Announcement

Collapse
No announcement yet.

MỘT QUÃNG ĐỜI

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • MỘT QUÃNG ĐỜI

    Phần 1: Tuổi Trẻ Dại Khờ

    Tuy không phải địa chủ nhiều ruộng đất nhưng với 6 công đất rẫy ở sát thị xã và chịu khó trồng hàng bông, mùa nào thức nấy bán cho bạn hàng nên nhà ông ngoại cậu sống trong sung túc, có của dư, của để.

    Do hiếm muộn, lúc ông đã gần 50 tuổi mới có một mụn con mà cô gái lại nhỏ người, yếu đuối nên ông bà rất yêu thương, cưng chìu, không bắt học hành hay phải làm việc nặng. Khi con gái lớn lên, sợ con gái yêu không kham nỗi việc làm dâu họ cố tìm một chàng trai hiền lành, giỏi việc và chịu ở rể làm chồng cho con. Thế là hai ông bà để ý tìm trong đám trai làng và những làng lân cận một chàng rể thích hợp. Không chàng trai nào trong vùng khiến họ yên tâm, vững dạ để phó thác con gái và sau này là cả cơ ngơi, sự sản của họ cho. Rồi một hôm trong giao dịch làm ăn họ nhận thấy trong đám bạn chèo của những chiếc ghe thương hồ lui tới có một chàng trai tên Nguyễn văn X. vóc dáng vạm vỡ, mặt mũi coi được, nói tiếng Trung nhưng giọng nhẹ, dễ nghe, tính tình hiền lành, siêng năng, cần cù, không ngại khó khổ. Khi đã quen gia đình chàng trai ấy khai thật là con trưởng của một gia đình ở Huế làm nghề cung cấp đất sét cho lò gốm trong vùng. Trong một lần cùng người em trai kế đi chở đất, ghe bị nạn và người em trai chết. Buồn, hối hận, sợ trách nhiệm trước mất mát quá lớn, chàng trai ấy xin làm bạn chèo trên một ghe thương hồ trốn vào miền Nam, mấy năm nay sống đời phiêu bạt, nổi trôi theo dòng nước rày đây, mai đó như một đám lục bình.


    (Nguồn ảnh: NET)

    Đám lục bình ấy trôi đến một nhánh sông Tiền thì trổ bông. Một đám cưới nhỏ nhưng tươm tất với đầy đủ nghi lễ được tổ chức. Chàng rể hiền lành lại siêng năng trong việc đồng áng, gia đình sống trong ấm êm, hạnh phúc. Một thời gian sau mẹ cậu sinh con gái đầu lòng nhưng chị vắn số. Năm sau cậu ra đời trong sự vui mừng, yêu thương của ông bà ngoại và cha mẹ. Ba năm sau mẹ cậu sinh thêm một em gái, rồi 5 năm sau cậu có em trai út. Đến tuổi được cho đi học, cậu đã làm cho gia đình cùng làng xóm hảnh diện khi đậu Sơ Học lúc chưa 10 tuổi, được quan Tây Đốc Học đích thân trao chứng chỉ và bắt tay. Khi người em trai út mới ngoài tuổi tôi cha cậu bạo bệnh qua đời; hậu quả của những năm tháng lao lực vất vả thời trai trẻ.

    Nhà mất lao động chính, bi kịch bắt đầu từ đấy. Hơn năm sau ông ngoại cậu qua đời vì bệnh già. Tang này chưa mãn lại có thêm tang mới. Bao nhiêu của cải tích lũy được giờ lần lượt ra đi; sát ranh cuối cuộc đất có thêm hai ngôi mộ đá ong. Gánh nặng kinh tế giờ đặt lên vai bà ngoại cậu.

    Sau khi mãn tang chồng, có một người ở làng bên lân la đến làm quen mẹ cậu. Biết gốc tích và tính tình không tốt của người ấy, bà ngoại cậu cực lực phản đối nhưng vì quy luật chỉ gả con một lần nên bà không thể nào ngăn cấm. Việc phải đến đã đến. Người ấy ngỏ lời xin chắp nối và nhận được sự đồng ý của mẹ cậu, bất chấp sự phản đối của bà ngoại. Bà không nhận rể nên không cho người ấy vào nhà sống.

