Bạn dzàng mình nghĩ giống y như mình nghĩ.. Với XL đây là cô bạn nhỏ có tâm, có tình, có nghĩa.. viết kể chuyện đi chơi đây đó hay nhất.. Nhờ vậy cũng giúp giải quyết được những giấc mơ đó đây của mình khi $$$ chưa cho phép.. Thank kiu muội muội Lâm Trúc.. Càng ngày muội viết càng hay.. và anh Hoàng tay nghề chọn cảnh, đặt người.. chụp hình càng đẹp đó nha...
Announcement
Collapse
No announcement yet.
Ký sự Ý Đại Lợi
Collapse
X
-
Roma – Ngày đầu tiên
Từ Firenze tới Roma, vé xe lưả tốc hành 33.60 Eu/ người , ngừng vài trạm, khoảng 2 tiếng thì tới Roma Termini. Dọc đường, những ngọn đồi thấp thoáng xa xa, xe lướt qua những đồng cỏ hay những ruộng khô đầy hoa Poppy đỏ thắm.
Đường từ Florence tới Rome
Lúc đầu T giữ phòng gần trạm xe lưả Roma Termini, gần ngày đi kiếm được chổ rẻ hơn nên T đổi ‘plan’ ở trong Ancient Rome cho tiện. Hotel Rosetta trên đường Cavour, cách Roma Termini 20 phút đi bộ, 476Eu cho 5 đêm. Qua khỏi cưả chính ngoài đường cái là lối nhỏ dẫn tới mảnh sân nhỏ (courtyard). HT ở lầu một, phòng ba giường, sạch sẽ, không có tủ lạnh trong phòng, nhưng họ để nước chai lớn trong tủ lạnh ở văn phòng cho khách dùng.
Roma - thủ đô cuả Ý ngày nay - là một thành phố nưả tân, nưả cổ vì thật ra Roma đã có tự hơn hai ngàn năm về trước, thời đại huy hoàng cuả đế quốc La Mã, và may làm sao, những di tích đó còn trường tồn tới ngày nay như Colosseo, Romans Forum, nhiều quãng trường rộng lớn, những ngôi giáo đường xưa lắc xưa lơ. Giưã phố phường nhộn nhịp, bỗng dưng du khách thấy những ngôi nhà khang trang kế bên một vùng gạch đá cũ xì, thêm rêu phong phủ lám nhám trên đó, chẳng qua là khi người ta đào đất xây nhà mới thấy có những đền đài nằm sẵn đâu phiá dưới, thế là không được đào tiếp, phải xây cái nhà né qua một bên.
Hôm đầu tiên từ Firenze tới Roma, buổi chiều Nam dẫn HT qua Trastevere đi ‘food tour’. Từ phòng trọ tới Trastevere khoảng 20 phút đi bộ, băng qua hòn đảo nhỏ Isola Tiberina ngăn đôi khu phố Trastevere và Central Rome. Trastevere lấy từ tiếng Latin "Trans Tiberim": beyond the Tiber River. Ngày nay, Trastevere là tâm điểm cuả nhà hàng, nhạc sống, hộp đêm (night clubs) hợp với ý thích cuả các bạn trẻ.
Isola Tiberina
Phố xá Trastevere
Hôm đó, có nhiều món HT mới ăn lần đầu như Prosciutto với dưa gang (cantaloupe). Prosciutto là món giò heo ướp muối rất mặn, rất phổ biến trong các món ăn cuả Ý. Hồi xưa, không có tủ lạnh nên người ta dùng thật nhiều muối ướp vào thịt, để được lâu mà không bị hư. Giò heo còn sống họ thoa đầy muối rồi để qua nhiều tháng cho tới khi ăn được thì nó cứng ngắt nên họ gài trong cái bệ nhỏ và dùng dao lát rất thiện nghệ những lát thịt mỏng như luạ có màu hồng rất đẹp, quấn prosciutto quanh miếng dưa gang rồi ăn, giống như mình ăn dưa hấu chấm với chút muối, chất mặn làm cho trái cây có vị ngọt hơn. Bánh mì chấm với Burrata cheese, một loại cheese tươi, rất mềm, không mặn, tan trên lưỡi. Đây là những món thuộc loại khai vị.
Porchetta với bánh mì, hơi giống như heo quay (roast pork). Thịt heo được lóc xương, ướp gia vị rồi cuốn lại để lớp da phiá ngoài đem nướng ít nhất 8 tiếng. Porchetta lát mỏng để lên bánh mì rồi ăn. Đây là món ăn bình dân bán trong các tiệm thực phẩm hay trên đường phố.
Arancini ("little oranges" in Italian), hơi giống Hush Puppies nhưng là cơm trộn vo viên chiên, ở ngoài dòn rụm còn bên trong mềm mại và đậm đà. Họ có món khoai chiên cũng ngon lắm.
Pizza và pasta cuả Ý, phần nhân phiá trên (toppings) đơn giản hơn ở Mỹ mà ngon, pasta họ luộc còn hơi cứng chứ không mềm xèo như ở Mỹ (‘al dente’ tiếng Ý ‘to the tooth’ = undercooked). Bánh mì Ý chấm với dấm balsamic hay dầu olive ăn hoài không chán, mềm, sốp và còn vưà đủ độ dai.
T có cô bạn thích ăn những món lạ, nàng nói với T: 'Chị đi tới đó ăn món gì nhớ ghi lại cho em biết.' T cười khì: 'Nhè chị mà biểu ghi món ăn, thôi thì ghi được tới đâu hay tới đó, chứ chị không rành về chổ ăn uống đâu.'
Cầu bắc qua sông Tiber
Từ Trastevere về lại phòng trọ, HT chụp vài tấm ảnh buổi chiều đầu tiên ở Roma.
Nhân đây cám ơn các anh chị đã đọc bài và comment. HT thấy mình may mắn có điều kiện đi chổ này chổ nọ và rất vui được chia sẻ chuyện dọc đường với thầy cô và bạn hưũ .
