Announcement

Collapse
No announcement yet.

NGƯỜI BÁN RONG

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • NGƯỜI BÁN RONG



    NGƯỜI BÁN RONG



    Bài hát nghe sao buồn vời vợi, kể về người con xa xứ mơ ngày về làng được mẹ ra đầu ngõ chống gậy run run đón con về, nhưng giấc mơ không là sự thật, khi con về là ngày con tiễn mẹ sang bên kia cuộc đời "khi tôi về, nào ngờ mẹ tôi sang bên kia cuộc đời, không lời từ ly........". Ngày ấy KD cũng không thoát khỏi tâm trạng này khi gia đình D bước ra khỏi sân bay Tân-Sơn-nhất thì được người nhà báo tin bà Nội các cháu vừa mất trưa nay, cách đây khoảng 5 giờ đồng hồ. Đưa tiễn Má về nơi an nghỉ, cả nhà đi về La-Vang. Trong chuyến xe đi từ Đà-Nẵng ra Quảng-Trị bác tài cho nghe bài hát thường ngày nó đã buồn rồi, hôm nay nó lại càng thê lương não lòng hơn gấp bội, trên xe chẳng ai còn muốn nói gì với ai.

    Lần đầu tiên ra miền trung , ngồi trong xe, ngó ra ngoài, trời nắng chang chang, trên đường về làng La-Vang, đất có chỗ trắng gần như muối, những cây khoai mì èo uột thấp lè tè, chợt D nhớ tới câu nói của người bạn cùng trường, anh rất hiền, KD rất mến anh "Quảng-Trị mình chẳng có chi, chỉ có khoai mì sắt lát phơi khô".

    Trong cái hẻm trước cổng trường có một ngôi nhà thờ nhỏ, tối thứ bảy nào cũng vậy, tụi D đi tập hát trong nhà cha sở, sáng chủ nhật hát lễ. Nhóm ca đoàn nhỏ chỉ vỏn vẹn có anh NG là người chơi Guitar, anh Nh cùng học trong trường mình là người đánh nhịp, tập hát, ca viên gồm Kim-Chi, Kim-Dung, ba chị em cô hàng cà-phê trước cổng trường, hai cậu trai và hai cô gái cũng ở khu vực gần trường, mọi người đều là dân Thủ-Đức chỉ có Chi Dung và anh NG ở xa. Mỗi kỳ nghỉ trở lại trường D thường hay đem "khoai gieo" Đà-Lạt vô làm qùa, K-Chi đem trái cây từ Đồng-Nai, mấy đứa nhỏ đòi qùa xứ anh, anh chỉ cười cười rồi thật thà trả lời : "Quê anh nghèo, đất cày trên sỏi đá, không có chi, chỉ có khoai mì xắt lát hỉ". Ba năm trời, tụi D đi hát lễ với nhau, thân nhau lắm, tối thứ bảy và sáng chủ nhật mỗi tuần anh Ng, K-Chi và D cũng đi từ nhà thờ về trường mà chỉ thấy anh cười cười rất ít được nghe anh nói, lâu lắm mới được nghe chuyện Quảng -trị, anh thật thà kể ở đó đất khô cằn, mùa mưa thì lụt lội, chiến tranh triền miên, dân nghèo. KD bảo: nhưng Quảng-Trị đất có lắm nhân tài, anh bảo: "mô", D chẳng hiểu gì nhưng không hỏi laị. KD lớn lên trong vùng đất phì nhiêu, cây khoai mì có thân to bằng cổ tay người , chúng cao qúa đầu người, khoai 6 tháng khi đào lên củ dài ít nhất 50cm, to= 2 hay 3 lần thân cây. Bây giờ mới thấy tận mắt Quảng-trị thân yêu.

    Sau mấy ngày ở Quảng-Trị và Huế, trở lại Đà-Nẵng. Bác tài cho dừng lại ở một trạm, KD hỏi chỗ này là đâu vậy? thì được trả lời Lăng-Cô. Bước xuống xe, người bán hàng rong chạy tới bán kẹo, bánh, vé số... người dân bán hàng rong ở đây hiền lành hơn những nơi khác, trong đám những người bán rong có một cụ già tóc bạc phơ, mệ ẵm cái rổ như cái rổ rửa rau, bên trong xếp đầy những chiếc bánh nhỏ gói tròn bằng một ngón tay và những chiếc bánh dẹp bằng hai ngón tay, rổ bánh còn bốc khói, hình như bánh mới được nấu ra để bà bán giấc chiều, bánh được gói bằng lá chuối, mùi lá chuối non thơm phức quện với mùi hành mỡ ngạt ngào. Bà cụ không theo ai, cứ theo ba cha con. Hai đứa nhỏ chọn một mớ bánh, rồi móc túi đưa cho bà 50VN, bà móc hết túi trong túi ngoài ra thối lại tiền cho chúng rồi còn vội vã bê rổ bánh theo.

