Tác giả Nguyễn Hoàng Long
Phòng giáo vụ trường có thêm một thư ký là chị T., gốc người Hoa, lớn hơn tôi vài tuổi, còn tôi lúc ấy ra trường đã được vài năm. Tuổi trẻ với nhau nên dễ thông cảm, tôi thường ghé phòng giáo vụ ngồi chơi, thỉnh thoảng phụ làm một số việc trong khả năng, và khi được nhờ. Trưởng phòng giáo vụ là anh Ng., đã đứng tuổi, góa vợ, trước đây từng là nhân viên tòa đại sứ VN ở nước ngoài nên lịch thiệp, bạo dạn, còn chị T. vui tính nên đám giáo viên trẻ chúng tôi cáp đôi hai anh chị, mà hai người cũng có vẻ thích, không phản ứng quyết liệt.
Qua tiếp xúc tôi được biết trước 30/04/1975 chị T. là sinh viên Luật, và trước đó học trung học tại trường Bác Ái (Fraternité), trường của học sinh gốc Hoa gia đình khá giả ở thành phố. Do học muộn (cháu đầu lòng được bà nội thương nên giữ ở nhà không cho đi học, theo lời chị kể) nên chị đi học chung với em gái kế, nhỏ hơn 3 tuổi tên Đ, rất xinh và dễ thương, hiện là kế toán cho một hợp tác xã cơ khí ở Q 10, thành phố Hồ Chí Minh. Chị cũng cho biết thêm, “Đ. nó bạo dạn và sáng ý lắm. Hồi nhỏ nó ngồi xe nhưng để ý nhìn chú tài xế lái, rồi nó lén lấy chiếc Peugeot lái đi. Ba chị sợ quá phải cho nó đi học lái xe và thi lấy bằng.” Chị mời tôi đến nhà chơi và hứa giới thiệu em gái cho tôi vì nhận thấy trong đám giáo viên trẻ của trường chỉ có tôi là hợp và xứng đáng với em gái của chị (!).
Buổi tối hẹn tôi mặc quần áo lịch sự, mua chút quà bánh mang đến nhà chị. Cả nhà vui vẻ đón tôi. Nhà chị thuộc khu Xóm Củi, Q8, là căn phố khá dài, rộng nhưng trong nhà quá đông người, họ hàng, cô cậu… phải mười mấy người trong khi gia đình chị thật sự chỉ có 7 người: bà nội, ba, mẹ, 4 chị em của chị, với cậu em trai áp út vừa tốt nghiệp phổ thông đang tìm việc làm, và cô em út đang học lớp 10 tại trường tôi (Lúc nầy học sinh có hộ khẩu ở quận nào phải học trường trong quận đó. Học “trái tuyến”, thí dụ hộ khẩu Q8 sang học trường Q5, sẽ gặp nhiều khó khăn.).
Qua tiếp xúc tôi biết thêm ba của chị trước là thầu khoán, là người làm ăn lớn nên tính tình hào phóng, gia đình sống trong sung túc, phong lưu, cửa nhà lúc nào cũng rộng mở đón bà con, họ hàng, còn hai cô con gái lớn trước 30/04 đi học bằng xe hơi! Gia đình đã quen sống phong lưu nhưng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn của đất nước những năm đầu mới giải phóng họ đang gặp bế tắc, khó khăn về kinh tế. Ông cụ giờ đã già, không thể và cũng không có điều kiện để tiếp tục làm nghề thầu khoán, còn thu nhập thư ký của chị T. và kế toán của Đ. chỉ giúp trang trải được một phần.
Tôi thường đến nhà của Đ. và chị T. chơi vào buổi tối vì dạo ấy giáo viên rất gắn bó với trường, gần như là ở đó suốt ngày. Phải công nhận Đ. rất đẹp, đẹp đến mức có thể làm diễn viên. Tôi và Đ. nói chuyện thật vui, thật hợp. Chỉ riêng việc tên gọi của nhau chúng tôi đã nói cả một buổi tối, và thường là bắt ghế ngồi ở lề đường rộng trước nhà, một phần do nhà quá đông người và dạo ấy hay bị mất điện. Chúng tôi nhiều lần đi chơi chung: đi ăn những nơi tôi và Đ. nghĩ là ngon, đi xem xi nê, xem video, đến các tụ điểm xem ca nhạc bằng xe đạp của tôi. Đ. rất tự nhiên và thoải mái: ngồi sau xe ôm tôi thật chặt khi tôi yêu cầu, để tôi nắm tay khi băng qua đường, để tôi vòng tay ôm khi cả hai phải xếp hàng và chen vào quầy mua vé xem phim, có lần tôi nhân cơ hội hôn lên tóc, Đ. đã không xô đẩy phản ứng mà còn tựa hẵn vào người tôi. Ba của Đ. thường xuyên ngồi trên ghế sa lon phòng khách hút thuốc, bình trà để trên bàn trước mặt và nhìn ra đường với đôi mắt đăm chiêu. Những lần chúng tôi đi chơi về khuya ông luôn là người mở cửa cho Đ. vào.