Last edited by TrucLam; 04-08-2024, 08:56 PM.
Comment
-
Viện bảo tàng Vatican
Hôm nay nhà T dành một ngày để tới viện bảo tàng Vatican và thánh đường St. Peter. Từ nhà đi bộ tới trạm ‘metro’ Cavour khoảng 10 phút nằm trên B Line (=Red Line), chỉ 1 trạm là tới Roma Termini, đổi qua A Line (=Blue Line) đi thêm 5 trạm nưã là xuống Ottaviano, từ đó đi bộ 10 phút là tới viện bảo tàng Vatican (vé metro 1.5Eu/ chuyến - đổi line ở Roma Termini không phải trả thêm tiền).
Sáng đó, ghé qua Mc. Donald, còn sớm nên chưa đói, nhưng mỗi mạng ráng ngốn phần ăn sáng cho chắc bụng vì không biết đi tới chừng nào mới xong. Tới viện bảo tàng là vưà vặn giờ vô cưả. Thấy thiên hạ xếp hàng lê thê bên ngoài để mua vé mà phát ngán, HT đã mua vé trên ‘net’ trước ngày đi Ý nên được vô liền. Chỉ khoảng 10 phút là qua khỏi ‘security’ (xét giống như ở phi trường).
Ngày xưa làm gì có viện bảo tàng kiểu như bây giờ, người có tiền cuả thế lực thường chiếm đoạt hay bỏ tiền ra mua, mướn người làm những tác phẩm nghệ thuật họ ưa thích và giữ làm cuả riêng trong gia trang cuả họ. Cách nay hơn 500 năm, đạo Công giáo ở thời thịnh trị, nhận được nhiều tặng phẩm cuả các nhà quý tộc và lưu giữ tại Vatican. Tới đầu thế kỷ 20, bên cạnh những khu đã có sẵn từ mấy thế kỷ trước như nhà nguyện Sistine, phòng vẽ cuả Raphael, người ta xây thêm những phòng ốc mới để làm thành khu bảo tàng viện mà du khách thấy ngày nay. Nơi đây, người ta chưng bày những tác phẩm nghệ thuật hiếm quý được sáng tác từ nhiều thế kỷ qua, có liên hệ đến lịch sử cuả Thiên Chuá giáo, Thánh kinh..., phần lớn là những ‘masterpiece’ cuả nền nghệ thuật thời Phục Hưng.
Bảo tàng viện có trên 50 phòng trưng bày (gallery), thiệt là đẹp từ trên trần xuống sàn nhà, từ vách trái qua vách phải, tranh vẽ, tranh thêu, điêu khắc, stain glass…..từ mọi góc cạnh, không nơi nào thiếu vắng bóng dáng cuả nghệ thuật. The Raphael Room, The Niccoline Chapel, The Sistine Chapel, Gallery of Maps, Bramante Staircase, phòng tranh Matisse và thời cận đại, ….và còn nhiều.. . nhiều lắm.
Hồi xưa, giáo hoàng chọn phòng nào thấy thích hợp với lối sống cuả mình để ở, chứ không nhất thiết ở phòng cuả vị trước đó. Những ‘gallery’, được gọi là ‘Phòng / Salle / Room’, những tác phẩm nghệ thuật là trên trần nhà, trên tường, phần lớn đó là phòng cuả các giáo hoàng khi xưa được trang hoàng bằng những bức ‘fresco’ hoàn mỹ.
The Sistine Chapel (Nhà nguyện Sistine)
Nhà nguyện Sistine trong Viện bảo tàng Vatican
Lịch sử nhà nguyện Sistine
Du khách có thể chụp hình ở mọi nơi, ngoại trừ The Sistine Chapel. Nhà nguyện đông nghẹt vì ai cũng muốn chiêm ngưỡng tuyệt phẩm cuả Michelangelo. Tới The Sistine Chapel mới thấy tài vẽ cuả ông không thua gì những tác phẩm điêu khắc. Thưở xưa, người ta vẽ tranh, tạc tượng vì miếng cơm manh áo chứ ít ai cho là từ sự đam mê nghệ thuật. Những nhà giàu có mướn thợ vẽ những bức tranh theo ý cuả chủ, nhà thờ mua những khối đá cẩm thạch mướn mấy ông thợ có hoa tay đục thành hình này cảnh kia…., nên làm gì có nghệ sĩ, hoạ sĩ, thi sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư….theo danh xưng cuả ngày nay. Tuy vậy, những người ‘thợ’ này đã để lại cho đời những tuyệt tác khó ai bì kịp.
Trên trần nhà nguyện Sistine (ảnh từ Internet)
The Creation of Adam (ảnh từ Internet)
Trên trần nhà nguyện Sistine, lúc đầu Đức giáo hoàng muốn Michelangelo vẽ Mười hai Thánh tông đồ làm ông chưng hửng vì xưa nay ông chuyên tạc tượng, thấy ông không hứng khởi nên sau đó ngài nói thôi thì làm gì tuỳ ông chọn lưạ. Và ông đã vẽ theo ý cuả ông, giưả trần nhà là hình ảnh minh hoạ chín câu chuyện quan trọng trong ‘The Book of Genesis’, nổi bật nhất là bức vẽ ‘Thượng Đế tạo ra Adam’, xung quanh đó, ông mới vẽ Mười hai Thánh tông đồ. Ông quả là người sâu sắc, sự sáng tạo ra vũ trụ, loài người … ắt phải đặt ở nơi trang trọng.
Hôm đó đứng ngóc cổ lên nhìn ‘The Creation of Adam’, sao mà nó cao vòi vọi (trần nhà nguyện cao tới 20m, gần 70ft). Ông vẽ nhà nguyện Sistine trong bốn năm, lúc 40 tuổi. Hơn hai mươi năm sau, ở tuổi ngoài 60, Giáo hoàng lại vời ông về Vatican để vẽ bức tường sau bàn thờ trong nhà nguyện Sistine, ông vẽ Ngày phán xét (The Last Judgment) trên đó, mất hết năm năm.