    Đứng thừ ra KD dõi theo bà, cái dáng dấp bé nhỏ, cái lưng đã gập xuống theo thời gian. Ôi! cái gót chân, sao thương qúa cái gót chân bà, cái gót chân bương trải dọc đường nắng bụi của bà mẹ tảo tần cứ theo D mãi cho đến bây giờ. Đôi chân vòng kiềng bước đi, hai gót chân như muốn đụng vào nhau, cái gót chân nứt nẻ lè ra khỏi chiếc dép mòn vẹt dong duổi theo bà bước trên con đường nhựa cháy bỏng dưới cái nắng hè miền trung, hình như gót chân bà cụ không còn cảm giác, nó đã dày lên để thay chỗ cho đôi dép mủ mòn vẹt, mòn mỏng đến như không còn gì để mòn nữa. Kd mở giầy ra, thử đạp chân xuống đường trải dầu hắc, cái chân giật thót lên vì sức nóng.

    Một lát sau bà cụ trở lại chỗ hai thằng nhỏ trả thêm tiền cho chúng mà vẫn chưa đủ , bà lấy thêm mấy cái bánh nữa đưa cho chúng, hai đứa lắc đầu quầy quậy, không lấy tiền mà cũng không lấy bánh, bà nói gì con D chẳng hiểu. Tiếng nói của người dân Q-Trị ngay cả D cũng không hiểu, D phải chạy lại nhờ người phụ xế tới giúp, họ nói với nhau D chỉ nghe đựơc "Cái chọ mẩy rứa" mà cũng chẳng hiểu gì. Anh phụ xế nói với hai thằng nhỏ, nó móc túi đưa tiền cho anh.

    Nghe tiếng Bác tài gọi mọi người lên xe, ba cha con đã ngồi vào ghế, bà cụ đứng dưới đất còn cố gắng vươn cổ lên cửa sổ xe van nài. Xe bắt đầu nổ máy, anh phụ xế lanh lẹ ôm trọn rổ bánh của bà cụ và dúi tiền vào tay bà. Cửa xe đóng lại, nhìn ra phía sau thấy một đám những người bán rong xúm quanh bà, bà kéo cửa tay áo lên quệt nước mắt, chắp đôi tay gầy gò khô đét như cây củi cháy lên trời. Xe bắt đầu lăn bánh, người bán hàng rong trên đường nắng cháy bỏng, người ngồi trên xe có máy lạnh mát rười rượi, bằng ấy con mắt ngấn lệ nhìn nhau, xe chạy với tộc độ mau hơn, hình dáng bà cụ đã khuất.

    Anh phụ xế ôm rổ bánh lại cho hai đứa nhỏ, KD hỏi "con mua bao nhiêu vậy?" hai đứa không trả lời, anh phụ xế bảo "Chúng mua 50Úc kim", chưa ai lên tiếng chúng đã lên tiếng liền "Phải mua bằng đó mới công bằng, mua ở Úc bằng đó bánh con phải trả 50 đồng con muốn công bằng".

    Qua khỏi đầm Lăng-Cô (làng An-Cư) leo lên đèo Hải-Vân: trên đây rêu đã phủ mất lối đi của Huyền-Trân công chúa từ muà thu 1306.

    Chiều chiều gío thổi Hải Vân

    Chim kêu gềnh đá gẫm thân em buồn!!!




    Đi trên đèo HảiVân chợt nhớ chị bạn Mai Thu vóc người nhỏ thó, ở ktx phòng bên cạnh, trong lớp chị là người học giỏi những môn toán, lý hoá, chơi đàn Mandolin, ngoài giờ lên lớp MaiThu ít đi đâu chỉ loanh quanh trong ktx nhờ vậy KD hay có dịp nói chuyện với MT, có lần MT kể D nghe khi miền trung gặp mưa bão, từ QuảngTri vô Đà Nẵng đường đi không được, bão thổi bay cả mấy chiếc ghe lên đường, KD không tin nổi vì không hình dung ra được . Bây giờ đi trên đèo Hải Vân nhìn xuống biển KD tin rồi Mai Thu ơi. Từ ngày rời trường D chưa lần nào gặp lại chị MaiThu nhưng hình chị vẫn luôn trong đầu KD nhất là mỗi khi nghe tin miền trung bị bão.

