PHƯỚC LONG, QUÊ HƯƠNG THỨ HAI CỦA TÔI
Nguyễn Hoàng Long
Lời Tâm Sự: Những gì tôi viết ở đây dựa vào ký ức của một đứa trẻ sinh ra ở vùng đồng bằng, theo cha mẹ lên tỉnh Phước Long sống. Vì dựa vào ký ức của một đứa trẻ nên chắc chắn sẽ nông cạn (tuổi ăn chưa no, lo chưa tới), sẽ quên trước, quên sau vì những con người, những sự việc đã xảy ra đã quá lâu rồi (từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước), sau đó chiến tranh xảy ra. Biết bao vật đổi, sao dời…
Rất mong được sự góp ý, chỉnh sửa, bổ sung…, nói chung là dưới bất kỳ hình thức nào của các bạn, những người biết về tỉnh Phước Long, hay xem Phước Long là quê hương như tôi. Rất mong.
(Bài nầy khá dài nên được chia đăng thành 4 phần.)
CƯ DÂN
Phần 1: Người S'tiêng Bản Địa
Tôi theo gia đình lên Phước Long sống năm 1959. Dạo ấy, nếu nói vùng Bà Rá sẽ có nhiều người biết hơn là nói tỉnh Phước Long (PL).
Ba tôi là công chức được phái lên PL làm việc. Ông đến đấy trước, khi đã ổn định cuộc sống, xây được nhà xong mới rước mẹ và chị em chúng tôi lên. Nhà mái tranh, vách tre nhưng khá khang trang và nằm ở nơi giao nhau của hai con đường dân sinh, đường trước nhà dẫn đến phía sau phi trường Phước Bình, bên hông phải nhà là đường xe be chở gỗ dẫn vào chân núi Bà Rá. Cạnh nhà tôi là nhà của một chú tôi không nhớ tên, cũng là công chức. Sau này, căn nhà bên cạnh được hai cô giáo sang lại và hai cô trở thành hàng xóm thân của gia đình chúng tôi.
Ấn tượng đầu tiên nơi tôi về PL là màu đỏ của đất và ngọn Bà Rá sừng sững; chỉ cần bước ra khỏi nhà là thấy. Từ chập tối cho đến sáng sớm, những âm thanh từ bên ngoài vang vọng vào nghe rất lạ: Tiếng hót của chim rừng, tiếng kêu của thú rừng, buổi trưa tiếng sáo diều vi vu của người dân tộc S'tiêng bản địa mà tôi vẫn thường thấy đi trước nhà làm khung cảnh càng thêm hiu quạnh.
Núi Bà Rá nhìn từ hồ Long Thủy
(nguồn ảnh internet)
(nguồn ảnh internet)
Người S'tiêng, cư dân bản địa lâu đời mà tôi quen gọi là đồng bào Thượng sống chủ yếu ở PL và một ít ở 2 tỉnh Bình Long, Tây Ninh. Theo chỗ tôi biết người S'tiêng chỉ có một họ duy nhất là họ Điểu, và tên thường có 2 chữ như: Điểu Lên, Điểu Lếp…, nhưng phải nói trình độ chơi diều của họ vào bậc thượng thừa, và chỉ chơi một loại diều duy nhất là diều sáo. Tôi thường thấy họ đi thành nhóm theo một thứ tự nhất định: Người đàn ông đi đầu bên dưới đóng khố, với cây xà gạc móc trên vai phía trước ngực. (Cây xà gạc [hay còn gọi chà gạc] gần giống cây rựa người dân nông thôn vẫn sử dụng, nhưng cán dài hơn [khoảng 60 – 70cm] làm bằng thân tre có cả phần gốc [củ tre] dài khoảng 10cm. Họ chọn cây tre có gốc và thân hợp thành góc 90 độ [hình ảnh giống như phần tay cầm ở cây gậy của các cụ] rồi khoét một cái khe ở gốc để nhét cán lưỡi xà gạt bằng kim loại vào đó, như vậy phần gốc tre của xà gạc còn một đoạn dài 4 – 5cm; đủ để móc lên vai mang, khỏi phải cầm. Xà gạc vừa là công cụ để chặt, đốn cây, vừa là vũ khí tự vệ trước thú dữ.) Lếch thếch đi phía sau là trẻ em, phụ nữ. Phụ nữ S'tiêng ngực để trần, bên dưới quấn xà rông, vai mang gùi chứa lâm sản (thú rừng nhỏ, củi, măng, mật ong, dầu chai…) để trao đổi, tay bồng con nhỏ (nếu có).
