Announcement

Collapse
No announcement yet.

CHỦ NHÀ TỰ GIỚI THIỆU

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • CHỦ NHÀ TỰ GIỚI THIỆU

    Tôi ra đời vào tháng 6 năm 1954, thời kỳ chiến tranh ác liệt. Lúc này, cả hai bên đã chịu ngồi vào bàn hòa đàm Geneve (Thụy Sĩ) nhưng đang trông đợi vào một chiến thắng quân sự, tạo thế mạnh trên bàn đàm phán, ảnh hưởng đến hiệp định được ký kết sau này (tháng 7/1954).

    Lúc ấy ba tôi là lính đóng tiền đồn. Lần về thăm nhà gần nhất ông dặn mẹ tôi: “Nếu là con trai, đặt tên Nguyễn Văn Hoàng…”. Mẹ tôi ghi nhớ, “Con trai tên Nguyễn Văn Hoàng…”




    Đà Lạt, 2004


    Khi chuyển dạ, mẹ đến nhà thương lớn gần chợ Vĩnh Long để sinh tôi (Nhà thương lớn bây giờ đã giải tỏa làm siêu thị). Ngặc nỗi khu hộ sinh nằm ngay ngã tư, sát đường Trưng Nữ Vương, và ngay sau khu hộ sinh là quân y viện. Mỗi lần nghe tiếng còi xe tải thương binh về là mẹ lại nhóm dậy, lê bước ra hàng rào nhìn sang quân y viện. Mẹ sợ đến nỗi… không sinh được! Tôi ra đời muộn khoảng một tuần nên lúc mới sinh tóc đã dài chấm mắt và trên người có lớp lông.

    Thời ấy chưa có bút dầu khó phai để ghi, cũng chưa có vòng đeo tay cho mẹ và cho trẻ, mà trẻ cũng chưa có tên để gọi, để tiện việc chăm sóc các cô y tá phải áp dụng cách thấy mặt, mũi, tay, chân mà đặt biệt danh. Các cô sẽ gọi: “Con bé mặt tròn”, “thằng bé tóc quăn”, có lẽ tôi mang biệt danh “thằng bé lông”.

    Mẹ nhớ, sau khi tôi lọt lòng, mẹ có dặn cô y tá: “Cô ghi tên cho cháu là Nguyễn Văn Hoàng.” Cô y tá đáp: “Rồi. Con trai chị tên Nguyễn Văn Hoàng.”

    Mấy hôm sau, khi nhân viên hộ tịch đến bệnh viện lập khai sinh cho chúng tôi, có lẽ lúc đó cô y tá phụ trách chăm sóc tôi đang bận sắp xếp dụng cụ.

    Nhân viên hộ tịch:

    - Thế hai đứa nằm góc này tên gì?

    Cô y tá đang sắp xếp dụng cụ vào tủ kính đặt góc phòng quay lại nhìn, nói:

    - Hai đứa nằm góc đó hả? Con bé mặt tròn tên “Trần Thị X.”, còn “Nguyễn Văn Hoàng” là thằng bé lông.

    Nhân viên hộ tịch nhẩm lại tên và ghi vào sổ:

    - Con bé tên “Trần Thị X.”, thằng bé tên “Nguyễn Văn Hoàng Long”. Con trai gì tên 4 chữ nghe yếu quá. Thôi, bỏ chữ “Văn” đi. Tôi ghi tên cho nó là “Nguyễn Hoàng Long” nhé.

    Cô y tá:

    - Ừ

    Nhờ cô y tá và nhân viên hộ tịch mà gia chủ tôi có cái tên đẹp ngoài dự định của gia đình!

  • #2
    :shocked2:May quá, họ đã bỏ sót dấu mũ! Không thì tiêu đời trai rồi!:coffee:

    Comment


    • #3
      Originally posted by 'HongNhung'

      :shocked2:May quá, họ đã bỏ sót dấu mũ! Không thì tiêu đời trai rồi!:coffee:
      Cảm ơn anh Long cho một câu chuyện vui cuối tuần . Kể ra cũng may quá ! Anh Long sinh ra không mở to mắt ngắm mấy cô nữ hộ sinh , nếu không mấy cô ấy sẽ gọi anh là thằng bé nhìn trân trân và cuối cùng anh sẽ bị đổi qua họ Trần , còn nhìn mà liếc thì sẽ có họ Lê (lé ) .

      Thân ái chúc anh Long và các bạn một ngày vui .