Trong những lần đến nhà Đ. chơi thỉnh thoảng tôi gặp một người đàn ông lớn hơn tôi khoảng chục tuổi, cũng dân tộc Hoa. Chị T. cho tôi biết gia đình đã nhận anh ấy làm con nuôi, gọi là anh Hai và anh là chủ nhiệm hợp tác xã cơ khí Đ. đang làm kế toán. Khi đến chơi nhà Đ. anh Hai thường chỉ đi một mình, mang theo quà cáp thật hậu trong rất nhiều những dịp lễ, tết của người Hoa. Khi nhận quà của anh Hai tôi thấy thái độ của ba Đ. và chị T. rất gượng gạo, chỉ có mẹ và các cháu nhỏ trong nhà là thật sự vui. Cũng có lần anh đến cùng vợ, một phụ nữ Hoa xanh xao, thiếu sinh khí, và có lần Đ. nói cho tôi biết hai người ấy cưới nhau đã lâu nhưng chưa có con. Có điều lạ là chỉ có mình Đ. ngồi tiếp chuyện anh Hai, những lần tôi đến chơi sau anh. Tôi cũng rất ngạc nhiên vì vốn biết người Hoa ít khi chịu cho con gái lấy chồng người Việt, thậm chí còn cấm đoán nhưng tại sao họ lại khuyến khích tôi quen Đ. và thậm chí còn tạo điều kiện để mối quan hệ chúng tôi tiến sâu hơn, nhất là chị T.? Nhưng hoài nghi nầy nhanh chóng bị tôi bỏ qua vì Đ. quá dễ thương, bên cạnh Đ. tôi thấy rất vui.
Hè năm ấy trường tổ chức du lịch Vũng Tàu. Chị T. đi cùng đại gia đình, có cả anh Hai, chị Hai và dĩ nhiên là không thiếu Đ.. Làm sao tôi có thể vắng mặt dịp ấy? Trường thuê phòng của một khách sạn ở bãi Sau, và buổi xế chiều hôm ấy nước ròng nên bãi Sau thật rộng và phía cuối bãi, cạnh bãi Dâu, có nhiều gộp đá, rất tiện cho những người muốn tìm chút riêng tư. Tôi và Đ. bước song đôi trên bãi cát. Chúng tôi đi thật xa đám đông trước những cặp mắt tò mò nhìn theo, đi qua khỏi bãi Ô Quắn có xác chiếc tàu Nhật bị phi cơ Đồng Minh đánh đắm, đến tận con đường dẫn vào ngôi miếu trên hòn đảo nhỏ cách bờ vài trăm mét mà dân địa phương gọi là Miếu Hòn Bà. Tôi giúp Đ. trèo lên một tảng đá to, phẳng rồi hai chúng tôi ngồi bên nhau cùng ngắm cảnh biển với mặt trời màu đỏ thật to đang dần xuống nơi chân trời, chỉ cho nhau xem chiếc phi cơ khách bay trên cao vạch một lằn màu trắng xám phía sau đuôi, nhìn chiếc tàu viễn dương màu trắng ngoài khơi xa, những chiếc tàu cá đang neo nhấp nhô theo sóng nước, những cánh hải âu chao lượng, nhìn cảnh đẹp như tranh của ngôi miếu nhỏ với mái ngói màu đỏ chơ vơ trên hòn đảo, và chếch về sau chúng tôi là tượng Chúa Kitô dang tay che chở. Tiếng sóng biển rì rào, mùi hương từ người Đ. thoang thoảng. Hai chúng tôi ngồi như thế thật lâu, và chỉ trở về khách sạn khi trời xẩm tối. Lúc hai chúng tôi vào đến phòng ăn một số thành viên trường đã ăn tối xong, đang bước ra cửa trở về phòng riêng. Tiếng chúng tôi chào hỏi những người nầy khiến những người đang ngồi trong phòng ăn phải quay ra nhìn rồi xôn xao bàn tán. Chúng tôi thật đẹp đôi, một cặp trời sinh nam thanh, nữ tú.
Miếu Hòn Bà (photo from wp.com)
Tượng Chúa Kito (photo from dulichbennghe.vn)
Một thời gian ngắn sau chuyến du lịch ấy nhiều lần tôi tìm đến nhà nhưng không gặp Đ. Tôi hỏi chị T., chị có vẻ bối rối và buồn với những câu trả lời vu vơ, tránh né. Sau mấy tháng lằng nhằng như vậy tôi rất tức nên tìm đến hợp tác xã cơ khí nơi Đ. làm việc nhưng chỉ gặp anh Hai. Cũng không biết thêm gì. Mấy tháng sau có việc đến quận 10, sẵn còn thời gian tôi đến quán cà phê gần hợp tác xã nơi Đ. làm việc ngồi uống nước chờ đến giờ về. Và tôi thấy anh Hai chở Đ. trên chiếc honda dame của anh. Bụng Đ. lúc nầy đã thấy rõ. Mấy năm sau tình cờ tôi thấy Đ. trên đường Cao Thắng, đi ngược chiều với tôi trên chiếc Honda DD70 mới tinh lúc đó Sài Gòn mới có vài chiếc. Ngồi trước là một bé trai kháu khỉnh.
Có lần chúng tôi nói chuyện về tên nhau. Tôi kể cho Đ. nghe sự tích tên của tôi. Nghe xong Đ. cười rũ rồi hỏi: “Thế tên của em anh nghĩ là do đâu?” Tôi nói, “Với họ Bành của em, khi đi ngoài đường em có thể nhận mọi người làm bà con! Còn tên của em có thể nhân viên hộ tịch ghi dấu sai vì thế nguyên thủy có thể là Điên, Điền, Điển hay Điện. Anh thích em là Điền vì như thế anh có thể cấy, cày trên đó.” Đ. cười, dứ nắm đấm vào mặt tôi nói, “Anh đừng có hòng. Mặt em hình trái soan, khuôn mặt chuẩn đẹp, đâu phải hình vuông mà là Điền. Còn em rất ghét mưa, mà cũng không ưa cái gì to lớn, hùng tráng nên không thể nào là Điện. Có lẽ khi yêu em Điên …”
Trong tình trường, thua thiệt không chỉ là người nữ.
Nguyễn Hoàng Long
Comment