Nhà nguyện Sistine không phải chỉ là nơi cho du khách thưởng lãm những hoạ phẩm cuả Michelangelo, nơi đây còn là phòng dâng thánh lễ, phòng chọn Giáo hoàng…. Bạn cũng biết, Giáo hoàng hiến đời mình cho giáo hội tới ngày ngài chết đi. Lúc đó, các Hồng Y họp lại ở nhà nguyện Sistine tìm người kế vị. Khi chọn được người phụng sự cho giáo hội, họ sẽ gửi tin mừng ra ngoài bằng cách đốt cho khói trắng bay ra khỏi nóc nhà nguyện cho giáo dân thấy.
Spiral staircase
Qua khỏi nhà nguyện Sistine tưởng đã xong, ai dè còn một hành lang dài lê thê, đầy những tác phẩm nghệ thuật quý báo, đẹp ngang ngưả với Gallery of the Maps, thêm cái cầu thang hình trôn ốc đẹp quá trời. Bảo tàng viện Vatican phải có nhiều ngày hoạ may mới coi được cặn kẽ.Last edited by TrucLam; 04-09-2024, 08:18 AM.
Comment
-
Trúc và các bạn đọc thân mến
Nhân lúc chờ để được theo dõi tiếp chuyến du ký Italy của Trúc, xin mạn phép các bạn đọc để cảm ơn tác giả cho loạt bài rất công phu này . Trước hết cũng không quên chúc mừng tác giả Trúc -Hoàng đã thực hiện thành công kế hoạch đi Eu mà có lẽ 2 bạn đã chuẩn bị từ 2015 .
Thành công ở đây bao gồm từ bước nghiên cứu , chuẩn bị kỹ lưởng ( kể cả mặt tài chánh và sức khỏe ), quyết chí đến những chổ đã hoạch định, tham quan nhiều chi tiết , chụp cả trăm tấm hình( 5-10 tấm mới chọn được 1 tấm ), nhật ký đầy đủ ... cuối cùng mới có một loạt bài như vậy . Nếu tóm tắc có thể nói trong lúc du lịch bên cạnh những người thân, Trúc còn dành phần cho niềm vui của cả một diễn đàn chúng ta .
Trên tinh thần đó , thân ái chúc Trúc Hoàng và các bạn thích đi du lịch "chân cứng đá mềm "để khi cơ hội đến sẽ trải nghiệm và chia sẻ càng nhiều càng tốt những điều thú vị đang có ở khắp nơi .
NTT
Comment
-
Tuyệt vời Trúc ơi. Một trang nhật ký du lịch thật tuyệt vời.
Chúc mừng aHoàng Trúc tâm đầu ý hiệp, cùng yêu thích nghệ thuật, thiên nhiên và nhân tạo, một người chụp ảnh, một người ghi nhật ký cho bạn bè cùng tìm hiểu. KD cũng mê nghệ thuật lắm.
Cám ơn Hoàng Trúc nhiều lắm.
Thân ái
KimDungLast edited by TrucLam; 05-06-2020, 09:42 AM.
Comment
-
Toà thánh Vatican
Có thể nói những ai đi du lịch ở Ý, khó mà không đến toà thánh Vatican dù là người có đạo hay ngoại đạo. Lý do? Tín đồ Kitô giáo đến vì đức tin, còn với người không theo đạo Công giáo thì đến để chiêm ngưỡng sự kết hợp tuyệt diệu giưả kiến trúc và nghệ thuật nơi thánh đường Saint Peter. Nếu tính về diện tích đất đai và dân số, có lẽ Vatican là xứ nhỏ nhất trên thế giới, dân số chưa tới ngàn người. Tuy vậy, khi nói đến Toà thánh Vatican, người ta thường nghĩ đến ý nghiã về tôn giáo hơn là một quốc gia, một chính quyền . Đây là nơi đại diện quyền lực tối cao cuả giáo hội Công giáo, trên hết là Đức giáo hoàng, rồi tới các hồng y, giám mục, linh mục, và triệu triệu con chiên cuả Chúa Kitô khắp nơi trên thế giới.
Sau khi coi viện bảo tàng Vatican, buổi trưa HT qua nhà thờ St. Peter, chỉ cách đó 10 phút. Vô nhà thờ không tốn tiền nhưng người ta xếp hàng dài ngoằn vì phải qua ‘security’, tụi T cũng nối đuôi, gần 1 tiếng mới qua được chổ xét.
Trước nhà thờ là quảng trường St. Peter rộng lớn, có thể chứa được nưả triệu người, sở dĩ làm rộng như vậy để khi lễ trọng, có đủ chổ cho giáo dân đến nhận thánh lễ cuả đức Cha. Giưả quảng trường là trụ tháp cao (obelisk) bằng đá cẩm thạch màu đỏ sậm. Cách đây 2,000 năm, người La Mã lấy tháp này từ Ai Cập đem về Roma và được dựng lên ở đấu trường nơi mà vua La Mã hành hình Thánh Phêrô và các tông đồ Công giáo. Đến cuối thế kỷ 15, Giáo hoàng cho dời tháp này về dựng ở quảng trường St. Peter.
Hai bên quảng trường, mỗi bên có bốn dãy cột, to và cao, hình vòng cung (circular colonnades) . Phiá trên ‘colonnades’ là tượng cuả 140 vị thánh.
St. Peter (Thánh Phêrô) xưa kia là một ngư phủ, sau này trở thành một trong mười hai tông đồ cuả Chuá. Sau khi Chuá tử nạn, những người theo đạo Công giáo bị trù dập, nhưng St. Peter vẫn tiếp tục công việc rao giảng nước Trời cho tới khi ngài bị đóng đinh dốc ngược trên thập tự giá (crucified upside down) - theo yêu cầu cuả chính ngài. Vì sao vậy? Ngài cho rằng, khi Chuá lâm nạn ngài đã chối Chuá ba lần nên không xứng đáng được chết như Chuá.