    Bác tài ghé xuống ngay đèo, dấu tích một cái bệ đá xây trên đèo không còn nguyên vẹn, đây là bệ đặt khẩu thần công của VN bắn ra biển khi tàu Pháp tới VN . Hai đứa nhỏ theo ba say sưa nghe chuyện lịch sử nước Việt-Nam.

    Đi qua Nam-Ô (miền nam châu Ô) đến Đà-Nẵng. Thành phố Đ-N được xây dựng ngay trên cửa sông Hàn (cửa Hàn) và cũng là một châu ở ranh giới nước VN và nước Chiêm Thành ngày xưa, nên còn được gọi là Châu Ranh. Người dân ở đây có câu ca:

    Đứng bên Hàng ngó qua Hà Thân xanh như tàu lá,

    Đứng bên Hà Thân ngó qua Hàng phố xá nghênh ngang.

    Kể từ ngày độc lập giang San:

    Đào sông Cù Nhĩ đắp đàng Bồng Miêu,

    Dặn lòng em bậu chớ xiêu:

    Gắng nuôi thày với mẹ sớm chiều đã có anh!!!


    Thân ái

    KimDung

  • #2
    Các bạn mến.

    Hôm nay KD thấy ấm lòng vì được Ly cho biết cảm nghĩ của Ly khi đọc chuyện "người bán rong". Chị Dung mến, đọc xong "người bán rong" hình ảnh bà cụ trong câu chuyện làm Ly xúc động và cảm phục những người dân quê chân chất, chân lấm tay bùn mà vẫn giữ được lòng tự trọng. Họ tuy nghèo những vẫn cố gắng kiếm tiền nuôi sống bản thân trong khả năng của họ, họ cũng không vì nghèo mà tham lam những đồng tiền của người khác.



    Cũng như ở tại đất Úc này, có lúc em lái xe trên đường, gặp đèn đỏ ở những chỗ ngã tư lớn, xe phải ngừng lâu, có người chạy lại xin lau kính xe, hay bán hoa, mình cũng phải tôn trọng họ, họ xin việc làm hoặc bán hoa để kiếm tiền chứ không xin tiền, mình trả công bao nhiêu là tùy ở tấm lòng của mình, họ vui vì tiền do công khó họ làm ra. Dân Úc không sợ người làm bất cứ công việc gì dù sang hay hèn, lương nhiều hay ít nhưng rất sợ người nói dối, nói dối lớn hay nhỏ, nhiều hay ít thì cũng làm thiệt hại đến người khác không nhiều thì ít.

    Âu cũng là triết lý sống của con người. Danh ngôn có câu:



    " Trên đường đời, chúng ta có thể đánh mất nhiều thứ, nhưng nhất thiết đừng đánh rơi lòng tự trọng của mình"





    "Đôi khi, đôi bàn tay lem luốc nhất lại tạo ra những đồng tiền sạch sẽ nhất"



    Cha ông mình ngày xưa cũng đã dạy con cháu qua những câu ca dao

    " Đói cho sạch, rách cho thơm" hay "giấy rách phải giữ lấy lề"



    Chị có nghĩ như em không? dù ở bất cứ tuổi nào em vẫn cần sống theo vậy.

    KD Cám ơn Ly một bạn đọc thương mến đã nhắc về cách sống lành mạnh làm cho con người an tâm, tự tin , yêu đời, yêu người , yêu cuộc sống, để làm thế giới đẹp thêm lên. Trong lúc này KD viết tới đây lại chợt nhớ đến cuộc thảm sát đẫm máu, hàng chục người chết, hàng trăm người bi thương mới hôm qua đây ngày 02/10/2017 trong buổi hoà nhạc "mùa gặt hái" taị Las Vegas. KD chỉ biết Cầu mong cho mọi người biết yêu nhau hơn.

    Thân ái

    KimDung

    Comment


    • #3


      ( Photo from 2SaiGon.vn)


      Tiếng rao "buồn".



      Trên làng quê D thuở ấy , cái thuở được người ta gọi là thời bao cấp ( khoảng những năm 1976 cho đến 1989, sau đó KD không còn ở VN), cái thuở người dân cao nguyên sống cơ cực bữa no bữa đói, vì quê D không có những bình nguyên bạt ngàn thóc lúa, ngoài trà và cà-phê, nông sản chỉ có bắp, khoai, sắn (củ mì).

