Announcement

Collapse
No announcement yet.

PHƯỚC LONG, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA TÔI

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • PHƯỚC LONG, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA TÔI

    PHƯỚC LONG, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA TÔI


    Nguyễn Hoàng Long


    Lời Tâm Sự: Những gì tôi viết ở đây dựa vào ký ức của một đứa trẻ sinh ra ở vùng đồng bằng, theo cha mẹ lên tỉnh Phước Long sống. Vì dựa vào ký ức của một đứa trẻ nên chắc chắn sẽ nông cạn (tuổi ăn chưa no, lo chưa tới), sẽ quên trước, quên sau vì những con người, những sự việc đã xảy ra đã quá lâu rồi (từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước), sau đó chiến tranh xảy ra. Biết bao vật đổi, sao dời…

    Rất mong được sự góp ý, chỉnh sửa, bổ sung…, nói chung là dưới bất kỳ hình thức nào của các bạn, những người biết về tỉnh Phước Long, hay xem Phước Long là quê hương như tôi. Rất mong.

    (Bài nầy khá dài nên được chia đăng thành 4 phần.)


    CƯ DÂN

    Phần 1: Người S'tiêng Bản Địa



    Tôi theo gia đình lên Phước Long sống năm 1959. Dạo ấy, nếu nói vùng Bà Rá sẽ có nhiều người biết hơn là nói tỉnh Phước Long (PL).

    Ba tôi là công chức được phái lên PL làm việc. Ông đến đấy trước, khi đã ổn định cuộc sống, xây được nhà xong mới rước mẹ và chị em chúng tôi lên. Nhà mái tranh, vách tre nhưng khá khang trang và nằm ở nơi giao nhau của hai con đường dân sinh, đường trước nhà dẫn đến phía sau phi trường Phước Bình, bên hông phải nhà là đường xe be chở gỗ dẫn vào chân núi Bà Rá. Cạnh nhà tôi là nhà của một chú tôi không nhớ tên, cũng là công chức. Sau này, căn nhà bên cạnh được hai cô giáo sang lại và hai cô trở thành hàng xóm thân của gia đình chúng tôi.

    Ấn tượng đầu tiên nơi tôi về PL là màu đỏ của đất và ngọn Bà Rá sừng sững; chỉ cần bước ra khỏi nhà là thấy. Từ chập tối cho đến sáng sớm, những âm thanh từ bên ngoài vang vọng vào nghe rất lạ: Tiếng hót của chim rừng, tiếng kêu của thú rừng, buổi trưa tiếng sáo diều vi vu của người dân tộc S'tiêng bản địa mà tôi vẫn thường thấy đi trước nhà làm khung cảnh càng thêm hiu quạnh.


    Núi Bà Rá nhìn từ hồ Long Thủy

    (nguồn ảnh internet)

    Người S'tiêng, cư dân bản địa lâu đời mà tôi quen gọi là đồng bào Thượng sống chủ yếu ở PL và một ít ở 2 tỉnh Bình Long, Tây Ninh. Theo chỗ tôi biết người S'tiêng chỉ có một họ duy nhất là họ Điểu, và tên thường có 2 chữ như: Điểu Lên, Điểu Lếp…, nhưng phải nói trình độ chơi diều của họ vào bậc thượng thừa, và chỉ chơi một loại diều duy nhất là diều sáo. Tôi thường thấy họ đi thành nhóm theo một thứ tự nhất định: Người đàn ông đi đầu bên dưới đóng khố, với cây xà gạc móc trên vai phía trước ngực. (Cây xà gạc [hay còn gọi chà gạc] gần giống cây rựa người dân nông thôn vẫn sử dụng, nhưng cán dài hơn [khoảng 60 – 70cm] làm bằng thân tre có cả phần gốc [củ tre] dài khoảng 10cm. Họ chọn cây tre có gốc và thân hợp thành góc 90 độ [hình ảnh giống như phần tay cầm ở cây gậy của các cụ] rồi khoét một cái khe ở gốc để nhét cán lưỡi xà gạt bằng kim loại vào đó, như vậy phần gốc tre của xà gạc còn một đoạn dài 4 – 5cm; đủ để móc lên vai mang, khỏi phải cầm. Xà gạc vừa là công cụ để chặt, đốn cây, vừa là vũ khí tự vệ trước thú dữ.) Lếch thếch đi phía sau là trẻ em, phụ nữ. Phụ nữ S'tiêng ngực để trần, bên dưới quấn xà rông, vai mang gùi chứa lâm sản (thú rừng nhỏ, củi, măng, mật ong, dầu chai…) để trao đổi, tay bồng con nhỏ (nếu có).