    Cảnh xảy đàn, tan nghé diễn ra. Bà ngoại cho mẹ cậu một số vốn để ra riêng, tạo lập cuộc sống bên người chồng mới. Khi ra đi, mẹ cậu dẫn theo hai em nhỏ, còn cậu được bà ngoại giữ lại nuôi. Bà cũng cấm cậu không được léo hánh sang nhà của mẹ , mà nhà của mẹ cậu và người chồng mới có đâu xa, chỉ bên kia con mương giáp ranh phía sau cuộc đất nhà. Nhà ngoại cậu trước đây đông người, lúc nào cũng vang tiếng nói, tiếng cười, tiếng học bài của anh em cậu giờ chỉ còn hai bà cháu trở nên âm u, vắng vẻ. Căn nhà hình như rộng ra. Bàn thờ đầy hơn vì giờ có thêm hai di ảnh. Ban ngày nhà càng vắng vẻ vì cháu đi học còn bà làm lụng ngoài đồng. Cháu còn nhỏ, ngoài việc học chỉ biết phụ giúp chút đỉnh việc nhà, còn bà nay đã ngoài 60, sau mấy mươi năm không phải trực tiếp lao động vì việc nặng đã có chồng, có con rể lo nên giờ làm không quen và cũng không còn đủ sức khỏe. Nhưng vì cuộc sống bản thân, vì tương lai cháu nên hằng ngày bà phải vác cuốc ra đồng. Rồi bà tìm ra được “thần dược” giúp vượt qua nỗi đau thể xác, do tuổi già phải lao động nặng, và cũng để nhất thời quên được những phiền muộn xảy đến vào cuối đời: Rượu. Sau một lúc cuốc đất thấm mệt, khát nước, bà vào bếp nhấp một ngụm rượu. Rồi đến lúc bà uống rượu thay nước.

    Hai bà cháu sống trong eo hẹp nhưng điều quan trọng là cậu vẫn được đến trường. Hàng xóm cám cảnh, mến gia đình xưa nay ăn ở hiền lành, chí thú làm ăn, giờ lại gặp tai ương dồn dập. Họ mến tài học của cậu, nhiều người ngỏ ý muốn giúp đỡ phụ nuôi cậu ăn học nhưng bà ngoại cậu khẳng khái từ chối. Họ nghĩ ra nhiều cách để giúp. Người hàng xóm bên cạnh trưa trưa lại nói vói sang: “Bà nội thằng ba, trưa nay nếu nó rảnh bà cho nó sang nhà tôi đọc truyện. Giọng nó đọc truyện, nhất là đọc thơ Lục Vân Tiên hay lắm. Bà nhà tôi nhớ nó. Bả nhắc mấy bữa nay sao không thấy nó sang chơi.” Khi cậu sang, trên bàn đã để sẵn khi thì tô cà ri, khi thì tô bún nem nướng. Cuối năm học cậu mang về nhà không chỉ có gói phần thưởng của trường.

