CÔ LA THỊ HẠNH
NỮ HIỆU TRƯỞNG ĐẦU TIÊN CỦA TRƯỜNG LÊ HỒNG PHONG
Bài viết của: NGUYỄN ANH TUẤN
Tổ KỸ THUẬT Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TPHCM
oooOooo
Tôi chuyển công tác từ xí nghiệp về trường THPT Lê Hồng Phong vào năm 1978. Người đầu tiên tiếp xúc với tôi là cô La Thị Hạnh, hiệu trưởng trường. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cô có vẻ khắc khổ, nghiêm nghị. Cô thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy tên tôi trên giấy điều động về trường. Cô dè dặt hỏi:
_ Em là kỹ sư cơ khí mà sao lại muốn xin về trường dạy học?
_ Dạ, em muốn về đúng ngành nghề của mình. Em tốt nghiệp trường ĐHSPKT nên dạy học là nghề chính của em.
Cô trầm ngâm một chút rồi nói:
_ Tôi rất muốn nhận em, nhưng em thông cảm cho tôi, tôi phải từ chối vì tôi biết em chỉ tạm về trường thôi. Vài tháng sau, em lại sẽ đi về xí nghiệp khác làm. Như vậy sẽ gây xáo trộn vì tôi khó xin giáo viên khác về thay thế được.
Tôi nói thẳng với cô:
_ Em hiểu đó không phải là lý do chính. Em thấy cô đã biết tên em khi đọc lệnh điều động. Những chuyện em đấu tranh, em chấp nhận hậu quả. Thôi thì, nếu cô không nhận em, xin cô viết vài hàng để em đem về SGD vậy. Em không ngạc nhiên khi bị từ chối vì đây là đơn vị thứ hai không nhận em rồi. Chuyện em đã làm, em không ân hận gì hết. Rồi thì cũng sẽ có một cơ quan nào đó nhận em chứ, không lẽ ai cũng sợ em hết.
Cô Hạnh nhìn thẳng vào tôi và nhẹ nhàng nói:
_ Đúng là khi thấy tên em tôi nhận ra ngay. Báo chí đăng chuyện của em rồi mà. Tôi không làm gì sai nên tôi không có gì phải sợ em hết. Việc tôi lo em chỉ làm thời gian ngắn rồi lại ra đi sẽ gây khó cho tôi là lý do thật. Thôi bây giờ thế này. Nếu em hứa sẽ dạy ở đây ít nhất cho hết năm học rồi mới chuyển công tác thì tôi sẽ nhận em.
Nghe cô hiệu trưởng nói, tôi rất ngạc nhiên. Cô không đòi hỏi phải viết giấy cam đoan mà chỉ cần hứa miệng với cô là cô sẽ nhận. Tôi nghĩ không lẽ cô thật thà đến như vậy. Lời hứa đầu môi đâu có giá trị gì trong công tác nhà nước. Thấy tôi ngồi suy nghĩ, cô Hạnh hỏi:
_ Hứa như vậy khó cho em phải không?
Tôi trả lời:
_ Không ạ. Em chỉ ngạc nhiên sao chị lại chỉ cần lời hứa suôn mà không cần làm giấy cam kết.
Cô mỉm cười:
_ Tôi tin vào lời hứa của em. Tôi tin em. Giấy gì đi nữa cũng không cản được em khi em đã không muốn ở lại.
Sau những ngày tháng đấu tranh mệt mỏi, gặp những người thay trắng đổi đen, điều tôi bị mất lớn nhất là tôi không còn tin vào người khác nữa. Nay bỗng nhiên lời nói của cô hiệu trưởng như thức tỉnh tôi. Cuộc đời vẫn còn những người đàng hoàng, chân thật chứ không xấu như tôi nghĩ. Tôi vội nói với cô Hạnh:
_ Em hứa là sẽ cố gắng dạy vài năm rồi mới tính chuyện ra đi. Xin cô cứ yên tâm.
Cô Hạnh vui vẻ:
_ Vậy em qua thầy Minh, thầy sẽ sắp xếp thời khóa biểu cho em. Chúc em tìm được niềm vui ở trường này.
Đến bây giờ, tôi không quên được cảm giác lạ lùng, chỉ một câu nói nhẹ nhàng của cô Hạnh đã làm tôi lấy lại được niềm tin mà tôi tưởng đã mất từ thủa nào, quên bớt nỗi đau từ những đòn thù mà tôi phải lãnh trong thời gian qua.