    Người S'tiêng ở trong những căn nhà sàn dài và sống quây quần trong sóc (cộng đồng người S'tiêng), theo mẫu hệ và cưới chồng. Sau khi cưới, người chồng được xem như “tài sản” của nhà đó. Phụ nữ S'tiêng có tục căng tai: khi một cô gái đến tuổi cập kê, 2 dái tai của cô sẽ được xỏ lỗ và dùi vào đó theo hướng nong ra cho ngày một to một đoạn ngắn khoảng 2 – 3cm nanh heo rừng, ngà voi (nếu nhà giàu). Vật được nong ở 2 lỗ tai càng to, người chủ của nó càng được xem là đẹp! Tôi đã từng thấy có những phụ nữ dái tai được nong bằng vật có đường kính phải hơn 4cm.

    Thấy cách đi đường của người S'tiêng hơi lạ: đàn ông đi tay không (xà gạc đã móc vai), rất là thong dong, nếu có bế thì bế chó, trong khi phụ nữ vai mang gùi, tay bế con. Có người đã hỏi người đàn ông S'tiêng tại sao không mang giúp gùi cho vợ, hay bế con, thì nhận được câu trả lời: “Mấy cái đó của nó. Nó giữ!” Câu trả lời này, theo tôi, thể hiện quan điểm mẫu hệ, nhưng chỉ đúng một phần. Khi đi trong rừng, người đi đầu phải làm nhiệm vụ mở lối, phải liên tục chặt cây, vẹt cỏ, phát hiện rắn, rết, và nhất là sẵn sàng chiến đấu chống thú dữ. Đây là việc sống còn trong rừng. Và cứ đội hình lạ mắt đó (với chúng ta), họ đi vào thị trấn.

    Người S'tiêng thích nuôi chó và thương chó. Tôi đã từng thấy chó con được họ bế, trong khi con nhỏ của họ phải cố mà đi, dù có té lên, té xuống. Xét cho cùng, mũi của chó, dù là của chó con, vẫn thính và có thể đánh hơi, báo động mối hiểm nguy cho chủ từ khá xa và như vậy chúng đáng được bế.

    Những sản phẩm người S'tiêng hay mua của người Kinh chúng ta là muối hột và thuốc rê, loại thuốc lá rẻ tiền nhất và được bán dưới dạng từng bánh mà mấy bà cụ ăn trầu dùng để xỉa. (À, cái tên thuốc rê, theo tôi, có lẽ do người hút để vấn điếu thuốc phải ngắt cục thuốc, rồi để cục thuốc trên tờ giấy quyến, dùng ngón tay rê rê, nếu khéo, bằng không thì phải dùng cả 2 bàn tay vấn cho thành điếu thuốc tròn trịa, dễ hút. Có người còn gọi chúng là thuốc “bốc–lăng–xe”. Thật cụ thể và dễ hiểu. Tôi thật bất ngờ khi gần đây được người em họ bên trời Tây về tặng cho… gói thuốc rê! Hóa ra hiện nay thuốc rê vẫn còn được hút ở nhiều nơi, tuy hình thức gói thuốc có tươm tất, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ nét cơ bản: vẫn phải rê! Sau đó, một lần lên sân bay Tân Sơn Nhất tôi lại thấy cảnh mấy “bà đầm” ba lô vừa ra khỏi sảnh lập tức ngồi xuống lề đường móc gói thuốc ra … rê.).