      Ngày nào cũng vậy, vào lúc trời đổ nắng vàng trùm lên cả vùng Bảo-Lộc, trên đường quê văng vẳng tiếng rao trong veo như giọt nước mong manh, vỡ nhanh không ngân nga:

      "ai. mua hẹ không."

      "ai. ăn bánh đa không." .

      Nghe khác hẳn với những tiếng rao từng trải như tiếng rao của chị bán sôi mỗi sáng, chị chỉ thét lên hai tiếng gọn lỏn

      "ái......Sôi"

      hay lời rao hàng của bác hàn nồi rất khó quên, nó vừa buồn buồn (vì giọng bác đã khàn theo thời gian), lại vui vui, tức là buồn cười cái lời rao dài một hơi không thở:

      "Hàn nồi hàn niêu, hàn cả tình yêu, hàn cả cuộc đời.

      Hàn niêu hàn nồi, hàn cả con người, hàn cả trái tim".

      Hai đứa nhỏ chạc 7 tuổi học cùng lớp, chúng cùng trong một hoàn cảnh phụ mẹ kiếm cơm nuôi em. Sau khi tan học buổi sáng, trưa đến chúng rủ nhau cùng đi bán rong khắp nẻo đường quê cho có bạn. Tiếng rao có lúc đứt một quãng xa rồi mới thánh thót gọi lại , đó là những lúc hai đứa trẻ mải xem những đứa khác nhảy dây, chơi nụ, phải có người lớn nhắc chúng đi bán tiếp.

      Tiếng rao cất lên ngọt nhẹ như còn vương mùi kẹo sữa, mùi bánh mật đã quyến rũ trái tim nhân ái của những người dân quê chân chất, thường thì họ đợi mua hàng của hai cô bé, mua bánh đa làm qùa vặt cho con cái trong nhà, và đợi mua những bó rau, bó hẹ, thay đổi tùy ngày cho bữa cơm chiều.

      Hai đứa, dù cho một đứa bán hết hàng chúng vẫn đi cùng nhau cho có bạn, cho đỡ sợ bị bắt nạt, chúng đi cùng nhau cho đến khi đứa kia cũng bán sạch hàng. Có một lần hai đứa dẫn nhau tới cổng nhà KD, con bé đội xọt bánh đa (bánh tráng nướng) to như cái dù che trên đầu vừa đi vừa khóc, con bé kia xách cái gỉo đệm đã hết hàng cũng đang xụt xịt, vừa gặp mẹ D, con bé bánh đa khóc nức nở thêm không nói được lời nào, con bé bán hẹ lấy tay quẹt nước mắt, đôi mắt nó mở tròn đỏ hoe còn long lanh nước, sáng trong ngây ngô như đôi mắt thỏ, nó méc " bà ơi anh T gọi bạn anh mỗi đứa lấy 1 cái bánh đa của Q ăn rồi không trả tiền". Mẹ hỏi "chúng nó lấy của con mấy cái" "dạ 3 cái" "thôi nín đi, con còn 2 cái nữa bà mua hết rồi bà trả tiền cho con 5 cái, Anh T nó về đây bà đánh cho nó một trận". Đỡ cái sọt xuống, cái sọt nhẹ hều nhưng sao lòng KD nó nặng chĩu, trà tiền xong mẹ bảo D dắt hai đứa nhỏ ra bờ giếng múc nước rửa mặt, uống nước, cho mỗi đứa một trái chuối chín, nói chúng ngồi nghỉ ăn hết chuối rồi về. Hai đứa nhỏ còn sụt sịt ngồi sát bên nhau như để nương tựa vào nhau, lúc ra về mẹ hái cho mỗi đứa mấy trái roi (trái mận gọi theo người nam) đem về cho em ở nhà. Hai đứa ra khỏi nhà mẹ thở dài "tội nghiệp hai đứa nhỏ, bươi trải ngoài đời trong khi hơi thở còn qúa non nớt chưa dứt mùi sữa". Rồi mẹ bảo thằng em lớn đi tìm lôi cổ thằng "Bờm" về ngay.

      Chiều hôm ấy xóm D có một vụ xử án. Khi lôi được thằng "Bờm" về thì cũng là lúc người lớn được nghỉ ngơi sau một ngày lao động ngoài đồng. Cứ theo thói thường thì sau giờ cơm chiều mấy ông gìa hay tụ tập tại sân nhà D nói chuyện. Hôm nay mẹ D đem câu chuyện hồi trưa ra kể lại, mấy ông cho gọi hết cả bọn con trai lau chau trong xóm ra tra tội.