Chính tôi cũng nghĩ tôi chỉ ở trường này chừng 2,3 năm rồi sẽ tìm xí nghiệp khác để làm vì tôi thích cuộc sống sôi động trong xí nghiệp, thích những trăn trở trong thiết kế, thích được làm những mặt hàng mới lạ, … Nhưng càng ở trường này, ý định rời trường của tôi càng bị tính cách lạ thường của cô hiệu trưởng làm lu mờ.
Khoảng 2 tháng sau khi tôi về trường, tôi lại được ‘diện kiến’ cô hiệu trưởng một lần nữa. Trưa hôm đó, tôi vào trường để tham dự đại hội công nhân viên chức. Cô Hạnh và cô Hoa (hiệu phó) đứng chờ sẵn trước phòng hành chánh.
_ Mời em vào phòng, chúng tôi có chuyện muốn bàn với em.
Cô Hoa nói trước:
_ Với tư cách là bí thư chi bộ, tôi đề nghị em rút tên khỏi danh sách đề cử vào ban thanh tra nhân dân.
Tôi ngạc nhiên:
_ Hôm họp tổ, em đã không đồng ý việc đề cử vào ban thanh tra nhân dân rồi. Tại sao tổ vẫn ghi tên em, em không biết. Em đồng ý rút tên ra khỏi danh sách này vì em đã từ chối ngay từ đầu rồi. Nếu em muốn thì em tự đứng ra ứng cử như em đã từng làm ở xí nghiệp. Trong trường hợp đó, chị không thể yêu cầu em rút tên được.
Cô Hạnh xen vào:
_ Em hiểu lầm chị Hoa rồi. Chúng tôi thấy em mới về trường chưa quen nhiều và nhiều người cũng chưa biết em nên mới đề nghị em rút tên. Nếu em muốn, sang năm, khi mọi người đã quen nhau rồi thì em cứ ra ứng cử. Như vậy chắc chắn hơn.
Khoảng một tháng sau, lại một lần nữa, tôi lại được mời vào phòng BGH. NHìn vẻ mặt nghiêm trọng của cô Hạnh và cô Hoa, tôi cũng giật mình không biết có chuyện gì nữa đây. Cô Hạnh ôn tồn nói:
_ Chỗ chị em với nhau, tôi mong em nói thật. Phải em có hai vợ không?. Tôi ngạc nhiên khi chị Hoa báo cho biết tin này.
Trời đất! Chuyện gì trên trời rớt xuống vậy? A! Tôi chợt nhớ hôm lãnh lương đầu tiên ở trường. Tôi cầm tiền lương và nói giỡn ‘Lương ít quá, chia cho hai bà thì làm sao sống đây’. Cô Ngoan, kế toán, ái ngại ‘Nếu em khó khăn thì làm đơn xin công đoàn trợ cấp khó khăn đột xuất cho’. Tôi cố tình giỡn tiếp bằng cách hỏi thể lệ làm đơn, tiền trợ cấp tối đa là bao nhiêu, … Chuyện chỉ có vậy thôi mà.
Tôi nói với cô Hạnh và cô Hoa:
_ Đây là chuyện em giỡn với cô Ngoan. Bây giờ em trả lời với mấy chị là không có cũng không được vì nếu tin thì các chị tin rồi. Còn nếu các chị không tin cũng sẽ không tin.
Cô Hạnh nói:
_ Chị muốn em xác nhận với chị. Chị tin lời em nói.
_ Em xác nhận là không có hai vợ. A! các chị cứ nghĩ trong thời gian đấu tranh vừa qua, nếu em có hai vợ thì em đã bị ‘chết’ lâu rồi.
_ Chị tin em. Thôi, em chuẩn bị lên lớp đi nhé.
Vậy là trong vòng vài tháng sau khi về trường, tôi đã gặp cô hiệu trưởng ba lần và vẫn ngạc nhiên về lòng tin của cô hiệu trưởng. Lúc đầu, tôi nghĩ chắc cô hiệu trưởng này thật thà quá, tin người khác một cách dễ dàng đến mức đáng kinh ngạc. Nhưng càng làm việc, tôi nhận ra không phải như vậy. Cô Hạnh rất nghiêm khắc trong công việc. Cô hiền từ nhưng cũng cương quyết với những sai trái của giáo viên hay công nhân viên trong trường.
Một lần, tôi đi từ sân trường lên hành lang giữa sau tiết dạy. Tôi thấy cô Hạnh đứng ngay bậc tam cấp. Cô hỏi tôi:
_ Sau một thời gian ở đây, em thấy trường này thế nào?
