NGƯỜI BÁN RONG
Bài hát nghe sao buồn vời vợi, kể về người con xa xứ mơ ngày về làng được mẹ ra đầu ngõ chống gậy run run đón con về, nhưng giấc mơ không là sự thật, khi con về là ngày con tiễn mẹ sang bên kia cuộc đời "khi tôi về, nào ngờ mẹ tôi sang bên kia cuộc đời, không lời từ ly........". Ngày ấy KD cũng không thoát khỏi tâm trạng này khi gia đình D bước ra khỏi sân bay Tân-Sơn-nhất thì được người nhà báo tin bà Nội các cháu vừa mất trưa nay, cách đây khoảng 5 giờ đồng hồ. Đưa tiễn Má về nơi an nghỉ, cả nhà đi về La-Vang. Trong chuyến xe đi từ Đà-Nẵng ra Quảng-Trị bác tài cho nghe bài hát thường ngày nó đã buồn rồi, hôm nay nó lại càng thê lương não lòng hơn gấp bội, trên xe chẳng ai còn muốn nói gì với ai.
Lần đầu tiên ra miền trung , ngồi trong xe, ngó ra ngoài, trời nắng chang chang, trên đường về làng La-Vang, đất có chỗ trắng gần như muối, những cây khoai mì èo uột thấp lè tè, chợt D nhớ tới câu nói của người bạn cùng trường, anh rất hiền, KD rất mến anh "Quảng-Trị mình chẳng có chi, chỉ có khoai mì sắt lát phơi khô".
Trong cái hẻm trước cổng trường có một ngôi nhà thờ nhỏ, tối thứ bảy nào cũng vậy, tụi D đi tập hát trong nhà cha sở, sáng chủ nhật hát lễ. Nhóm ca đoàn nhỏ chỉ vỏn vẹn có anh NG là người chơi Guitar, anh Nh cùng học trong trường mình là người đánh nhịp, tập hát, ca viên gồm Kim-Chi, Kim-Dung, ba chị em cô hàng cà-phê trước cổng trường, hai cậu trai và hai cô gái cũng ở khu vực gần trường, mọi người đều là dân Thủ-Đức chỉ có Chi Dung và anh NG ở xa. Mỗi kỳ nghỉ trở lại trường D thường hay đem "khoai gieo" Đà-Lạt vô làm qùa, K-Chi đem trái cây từ Đồng-Nai, mấy đứa nhỏ đòi qùa xứ anh, anh chỉ cười cười rồi thật thà trả lời : "Quê anh nghèo, đất cày trên sỏi đá, không có chi, chỉ có khoai mì xắt lát hỉ". Ba năm trời, tụi D đi hát lễ với nhau, thân nhau lắm, tối thứ bảy và sáng chủ nhật mỗi tuần anh Ng, K-Chi và D cũng đi từ nhà thờ về trường mà chỉ thấy anh cười cười rất ít được nghe anh nói, lâu lắm mới được nghe chuyện Quảng -trị, anh thật thà kể ở đó đất khô cằn, mùa mưa thì lụt lội, chiến tranh triền miên, dân nghèo. KD bảo: nhưng Quảng-Trị đất có lắm nhân tài, anh bảo: "mô", D chẳng hiểu gì nhưng không hỏi laị. KD lớn lên trong vùng đất phì nhiêu, cây khoai mì có thân to bằng cổ tay người , chúng cao qúa đầu người, khoai 6 tháng khi đào lên củ dài ít nhất 50cm, to= 2 hay 3 lần thân cây. Bây giờ mới thấy tận mắt Quảng-trị thân yêu.
Sau mấy ngày ở Quảng-Trị và Huế, trở lại Đà-Nẵng. Bác tài cho dừng lại ở một trạm, KD hỏi chỗ này là đâu vậy? thì được trả lời Lăng-Cô. Bước xuống xe, người bán hàng rong chạy tới bán kẹo, bánh, vé số... người dân bán hàng rong ở đây hiền lành hơn những nơi khác, trong đám những người bán rong có một cụ già tóc bạc phơ, mệ ẵm cái rổ như cái rổ rửa rau, bên trong xếp đầy những chiếc bánh nhỏ gói tròn bằng một ngón tay và những chiếc bánh dẹp bằng hai ngón tay, rổ bánh còn bốc khói, hình như bánh mới được nấu ra để bà bán giấc chiều, bánh được gói bằng lá chuối, mùi lá chuối non thơm phức quện với mùi hành mỡ ngạt ngào. Bà cụ không theo ai, cứ theo ba cha con. Hai đứa nhỏ chọn một mớ bánh, rồi móc túi đưa cho bà 50VN, bà móc hết túi trong túi ngoài ra thối lại tiền cho chúng rồi còn vội vã bê rổ bánh theo.
Đứng thừ ra KD dõi theo bà, cái dáng dấp bé nhỏ, cái lưng đã gập xuống theo thời gian. Ôi! cái gót chân, sao thương qúa cái gót chân bà, cái gót chân bương trải dọc đường nắng bụi của bà mẹ tảo tần cứ theo D mãi cho đến bây giờ. Đôi chân vòng kiềng bước đi, hai gót chân như muốn đụng vào nhau, cái gót chân nứt nẻ lè ra khỏi chiếc dép mòn vẹt dong duổi theo bà bước trên con đường nhựa cháy bỏng dưới cái nắng hè miền trung, hình như gót chân bà cụ không còn cảm giác, nó đã dày lên để thay chỗ cho đôi dép mủ mòn vẹt, mòn mỏng đến như không còn gì để mòn nữa. Kd mở giầy ra, thử đạp chân xuống đường trải dầu hắc, cái chân giật thót lên vì sức nóng.
