá xa.." Chẳng hiểu cái gì chỉ biết lúc mẹ mua thì ông lấy miếng giấy vuông cuốn lại hình cái loa kèn, dùng lon sữa bò đong 1 lon đậu phọng rang còn nguyên vỏ đổ vào rồi bẻ lại cho kín một nửa, nửa kia không đạy, thò tay vào bốc ăn. Lũ trẻ ăn no, chơi mệt được mẹ dẫn về nhà ngủ một giấc bình an. Con đâu nào có biết ban ngày mẹ đứng ngồi không yên vì đàn con léo nhéo, ban đêm thấp thỏm không yên giấc, giật mình thắp đèn cày cầu nguyện cho bố và những người anh em quân nhân trong traị được bình an nơi trận địa. Mẹ của em lúc nào cũng gầy guộc.
Mẹ ! Oh Mẹ, tình yêu thương của mẹ Hiền hòa dịu mát và sâu thẳm như cánh đồng hoa oải hương của xứ sở nơi con ở.
KD (còn tiếp)
Comment