Nếu từ quảng trường nhìn vào nhà thờ, bên trái là tượng cuả St. Peter (thánh Phêrô,) bên phải là tượng cuả St. Paul (thánh Phaolô). St. Peter chết vào khoảng giưả thế kỷ thứ nhất. Đến thế kỷ thứ tư, khi đạo Công giáo không còn bị trù dập nưã thì người ta xây nhà thờ St. Peter nơi mộ phần cuả ngài. Tới thế kỷ 15, giáo hội xây lại thánh đường St Peter rộng lớn như ngày nay ngay trên nhà thờ St Peter cũ. Trong lòng đất, ngay dưới bàn thờ cuả thánh đường là mộ phần thánh Phêrô. Ngày nay, thánh đường St. Peter là một trong những nhà thờ lớn nhất thế giới và được nhiều người biết đến.
Vì sao người ta xây thánh đường to lớn để vinh danh thánh Phêrô? Có lẽ vì Ngài là một trong những tông đồ quan trọng nhất cuả Chuá. Ngài là người được Chuá trao cho chià khoá cuả nước Trời (keys of kingdom of heaven.) Bởi vậy người ta thường tạc tượng hay vẽ hình thánh Phêrô tay nắm hai chiếc chià khoá, biểu tượng cuả quyền lực và trách nhiệm Chuá giao cho St. Peter và những người nối tiếp. Ngài được coi là Giáo hoàng đầu tiên cuả đạo Công giáo. Cờ và huy hiệu cuả toà thánh đều có hình hai chiếc chià khoá trên đó.
Bên trong thánh đường lớn và trang trọng. HT xuống khu mộ phần cuả các thánh và giáo hoàng (Grottos). Sau đó, leo lên ‘dome’. Michelangelo là người ‘design’ St. Peter’s dome. Ông dưạ theo ‘dome’ cuả Pantheon nhưng có sự sưả đổi, ông làm vòng cưả kính xung quanh dome, giưả ‘base’ và ‘dome’. Khi ánh sáng chiếu vào cưả kính tạo thành màu trắng đục, từ dưới nhìn lên làm mình có cảm tưởng như cái ‘dome’ lơ lững giưả trời (floating in the cloud).
Du khách có thể lên trên ‘dome’ : 8Eu - chiụ khó leo 551 steps, 10Eu – thang máy + 320 steps còn lại – cash only. Nhà T trả 10Eu vì chỉ còn đủ xí quách leo 320 steps mà thôi. Đường lên ‘dome’ là cầu thang đi giưả hai lớp vách, càng lên trên càng hẹp và nó nghiêng méo xẹo, đường một chiều vì bề ngang hẹp té.
Trên cao, cảnh quảng trường St. Peter quả như vòng tay ôm ấp giáo dân.Last edited by TrucLam; 04-09-2024, 08:35 AM.
Comment
-
"Du khách có thể lên trên ‘dome’ : 8Eu - chiụ khó leo 551 steps, 10Eu – thang máy + 320 steps còn lại – cash only. Nhà T trả 10Eu vì chỉ còn đủ xí quách leo 320 steps mà thôi. Đường lên ‘dome’ là cầu thang đi giưả hai lớp vách, càng lên trên càng hẹp và nó nghiêng méo xẹo, đường một chiều vì bề ngang hẹp té."
Các bạn thân mến, rất vui có được một vài hình ảnh để chia sẻ với bạn đọc những gì Trúc viết ở đoạn trên :
Như các bạn thấy các bậc thang đều rất cao, không có tay vịn , ở giữa diên tích nhỏ lại ... đối với người lớn tuổi luôn là một thách thức lớn . Nếu trợt chân chắc chắn là nguy hiểm lắm .
" Đường lên ‘dome’ là cầu thang đi giưả hai lớp vách, càng lên trên càng hẹp"
Tấm hình nầy xem ra thuộc loại hiếm ! Thứ nhất do nó quá nhỏ bé so với khung cảnh đã đi qua ở phía dưới và sắp chứng kiến ở phía trên nên ít người chụp . Thứ nhì, có muốn chụp cũng không dễ vì thiếu không gian lúc đông người đang nối tiếp nhau đi lên .
"... và nó nghiêng méo xẹo,.."
Mới nhìn hình , thấy giống hình bị chụp nghiêng nhưng không phải, mọi người đều đứng thẳng trong 2 bức tường nghiêng . Có được một khoảng trống, nhân vật chính đang đứng thở lấy sức leo lên tiếp .
Qua những tấm hình trên có thể thấy " những bước chân âm thầm " của Trúc và anh Hoàng để có thể viết thành một đoạn ngắn trong bài
Thân ái
NTTLast edited by TrucLam; 05-06-2020, 09:45 AM.
Comment
-
Cám ơn anh NTT đã góp gió với những tấm hình sáng suả hơn những tấm hình cuả tác giả. Người mẫu cuả anh Toản cũng tươi tắn hơn nhà T lúc đó. Mắc leo nên không nhớ gì tới chuyện chụp hình chụp ảnh.
Hôm ấy, sau một ngày dài ngoằn ở viện bảo tàng, thêm buổi trưa nắng như thiêu xếp hàng cả tiếng mới vô được nhà thờ. Qua xếp hàng tiếp để lên 'cupola' là oải quá chừng. Chiều rồi mà sáng giờ chỉ có cái bánh muffin cuả Mc.Donald dằn bụng, nhưng Nam nói đi cho rồi để không thôi người ta đóng cưả.