Tôi nói thật:
_ Em thấy không khí trường có vẻ trầm trầm, không sôi động như trong xí nghiệp.
Cô cười vui:
_ Tại em chưa quen ở đây thôi. Tôi thấy em ít nói chuyện với đồng nghiệp. Hình như em vẫn còn sốc vì chuyện cũ nên dè dặt với mọi người. Em hãy quên chuyện cũ đi, cứ hòa đồng với mọi người. Em sẽ thấy cuộc đời vẫn có nhiều người tốt. Tôi thấy em dạy tốt, nghiêm khắc với học sinh. Nhưng em nên nhớ nghiêm khắc phải đi kèm với lòng yêu thương với học sinh của mình. Việc giảng dạy ổn rồi, nhưng em nên tham gia vào các hoạt động của giáo viên trẻ, em sẽ vui hơn đó. Em ốm quá. Em cần giữ gìn sức khỏe hơn nữa.
A! Như vậy là cô hiệu trưởng cũng đã âm thầm để ý đến các hoạt động của tôi. Cô cũng quan tâm lo lắng cho sức khỏe của tôi (lúc về trường tôi chỉ nặng 43 kg). Cô đã cho tôi những lời khuyên quý giá, rất thật tình khiến tôi cảm động nhiều. Càng về sau, cô hiệu trưởng và tôi có nhiều cuộc nói chuyện cởi mở với nhau hơn. Nhờ vậy, tôi hiểu được nhiều điều mới lạ về cô. Cô quan tâm đến mọi người với tấm lòng nhân hậu, chân thật của một phụ nữ Việt Nam tiêu biểu. Cô vẫn mềm mỏng nhưng rất cương quyết với một vài giáo viên có vấn đề. Cô xử sự theo lý nhưng vẫn rất tình cảm. Điều này không phải dễ đối với một người lãnh đạo.
Một lần cô hỏi tôi về một câu hỏi trong SGK lớp 3 vì cô biết tôi thường kèm các con tôi đang học ở cấp một. Tôi cũng trình bày những bức xúc của mình về chương trình học có những điều chưa hợp lý. Nhiều khi tôi làm con tôi bị điểm xấu vì tôi dạy cho nó theo sự hiểu biết của tôi nhưng lại không đúng với đáp án của SGK. Cô trầm ngâm rồi thở dài:
_ Chương trình học nào đi nữa, điều cốt yếu là phải dựa vào yếu tố kết hợp giữa nhà trường và gia đình. Tôi và em là những nhà giáo mà không thể kèm con cháu mình tốt được thì chương trình quả là có vấn đề cần phải xem lại. Em cũng lạ thật, là dân kỹ thuật mà cũng chịu khó tìm hiểu về văn, tiếng Việt khá sâu. Em hay lắm đó. Không nhiều phụ huynh có thể tìm hiểu chương trình học của con mình như em đâu.
Sau gần một năm tôi về trường, một hôm cô trải lòng với tôi:
_ Trước đây, khi đọc báo về việc của em. Tôi nghĩ em rất dữ tợn khi dám đưa ra những sai trái của BGĐ xí nghiệp. Bây giờ tôi mới thấy em hiền quá, không ghê gớm như tôi nghĩ. Có lẽ lúc đó, em phải rất bức xúc nên mới làm như vậy. Tôi không rõ lắm về chuyện ở xí nghiệp em, nhưng với trực giác của một phụ nữ, tôi nghĩ em làm đúng. Khi em mới về, tôi nhận ra em vẫn như con nhím sẵn sàng xù lông với mọi người. Có lẽ điều làm em đau khổ nhất là em không còn tin vào người khác phải không? Bây giờ, tôi thấy vui vì nhận ra em đã lạc quan hơn trước. Em còn nhớ tôi nói với em lúc đầu em về trường này không? Tôi không sợ em vì tôi không làm gì sai. Tôi toàn tâm công hiến cho xã hội, không vụ lợi riêng tư nên lòng tôi thanh thản.
Tôi không ngờ cô cũng hiểu về tôi nhiều đến như vậy. Tôi đánh bạo hỏi:
_ Chị dốc sức cho việc nước thì việc nhà chắc cũng bị ảnh hưởng phải không?