Người S'tiêng ở trong những căn nhà sàn dài và sống quây quần trong sóc (cộng đồng người S'tiêng), theo mẫu hệ và cưới chồng. Sau khi cưới, người chồng được xem như “tài sản” của nhà đó. Phụ nữ S'tiêng có tục căng tai: khi một cô gái đến tuổi cập kê, 2 dái tai của cô sẽ được xỏ lỗ và dùi vào đó theo hướng nong ra cho ngày một to một đoạn ngắn khoảng 2 – 3cm nanh heo rừng, ngà voi (nếu nhà giàu). Vật được nong ở 2 lỗ tai càng to, người chủ của nó càng được xem là đẹp! Tôi đã từng thấy có những phụ nữ dái tai được nong bằng vật có đường kính phải hơn 4cm.
Thấy cách đi đường của người S'tiêng hơi lạ: đàn ông đi tay không (xà gạc đã móc vai), rất là thong dong, nếu có bế thì bế chó, trong khi phụ nữ vai mang gùi, tay bế con. Có người đã hỏi người đàn ông S'tiêng tại sao không mang giúp gùi cho vợ, hay bế con, thì nhận được câu trả lời: “Mấy cái đó của nó. Nó giữ!” Câu trả lời này, theo tôi, thể hiện quan điểm mẫu hệ, nhưng chỉ đúng một phần. Khi đi trong rừng, người đi đầu phải làm nhiệm vụ mở lối, phải liên tục chặt cây, vẹt cỏ, phát hiện rắn, rết, và nhất là sẵn sàng chiến đấu chống thú dữ. Đây là việc sống còn trong rừng. Và cứ đội hình lạ mắt đó (với chúng ta), họ đi vào thị trấn.
Người S'tiêng thích nuôi chó và thương chó. Tôi đã từng thấy chó con được họ bế, trong khi con nhỏ của họ phải cố mà đi, dù có té lên, té xuống. Xét cho cùng, mũi của chó, dù là của chó con, vẫn thính và có thể đánh hơi, báo động mối hiểm nguy cho chủ từ khá xa và như vậy chúng đáng được bế.
Những sản phẩm người S'tiêng hay mua của người Kinh chúng ta là muối hột và thuốc rê, loại thuốc lá rẻ tiền nhất và được bán dưới dạng từng bánh mà mấy bà cụ ăn trầu dùng để xỉa. (À, cái tên thuốc rê, theo tôi, có lẽ do người hút để vấn điếu thuốc phải ngắt cục thuốc, rồi để cục thuốc trên tờ giấy quyến, dùng ngón tay rê rê, nếu khéo, bằng không thì phải dùng cả 2 bàn tay vấn cho thành điếu thuốc tròn trịa, dễ hút. Có người còn gọi chúng là thuốc “bốc–lăng–xe”. Thật cụ thể và dễ hiểu. Tôi thật bất ngờ khi gần đây được người em họ bên trời Tây về tặng cho… gói thuốc rê! Hóa ra hiện nay thuốc rê vẫn còn được hút ở nhiều nơi, tuy hình thức gói thuốc có tươm tất, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ nét cơ bản: vẫn phải rê! Sau đó, một lần lên sân bay Tân Sơn Nhất tôi lại thấy cảnh mấy “bà đầm” ba lô vừa ra khỏi sảnh lập tức ngồi xuống lề đường móc gói thuốc ra … rê.).
Cơm là thức ăn xa xỉ, người S'tiêng chủ yếu ăn ngô (bắp) và sắn (khoai mì). Họ có trồng lúa nương nhưng năng suất thóc thu hoạch rất thấp, và hay bị mất mùa. Cơm được nấu trong ống tre, và phải nói đó là cả một nghệ thuật. Ống tre dùng để nấu dù còn tươi nhưng đốt trên lửa lâu sẽ bị cháy thủng, còn cơm nấu trong ống thì không thể xới, đảo, thế mà cơm trong ống tre họ nấu lại chín đều, ăn ngon; không phải cơm ba tầng! Đoạn ống tre tươi được chọn để nấu cơm phải có đường kính lòng ống khoảng 8cm trở lại, và mắt tre làm đáy ống phải đúng chiều. Dùng ống lộn đầu để nấu cơm (phần mắt gần ngọn cây hơn làm đáy) họ tuyệt đối không đụng đến. Có thể đó là do dị đoan. Gạo khỏi cần vo, cứ thế trút vào ống tre, thêm nước vào, rồi dùng lá cây rừng không độc (cái này họ biết) nút lại. Lúc đầu, ống tre chứa gạo và nước được đặt nghiêng để nướng trên lửa. Phải liên tục xoay để ống tre không bị cháy thủng, khi nước đã cạn (nước đã bay hơi hay rút hết vào gạo) thì đặt ống nằm ngang để nấu cho chín phần trên. Nghệ thuật ở đây là cơm trong ống chín đều mà lửa chỉ làm cháy phần ngoài của ống tre. Vì sau khi cơm chin, lúc ống tre nguội bớt họ sẽ dùng xà gạc vạc bớt phần ống tre cháy, chỉ giữ lại một lớp tre mỏng bọc quanh phần cơm. Lúc ăn chỉ việc bẻ lớp tre mỏng này là ăn được cơm. Rất tiện.