    Với cậu, những thiếu thốn hay khó khăn trong cuộc sống không quan trọng vì cậu vẫn được đến trường, vẫn được vui bên bạn bè và thầy cô. Chính những mất mát xảy đến dồn dập: mất cha, rồi mất ông và nay phải xa rời mẹ và hai em đã tác động mạnh đến cậu. Mẹ và em cậu vẫn sống cạnh bên, gần nhưng rất xa vì bà ngoại ngăn cấm không cho lui tới, tiếp xúc, và bản thân cậu cũng không muốn lui tới căn nhà ấy vì những điều tiếng không hay của người cha dượng mà cậu được nghe hay đôi lần trực tiếp chứng kiến. Cậu nhớ mẹ, nhớ em. Thỉnh thoảng vẫn gặp mặt, vẫn nghe tiếng nhưng không được mẹ lo lắng, chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ như trước đây, không được bồng, được nựng đứa em trai út, cùng học, cùng chơi với đứa em gái. Tất cả những thiếu thốn tình cảm ấy trĩu năng trong tim cậu bé. Buổi sáng phải đi học nên buổi trưa, khi bà ngoại vào nhà nghỉ trưa, cậu thường mượn cớ ra sau đất nhà “vừa trông rẫy, vừa cho yên tĩnh dễ học bài” để có thể nghe tiếng mẹ, tiếng hai em bên kia mương vọng sang, hoặc nhìn thấy ba người thân ấy qua khung cửa sổ, hay khi họ bước ra sân. Cũng may ở cuối cuộc đất, gần phía bờ mương có cây bằng lăng già to, cao, tạo bóng mát cho cậu ngồi và có cành lá um tùm để cậu có thể lén trèo lên đó nhìn xuyên qua cửa sổ, thấy được mẹ và em. Nhiều lần cậu muốn lên tiếng gọi mẹ, gọi hai em nhất là khi nhìn thấy họ bước ra khỏi nhà hay xuất hiện bên khung cửa sổ nhưng cậu không dám gọi do sợ bà biết và cũng vì cậu không muốn gặp mặt người cha dượng. Những lần ra sau vườn nhìn sang thấy nhà mẹ đóng cửa, hay ngồi chờ lâu mà không nghe tiếng, không thấy mẹ và em, cậu chỉ biết ngồi lặng lẽ khóc. Cậu nhìn quanh quất, bên phải là hai ngôi mộ đá ong mới màu còn đỏ rực, đám ruộng nhà kế bên trái lúa mọc xanh rờn, xa xa là đám cây với những cây dừa có tàu lá cong dễ nhận biết, cây dương cổ thụ cành lá cao vượt đơn độc, tiếng gà gáy trưa eo óc từ xa vang vọng lại... Không gian rộng lớn nhưng trong tầm mắt cậu hiện nay không một bóng người. Ngó tới, ngó lui cũng chỉ có mỗi mình cậu! Nhiều đêm nằm trên bộ ngựa gõ trước nhà nhìn lên bàn thờ mờ mờ thấy di ảnh cha, di ảnh ông rồi nhớ lại cảnh đời đơn chiếc hiện nay: chỉ bị mất cha nhưng nay cậu như người mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cậu lại tủi thân khóc. Nước mắt đã rơi trong nhiều đêm như thế.

    Trời mưa bong bóng phập phồng,

    Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?

    Bốn năm sau ngày ông ngoại mất bà ngoại qua đời. Mẹ cậu trở về lo việc ma chay, hậu sự cho ngoại. Cha dượng cũng về theo. Cậu được đoàn tụ với mẹ và hai em. Niềm vui đoàn tụ kéo dài không lâu. Mọi việc xảy ra đúng theo ý định ngay từ đầu của người cha dượng. Giờ không còn gì có thể ngăn cản ông ta đạt được mục đích, và những thói hư tật xấu từ lâu phải kềm chế nay được tự do thể hiện. Tức nước vỡ bờ. Sau nhiều lần kềm chế để cho nhà được yên, cho mẹ được vui nhưng ngày càng bị áp chế, cậu đã phản kháng lại cha dượng. Cậu phải ra đi. Cậu đã ra đi với lời thề sẽ không bao giờ quay lại căn nhà ấy, quay lại cuộc đất ấy. Đó là một sai lầm mà suốt đời cậu phải hối hận. Cậu còn quá nhỏ để hiểu rằng cuộc đất, căn nhà chỉ là những thứ để con người sử dụng. Chúng hoàn toàn vô tội. Nếu có giận, ghét hay căm thù thì đối tượng của những cảm xúc ấy phải là con người.