      NTT

      Comment


      • #4
        Phải công nhận mình gặp may khi nhân viên hộ tịch có trình độ văn hóa, viết đúng chính tả, không thì tiêu! Cô thứ tư của mình ông bà đặt tên "Lê Thị Tươi", nhân viên hộ tịch làng Long Châu, tx VL ghi "Lê thị Tư". Sự việc được phát hiện 3 năm sau khi bà nội sinh chú Năm. Bà lên nhà việc làng khai tên chú "Lê Văn Tốt", và giải thích thêm: "Tôi mong cuộc đời hai đứa nhỏ được tươi, tốt!" Nhân viên hộ tịch nói, "Cái gì mà tươi tốt? Chị nó thư tư, tên 'Lê thị Tư', sổ sách ghi rành rành đây!" Bà nội tôi chứng minh được người ấy ghi tên sai nên ông ta ... quê, vờ đến nựng chú tôi thấy cái đầu méo (chú mới sinh > tháng), ông ta nói như quát: "Cái đầu méo xẹo mà tốt cái gì? Chị nó thứ tư, tên Lê thị Tư, nó thứ năm tên Lê văn Năm. Đi về!"

        Comment


        • #5
          Thưa gia chủ.

          lúc làm giấy khai sinh gia chủ đã may mắn gặp được người có trình độ văn hóa, không viết sai chính tả, ngoài việc đó KD còn nghĩ người đó cũng là người miền nam rặc chứ nếu nhân viên hộ tịch mà là người Bắc di cư 1945 thì.. thì hỏng to rồi, vì người miền nam phát âm G chung cho 2 chữ H và Q nên khi nghe xướng tên thì người Bắc sẽ ghi là Nguyễn QUÀNG LONG. (Tên gì lạ thế????)

          Các bạn mến , khi người Bắc mới di cư vô trong Nam muốn đặt tên cho con mình sáng sáng một chút cho le thì họ̣ chọn chữ KIM cho rõ ràng không bị NHẦM ex: Kim Dung và thường hay tránh tên LAN cho con gái vì sợ bị gọi là con LANG !!! :blush:

          Thân ái

          KimDung

          Comment


          • #6
            Loạt hồi ức nầy gồm 3 bài, hôm nay bài 1:

            CHUYẾN XE CUỐI NĂM

            Lúc ấy đất nước đang chiến tranh mà ba tôi lại làm công chức ở tỉnh Phước Long (PL), một tỉnh nhỏ miền Đông cạnh chiến khu D, nên ba mẹ gửi chị em chúng tôi về nhà ngoại ở Vĩnh Long (VL) học. Mỗi cuối năm mẹ lại về Sài Gòn mua thêm chút ít bánh mứt, bổ sung hương vị xuân bên cạnh phần nhu yếu khô khan vẫn ăn hàng ngày do tổng cục tiếp tế chở bằng máy bay lên bán, cũng như về VL đón chị em tôi lên PL ăn tết sum họp.

            Bình thường để đi PL phải theo quốc lộ 13 đến Bình Dương, lên Bến Cát, khi đến ngã ba Chơn Thành đi thẳng lên Thuận Lợi, Đồng Xoài để đến tỉnh lỵ Phước Bình. Những năm chiến tranh chưa ác liệt người dân có thể đi xe đò Bửu Hiệp, có nhà xe trên đường Lê Lai, bên hông ga xe lửa Sài Gòn lên PL.

            Cuối năm đó chiến tranh ác liệt lắm. Đường 13 bị đánh phá liên tục: cầu sập, đường chỗ thì bị đào, chỗ bị đấp mô. Muốn lên PL lúc ấy phải đi đường vòng: đến ngã ba Chơn Thành thì quẹo trái lên thị xã An Lộc (Bình Long), sang Lộc Ninh rồi đi dọc biên giới Việt – Miên theo hướng bắc để lên PL, và cũng không có xe đò mà phải đi xe cải tiến vừa chở người, vừa chở hàng. Hành khách xe này chủ yếu là bạn hàng vì người có chức, quyền không dám đi.