Gần đây tôi thấy có loại cơm lam hay được bày bán ở một số điểm du lịch. Cơm cũng chứa trong ống tre, với lòng ống nhỏ khoảng 4 – 5cm trở lại, nhưng trên ống tôi tuyệt đối không thấy vết lửa cháy, mà chỉ thấy dấu vết ống tre được ngâm trong nước (để nấu). Nếu đã có nồi, tại sao không nấu cơm trong nồi mà phải bỏ gạo, nước vào trong ống tre rồi mới bỏ ống vào nồi nấu? Tôi thật sự không hiểu nỗi!
Để nuốt trôi cơm, người S'tiêng ăn canh thụt. Họ bỏ vào ồng tre nhỏ (dĩ nhiên là phải có đáy) rau rừng, muối, nước rồi dùng một que tre chọt nhiều lần vào ồng, giống như trẻ em chơi ống thụt. Có thể động tác này làm nát, mềm rau và tan muối. Ấn tượng nhất là cảnh người S'tiêng bắt mối rừng để ăn. Những con mối rừng có bụng to bắng đầu mút đủa và dài cả centimet, màu đen bóng, sau mỗi trận mưa lại mọc cánh bay lên. Họ chỉ việc đứng quanh một gò mối chờ cho con mối bay lên là chộp bỏ miệng ăn. Đây là nguồn chất đạm quý báu vốn có rất ít trong khẩu phần của họ. Nghĩ cho cùng, người Kinh chúng ta có hơn gì khi chúng ta vẫn ăn dế cơm, đuông, nhộng?
Người S'tiêng chất phác, không biết lo xa, và cũng không biết giá trị của đồng tiền. Họ thường được mướn để làm những công việc nặng nhọc nhưng lại được trả công rất rẻ. Người ta thường hay mướn họ khi khai thác mây, tre trong những cánh rừng ẩm ướt nhiều muỗi và vắt. Có thể nói đây là nghề “bán máu”. Muỗi rừng truyền bệnh sốt rét, còn vắt, với tôi, là nỗi kinh hoàng. Vắt là động vật thân đốt, khi chưa hút máu cơ thể chúng giống như cọng len màu xám, dài khoảng 4cm. Vắt di chuyển theo cách của sâu đo nhưng nhanh hơn nhiều, và ấn tượng nhất là cái đầu vươn cao, xoay vòng vòng để định hướng con mồi, giống như tiềm vọng kính của tàu ngầm, còn lối nói hiện đại là giống như robot. Khi phát hiện ra con mồi, chúng nhanh chóng tiến về phía bạn. Nếu bạn phát hiện ra chúng và bước tránh sang bên, lạc hướng con mồi, chúng lập tức dừng lại, xoay đầu định hướng cực nhanh rồi đổi sang hướng mới để tiếp cận. Thử tưởng tượng khi đứng trên khoảnh đất trống có khoảng chục con vắt đang ở rải rác gần đó và cứ một động tác bước sang phải, hay sang trái, của bạn lập tức sẽ được “tương tác” bởi chục cái đầu xoay xoay, rồi chục con vắt đồng loạt phóng rào rào về phía bạn. Bị trường hợp ấy tôi đã sợ nổi da gà và bỏ chạy. Giống như đỉa, vết hút của vắt máu rỉ ra rất lâu vì trước khi hút máu, chúng đã tiết vào mô cơ thể của bạn chất kháng đông.
Tôi nghe kể về việc một người S'tiêng bị ngọn tre rơi xuống cắm vào đầu. Tre mọc trong rừng rất khít, cành lá đan vào nhau. Ai đó đi trước đốn tre nhưng do ngọn cây dính chặt với nhau, giật mãi không xuống thế là anh ta dùng xà gạt chặt lấy phần thân tre phía dưới, phần ngọn tre còn lại dính lơ lửng trên cao. Xui cho người S'tiêng ấy. Ty Y Tế PL thời đó không làm được gì nhiều cho anh ta ngoài việc cắt ngắn đoạn tre, băng bó, chích cho mấy mũi kháng sinh cùng một mũi morphin rồi cho lên xe cứu thương chở về Sài Gòn. Nghe nói khi lên xe cứu thương anh ta bắt đầu hát.
Comment