Announcement

Collapse
No announcement yet.

Truyện Thật Ngắn Giữa Tuần

Collapse
X
 
  • Filter
  • Time
  • Show
Clear All
new posts

  • #91
    BỮA CƠM TRƯA

    NGUYỄN THỊ NGA

    Hôm nay, khi đang ăn trưa ở một quán bình dân, tôi thấy một bác bán đồng hồ treo tường dạo, khoảng gần sáu mươi tuổi cũng ghé vào. Nhưng bác ấy chỉ gọi một ly trà đá, rồi lấy ra một bịch bốn năm củ khoai lang nhỏ ngồi ăn.

    Nhìn vẻ mặt khắc khổ và mệt nhọc của bác, tôi thấy nao lòng.

    Bất giác, tôi nghĩ đến ba tôi nay cũng đã gần sáu mươi. Vẫn với túi đồ nghề thợ hồ, ba lặn lội khắp nơi, chắt mót từng đồng gởi về cho tôi ăn học. Đã bao giờ tôi chợt hỏi đến bữa cơm trưa của ba ...

    LÒNG TỐT

    NGUYỄN THÁNH NGÃ

    Tốt nghiệp Sư phạm, tôi đi vùng sâu. Trường cử lên tỉnh mua sách hộ các em, tôi tính cả tiền xe vào đó. Thuở ấy lương giáo viên còm cõi, tôi có biết chút ít về thuốc nên định bụng sẽ mua thuốc về bán thêm kiếm chút đỉnh. Một hôm tôi trượt chân té xuống con suối. Đồng bào dân tộc đã vớt tôi lên. Học trò tôi đi bộ 30km mua thuốc băng bó vết thương cho tôi. Các em đem tặng tôi thịt rừng và cá suối ăn không hết. Chỉ tính phần quà không thôi, giá trị gấp ngàn lần những viên thuốc tôi định bán cho họ...

    NGOÀI GIỜ

    ĐỨC NAM

    Chị bước vào quán, kín đáo nhìn quanh như tìm người quen... Rồi chị lấy xấp vé số giấu trong giỏ ra, nhẫn nại rao khắp bàn...

    Chị nhỏ nhẹ mời, lặng lẽ rút khi khách lảng đi.

    Tôi gục mặt trên bàn bia... muốn mua nhiều vé số mà không ngẩng bên được!...

    Chị là bạn vợ tôi, trước dạy cùng trường...

    MẸ

    BÙI PHƯƠNG MAI

    Chồng tôi từ sơ sinh đã ở trại mồ côi. Nghe kể, khi mới vào khóc nhiều nhất phòng trẻ.

    Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc tự tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con.

    Anh đã khóc rất nhiều.

    Hôm nay, anh 50 tuổi. Được tin mẹ từ Pháp về đăng báo tìm con. Anh lại khóc. Hỏi: Tại sao khóc? Anh nói: - Tội nghiệp mẹ, 50 năm qua, chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh ...

    Comment


    • #92
      Mẹ tôi

      Nguyễn Thánh Ngã

      Mẹ sinh tôi giữa ruộng bùn vì lúc có mang tôi cũng là lúc gia đình lâm vào túng quẫn, mẹ đi cấy thuê lặn lội đồng sâu nước độc nên sinh tôi thiếu tháng. Tôi ốm đau èo uột. Mẹ thường cõng tôi qua sông đến nhà thầy thuốc. Tôi khỏe. Nhưng mẹ phải còng lưng ba năm trời để trả nợ.

      Lớn lên tôi định bỏ học đi làm sớm. Mẹ quyết nhịn ăn bắt tôi đến trường. Mẹ là tấm gương soi suốt đời tôi.

      Nghĩa tình

      Nguyễn Quang Lâm

      Bố bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường. Em phải xin nghỉ việc để về nhà phụ mẹ chăm sóc bố. Hơn năm sau, bố mất. Em lại phải đi làm xa kiếm tiền gởi về cho mẹ trả nợ nần, thuốc men. Mãi bươn chải vì chén cơm manh áo, hơn ba mươi tuổi vẫn chưa lập gia đình.

      Anh hai giục mẹ bán nhà ra ở với ảnh, có dâu có cháu cho vui tuổi già.

      Ngày về căn nhà ngày xưa đã đổi chủ, em chỉ còn biết khóc.