    Cơm là thức ăn xa xỉ, người S'tiêng chủ yếu ăn ngô (bắp) và sắn (khoai mì). Họ có trồng lúa nương nhưng năng suất thóc thu hoạch rất thấp, và hay bị mất mùa. Cơm được nấu trong ống tre, và phải nói đó là cả một nghệ thuật. Ống tre dùng để nấu dù còn tươi nhưng đốt trên lửa lâu sẽ bị cháy thủng, còn cơm nấu trong ống thì không thể xới, đảo, thế mà cơm trong ống tre họ nấu lại chín đều, ăn ngon; không phải cơm ba tầng! Đoạn ống tre tươi được chọn để nấu cơm phải có đường kính lòng ống khoảng 8cm trở lại, và mắt tre làm đáy ống phải đúng chiều. Dùng ống lộn đầu để nấu cơm (phần mắt gần ngọn cây hơn làm đáy) họ tuyệt đối không đụng đến. Có thể đó là do dị đoan. Gạo khỏi cần vo, cứ thế trút vào ống tre, thêm nước vào, rồi dùng lá cây rừng không độc (cái này họ biết) nút lại. Lúc đầu, ống tre chứa gạo và nước được đặt nghiêng để nướng trên lửa. Phải liên tục xoay để ống tre không bị cháy thủng, khi nước đã cạn (nước đã bay hơi hay rút hết vào gạo) thì đặt ống nằm ngang để nấu cho chín phần trên. Nghệ thuật ở đây là cơm trong ống chín đều mà lửa chỉ làm cháy phần ngoài của ống tre. Vì sau khi cơm chin, lúc ống tre nguội bớt họ sẽ dùng xà gạc vạc bớt phần ống tre cháy, chỉ giữ lại một lớp tre mỏng bọc quanh phần cơm. Lúc ăn chỉ việc bẻ lớp tre mỏng này là ăn được cơm. Rất tiện.

    Gần đây tôi thấy có loại cơm lam hay được bày bán ở một số điểm du lịch. Cơm cũng chứa trong ống tre, với lòng ống nhỏ khoảng 4 – 5cm trở lại, nhưng trên ống tôi tuyệt đối không thấy vết lửa cháy, mà chỉ thấy dấu vết ống tre được ngâm trong nước (để nấu). Nếu đã có nồi, tại sao không nấu cơm trong nồi mà phải bỏ gạo, nước vào trong ống tre rồi mới bỏ ống vào nồi nấu? Tôi thật sự không hiểu nỗi!

    Để nuốt trôi cơm, người S'tiêng ăn canh thụt. Họ bỏ vào ồng tre nhỏ (dĩ nhiên là phải có đáy) rau rừng, muối, nước rồi dùng một que tre chọt nhiều lần vào ồng, giống như trẻ em chơi ống thụt. Có thể động tác này làm nát, mềm rau và tan muối. Ấn tượng nhất là cảnh người S'tiêng bắt mối rừng để ăn. Những con mối rừng có bụng to bắng đầu mút đủa và dài cả centimet, màu đen bóng, sau mỗi trận mưa lại mọc cánh bay lên. Họ chỉ việc đứng quanh một gò mối chờ cho con mối bay lên là chộp bỏ miệng ăn. Đây là nguồn chất đạm quý báu vốn có rất ít trong khẩu phần của họ. Nghĩ cho cùng, người Kinh chúng ta có hơn gì khi chúng ta vẫn ăn dế cơm, đuông, nhộng?