    Sức yếu, không thể vác lúa cho nhà máy chà gần nhà nên ban ngày cậu phải ra chợ kiếm việc làm thuê để có cái ăn, đêm tối ngủ hàng hiên hay nhà lồng chợ. Một buổi sớm ông chủ tiệm cà phê người Hoa mở cửa bưng bếp ra lề đường nhóm lửa thì thấy ngủ trước hiên nhà là một cậu trai mặt trông khá quen. Nhìn kỹ ông nhận ra đó là cậu học trò trước đây thỉnh thoảng vẫn ôm cặp đi ngang tiệm. Ông hỏi tự sự. Cậu trai thành thật trả lời. Cám cảnh, ông nhận cậu trai vào làm công việc chạy bàn, cho ăn, ngủ tại tiệm và đối xử như người trong nhà. Cậu trai không phụ lòng ông chủ. Cậu siêng năng, chịu khó làm việc và sáng ý. Việc gì mới chỉ cần chỉ cậu một vài lần là có thể làm thành thạo. Làm trong tiệm vài tháng cậu có thể hiểu và thậm chí trả lời được những câu tiếng Quảng Đông mà ông thường nói. Còn những thầy thông, thầy ký vào tiệm nói tiếng Pháp cậu cũng trả lời trôi chảy. Cậu rất được ông chủ thương.

    Cách mạng tháng Tám nổ ra. Khách vào tiệm cà phê đông hơn và ngồi lâu hơn, thường là để bàn chuyện quốc sự. Những lời bàn tán ấy lọt vào tai cậu chạy bàn. Câu cửa miệng của đám thanh niên dạo ấy là, “Đất nước lâm nguy, thất phu hữu trách.” Một buổi tối cuối năm 1945 cậu ngỏ lời cám ơn ông chủ vì hơn năm qua được ông cưu mang, bảo bọc, đối xử như con cháu trong nhà, và xin phép ông được ra đi theo cách mạng. Năm đó cậu 16 tuổi, tiệm cà phê nằm trên đường Gia Long treo bảng hiệu Đổng Hính.

    (Còn phần 2)



  • #2
    Phần 2: Xây Dựng và Phụng Sự Tổ Quốc

    Cậu tìm đến người bạn đã hứa sẽ giới thiệu cậu vào một tổ chức. Người bạn nói cần phải “tạo tiếng vang, phải lập thành tích” để được kết nạp đảng và hẹn hôm sau đến một nơi nhận quả lựu đạn cùng chỉ thị về địa điểm, thời gian gài quả lựu đạn đó. Cậu không bao giờ đến nơi hẹn để nhận món đồ giết người ấy. Một năm sống gạo chợ, nước sông đã làm cậu trưởng thành lên nhiều. Cậu đến với một đảng có đường lối ôn hòa và hướng đến xây dựng một quốc gia theo thể chế dân chủ, cộng hòa. Sau một thời gian công tác tại Sa Đéc, cậu được lãnh đạo tổ chức tại địa phương nhận thấy ưu điểm tuy còn trẻ nhưng có đầu óc, biết tổ chức, rất có tiềm năng phát triển nên gửi lên trụ sở trung ương đảng, giờ đã là một liên minh các đảng phái, có trụ sở chính tại Sài Gòn để được huấn luyện thêm. Cậu được tổ chức cho đi học đệ tam và đệ nhị tại trường Huỳnh Khương Ninh, một tư thục tọa lạc trên đường Cống Quỳnh, Sài Gòn.

    Năm 1951 tổ chức ra huấn thị: Yêu cầu cấp thiết trước mắt là đảng viên chung tay xây dựng ngay một chính quyền theo thể chế Cộng Hòa vững mạnh để có thể giữ vững tổ quốc. Cụ thể những đảng viên nòng cốt tùy nguyện vọng cá nhân và khả năng sẽ được tổ chức gửi đi học các ngành chuyên môn để sau nầy về phục vụ các bộ, ngành liên quan trong bộ máy chính quyền. Cậu, giờ đã là một thanh niên, lại yêu thích thể thao nên xin học ngành Công tác Thanh Niên. Cuối năm 1951 người thanh niên ấy được gửi tham dự khóa đào tạo huấn luyện viên thể dục kéo dài 1 năm tại Nha Trang (Khóa I - Quyết Tiến). Tại buổi lễ kết thúc khóa học, đại diện nhà trường cho biết vì chiến sự đang diễn ra ác liệt nên ưu tiên một của chính quyền lúc ấy là xây dựng bộ máy quân sự để giữ vững nước nhà. Những học viên đã tốt nghiệp khóa học nếu thích binh nghiệp sẽ được nhà trường đặc cách giới thiệu (vì học lực của đa số khóa sinh chỉ mới đến đệ nhị, trong khi học lực yêu cầu của khóa sinh trường võ bị là tú tài 2) học khóa sĩ quan hiện dịch tổ chức tại Nam Định (tiền thân của trường võ bị Đà Lạt sau nầy). Những người không thích theo nghiệp lính nhà trường sẽ trả về địa phương chờ lệnh triệu tập làm việc của chính phủ, nhưng sẽ phải đợi nhiều năm!