            Thành phần khách đi xe hôm ấy hơi đặc biệt, đa số là mấy bà vợ công chức. Mấy bà cùng nhau về Sài Gòn mua sắm tết rồi hẹn ngày, đặt chỗ trước để đi cùng chuyến lên cho có bạn đỡ sợ, và cũng vì đi phi cơ không chở được nhiều hàng. Khi xe đang chạy trên con đường trải đá đỏ ngoằn ngoèo giữa rừng, lúc nầy đã cách Lộc Ninh khoảng 20 km, gần biên giới Việt – Miên thì có hai người ra đón xe. Đó là hai anh giải phóng. Một anh cầm cây súng trường mòn vẹt báng, anh kia tay xách ngược một con khỉ đang còn rỉ máu. Xe dừng lại, anh lơ nhảy xuống tiếp xúc, không khí trên xe căng thẳng. Hai anh muốn bán con khỉ. Khách đi xe không ai muốn mua. Họ sợ chân bước không nổi làm sao mua bán? Mà trên xe người và hàng đã chật cứng lấy đâu chỗ chứa con khỉ nhe răng trắng ởn, máu me tùm lum? Bế tắc.

            Hai anh giải phóng cần tiền để mua thuốc lá hút, nếu có nhiều tiền thì mua đồng hồ Seiko hay Titoni đeo ở cổ tay, và lý tưởng là mua được cái đài (radio transistor) nhỏ, loại một hay hai band chạy bằng pin rồi may thêm cái bao đeo lủng lẳng dưới nách. Chuyến xe này là cơ hội duy nhất trong ngày cho hai anh kiếm tiền. Khó có cơ hội thứ hai để bán con khỉ vốn khó khăn lắm hai anh mới bắn được, và Mặt Trận lại nghiêm cấm xin tiền hay nhũng nhiễu dân. Thế dằng co trên mặt đất không giải quyết được thì giải pháp đến từ trên trời.

            Trên trời tiếng máy bay trực thăng bay đến mỗi lúc một gần. Không đợi ai bảo, những người ngồi gần cửa và anh lơ người lôi, người đẩy hai anh giải phóng té dúi dụi vào xe. Bác tài lập tức nổ máy cho xe chạy sau khi không biết moi từ đâu ra lá cờ vàng treo trên nóc cabin. Có ai đó la hoảng, “Còn ló cẳng!” Đám đông lập tức chuyển dịch để lấy chỗ lôi hai anh cho nằm gọn trong thùng xe. Chiếc trực thăng cán gáo bay đến. Ác nỗi nó không bay vụt đi như lúc đến mà bay chầm chậm bên trên. Người ngồi trên xe có thể nghe tiếng cánh quạt trực thăng chém gió phần phật trên đầu. Trực thăng vẫn bay, xe vẫn chạy nhưng giờ có thêm hai hành khách bất đắc dĩ.


            Ảnh trực thăng cán gáo (photo from internet)

            Không khí căng thẳng, không ai dám ho hay nói một lời nào. Xe vẫn chạy nhưng đến khúc quẹo thì điều tồi tệ nhất hiện ra. Phía trước, cách khoảng cây số là một đồn lính với những lô cốt và lá cờ bay phất phới trên nóc đồn. Bây giờ là lúc gay go thật sự: Trên đầu trực thăng vũ trang, trước mặt là đồn lính với những lỗ châu mai đen ngòm hăm dọa, trong xe là hai anh giải phóng với khẩu súng trường. Cứ đà nầy khi xe chạy vào đến đồn thì người ngồi trên xe chết chắc! Thế là tùy nghi mỗi người một cách: ai có đạo đọc kinh, người không biết làm gì thì co rúm người lại, nín thở… chịu trận, bác tài nhanh trí giảm ga cho xe chạy chậm, thật chậm, từng mét như rùa bò nhưng đồn lính mỗi lúc cứ một gần trước mặt, trên trời tiếng cánh quạt trực thăng chém gió phần phật, còn 2 anh giải phóng cứ rọ rại không yên. Đột ngột xe sụp ổ gà, hành khách nháo nhào, những tiếng “Chúa ơi!” “Phật ơi!” thảng thốt nhưng nhanh chóng im bặt. Trên xe im lặng bao trùm, hành khách không ai mặt còn chút máu, nín thở, ngồi im chịu trận.

            Đột ngột trực thăng bay vụt đi (có thể là do thấy xe đã đến gần đồn). Bác tài chỉ chờ có thế lập tức tấp xe vào lề đường. Hành khách cũng ngay lập tức đẩy hai anh ra khỏi xe và có lẽ hai anh cũng không khách khí mà lập tức lũi ngay vào rừng. Xe rồ ga chạy. Hành khách chỉ thở phào nhẹ nhõm khi xe chạy ngang đồn, được người lính đứng gác ở đó vẫy tay chào. Hình như tết năm đó là tết Mậu Thân.

            Comment

            Working...
            X