    Người S'tiêng chất phác, không biết lo xa, và cũng không biết giá trị của đồng tiền. Họ thường được mướn để làm những công việc nặng nhọc nhưng lại được trả công rất rẻ. Người ta thường hay mướn họ khi khai thác mây, tre trong những cánh rừng ẩm ướt nhiều muỗi và vắt. Có thể nói đây là nghề “bán máu”. Muỗi rừng truyền bệnh sốt rét, còn vắt, với tôi, là nỗi kinh hoàng. Vắt là động vật thân đốt, khi chưa hút máu cơ thể chúng giống như cọng len màu xám, dài khoảng 4cm. Vắt di chuyển theo cách của sâu đo nhưng nhanh hơn nhiều, và ấn tượng nhất là cái đầu vươn cao, xoay vòng vòng để định hướng con mồi, giống như tiềm vọng kính của tàu ngầm, còn lối nói hiện đại là giống như robot. Khi phát hiện ra con mồi, chúng nhanh chóng tiến về phía bạn. Nếu bạn phát hiện ra chúng và bước tránh sang bên, lạc hướng con mồi, chúng lập tức dừng lại, xoay đầu định hướng cực nhanh rồi đổi sang hướng mới để tiếp cận. Thử tưởng tượng khi đứng trên khoảnh đất trống có khoảng chục con vắt đang ở rải rác gần đó và cứ một động tác bước sang phải, hay sang trái, của bạn lập tức sẽ được “tương tác” bởi chục cái đầu xoay xoay, rồi chục con vắt đồng loạt phóng rào rào về phía bạn. Bị trường hợp ấy tôi đã sợ nổi da gà và bỏ chạy. Giống như đỉa, vết hút của vắt máu rỉ ra rất lâu vì trước khi hút máu, chúng đã tiết vào mô cơ thể của bạn chất kháng đông.

    Tôi nghe kể về việc một người S'tiêng bị ngọn tre rơi xuống cắm vào đầu. Tre mọc trong rừng rất khít, cành lá đan vào nhau. Ai đó đi trước đốn tre nhưng do ngọn cây dính chặt với nhau, giật mãi không xuống thế là anh ta dùng xà gạt chặt lấy phần thân tre phía dưới, phần ngọn tre còn lại dính lơ lửng trên cao. Xui cho người S'tiêng ấy. Ty Y Tế PL thời đó không làm được gì nhiều cho anh ta ngoài việc cắt ngắn đoạn tre, băng bó, chích cho mấy mũi kháng sinh cùng một mũi morphin rồi cho lên xe cứu thương chở về Sài Gòn. Nghe nói khi lên xe cứu thương anh ta bắt đầu hát.

  • #2
    Cũng giống như người Ś ́tiêng quê anh Long. Người dân tộc trên vùng cao nguyên quê KD là dân tộc K ho thì mang họ K tên cũng chỉ có hai chữ thôi như KDim, KKem, KNghéo, KChẻo..... Họ yêu rừng núi, cây cỏ, khi buồn khi vui đều tâm sự với núi rừng, họ đơn sơ chất phát lắm, thấy thương vô cùng. Ngày xưa việc hái trà, làm cỏ rẫy, mẹ đều mượn người anh em dân tộc gíup. khi làm việc xong mẹ trả tiền thì phải trả đủ cho từng người họ mới chịu. tỷ dụ hôm đó một bà me, hai người con hái trà, một công hái là 550 đồng, mẹ D phải đổi tiền để trả riêng cho từng người, họ không chịu nhận chung số tiền là 1650 đồng dù sau khi lãnh tiền lương thì hai người con lại đưa hết cho bà mẹ. Vào những dịp lễ, tết bố mẹ mời họ đến ăn cơm, họ thích dọn riêng cho gia đình họ một mâm, họ chỉ ăn hết những món nước, còn những món khô họ chia đều cho nhau,gói vào lá khoai môn, phần của ai người ấy gùi về.