Cô hiệu trưởng nhìn tôi chăm chăm:
_ Em hay làm tôi ngạc nhiên quá. Không ngờ em cũng để ý đến chuyện này. Thật ra, trong thực tế chưa có sự bình đẳng nam nữ hoàn toàn được. Một phụ nữ hoàn thành được việc nước phải bỏ công sức gấp đôi nam giới. Họ còn phải lo toan chuyện gia đình, lo cho chồng, cho con cùng lúc với lo việc nước. Không phải nam giới nào cũng thông cảm và hiểu cho nữ giới được. Không phải lúc nào tôi cũng giữ được vẹn toàn hai công việc song song này. Có những lúc tôi cũng bị đuối sức nhưng tôi vẫn cố gắng làm đến khi nào sức khỏe mình cho phép.
Tôi chợt nhìn lại cô. Tôi vô tình quá, không nhận ra những dấu hiệu mệt mỏi trên gương mặt cô. Tôi vội hỏi:
_ Hình như chị bệnh phải không?
Cô cười buồn:
_ Ừ! Nhưng không sao. Tôi vẫn làm việc được mà. Em nên lo cho sức khỏe của em thì hơn. Tôi thấy em vẫn ốm quá. Em phải chịu khó ăn uống đầy đủ hơn mới được.
Những ngày sau, tôi thấy sức khỏe của cô giảm sút nhưng cô vẫn làm việc bình thường. Rồi một ngày mà tôi nhớ mãi. Khi tôi vào trường, tôi thấy những nhân viên phòng hành chánh đang xôn xao.
Tôi bước vội tới hỏi có chuyện gì. Một cô ở phòng hành chánh nghẹn lời:
_ Cô Hạnh nhập viện rồi. Cô bị ung thư, giai đoạn cuối rồi.
Tôi bàng hoàng khi nghe tin sét đánh này.Số phận dành cho cô sao nghiệt ngã quá. Một người đem hết đời mình cống hiến cho xã hội, không chút vụ lợi, không than phiền những khó khăn mình gánh chịu. Vậy mà bây giờ cô phải chịu thua căn bệnh chết người này. Trời xanh chẳng bao giờ công bằng được, phải không cô Hạnh. Những ngày sau, tôi vẫn hỏi thăm tin tức của cô hiệu trưởng. Cô nhân viên hành chánh cho biết, ở giai đoạn cuối, cô phải chịu những cơn đau khủng khiếp. Bác sĩ đề nghị chích morphine để cô đỡ đau nhưng cô cương quyết từ chối. Cô Hạnh ơi, em biết tại sao cô từ chối chich morphine. Đến những giây phút cuối của cuộc đời, cô vẫn nghĩ tới người khác hơn là nghĩ cho mình. Cô muốn để những liều morphine đó cho những người khác mà cô nghĩ họ cần hơn. Cô thật cao thượng và can đảm.
Cô ra đi trong sự thương tiếc của mọi người. Tôi phải cố nén ngăn giòng nước mắt cứ chực tuôn trào. Cô Hạnh ơi! Cô là một trong số ít người em khâm phục. Cô dành hết cuộc đời mình âm thầm cống hiến cho xã hội. Em nghĩ cô không cần huân chương hay huy chương gì hết. Mà làm gì có huy chương hay huân chương nào có thể đánh giá được lòng tận tâm, hy sinh của cô đâu. Cô suốt đời chỉ muốn làm người công dân bình thường nhưng đối với em, cô là một ANH HÙNG. Một anh hùng thầm lặng. Đâu cần phải có một chiến công gì to lớn mới là anh hùng, phải không cô Hạnh!
Cô Hạnh ơi! Em đã giữ hơn lời hứa với cô. Em đã ở lại ngôi trường thân yêu này cho đến lúc sắp về hưu. Những lời khuyên chân thành của cô, tấm lòng hiền hậu của cô đã giữ chân em ở trường này cho dù em vẫn thích ra xí nghiệp. Những lúc em đứng trên bục giảng, nhìn những cặp mắt hồn nhiên của học sinh, em vẫn nhớ lời cô khuyên ‘Hãy thương yêu học sinh bằng cả tấm lòng của mình’. Em vẫn cảm nhận được đôi mắt của cô luôn dõi theo những tiết dạy của em. Em vẫn nghe thoang thoảng đâu đây lời của cô ‘Cố lên em nhé! Đừng nản lòng vì khó khăn em nhé!’
Cô Hạnh ơi! Em đã cố gắng như cô đã khuyên nhủ em. Em đã làm hết sức của mình để không phụ lòng tin của cô đối với em. Em mong cô sẽ thật thanh thản ở một cõi nào đó, mỉm cười hài lòng khi thấy đứa em, đứa học trò đã làm theo nhưng gì cô dạy. Hình bóng của cô La Thị Hạnh mãi mãi ở trong tim em. Một tấm gương sáng mà em hằng kính phục!
---
Comment