    Vốn không thích quân đội người thanh niên ấy trở về quê nhà lao động nuôi gia đình và bản thân trong thời gian chờ đợi lệnh triệu tập làm việc của chính quyền. Rất nhiều bạn cùng khóa Quyết Tiến của người ấy tình nguyện gia nhập quân đội. Sẵn có đoàn quân xa ra Bắc nhà trường sắp xếp cho họ đi cùng. Đoàn quân xa đi đến cuối địa phận Liên khu IV thì bị phục kích, một số người tử trận khi chưa kịp mặc áo lính. Còn với người thanh niên ấy “cây muốn lặng nhưng cơn gió chiến tranh” chẳng chịu ngưng. Chỉ mấy tháng sau khi về địa phương, chính quyền gửi đến giấy gọi, không phải giấy gọi đi làm mà là giấy gọi học khóa hạ sĩ quan tại Sóc Trăng (tiền thân trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế).

    Không thể tránh né, xin đi lính trơn theo chế độ quân dịch nhằm rút ngắn thời hạn phục vụ quân đội cũng không được, người thanh niên ấy miễn cưởng trải qua 6 tháng quân trường, cuối khóa bị đánh rớt (hay cố tình thi rớt?), bị đánh giá có thái độ “lừng khừng”, hạ bậc thành hạ sĩ nhất và trả về tiểu khu Vĩnh Long. Tiểu khu Vĩnh Long tiếp nhận, đội lên đầu chiếc beret đen của lực lượng Vệ Binh Tỉnh (sau nầy đổi thành Bảo An, rồi Địa Phương Quân), tống xuống chi khu Chợ Lách.

    Dạo ấy (1953) phương tiện giao thông giữa Vĩnh Long và Chợ Lách chỉ bằng 2 chiếc đò máy nên trong thời gian thử thách chi khu Chợ Lách giao cho viên hạ sĩ nhất trẻ khẩu súng trường làm công việc ngồi trước mũi một trong hai chiếc đò hằng ngày đi hộ tống. Sự hiện diện của “chú cai” (cách người miền Nam gọi quân nhân mang cấp bậc hạ sĩ) trẻ tuổi, đẹp trai, quân phục, quân hàm còn mới tinh chắc đã làm nhiều cô đi đò Chợ Lách-Vĩnh Long phải xao xuyến, và chắc cũng làm những bà biết chuyện ngạc nhiên vì lon này vốn chỉ được mang bởi những cựu binh với thâm niên hàng chục năm service. Rồi được phục chức trung sĩ, lãnh một tiểu đội đi đóng đồn hay tham gia đóng đồn: đầu tiên là đồn cầu Mương (cách bến phà Đình Khao khoảng 3km), rồi đồn cầu Ngang, đồn cầu Kè…

    Trong một trận càn thầy đội (cách dân miền Nam gọi quân nhân mang cấp bậc trung sĩ) bị sụp hầm chông, mũi chông sắt đâm sướt ống quyển. Đang hành quân nên chỉ băng bó sơ sài, đến khi dừng quân chỗ vết thương đã sưng tấy, người lên cơn sốt. Quân y đơn vị chỉ có thể rửa sạch bên ngoài vết thương, bôi tenture d’iode, cho uống aspirin và trụ sinh sulfa. Hai ngày sau khi được mang về đến quân y viện tỉnh, nhân viên quân y viện lúc ấy chỉ còn có thể dùng dao cắt bỏ phần thịt “thúi” (hoại tử) gần thấu xương!