      Ngậm ngùi

      Unknown

      Ba mất nửa năm, má dẫn hai con nhỏ về quê. Xin được mảnh đất hoang, cùng mần cỏ, dọn nền, lối xóm lạ hoắc tới tiếp dựng mái lá ở tạm. Tối, má gói bánh – nấu. Sáng, hai nhỏ út bưng bán. Má mượn xuồng đi chợ, áo thâm kim, nón lá rách.

      Anh Hai ở Sài Gòn, thành đạt, giàu. Hôm về quê, anh đi dọc bờ sông, má thấy, bơi xuồng riết theo, goi tên con hụt hưởi. Anh ngoái nhìn rồi quay mặt đi tiếp. Má tủi, gạt dầm, cúi mặt khóc. Nước mắt má làm xuồng quay ngang!

      Mẹ và con

      Unknown

      Con lên ba, chơi bên nhà dì, bị xe đạp ngã, trúng đầu chảy máu. Mẹ đang nấu cơm, hốt hoảng bế con chạy ngay đến bệnh viện. Hú vía. Vết thương chỉ nhẹ bên ngoài thôi. Hoàn hồn, mẹ nhìn lại mình: chân không dép, quần ống cao ống thấp, áo loang lổ vết máu. Chả giống ai! Mẹ cười.

      Con lớn, mẹ bỗng bị chứng nặng tai. Lần lữa mãi, mẹ mới nhờ con đưa đi khám bệnh. Bác sĩ bảo: Để quá lâu, hồi phục thính lực cũng khó. Nhìn mặt mẹ ngơ ngẩn, con khóc.


      Comment


      • #93


        MÙI CỦA MÁ

        (Ngô Văn Vĩnh)

        Chị Năm gánh hàng bán bên kia sông Hậu. Chiều, trời bão chị ngủ lại nhà người quen. Chạng vạng, ở nhà ai cũng lo lắng. Tối. Sau khi ăn bữa cơm chiều muộn, anh Năm ru bé Tuấn trên võng, ba chị em Hồng Diệu nằm nhớ má trên giường. Bỗng Hồng Tươi kéo chiếc áo cũ sờn của má đưa lên mũi hít một hơi dài. Hồng Thắm, Hồng Diệu cũng giựt chiếc áo: “Em hửi miếng...”, “Tao hửi với...”. Chúng nó hít thật sâu mùi thân quen của má. Anh Năm ru con không thành lời.

        NGÀY SINH NHẬT ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG

        (Diệu An)

        Chưa đến ngày sinh nhật, còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.

        Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?

        Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?

        Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào?

        Vậy là cả con, dâu, cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia mộ cho ông.

        Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông.

        NGHỀ CỦA MẸ

        (Võ Thành An)

        Mẹ tôi làm nghề bán cá. Mùa nước nổi mẹ bán cá linh. Cá linh đưa lên bờ mau chết dễ sình, nên xuống bến mua cá xong mẹ phải chạy rao bán khắp xóm. Có lần mẹ đội thau cá đồng trước cổng trường tiểu học nơi tôi học, ở ngoài rào mẹ ngoắc tôi đến, cốt đưa cho gói xôi, cái bánh...

        Mấy năm học xa, tôi không cho ai biết mẹ làm nghề bán cá.

        Nay về, giữa mênh mông đồng nước quê mình, tự thấy như chưa bao giờ tròn chữ hiếu cùng mẹ.


        Comment


        • #94
          BẠN CŨ!

          Tâm Phạm

          Thời thơ ấu đã xa. Hành trình đến nửa đời người. Cái ta cần nhất vẫn là tình bạn!

          Bạn cũ lâu ngày gặp lại, quý hơn bắt được vàng.

          Đứa chững chạc điềm đạm. Đứa quá tự tin, đứa lại tự ti thái quá...Đứa qua mấy mươi năm bản tính cũng chẳng đổi dời.

          Đứa đẹp xinh mặn mà, đứa quắt queo vì không may mắn.

          Đứa sống theo phong cách Tây hóa dù chẳng là gì , đứa bình dị chân quê dù cuộc sống và địa vị cao ngất ngưởng.

          Đứa đi nước ngoài tu nghiệp, kẻ sang ấy chỉ để lao động kiếm cơm.

          Đứa thành đạt đi khắp nơi trên thế giới, đứa Tiến sĩ, Thạc sĩ, đứa Bác sĩ, Luật sư, ... đứa khốn khó vất vả chẳng có nổi một mái nhà.