      Ông Cả hỏi

      _ sao mấy đứa mầy lại lấy bánh của con người ta ăn mà không trả tiền?

      Cả lũ nhao nhao: Tụi cháu đang chơi đánh cù khi nghe tiếng rao từ xa, thằng "Bờm" nó hỏi "tụi mày có thích ăn bánh đa không? chúng cháu bảo có.

      Bố hỏi :

      _ Một đứa nói thôi, "Bờm" tại sao lại lấy bánh của con người ta ăn mà không trả tiền?

      _ Con đâu có lấy của nó đâu, chúng con đang chơi nó đi đến chỗ chúng con đang chơi nó hỏi: "ai...ăn bánh đa không?" con bảo "có", nó đứng lại bảo con lấy, con gọi mấy đứa kia tới lấy bánh ăn.

      _ Lấy ăn rồi không trả tiền người ta, nằm xuống, mỗi đứa một roi mây.

      Thằng "Bờm" còn cố gắng phân trần

      _ Nó hỏi ăn thì con mới ăn chứ. Con kia nó hỏi ai mua hẹ không? con đâu có mua.

      Năm thằng "ranh con" nằm dài trên sân, mỗi đứa được một vút, bưng mông đít mếu máo bò lên choạng voạng, mấy thằng lớn hơn đứng ngoài cười khúc khích rồi thằng cu Lượng còn nhái theo, nó đi khệnh khoạng hai tay bưng đít cười mếu máo rên lên:

      _ Bánh đa! ối! bánh đa ròn ròn, vừa đau lại vừa rát.

      Trong lòng tức tối, thằng "Bờm" la lên

      _ anh Lượng, aLượng súi con, hôm qua aL bảo nó hỏi như thế là nó cho, con kia nó hỏi ai mua là nó bán, chúng mày không có tiền thì đừng mua.

      Ông T vô tình đứng bên thằng con, ông túm ngay được thằng con ông day day nó và ông bảo:

      _ "không có lửa thì làm sao có khói" nằm xuống, thằng đầu nêu, này nhá thằng làm tội thì 1 roi, thằng chủ mưu gây tội thì 2 roi nhớ chưa?

      Mấy thằng con trai nhầng nhầng ngỗ nghịch trong xóm hôm đó bị một trận đòn tập thể vì cái tội đồng loã. Và còn phải ngồi thinh lặng gần cả giờ đồng hồ nghe người lớn gỉảng dạy về tác hại của cái tội nghịch dại, tuy vô tình nhưng lại làm tổn thương người khác nặng nề. Hôm đó bọn con trai ngoài cái mông rát còn bị lũ con gái lén lút cười thầm (không dám cười to vì sợ chúng đấm cho và người lớn đánh cho vì tội cười người) KD nhìn lũ trẻ con nghịch dại mà thấy tội nghiệp.


      Comment


      • #4
        Tiếng rao kinh hoàng.



        Sau năm 1975 không hiểu mấy qúan nhậu nổi tiếng 'Nai đồng quê' 'NL mộc tồn' 'Cờ Tây' ở Bảo-Lộc di tản về phương nào, nhưng để bù lại cái thôn nhỏ bé của KD lại có ông Năm Xồm, không biết ông di tản từ đâu về cư ngụ tại dong đầu khu tư. Đường xá trong thôn KD có hình mạng nhện nên mỗi đầu dong là một ngã tư nơi người ta qua lại nhiều. Nhà ông rất dễ tìm.

        Ông Năm Xồm có sắc mặt đỏ au, tiếng nói ồm ồm rất to, ông làm nghề bán thịt chó, trong làng ai muốn bán chó thì cứ đến gọi ông, ông bắt chó rất tài, chỉ trong vài phút là con chó nằm gọn lỏn trong cái lồng sau chiếc xe đạp của ông.