Một lát sau bà cụ trở lại chỗ hai thằng nhỏ trả thêm tiền cho chúng mà vẫn chưa đủ , bà lấy thêm mấy cái bánh nữa đưa cho chúng, hai đứa lắc đầu quầy quậy, không lấy tiền mà cũng không lấy bánh, bà nói gì con D chẳng hiểu. Tiếng nói của người dân Q-Trị ngay cả D cũng không hiểu, D phải chạy lại nhờ người phụ xế tới giúp, họ nói với nhau D chỉ nghe đựơc "Cái chọ mẩy rứa" mà cũng chẳng hiểu gì. Anh phụ xế nói với hai thằng nhỏ, nó móc túi đưa tiền cho anh.
Nghe tiếng Bác tài gọi mọi người lên xe, ba cha con đã ngồi vào ghế, bà cụ đứng dưới đất còn cố gắng vươn cổ lên cửa sổ xe van nài. Xe bắt đầu nổ máy, anh phụ xế lanh lẹ ôm trọn rổ bánh của bà cụ và dúi tiền vào tay bà. Cửa xe đóng lại, nhìn ra phía sau thấy một đám những người bán rong xúm quanh bà, bà kéo cửa tay áo lên quệt nước mắt, chắp đôi tay gầy gò khô đét như cây củi cháy lên trời. Xe bắt đầu lăn bánh, người bán hàng rong trên đường nắng cháy bỏng, người ngồi trên xe có máy lạnh mát rười rượi, bằng ấy con mắt ngấn lệ nhìn nhau, xe chạy với tộc độ mau hơn, hình dáng bà cụ đã khuất.
Anh phụ xế ôm rổ bánh lại cho hai đứa nhỏ, KD hỏi "con mua bao nhiêu vậy?" hai đứa không trả lời, anh phụ xế bảo "Chúng mua 50Úc kim", chưa ai lên tiếng chúng đã lên tiếng liền "Phải mua bằng đó mới công bằng, mua ở Úc bằng đó bánh con phải trả 50 đồng con muốn công bằng".
Qua khỏi đầm Lăng-Cô (làng An-Cư) leo lên đèo Hải-Vân: trên đây rêu đã phủ mất lối đi của Huyền-Trân công chúa từ muà thu 1306.
Chiều chiều gío thổi Hải Vân
Chim kêu gềnh đá gẫm thân em buồn!!!
Chim kêu gềnh đá gẫm thân em buồn!!!
Đi trên đèo HảiVân chợt nhớ chị bạn Mai Thu vóc người nhỏ thó, ở ktx phòng bên cạnh, trong lớp chị là người học giỏi những môn toán, lý hoá, chơi đàn Mandolin, ngoài giờ lên lớp MaiThu ít đi đâu chỉ loanh quanh trong ktx nhờ vậy KD hay có dịp nói chuyện với MT, có lần MT kể D nghe khi miền trung gặp mưa bão, từ QuảngTri vô Đà Nẵng đường đi không được, bão thổi bay cả mấy chiếc ghe lên đường, KD không tin nổi vì không hình dung ra được . Bây giờ đi trên đèo Hải Vân nhìn xuống biển KD tin rồi Mai Thu ơi. Từ ngày rời trường D chưa lần nào gặp lại chị MaiThu nhưng hình chị vẫn luôn trong đầu KD nhất là mỗi khi nghe tin miền trung bị bão.
Bác tài ghé xuống ngay đèo, dấu tích một cái bệ đá xây trên đèo không còn nguyên vẹn, đây là bệ đặt khẩu thần công của VN bắn ra biển khi tàu Pháp tới VN . Hai đứa nhỏ theo ba say sưa nghe chuyện lịch sử nước Việt-Nam.
Đi qua Nam-Ô (miền nam châu Ô) đến Đà-Nẵng. Thành phố Đ-N được xây dựng ngay trên cửa sông Hàn (cửa Hàn) và cũng là một châu ở ranh giới nước VN và nước Chiêm Thành ngày xưa, nên còn được gọi là Châu Ranh. Người dân ở đây có câu ca:
Đứng bên Hàng ngó qua Hà Thân xanh như tàu lá,
Đứng bên Hà Thân ngó qua Hàng phố xá nghênh ngang.
Kể từ ngày độc lập giang San:
Đào sông Cù Nhĩ đắp đàng Bồng Miêu,
Dặn lòng em bậu chớ xiêu:
Gắng nuôi thày với mẹ sớm chiều đã có anh!!!
Đứng bên Hà Thân ngó qua Hàng phố xá nghênh ngang.
Kể từ ngày độc lập giang San:
Đào sông Cù Nhĩ đắp đàng Bồng Miêu,
Dặn lòng em bậu chớ xiêu:
Gắng nuôi thày với mẹ sớm chiều đã có anh!!!
Thân ái
KimDung
Comment