          Đứa có cuộc sống quá là hạnh phúc, đứa gãy gánh giữa đường, vài đứa đã sang thế giới bên kia mãi mãi.

          Bạn cũ gặp lại nhau cảm xúc ùa về!

          Thằng Nông Dân chỉ mặt con Thạc sĩ: Mày còn nhớ tao không, ngày xưa tao vẫn hay cho mày coppy bài mỗi khi đến lớp. Những tràng cười dòn tan.

          Đứa làm cán bộ sang chảnh, gặp lại đứa bạn bán rau. Bán tao mớ rau, nó cười tít, tao chỉ tặng cho mày.

          ...

          Ngày hôm xa, đứa bạn gọi điện : tao sắp về, mày đón nhé. Dẹp tất cả mọi thứ sang bên, đón bạn hiền. Nó bảo, mày gọi đám bạn cũ dẫn tao ăn quà vặt, cho thương nhớ ngày xưa nó đỡ cồn cào. Ngồi với nhau kể chuyện ngày xưa. Cười mà đầu mũi cứ cay cay. Bạn ơi, thương quá!

          Thằng bạn thân đi nước ngoài như đi chợ, từ Sài Gòn về bảo. Sao mày rảnh thế, ngày nào cũng đến đón tao cafe. Mình trả lời: Lao động cả đời, mày về chỉ vài ngày tao bỏ công việc sang một bên. Giàu nghèo không chỉ vì lao động trong vài bữa.

          Đứa làm việc ở Mỹ về, gọi một đứa bạn của mình. Mày tập hợp lũ bạn cũ đón tao. Tao đã về. Nhớ đãi tao bằng những món ABC theo yêu cầu vì tao không quen....

          Bạn cũ! Mỗi người một tính cách, dẫu gì cũng đã là bạn mấy mươi năm.

          Thương đứa bạn nhận được cuộc gọi đã chạy bở hơi tai, không kịp thay bộ quần áo sang trọng chỉn chu, để đi đón đứa bạn ở nước ngoài về cho "phải đạo".

          Gặp mình nó hỏi, mày nhìn giúp xem tao có mặc áo trái không? Cười và thương cái giản đơn của bạn.

          Ngày xưa ơi, sao quá ngọt ngào!

          Và nay,

          Dù vì cơm áo gạo tiền có bôn ba vất vả.

          Dù hạnh phúc hay bất hạnh trong cuộc sống đầy áp lực bon chen.

          Dù bạn có hiện đại, cao sang hay bình dị, nghèo nàn.

          Xin hãy nhớ một điều, tất cả chúng ta từng là bạn.

          Đừng làm tổn thương nhau, hãy chia sẻ, cảm thông nếu có thể.

          Cuộc sống là một hành trình. Dù có leo cao, đào sâu, đi nhanh hay chậm. Rồi tất cả chúng ta sẽ về cùng một chốn.

          Cát bụi tạo ra ta và ta sẽ là cát bụi. Cần lắm những tấm lòng, ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI!

          Comment


          • #95
            SAU TRẬN CHIẾN

            TRẦN THANH HẢI

            Trong buổi cứu trợ lũ lụt, họ chợt nhận ra nhau. Ký ức xưa ùa về. Ngày đó, sau trận giao tranh khốc liệt, anh bị thương khá nặng. Bên một con rạch nhỏ, anh đã gặp người sĩ quan khác chiến tuyến ấy nằm thoi thóp. Căm hờn sôi sục, anh nghiến chặt răng, đặt tay lên cò súng. Thế nhưng... “Tỉnh lại, thấy anh ngất lịm cạnh tôi với hai khẩu súng đều tháo đạn, tôi chợt hiểu. Tôi đã nợ anh, nợ mảnh đất này một tấm lòng!”

            Hai người lính già ôm chầm lấy nhau, cười vang cả bến sông.

            KHÓA LÒNG KHÓ MỞ

            Unknown

            Sau khi mãn hạn tù vì bị án trộm cắp, chàng thanh niên trở về quê làm nghề thợ mộc và nhất quyết làm lại cuộc đời.

            Một hôm, bà hàng xóm làm mất chìa khóa khi đi ra chợ, trong lúc con mọn còn ở trong nhà. Nhiều người hàng xóm đến giúp bà mở khóa nhưng không được. Sau đó họ phải tìm đến người thanh niên có tài mở khóa trộm rất hay, lúc đầu anh ta một mực từ chối, nhưng cuối cùng mềm lòng vì thuơng mấy đứa trẻ khóc chờ Mẹ trong nhà... Anh ra tay và mọi người trố mắt kinh ngạc trước tài mở khóa.