    Thường thì người kinh mình hay đem muối, cá khô và rượu vào đổi hàng hóa với họ, nếu gặp người lái buôn tốt thì họ ít bị thiệt thòi vì họ đơn sơ lắm không biết trả gía, thuốc hút thì họ không hút thuốc rê mà có một cái lá khô còn dẻo, cuốn lại, đốt cháy nơi đầu lá và hút, KD không biết là lá gì? . Sau này có những cố Tây vào bản làng giảng đạo muốn mở mang kiến thức cho họ, đã cho một số người trẻ ra ngòai học trong các trường nội trú, sau khi thành đạt trở lại bản làng dạy học (trường Regina Pacis nơi KD học cũng có một số em học, ở nội trú tại đó nhưng ở một khu riêng). Chuyện vui buồn nơi người anh em dân tộc thì nhiều lắm, kể đến bao giờ cho hết???

    Thân ái

    KimDung

    Comment


    • #3
      Chào Kim Dung,

      Chào người bạn cũng từng sống ở vùng cao nguyên.

      Những điều mình viết về người S'tiêng (Thượng) ở Phước Long xảy ra từ thập niên 1960 thế kỷ trước nên lúc ấy dân trí còn thấp.

      Mình còn nhớ họ chưa biết giá trị tiền, không biết số, không biết mệnh giá nên khi được trả công nếu nhận được càng nhiều giấy bạc và tờ giấy bạc kích thước càng to thì họ rất thích. Lúc đó tờ giấy 10 đồng màu lục được chuộng nhất. Cũng nên biết tính ý của họ là không lo xa, yêu thiên nhiên, ít muốn giao tiếp với người Kinh chúng ta nên khi thuê làm một công trình gì đó không nên trả tiền nhiều ngay ngày đầu vì họ sẽ nghỉ hết, họ chỉ đi làm trở lại khi đã tiêu hết tiền, tốt nhất là trả tiền một ít đủ sống qua ngày, giữ phần còn lại để trả khi công trình hoàn tất.

      Người Thượng cũng trồng thuốc lá. Sau nhiều lần lặt lá, cây thuốc lá già sẽ được nhổ lên phơi khô để hút, cả rễ (!). Điếu thuốc như vậy sẽ rất to, to hơn cigar nhiều và rất "phê" vì hàm lượng nicotine trong thân và rễ rất cao.

      Ghê chưa? Chào.

      Comment


      • #4
        Năm2005 khi KD về quê thì họ biết xài “xế nổ” rồi.

        3 anh chàng ngồi chung trên 1 chiếc xế chở nhau từ trong buôn ra phố dạo chơi, bị công an thổi cái “roéc” , dừng xe lại , anh công an đòi phạt vì cái tội “cẩu 3” , 3 chàng không chịu bị phạt cãi lại “3 đứa cho tiền bằng nhau mua chung 1 xe thì 3 đứa phải được ngồi chung chứ?”. Họ cứ lý luận Xe chạy thì cả 3 cùng được ngồi một lượt, không ngồi thì cất xe. Cãi qua cãi lại, có 1 ngừoi đi đường xía vào góp ý “thôi không cho xe chở 3 thì bây giờ 3 đứa chở xe, mỗi đứa dắt xe đi bộ 1 đoạn “ . 3 chàng đồng ý liền vì thấy làm vậy là công bằng, dắt xe đi bộ, bỏ lại anh công an. Dắt đi khuất công an, nguoi đi đường bảo “leo lên, chở nhau về buôn chứ. Khi nào thấy công an thì xuống dắt bộ “.

        2018 Tây Nguyên có hoa hậu đấy, H Hen niê.

        Dù bây giờ người anh em dân tộc đã biết hội nhập với xã hội nhưng từ bé sống chung với thiên nhiên nên trong họ vẫn mang cái nét đẹp tự nhiên , thật thà, mộc mạc, huyền bí mà tươi sáng, chưa biết dối gian nhiều, vẫn còn dễ thương lắm.

