Sống xa quê hương, có những lúc gặp được vài đồng hương thì ai ai cũng muốn thả hồn tìm về quê cũ. Nhóm người đồng hương cùng trong tuổi Hạc, với ly trà Úc gốc Việt, giống trà B-Lao chính hiệu con Nai vàng ngơ ngác, lại thêm vài dĩa bánh tự tay các chị làm ra, cũng nhiều phen rôm rả ngả nghiêng về những mẩu chuyện thời thơ ấu sống trong cái xứ cái làng nhỏ bé hiền hoà nơi mình ở xưa kia. Lần nào cũng thế, những câu chuyện được nghe đi nghe lại mà vẫn tranh nhau kể say sưa về những mảnh đời thơ bé rong chơi trên đường quê. Chuyện nào cũng được moị người hưởng ứng như mới được nghe lần đầu.
Mỗi vùng miền quê hương ấy, lại có một vài loại cây trái riêng cho trẻ thơ ở nơi đó mà khi đi xa vẫn cứ mang canh cánh trong lòng. Để rồi những lúc nhàn rỗi lại nhớ quê nhớ cội vô vàn.
Thượng Đế nuông chiều trẻ thơ lắm, cứ mỗi mùa xuân vê Ngài cho cây cối đâm chồi nẩy lộc rồi đơm hoa kết trái. Chờ đến mùa hè là mùa nghỉ của trẻ con cũng là mùa thu trái. Trẻ con tha hồ rủ nhau rong chơi trong những cánh rừng đầy trái cây rừng mọc hoang. Lũ trẻ thường hay bắt chước những con chim rừng, trái dại nào chim rừng ăn được là mình cũng ăn được. Trái gì không ăn được thì cũng chẳng được tha, lại hái làm trò chơi. Là dân Bờ-Lao thì không thể nào quên được trái Sim .
TRÁI SIM
Cứ vào hè, người dân Tộc hái ra từng gùi, từng gùi trái Sim ra bán. Vào đầu tháng tám dương lịch sim đã bắt đầu chín nhưng rộ nhất là tháng hè.
Những trái sim tim tím, trái càng chín kỹ màu càng tím sậm, trên mặt có năm cánh nhỏ xòe ra, năm tai khô xòe đều nhau trong có vành và có nhụy, nhìn giống như bông mai màu tím than, bên dưới phình ra, bầu bầu xinh xinh, trái sim nho nhỏ chỉ bằng một đốt ngón tay, có một lớp lông măng như bụi sương bao phủ làm trái sim có một màu tím lạ lắm, cứ tim tím ảo ảo trong sương mù. Rờ tay vào những trái sim gây cho ta cái cảm giác mềm mại êm ái mát cả lòng bàn tay, khiến người lớn, trẻ con ai cũng phải móc túi ra mua mà mua không ít, nhà nào gặp được là cũng mua hàng rổ.
Cứ tới mùa sim, trẻ con thường rình hễ gặp người dân -tộc gùi một gùi sim ra là dẫn về đến tận nhà. Cả xóm đánh mùi vội kéo nhau đến để chia nhau những gùi sim tím đó. Nhớ những gùi sim tím lại nhớ đến cái xóm tình người ấy , gùi sim được chia cho những người có mặt ở đó nhưng sau khi người bán sim đi khuất thì những trái sim cũng được chia phần nào cho những đứa trẻ trong xóm, và chia vài lon cho người lớn đi vắng không kịp mua. Thế là lần nào cũng vậy, cả xóm đều được ăn sim.
Trái sim bày trẻ được ăn thì thích lắm. dùng ngón tay tr̉ỏ và ngón cái túm một cánh rồi lột măm cánh mai ra, bên trong lộ ra những hạt li ti đen lộn trong lớp thịt sền sệt màu tím hồng, đặt lên miệng mút "chụt" một cái là nó tuột vô miệng thấy ngòn ngọt, nuốt cái "ực" rồi dục bỏ cái vỏ nhung mềm dai dai chát chát đó đi. Ăn xong một lon sim là miệng đứa nào cũng xanh lè, đen nhẻm cả răng lẫn lưỡi. Ở cái tuổi ham ăn, ăn cái gì cũng ngon, ăn liên tục hết trái này đến trái kia, ăn không biết chán, có đứa ăn nhiều qúa sinh ra táo bón mà vẫn mong Sim như mong mẹ về chợ, Nó là món qùa rừng một năm mới có một lần được ăn.
Lớn lên một chút khi đã vào thời trung học, tụi D tò mò muốn biết tận mắt cây sim nên cả nhóm rủ nhau theo mấy người dân tộc vô rừng khi mùa hoa sim nở.
Ở sâu trong những vùng người dân-tộc sống. Cánh rừng cao-nguyên Bảo-Lộc cây sim mọc hoang rất nhiều, cây cao chừng từ 1m đến 1.50m, có nhiều cành, mọc thành bụi, có lá đơn nhẵn và dày, mọc đối nhau hình bầu dục, lá có phiến nhiều đường gân, ở mặt dưới lá có lông tơ trắng, khi lá còn là búp chưa nở ra chỉ nhìn thấy lông trắng như bạch mao.
Tới muà nở hoa, hoa sim làm tím cả vùng trời. Sim mọc hoang dày kín theo sườn đồi, vài cây lưa thưa trên đỉnh đồi, nối tiếp hết đồi nọ sang đồi kia. Mùa Hoa nở, những cánh hoa mỏng manh tím mềm như lụa phủ khắp triền đồi, đồi sim đẹp đến ngỡ ngàng, ngẩn ngơ đã là miềm cảm hứng cho nhiều thi sĩ, nhạc sĩ.
Cây sim bắt đầu trổ hoa và cho trái chín kéo dài từ tháng 5 đến tháng 9 . Khi đã lớn, ăn trái sim chỉ thấy trái sim có vị ngọt chát, mùi thơm thơm. Không biết trái sim có thành phần dinh dưỡng ra sao? có bổ béo gì không? mà sao người Bảo-Lộc vẫn thích ăn trái sim, vẫn mong tới mùa sim . Phải chăng mỗi mùa hoa Sim tím nở được ts, ns dẫn chúng vào vùng thi ca, để rồi chúng đi vào tâm hồn mình, tâm hồn của từng người sống trong vùng Sim tím, tâm hồn của nhiều người VN qua những câu chuyện tình buồn, nhớ:
Màu tím hoa Sim bài thơ bất tử của thi sĩ Nguyễn Hữu Loan.
Chuyện hoa Sim của ns Anh Bằng
Màu tím hoa Sim của ns Duy Khánh
Những đồi hoa Sim của ns Dzũng Chinh
Thân ái
KimDung
Comment