            Hôm sau, anh ta phát hiện tất cả những cánh cửa các nhà lân cận đều được gắn thêm một ổ khóa. Người thanh niên buồn bã lại bỏ quê ra đi làm công kiếm sống. Anh ta tự nhủ: "Khóa lòng khó mở!".


            Comment


            • #96
              Tính Cách

              Nguyễn Thị Hoài Thanh

              Mẹ tôi buôn bán, chai lì trước cán cân cơm áo nhưng mẫn cảm trong nghệ thuật. Những nước mắt tình buồn phim ảnh, những sụt sùi số phận cải lương, bà hồn nhiên " ăn theo" một cách ngon lành. Có lần, cha tôi giỡn:

              - Coi chừng trôi ti vi ...

              - Còn sách ông chưa viết ra đã hoá đá - Mẹ tôi trả miếng - Thế cũng mang danh nhà này, nhà nọ.

              Một hôm, đang bữa ăn, bỗng nhiên mẹ tôi hớn hoá phốc ra chặn đường con bé bán trứng vịt lộn.

              - mày biến đâu tài thế. Hì! có chui xuống đất cũng gặp tao- Bà vừa nói vừa giằng mủng trứng, đếm lấy trừ nợ.

              - Dì ơi, cho con khất, mẹ con ốm!

              - Nhà này cũng đang ốm đây - Mẹ tôi cười bù - Khỏi bẻm mép.

              Con bé chưng hửng, lã chã nước mắt nhìn cái mủng không, rồi bưng lên, xiêu vẹo bước đi ...

              Cha tôi cám cảnh, quay mặt, rút khăn mùi soa chấm mắt.

              Lâu sau, ti vi phát vở kịch " Cô bé nghèo bán trứng bị xiếc nợ ". Lúc ấy, mẹ tôi lại khóc, còn cha tôi thì cười.

              ĐÀNH THÔI

              Unknown

              Ngày đó, yêu em mà không dám nói. Cứ chiều chiều tan lớp, ngồi đợi em về trong một góc quán cà phê đầu ngõ. Em thôi không học nữa. Tôi quyết định viết thư tỏ tình. Thư viết chưa xong, em theo chồng xa xứ. Lá thư tình viết dở dang tôi còn giữ đến tận bây giờ.

              Sáng qua, ngồi trên ghế xử ly hôn, ngỡ ngàng thấy em ôm con ngồi bên dưới, mắt đỏ hoe. Tối về, lục lại trang thư cũ định viết tiếp. Tìm mãi, không có cây bút nào trùng với màu mực cũ…

              Đổi thay

              Unknown

              Hồi nhỏ ba mẹ ở quê, chị đi làm lo cho em học. Sinh nhật chị, em nối chỉ vỏ xe dành dụm tiền tặng chị cái nón. Chị rất vui, cảm động ôm hôn em.

              Thời kinh tế thị trường, em giàu lên. Mua gì cho chị cũng chê. Sinh nhật chị, nhớ ngày xưa em lại tặng nón.

              - Xì ... giàu thấy mồ mà tặng nón!

              Chị kể lể công lao, giận dỗi ...

              Em tiếc ngày xưa, dấu mặt vào tường lặng lẽ khóc.


              Comment


              • #97
                LẦM

                (unknown)

                Cứ mỗi lần chuyển từ trại tù này sang trại tù khác, các tù binh phải qua một cuộc khám xét tư trang rất nghiêm nhặt. Và mỗi lần bị khám, cái máy trợ thính nhét trong tai hắn lại bị tịch thu với lời cáo buộc: “Đã vào tù mà còn mang máy nghe lén”.

                Vật bị thu và trả lại tái diễn nhiều lần, đã làm hắn thật sự bực mình. Nên trong đợt khám xét ngày hôm qua, khi cai tù cầm chiếc máy trợ thính trong tay và hỏi hắn :

                - Tại sao anh cứ ngoan cố mang cái máy này?

                Hắn nổi quạu ,đáp cộc lốc :

                - Tui điếc.

                - Điếc sao còn bị bắt đi lính?

                Sẵn đang quạu, hắn phang luôn :

                - Anh lầm ! Thằng Điếc và thằng Dốt mới là những thằng lính tốt nhất.