    Nằm viện 2 tháng vết thương lành, trở về trình diện tiểu khu. Được đổi sang Phòng 4 (Tiếp Vận) làm công việc vận chuyển, tiếp tế súng đạn cho tất cả đồn, bót trong chi khu Châu Thành và tất cả các chi khu khác trong địa phận tiểu khu Vĩnh Long. Thời gian làm việc cho Phòng 4 cũng có những lúc vui: được đi khắp tỉnh Vĩnh Long, có lần bị dân chận xe nhờ chở giúp sản phụ đến nhà hộ sinh, rượt bắt đà điểu hoang giữa đồng…, cũng có lúc nguy hiễm như lần bị bắn tĩa, và mối nguy triền miên của người làm nhiệm vụ vận chuyển súng đạn: mìn, lựu đạn nổ bất thình lình hay nổ khi xe sụp ổ gà…, dù những thứ nầy được bao bì, đóng thùng, che chất, ràng rịt rất cẩn thận.

    Trong quá trình làm việc tại Phòng 4 cấp trên biết thầy đội có trình độ văn hóa, biết cách tổ chức làm việc khoa học, hợp lý, nói chung là có đầu óc nên thăng chức đồn trưởng kiêm hương cả (xã trưởng): đầu tiên là xã Sơn Định thuộc huyện Chợ Lách, sang năm 1954 được giao phụ trách xã Tân Ngãi, một xã quan trọng của huyện Châu thành, nằm trên đường chiến lược trọng yếu nối liền thị xã Vĩnh Long và bến bắc Mỹ Thuận. Lúc nầy chiến tranh đang vào giai đoạn quyết liệt vì cả 2 bên tuy đã chịu ngồi vào bàn đàm phán tại Geneve nhưng đều trông chờ vào một chiến thắng lớn trên chiến trường, tạo thế mạnh trên bàn đám phán. Giữa năm viên đồn trưởng được tin báo vợ ở nhà sinh con trai.


    Chợ Trường An, xã Tân Ngãi, Vĩnh Long

    Ngày 20.07.1954 hiệp định đình chiến được ký kết, hòa bình lập lại, lực lượng Việt Minh tập kết ra Bắc, đối lại đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Gần xã Tân Ngãi có con sông rộng, Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến (UHQTKSĐC) phái tàu Ba Lan chạy đến đấy neo chờ chở người tập kết ra Bắc. Có điều rắc rối là một phần con đường đất dẫn đến bến tàu Ba Lan đang neo lại nằm trong phạm vi phòng thủ của đồn. Những người tập kết đòi đồn mở rào để họ đi trên đường. Viên đồn trưởng vì sự an nguy của cả đồn không đồng ý, ra lệnh tất cả binh sĩ vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, gài thêm lựu đạn lên rào. Trước biện pháp quyết liệt nầy những người tập kết phải băng đồng mà đi nhưng không quên gửi đơn khiếu nại đến UHQTKSĐC. Ủy Hội Quốc Tế gửi giấy triệu tập “đồn trưởng Tân Ngãi” về Cà Mau giải trình sự việc, nhưng do lúc nầy đồn trưởng đang bận thực thi nhiệm vụ hương cả nên phải vắng mặt! Xã Tân Ngãi được giao nhiệm vụ tiếp nhận và ổn định cuộc sống ban đầu (ở tạm) cho một số đồng bào di cư vì có đình làng Tân Ngãi và nhà lồng chợ Trường An rất to, có thể dùng làm chỗ ở tạm cho hàng trăm người, trước khi các khu trù mật (tên gọi chính thức ở miền Nam các khu định cư người di dân, ở miền Đông gọi là khu dinh điền) như Cái Sắn, Vị Thanh, Hỏa Lựu… đang được cấp tốc xây dựng để người dân đến sống lâu dài.