Vé đi thang máy lên tới nóc nhà thờ (đở leo hơn 200 steps), sau đó, leo 320 'steps' từ 'dome' lên 'cupola'. Tới màn leo cầu thang, đằng trước T là hai má con (T đoán như vậy vì cậu trẻ đi với bà già chắc cở T, người Á đông nhưng nói tiếng không phải Tàu hay Việt), T nghĩ bà già theo kiểu phóng lao phải theo lao vì bà than thở miết (than và thở ngang ngưả nhau), còn đưá con thì T nghĩ vưà năn nỉ vưà động viên bà già. Tới được một chổ có vẻ rộng được chút xíu bà già mừng quá ịch người vô tường làm đưá con đi sau đứng lại cái cụp rồi nó có nói cách gì bà cũng không chiụ đứng lên đi tiếp. May quá, nhà T cũng nhân bà già nằm vạ giưả đường, đứng lại thở lấy hơi vài phút rồi mới len qua leo tiếp lên, chứ cũng mệt muốn đứt hơi.
Lên được tới 'cupola' là khỏe rồi, gió mát, cảnh đẹp. Lúc xuống, phiá bên ngoài trên nóc nhà thờ, cái 'dome' chần dần trước mắt. Tượng các vị thánh đằng trước người ta khắc thật đẹp chứ sau lưng thì phẳng lì.
HT
Comment
-
Republican Day - Pantheon – Piazza Navona
Nhà thờ Santa Maria Maggiore nằm trên đường Cavour chỉ cách nhà khoảng 10 phút. Nhà thờ này vô cưả phải qua chổ xét. Đây là nhà thờ lớn nhất ở Roma vinh danh Đức Mẹ. Sáng sớm còn vắng người, dọc hai bên hông là các toà giải tội, một số mở cưả có cha ngồi trong đó chờ con chiên đến xưng tội. Trong nhà nguyện kế bên nhà thờ chính, Cha đang dâng thánh lễ. Không gian tĩnh lặng, thánh ca ngân vang trong khung cảnh thánh thiện đem đến cho mình cảm giác yên bình cuả ngày mới.
Sáng nay, trước nhà phố xá vắng tanh, hai bên đường người ta để rào sắt chặn lại, hèn chi đâu có xe cộ dập diù như mọi ngày, lính tráng đứng rải rác từng khúc đường, hồi sau mới biết hôm nay là lễ Republican Day cuả Ý. Cách đây hơn 70 năm, sau khi Thế chiến thứ Hai kết thúc, chế độ độc tài ‘fascism’ Mussolini bị lật đổ, ngày 2 tháng 6 năm 1946, có cuộc trưng cầu dân ý: Quân chủ hay Cộng hoà? Hơn phân nưả dân Ý bỏ phiếu bãi bỏ chế độ quân chủ và thành nước theo chế độ Cộng hoà tới bây giờ. Hàng năm, cứ tới ngày này, dân chúng kỷ niệm ngày vui cuả đất nước thanh bình.
Đường Cavour chổ nhà T gần Colosseo nên lính gác quá trời vì chút nưã những nhân vật quan trọng sẽ tới dự diễn hành tại Colosseo, đặt vòng hoa tưởng niệm ở đài Chiến sĩ trận vong ….dân chúng tuôn ra đường, tay cầm cờ đi coi diễn binh rần rần. Trưa đó, nhà T đang đi ở Piazza Navona thì nghe tiếng phi cơ rền như sấm nổ trên đầu mình, nhìn lên kịp thấy một đoàn máy bay lướt qua ngoạn mục, để lại trên bầu trời trong mấy vệt khói xanh, trắng, đỏ, tượng trưng cho màu cờ cuả Ý.
Đài chiến sĩ trận vong
Tưởng thiên hạ đi coi diễn hành thì mấy chổ khác sẽ bớt người ai ngờ ở đâu cũng đông như kiến, có lẽ vì là ngày thứ Bảy, ai ấy được nghỉ, tha hồ đi chơi.
Từ nhà tới Pantheon khoảng 20 phút nên nhà T lội bộ cho rồi. Gần tới nơi mà chẳng thấy đền thờ thần ở đâu. Ai dè, thời nay người ta xây nhà và những dãy ‘building’ bề thế xung quanh đó, Pantheon bị lọt thỏm vô giưả, không có khoản trống đủ rộng để phô bày sự đồ sộ khu đền, thêm đó có nhiều người quá làm mình cảm thấy khu đền bị chèn trong khu phố chật chội.
May sao không phải xếp hàng ở Pantheon. Pantheon có nghiã là đền thờ các thần (temple of all the gods), được người La Mã xây lên hai ngàn năm về trước. Sau mấy bậc tam cấp, dưới hàng cột cao nghệu, qua hai cánh cưả to sồ nặng chịch là bước vào bên trong đền, chiều cao cuả mái vòm làm mình thấy nó rộng mênh mông. Tiếc là máy ảnh không cách chi lấy được hết sự lớn rộng trước mắt.
Pantheon dome from the terrace of The National Monument of Victor Emmanuel II
Pantheon's dome
Mái vòm cuả Pantheon có hình quả cầu (đường kính cuả dome = chiều cao cuả đền = 142 ft.). Trên mái có khoảng trống hình tròn để ánh sáng chiếu vào đền và hương khói có chổ thoát ra, ngày mưa thì trong đền hay ngoài đường gì cũng ướt mem như nhau, bởi vậy hồi xưa người ta đổ nền hơi dốc cho nước không đọng lại bên trong. Kiến trúc cách đây hai ngàn năm mà tới ngày nay còn làm mình sững sờ, quả là sự kỳ diệu. Bên trong đền tuy đông người nhưng ai nấy cố giữ sự im lặng, bởi sáng đó có ca đoàn hát những bài thánh ca với giai điệu an hoà.