        Thân ái

        KimDung

        Comment


        • #5
          Phần 2: Người Nhập Cư

          Chính quyền thời ấy cho lập ở PL, cũng như một số tỉnh khác, nhiều khu dinh điền để di dân từ các tỉnh miền Trung vào. Lúc đầu người dân trong các khu dinh điền chặt đốn cây rừng để vừa có đất canh tác, vừa có thêm gỗ, củi hay hầm thành than để bán. Đất rừng phì nhiêu nên một thời gian sau đời sống người dân trong các khu dinh điền trở nên khá giả. Các khu dinh điền như Phước Quả, Phước Tín… có thể xem là tiêu biểu. Nhiều bạn học của tôi sống trong những khu dinh điền.

          Không hiểu bằng cách nào mà sau năm 1954 ông Diệm đã kéo được khá nhiều thanh niên người Nùng, một sắc tộc ở vùng thượng du Bắc bộ, vào Nam đi lính (ở PL là sư đoàn 5). Khi đi, họ mang theo cả gia đình vào sống và hình thành những cộng đồng nhỏ người Nùng ở rải rác trong các tỉnh PL, Bình Long, Long Khánh. Người Nùng chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ có thế lực (quân đội), họ chọn những nơi đắc địa: đất đai phì nhiêu, gần sông suối (có nguồn nước), tiện việc đi lại… để lập trang trại, vườn tược, và nhanh chóng giàu lên. Những cái tên như “vườn cam Thiếu tá Coón” là khá phổ biến.

          Trong cộng đồng nhỏ dưới dốc phi trường Phước Bình có 2 nhân vật mà mọi người trong cộng đồng đều biết là bà Sáu và bác Bài.

          Bà Sáu người miền Nam, vóc to, béo nên còn có biệt danh bà Sáu “Mập”. Bà là chủ hiệu tạp hoá lớn nhất cộng đồng nhỏ dưới dốc sân bay, bán hầu như không thiếu thứ nào và còn làm thêm nghề môi giới lao động cho người S’tiêng. Suốt ngày lúc nào cũng thấy bà lăng xăng, miệng nói oang oang, tay làm liên tục, hết bán hàng cho người Kinh thì mua hàng của người Thượng. Trí nhớ của bà Sáu phải nói là siêu phàm, quán bán hàng ngàn thứ nhưng bà nhớ giá của tất cả. Bạn chỉ cần cầm món đồ đưa lên là bà lập tức nói ra giá của món đồ ấy. Chồng của bà, ông Sáu, nhỏ người, ít nói và cũng ít tham gia vào việc mua bán. Tôi thường thấy ông ngồi phía sau một cái bàn đặt ở chỗ ít ồn ào nhất trong nhà nghe nhạc phát ra từ chiếc máy hát dĩa. Trong quán bà Sáu còn có một anh bạn trạc tuổi tôi. Tôi chưa bao giờ thấy anh ta đi chơi. Mỗi khi tôi đến quán bà Sáu mua mấy thứ lặt vặt cho mẹ, hay lấy báo về xem (ba tôi đặt mua báo tháng) là nghe tên anh được bà Sáu réo làm việc này, việc nọ hay bán hàng, còn ông Sáu thỉnh thoảng mới gọi anh pha ấm trà, hay mài mấy cây kim cho cái máy hát dĩa. Tôi tò mò rất muốn làm thử một số công việc như xay tiêu từ cái cối bắt trên vách có in hình bà đầm, hay dùng bơm thụt bơm dầu hôi ra chai từ cái thùng thiếc có hình con sò, hay mài kim cho cái máy hát dĩa. Từ đó tôi đâm ra ganh tỵ với anh. Dạo ấy, xe đò Bửu Hiệp chuyến sớm nhất đến PL, và đến giao hàng cho quán bà Sáu vào khoảng 10g (Sài Gòn cách PL khoảng 150km), nhưng phải đến 11g bà mới cho nhận báo. Tôi thường đến sớm để đứng nghe nhạc từ chiếc máy hát dĩa, xem việc mua bán ở quán, và để xem anh bạn bơm dầu, mài kim. Tôi lúc ấy tuy nhỏ nhưng đã thấy bất bình trong cách mua hàng của bà Sáu với người Thượng. Chỉ cần thấy một người Thượng lưng mang gùi chứa món hàng có thể mua được (thí dụ như củi) là bà xăng xái tiến đến. Việc mua bán, ngã giá không biết thế nào nhưng tiếp theo là bà lôi người ấy đến chỗ có ánh nắng, trút gùi củi xuống đất, dúi vào tay mấy tờ giấy bạc rồi đẩy người ấy đi, còn bà thì nhanh chóng đi vào quán. Tội nghiệp cho người Thượng ấy. Người ấy chỉ biết ngơ ngác đứng nhìn theo bóng bà, không nói được lời nào (mà nói thì có ai hiểu?).