    “Em bé có đôi mắt huyền” 5 - 6 tháng tuổi được các mẹ, các chị thay phiên nhau bồng vì mẹ của em và các bà vợ lính khác phải chia nhau ra hướng dẫn đồng bào mới vào Nam cách sinh hoạt ở vùng đất quanh năm nước ngọt, vốn rất lạ với họ qua những việc nhỏ nhặt như lóng phèn cho nước trong để sử dụng nhưng nước đã lóng phèn không được uống, hay dùng cành nhánh cây, lá dừa để đun nấu trên lò cà ràng…

    Hòa bình lập lại, người lính ấy lập tức xin giải ngũ ngay đợt đầu, mong trở về đời sống dân sự bình thường, nhưng phải đến đầu năm 1958 (đủ 5 năm phục vụ) mới được toại nguyện vì lúc nầy quân đội rất thiếu sĩ quan, hạ sĩ quan được đào tạo chính quy, bài bản. Ngay lập tức người ấy nộp đơn xin việc tại bộ Giáo Dục (phải một thời gian sau Tổng Nha Thanh Niên và ở tỉnh là ty Thanh Niên mới được thành lập) nhờ có bằng đánh máy Quốc gia Thương mại (sau mấy tháng học đánh máy chữ ở trường Bá Nghệ, Vĩnh Long, nhưng phải lên tận Sài Gòn thi), một thời gian ngắn sau (năm 1958) nhận được quyết định điều động đến làm việc tại ty Tiểu học tỉnh Phước Long (Bà Rá!), một tỉnh mới thành lập, vừa dạy thể dục cho trường trung học tỉnh. Vài năm sau ty Thanh Niên Phước Long được thành lập thì chuyển về làm. Năm 1968 hay tin Tổng Nha Thanh Niên sát nhập vào bộ Giáo Dục để trở thành bộ Giáo Dục & Thanh Niên, vốn chán nản sau nhiều năm phục vụ tại các nhiệm sở chỉ đến được bằng phi cơ (Phước Long-9 năm, Bình Tuy, Chương Thiện-mỗi nơi mấy tháng), người ấy xin chuyển qua ngành giáo dục và được chấp thuận. Đầu năm 1969 nhận quyết định điều động về trường Hồ Ngọc Cẩn (gần chợ Bà Chiểu, Gia Định) làm giáo viên thể dục cho đến ngày 30.04.1975. Sau giải phóng thầy giáo thể dục qua thời gian cải tạo ngắn hạn được lưu dụng, điều về dạy tại trường Trần Khai Nguyên, quận 5 cho đến ngày về hưu.


    Comment


    • #3


      Loạt bài viết của thread này đã gợi lại nhiều chi tiết địa danh, từ các vùng quê hay ở thành phố ngày xưa. Một quãng đời dài của một người theo vận nước nổi trôi đi đến nhiều vùng miền đất nước. Tất cả đã được ghi kể lại khá đầy đủ chi tiết nên lôi cuốn người đọc cho đến khi tác giả chấm dứt loạt bài với “đến ngày về hưu”.

      Có lẽ nhân vật chính, người “cậu”, trong câu truyện không phải là “anh hoặc em trai của mẹ”, mà là … ba (cha) ?.

      Tình thân,

      4


      Best wishes,

      Comment


      • #4
        Vĩnh Long, vùng đất quê hương, nơi gia đình mình (nhất là bên ngoại) đã nhiều đời gắn bó, nơi mình sinh ra và sống những năm tháng đầu đời, nhất là xã Tân Ngãi, và gắn liền với xã nầy là chợ Trường An, cầu Cái Cam.

        Các bạn người miền Tây chắc chắn có thấy, có đi ngang chợ Trường An, người vùng miền khác có thể biết chợ Trường An qua một vở cải lương của đoàn Hương Mùa Thu qua tên 2 nhân vật: Lê thị Trường An và Lê Long Hồ.

        Mình viết bài nầy nhằm đáp ứng nỗi nhớ quê hương và con người sống trên vùng đất ấy.


        Comment


        • #5


          Soạn giả cải lương ngày xưa hay thật, lồng những tên địa danh quê hương vào nhân vật, vào vỡ tuồng, rất tự nhiên. “Tuyệt Tình Ca”, còn được gọi là vỡ tuồng “Ông Cò quận 9”, là một trong những vỡ tuồng bất hủ của sân khấu cải lương trong thập niên 60s, 70s. Tiếc rằng ngày nay, cải lương một nghệ thuật văn hóa độc đáo miền Nam đang chết dần mai một.



          Trích Đoạn Cải Lương "Tuyệt Tình Ca", PBN 52




          Tình thân,

          4


          Best wishes,

          Comment

          Working...
          X