Piazza Navona chỉ cách Pantheon khoảng 10 phút. Thời cổ La Mã, nơi đây là đấu trường, sau đó người ta xây quảng trường Navona ngay trên đấu trường khi xưa, và bây giờ thì đón không biết bao nhiêu du khách mỗi ngày. Giưả quảng trường, trước nhà thờ Sant’Agnese là trụ tháp đặt trên bồn nước với bốn tượng điêu khắc tượng trưng cho ‘Tứ đại trường giang’, bốn con sông lớn cuả bốn đại lục (Fontane dei Quattro Fiumi), Hằng Hà (Ganges) cuả Á châu, sông Nile chảy qua Phi châu, Danube cuả Âu châu và Rio de la Plata chảy qua Nam Mỹ. Thêm hai bồn phun nước ở hai phiá Bắc, Nam cuả quảng trường với các tượng cẩm thạch chạm khắc rất mỹ thuật (Fontana del Moro, Fontana del Nettuno).
Nhà thờ Sant’Agnese ở quảng trường Navona
Nhà thờ Sant’Agnese ở quảng trường Navona
Trevi Fountain cách đó không xa, và ôi thôi một biển người bu xung quanh bồn nước, thật là không đúng lúc, định có hôm nào đi sớm về khuya, khi ấy chắc vắng người, ghé qua kiếm tấm hình, nhưng rốt cuộc không có cơ hội trở lại đó.
Gần đó có tiệm pizza, quá giờ trưa nên tiệm đã ngớt khách. Họ bán theo cân lượng, 20Eu/ kg, không rẻ, nhưng hấp dẫn quá vì họ nướng bánh mới ra liên tục mà mình đang đói meo. Tiệm bán pizza, cơm phần chỉ đâu múc đó, bánh ngọt, bánh mì….
Phần lớn người ta mua ‘take out’ hay đứng ăn trước tiệm, thấy có vài ghế kế bên bệ gỗ khuất trong góc nhà nên tụi T mua xong xề xuống ngồi ăn trong tiệm cho thoải mái. Bánh mới ra lò, nóng dòn, ngon, hương vị đậm đà, thành ra trước ngày rời Roma, nhà T trở lại thử thêm ‘flavor’ khác.
~ 0 ~Last edited by TrucLam; 04-09-2024, 09:17 AM.
Comment
-
Ancient Rome
Ở Roma, ngày Chủ Nhật đầu tháng, khách được vô cưả nhiều thắng cảnh, viện bảo tàng danh tiếng mà không tốn tiền.
Colosseo, Roman Forum và Ruin là ba khu riêng biệt nhưng xài chung một vé vô cưả, vé có giá trị trong hai ngày liên tiếp - nếu mình đi không kịp thì hôm sau đi tiếp, nhưng mỗi chổ vé chỉ xài được một lần. Nếu mua trước trên ‘net’ 18Eu/ vé thì đở màn xếp hàng mua vé. Colosseo vô một cổng, Forum và Ruin vô chung một cổng. Có hai khu bán vé: một ở gần cổng Colosseo và một ở gần Forum, cách nhau một khoảng đất trống, các quầy vé mở cưả 8:30am.
Colosseum
Sáng đó nhà T tới Colosseo lúc 8am thì ở cổng Colosseo người ta đã rồng rắn vài trăm mạng, nên qua Forum xếp hàng, chỉ khoảng chục người. Sao kỳ vậy? Ai tới đây cũng chỉ muốn coi Colosseo là chính nhưng họ không để ý là mình mua vé bên nào cũng được, và coi chổ nào trước là tuỳ mình. Vì hôm nay là Chủ Nhật đầu tháng, vô cưả Colosseo không tốn tiền nên thay vì bán vé thì họ phát vé, mỗi người một vé mà thôi không lấy dùm cho người nhà được, họ phát lẹ lắm, không cần ID, tính tiền, thối tiền….Thành ra khi quầy vé mở cưả, chỉ năm phút sau là nhà T có vé.
Có vé rồi nhà T đi coi Colosseo trước, mới mở cưả nên chỉ vài phút là qua cổng xét (security) và vô trong đấu trường. Đở quá, vưà không tốn tiền vé vưà không phải xếp hàng lâu.
Đến Colosseo để thấy kiến trúc đồ sộ mà thời xưa người ta dựng nên với bàn tay và khối óc mà còn tồn tại tới giờ. Dù đứng ở góc cạnh nào, Colosseo vưà lớn vưà đẹp làm sững sờ du khách. Vào thời đó mà người ta xây đấu trường này chưa tới 10 năm, chưá được 50 tới 80 ngàn người, với 80 cổng ra vào, nhà vệ sinh, bồn uống nước, màn che nắng che mưa... thật là không khác chi với các vận động trường ngày nay (sport stadium). Về mặt kỹ thuật, kiến trúc Colosseo quả là kỳ quan xây dựng cuả nhân loại. Còn về mặt nhân tính thì đây là nơi người đối xử với người một cách man rợ dã man, bắt nô lệ phu phen xây nên đấu trường, bắt đồng loại giết nhau để làm niềm vui.
Nắng lên cao, vùng này ít bóng cây, từ Colosseo qua Palatine Hill, Ruins, Roman Forum không xa lắm, Thưở xưa, Roman Forum là chốn hội họp tranh cải chuyện quốc gia đại sự, nơi bầu cử, chổ mua bán, nơi thiên hạ gặp nhau bàn chuyện ta bà thế giới, Forum là tâm điểm sinh hoạt đời sống cuả người La Mã ngày ấy, giờ đây, còn lại chăng là những di tích quý báu, phảng phất bóng hình thời đại hoàng kim cuả đế quốc La Mã cách đây hai ngàn năm.
Buổi chiều, nhà T tới đài tưởng niệm vua Victor Emmanuel đệ Nhị cũng là đài Chiến sĩ trận vong chỉ cách nhà 10 phút. Thang máy lên sân thượng ngày thường tốn 10 Eu, nhưng hôm nay không tính tiền, chỉ chiụ khó xếp hàng cở nưả tiếng là tới phiên mình. Trên cao, toàn cảnh Roma, chen giưả những mái ngói đỏ au, những phố phường nhộn nhịp ngày nay là các vương cung thánh đường nguy nga tự ngàn năm trước, những rêu phong trên thềm cũ, những lâu đài mang nét hoang tàn dưới bóng tịch dương.