                CẢM NHẬN

                (unknown)

                Trong Quán café Bằng Hữu, tiếng hát Thái Thanh dịu êm với bài Dòng Sông Xanh. Ánh sáng của những ngọn nến nhạt vàng, chia không gian ra từng ô nhỏ tròn tròn. Trong tâm điểm của từng vùng tròn, rực lên màu đỏ của những đóa hồng trên nền một đốm pha lê lấp loáng.

                Bỗng dưng Khôi nghĩ đến hạnh phúc của từng góc đời, như bóng tối vô cùng vây quanh một khát vọng chói sáng hạn hữu. Không hẳn là hầu hết, nhưng riêng chung vẫn tồn tại cái cần có muốn đạt đến nhỏ hơn sự trầm uất vây phủ. Khôi chồm lên, thổi tắt ngọn nến, bóng tối phập xuống,và Khôi rùng mình trong cái lạnh vừa theo người khách ùa vào Quán. Lời hát của Thái Thanh cũng vừa dứt với tiếng ngân cuối.

                Comment


                • #98


                  Lời Cuối

                  Phạm Vỉnh Đông

                  Chiều chiều ra đứng ngỏ sau

                  Nhớ về quê mẹ. ruột đau chín chiều

                  Ca dao


                  Chuông điện thoại reo vang, giật mình, như cái máy, tay bật đèn đầu giường , mắt nhìn đồng hồ : 12 giờ 30 đêm. Chờ đến tiếng thứ ba mới nhấc điện thọai.

                  Giọng thằng em từ quê nhà lạc lỏng buông xuôi :

                  - Má xấu quá rồi, không còn biết gì nữa ! Anh nói với Má vài tiếng đi.

                  Tôi tuyệt vọng :

                  - Má đâu còn nghe được!?

                  Thằng em nài nỉ :

                  - Anh nói với Má vài tiếng đi , Má còn chờ anh đó!

                  Tôi nghẹn ngào trong điện thoại như một lời tạ tội:

                  - Má ơi, con không về kịp, thôi Má hãy đi đi, đừng chờ con nữa!

                  Mười lăm phút sau, chuông điện thọai lại reo vang, giọng thằng em nảo ruột : "Má đã ra đi !"

                  Dìu Em

                  Khiêm Cung

                  Ngày cưới anh dìu em lên xe hoa, rồi dìu em lên tột đỉnh hạnh phúc, dìu em qua khỏi chốn hiểm nguy để em đừng than trách “đàn bà đi biển mồ côi một mình”. Anh dìu em trên đường đời vạn nẻo, bằng phẳng hay chông gai, cay đắng hay ngọt bùi. Bây giờ gánh nặng làm vợ, làm mẹ khiến lưng em còng, gối em mỏi, anh dìu em lên cao, anh dìu em xuống thấp, dìu em đi dọc, đi ngang.

                  Sắp nhỏ nói :

                  -Hai bác già mà còn mùi.

                  Đừng mắc cỡ em ơi ! Yêu nhau là dìu nhau suốt đời !

                  Hồi Chuông Lạc Đạo

                  Lý Phước Nhương

                  Lão đã neo con thuyền trên cái bến cùng khổ này hơn ba mươi năm nay. Khi lão chợt nghe những hồi chuông công phu vọng lại từ lưng chừng núi. Con trăng xế và những hồi chuông, đã làm cho lão sáng mắt sáng lòng. Lão thật mát lòng , mát dạ khi tìm được chỗ "an bần" để sống hết những chuỗi ngày còn lại . Nhưng chẳng biết từ lúc nào,lão không còn nghe được nhửng hồi chuông như vậy nữa. Mặc dầu bây giờ chùa ngày càng to chuông ngày càng lớn, thiện nam tín nữ ngày càng đông.

                  Sau biết bao đêm trằn trọc, lão mói vở lẽ ra rằng, ngày trước Sư ông trụ trì lòng luông thanh thản, đạo đời hai đường phân minh, nên đã truyền được cái ý cái tâm thanh tịnh của người tu hành vào tiếng mỏ hồi chuông. Còn bây giờ các sư đánh chuông dường như đánh vào khối sắt.

                  Đêm nay cũng con trăng này như ngày lão đến, lão quyết ra đi, đi khỏi cái nơi không còn "an bần" này nữa. Với con thuyền nhỏ nhoi lão sẽ đi dù phải đi cùng trời cuối đất để tìm hồi chuông lạc đạo


                  Comment

                  Working...
                  X