          Bác Bài người miền Trung, vóc dáng cao lớn, tiếng nói nặng, khó nghe, nhưng đặc biệt là bác có chiếc xe bò, với đôi bò to, khoẻ nhất vùng dùng kéo xe đổi nước. Hai con bò của bác thỉnh thoảng vẫn “ghé thăm” trường Phước Bình B tôi học. PL là vùng cao (cao độ khoảng hơn 300m, so với mực nước biển), giếng phải đào sâu hàng vài mươi mét mới có nước. Bác là người mà mọi hộ dân ở đây một tuần phải vài lần gặp mặt, nhất là vào mùa nắng, để đổi nước. Người có tiền thì xây hồ (bể) chứa nước mưa dùng quanh năm, đa số người dân dùng những thùng phuy (?) chứa xăng của quân đội đã phế thải để chứa nước. Thùng bằng sắt, đáy hình tròn, dung tích 225L. Vì bằng sắt nên muốn dùng thùng này để chứa nước sử dụng lòng trong thùng phải được quét dầu hắc [hắc ín] chống rỉ sét. Nhà nào cũng có vài ba cái để đựng nước. Thời ấy ở PL có rất ít xe nên chiếc xe bò của bác rất hữu ích. Ai cần dọn nhà, cần chuyên chở vật nặng bác sẵn sàng nhận làm mà không đặt nặng vấn đề thù lao.