Đài tưởng niệm Victor Emmanuel đệ Nhị và Chiến sĩ trận vong
Đài tưởng niệm Victor Emmanuel đệ Nhị và Chiến sĩ trận vong
Đài tưởng niệm Victor Emmanuel đệ Nhị và Chiến sĩ trận vong
Những ngày ở Roma, nhà T hay ghé qua tiệm Phở 1 cách nhà khoảng 20 phút đi bộ, khi thì cơm, khi thì phở, giá phải chăng, ăn được (6 – 15 Eu/ phần ăn). Ông chủ còn trẻ, cách đây mấy năm đi lao động bên Tiệp Khắc rồi tìm cách qua Ý. Tiệm mở được hai năm nay, khoảng 10 bàn bên trong và vài bàn bên ngoài. Quán ăn ở Ý bàn ghế nhỏ lắm vưà vặn cho khách ngồi chứ không to xồ xề như ở Mỹ. Tuy bận xào nấu nhưng mỗi lần nhà T vô quán là ông ra hỏi thăm và nói: Lúc nào tới ăn cũng được dù là giờ nghỉ trưa hay chưa tới giờ mở cưả.
Xếp hàng vô cửa viện bảo tàng
~ 0 ~Last edited by TrucLam; 04-09-2024, 09:31 AM.
Comment
-
Arrivederci Roma
Mới đó mà nhanh quá, hôm nay là ngày cuối cuả chuyến đi, HT ra Roma Termini mua vé xe lưả để sớm mai ra phi trường. Buổi trưa nhà T tới tiệm pizza Roscioli có bánh ngon ăn đợt chót. Sau đó tới vài ‘landmark’ nổi tiếng ở Roma như quảng trường Popolo , công viên Borghese, Spanish Steps…. Chiều xuống con đường từ công viên Borghese tới Spanish Steps diụ mát nhờ hai hàng cổ thụ tàng lá giao nhau gợi lên hình ảnh những hôm chiều tím loang viả hè cuả Sài thành ngày trước, có đoạn đi ngang qua toà đại sứ Mỹ, những cánh cưả gỗ nâu đỏ im vắng, đượm nét cổ kính rất hợp với Roma.
...
Quảng trường Popolo từ Pincio
...
Những con hẻm ở Rome
Borghese
Al di la (Beyond) - Connie Francis
Phố xá trong Roma nhà cưả san sát nhau, ngoài những đại lộ xe cộ ì xèo là những con đường lát đá đen bóng lưỡng dưới ánh sáng mặt trời, khe hở gập ghềnh giưả những hàng gạch làm những ai mang guốc cao đi không quen lọi giò như chơi. Những con hẽm rậm mát nhờ dãy nhà hai bên che bớt nắng trưa. Những con dốc leo đã đời trời đất vì Eternal City có bảy ngọn đồi nằm rải rác trong thành phố, tuy không cao lắm, nhưng không phải là khu đồng bằng.
T có đọc đâu đó người ta viết là: ‘If you don’t enjoy a place, maybe you don’t know enough about it.’ (Nếu bạn không thích chổ bạn đến du lịch, có lẽ vì bạn chưa biết lắm về nơi đó.) Trước khi đi HT chỉ ‘reseach’ đi chổ nào, chổ đó có gì hay và làm thế nào để tới đó mà thôi. Chừng tới nơi mắt thấy tai nghe quả là thích thú, nhưng thời gian eo hẹp nên khó mà hiểu được tới nơi tới chốn. Về lại nhà đọc lại sách, xem lại phim, nhớ lại những ngày ở đó, thấy biết thêm được chút nưã, và mong có dịp trở lại với nhiều thời gian để ‘explore’ thêm.
HT xin chia sẻ với bạn đọc vài cảm nghĩ sau chuyến đi Ý.
Thành phố yêu thích:
Roma: quá nhiều danh lam thắng cảnh, coi chưa mãn nhãn.
Venice: đẹp và quyến rũ
Florence: thành phố cuả nghệ thuật Phục Hưng. Hồi trước T coi phim Inferno = Hoả ngục (Tom Hanks đóng) toàn những cảnh ở Florence, Venice, quan niệm về hoả ngục trong The Divine Comedy cuả Dante, nhưng chỉ hiểu lõm bõm, nhờ tới Florence vô Baptistry và thánh đường Florence mới biết thêm nhiều điều thú vị.
Nhà thờ: đẹp quá, mê lắm, chưa chán, nhiều ẩn tích lịch sử các thời đại, ý nghiã tôn giáo…, rất hay.
Món ăn khoái khẩu:
Seafood salad, cá chiên và khoai nghiền ở Venice.
Panini ở nhà ga Milan.
Focaccia với những lát khoai tây vàng ngậy trên mặt, kem húng quế mật ong, kem chanh ở Corniglia hương vị thơm tho.
Anchovy Pasta ở Monterosso: đơn giản mà đậm đà.
Kebab ở Florence: rẻ và ngon.
Piazza tiệm Roscioli, Burrata cheese, bánh mì ăn với dầu olive, bánh mì thịt Porchetta ở Roma.
Khi đi du lịch ở Nhật Bản, T thấy người Nhật không rề rà ở tiệm ăn, kiểu cuả họ ăn cho nhanh rồi đi. Ở nhà hàng Ý, T thấy người ta nhẩn nha thưởng thức bưả ăn, vưà ăn vưà uống rượu vưà nghe nhạc. Ở những thành phố như Venice, Florence… nghệ sĩ đàn hát quanh quảng trường nhiều bản nhạc có mãnh lực kềm chân du khách. Phải chăng tiết tấu trầm bổng làm tăng khẩu vị cuả thực khách, nên nhà hàng bày bàn ghế trước cưả tiệm để khách vưà ăn vưà nghe nhạc và thấy: ‘Ơ, tiệm này nấu ngon à nha.’ HT không có những bưả ăn có người hoà đàn cho nghe, nhưng khi đi qua những khu phố như thế thì cũng nghe ké được. Trong loạt ký sự này, T gắn vài bài hát tình cờ nghe được trong những tối lang thang ở các quảng trường để các bạn vưà đọc bài vưà thả hồn theo những ‘note’ nhạc hay.