        Ông Năm không bán thường xuyên, hôm nào có thịt bán thì cả làng như ồn ào hẳn lên, một cái gùi cột tại yên sau, ông đạp xe đi cùng làng. Mỗi khi ông cất tiếng rao "thịt cầy...... lòng cầy.......thịt cầy lòng cầy ..... đây" ở góc đường nào thì chỉ cái chất giọng ồm ồm oang oang của ông đã nghe như khua phèng rồi mà còn được đệm thêm cả một dàn đồng ca của bày chó trong xóm phụ họa, chúng đua nhau đứa thì sủa "goáp...goáp." đứa tru lên "hư...hử" đứa thì rên "ứ..ư..ứ...ư", ngay cả cô chó bé xíu nhà KD cũng ré lên "éé...éé....". Lũ chó chỉ đứng trong cổng mà rao phụ, không đứa nào dám chạy ra khỏi ngõ, chúng sợ ông như lũ trẻ con sợ ông vậy.

        Có những lần đi từ đầu dãy đến cuối dãy chưa có người gọi mua mà đi tới đâu lũ chó cứ họa theo, ông sốt ruột bực mình gắt lên đổi kiểu rao:

        " Cờ....Tây......Cầy tơ... ĐM...... chúng mày có câm không.......ông cho vào nồi hết bây giờ...ĐM.. thịt cầy lòng cầy ...đây"

        Vậy mà lũ chó im bặt một lúc chờ ông đi qua. Khi có người gọi mua, ông ngừng xe lại để dắt xe vô ngõ thì mọi con chó cũng im như tờ. Khi ông đi khỏi chúng mới chạy ra đường nhìn theo và kêu cho tới khi ông khuất dạng sang đường khác..

        Những ngày không bán thịt, ông đạp xe đi ngoài đường thì cũng bị chó sủa nhưng không hừng hực như những lúc ông rao 'cờ tây..' Ông Năm xồm đi tới xóm nào thì cả xóm đều biết.

        Ngay từ khi còn ở VN, trong nhà KD không ai thích thịt chó vì từ lúc nhỏ được đọc chuyện , xem phim cậu TinTin có con chó MiLu lông xù thật dễ thương, nó biết làm đủ mọi trò như: Gãi lưng, gãi nách cho TinTin. Cái tên ông bán thịt chó quê D được ngưởi ta gọi là "Năm Xồm" chắc vì tóc ông xồm xoà, bẩn bẩn, nóng tính gần như ông thuyền trưởng tóc xù, hay dọa con chó Milu của TinTin. con chó MiLu cũng ghét ông tóc xù.

        Ngày KD về thăm quê, ghé thăm ông Năm Xồm, lúc này ông đã gần trăm tuổi, sắc mặt ông hết đỏ mà xạm lại, ông đi lại trong nhà chậm chạp , tiếng nói không còn mạnh như tiếng gõ phèng khi xưa, chỉ có mái tóc xù bẩn bẩn của ông nay vẫn xù mà lại trắng bong như cụm mây nhìn thật đẹp, ông vẫn nhớ mấy chị em D vì ngày xưa chưa từng phá để bị ông bẹo bao giờ.

        Các bạn mến, Quê D có những tiếng rao kỳ quặc nhớ hoài mà bây giờ không thể tìm ra được trên đường quê nữa, dù con đường đó vẫn là đường quê D.

        Thân ái

        KimDung

        Comment


        • #5
          Hôm nay KD đọc chuyện cũ. Trong chuyện Bắt trộm Ăn trộm của Toàn Ánh, đọc đến chuyện ông rao hàng này mà cười không nín được. Chuyện là như thế này:

          Anh bán thịt rao:

          _ Ai thịt chó không?

          Phía sau có người trong nhà gọi vọng ra

          _ Chó, chó lại đây.

          Anh bán rong hỏi lại:

          _ Ai chó đấy???

          :cuoilan::cuoilan::cuoilan:

          KD đem câu chuyện kể cho cô bạn nghe, KD lại được cô bạn kể cho câu chuyện mới

          Cô bảo hồi đầu năm nay mời bạn bè đến dự buổi tân niên, năm nay là năm chó nên cô trổ tài nấu món gỉa cầy mời thực khách, trong buổi tiệc cô muốn được nghe ý kiến về cái món cô mới học được. cô hỏi:

          _ Mọi người thưởng thức món 2018 do tay em nấu, thấy sao ạ?

          vừa dứt lời có ông bạn đứng lên, mắt trợn tròn nhìn cô:

          _ Cô? Giỏi. Ăn như chó.

          Cả nhà cười ồ . anh bạn vội giải thích: "tôi nói như vậy có nghĩa là chính cô nấu món này sao? nấu giỏi, ăn giống như thịt chó thật. Mọi người đừng xuyên tạc mất vui :thank3:" :cuoilan:

          Thân ái

          KimDung

          Comment

          Working...
          X