          Lúc đầu, khi tỉnh mới thành lập, việc đi lại giữa Sài Gòn và PL do hãng xe đò Bửu Hiệp đảm trách. Hãng Bửu Hiệp có bến nằm trên đường Lê Lai, bên hông ga xe lửa SG. Xe đi PL theo lộ trình: Sài Gòn - cầu Bình Lợi - chợ Thủ Đức - chợ Lái Thiêu (Bình Dương) - Bến Cát – ngã 3 Chơn Thành - Đồng Xoài – Phú Riềng rồi mới đến PL. Hãng đảm trách cả việc chở thư cho bưu điện tỉnh. Buổi ban đầu, rất đông công chức đến PL nhận nhiệm sở và đến bằng xe đò nên ít được chú ý, không được trân trọng đón tiếp. Sau này, do có chiến tranh nên công chức mới thường đến PL nhận nhiệm sở bằng phi cơ. Hàng Không Việt Nam bố trí loại máy bay Cessna chở được 6 hành khác bay tuyến này, và mỗi tuần có 1 hoặc 2 chuyến tuỳ theo lượng khách đặt chỗ. Khi này, tỉnh đã hoạt động ổn định nên ít bổ sung nhân sự, vì thế người được phái đến phải là công chức chánh ngạch, quan trọng. Thế là mỗi lần có chuyến bay lên, toà Hành chánh lại phái 1 chiếc xe dodge (chở được khoảng 15 người) ra phi trường Phước Bình vừa chở người về Sài Gòn vừa đón khách mới lên. Do đã nắm trước được danh sách hành khách trên chuyến bay, nên ty, sở nào có người mới sẽ cử người đi theo xe đón người của ty, sở mình. Tôi ham vui nên thỉnh thoảng xin tháp tùng đoàn người ra phi trường đón người mới lên. Tỉnh lỵ PL dạo ấy rất ít người, chủ yếu là công chức, gia đình công chức, binh sĩ và gia đình binh sĩ, cùng một số thường dân làm nghề kinh doanh và cung cấp dịch vụ cần thiết cho cộng đồng như thợ hớt tóc, thợ may… nên hầu như mọi người đã quen mặt nhau. Đã thành thông lệ, khi phi cơ đến, người đi đón viên chức mới sẽ đứng đợi trong nhà chờ, còn hành khách là cư dân cố cựu, hành lý nhiều được người nhà bước ra đón. Phi cơ đáp, cửa mở, hành khách bước xuống, phi công mở cửa khoang hành lý trả cho khách. Nếu nhân viên mới nhận hành lý rồi đi thẳng về hướng nhà chờ, người đi đón vui mừng chạy đến chào người mới: PL có thêm 1 công dân. Nếu người ấy bước xuống phi cơ nhưng không vội nhận hành lý mà đứng nhìn quanh quất ở cảnh rừng núi hoang vu, không một bóng xe trên con đường đá đỏ bụi mù trời chạy ngang phi trường (trừ chiếc dodge quân sự không mui đậu cạnh nhà chờ), lâu lắm mới thấy một vài bóng người… dân tộc, còn nhà chờ thì không có được một tấm vách, trong nhà chờ có mấy người ngồi, đứng lổm nhổm, không có vẻ gì là PHƯỚC LONG CHÀO ĐÓN QUÝ KHÁCH như tấm bảng trên mái nhà chờ ghi. Có trường hợp người mới đến, đa phần là nữ, rút khăn tay lên che mặt… khóc rồi quày quả trở lại phi cơ. Khi đó người đi đón sẽ thất vọng leo lên xe quay về.





          Trường Trung học Nhất Linh (lúc mới xây xong khối nhà chính-1964)

          Cạnh đó, còn có rất nhiều người đã đến, đã trụ lại được ở Phước Long và góp phần tạo sự tiến bộ cho tỉnh như: thầy Trần Hữu Thái, trưởng Ty Tiểu học, cùng các cô Ánh Dương, Liên, Định, Xuân Lan, Bạch Tuyết…, thầy Vũ Đình Tiến, hiệu trưởng trường Trung học Nhất Linh, cùng các thầy, cô Lê Thị Thanh, Hoàng Bảo Đài, Nguyễn Nhật Minh, Vũ Huy Thu…, thầy Robin (một trong hai đoàn viên Peace Corps ở PL, người kia làm ở trại chăn nuôi của Ty Nông nghiệp) dạy tiếng Anh ở trường Nhất Linh, cùng rất nhiều nhân viên những ty, sở khác, và đám trẻ chúng tôi, dù thỉnh thoảng chúng tôi có gây rối: Phương Mai tiểu thư, Quang Trung bạo gan, lắm trò, Ba Tàu anh bạn vắn số (Ba Tàu là biệt danh do gia đình bạn ấy đặt, tên chính thức của bạn tôi không nhớ. Sẽ đề cập đến bạn này trong phần sau), Chín, Ngọc… Những người mà tôi vừa kể trên cùng những cư dân như bà Sáu “Mập”, bác Bài, những người sống trong các khu dinh điền, những cư dân bản địa đã cùng sống, làm việc, hay vui chơi… và đã tạo sự thay đổi theo hướng phát triển cho Phước Long.


          Comment

          Working...
          X