Phương tiện di chuyển: tiện lợi, nhiều chuyến nên không phải đợi lâu, đúng giờ, giá phải chăng, sạch sẽ (xe lưả và metro), chưa xài bus nên không biết. Có điều, nơi T ở phố xá quanh đó đi bộ là tới nên tiện vô cùng nếu trưa mệt thì về nghỉ chiều đi tiếp. Ở Roma, đông xe nhưng sau vài lần nhấp nhứ là băng qua ngả năm, ngả sáu như thiên hạ, mình ngó xe, xe ngó mình nhường nhau mà đi.
Người Ý: vui vẻ, nhanh nhẹn (service ở những nơi buôn bán). Hôm T ăn tối nhà hàng ở Milan, Nam gọi Tiramisu tráng miệng – tuy chỉ gọi một phần nhưng người bồi rất ý tứ, đem ra ly Tiramisu kèm theo ba cái muỗng. Đi tới xứ lạ, T học tối thiểu hai chữ, tiếng cuả người ta: chào bạn và cám ơn (ở Ý: ciao và grazie). Nhờ đó T biết thêm, trong tiếng Ý, chữ ‘c’ đứng trước chữ ‘e’ hay ‘i’ đọc là ch (church) hay j (jane) trong tiếng Anh, để nói cho đúng mấy chữ vốn liếng cuả mình. Ví dụ: ‘cello’ đọc là ‘chello’, Leonardo da ‘Vinci’ đọc là ‘Vinchi’, ‘ciao’ đọc là ‘chiao’, ‘cappuccino là ‘cappucchino’…. Ha… ha… muá riù qua mắt bạn chút xiú nha.
Khách sạn: giá phải chăng, những phòng trọ T mướn có trần nhà rất cao, ít nhất là 12ft nên rất khoản khoát, sạch sẽ, an ninh.
Tip, thuế: Phòng trọ, T để ‘tip’ mỗi ngày nhưng người dọn phòng không lấy. Nhà hàng tính típ trong hoá đơn nên không cần để tip. Có lẽ họ đã cộng thuế trong món ăn nên trên hoá đơn không có phần ghi thuế. Nước uống ở nhà hàng rất mắc 2 – 6 Eu/ phần, nhiều khi không có nước đá. Nhà T không ai uống rượu mạnh hay rượu vang nên không biết giá mắc rẻ thế nào. Nếu kêu nước lạnh dù chỉ cho một mình T, họ đem ra chai 1 lít = 3Eu, uống sao thấu, nên nhà T chia nhau uống. Nếu không muốn trả tiền chai nước thì xin họ một ly ‘tap water’. Trên đường phố cuả Ý có rất nhiều vòi nước công cộng, mát như nước trong tủ lạnh, nước này từ nguồn thiên nhiên trên núi chảy xuống, sạch sẽ vệ sinh, không có hoá chất, nên khi khát T uống nước phông tên dọc đường như thiên hạ.
Toilet: sạch sẽ, những nơi công cộng phải trả tiền: 70 xu – 1.5 Eu tuỳ nơi, không đến nỗi nào. Các quán ăn bình dân đều có ‘toilet’ cho khách xài.
Nếu bạn đọc để ý sẽ thấy những bài ký sự du lịch ở ngoài nước Mỹ ít khi T nêu ra điểm không hay cuả nơi mình đến vì nghĩ mình chỉ ở đó dăm bưả nưả tháng, vả chăng những chuyện không vưà ý có khi đó là lối sống cuả dân ở đó từ nào tới giờ - nhập gia tuỳ tục. Du lịch ở Ý, không có điều chi làm nhà T phật lòng, có đôi điều T ghi lại đây:
Trước khi đi T đọc thấy người ta khuyên nên cẩn thận vì nạn móc túi. Điều này thì dễ, mình chuẩn bị cẩn thận, thành ra chuyến đi suông sẻ. Ở Milan và Florence dân di cư (người da màu) hay ép khách mua hoa hay vòng đeo nhưng mình không lấy thì thôi.
Những hình vẽ trên tường ‘fresco’ hay ‘mural’ trong nhà thờ, thư viện….thì T ưa lắm, còn những loại vẽ ngoằn nghoèo trên cưả nhà người ta, trên tường trong phố … thì không ưa chút nào. T thấy thời nay nạn vẽ bậy ở Mỹ hay ở đâu cũng có đầy dẫy, chỉ sợ ở những thành phố xưa cũ như Rome, Florence, Venice…, người ta vẽ lên những di tích lịch sử thì là điều đáng buồn. Chính quyền chắc cũng cố gắng ngăn chận nhưng ý thức cuả dân mới là điều cốt lỏi.
Khoảng đầu thập niên 70, phong trào nhạc ngoại quốc lời Việt thịnh hành, Arrivederci Roma là nhạc phẩm cuả Ý và có người đặt lời Việt cho bài này, T nhớ man mán: Ngày ấy… có em…. trong giấc mơ.... Ngày ấy… tình anh… mong chờ…..’ Tiếc là T không nhớ tên bài hát lời Việt nên không tìm ra trên ‘youtube’ để link vô bài, không biết các anh chị có nhớ nhạc phẩm Arrivederci Roma lời Việt này không?
Và cuối cùng, ký sự Ý đại lợi tới đây là hết.
Arrivederci Italia.
Cảm tạ sự theo dõi cuả bạn đọc.
~ 0 ~Last edited by TrucLam; 04-09-2024, 10:12 AM.
Comment
Comment